Saturday, March 16, 2013

Quân đội của quốc gia hay của một đảng?

Quân đội nên đặt dưới quyền sử dụng của một đảng, của một lãnh tụ hay nên đặt dưới quyền của toàn thể quốc gia? Mỗi giải pháp có những ưu khuyết điểm riêng đáng để bàn luận.


Quân đội của vua

 Tự khởi đầu, quân đội không thuộc về quốc gia mà do các điều kiện xã hội đưa đến quân đội thuộc về một ông vua.


Quân đội thời quân chủ, phong kiến là của nhà vua. Khi một quốc gia ở trong tình trạng hỗn loạn, ông vua ở kinh đô không đủ sức ngăn cấm người dân nổi loạn thì các nhóm vũ trang nổi lên. Tùy theo tài năng của người lãnh đạo và người đó qui tụ được nhiều người có mưu kế và có sức khỏe để tranh đấu và thắng các nhóm khác. Khi một lãnh tụ đánh thắng các nhóm khác và ông vua quá yếu để chống lại thì lãnh tụ đó sẽ lật đổ, giết chết ông vua và lên làm vua. Từ đó lãnh tụ đó đặt quân đội dưới quyền chỉ huy của mình.

Chế độ quân chủ cha truyền con nối nên con cháu của một vua giỏi đánh trận không phải bao giờ cũng giỏi chỉ huy quân đội và đánh trận như vua. Khi ông vua không đủ khả năng chỉ huy quân đội phải dựa vào một vị tướng mà vị tướng này lại tham quyền lấn quyền vua thì xảy ra tình trạng Vua Lê Chúa Trịnh.

Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, con cháu vua Lê Chiêu Tông bị giết hoặc phải lẩn lút trốn làm dân thường. Nguyễn Kim là người giỏi cầm quân tìm được con vua Lê nên lấy danh nghĩa phò Lê để đánh lại triều đình họ Mạc và đưa vị hoàng tử lưu lạc này lên làm vua lập nên nhà Hậu Lê.  Vua Lê không giỏi đánh trận như các ông vua tự cầm quân đánh nhau mà lên làm vua nên phải dựa vào Nguyễn Kim để trị an trong nước. Quân đội mang tiếng là dưới quyền vua như thật ra là dưới quyền Nguyễn Kim. Khi Nguyễn Kim chết, Trịnh Kiểm là tướng dưới quyền Nguyễn Kim lên cầm quân thay. Quân đội lúc đó là ở dưới quyền Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm giết các con của Nguyễn Kim để ngăn không cho họ cướp quyền mình. Từ đó Trịnh Kiểm nắm quân đội, lấn quyền vua tự xưng làm Chúa. Tình trạng Vua Lê Chúa Trịnh xảy ra từ đó. Một người con của Nguyễn Kim là Nguyễn Hoàng thoát chết tìm cách đi xuống phía Nam thành lập một vùng riêng cho mình. Vì Nguyễn Hoàng cũng có khả năng cầm quân và quân đội Trịnh Kiểm không đủ mạnh để đánh bại quân đội Nguyễn Hoàng nên Nguyễn Hoàng cũng xưng làm Chúa thành lập một triều đình riêng ở phía Nam. Từ đó xảy ra tình trạng Trịnh Nguyễn Phân Tranh.

Thời Tam Quốc xảy ra khi vua Hán kém cỏi không chỉ huy được quân đội. Trong nước nhiều nhóm nổi lên. Mạnh nhất là nhóm Giặc Khăn Vàng của Trương Lỗ, lấy Đạo Giáo làm tư tưởng chủ đạo. Nhà vua hô hào mọi người tự lập quân đội đi đánh giặc Khăn Vàng. Giặc Khăn Vàng bị đánh bại nhưng những người đã từng đánh giặc Khăn Vàng không chịu nghe lời triều đình nừa vì họ có quân đội riêng trong tay và vì triều đình không có quân đội đủ mạnh để tiêu diệt các nhóm đóng ở khắp nơi. Tào Tháo giỏi cầm quân nên đi dẹp được phần lớn các nhóm vũ trang, trừ có Tôn Kiên và Lưu Bị là hai nhóm mạnh nhất Tào Tháo đánh không được. Từ đó Lưu Bị và con cháu Tôn Kiên lập thành một nước riêng, độc lập với triều đình nhà Hán. Tào Tháo nắm quân đội trong tay nên lấn áp vua tự mình quyết định mọi việc trong triều đình.

Quân đội của quốc gia

 Việc đặt quân đội dưới quyền chỉ huy của một ông vua có những ưu và khuyết điểm của nó.

Quân đội đặt dưới quyền chỉ huy của nhà vua có cái lợi là thống nhất chỉ huy vào một người. Trong chiến tranh, việc chỉ huy tập trung vào một đầu mối duy nhất có lợi hơn vì việc quyết định được nhanh chóng. Khuyết điểm của việc đặt quân đội vào tay một người là ông vua đó có thể ham đánh các nước khác để mở rộng lãnh thổ của mình nên gây chiến tranh liên miên. Chiến tranh liên miên làm cho dân phải đi lính, chết chóc, khổ cực mà không được sống thanh bình. Chiến tranh làm hao tốn công quĩ, khiến cho vua phải đánh thuế dân nặng hơn. Ông vua thích chiến tranh thì dân phải đi lính chết nhiều và phải đóng thuế nặng để nộp cho triều đình. Ông vua ham chiến tranh làm cho dân và nước nghèo, người dân bị chết chóc. Như vậy toàn dân bị nghèo đói và phải đi ra trận chết cho tham vọng muốn bành trướng quyền lực của một ông vua. Đôi khi ông vua gây chiến không phải vì lý do gì quan trọng thật sự mà chỉ vì ghét ông vua nước khác không tôn trọng mình.

Trong một quốc gia, mọi người có quyền lợi liên quan đến nhau. Ông vua vì lòng tham muốn đi chiếm thêm đất của nước bên cạnh vì thấy đai đai màu mỡ, có nhiều tài nguyên. Làm chủ một nước rộng lớn hơn, có nhiều tài nguyên hơn nghĩa là ông vua đó mạnh hơn, có thể áp đảo các nước khác và có khả năng chống trả hơn khi bị nước khác xâm lăng. Việc đi xâm lăng bành trướng của một ông vua tuy phát xuất từ lòng tham của ông ta nhưng có khi lại có lợi cho dân vì một nước lớn, đông dân sẽ có khả năng sống còn cao hơn trong việc tranh sống giữa các quốc gia.

Vì thế lòng tham và quyền lợi của ông vua có khi đi cùng với quyền lợi của quốc gia và của dân, có khi không đi cùng với quyền lợi của quốc gia mà làm thiệt cho quốc gia, hại cho dân. Những khi vì nóng nẩy, hấp tấp. thiếu suy xét hay vì tham vọng viển vông mà ông vua gây chiến thì có thể làm dân bị thiệt mạng và quốc gia bị hao tốn tài nguyên vô ích.

Vì quân đội thuộc về vua có thể bị sử dụng sai nên khi các chế độ vua chúa khi bị cuộc cách mạng dân chủ lật đổ, những người thiết lập chế độ dân chủ muốn người lãnh đạo do dân bầu lên và muốn quân đội thuộc về quốc gia chứ không thuộc về một cá nhân ông vua hoặc một giòng họ nào riêng biệt hay một đảng.

Cái ý tưởng khiến cho người ta đặt quân đội thuộc về quốc gia là một ông vua hay một đảng quyết định phát động chiến tranh thì toàn dân phải hy sinh. Toàn dân phải hy sinh cho tham vọng của một ông vua hay một đảng để làm lợi cho ông vua hay một đảng là điều không hợp lý. Vì toàn dân cũng phải hy sinh mạng sống thì toàn dân cũng phải có quyền quyết định trong việc có phát động chiến tranh hay không. Toàn dân tham gia quyết định qua quốc hội vì quốc hội là đại diện cho các tầng lớp nhân dân. Vì thế việc phát động chiến tranh của ông tổng thống hay thủ tướng phải có quốc hội phê chuẩn chấp nhận thì ông tổng thống hay thủ tướng mới có quyền phát động chiến tranh.

Trong một chế độ đa đảng, nếu quân đội thuộc về một đảng thì đảng đó sẽ dùng quân đội để đánh giết các đảng khác để đoạt quyền lực mà không cần bầu cử hoặc chỉ bầu cử cho có lệ nhưng ăn gian để đảng mình luôn luôn thắng và dùng sức mạnh quân đội đế đàn áp những tiếng nói phản đối và ngăn cản các đảng khác không được hoạt động. Nếu các đảng khác cũng có quân đội riêng của mình để chống lại đảng dùng sức mạnh đàn áp mình thì sẽ sinh ra nội chiến làm đất nước điêu tàn. Đó là điều đã xảy ra tại Nga, Trung Quốc và Việt Nam khi đảng Cộng Sản có quân đội riêng và dùng quân đội đó đánh giết các đảng phái khác.

Cái lợi của chế độ đa đảng là người dân có thể bầu lên đảng nào có đường lối mà họ nghĩ là tốt cho đất nước. Nếu đảng nào có người cai trị dở hoặc đường lối dở thì toàn thể quốc gia có thể bầu một đảng khác có người hay đường lối khá hơn. Khi quân đội thuộc về một đảng thì sẽ triệt tiêu cái ưu điểm của chế độ đa đảng nói trên. Toàn thể người dân sẽ phải chấp nhận nằm dưới sự cai trị của một đảng duy nhất. Dù cho đảng này kém khả năng hay thối nát thì người dân vẫn phải cắn răng mà chịu đựng . Kết quả là người dân và quốc gia bị thiệt.

Thành phố Hiroshima của Nhật bị tàn phá vì bom nguyên tử. Việc nhóm quân phiệt thao túng chính quyền, đặt quân đội dưới quyền sử dụng của mình và gây chiến tranh làm cho nước Nhật bị tàn phá

Việc đặt quân đội dưới quyền sử dụng của quốc gia được thực hiện với cơ chế là người lãnh đạo có quyền sai khiến quân đội phải do dân bầu lên. Chẳng những thế khi người lãnh đạo, dù được dân bầu lên, muốn dùng quân đội làm việc gì phải được quốc hội, gồm các dân biểu đại diện cho các tầng lớp xã hội khác nhau, các nhóm lợi ích khác nhau, phê chuẩn ý định muốn sử dụng quân đội của người lãnh đạo. Nếu người lãnh đạo lén sử dụng quân đội mà không qua sự phê chuẩn của quốc hội thì bị xem là vi phạm pháp luật và có thể bị quốc hội bãi nhiệm.

Lịch sử cho thấy tại các quốc gia dân chủ việc sử dụng quân đội được sử dụng một cách cân nhắc hơn. Ngược lại, các đảng, các lãnh tụ hiếu chiến thường muốn thiết lập chế độ độc tài để mình có thể phát động chiến tranh một cách dễ dàng, không bị nhiều người khác chi phối. Và các chế độ độc tài thường lao vào các cuộc chiến tranh làm dân bị chết, đất nước bị tàn phá, ngân quĩ bị kiệt quệ.

Thành phố Nuremberg của Đức bị tàn phá trong Thế Chiến 2. Việc quân đội thuộc về quyền sử dụng của đảng Đức Quốc Xã và lãnh tụ Adolf Hitler đưa đến việc nước Đức gây chiến làm cho quốc gia bị tàn phá

Việc đặt quân đội thuộc về quốc gia hay thuộc về một đảng là do cân nhắc ưu khuyết điểm của mỗi giải pháp. Việc quân đội thuộc về quốc gia làm cho quốc gia và nhân dân đỡ bị thiệt hại hơn bởi các sai lầm của nhà cầm quyền khiến cho có nhiều quốc gia chọn giải pháp đặt quân đội dưới quyền sử dụng của quốc gia mà không dưới quyền sử dụng của riêng một lãnh tụ hay một đảng.

Minh Đức

No comments:

Post a Comment