Các Chủ Đề

Friday, July 1, 2011

Tập nhạc Kinh Việt Nam của Trịnh Công Sơn


Trịnh Công Sơn đã soạn xong Kinh Việt Nam. Nhưng kế hoạch đảo chính được chuẩn bị từ năm 1968, nhiều lần tưởng đã sắp nổ ra lại phải hủy bỏ. Tướng Nguyễn Văn Thiệu biết có một cuộc đảo chính đang rập rình quanh mình nên rất cảnh giác. Phương tiện, giờ giấc đi lại của tường Thiệu luôn thay đổi bất ngờ. Những người phục vụ chung quanh có dấu hiệu bất thường liền bị điều động đi nơi khác ngay.







Tập nhạc Kinh Việt Nam (1970)

Trịnh Công Sơn sáng tác cho một kế hoạch đảo chính vận động hòa bình
 

NGUYỄN ĐẮC XUÂN


(Tạp chí HỒN VIỆT Số 1 – Tháng 7/2007)
 
Có lẽ nhiều bạn đọc từng biết tập nhạc Kinh Việt Nam của Trịnh Công Sơn (Đinh Cường vẽ bìa, Bửu Chỉ minh hoạ, Nhân Bản xuất bản, 1970), từng đọc đoạn mở đầu do Trịnh Công Sơn viết năm 1968: “là những tiếng kêu thương thống thiết, khởi từ một thực trạng máu xương. Kinh Việt Nam cũng là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu này. Những bài ca được viết từ những hân hoan lắng nghe được trong lòng người. Đó là nỗi hân hoan của đám đông chờ mong ngày hồi sinh”. Nhưng có thể nói cho đến nay ít người biết trong trường hợp nào Trịnh Công Sơn đã sáng tác tập nhạc với lời mở đầu súc tích như thế.

1. Cái tên Kinh Việt Nam hình thành ở Quán Văn

Từ sau khi Trịnh Công Sơn cho trình bày Ca Khúc Da Vàng qua tiếng hát Khánh Ly, đặc biệt là sau vụ chính quyền Sài Gòn đàn áp đẫm máu Phong trào tranh đấu miền Trung (6/1966), Quán Văn và Hội Hoạ sĩ trẻ Đại học Văn Khoa Sài Gòn trở thành nơi gặp gỡ, sinh hoạt văn hoá, nơi ẩn trú của thanh niên sinh viên tranh đấu và yêu nhạc Trịnh. Đây cũng là nơi “trốn lính” của Trịnh Công Sơn. KTS Nguyễn Hữu Đống – nhân vật dân sự độc nhất có mặt trong “Hội đồng Quân nhân Cách mạng” lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963. Chủ nhiệm báo Việt Chiến kiêm Giám đốc Nhà xuất bản Việt Chiến cũng thường đến Quán Văn chơi với Trịnh Công Sơn và qua giọng Huế đồng hương, họ hay bàn chuyện sáng tác văn nghệ đấu tranh cho hoà bình Việt Nam. Đống làm báo, có nhiều kênh quan hệ với tình báo, biết rõ chủ trương làm chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, anh rất đau lòng trước cảnh người Việt Nam bị bắt lính, bị bắt cầm súng của ngoại bang để bắn vào đầu anh em. Tất cả những nhân danh này nọ đều là bịa đặt, ngu dốt.

Một đêm trước Noel 1967, anh em văn nghệ ở Quán Văn kéo nhau đi xem phim Mười Điều Giáo Lệnh Của Moise (Les Dix Commandements de Moise). Riêng Trịnh Công Sơn không dám đi vì đang bị lùng bắt. Ở Quán, Trịnh có dịp tâm sự riêng với người bạn KTS-nhà báo. Ngồi trên cái nền xi-măng vốn là nền Khám Lớn, họ nghĩ mình đang ngồi trên cái nền từng để cái máy chém của thực dân Pháp hồn thiêng sông núi đang quanh quẩn đâu đây. Nhân bình luận về Mười Điều Giáo Lệnh, tức nhắc đến các mệnh lệnh đạo đức và tôn giáo, theo Kinh Thánh, được phán truyền cho Moise ở Mont Sinai và được khắc vào hai phiến đá (Mười Điều Giáo Lệnh đóng vai trò quan trọng trong Do Thái giáo và Kitô giáo), Nguyễn Hữu Đống nảy ra một ý kiến mới và bảo Trịnh Công Sơn:

