Các Chủ Đề

Tuesday, November 24, 2009

Từ Đế Quốc Tội Lỗi đến Nhà Nước Tội Phạm

 Minh Đức

Thế hệ theo luật pháp tuy có kiến thức đáp ứng được đòi hỏi của tình hình mới nhưng còn quá thưa thớt và ít kinh nghiệm trong việc thủ đắc quyền lực và các mưu mô trong chính trường. Nếu thế hệ mới thắng thì nước Nga sẽ thoát ra khỏi con đường Đế Quốc Tội Lỗi, Nhà Nước Tội Phạm



Từ Đế Quốc Tội Lỗi đến Nhà Nước Tội Phạm

Minh Đức

Đế Quốc Tội Lỗi, dịch từ chữ Evil Empire, là chữ tổng thống Mỹ Ronald Reagan gọi Liên Xô hồi thập niên 80 còn chữ Nhà Nước Tội Phạm là chữ Criminal State do nhà đầu tư Bill Browder của công ty Hermitage Capital Management nói về nhà nước Nga vào tháng 11, 2009, sau khi luật sư của ông, Sergei Magnitsky, bị cảnh sát bắt và đã chết trong khi bị giam giữ.

 Luật sư Sergei Magnitsky

Công ty Hermitage là hãng đầu tư lớn tại Nga vào thập niên 1990. Đến năm 2005, khi Hermitage bị chính phủ tố là trốn thuế thì Hermitage nói trước công chúng về nạn tham nhũng rộng lớn trong các công ty quốc doanh. Sau đó ông Browder bị cấm nhập cảnh vào Nga. Lý do cấm nhập cảnh là vì ông ta là mối nguy hại có thể làm cho các chính trị gia và các viên chức chính quyền trở thành tham nhũng. Từ đó về sau, các luật sư của hãng Hermitage thường bị bắt bớ, hành hung hay chận đường cướp. Còn luật sư Sergei Magnitsky thì bị bắt khi chấp nhận đứng ra bào chữa cho hãng Hermitage về tội trốn thuế. Theo ông Browder cái chết của luật sư Magnitsky có liên quan đến vụ công ty Hermitage bị tố cáo là trốn thuế. Theo ông Browder, trong khi bị giam giữ, luật sư Magnitsky sinh ra bệnh đau bao tử và tụy tạng. Khi thấy ông ta bị bệnh, những kẻ giam giữ đã dời ông ta sang một nhà tù khác và không cho chữa chạy. Ông ta đã làm đơn thỉnh nguyện lên ban giám đốc nhà tù xin được chữa bệnh. Lúc đầu thì đơn bị làm ngơ sau thì bị từ chối. Ông Browder cho rằng những kẻ giam giữ luật sư Magnitsky không chữa chạy cho ông ta là vì muốn ông ký vào một bản thú tội bịa đặt để dùng bằng cớ truy tố Hermitage nhằm cướp đoạt số tiền trị giá hàng triệu bảng Anh của công ty. Khi ông Magnitsky từ chối ký, ông ta bị để cho chết.

Đó là mẩu chuyện cho thấy một góc về hình ảnh nước Nga được ông Vladimir Putin ổn định để phát triển kinh tế. Khi ông Putin lên cầm quyền đã tuyên bố sẽ dẹp sự lộng hành của đám tư bản đặc quyền oligarchs và ông ta làm thật. Lúc đó ông Bill Browder rất hoan nghênh vì ông nghĩ rằng ông Putin sẽ đem luật pháp và trật tự ra áp dụng vào xã hội Nga. Nhưng rồi về sau khi chính công ty của ông ta bị nhà nước vu là trốn thuế để làm tiền thì ông ta tỉnh ngộ thấy rằng những kẻ đáng lẽ ra là kẻ bảo vệ pháp luật thì lại lợi dụng quyền hành để làm tiền cho bản thân. Vì thế ông gọi nước Nga đã trở thành một nhà nước tội phạm.

Còn muốn gì hơn? Muốn ổn định thì có ổn định, còn người ổn định là những kẻ đã từng nắm công an, tình báo, quân đội thì họ hành xử như họ đã từng làm trong nghề nghiệp của họ. Trong ngành an ninh, tình báo, mà cơ quan KGB nơi ông Putin xuất thân chỉ là một điển hình, thì bất cứ thủ đoạn nào đạt được mục đích đều được xem là tốt đẹp cả, bất chấp luật pháp, đạo đức.

Mọi thứ đều tốt đẹp cả kể từ khi ông Putin lên cầm quyền năm 2000, giá dầu hỏa trên thế giới cũng tăng dần. Vào năm 2008, lúc giá dầu ở đỉnh cao thì nước Nga có hàng trăm tỉ đô la dự trữ, trong khi mỗi ngày thu vào một tỉ tiền xuất cảng dầu. Đến khi giá dầu rớt xuống 50% trong vòng vài tháng thì ông Putin cho rằng nên kinh tế Nga vẫn vững như bàn thạch vì các nước cũng vẫn cần mua dầu hỏa. Đến cuối 2008, khi nạn khủng hoảng tín dụng kéo theo nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới đi vào suy thoái thì nền kinh tế Nga bị tụt dốc nhanh khủng khiếp so với các nền kinh tế nước khác. Điều này nói lên là nền kinh tế Nga không có chân đứng nên bị tụt dốc nhanh hơn các nước khác. Điều đó có nghĩa là Nga cần phải phát triển một nền kinh tế đa dạng hơn.

Đó chính là lý do mà ngày 12-11-2009 tổng thống Nga Medvedev tuyên bố nước Nga cần phải thay đổi nền kinh tế để tồn tại. Theo ông thì mô hình kinh tế thời Xô Viết không còn thích hợp, mà Nga cần có một nền kinh tế không ngoan hơn, có những kiến thức độc đáo, sản xuất được các hàng hóa và kỹ thuật mà mọi người cần dùng đến. Muốn thế thì cần có những công dân năng động chứ không thụ động đợi nhà nước ra lệnh, phát động thì mới biết là cần phải làm gì.

Điều này có nghĩa là cần phải chấm dứt nạn thối nát, kém hiệu năng trong các xí nghiệp nhà nước. Cho xã hội tự do, dân chủ hơn, nhưng đồng thời có luật pháp hơn. Điều này cho thấy ông Medvedev có cái nhìn khác với “ông thày” của ông là Putin và tập đoàn đã đưa ông ta lên ghế tổng thống. Sự khác nhau này có lẽ vì ông Medvedev là người tốt nghiệp về luật, được đào tạo sau khi Liên Xô sụp đổ, còn Putin là nhân viên KGB nhà nghề. Người được đào tạo về luật thì nhìn sự việc qua khía cạnh pháp lý và dùng pháp luật để giải quyết, còn nhân viên mật vụ KGB thì quen sử dụng mưu mô, lừa dối và bạo lực.

Điều ông Medvedev phản ảnh đúng những gì mà nước Nga cần phải làm. Từ khi ông Putin lên và gặp thời nhờ giá dầu tăng thì có người đã nói việc được giá dầu không khéo làm cho những người cầm quyền Nga quên không để ý đến điều quan trọng hơn là cần phải tân trang hóa nền kinh tế nước Nga vì hạ tầng cơ sở kinh tế lẫn cơ cấu các công ty, trang bị đều lạc hậu. Nhưng bây giờ điều này được tuyên bố ra từ miệng một tổng thổng người ta cũng cảm thấy không lạc quan lắm về khả năng của ông có thể thực hiện được vì loại người như ông ta xem ra không đông đảo lắm ở Nga và bản thân ông Medvedev không có tập đoàn quyền lực nào hậu thuẫn cho ông ta cả trong khi đám mật vụ bảo thủ thì nắm toàn bộ các cơ quan an ninh, quân đội và các nguồn lợi kinh tế quan trọng. Không những thế tương lai chính trị của ông Medvedev không chừng lại trở nên bất bênh, nhiều nguy hiểm.

Sau một năm cầm quyền, xem ra ông Medvedev có cách nhìn và chủ kiến riêng của ông ta chứ không phải là một kẻ nhu nhược, nghe lời ông Putin sai bảo cốt để được ngồi ở chức vụ tổng thống làm vì để đến khi hết hạn thì xuống để ông Putin lại lên làm tổng thống cho hợp với qui định của hiến pháp là không ai được làm tổng thống quá hai nhiệm kỳ.

Lúc ông Medvedev mới lên, nhà bình luận Lê Diễn Đức, tại Ba Lan đã ghi nhận báo chí Ba Lan nhận xét câu nói của ông Medvedev:

“Sự ổn định và đời sống no ấm trong mọi trường hợp không thể đặt đối kháng với tự do và các quyền chính trị” nghĩa là ông ta không cho rằng cần phải hạn chế tự do và các quyền chính trị để có sự ổn định và đời sống no ấm như ông Putin chủ trương mà cho rằng tự do và các quyền chính trị đi đôi với sự ổn định và no ấm.

Vào lúc ấy thì còn quá sớm để nói rằng ông Medvedev có chính kiến độc lập với tập đoàn đưa ông ta lên. Mới đây, ngày 31-10-2009, ông Medvedev lên tiếng lên án các hành vi tàn bạo của Stalin và những kẻ xuyên tạc lịch sử để xóa mờ sự tàn bạo . Ông tuyên bố: “Không thể có lời giải thích thỏa đáng cho hành động của những người lãnh đạo hủy diệt chính nhân dân mình”. Ý kiến này hoàn toàn đi ngược lại đường lối của Putin trong hai nhiệm kỳ cầm quyền vừa qua là ca tụng sự vinh quang của nước Nga thời Stalin và xuyên tạc lịch sử để làm xóa mờ tội của Stalin. Ca tụng Stalin rất phù hợp với hành vi của Putin vì các thức mưu mô, lừa dối, bạo lực mà Putin làm chính là cách mà Stalin đã làm.

Lời tuyên bố của ông Medvedev cho thấy nước Nga không phải là toàn những người tàn bạo, quỉ quyệt như Stalin mà cũng có những con người chân thật, nhân hậu như Gorbachev, Medvedev.

Sự rạn nứt giữa Medvedev và “ông thày” Putin lại lớn thêm khi vào ngày 21-11-2009, ông Medvedev sa thải ông Mikhail Lesin, một người thân tín của Putin được Putin đưa vào chức vụ cố vấn tổng thống lúc tại vị và khi ông Medvedev lên nắm quyền thì lại được bố trí vào chức vụ cũ. Việc sa thải này diễn ra sau khi ông Medvedev nói trước quốc hội lên án nạn tham nhũng và hứa sẽ sa thải các viên chức tham nhũng.

Đây có thể xem là khơi mào trận chiến giữa hai thế hệ tại nước Nga hay không? Thế hệ mới được đào tạo về luật pháp và thế hệ cũ quen cách hành xử theo lối dùng mưu mô, thủ đoạn, bạo lực?

Thế hệ theo luật pháp tuy có kiến thức đáp ứng được đòi hỏi của tình hình mới nhưng còn quá thưa thớt và ít kinh nghiệm trong việc thủ đắc quyền lực và các mưu mô trong chính trường. Nếu thế hệ mới thắng thì nước Nga sẽ thoát ra khỏi con đường Đế Quốc Tội Lỗi, Nhà Nước Tội Phạm, còn thế hệ cũ thắng thì nước Nga sẽ vẫn là một nước Nga rộng bao la với tài nguyên phong phú nhưng xã hội thì kém phát triểu hơn phía Tây và cứ tiếp tục lẽo đẽo làm nông thôn của châu Âu, trong khi ở phương trời văn minh người dân được tự do lên tiếng thì tại “nông thôn” người dân lên tiếng nói thì bị đánh đập, hù dọa, giết chóc.

1 comment: