Các Chủ Đề

Monday, September 26, 2011

Phan Kiến Quốc: Thế nào cũng phải đổi !

Truyền hình Sài Gòn cuối tháng 6 có trình chiếu một vở kịch xã hội nói lên đời sống của một gia đình có công với “cách mạng”. Sau những tình tiết bình thường, vở kịch chấm dứt bằng lời than thở của người vợ với ông chồng cách mạng : “Tôi tiếc lại cái thời nghèo khó ngày xưa, nghèo nhưng mà sống với nhau có cái tình”.



Câu này ngẫm lại thấy đúng. Các chi tiết trong vở kịch phải nói là rất bình thường, ngoại trừ những cảnh tô hồng cho đạo đức cách mạng của cán bộ có phần gượng ép, cường điệu làm mất nét tự nhiên của vở kịch, nhưng điều đáng nói ở đây là lời than thở của nhân vật nữ nói trên. Lời than thở quả thực đã miêu tả gần đúng những sự kiện và tâm tư của rất nhiều người, mà phần lớn là những người hoặc đã sống dưới hai chế độ Việt Nam Cộng Hòa và cộng sản, hoặc đã từng tham gia bộ đội trước năm 75 : một sự chán chường và bất lực trước những cảnh đời trong xã hội VN ngày nay. Lớp người thứ nhất có điều kiện so sánh hình ảnh dưới hai chế độ, lớp người thứ hai có dịp nhìn lại những gì mình mơ ước và những gì xây dựng nên ngày hôm nay.

Quả thực như thế, đối với những người quan tâm đến sự phát triển của đất nước một cách chính đáng, không ai không khỏi lo ngại. Chúng ta đã đi theo chính sách đổi mới đã 17 năm, công cuộc này đã tạo ra một bộ mặt mới cho toàn xã hội. Người ta đã không còn phải xếp hàng mua tem phiếu, không còn phải ăn ngô ăn khoai, không còn phải cuốc bộ hoặc lọc cọc đi xe đạp như ngày xưa… Ngày nay hàng hóa, thức ăn có đầy đủ, mỗi nhà ở thành thị đều có xe gắn máy, nhà cửa khang trang, tiện nghi hơn… Nhưng cũng như một người thợ làm đường, sau khi đã phát quang cỏ dại, san lấp, trải nhựa được một quãng thì ngừng tay và nhìn lại công trình của mình mới thấy nó quá nham nhở, tốn kém quá mức lại không có hiệu quả, và trầm trọng nhất, con đường lại đi trật mục tiêu…

Trước tiên chúng ta phải đề cập đến một vấn nạn gây nhiều xôn xao trong dư luận : đó là xây dựng và trật tự đô thị. Trong thời gian qua, những vụ sập nhà, những vụ cưỡng bách phá hủy những căn nhà xây trái phép đã cho thấy một sự yếu kém ngoài sức tưởng tượng của các cơ quan chức năng. Nếu ở nước ngoài chỉ cần xây dôi ra một cục gạch, hoặc thiếu một cái máng xối cũng bị phạt và phải tu sửa, thì ở Việt Nam người ta có thể xây lố 200%, có thể ngang nhiên lấn chiếm một nửa căn hẻm, hoặc đơn thuần hơn, có thể xây không giấy phép và sau đó làm giấy tay sang lại chủ quyền (mà mình không có). Nhiều đầu nậu lợi dụng tình trạng người dân đổ xô đi mua đất ngoại thành, đã phù phép san lấp những mảnh đất hoang rồi cắt nhỏ chia lô đem bán. Chuyện vỡ lở hàng trăm người tiền mất tật mang trước sự bất lực – cũng như tòng phạm – của quan chức nhà đất.

Sự gian lận này chẳng có gì đáng nói nếu nó không xé nát bộ mặt đô thị. Chỗ nào cũng xây, chưa có hạ tầng như điện, nước, đường… cũng xây. Sau một thời gian dùng hình ảnh những nhà cao tầng và tình trạng nở rộ của nhà cửa, đến nay người ta mới bắt đầu nhận ra những sai lầm nhưng mọi việc hầu như đã quá muộn. Tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép, quy hoạch sai đã tạo nên một sự hổ lốn ngoài sức tưởng tượng. Hàng năm chỉ riêng tại Sài Gòn có khoảng 35000 căn nhà được xây mới nhưng chỉ 30% có giấy phép. Nhiều nhà đã xây trái phép còn ngang nhiên lấp các con kênh thoát nước khiến tình trạng ngập lụt cũng trở nên căn bệnh bất trị. Theo một cán bộ cao cấp của Công Ty Thoát Nước thì “ngày xưa khi xây dựng thành phố Sài Gòn, người Pháp đã làm hệ thống cống vòm và đã tính toán đầy đủ nơi nào cây xanh, nơi nào nhà cửa. Bây giờ chỗ nào cũng bê tông hóa, xây cất tràn lan, hệ thống kênh rạch bị lấn chiếm nên hệ thống thoát nước cũng quá tải”. Cũng theo ông này thì, “vẫn phải bì bõm mỗi mùa mưa ít ra đến năm 2005 và còn phải chờ những dự án lớn”. Thỉnh thoảng đi ngang những biệt thự, những dinh thự cũ của người Pháp, hoặc tản bộ đi trên những vỉa hè ngay hàng thẳng lối, những người đứng tuổi thường chậc lưỡi nhớ lại những hình ảnh êm đềm, trật tự của ngày xưa.

Một địa danh khác cũng khá nổi tiếng là Ðà Lạt, với hơn 2000 biệt thự rất đẹp và thơ mộng, ngày nay cũng bị xẻ nhỏ và biến mất dần. Các cơ quan nhà nước chẳng những không biết khai thác hiệu quả mà cũng chẳng biết bảo toàn khối tài sản khổng lồ như thế. Ðã nhiều lần báo chí và những người lưu tâm đến chất lượng cuộc sống đã gióng lên những hồi chuông báo động, các lãnh đạo cũng có nghe, có hứa nhưng rốt cuộc mọi sự vẫn tiếp tục hỗn độn.

Sự hỗn độn này còn thể hiện qua cung cách làm nhà của dân mình. Theo các kiến trúc sư phát biểu trong một cuộc hội thảo tại Sài Gòn vào đầu tháng 6/2003 về bộ mặt đô thị thì “kém các nước và thụt lùi so với cha ông”. Các kiến trúc sư này cũng gay gắt phê bình đấy là một “không gian phi văn hóa”, “cảnh quan lộn xộn và kỳ lạ ở những phố nhà tây chen lẫn nhà ta, nhà thòi ra thụt vào tùy tiện, nhà kiến trúc kệch cỡm, chắp vá, lòe loