Monday, March 4, 2013

Từ Chung giữa làng báo


Ít người chú ý đến cái đoạn văn ngắn đó đăng một cột phía trái ngay trên đầu trang nhất báo Tự Do vào ngày 4 tháng 11 năm 1963 dưới ký tên Hiếu Chân Chu Tử Từ Chung. Ðó không thể gọi là thông cáo chung hoặc bạch thư, thư ngỏ vì nó ngắn, và không nhân danh đoàn thể hay một nhóm người. Nhưng nội dung đã phản ảnh rõ rệt sự suy nghĩ vào thời điểm đó của ba tên tuổi lớn trong làng báo Việt Nam của mình. Ba ông đã thú nhận sự bất lực và thiếu can đảm đóng góp vào nỗ lực dân chủ hóa Việt Nam.


Ít lâu sau đó khi nói chuyện với ông Từ Chung về "lời thú tội" này, tôi hỏi tại sao lại chỉ có ba ông và cả ba đều là người Bắc, ông Từ Chung cười: "Cậu còn trẻ, cậu cũng phải cho tôi trẻ với chứ. Cái bồng bột có thể từ ông Chu Tử lây qua tôi và ông Hiếu Chân. Thật ra thì chúng tôi hơi tự cao tự đại khi đăng lời thú tội nàỵ Ờ tôi không hiểu sao lại không kéo ông Trần Tấn Quốc hay một ông Nam Kỳ nào vào cho nó vui hơn."

Chu Tử (bên trái) và Vũ Hối

Đoạn văn ngắn đó như sau:

Mang danh là những người cầm bút chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ, giải phóng con người vậy mà trong thời gian vừa qua, vì cơm áo, khiếp nhược, đớn hèn, chúng ta đã nhắm mắt ăn dơ, đánh đĩ tâm hồn, phản bội sự thật, phản bội dân tộc, cam tâm làm gia nô cho bè lũ họ Ngô. Dù chúng ta có viện bất cứ lẽ gì để bào chữa, chúng ta cũng không thể chối cãi được tội lỗi của chúng ta đối với đồng bào, lịch sử...

Cách mạng 1/11/1963 là cơ hội duy nhất để chúng ta thoát khỏi cảnh huống bồi bút phi cầm phi thú, cơ hội duy nhất để chúng ta trở lại làm người đã tới... Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi văn nghệ sĩ, bằng máu và nước mắt, mồ hôi mà trong chín năm qua bè lũ họ Ngô đã làm hoen ố...



Lấy cái mốc là 1963 sinh hoạt báo chí Việt Nam quả đã có hai sắc thái khác hẳn. Thời ông Diệm mọi sự đã có các ông Nhu, ông Tuyến cầm chịch nên tin sôi nổi nhất, được bàn tán nhiều nhất là vụ Khỉ Cà Mau, vụ Vũ Nữ Cẩm Nhung bị tạt át-xít, vụ án Cô Gần ở Cầu Rạch Dừa. Sinh hoạt làng báo êm đềm như hồ thu trái hẳn với không khí xô bồ ồn ào và đầy sức sống của những năm sau 1963. Chiến tranh bắt đầu lan rộng, quân Mỹ đổ bộ ào ạt, xã hội bị bứng đến tận gốc. Cùng với quân đội Mỹ, một đội ngũ ký giả quốc tế hùng hậu không kém đổ xuống Việt Nam. Và làng báo Việt Nam cũng chuyển mình.