- “Toi đã làm được Ca Khúc Da Vàng, tại sao toi không làm một tập Giáo Lệnh Việt Nam – Kinh Việt Nam, để cho người Việt Nam nhớ đừng bao giờ còn ngu cầm súng ngoại bang để bắn vào đầu anh em, đồng bào mình nữa?”

Đề nghị bất ngờ nhưng hợp với tư tưởng hòa bình của Sơn nên anh sốt sắng nhận lời.

2. Tập nhạc phục vụ cuộc đảo chính vận động hoà bình

Mùa hè 1966, nếu chính quyền Sài Gòn không đàn áp được Phong trào tranh đấu cho hòa bình Việt Nam ở miền Trung, Tổng thống Mỹ Johnson có thể tính đến chuyện giao vấn đề Việt Nam cho người Việt Nam giải quyết. Sau Tết Mậu Thân (2/1968) Chính phủ Mỹ càng ngao ngán hơn nữa. Qua các nguồn tin mật phương Tây, Đống biết được trước sau gì Mỹ cũng bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Vì thế càng kéo dài chiến tranh, càng có nhiều thanh niên chết một cách vô ích, đất nước càng nát tan, hận thù càng bị đào sâu. Nguyễn Hữu Đống đã có kinh nghiệm làm đảo chính từ hồi 1963, nên sau Tết Mậu Thân, nhất là sau khi có chủ trương Việt Nam hóa chiến tranh, anh cùng nhiều chính khách cũng như tướng tá VNCH cùng chí hướng bí mật tổ chức một cuộc đảo chính để “cứu nước”. Được nhiều thế lực trong và ngoài nước ủng hộ, Đống nhờ “nhà báo” Đỗ Ngọc Yến tập họp tất cả các đoàn thể thanh niên ở Sài Gòn mà Yến có ảnh hưởng lúc ấy vào Đại Hội Thanh Niên Vì Tổ Quốc. Nguyễn Hữu Đống được bầu làm Tổng thư ký của Đại hội. Trong thời gian đó, tướng Trần Văn Đôn được Mỹ ủng hộ hình thành Mặt Trận Nhân Dân Cứu Nguy Dân Tộc. Qua trung gian “nhà báo” Đỗ Ngọc Yến, người Mỹ muốn tổ chức của Đống đặt dưới trướng của tướng Đôn. Nhưng Đống không đồng ý, anh lập kế hoạch đảo chính Nguyễn Văn Thiệu, sẽ mời TS nguyễn Văn Hảo (người miền Nam) sinh năm 1936 phụ trách kinh tế-xã hội, mời Bùi Thế Dung (sinh năm 1936, chồng của ca sĩ H.Th), đại tá Thiết Giáp, người miền Bắc, phụ trách quân sự, ngoại giao. Và Nguyễn Hữu Đống (người Huế, sinh năm 1937), phụ trách an ninh, báo chí-phát thanh. Sẽ đặt Trịnh Công Sơn làm Bộ trưởng Văn hóa. Theo kế hoạch, khi đảo chính thành công, công an và quân đội VNCH sẽ được đưa ra bên ngoài, các thành phố sẽ được giao lại cho thanh niên, học sinh, sinh viên giữ an ninh. Bộ Tư lệnh sẽ đặt ở suối Lồ Ồ – nơi trước đây Ngô Đình Nhu định xây dựng bản doanh của “Thanh Niên Cộng Hòa”. Tuổi trẻ đô thị sẽ đốt đuốc hát Kinh Việt Nam nối đuôi nhau từ thành phố ra ngoại ô rồi đi ngược lại. Dòng người trẻ cứ thế thực hiện từ Sài Gòn ra đến Bến Hải.

Đến khi cuộc đảo chính vận động hòa bình được ổn định, được thế giới chú ý, sẽ tuyên bố “Việt Nam Cộng Hòa bỏ súng”. Nếu có đơn vị quân đội nào không chấp hành, trở ngược lại đàn áp thanh niên thì một số thanh niên có thể chết vì khát vọng hòa bình còn hơn là chết ngoài mặt trận chống lại anh em của mình. Và, chắc chắn khi đó một số chính phủ nước ngoài ủng hộ cuộc đảo chính sẽ can thiệp và bảo vệ cuộc đảo chính vì hòa bình Việt Nam. Tất cả những cuộc họp bàn đảo chính kéo dài trong nhiều năm đều diễn ra bí mật nhưng luôn luôn được thông báo từng chi tiết với Trịnh Công Sơn. Đến sau khi Sơn xây được nhà riêng xong (1971?) thì các cuộc bàn ấy diễn ra ngay tại nhà anh.

3. Nỗi sốt ruột của Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn đã soạn xong Kinh Việt Nam. Nhưng kế hoạch đảo chính được chuẩn bị từ năm 1968, nhiều lần tưởng đã sắp nổ ra lại phải hủy bỏ. Tướng Nguyễn Văn Thiệu biết có một cuộc đảo chính đang rập rình quanh mình nên rất cảnh giác. Phương tiện, giờ giấc đi lại của tường Thiệu luôn thay đổi bất ngờ. Những người phục vụ chung quanh có dấu hiệu bất thường liền bị điều động đi nơi khác ngay. Trong các cuộc duyệt binh mừng “Ngày Quân Lực 19 tháng 6” hay mít-tinh kỷ niệm ngày “Người Cày Có Ruộng”, tướng Thiệu luôn cho kiểm tra nghiêm ngặt súng đạn và xăng dầu của các thiết giáp để đề phòng chuyện quân đội làm đảo chính. Nhờ thế mà Nguyễn Văn Thiệu đã vô hiệu hóa nhiều âm mưu ám sát ông. Kế hoạch đảo chính chờ đợi thực hiện tháng này qua tháng khác, làm cho Trịnh Công Sơn rất sốt ruột. Chưa đảo chính được thì Trịnh Công Sơn còn phải sống “bất hợp pháp”. Trịnh Công Sơn khao khát được tự do, anh diễn tả nỗi chờ mong ấy trong bài Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói: “Nơi đây tôi chờ/ Nơi kia anh chờ/ Trong căn nhà nhỏ/ Mẹ cũng ngồi chờ/ Anh lính ngồi chờ/ Trên đồi hoang vu/ Người tù ngồi chờ/ Bóng tối mịt mù/ Chờ đã bao năm/ Chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo/ Chờ cho lòng căm thù đến lúc chìm sâu/ Chờ hòa bình đến/ Chờ tiếng bom im…”. Không ngờ, Trịnh Công Sơn phải chờ đến 30/4/1975 mới thấy được đất nước hòa bình thống nhất.
4. Kinh Việt Nam cầu những việc gì?

Kinh Việt Nam có 12 bài. Ngoài bài Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói đã trích ở trên, 11 bài còn lại phục vụ cho cuộc đảo chính vận động hòa bình với các nội dung sau:

- Trước nhất anh mô tả cảnh dân tộc đắm chìm trong chiến tranh, dân ta sống rất đau khổ, bi đát.

Dân Ta Vẫn Sống: “Dân ta đã bao nhiêu năm/ Lòng chìm sâu ước mơ hân hoan/ Nhìn rừng phơi xác thân anh em/ Nhìn trái tim rơi theo đại bác/ Thịt người cho thú nhai ngon/ Mẹ cha tóc khô như rơm/ Chờ đàn con đã đi bao năm không về/ Đứa về cụt bàn chân…”.

- Anh tin tưởng cuộc đảo chính sẽ thành công và…

Ngày Mai Đây Bình Yên: “Ngày mai đây bình yên/ Vì mọi nơi đã lên mồ hoang/ Ngày mai đây nhìn quanh/ Lòng sẽ thấy xót xa vô cùng/ Mẹ già đi lom khom tìm trên bãi vắng/ Tìm mộ đứa con hôm nay không còn/ Để đón thanh bình…”.

- Anh tưởng tượng đến nỗi hân hoan trong đêm đảo chính vận động hòa bình.

Ta Thấy Gì Đêm Nay: “Cờ bay trăm ngọn cờ bay/ Rừng núi loan tin đến mọi miền/ Gió Hòa bình bay về muôn hướng/ Ngày vui con nước trôi nhanh/ Nhịp sống bao la xóa bỏ hận thù/ Gặp quê hương dau bão tố/ Giọt nước mắt vui hay lòng gỗ đá…”.

- Những đêm ấy thanh niên thắp đuốc đi từ thành phố ra vùng nông thôn, từ đồng bằng lên miền núi kêu gọi hòa bình.

Hành Ca: “Đoàn người đi vào trong đêm/ Đuổi bóng tối đi cho da vàng/ Bỏ hai mươi năm chiến chinh buồn xây thnah bình/ Đoàn người đi miên man/ Tìm ánh sáng cho Việt Nam”.

- Khi đã có hòa bình, thống nhất, nỗi mừng vui hạnh phúc tràn ngập ruộng đồng quê hương.

Cánh Đồng Hòa Bình: “Mặt trời yên vui lên đỏ chói/ Đỏ trái tim người/ Ngày Việt Nam đã qua cơn đau dài/ Triệu trái tim người/ Cùng nhịp vui với con tim nhân loại/ Ngày lên cùng niềm tin/ Bàn tay ta quyết lo vun trồng/ Hòa bình như lúa thơm nuôi dân mình/ Một sớm thanh bình/ Giọng cười em vút cao hơn bình minh”.

- Khung cảnh miền quê sau ngày đất nước hòa bình:

Đồng Dao Hòa Bình: “Hôm nay thấy mặt trời rực sáng/ Trong tim người trong tim ta trong tim anh/ Trong tim những ruộng đồng gội nắng/ Hai mười năm nhục nhằn đã qua/ Hôm nay thấy nụ cười rạng chói/ Trên môi người trên môi ta trên môi em/ Trên môi những mẹ già”…

- Tuy nhiên, trong nỗi mừng hòa bình bộc lộ nỗi đau đớn mất mát:

Sao Mắt Mẹ Chưa Vui: “Đêm nay hòa bình sao em nhỏ chưa vui/ Hãy bước ra đây nhìn phố ngập người/ Đêm nay hòa bình không nụ cười trên môi/ Nhìn quanh em không ai còn lại/ Không ai còn lại/ Ru đỡ tình người cho có đôi”…

- Anh kêu gọi hãy nén thương đau để hân hoan đón hòa bình, xây dựng lại tình thương, hàn gắn vết thương đau:

Đôi Mắt Nào Mở Ra: “Nhìn Việt Nam sống lại ngày đầu/ Đôi mắt nào mở ra cho nhau/ Nhìn hồn phai những vết thương đau/ Đôi mắt nào mở ra trông theo/ Từng niềm vui mặt người thấy lại/ Đô mắt nào mở ra hôm nay/ Nhìn rừng khô lên những mầm tươi”.

- Phải hành động cụ thể, không viển vông:

Hãy Đi Cùng Nhau: “Đến trước từng căn nhà/ Hỏi thăm từng anh lính/ Mới về từ rừng xa/ Em hãy đi cùng tôi/ Đến trước từng căn nhà/ Hỏi thăm từng người mẹ/ Hỏi thăm từng người cha/ Em nhớ đi cùng tôi/ Áo mới và mang quà/ Đùa vui cùng đàn bé/ Tay cầm lồng đèn hoa/ Em hãy đi cùng tôi/ Dưới bóng triệu lá cờ/ Hỏi thăm từng người chị/ Phố dài triệu người qua”.

- Cả dân tộc đoàn kết, hân hoan đất nước hòa bình, thống nhất, cùng nhau nắm tay xây dựng đất nước vinh quang.

Nối Vòng Tay Lớn: “Ta đi vòng tay lớn mãi để nối sơn hà/ Mặt đất bao la anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát quay cuồng trời rộng/ Bàn tay ta nắm/ Nối tròn một vòng Việt Nam”.

- Kêu gọi xây dựng lại đất nước sau khi hòa bình:

Dựng Lại Người, Dựng Lại Nhà: “Đi xây lại Việt Nam/ Bàn chân ta đi mau đi sâu vô tới rừng sâu/ Vác những cây rừng to/ Về nơi đây ta xây dựng nhà/ Dựng làng mới cho dân ta về/ Dựng nhà mới cho miền quê”.

* * *

Kinh Việt Nam được viết với sự gợi ý (cũng có thể xem là đặt hàng) của những người đảo chính vận động hòa bình. Tuy nhiên việc gợi ý đó phù hợp với khát vọng hòa bình của Trịnh Công Sơn nên anh hưởng ứng và thực hiện rất thành công. Bởi thế chính quyền VNCH sống bằng chiến tranh cũng như những người gắn bó với chính quyền ấy hiện nay đang định cư ở nước ngoài ít nhắc hoặc không muốn nhắc đến tập nhạc này.

Qua Kinh Việt Nam ta thấy Trịnh Công Sơn rất thực tế, các bài hát được soạn đúng theo trình tự trước, trong và sau cuộc đảo chính vận động hòa bình, nếu có. Âm điệu Kinh Việt Nam mạnh mẽ vui tươi trong sáng, không day dứt sâu lắng như Ca Khúc Da Vàng nhưng nó vẫn gắn kết với đời sống tâm linh vốn có trong âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Tư tưởng hòa bình của Trịnh Công Sơn trong Kinh Việt Nam cũng như trong toàn bộ tác phẩm của anh không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả loài người, không chỉ có ý nghĩa trong thời gian xảy ra chiến tranh Việt-Mỹ mà còn có giá trị trong thế giới đầy bạo lực ngày nay.

Nếu không biết Trịnh Công Sơn đã từng khát khao hòa bình và muốn hành động để thống nhất đất nước như thế thì không thể giải thích được sự hồ hởi phấn khởi của Trịnh Công Sơn khi anh đến đài phát thanh Sài Gòn hát Nối Vòng Tay Lớn trưa ngày 30/4/1975 như mọi người thường nhắc đến.

Và cũng không thể hiểu được sau 30/4/1975, Trịnh Công Sơn đã đi vào thực tế cách mạng một cách say sưa và làm “nhạc đỏ” vẫn rất hay. Chỉ tiếc nhiều dự kiến của Trịnh Công Sơn sau 30/4/1975 không thực hiện được, nhiều bài trong tập nhạc không được “tụng”. Ngày nay yêu thích Kinh Việt Nam, không những hát Kinh Việt Nam mà nên chăng phải hành động, tiếp tục thực hiện những gì chưa thực hiện sau hơn ba mươi năm đất nước đã hòa bình thống nhất.

Bài viết này chỉ là một phát hiện ban đầu, rất mong những ai từng ở trong cuộc đang sống ở trong nước cũng như ở nước ngoài bổ sung cho những chỗ bất cập.
Gác Thọ Lộc, 6/2007.
Bình luận:

Nếu quả ý muốn của Nguyễn Hữu Đống và Trịnh Công Sơn là “Đến khi cuộc đảo chính vận động hòa bình được ổn định, được thế giới chú ý, sẽ tuyên bố “Việt Nam Cộng Hòa bỏ súng”, nghĩa là thúc đẩy dân chúng xuống đường gây hỗn loạn để cướp chính quyền rồi sau đó tuyên bố Việt Nam Cộng Hòa bỏ súng thì kẻ có lợi trong tình thế đó chính là những người Cộng Sản đang chỉ đạo chiến tranh tại miền Bắc. Khi quân đội Việt Nam Cộng Hòa buông súng thì hàng trăm ngàn bộ đội lúc đó đang đóng tại các vùng rừng núi tại miền Nam sẽ tiến vào nắm chính quyền và thiết lập chế độ chuyên chính vô sản tại miền Nam. Đó là điều đã xảy ra sau 30-4-1975. Rồi sau đó là các biện pháp biến miền Nam thành chế độ xã hội chủ nghĩa để rồi hàng triệu người phải liều chết chạy ra biển.

Với hai trăm ngàn bộ đội và xe tăng, đại pháo, đảng Cộng Sản Việt Nam đâu có để cho Nguyễn Hữu Đống nắm giữ an ninh, phát thanh và Trịnh Công Sơn cũng đâu có được làm bộ trưởng văn hóa. Theo bài viết của Trịnh Cung với tựa đề “Trịnh Công Sơn và tham vọng chính trị” thì vào những ngày trước 30-4-1975, Trịnh Công Sơn đã nói với Trịnh Cung là Trịnh Công Sơn sẽ không đi ra nước ngoài và sẽ trở thành Quốc Vụ Khanh đặc trách văn hóa (Quốc Vụ Khanh là chức ngang với bộ trưởng nhưng không nắm trực tiếp bộ nào) trong chính phủ mới. Kết quả là cả Nguyễn Hữu Đống lẫn Trịnh Công Sơn không có tên trong nội các của Dương Văn Minh. Rồi thì nội các của Dương Văn Minh cũng bị dẹp, Nguyễn Hữu Đống vượt biên sang Pháp, còn Trịnh Công Sơn ở lại thì giấc mơ giữ một chân bộ trưởng trong chính quyền vĩnh viễn bị bóp chết dưới chế độ cộng sản. Trịnh Công Sơn chỉ được làm một nhạc sĩ và chỉ làm nhạc sĩ mà thôi.

Đó là lối suy nghĩ ngây thơ của Nguyễn Hữu Đống, Trịnh Công Sơn và một số trí thức miền Nam lúc đó. Họ muốn rằng Mỹ rút đi để cho dân Việt Nam tự giải quyết với nhau. Họ nghĩ không có Mỹ giúp khí giới nữa thì sẽ không còn chiến tranh. Nhưng họ không nghĩ đến việc Mỹ không còn giúp miền Nam khí giới nhưng Liên Xô và Trung Quốc vẫn tiếp tục giúp miền Bắc khí giới. Họ không đủ sáng suốt để thấy rằng nếu một bên tự nguyện buông súng thì kẻ nắm quyền sẽ là kẻ không buông súng và đang có trong tay hàng trăm ngàn quân.

Một số trí thức miền Nam đi theo Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam đã tin vào chủ trương của Mặt Trận là giành quyền tự quyết cho nhân dân miền Nam. Để nhân dân miền Nam có quyền tự quyết định số phận của mình, họ muốn Mỹ phải rút đi. Họ không nghĩ rằng nếu Mỹ rút đi thì bộ đội cộng sản sẽ chiếm miền Nam và bắt miền Nam đi theo chủ nghĩa Cộng Sản. Nhân dân miền Nam bị bắt buộc phải theo chủ nghĩa Cộng Sản thì đâu có quyền tự quyết nữa.

Ý tưởng “quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam” do Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam chủ trương chính là do những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam nghĩ ra. Họ muốn dùng chiêu bài “quyền dân tộc tự quyết” để xúi trí thức miền Nam đuổi Mỹ đi. Còn chuyện gì xảy ra sau khi Mỹ rút đi, quân đội miền Nam phải buông súng thì họ lấp lửng. Để làm cho các trí thức theo Mặt Trận tin vào chủ trương “quyền dân tộc tự quyết”, ông Phạm Văn Đồng trước 75 có lúc tuyên bố với nhà báo ngoại quốc là miền Bắc không hề có ý định đánh chiếm miền Nam. Vào thời đó chế độ tại miền Bắc đâu có công khai tuyên bố là họ đưa bộ đội vào miền Nam là để thống nhất đất nước. Họ chỉ nói chiến tranh tại miền Nam là do nhân dân miền Nam nổi dậy, còn miền Bắc thì chỉ muốn Mỹ rút đi để cho nhân dân miền Nam tự quyết định với nhau.

Sau 1975, ông Trương Như Tảng, một thành viên của Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam, thấy chính phủ Lâm Thời do Mặt Trận lập ra bị giải tán, toàn thể miền Nam đặt dưới sự kiểm soát của đảng Cộng Sản Việt Nam, đã nhận ra rằng chủ trương “quyền dân tộc tự quyết của nhân dân miền Nam” chỉ là chiêu bài lừa bịp nên thất vọng, xuống tàu vượt biên, rồi sau qua sống bên Pháp.

Những chiêu bài “hòa bình”, “thống nhất”, “quyền dân tộc tự quyết” chỉ là chủ trương của khối Cộng Sản nằm trong toàn bộ chiến lược bành trướng chủ nghĩa Cộng Sản. Để tranh thủ sự ủng hộ của người dân, Cộng Sản đặt ra đủ mọi chiêu bài giống như người đi câu cá có đủ mọi loại mồi để tùy theo loại cá mà dùng. Với dân tộc bị thực dân đô hộ họ dùng chiêu bài “độc lập dân tộc” để lôi kéo người dân chiến đấu cho đảng Cộng Sản, rồi sau khi thành công trong việc chiếm chính quyền họ bắt dân tộc đi theo chủ nghĩa Cộng Sản và thẳng tay loại bỏ những ai chỉ muốn độc lập dân tộc mà không muốn chủ nghĩa Cộng Sản. “Thống nhất” cũng chỉ là một chiêu bài mà Cộng Sản dùng, mà lờ đi hẳn việc gì sẽ xảy ra sau khi thống nhất như tịch thu tài sản của tư sản, tịch thu ruộng đất của nông dân, cấm tư nhân kinh doanh…

Trong thời gian Chiến Tranh Lạnh, Liên Xô cũng dùng chiêu bài “hòa bình” để lũng đoan, làm suy yếu nỗ lực chống lại Cộng Sản ở các nước tư bản. KGB bỏ tiền ra để lập các tổ chức hòa bình do Liên Xô giật dây, thúc đẩy người dân các xứ tư bản xuống đường đòi hòa bình, phản đối việc chạy đua vũ trang. Trong khi đó thì Liên Xô dồn phần lớn ngân sách để chế tạo vũ khí, cung cấp vũ khí cho các đảng Cộng Sản, các tổ chức nào trên thế giới chống Mỹ để gây chiến tranh, xáo trộn khắp nơi trên thế giới. Liên Xô muốn dùng phong trào hòa bình để bó tay các chính phủ tư bản, làm cản trở việc chống lại các phong trào cộng sản do Liên Xô giúp đỡ, làm suy yếu kinh tế các nước tư bản để rồi Liên Xô sẽ tung ra trận tấn công tối hậu kết liễu chế độ tư bản, để cho cộng sản làm chủ thế giới. Để thi hành sách lược đó, các giáo sư đại học và nghệ sĩ được cộng sản xem là mục tiêu lý tưởng của họ vì các thành phần này thiên về lý tưởng, thích những chiêu bài nghe kêu vang vang mà kém suy nghĩ về thực tiễn chính trị .

Thế thì những gì Nguyễn Hữu Đống, Trịnh Công Sơn và các trí thức thân cộng tại miền Nam làm trước 75 chẳng qua là họ múa may quay cuồng theo cách những nhà phù thủy tại Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh hay Hà Nội muốn mà họ không hề biết.

Nguyễn Đắc Xuân viết rằng các bài hát trong Kinh Việt Nam ít được mọi người tại miền Nam nhắc đến là vì “chính quyền VNCH sống bằng chiến tranh cũng như những người gắn bó với chính quyền ấy hiện nay đang định cư ở nước ngoài ít nhắc hoặc không muốn nhắc đến tập nhạc này” là quá đơn giản và không chính xác, là không hiểu gì về xã hội miền Nam. Những người cầm quyền là quân nhân thì việc làm của họ là cầm súng chống lại sự tấn công của cộng sản vì sinh mạng và địa vị của họ tùy thuộc vào việc họ có chống lại được hay không . Còn giới trí thức Sài Gòn lúc đó có suy nghĩ độc lập của họ . Các bài hát trong Kinh Việt Nam dù là phổ biến lén lút vì bị chính quyền cấm nhưng nếu phù hợp với suy nghĩ của họ thì sẽ được lưu truyền rộng rãi, nếu họ nghe rồi không thích thì họ xếp lại, không đưa cho bạn bè nữa. Những bài trong Ca Khúc Da Vàng chỉ nói lên nỗi khổ của chiến tranh thì được nhiều trí thức nghe và hiểu còn những bài trong Kinh Việt Nam hô hào lật đổ chế độ cũ, hứa hẹn một chế độ tươi sáng mới là điều nhiều người tại Sài Gòn không nghĩ đến, không quan tâm. Phần lớn mọi  người không muốn chiến tranh tiếp diễn nhưng không mấy ai muốn thay đổi chế độ. Những lời bài hát như “Nơi đây tôi chờ, nơi kia anh chờ, …chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo“, “chờ tiếng kèn đưa về đây những đàn con” đối với nhiều người nó khó hiểu. Họ không hiểu là Trịnh Công Sơn muốn nói gì, và có người cũng không ngờ là Trịnh Công Sơn làm bài hát để hô hào lật đổ chế độ và cũng bởi vì họ cũng không mang tâm trạng như Trịnh Công Sơn là “chờ mai này ta dậy trong tiếng hò reo“, “chờ tiếng kèn đưa về đây những đàn con”. Những bài trong Kinh Việt Nam không được nhiều người nhắc đến là vì nó không đáp ứng với tâm trạng của người nghe. Trịnh Công Sơn hô hào lật đổ chế độ thì Trịnh Công Sơn đã đi theo một thiểu số trí thức thiên cộng, trở thành xa lạ với những người từng thích Ca Khúc Da Vàng.

Thực tế những gì xảy ra trong thực tế cho thấy những người đi theo Cộng Sản muốn lật đổ chế độ miền Nam chỉ là thiểu số. Trong vụ Tổng Công Kích Tết Mậu Thân năm 1968, người dân miền Nam không nổi dậy tiếp tay với đặc công cộng sản để lật đổ chính quyền miền Nam như những nhà lãnh đạo ở ngoài Bắc mong đợi nên các nhóm đặc công cộng sản xâm nhập được vào thành phố bị cô lập rồi bị tiêu diệt. Sau 1975, trong khi Trịnh Công Sơn làm các bài hát lạc quan với chế độ mới thì hàng triệu người dân miền Nam, trong đó có các thính giả của Ca Khúc Da Vàng của Trịnh Công Sơn, tìm đường vượt biên.

Nguyễn Đắc Xuân viết rằng “Trịnh Công Sơn sáng tác cho một kế hoạch đảo chính vận động hòa bình” thì chữ “đảo chính” e rằng không chính xác chăng? Trong bài Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói có câu “Chờ tiếng kèn đưa về đây những đàn con“, xem chừng ra tiếng kèn này là tiếng kèn xung trận, mà đàn con về đây là các bộ đội từ xa về. Nếu nói đảo chính thì tức là binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa làm đảo chính thì làm gì có cảnh “tiếng kèn đưa về đây những đàn con” vì quân đội Việt Nam Cộng Hòa thì đóng ngay trong các thành phố. Mà Nguyễn Đắc Xuân cũng không đưa ra được là đơn vị quân đội nào cộng tác với Nguyễn Hữu Đống để làm đảo chánh. Trịnh Công Sơn làm các bài hát trong Kinh Việt Nam với lời lẽ gợi lên tâm tình mong chờ bộ đội cộng sản tiến về, thống nhất Nam Bắc, chứ chẳng phải là để quân đội Việt Nam Cộng Hòa đảo chánh.

Dưới đây là bài hát Chờ Nhìn Quê Hương Sáng Chói:


No comments:

Post a Comment