Friday, October 12, 2012

Hạ bệ lãnh đạo cao cấp kiểu Trung Quốc

Các kiểu hạ bệ lãnh đạo cao cấp TQ thường làm chúng ta đi từ bất ngờ, sửng sốt đến kinh ngạc và có phần “thán phục”. Có kiểu hạ bệ nhanh, lại có kiểu hạ bệ chậm. Có kiểu hạ bệ trực tiếp, lại có kiểu hạ bệ gián tiếp. Có kiểu hạ bệ bình thường, lại có kiểu hạ bệ bất thường. Có kiểu hạ bệ làm ra vẻ “dân chủ” – họp hội nghị TW, phê phán, vạch trần khuyết điểm, lại có kiểu hạ bệ “phản dân chủ”. Có kiểu hạ bệ buộc đối phương “tự nguyện” rút lui, lại có kiểu hạ bệ đột ngột, như một cuộc đảo chính, bắt giữ toàn bộ đối phương. Thật là phong phú, đa dạng, đáng tìm hiểu, nhất là trong bối cảnh “chính trị thế giới” hiện nay.

Lâm Bưu – người thừa kế Mao Trạch Đông đã được ghi vào Điều lệ đảng, trong một lần diễn thuyết trước Bộ chính trị đã phân tích rất hay về cuộc đảo chính lần thứ 62 tại khu vực Á- Phi – Mỹ latinh: vật tự nó thối rữa trước, rồi mới sinh giòi bọ. Đề phòng đảo chính phản cách mạng thì vấn đề chính là nắm chắc nhân tố trong nước. Giữa Trung ương và địa phương thì lấy Trung ương làm chính, giữa trong nước và ngoài nước thì lấy trong nước làm chính, giữa trong đảng và ngoài đảng thì lấy trong đảng làm chính, giữa trên và dưới thì lấy trên làm chính. Trọng điểm là trong nội bộ, là ở thượng tầng. Đó chính là đối sách của TQ.

Mặc dầu vậy, ông ta cũng không tránh khỏi bị Mao hạ bệ khi bộc lộ dã tâm đòi chiếm quyền Mao. Nhưng tất nhiên hạ bệ Lâm là việc không đơn giản. Mao nói với Chu Ân Lai, Lâm Bưu nắm quân đội, ông ta nghĩ có thể ra giá với tôi. Nhưng tôi sẽ không trả giá, xem hắn ta sẽ làm gì nào?

Mao chọn chiến thuật không đánh trực diện vào Lâm mà đánh vào các tướng tá, trợ thủ của ông ta trước. Đầu tiên là buộc Trần Bá Đạt phải kiểm thảo tại Hội nghị Trung ương, chưa chỉ ra đích danh Lâm Bưu, dù ai cũng biết Lâm đứng sau Trần. Rồi tiếp đó cho phê phán bốn viên đại tướng của Lâm là Hoàng, Ngô, Lý, Khưu. Lâm Bưu ngày càng thấy rõ, rất có thể trong thời gian sắp tới, mình sẽ bị hạ bệ. Vậy cần phải nhanh chóng ra tay trước. Trong khi đó, Mao tiếp tục làm rối loạn sự bố trí đội ngũ của Lâm Bưu. Mao tuần du phương Nam, dọc đường thường triệu tập các lãnh đạo địa phương để nói chuyện, bóng gió đề cập việc phải xử lý Lâm. Mặc dù nhấn mạnh là phải giữ bí mật các cuộc nói chuyện, song lại có ý để mạng lưới nghe trộm của Lâm nghe được và cấp tốc truyền toàn bộ tin tức về Bắc Đới Hà, Tổng hành dinh của Lâm. Sự hốt hoảng của Lâm đã dẫn tới việc ông ta cùng vợ con lên máy bay chạy trốn và bị rơi trên đất Mông Cổ.

Một cuộc hạ bệ gián tiếp, Lâm Bưu chưa ra trận đã thua rồi. Tin tức về cái chết của Lâm được dấu kín đến nỗi vào ngày Quốc khánh TQ, trên lễ đài Thiên An Môn, hoàng thân Sihanouk còn chúc Chủ tịch Mao và Phó Chủ tịch Lâm “vĩnh viễn mạnh khỏe”! Nghe vậy, Chu Ân Lai mỉm cười.

Lâm Bưu (bên trái) đứng cạnh Mao Trạch Đông (bên phải), 1936, thời còn đồng lao cộng khổ

Và đây, vài cuộc hạ bệ trực tiếp lãnh đạo cao cấp TQ. Tháng 12.1965, Trung ương đảng họp hội nghị bất thường, nói là để xem xét tình hình trước mắt, thực ra là để bất ngờ tập kích La Thụy Khanh, Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân TQ. Ông ta hoàn toàn không chuẩn bị, bước vào hội trường còn cười đùa vui vẻ. Hội nghị vừa khai mạc thì Bành Chân đập bàn nói, La Thụy Khanh, anh đã phạm sai lầm, hôm nay trước hết để cho anh tự xử mình. La Thụy Khanh sừng sờ, cả buổi họp cứ ngơ ngơ ngác ngác.

Thế nhưng, chưa đầy nửa năm sau, sự việc giống hệt như thế lại xẩy ra với Bành Chân. Tại hội nghị Bộ chính trị, Lưu Thiếu Kỳ nghiêm mặt nói: “Vấn đề đồng chí Bành Chân vô cùng nghiêm trọng, là tạo ra một vương quốc độc lập với Trung ương đảng, là phản bội Mao chủ tịch. Tôi cảnh cáo đồng chí, hôm nay chớ nuôi ảo tưởng, hãy thật sự hối cải, nếu không số phận sẽ như La Thụy Khanh vậy”. Bành Chân hoàn toàn bị bất ngờ.

Chưa đầy nửa năm sau, sự việc giống hệt như thế lại xẩy ra với Lưu Thiếu Kỳ. Tại hội nghị Trung ương, Trần Bá Đạt phát biểu: “Mấy chục năm qua, Lưu Thiếu Kỳ luôn vỗ ngực là nhà lão thành cách mạng. Tôi thấy ông ta không phải lão thành cách mạng mà là lão bại cách mạng”. Kết cục tất yếu diễn ra sau đó là Lưu Thiếu Kỳ bị hạ bệ.

Và rồi sau đó, sự việc giống hệt như thế cũng lại xẩy ra với Trần Bá Đạt – nhà lý luận “thiên tài” của ĐCS TQ,  chuyên gia thảo các báo cáo chính trị cho Đại hội đảng, như phần trên chúng ta đã nói tới.

Còn việc hạ bệ Đặng Tiểu Bình, người ba lần vào ra Trung Nam Hải đã quá nổi tiếng, có lẽ chúng ta không cần điểm lại nữa. Cứ mỗi lần bị hạ bệ lại là một lần ông ta đứng dậy, lần sau leo cao hơn lần trước. Thật là một “kỳ tích” về chính trị xưa nay chưa từng có!

Đặng Tiểu Bình coi Chu Ân Lai như người anh Cả. Tháng 9.1975, Đặng đến bệnh viện hội ý công tác với Chu lúc này đang chữa bệnh. Đặng báo cáo với Chu nhóm Giang Thanh bày trò bình luận Thủy hử để nhằm vào Thủ tướng. Giang Thanh phát biểu, “cái nguy hiểm trong Thủy hử là hạ bệ Tiều Cái. Hiện nay có người muốn hạ bệ Mao chủ tịch hay không? Tôi cho là có đấy”. Đặng nói tiếp, mọi người đều không chịu nổi mụ ta nữa. Nếu sức khỏe Mao chủ tịch cứ ngày một xấu đi, anh em chúng tôi muốn dùng biện pháp “bức vua thoái vị”. Chu nổi giận, mắng Đặng, những chuyện như thế, ngay đến nghĩ thôi, anh cũng không được phép. Tôi kiên quyết phản đối cái trò làm loạn kiểu đó. Đặng im lặng, sau đó mới nói mọi người bàn như thế là do xuất phát từ lòng yêu quý Chu. Nếu Thủ tướng không tán thành, anh em sẽ không có hành động gì. Đặng lại đọc một đoạn bình luận Thủy hử của nhóm Giang Thanh và nói với Chu, mấy câu này chẳng phải là kêu gọi người ta lật đổ Mao chủ tịch hay sao?

Chu Ân Lai lắc đầu, nói với Đặng:

- Anh đừng nói nữa, về lĩnh vực văn chương, anh chỉ là hạng học trò dốt. Anh đâu biết lợi dụng lịch sử để phục vụ hiện tại. Dụng ý của Mao chủ tịch, tôi hiểu rất rõ. Trước vấn đề phức tạp loại này, chúng ta phải im lặng.

Thế nhưng, sau khi Mao chết, bấy giờ Đặng bị giam lỏng, vẫn bí mật liên lạc với Diệp Kiếm Anh bàn biện pháp giải quyết “bè lũ bốn tên”. Cuộc đấu tranh giành quyền lãnh đạo tối cao TQ, ngay sau khi Mao vừa nằm xuống giữa liên minh Diệp Kiếm Anh – Hoa Quốc Phong và “bè lũ bốn tên”: Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều, Giang Thanh và Diêu Văn Nguyên diễn ra lúc thì âm thầm, lúc thì công khai nhưng hết sức quyết liệt.

Vấn đề đặt ra đối với liên minh Diệp Kiếm Anh – Hoa Quốc Phong là giải quyết “bè lũ bốn tên” bằng cách nào?

Có người muốn đưa ra hội nghị Trung ương mở rộng để giải quyết “bè lũ bốn tên”. Diệp phân tích đặc điểm tình hình, nhấn mạnh đây là cuộc đấu tranh một mất một còn, vượt trên phạm vi nội bộ đảng, không thể giải quyết bằng biện pháp đấu tranh tư tưởng thông thường được nữa. Song, phải hết sức tranh thủ giải quyết hợp pháp, tránh dẫn đến rối loạn. Sau khi bí mật bàn bạc với một số Ủy viên Bộ chính trị và  lão thành cách mạng, Diệp quyết định dùng biện pháp đặc biệt, bắt giữ “bè lũ bốn tên”, rồi họp ngay Bộ chính trị, báo cáo tình hình. Binh quý ở chỗ thần tốc, âu cũng là do hoàn cảnh, đúng sai hãy để lịch sử phán xét!

Nếu chỉ họp hội nghị Trung ương, phê phán, bỏ phiếu tín nhiệm, liệu có giải quyết được vấn đề “bè lũ bốn tên” không? Lịch sử đã có câu trả lời.

Bè Lũ Bốn Tên hay Tứ Nhân Bang, bị đưa ra trước tòa vì thua trong việc tranh chấp quyền lực

Tháng Mười 7, 2012 — Lê Mai

https://lemaiblog.wordpress.com/2012/10/07/ha-be-lanh-dao-cao-cap-kieu-trung-quoc/#comment-3619

Bình luận:

Có người nhận xét tại Trung Quốc, ai nắm quân đội thì nắm quyền lực, tại Liên Xô ai nắm mật vụ thì nắm quyền lực. Mao đã lỡ giao binh quyền cho Lâm Bưu rồi thấy Lâm Bưu định lật mình nên phải loại bỏ vây cánh của Lâm Bưu dần dần để cuối cùng Lâm Bưu như hổ bị cắt cánh, phải bỏ trốn. Lâm bưu nắm quân đội nên việc hạ Lâm Bưu khó khăn và chậm.

Việc hạ bệ lần lượt đám La Thụy Khanh, Bành Chân..., có thể là Mao đã có ý định hạ bệ tất cả từ trước nhưng nếu hạ bệ tất cả cùng một lúc thì sức chống đối sẽ rất mạnh nên Mao dùng cách bẻ đũa bẻ từng chiếc. Đây là chiến thuật Mao hay dùng. Thời Cải Cách Ruộng Đất, Mao đầu tiên đánh địa chủ và bảo phú nông, trung nông là bạn của bần nông nên không đánh. Phú nông, trung nông thấy mình được thoát nên góp sức đánh địa chủ để tỏ lòng trung thành. Sau khi đã đánh địa chủ thì đánh phú nông và bảo trung nông không việc gì. Sau khi đánh phú nông thì đánh nối trung nông. Như thế cuối cùng là tan nát cơ cấu xã hội cũ của Trung Hoa.

Đặng Tiểu Bình có Diệp Kiếm Anh nắm quân đội đi theo nên ra tay bắt luôn bọn Bốn Người, không cần phải họp để có sự đồng ý của Trung Ương Đảng. Đã nắm quân đội trong tay rồi thì Trung Ương Đảng cũng phải nghe mà thôi.

Những gì họp tại hội nghị Trung Ương chỉ là phản ảnh những gì xảy ra ở bên ngoài. Ở ngoài là ai có quyền bắt ai thì trong hội nghị trung ương kẻ có quyền bắt người là kẻ có tiếng nói mạnh và được bỏ phiếu ủng hộ.

Đúng ra thì người được chọn làm lãnh đạo tối cao trong đảng phải được chọn theo thể thức bầu dân chủ trong vòng trung ương đảng. Tuy cách chọn lãnh đạo không do toàn dân bầu lên nhưng cũng là được bầu trong phạm vi hẹp là trung ương đảng, gồm vài trăm ủy viên. Nhưng trên thực tế thì cách làm của Mao Trạch Đông cũng như của Stalin là dùng quyền mưu, thủ đoạn và bạo lực để đoạt lấy quyền lãnh đạo đảng chứ không theo thể thức bầu dân chủ trong trung ương đảng.

Để làm được cách này, Stalin khi còn ngắm nghé ghế tổng bí thư đã tìm cách lôi kéo người cầm đầu mật vụ KGB theo mình. Khi đã nắm được người đứng đầu cơ quan mật vụ Stalin dùng mật vụ vu khống, bắt giết các đảng viên không theo mình. Các đảng viên trong trung ương đảng không ủng hộ Stalin đều bị bỏ tù hoặc giết, như thế tất nhiên trong trung ương đảng chỉ còn toàn là những đảng viên chịu bỏ phiếu tín nhiệm Stalin mà thôi. Trong thời gian làm lãnh tụ, Stalin đã thay nhiều người cầm đầu cơ quan mật vụ KGB. Khi thấy ai không còn trung thành, nghe lệnh mình nữa, Stalin giết đi rồi thay bằng người khác. Các làm của Mao thì cũng chẳng khác Stalin là bao nhiêu.

Lối dùng mưu mô, thủ đoạn và bạo lực để duy trì quyền lực của Mao và Stalin là cách các vua chúa dùng để củng cố quyền lực cho mình. Theo Hàn Phi Tử, một chính trị gia theo phái pháp gia thời Chiến Quốc thì vua phải biết dùng thủ đoạn để dò xét và nắm các quan. Nếu không các quan sẽ không nghe lời và có thể lật vua, giết vua. Giữa vua và các quan là quan hệ danh lợi, quyền mưu và thủ đoạn để đối phó với nhau chứ không phải là tôn quân, trung thành như theo quan niệm Nho Giáo.

Do đâu mà một đảng cách mạng như đảng Cộng Sản rốt cuộc đi đến chỗ đấu đá quyền lực, đồng chí dùng quyền mưu thủ đoạn với nhau như vậy? Điều đó khởi đầu từ việc Lê Nin quan niệm đảng Cộng Sản phải là đảng của nhừng người cách mạng chuyên nghiệp và dùng bạo lực để cướp chính quyền và cai trị. Từ đó mà khai sinh ra đảng Bô Sê Vích (tức là đảng Cộng Sản Nga), khác với phe Men Sê Vích vốn chủ trương đảng Cộng Sản sinh hoạt dân chủ như các đảng chính trị tại Tây Âu. Khi đảng Bôn Sê Vích đã dùng bạo lực làm phương tiện thì có những kẻ giỏi dùng bạo lực và thủ đoạn leo lên được địa vị lãnh đạo mà không theo thể thức bầu dân chủ trong trung ương đảng nữa. Việc bầu trong trung ương đảng chỉ là hợp thức hóa kẻ thực sự thắng thế nhờ nắm bạo lực ở bên ngoài.

No comments:

Post a Comment