2. Khó tưởng tượng là năm 1963, tất cả báo hàng ngày ở Việt Nam vẫn in typo. Cái kỹ thuật cổ lỗ này khiến báo phát hành vào hai giờ chiều thì tin ngắn chót còn có thể được nhận để sắp chữ là 10 giờ sáng. Và một tờ báo phát hành ở Sài Gòn xuống tới Cần Thơ cách thủ đô 163 cây số vào ngày hôm sau và ra đến Huế trơ hai ngàỵ Xin mô tả sơ sơ về typo để những thế hệ laptop computer có một ý niệm về những khó khăn kỹ thuật của những người đi trước. Một bài viết dài cỡ một trang đánh máy khi đưa vào phòng sắp chữ sẽ được ông xếp typo xé ra thành 10 đến 15 mảnh giao cho thợ sắp. Mỗi người thợ typo đứng trước một khay gỗ có cả trăm ô nhỏ, mới ô chứa một mẫu tự khác nhau, cỡ chữ khác nhau. Họ bốc từng mẫu tự đúc chì ráp lại thành chữ. Thí dụ chữ Thủ Tướng, người thợ sẽ phải bốc chín lần để ráp thành, nên mất rất nhiều thì giờ khi các mảnh đã xếp chữ xong, xếp typo ráp tất cả các mảnh lại thành bài, chuyển sang cho thầy cò sửa lỗi chính tả. Sau đó, người thợ đúc mới trải giấy lên mặt chữ chì vỗ nhẹ nhẹ bằng bàn chải mềm, và đắp thêm lớp giấy thứ nhì lên vỗ tiếp. Có một loại bột, hoặc hồ loãng để những tờ giấy ướt đó dính đè lên nhau. Bản vỗ giấy được gỡ nhẹ ra bỏ vào lò nước chín sau đó đổ chì lỏng lên. Chì lỏng ăn vào mặt lồi lõm của bản vẻ nướng chín thành bản chì đem in.

Một bài báo được viết ra, xé vụn, sắp chữ ráp trở lại, vỗ, nương, đúc chì rồi đem in typo, tức chỉ in một mặt một. Quả là một tiến trình nhiêu khê. Cái trí tưởng tượng vốn phong phú của tôi vẫn khiến tôi ngạc nhiên khi bước chân lần đầu tiên khỏi cái cầu thang tối om đen xì, chui qua cái lễ nhỏ để gặp ông xếp typo Cai Bí của Chính Luận và đội ngũ cả trăm em bé thợ typo đứng một giò, giò kia gác lên cho đỡ mỏi trước những khay chữ dính mực lem nhem. Cái kỹ thuật typo in báo hàng ngày rồi cũng bị đào thải vào khoảng đầu 1970. Hai nhà in lớn, Nguyễn Bá Tòng và một nhà in khác ở đường Hồng Thập Tự đã khiến báo Việt nam bước vào giai đoạn offset mà tiên phong có lẽ là báo Sóng Thần.

Các chữ in bằng chì


Một khay chữ và một nhóm chữ đã được xếp


Bàn làm việc trong nhà in với một số trang đã được sắp chữ


Bàn làm việc trong nhà in với các khay chữ trong ngăn kéo


Một trang báo đã được xếp chữ, tất cả các chữ đều làm ngược để khi in ra sẽ thành chữ ngay


Một vài trang báo đã xếp chữ xong sẵn sàng để đem in


3. Sở dĩ dài dòng về kỹ thuật chỉ để nhấn mạnh đến sự cổ lỗ của làng báo Việt Nam ở cái mốc 1963. Tôi thực sự không rõ là có ký giả Việt Nam nào được huấn luyện chuyên môn về báo chí có mặt trong làng báo Việt Nam trước 1963 không. Ông Chủ Nhiệm Tự Do Phạm Việt Tuyền có nói rằng ông đã học nghề làm báo hàm thụ của Tây, ông Nguyễn Trọng, Tổng thư ký Tự Do lúc đó, đã từng làm ở BBC. Nhưng đọc tờ Tự Do thì thấy rõ cách trình bày từ mise cho đến tin, bình luận... đều thiếu tiêu chuẩn. Tôi nhớ bác Trực Ngôn được cử đi dự một phiên tòa và bài tường thuật là một bài văn tự sự mở đầu bằng thời tiết buổi sáng, một chi tiết chẳng ăn nhập gì với phiên tòa và đáng sợ hơn nữa là bản tin tường thuật quá dài nên đăng làm hai kỳ, có nghĩa là độc giả phải chờ thêm một ngày nữa mới được biết hết câu chuyện xảy ra, cứ như kiểu truyện Tàu đón đọc hồi hai sẽ rõ.

