Các Chủ Đề

Friday, May 14, 2010

Khủng hoảng là tại người


Nếu tư bản để tự do có thể vì lòng tham mà phạm lỗi lầm gây ra khủng hoảng thì các chính trị gia có thể vì lòng tham hay suy nghĩ sai lầm mà gây ra khủng hoảng. Khủng hoảng là do con người gây ra do bản chất không toàn thiện của con người. Dù là con người tin theo một học thuyết có lô gích chặt chẽ thì sai lầm cũng vẫn có thể xảy ra. Cũng phải đặt ra luật lệ để kiểm soát các chính trị gia để giảm bớt sự sai lầm và lạm quyền của các chính trị gia.

Khủng hoảng là tại người

 Minh Đức


Khi cuộc khủng hoảng tín dụng xảy ra tại Mỹ năm 2008, kéo theo cuộc khủng hoảng kinh tế liên quan đến nhiều nước trên thế giới thì người ta đổ lỗi cho các ngân hàng Mỹ quá tham lam, cho vay tiền mua nhà quá dễ dàng, đến khi người mượn tiền mua nhà không trả được tiền nợ thì các ngân hàng thiếu tiền, không còn tiền cho các công ty vay để làm ăn nữa. Khi bàn về nguyên do gây ra nạn khủng hoảng tín dụng, nhiều người ra đề nghị phải có thêm luật lệ kiểm soát các ngân hàng chặt chẽ hơn để tránh tình trạng này tái diễn . Dịp này cũng là dịp nhiều người từ xưa đến nay vẫn ủng hộ chủ nghĩa Cộng Sản ca ngợi cái hay của chủ nghĩa Cộng sản và chỉ trích cái dở của chủ nghĩa tư bản . Những người ủng hộ chủ nghĩa Cộng Sản nói rằng chính là vì lòng tham lợi nhuận của tư bản nên đã xảy ra nạn khủng hoảng kinh tế năm 1929, rồi nay lại xảy ra khủng hoảng kinh tế năm 2008. Nếu theo chủ nghĩa Cộng Sản, không để cho lòng tham lợi nhuận lôi kéo thì sẽ không bao giờ xảy ra khủng hoảng như các xứ tư bản phải chịu .

Những nguời ủng hộ chủ nghĩa Cộng Sản dường như quên rằng các nước cộng sản như Nga, Trung Quốc cũng đã bị khủng hoảng dù đã xóa bỏ tư hữu, không theo kinh tế thị trường. Thì chính vào cuối thập niên 1980, Liên Bang Xô Viết bị khủng hoảng kinh tế nên Gorbachev mới phải đề ra glasnost và perestroika để chữa bệnh khủng hoảng cho Nga . Nhưng rồi không chữa được rồi gây ra rối loạn chính trị, đưa đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Nga và Đông Âu, làm tan rã Liên Bang Xô Viết .

Tại Trung Quốc cũng đã từng xảy ra khủng hoảng khi Mao Trạch Đông đề ra chương trình Bước Tiến Nhảy Vọt năm 1959 rồi bị thất bại, làm cho hàng chục triệu người chết đói . Một quốc gia thất bại về kinh tế, nông nghiệp làm hàng triệu người dân chết đói đáng bị gọi là gặp khủng hoảng . Khủng hoảng kinh tế năm 1929 tại Mỹ rồi lan ra các nước tư bản chỉ làm nhiều người thất nghiệp và thiếu ăn nhưng không làm chết đói hàng chục triệu người như tại Trung Quốc năm 1959, 1960.

Thế thì dù theo chế độ tư bản hay chế độ cộng sản, quốc gia cũng vẫn có thể gặp khủng hoảng .

Khủng hoảng tại Liên Xô bắt nguồn từ thời Breznev theo chính sách dồn quá nhiều ngân sách cho quân sự . Vào thập niên 1970, có lúc Liên Xô dồn hơn 30% Tổng Sản Lượng quốc gia cho quốc phòng. Tỉ lệ ngân sách dành cho quốc phòng của các nước thông thường từ 2% đến 4%. Vì quá dồn ngân sách cho việc chế tạo vũ khí, viện trợ quân sự cho các phong trào cộng sản theo Nga trên thế giới, lãnh vực công nghiệp dân dụng và nông nghiệp bị bỏ bê . Trong khi Liên Xô dần dần bắt kịp Mỹ về sản xuất vũ khí về mặt kỹ thuật thì máy móc trong khi vực công nghiệp dân dụng bị bỏ bê trở nên lỗi thời sản xuất ra hàng hóa kém phẩm chất không thể xuất cảng và cạnh tranh trên thế giới . Số nhà máy sản xuất hàng dân dụng quá ít không đủ để đáp ứng với nhu cầu của dân trong khi số vũ khí sản xuất ra quá nhiều, vượt quá số cần thiết để tự vệ cho một quốc gia . Đồng thời Liên Xô mở thêm nhiều căn cứ quân sự bên ngoài Liên Xô . Bên nông nghiệp, ngân sách thiếu thốn khiến cho sản lượng bị suy giảm. Để bù cho khu vực công nghiệp dân dụng và nông nghiệp bị bỏ bê, Liên Xô khai thác dầu hỏa, vàng, kim cương để xuất cảng, đồng thời nhập cảng lúa mì của Mỹ, Canada .

Hỏa tiễn, máy bay và xe tăng kiểu mới được Liên Xô cho ra đời liên tục để đuổi kịp Mỹ

Xe Volga Gaz 24 của Liên Xô. Sản xuất từ 1970 đến 1992 không đổi kiểu. Tại Mỹ và các nước Tây phương vì cạnh tranh các kiểu xe thay đổi 5 năm một lần và phải cải tiến kỹ thuật liên tục để công ty có thể sống còn.


Năm 1973, khi Do Thái và các nước Ả Rập xung đột, để trả đũa Mỹ và các nước Tây phương giúp Do Thái, các nước Ả Rập cắt giảm sản lượng dầu hỏa để làm giá dầu gia tăng . Giá dầu giữ ở mức độ cao trong suốt thập niên 1970. Liên Xô cũng là nước xuất cảng dầu hỏa nên đã được lợi nhờ giá dầu cao . Khi Mỹ rút ra khỏi miền Nam năm 1973 và cắt viện trợ cho miền Nam thì Liên Xô nhờ tiền xuất cảng dầu hỏa nên vẫn cung cấp viện trợ dồi dào cho miền Bắc hàng năm đến hàng tỉ đô la . Liên Xô cũng có thừa tiền để viện trợ Cuba và phong trào cộng sản tại các nước Nam Mỹ để bành trướng cách mạng vô sản tại Nam Mỹ và Phi châu . Đến cuối thập niên 1970, Ả Rập Saudi bắt đầu mở thêm giếng dầu nên sản lượng dầu gia tăng lại làm cho giá dầu hỏa xuống . Giá dầu xuống làm thu nhập của Liên Xô kém đi . Liên Xô đã viện trợ thêm súng đạn cho Phong Trào Giải Phóng Palestine để tổ chức này gây bất ổn tại Trung Đông, hy vọng rằng tình hình bất ổn sẽ làm cho giá dầu lên trở lại . Nhưng việc này không thành công.

Năm 1982, Breznev qua đời sau mười tám năm cầm quyền để lại di sản cho Gorbachev một nước Nga bành trướng quân sự trên khắp thế giới nhưng không đủ tiền để chi phí cho quốc phòng do giá dầu hỏa xuống thấp . Gorbachev phải tìm cách cải cách hệ thống kinh tế, chính trị để giải quyết nạn yếu kém sản xuất về kinh tế .

Theo chủ nghĩa Mác thì sau khi đảng Cộng Sản xóa bỏ tư hữu nắm toàn bộ nền kinh tế thì đảng cộng sản sẽ điều hành nền kinh tế một cách hài hòa, không để cho nạn khủng hoảng thừa do sản xuất quá nhiều như xã hội tư bản . Nhưng Breznev và những đồng chí của ông không hành động như chủ nghĩa Mác nói . Nếu năm 1929 khủng hoảng kinh tế tại Mỹ là khủng hoảng thừa do sản xuất nhiều hàng quá, không bán hết, xí nghiệp phá sản vì bán không được hàng thì khủng hoảng tại Nga vào thập niên cũng là khủng hoảng thừa, thừa vũ khí và bành trướng quân sự quá rộng trên thế giới nên khi thu nhập quốc gia giảm, nhà nước không có tiền để duy trì guồng máy quân sự quá lớn .

Trung Quốc cũng xảy ra khủng hoảng trong thời gian Mao Trạch Đông cầm quyền . Đầu tiên là cuộc khủng hoảng gây ra bởi chiến dịch Bước Tiến Nhảy Vọt bị thất bại . Hậu quả của sự thất bại này là hàng chục triệu người bị chết đói . Rồi đến cuộc Cách Mạng Văn Hóa làm đất nước bị xáo trộn, sản xuất, giáo dục bị đình trệ và hàng chục triệu người bị giết .

Bước Tiến Nhảy Vọt là sáng kiến của Mao Trạch Đông . Năm 1958 Mao phát động chiến dịch Bước Tiến Nhảy Vọt bắt toàn thể Trung Quốc áp dụng các ý tưởng thiếu cơ sở khoa học của Mao . Nhiều phương pháp canh tác mà Mao nghĩ rằng sẽ gia tăng năng suất đem áp dụng cho các công xã bị thất bại . Nhiều đập thủy lợi, kinh đào do cán bộ đúc thốc dân làm mà không do qui hoạch bởi kỹ sư vì kỹ sư bị xem là thành phần tiểu tư sản, không đáng tin, đã trở thành vô dụng, làm phí công lao và cả sinh mạng của nhiều người dân tham gia .

Hai sáng kiến điển hình của Mao được nhiều người nhắc đến là chiến dịch đuổi chim sẻ và gia tăng sản lượng thép bằng các lò nấu nông thôn .

Mao nghĩ rằng chim sẻ ăn mất nhiều thóc lúc của nông dân . Nếu không cho chim sẻ ăn thóc lúc thì sản lượng thóc lúc sẽ gia tăng lên nhiều. Trên toàn quốc mọi người được huy động gõ nồi niêu xoong chảo mỗi khi nhìn thấy chim sẻ để đuổi chim sẻ, làm cho chúng sợ hãi bay mãi không đáp xuống được để ăn thóc lúa. Kết quả là chim sẻ bị đói và chết. Không còn chim sẻ ăn sâu bọ nên sâu bọ sinh sản gia tăng phá hoại mùa màng, làm thất thu lúa gạo, sinh ra nạn đói.

Một nông dân khoe một con chim bị chết vì đói nên rơi xuống đất và đứa bé bên cạnh cầm một sâu chim

 Dân làng chở các con chim bị chết đói trên xe bò để khoe thành tích

Để gia tăng sản lượng thép, vì mức sản xuất thép là biểu hiện của sức sản xuất của một xã hội công nghiệp hóa, Mao ra lệnh cho tất cả mọi gia đình đem mọi vật dụng bằng kim loại ra nấu chảy trong các lò luyện thép được lập ra tại mọi nơi tại nông thôn . Kết quả là vì kim loại đem nấu là các thứ tạp nhạp nên thép được sản xuất ra từ các lò nấu này không sử dụng được vào việc gì cả . Bao nhiêu người đã bỏ công sức ra mà không đem lại kết quả hữu ích mà còn phá hủy bao nhiêu đồ gia dụng trong các gia đình .

 Lò nấu thép tại nông thôn trong chiến dịch Bước Tiến Nhảy Vọt, 1958

Cuộc Cách Mạng Văn Hóa do Mao phát động nhắm vào các đồng chí trong đảng đang mất tin tưởng vào Mao . Dưới sự chỉ đạo của Mao, các thanh niên trong Vệ Binh Đỏ gán ghép cho nhiều đảng viên tội hữu khuynh rồi hành hạ, bỏ tù, giết hại . Phong trào Vệ Binh Đỏ cũng bài bác văn hóa truyền thống của Trung Hoa, lên án Khổng Tử, phá hủy miếu thờ Khổng Tử, chùa chiền . Các tội mà Vệ Binh Đỏ đem ghép lên người khác là do Mao bịa đặt ra . Các đảng viên trung thành với chủ nghĩa Cộng Sản và đảng Cộng Sản trong nhiều năm cũng bị gán cho tội hữu khuynh chỉ vì không đứng về phe Mao. Những điều lên án Khổng Tử đã đặt ra tư tưởng áp bức có tính cách phiến diện và ngày nay đảng Cộng Sản Trung Quốc không còn công nhận khi cho phục hồi lại tư tưởng Khổng Tử và lập ra Viện Khổng Học tại nhiều nước trên thế giới .

