Thursday, December 25, 2014

Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường của Nhật

Học sinh ăn trưa tại trường bắt đầu từ đầu thế kỷ 20. Sau Thế Chiến 2, vì nạn đói lan tràn, chương trình Ăn Trưa Tại Trường được thiết lập lại tại các thành phố. Đến năm 1952, Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường được áp dụng toàn quốc cho các trường tiểu học. Năm 1954, với Luật Ăn Trưa Tại Trường, chương trình này được áp dụng cho cấp một trường trung học trên toàn quốc.
Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới với nhiều cách tổ chức khác nhau. Có nước cho bữa ăn hoàn toàn miễn phí. Tại Nhật, chính phủ tài trợ cho việc nấu ăn còn phụ huynh trả tiền mua thức ăn. Tiền ăn đóng hàng tháng. Em nào gia đình nghèo thì được đóng ít hơn hoặc được miễn đóng tiền. Như vậy dù giàu hay nghèo, các em đều ăn bữa ăn giống như nhau, với đầy đủ chất dinh dưỡng như nhau. Việc nấu ăn do bếp của trường nấu nhưng các em học sinh tham gia vào việc bưng thức ăn lên cho các bạn.

Lúc đầu, bữa ăn trưa là bánh mì hoặc cuốn làm bằng bột mì, sữa làm từ sữa bột. Đến năm 1958 thì sữa được thay bằng sữa trong hộp bằng các tông hay trong chai. Sau này khi Mỹ viện trợ cho bột mì thì bột mì này cũng được dùng trong Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường. Ngoài món ăn chính còn có món tráng miệng được thay đổi món mỗi ngày. Các món khác là các món cung cấp chất đạm với giá không đắt như đậu nấu, cá chiên hoặc thịt cá voi. Thịt cá voi được dọn ăn đến thập niên 1970 thì ngưng vì thế giới kêu gọi ngưng giết cá voi để bảo vệ cho cá voi khỏi bị tuyệt chủng. Đến năm 1976, nhờ dư thừa lúa gạo nên chính phủ phân phối gạo cho các trường. Qua thập niên 1980 thì chương trình này dùng các món làm từ gạo thường xuyên hơn. Sau này, các món như chả làm bằng thịt bò xay, thịt bò nấu hay cà ri kiểu Nhật được cho ăn thường xuyên.

Nếu trường có căng tin thì học sinh ăn trong căng tin. Nếu không có căng tin thì học sinh ăn trong lớp

Ngày nay, vào thời điểm năm 2004, có 99% học sinh các trường tiểu học và 82% học sinh trung học ăn trong Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường, tiếng Nhật gọi là kyūshoku. Thực phẩm dùng để nấu đều là thực phẩm trồng tại địa phương, không dùng thực phẩm đông lạnh. Ăn bữa nào thì nấu đủ cho bữa đó, không để thực phẩm qua ngày hôm sau. Các món được nấu theo đúng qui định về dinh dưỡng của chính phủ để bảo đảm cung cấp đầy đủ chất dinh dường cho các em. Tất cả các em trong trường đều ăn giống như nhau. Học sinh không được mua thức ăn ở ngoài đem vào mà chỉ được ăn thức ăn do bếp nhà trường dọn lên. Trong trường không đặt máy bán thức ăn vặt hay nước ngọt. Các em được dạy nên ăn thức ăn của nhà trường và không nên bỏ dở.

Mỗi trường đều có chuyên viên dinh dưỡng làm việc để coi sóc các suất ăn có đầy đủ chất dinh dường hay không. Các chuyên viên này cũng giải thích cho các em học sinh thế nào là chất tinh bột, thế nào là chất đạm, thế nào là chất béo và cho các em biết vì sao cơ thể cần các chất này. Khi ăn một trái cây hay một món ăn mới, chuyên viên dinh dưỡng giải thích cho các em thực phẩm mới này bổ dưỡng ra sao. Chuyên viên dinh dường khuyên các em nên ăn món ăn của trường vì đó là thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng.

Học sinh tiểu học thì chỉ được ăn bữa ăn do nhà trường dọn lên còn học sinh trung học thì được đem cơm theo. Chuyên viên dinh dưỡng có thể bảo các em mở hộp cơm ra để xem mẹ các em cho các em ăn những gì, có đầy đủ chất dinh dưỡng hay không.