Cùng với hai ông Ngô Ðình Diệm và Ngô Ðình Nhu, chế độ đệ nhất cộng hòa xụp đổ và kéo theo đó là lề lối sinh hoạt báo chí có chỉ đạo ở miền Nam Việt Nam. Lật bất cứ tờ báo nào thời đệ nhất cộng hòa, chúng ta có cảm tưởng thiên hạ thái bình, tứ phương an lạc. Không hề có chuyện than vãn về kiểm duyệt, giống như thời gian sau này. Luật lệ cũng không khó khăn lắm để ra báo nhưng ra được báo hay không là tùy thuộc Phủ Tổng Thống hoặc Văn Phòng Chính Trị của ông Nhu. Nhưng ngay sau 1963, báo chí xuất bản ào ạt. Gần như tháng nào cũng có báo mới ra lò, đại diện đủ mọi khuynh hướng chính trị xã hộị Các tôn giáo lớn, các đảng phái, các xu hướng chính trị hoặc địa phương đều đồng thanh lên tiếng.

Làng báo Việt Nam bỗng thấy thiếu ký giả. Người viết bình luận, viết phiếm luận, tiểu thuyết thì có nhiều và có thể viết bừa bãi nhưng khi đụng chạm đến việc săn tin, viết tin, viết ký sự, viết tin truyện, hoặc khi phải đương đầu với chuyện sửa bài, đặt tít, trình bày trang báo, tức những công việc hàng ngày cần có học vấn và kiến thức chuyên môn thì làng báo Việt Nam lúc đó quả là thiếu người.

Trước 1963, mọi tin tức đã có Việt Tấn Xã cung cấp, hoặc cần thì có Bộ Thông Tin, Văn Phòng Chính Trị đảm trách. Nay Việt Tấn Xã không đóng nổi vai trò của một cơ quan thông tấn vô tư trong khi nhu cầu của người đọc đòi hỏi những tin tức chính xác và vô tư hơn. Lớp cựu trào bị đào thải thẳng cánh. Hãy lấy tờ Tự Do, một tờ báo tương đối nhất của đệ nhất cộng hòa làm thí dụ. Nhật báo Tự Do đã không chuyển mình kịp với đà tiến hóa. Mục Ðàn Ngang Cung ngày xưa do thi sĩ Hà Thượng Nhân phụ trách không thể so găng với thơ Ðen của Tú Kếu, Mục Nói Hay Ðừng do ông Hiếu Chân đảm trách trở thành quá nhẹ ký so với lối viết của Chu Tử, Sức Mấy. Tranh khôi hài của Phạm Tăng vắng hẳn vì bấy giờ người ta thích Twist hơn hơn. Lão ký giả Trực Ngôn vẫn ngồi trên mô-bi-lét già nua, không thể nào chạy tin nhanh hơn những người trẻ vừa tốt nghiệp đại học. Tòa soạn Tự do vào khoảng 1964/1965 có ông chủ nhiệm P.V.T., ông Tổng thư ký Nguyễn Trọng, ông phóng viên già Trực Ngôn là hết. Ông Trọng vừa đặt tít vừa dịch tin Télétype. Và rồi Tự Do đình bản giống như cái "nối điêu" cuối cùng của làng báo đệ nhất cộng hòạ Cùng với Tự Do, những tờ báo vững vàng khác dưới chế độ ông Diệm như Tiếng Chuông, Dân Den, Saigon Mới, Tin Sáng ngày càng lu mờ trước một loạt đội ngũ những tờ báo mới. Mới thực sự về tên, về nội dung, về kỹ thuật.

Có thể ông Nhu và ông Tuyến đã quá giỏi để cầm chịch báo chí khiến không một tờ báo nào cựa quậy nổi trước 1963, không một tờ báo nào đi lệch ra khỏi con đường do chính quyền dọn sẵn. Và những người làm báo - chữ của các ký giả sau này là ký giả công nhân - đích thực như ba ông Từ Chung Hiếu Chân Chu Tử đã cảm thấy mình được giải phóng cùng với biến cố 1/11/1963. Từ đó, họ và rất nhiều ký giả công nhân trước lao đầu vào một không khí làm báo mới với những dự tính, mưu toan và nỗ lực hoàn toàn khác trước.