 Cách Mạng Văn Hóa: xử bắn người một cách tùy tiện làm cho hàng triệu người bị chết

Cách Mạng Văn Hóa: Vệ Binh Đỏ đốt tượng Phật

Khủng hoảng tại Liên Xô là do lòng tham của Breznev và các đồng chí của ông trong hàng ngũ lãnh đạo . Vào thập niên 1970, Liên Xô dồn phần lớn tổng sản lượng quốc gia vào quân sự và đem lại nhiều thắng lợi . Trong khi Mỹ phải rút đi tại Việt Nam và giảm ảnh hưởng trên nhiều nơi trên thế giới thì Liên Xô mở căn cứ hải quân tại Cam Ranh, tàu chiến Liên Xô rong ruổi trên khắp các đại dương, lần đầu tiên trong lịch sử Nga, Nga trở thành cường quốc đại dương . Đồng thời Liên Xô gia tăng ảnh hưởng trên các nước Phi châu và Nam Mỹ, giúp Cuba can thiệp vào Angola, vào xung đột giữa Ethiopia và Somalia, các phong trào cộng sản tại Nam Mỹ gia tăng hoạt động . Thắng lợi này làm các nhà lãnh đạo Liên Xô say sưa mà quên rằng kinh tế Liên Xô đang đi trên con đường nguy hiểm . Thiếu đa dạng trong nền kinh tế Liên Xô, toàn bộ nền kinh tế dựa vào phần lớn là xuất cảng khoáng sản, nguyên liệu . Khi giá cả trên thị trường khoáng sản, nguyên liệu bị chao động thì nền kinh tế Liên Xô bị ảnh hưởng . Liên Xô không có nguồn thu nhập từ sản phẩm công nghiệp dân dụng để cân bằng nền kinh tế . Liên Xô không có báo chí độc lập để các nhà báo hay nhà kinh tế độc lập lên tiếng báo động con đường nguy hiểm mà Liên Xô đang dấn thân vào . Cũng không có đảng đối lập đứng về phía người dân để lên tiếng báo động rằng dồn hết ngân sách vào quân sự làm cho dân thiếu thực phẩm, hàng hóa dân dụng trở nên khan hiếm, thuốc men thiếu thốn, tuổi thọ bình quân của người già đang ngắn dần, tử suất của trẻ sơ sinh đang gia tăng . Không có lực lượng nào có đủ quyền lực để ngăn cản hay sửa đổi hướng đi của chính quyền .

Trường hợp Mao Trạch Đông là trường hợp ý kiến một cá nhân đem áp dụng mà không được bàn luận kỹ lưỡng . Các kỹ sư luyện kim có thể nói ra rằng đem các loại vật dụng kim loại trong nhà đem trộn lại rồi nấu không thể tạo ra thép có phẩm chất với độ cứng, độ đàn hồi như ý để đem sử dụng vào xây cất và chế tạo vũ khí . Các tội mà Mao đem gán ghép cho kẻ thù của mình rồi giết hại chỉ là các tội bịa đặt, vu vơ . Một cá nhân của Mao làm loạn xã hội, gây chết chóc cho hàng triệu sinh mạng mà chế độ Trung Quốc lúc đó không có tổ chức, lực lượng nào có đủ quyền lực để ngăn chặn hành động cuồng rỡ của Mao .

Những người chống lại chế độ độc tài cộng sản trước đây đã đem việc các chế độ quân chủ, phong kiến để quyền quyết định tập trung vào tay nhà vua đã đem lại nhiều sai lầm và lạm dụng quyền hành . Người cộng sản đã bào chữa rằng vua chúa quyết định một mình còn chế độ cộng sản là chế độ tập thể quyết định . Nhưng những người phản biện lại luận điệu tập thể quyết định sẽ không có sai lầm là: bản chất của con người là có thể sai lầm . Một cá nhân có thể sai lầm, một tập thể các cá nhân có bản chất có thể sai lầm cũng không thể bảo đảm là không sai lầm .

Trường hợp sự sai lầm trong đường lối kinh tế của Liên Xô cho thấy tập thể cũng có thể mắc sai lầm . Tập thể những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Nga là những người đã được chọn lựa có cùng ý nghĩ về cách phát triển đất nước, cùng ý nghĩ về mục tiêu của đảng Cộng Sản . Tập thể những người có cùng mục tiêu nhờ bàn luận với nhau mà có các quyết định đúng đắn để đạt đến mục tiêu đó . Nhưng điều đó không bảo đảm là mục tiêu mà tập thể đó chọn là đúng và cũng không bảo đảm là khi quá chăm chú muốn đạt đến mục tiêu của mình, tập thể đó quan tâm đến các sự kiện khác . Người cộng sản Nga quá chăm chú vào việc đánh bại Mỹ và phe tư bản đã không quan tâm đến đời sống người dân Nga . Kết quả là người dân đã nổi lên chấm dứt chế độ đã để cho họ bị thiếu thốn, mất tự do trong thời gian dài .

Trường hợp Mao Trạch Đông thì nguyên tắc tập thể lãnh đạo đã bị vi phạm . Khi một người có khả năng vượt trội trong việc liên kết, lôi kéo người về phe mình, dùng thủ đoạn tàn bạo đàn áp những người trong tổ chức khác ý kiến với mình thì quyết định không còn do tập thể thực hiện nữa . Chế độ toàn trị không chấp nhận bất cứ tổ chức nào ngoài đảng cầm quyền được tồn tại đã không có thế lực nào ngăn cản được một cá nhân tập trung quyền vào tay, bất chấp nguyên tắc tập thể lãnh đạo .

Nhà văn Trung Quốc Lâm Ngữ Đường năm 1937 viết trong cuốn The Importance Of Living bàn về niềm tin về lô gích tất yếu của người cộng sản đã nói rằng việc tuyệt đối tin tưởng vào một học thuyết có lý luận chặt chẽ rồi cho rằng vì lý luận chặt chẽ nên thế giới sẽ chắc chắn tiến tới điểm mà học thuyết đó tiên đoán là ngây thơ vì bản tính con người xen vào việc thực hiện nên cái gọi là lô gích tất yếu đó không thực hiện được . Thì chính là bản tính tham vọng quyền lực của những người lãnh đạo cộng sản Nga đã gây ra sai lầm trong nền kinh tế Liên Xô , bản tính độc đoán của Mao Trạch Đông đã đưa đến các hậu quả tai hại của Bước Tiến Nhảy Vọt và Cách Mạng Văn Hóa . Lâm Ngữ Đường viết những lời đó vào lúc chế độ phát xít ra đời tại Ý và người cộng sản Trung Quốc say sưa cuồng nhiệt với chủ nghĩa Cộng Sản, đó cũng là lúc trí thức Tây phương hâm mộ sự chính xác của lý luận và sùng bái lý luận, xem lý luận là tất cả chân lý, con người phải phục tùng và tuyệt đối làm theo lý luận . Nhưng thực tế cho thấy lý luận là một đằng mà con người vì lòng tham vẫn có thể làm sai lý luận .

Sau khi cuộc khủng hoảng tín dụng tại Mỹ năm 2008, tổng thống Mỹ Barak Obama cũng như nhiều người trên thế giới đã tuyên bố phải đặt ra luật lệ để giới hạn các hành vi sai lầm của tư bản trong giới tài chính. Nếu tư bản để tự do có thể vì lòng tham mà phạm lỗi lầm gây ra khủng hoảng thì các chính trị gia có thể vì lòng tham hay suy nghĩ sai lầm mà gây ra khủng hoảng . Khủng hoảng là do con người gây ra do bản chất không toàn thiện của con người . Dù là con người tin theo một học thuyết có lô gích chặt chẽ thì sai lầm cũng vẫn có thể xảy ra. Cũng phải đặt ra luật lệ để kiểm soát các chính trị gia để giảm bớt sự sai lầm và lạm quyền của các chính trị gia. Việc hạn chế quyền của chính trị gia thì các chế độ dân chủ đã làm từ lâu, chỉ có ở các xứ cộng sản, các chính trị gia cộng sản tập trung quyền hành vào tay đảng cộng sản mà không có luật lệ, cơ chế để kiểm soát các đảng cộng sản, không có tổ chức để ngăn cản các hành vi sai lầm của đảng cộng sản. Những người cộng sản cũng là con người như những nhà tư bản, họ đều cần phải có luật lệ, tổ chức hạn chế các hành vi gây ra hậu quả tai hại vì lòng tham hay vì suy nghĩ sai lầm mà sinh ra.

No comments:

Post a Comment