Các Chủ Đề

Friday, July 22, 2011

Hồi ức một nữ thuyền nhân: ’10 năm vẫn mơ; 20 năm còn nhớ’

Westminter (Nhật báo Người Việt) – 31 năm trôi qua từ ngày lênh đênh trên chiếc ghe chết máy, và gần 20 năm những kỷ niệm đau thương được lấp kín, chôn vùi. Vậy mà giờ đây, trong một khoảnh khắc bất chợt, câu chuyện gian nan của một người con gái vượt biển đã những tưởng mình “chết đi sống lại” sau hành trình 40 ngày đi tìm tự do, lại sống dậy, ùa về, miên man cảm xúc.

Vừa đứng nhìn những bức hình trưng bày tại triển lãm “Thuyền nhân Việt Nam: 35 năm nhìn lại,” cô Ngoan Trần, cư dân thành phố Irvine, vừa đưa tay lau vội dòng nước mắt cứ tuôn xuống, trong khi trên sân khấu, lời bài hát “Ðêm chôn dầu vượt biển” của nhạc sĩ Châu Đình An được cất lên.


“Chuyến đi của tôi gian nan lắm,” cô Ngoan mở đầu hồi ức bằng giọng nói nhỏ, nghẹn trong nước mắt. “Ðến giờ nghĩ lại, cứ tưởng mình chết đi sống lại.”

Chiếc ghe chở 55 người, khởi đi từ Vũng Tàu vào tháng 4, năm 1979. Sau ba ngày ra khơi, ghe chết máy, “thế là nó cứ lênh đênh trên biển.”

Dự tính đi trong ba ngày sẽ đến nơi, nên đồ ăn thức uống cũng chỉ chuẩn bị cho ba ngày. Nơi đến chưa thấy, bến bờ chưa hiện lên trong tầm mắt thì ghe đã trôi bồng bềnh. Thức ăn hết. Nước uống hết. Và đói. Và khát.

“Ði là do không thể sống với Cộng Sản. Khi đó mình mới 23 tuổi, thấy tương lai còn nhiều ước mơ chưa thành nên muốn ra đi, có chết cũng được.”

 Tượng đài tưởng niệm những người vượt biên bị chết tại chùa Bửu Quang, California

Nghĩ là vậy, quyết định ra đi là thế. Nhưng ngay trong lúc tưởng mình đang cận kề với cái chết, cô Ngoan đã nghĩ trong đầu có lẽ nên ôm một chiếc thùng không nhảy xuống biển, rồi mặc nó trôi đi đâu thì đi, biết đâu lại sống.

“May mắn là sau đó tài công sửa được máy, ghe lại chạy,” cô kể.

Có điều, chạy đi đâu, hướng về đâu, không một ai biết. Cứ nằm sóng soài trên ghe, “ngày thì trời xanh không gì đẹp bằng, tối lại thăm thẳm đen như mực.”

“10 ngày sau thì thấy thấp thoáng một đốm đen, biết là bờ, và có hy vọng sống.”

Thế nhưng, những chữ “nhưng” oan nghiệt cứ luôn xuất hiện vào những lúc khắc nghiệt nhất, như một sự thách đố số phận con người.

Người phụ nữ có gương mặt buồn rười rượi kể tiếp, “Không ngờ lúc vô tới bờ thì bị đuổi ra. Họ không cho vô, thế là cứ nằm trên ghe chờ. Ghe mình tới, rồi vài ba ghe khác cũng tới, họ cột chung mấy chiếc lại ngoài biển. Ðói không có gì ăn. Lại thêm khi đó mình đứng trên ghe bên này, sát chiếc ghe bên cạnh, sóng dập hai chiếc ghe vào, móng chân mình kẹp giữa…”

Cô Ngoan và những người trên ghe chỉ biết mình đang ở Malaysia chứ không biết chính xác đó là đảo nào, tỉnh nào.

“Cứ lênh đênh như vậy, ghe dạt vào bờ, họ lại kéo ghe ra. Ðến một lần ghe trôi vô được, sợ họ lại kéo ra, thành ra bỏ ghe ngoài xa luôn, rồi cứ theo sóng đánh dạt mình vô tới bờ chứ lúc đó cũng chẳng biết làm sao vô tới, bởi mình đâu có biết bơi.”



Sau khi được sóng biển đánh dạt vào bờ, cảnh sát Malaysia bắt tất cả lại “nhốt vô một lô cốt của quân đội ngày xưa.”

“Ban ngày thì họ cho ra ngồi ngoài bãi biển, tối lại bắt nhốt vào lô cốt, sợ mình trốn ra ngoài.”

Cô Ngoan nhớ được chừng một tuần, hai tuần thì những người lính Mã Lai lại tìm đâu ra mấy chiếc ghe của người ta bỏ và “lại đẩy mình xuống và lôi ra biển trở lại, trong khi ghe không có xăng. Họ cứ cắt dây thả mình ngoài biển, có chết thì chết.”

“Tôi không nhớ chính xác bao nhiêu ngày, chỉ biết là đói, đồ ăn thì không có. Vài người dân ở đó cũng tốt, họ ra cho một hộp bánh mà tôi nhớ suốt đời.”

Ðó chỉ là một hộp bánh cracker chia đều cho 55 người, mỗi người hai cái. “Họ cho một gói thuốc lá nữa, cũng chia đều cho 55. Mấy ông ghiền thuốc quá thì lấy bánh đổi thuốc hút. Ðói không chịu nổi nữa thì kiếm hến ngoài biển ăn.”


Vẫn bằng giọng nói đều đều, cố gắng kiềm nén cảm xúc, cô Ngoan lần hồi nhớ, “Trong thời gian ra vô như vậy đã gặp không biết bao nhiêu hải tặc rồi. Có điều sau bao thời gian đói khát thì ai cũng đen đúa, xấu xí hết, chỉ còn một cô còn trắng thôi. Cô đó cũng may còn có gia đình anh em che chở nên lôi kéo trở lại thành ra cũng không đến nỗi nào.”

Trước ngày bị những người lính Mã Lai cắt dây đẩy tàu ra biển trở lại thì chúng dồn hết mọi người xuống ghe. “Khi đó chỉ có ghe tôi, với vài chục người. Sợ vô cùng, bởi đêm đó chúng cứ dí súng xuống lôi người ta đi.”

“Lôi đi đâu?”

“Ði hiếp.”

Một khoảng lặng. Ngột ngạt.

“Cũng may, gia đình đi chung cũng tốt lắm. Bây giờ họ đang ở Bỉ. Bên kia chúng kéo mình, bên này họ kéo lại, cứ vậy, giằng co. Cũng may là có ý trên phù hộ chứ kéo vậy thì có ăn thua gì với nó, nó có súng, mình có gì đâu.”

Ngày hôm sau, không biết từ đâu những người lính Mã Lai gom thêm nhiều chiếc ghe từ nơi khác đến, gần cả 800 người. “Khi đông người thì mình có cơ hội trà trộn, đỡ là mục tiêu hơn,” cô nhớ lại.

“Có điều, đêm mà chúng tập trung lại 800 người thì suốt đời tôi không thể nào quên được.”

Giọng nói của người phụ nữ vẫn nhỏ nhẹ, nhưng nỗi đau trong ký ức cứ như sâu xoáy lòng người một vết thương không lành, “Trong những hoàn cảnh mà luật lệ không có gì hết thì lòng con người đen tối, sợ hãi lắm. Ðêm hôm đó, những người lính Malaysia, những người chính ra họ nên bảo vệ chúng tôi thì chính họ là những kẻ đi cướp của, hiếp dâm!”

“Chúng cứ đi kiếm đàn bà con gái lôi đi. Ðêm đó tôi lấy dầu bôi khắp người cho hôi đi, lấy những miếng giẻ buộc lên đầu, che đậy tất cả để cho chúng đừng nhận ra mình là đàn bà. Nhưng tôi chứng kiến chúng lôi những người vợ, những đứa con gái đi, lôi đi nhiều lắm.”

Thời gian dừng lại. Nặng nề. U uất.

“Chúng lôi đi nhiều lắm. Nhiều lắm. Có những người chồng, người thân kéo lại, chúng dùng báng súng táng vào đầu người ta để kéo những người phụ nữ đi. Chúng lôi họ lên cái tàu chúng đậu ở ngoài bến, bắt họ lột hết quần áo ra. Chúng cầm ống nước xịt vào người họ, rửa sạch, rồi mới đem vô hiếp.”

Tiếng thét thất thanh.

Tiếng người kêu cứu.

Tiếng hét của cả mấy trăm người.

“Ðến bây giờ tôi cứ tự hỏi tại sao họ lại có thể làm được như vậy. Họ là người nắm trong tay quyền lực, có người điều hành chỉ huy họ ở đó, trong khi như những người như chúng tôi đang ở bờ vực sống còn, cô thân cô thế, cùng đường. Vậy mà tại sao họ lại có thể đàn áp và đối xử với chúng tôi như vậy chứ?”

Cô nhìn vào mắt tôi. Tôi nhìn cô. Ai là người trả lời câu hỏi này đây?

Sau cái đêm kinh hoàng đó, lính Mã Lai cắt dây kéo hết ghe ra ngoài.

Tuy nhiên, may mắn đã đến với những người đang cạn kiệt niềm sống như cô Ngoan. “Một chiếc tàu của Pháp đã cứu chúng tôi. Cả tàu tôi đều sống.”


Trải qua 40 ngày sống trong những nỗi kinh hoàng dồn dập, liên tiếp, người con gái 23 tuổi khi ấy đã khủng hoảng đến “mất cả giọng nói.” “Phải nhiều ngày sau khi được tàu Pháp vớt, tôi mới có thể từ từ nói chuyện lại được.”

Chiếc tàu đó đã đưa cô Ngoan cùng mọi người đến Singapore. Sau 3 tháng, những ai không có thân nhân bảo lãnh đều được đưa sang Pháp. “Riêng tôi, có anh trai đã sang Mỹ từ năm 1975, nhận, nên tôi sang Mỹ, vào tháng 9, năm 1979.”

Hành trình vượt biển của cô Ngoan Trần đã kết thúc như thế. Nhưng dư âm của nó, những nỗi kinh hoàng của nó, vẫn luôn là nỗi ám ảnh, tồn tại trong đời sống hằng ngày của cô gần 10 năm trời, kể từ ngày đặt chân tới mảnh đất tự do.

“Cho tới cả 10 năm sau khi qua tới Mỹ, tôi vẫn còn nằm mơ thấy chạy Việt Cộng, cứ nhảy hết nóc nhà này qua nóc nhà kia để chạy trốn, sợ lắm. Và cũng 10 năm mới nguôi ngoai và quên dần cảm giác đêm trên biển thấy sao trên trời, mờ mịt, sợ hãi, không thấy đâu là tương lai.”
“Tôi tưởng mình đã thực sự quên hết rồi từ 20 năm qua. Bởi tôi chưa bao giờ kể lại, nhắc lại, cả với những người ruột thịt. Những ai không ở cùng hoàn cảnh rất khó mà có thể chia sẻ được. Vậy mà tự dưng ngày hôm nay lại nhớ,” cô Ngoan nói.

Nước mắt đã khô. Người phụ nữ kết luận, “Cuối cùng phải nói rằng mặc dù đi khổ như vậy nhưng cũng là một điều tốt.”

Nắng lại ngời trên vòm lá.

Nắng Tháng Tư, với màu rất riêng của nó.


Hết bài của báo Người Việt

Đoạn video dưới đây của Ủy Ban Báo Nguy Giúp Người Vượt Biển cho thấy vài hình ảnh về các thảm trạng của người vượt biên bằng đường biển vào thời kỳ cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980:



No comments:

Post a Comment