Ðể như là một chú thích, xin nói rõ danh từ ký giả công nhân. Hồi đó - và kéo dài cho đến 1975 - những ai có trong tay giấy phép ra báo là có rất nhiều cơ hội làm giàu. Giản dị nhất là bán "bông giấy". Giấy báo có hai giá, giá chính thức và giá chợ đen. Giá chính thức của chính phủ chỉ bán cho những người có phiếu của chính quyền, các phiếu đó là bông giấy. Chỉ cần có giấy ra báo, in độ 5.000 tờ nhưng áp phe với bộ thông tin để khai là 25.000 tờ, thì có 20.000 tờ giấy bán cho bọn con buôn chợ đen. Chênh lệch giữa giá chính thức và giá chợ đen tùy lúc nhưng lúc nào cũng rất cao. Các ông chủ báo rất giàu và các ông viết báo thì rất nghèo. Có nhiều ông ký giả leo lên chủ báo. Ký giả chủ báo và ký giả công nhân quả là hai giai cấp khác nhau vậy.

Làng báo Việt Nam lúc đó có nhiều tiếng buồn cười như "đi khách" chỉ một ký giả làm cho nhiều báo một lúc - "Tự ý đục bỏ" một hình thức kiểm duyệt trắng trợn - "Bán gáo" chỉ sự nguy hiểm có thể bị chết trong khi cố gắng săn tin săn hình bán cho báo ngoại quốc.

4. Cuộc đời của ba nhân vật Từ Chung Chu Tử Hiếu Chân, sau khi cùng ký tên vào bản văn tự thú trên đã có những nét đặc thù riêng, có những kết thúc hoặc âm thầm, hoặc bi thảm hoặc ngạo nghễ, nhưng ảnh hưởng của họ đối với làng báo Việt Nam không thể phủ nhận được.

Khi tờ Ngôn Luận của ông chủ báo Hồ Anh bị đóng cửa, ký giả làm việc cho Ngôn Luận tách ra làm hai nhóm. Nhóm đầu do ông Tử Vi Lang hướng dẫn đầu quân cho Tân Luận (tôi không nhớ rõ lắm nhưng hình như vẫn do ông Hồ Anh làm chủ) và nhóm thứ hai có các ông Từ Chung, Thái Lân, Thái Linh, Vân Sơn đầu quân cho Chính Luận. Bác sĩ Ðặng Văn Sung hoặc ông Thái Lân chắc chắn có thể nói rõ tại sao có sự hợp tác giữa ông Ðặng Văn Sung, Ðại Việt quan lại và nhóm ký giả trên. Theo như lời thuật lại thì ông Từ Chung đã đăng lên mục rao vặt rằng ông và một nhóm ký giả công nhân muốn tìm nguời bỏ vốn để xuất bản một nhật báo và ông Sung là người duy nhất đáp ứng. Tôi nghĩ đây là một hợp tác hợp lý vì ngoài ông Từ Chung, hai ông Thái Lân và Thái Linh đều là những người có quá trình sinh hoạt và đấu tranh đảng phái. Ông Thái Lân Việt Quốc và ông Thái Linh được coi như có nhiều liên hệ với nhóm Phan Văn Hùm và Hồ Hữu Tường, hoặc đệ tứ. Ða số quí vị lão thành trong làng báo ít khi nói về mình, và luôn luôn tạo một cái gì huyền thoạị Ông Thái Linh là một thí dụ. Không ai biết gì về quá khứ ông, tên tuổi, ngày sinh tháng đẻ... đều không thật. Một người nữa cũng của Chính Luận là ông Nguyễn Tú cũng từ chối không bao giờ nói về gốc gác mình. Phải chăng là do ảnh hưởng và thói quen cái sinh hoạt các hội kín thời chống Pháp, chống Việt Minh?