Bếp của một trường tiểu học mỗi ngày nấu 400 phần ăn


Học sinh tiểu học buổi sáng vào học lúc 8:30 . Sau khi dự bốn lớp buổi sáng thì các em nghỉ để ăn trưa vào lúc 12:30. Học sinh tiểu học lớp dưới học ít giờ nên sau khi ăn trưa, các em đi về nhà . Các em lớp trên thì ở lại học thêm vào buổi chiều sau khi ăn. Các thầy cô cũng ngồi ăn chung với các em của lớp mình và cũng ăn các món giống như các em.

Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường cũng là cơ hội để các em học sinh tiểu học tập cách làm việc chung vào tập cách làm việc cho cẩn thận, chu đáo khi các em tham gia vào việc dọn thức ăn lên cho các bạn trong trường.

Các  món ăn được thay đổi luôn luôn. Có khi các em được ăn món ăn của các nước khác thì thầy cô giải thích cho các em về các món này. Đó cũng là cách cho các em học được văn hóa của các nước khác. 

Một hộp cơm do học sinh mang theo

Chính phủ ra qui định về bữa ăn để đáp ứng đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng các qui định này tương đối tổng quát mà không đi vào chi tiết như mỗi bữa ăn phải đạt được bao nhiêu ca lô ri. Các trường tùy nghi mà chọn thực phẩm và các chuyên viên dinh dưỡng bảo đảm cho các bữa ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Chính quyền nói là có quyền can thiệp nếu nhà trường dọn bữa ăn thiếu vệ sinh hoặc kém dinh dưỡng. Nhưng chuyện này rất ít khi xảy ra.

Học sinh tham gia trong việc dọn thức ăn lên cho các bạn

Hình ảnh một số khay thức ăn:

Một phần ăn trưa của một trường tại Yokohama







Các bữa ăn với các món khác nhau nhưng luôn luôn có một hộp sữa (màu đỏ). Sữa cung cấp chất calcium cần cho xương để cho các em mau lớn

Các bữa ăn tuy có các món khác nhau nhưng nói chung đều gồm có các thành phần sau:

- Món có chất tinh bột như cơm, bánh mì, mì sợi .

- Món có chất đạm như cá, gà, thịt bò, tôm, đậu, trứng.

- Món canh với rau.

- Món rau để cung cấp các chất khoáng khác nhau mà cơ thể cần đến.

- Món tráng miệng với trái cây, thạch, kem...

- Luôn luôn có một hộp hoặc một chai sữa, 400 ml - 500 ml.

Trong những năm sau Thế Chiến 2, vì đời sống còn khó khăn, Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường giúp cho các em thuộc gia đình có hoàn cảnh eo hẹp được ăn uống tương đối bổ dưỡng . Sau này, qua thập niên 1970, 1980, khi kinh tế Nhật khá hơn thì chương trình này có tác dụng giữ cho các em khỏi bị mập phì ở tuổi còn nhỏ như các nước công nghiệp khác nhờ bắt các em chỉ được ăn thức ăn ở trường, không được mua thức ăn ở ngoài đem vào và không đặt máy bán bánh kẹo, nước ngọt ở trong trường .

Chương Trình Ăn Trưa Tại Trường là một phần trong nỗ lực của chính quyền Nhật muốn chăm sóc và thay đổi cách ăn uống của dân Nhật để cải thiện giống nòi. Nhờ thế vào các thập niên sau này, chiều cao dân Nhật đã gia tăng đáng kể.


Minh Đức



Ngạc nhiên với bữa ăn trưa trong trường học Nhật Bản

22/04/2014


Đối với người Nhật, bữa trưa tại trường học là một nét văn hóa, nó ra đời từ thế kỷ 19 và được chính phủ Nhật Bản đặc biệt quan tâm. Thậm chí, họ còn ban hành Luật về vấn đề này và coi nó như một chiến lược quốc gia.



Bữa ăn trưa tại một trường mẫu giáo Nhật Bản.

Hệ thống giáo dục Nhật Bản được chia làm 6 cấp: Mẫu giáo (cho trẻ từ 3-5 tuổi), Tiểu học (cho trẻ từ 6 – 11 tuổi), Trung học cơ sở (cho trẻ từ 12 -14 tuổi), Trung học phổ thông (từ 15 – 17 tuổi), Đại học và Cao Đẳng (từ 18 đến 21 tuổi) và Sau Đại Học (từ 22- 23 tuổi hoặc hơn).

Giáo dục bắt buộc tại Nhật bản kéo dài đến hết Trung học cơ sở. Theo số liệu năm 2006, có 96,5% trẻ học hết cấp THCS, vì vậy có thể khẳng định hầu hết người Nhật đều từng trải qua bữa ăn trưa trong trường học.

Bữa ăn trưa của trẻ mẫu giáo được nhà trường chuẩn bị khá đẹp mắt.

Tại Nhật Bản, học sinh được chia thành các lớp với số lượng khoảng 40 em. Việc chia lớp không phụ thuộc vào kết quả đánh giá học sinh mà được sắp xếp ngẫu nhiên. Các học sinh sẽ học trong phòng học của lớp mình và bữa trưa cũng diễn ra tại đó, hầu như không có phòng ăn trong trường học Nhật Bản ngoại trừ trường Đại học và Cao đẳng.



Các học sinh sẽ học trong phòng học của lớp mình và bữa trưa cũng diễn ra tại đó, hầu như không có phòng ăn trong trường học Nhật Bản ngoại trừ trường Đại học và Cao đẳng.

Thức ăn được chuẩn bị bởi các đầu bếp trong trường vào mỗi buổi sáng. Thực đơn thay đổi mỗi ngày và học sinh không được yêu cầu món ăn khác, tuy nhiên một số trẻ bị dị ứng sẽ được nhà trường chuẩn bị những món đặc biệt. Ngoài ra, chính phủ Nhật Bản còn cấp sữa miễn phí cho trẻ mẫu giáo vào bữa ăn trưa.



Bữa ăn trưa tại trường của học sinh tiểu học.

Mỗi ngày sẽ có một số học sinh được chọn để giúp giáo viên phục vụ thức ăn cho các bạn, các em sẽ không được ăn cho đến khi người cuối cùng được phục vụ. Sau đó, tất cả học sinh cùng cám ơn và thưởng thức bữa ăn của mình. Một điều thú vị trong bữa ăn của học sinh Nhật đó là khi một em nào đó làm rơi thức ăn ra sàn thì giáo viên cũng không tức giận mà đợi cho các học sinh tự giúp nhau. Đối với người Nhật, để học sinh mắc sai lầm là một phần của giáo dục.

Trong khi các nước phương Tây cho rằng bữa ăn trưa tại trường học Nhật Bản làm mất đi cá tính của trẻ và chống lại chủ nghĩa tự do thì người Nhật lại có lý do để tự hào về nó.



Giáo dục về thực phẩm là một phần quan trọng, người Nhật dạy trẻ không được phép bỏ thừa thức ăn trên đĩa vì chúng rất quý giá.

Từ năm 1889 ở Yamagata, trường mẫu giáo tại đây thường chuẩn bị cơm và cá dành cho trẻ em nghèo còn những trẻ nhà giàu sẽ ăn phần ăn được chuẩn bị sẵn của mình. Tuy nhiên, các giáo viên lại cho rằng giàu nghèo không phải lỗi của con trẻ, chúng xứng đáng được đối xử như nhau và vì thế họ chia thức ăn của mình cho học trò. Điều này đã nhanh chóng lan ra khắp nước Nhật.



Vào những sự kiện đặc biệt, học sinh sẽ được tham gia vào một bữa tiệc và tự chọn cho mình những món ăn yêu thích.

Khi chiến tranh thế giới thứ II nổ ra, đất nước Nhật Bản càng lâm vào cảnh đói nghèo. Vào năm 1946, bữa ăn trưa bắt đầu xuất hiện trở lại tại các trường học Nhật Bản, thời điểm này, nước Nhật cũng nhận được lương thực viện trợ từ UNICEF và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, đã có một số học sinh không thể ăn trưa tại trường vì bố mẹ chúng quá nghèo không thể đóng tiền ăn cho con. Chính phủ Nhật khi ấy ngay lấp tức bắt tay vào xây dựng Luật dành cho bữa ăn trưa trong trường học. Mục đích của Luật này là đảm bảo cho tất cả trẻ em đều được ăn, được lớn lên và trở thành niềm hi vọng của đất nước.



Khi một em nào đó làm rơi thức ăn ra sàn thì giáo viên cũng không tức giận mà đợi cho các học sinh tự giúp nhau. Đối với người Nhật, để học sinh mắc sai lầm là một phần của giáo dục.

Luật này được ra đời vào năm 1954 và trở thành một trong những đạo luật quan trọng của nước Nhật. Ngày nay, cũng có một số người chỉ trích bữa ăn trưa trong trường học Nhật Bản nhưng số người đó rất ít, đa phần người Nhật đều ủng hộ và tự hào về nó.

http://www.baomoi.com/Ngac-nhien-voi-bua-an-trua-trong-truong-hoc-Nhat-Ban/59/13625556.epi

No comments:

Post a Comment