Các Chủ Đề

Thursday, April 14, 2011

Ghép nhạc Trịnh với Bob Dylan

Trong buổi trình diễn của Bob Dylan tại Sài gòn, ngày 10-4-2011, trước phần trình diễn của Bob Dylan là phần trình diễn nhạc Trịnh Công Sơn. Thử hỏi hai phần trình diễn này có ăn nhập vì với nhau?


Lý do mà ban tổ chức ghép nhạc Trịnh Công Sơn vào với buổi trình diễn nhạc của Bob Dylan là họ nghĩ Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam. Lý do nói rằng Trịnh Công Sơn là Bob Dylan của Việt Nam là vì Trịnh Công Sơn đã có lần nhận rằng mình chịu ảnh hưởng của nhạc Bob Dylan. Đó là nói về các ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong tập Ca Khúc Da Vàng  (1967), và khuynh hướng làm nhạc phản chiến, kêu gọi đấu tranh tiếp tục trong các tập bài hát kế tiếp là Kinh Việt Nam (1968), Ta Phải Thấy Mặt Trời (1969).

Điểm chung giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan chỉ có đến đó mà thôi. Ngoài ra, Trịnh Công Sơn còn sáng tác nhiều bài hát khác theo ý Trịnh Công Sơn, chẳng có gì là ảnh hưởng của Bob Dylan. Và Bob Dylan cũng sáng tác nhiều bài hát khác chứ chẳng dừng lại ở các ca khúc phản chiến, đấu tranh mà thôi.

Nếu cho rằng có sự giống nhau giữa Trịnh Công Sơn và Bob Dylan thì trong buổi trình diễn nhạc hôm đó phải hát các bài hát mà cả hai có điểm tương đồng, nghĩa là các bài hát phản chiến, đấu tranh của cả Trịnh Công Sơn và Bob Dylan. Nhưng các bài hát của Bob Dylan hát đêm đó không có những bài hát có tính đấu tranh như Blowin’ In The Wind hay The Times They Are A-Changin, là những bài rất nổi tiếng của Bob Dylan trong thời kỳ 1960. Mà những bài hát của Trịnh Công Sơn được hát đêm đó cũng không phải là các bài ca phản chiến trong Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời.

Chẳng những thế, sự vắng bóng các bài ca đấu tranh của Bob Dylan trong các buổi trình diễn tại Trung Quốc và Việt Nam đã làm cho một số người Mỹ và tổ chức nhân quyền Human Rights Watch lên tiếng chê Bob Dylan đã không dám hát các bài hát tranh đấu cho nhân quyền tại các xứ mà nhân quyền đang bị vi phạm, và Bob Dylan lại để cho chính quyền Trung Quốc duyệt xét danh sách bài hát trước khi hát, một điều mà Bob Dylan chắc chắn sẽ phản đối mãnh liệt nếu chính phủ Mỹ làm như vậy với Bob Dylan.

Về phần nhạc Trịnh Công Sơn  thì các bài ca trong Ca Khúc Da Vàng, Kinh Việt Nam, Ta Phải Thấy Mặt Trời cũng bị cấm lưu hành tại Việt Nam. Nếu đọc lời một số bài hát trong tập Ta Phải Thấy Mặt Trời thì người ta có thể thấy ngay đó là các bài hát kêu gọi đấu tranh cho tự do, chống lại chính quyền. Nội dung các bài hát này rất phù hợp với tâm tư của những người đang tranh đấu cho dân chủ tại Việt Nam.

Cả phần nhạc Trịnh Công Sơn lẫn phần nhạc Bob Dylan được trình diễn trong đêm đó đều không có phần nhạc nói lên sự tương đồng của hai nhạc sĩ. Thế thì việc ghép hai loại nhạc đó vào trong một buổi trình diễn chẳng mang ý nghĩa gì. Ý nghĩa mà ban tổ chức nghĩ có lẽ là cả Bob Dylan lẫn Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ phản chiến. Đề cao nhạc sĩ phản chiến đã từng phản đối chính phủ của mình tham chiến là đề cao chính nghĩa của đảng Cộng Sản Việt Nam trong chiến tranh vừa qua. Nhưng những kẻ đề cao Bob Dylan và Trịnh Công Sơn ngày nay lại rất sợ cho dân nghe các bài hát  đấu tranh cho nhân quyền và tự do của hai nhạc sĩ này.

No comments:

Post a Comment