Ông Từ Chung thì rõ ràng hơn xin đọc tiểu sử của ông - và khoa bảng hơn. Ðây là một điều đáng nói; chúng ta có một tập hợp khá lạ lùng. Một ông chủ nhiệm đỗ bác sĩ nhưng chưa hề chữa bịnh cho ai. Một tổng thư ký đỗ bằng tiến sĩ kinh tế ở Thụy Sĩ. Và tất cả những người khác còn lại đều tự học, nhưng có một quá trình đấu tranh và nghề nghiệp làm báo không thể phủ nhận.

Sự pha trộn giữa một nhật báo đấu tranh có tính cách đảng phái và một nhật báo thông tin đã thể hiện rõ trong những số Chính Luận đầu tiên. Tất cả các tít tám cột chạy trùm lên manchette trong những số báo đầu là bài nghị luận về thời cuộc của ông chủ nhiệm Ðặng Văn Sung. Cái khía cạnh thông tin của báo chí bị nhấn xuống hàng thứ nhì. Rất may cho mọi nguời là cung cách đó không kéo dài quá lâu.



Công chúng bắt đầu chú ý đến ông Từ Chung khi có lời đồn (?) rằng ông từ chối lời mời làm bộ trưởng kinh tế vì yêu nghề báo. Nếu lời mời có thật thì chuyện ông Từ Chung từ chối không có gì đáng ngạc nhiên.

Dáng người lảnh khảnh, phải nói là hơi gầy, ông Từ Chung là một nghệ sĩ, một nhà báo nhiều hơn là một chính khách, một người lặn lội trong quan trường. Ông ăn mặc giản dị, đôi khi trở thành lôi thôi, ăn nói rất mực thước, đi thẳng vào vấn đề nhưng không hề hoa mỹ, rườm rà. Lặn lội lâu trong nghề báo ở Việt Nam khó ai không trở nên xuề xòa. Hãy thử quan sát tòa soạn Chính Luận ở đường Võ Tánh (trước khi bị Việt Cộng đặt mìn nổ - Tòa soạn sau đó chuyển sang đường Lê Lai và đường Hai Bà Trưng.)

Đường Võ Tánh, Sài Gòn, 1972
Phía dưới căn gác hai tầng, bên ngoài là cả ban trị sự lo về quảng cáọ Lách qua khỏi cái quầy thấp ngó vào phía trong tối om là mấy cái máy typo cũ kỹ của Ðài Loan với người thợ in cầm một cái que tre dài bật bật để giấy khỏi đè lên nhau. Cái cầu thang hẹp lù mù đen thui dẫn lên lầu chỉ đủ một người đi - Một lần có tin Việt Cộng sẽ cho đặc công tấn công tòa soạn, anh Phan Nghị ôm máy chữ chạy xuống cầu thang húc vào tôi đi lên, cả hai ngã tưởng gãy tay gãy chân.

Đường Lê Lai, Sài Gòn, 1967


Ngoi lên khỏi cầu thang là một căn phòng khá chật, ngột ngạt vì thiếu không khí. Ðó là tòa soạn của một tờ báo có ảnh hưởng nhất miền Nam lúc đó. Căn phòng ngang độ năm mét dài cỡ 10 mét vào lúc cao độ - cỡ 10 giờ sáng - nhét đôi khi tới 20 người, và mọi người cùng vừa hí hoáy làm việc vừa hút thuốc. Cái lạ là không ai bị chết vì đứng tim. Ông Từ Chung ngồi ở phía căn phòng tí tẹo phía trong.

Bài vở sau khi đã sửa chữa xong, đưa cho ông xếp typo qua một cái cửa đục thông vào phía sau nơi có gần cả trăm thợ lo sắp chữ.

Tòa soạn bắt đầu sinh hoạt vào lối 4, 5 giờ sáng. Những nhân viên lo tin lặt vặt như tin đô thành, từ thành đến tỉnh, tin tòa án... đến sớm nhất. Họ sẽ lọc các tin của thông tín viên địa phương, của các bản tin Văn Ðô, tin tòa của ông Phúc, Tin Việt, để đi trang trong. Có mặt cùng một lúc là các "ông thợ dịch," tức là những người chuyên lo đọc các bản tin viễn ấn của AFP, Reuter, AP và UPI. (Trước 1963 những bản tin này không bán cho các báo). Những người này hoặc dịch thẳng bản tin từ télétype hoặc đọc và tổng hợp lại. Danh từ hồi đó chỉ các nhân viên ký giả loại này là "chân nằm" khác với "chân chạy" là những ký giả đi săn tin bên ngoài để viết tin, phóng sự, ký sự. Tòa soạn làm việc ồn ào nhất là khoảng từ 8 giờ sáng đến cỡ 11 giờ trưa, lúc bản vỗ cuối cùng được xếp typo đưa lên. Mọi người xúm lại nhìn bản vỗ, đọc hoặc đề nghị những thay đổi cuối hoặc đôi khi phải bóc bỏ một tin này thay vào tin khác... Sinh hoạt từ đó cho đến chiều là của các chân chạy, của ban phóng viên và những người ngồi tòa soạn nghỉ ngơi cho đến bốn giờ chiều. Họ tới để lo những bài có thể cho sắp chữ trước cho ngày hôm sau như các bài đặc ký, các mục trang trong như phụ nữ, trẻ em, truyện ngắn, truyện dàị.. hoặc đã thảo luận với các phóng viên về những tin cần săn, tin cần khai thác thêm... Công việc chấm dứt cỡ sáu bảy giờ tối.

Ðiều động cái guồng máy đó là ông Từ Chung. Sự phân công trong một tòa báo Việt Nam khá lỏng lẻo, nhưng cũng có thể tạm chia ra như sau. Tin trang nhất quan trọng thường liên qua đến sinh hoạt quốc gia quốc tế hay những loạt tin, bài đặc biệt. Tin trong nước hay trang trong (thường gọi là trang ba của tờ báo) và tin vặt gọi chung là tin tòa án, hay tin đô thành. Lúc đó ông Thái Lân lo tin trang nhất, ông Thái Linh lo trang quốc nội và ông Vân Sơn lo tin từ thành đến tỉnh. Ba nhân vật trên đồng thời phải lo những phần phụ linh linh tinh khác như truyện phiếm, tiểu thuyết, tranh vui cười kiểu Ký Ðiệu hay Mai Bê Bi. Công việc tóm lại khá nặng nhọc, phải đọc liên miên, đến nỗi đa số đều ôm một chồng bài vở về nhà mới tối để làm việc thêm.

Khi tôi trình diện ông Từ Chung lần đầu, ông đã dội cho tôi một gáo nước lạnh. "Nếu cậu chịu khó làm việc cho tòa soạn một ngày tám tiếng về nhà chịu khó học thêm sáu tiếng, may ra mười năm nữa cậu mới bằng tụi tôi được. Chúng tôi tối nào cũng phải đọc thêm đến một hai giờ sáng." Có lẽ cái tinh thần học hỏi đã giải thích tại sao tất cả những nhân viên ngồi tòa soạn Chính Luận đều giỏi cả Anh lẫn Pháp văn và như ông Lê Văn Anh còn làu thông cả chữ Nho, như cụ Phạm Duy Nhượng được tôi coi là pho tự điển sống. Mới lần bí hỏi cụ, cụ giảng chữ này nghĩa là gì, gốc La-tinh là gì, từ tiếng Pháp viết qua tiếng Anh đổi ra sao đến nơi ông Lân đang túi bụi cũng phải ngưng lại nhắc: "Cụ ơi, bảo nó lật tự điển, hơi đâu mà giảng, cái bài cụ đang làm cần gấp lắm."

Tôi không nghĩ ông Từ Chung có tài chỉ huy, nhưng ông luôn luôn đảm đang đương đầu và chịu trách nhiệm. Ðó là đặc tính khiến những người làm việc chung quanh ông yêu và nể phục ông. Khi ban trị sự loạng quạng, trễ phát lương, ông là người xuống dưới lầu gọi ông quản lý ra nói nhẹ nhàng "Anh em cần tiền lo cho vợ con, tòa báo hẹn trả lương ngày nào thì phải giữ cho đúng, đừng để anh em người ta chờ!" Công chúng bắt đầu thích đọc Từ Chung, thích những loạt bài về kinh tế Việt Nam lúc đó. Ông đem sở học về kinh tế để viết và giải thích những hiện tượng kinh tế đang xảy ra bằng một giọng văn bình dị và dễ hiểụ Những ý niệm kinh tế vô cùng rắc rối như cung và cầu, lạm phát, lạm phát phi mã, khiếm dụng, địa lý kinh tế, ảnh hưởng hỗ tương... đã được ông trình bày một cách mạch lạc, dễ hiểu bằng chính những sự kiện đang xảy ra.

Một lần khi tôi viết loạt bài về đại học Việt Nam với cái tít "Sinh viên, ông là ai?", nội dung bài có những đoạn phê phán khá khắc nghiệt một số trí thức khoa bảng. Ông Từ Chung khen, bảo cho đăng liền nhưng sau đó ông nghiêm mặt nói với tôi "Cậu phải sống làm sao để đàn em cậu đừng chửi cậu như cậu vừa chửi chúng tôi."

Ông có những cái nhìn khá lạ về lịch sử. Một lần viết tin về giới Ba Tàu Chợ Lớn, ông cười bảo tôi "Cậu biết dân Việt Nam muốn sống còn phải làm gì không? Ðẻ cho thật nhiều, càng đông càng tốt thì mới chống nổi với Hán tộc."

Ông không bao giờ nghĩ mình là khoa bảng là tiến sĩ và từ đó ông lê la với anh em mọi người xuống các quán tàu ở đầu Ngã Sáu Võ Tánh ăn hầm bà lạng đủ thứ từ vịt lộn, bánh đúc cho đến cơm gà, cơm thịt nương.

5. Tình hình Việt Nam một lúc một đổi, chiến tranh mới lúc một lan rộng, xã hội càng ngày càng bị xáo trộn và sự dính dáng của người Mỹ vào Việt Nam một ngày một sâu đậm. Phe quân nhân mới ngày một lấn lướt và đòi hỏi của quần chúng đối với một chính phủ dân sự càng ngày càng cao. Cuối cùng ông Phan Huy Quát được ủy nhiệm thành lập chính phủ dân sự thay thế phe quân nhân. Những liên hệ của hai vị bác sĩ Sung và Quát đã khiến tờ Chính Luận có ảnh hưởng lớn đối với sinh hoạt chính trị. Uy tín của ông Từ Chung cũng mới ngày một lan rộng trong dư luận. Lập trường chống cộng của Chính Luận rất rõ rệt và đối với người Cộng sản thì đây là một mối nguy phải được dập tắt. Họ chọn cách dễ nhất là bạo lực. Ðặc công Việt Cộng đã bắn gục Từ Chung khi ông trên đường về nhà. Ba vị ký giả từng ký vào bản văn hứa sẽ không lùi trước nỗ lực đóng góp cho vận mệnh đất nước, ông Từ Chung là người đầu tiên đã trả giá cho nỗ lực đó bằng chính sinh mạng của mình.

Ông Phan Huy Quát (1909 - 1979)

Một lần ông nói với tôi: "Làm báo chông gai lắm. Có khi ngã giữa đường, nhưng nhớ đừng quị luôn mà phải lồm cồm bò dậy mà đi. Có vậy thì hãy làm báo, không thà cậu đi làm nghề khác đỡ khổ hơn." Nhưng hẳn không bao giờ ông lại nghĩ ông không thể bò dậy lồm cồm mà đi được vì một viên đạn của kẻ thù, vốn sợ những người trí thức như ông hơn là sợ những đội quân đầy đủ súng ống.

Thế Kỷ 21, số tháng 5, 1997
Lê Thiệp


Một số nhật báo tại miền Nam trước 1975, tất cả đều là báo tư nhân:


















2 comments: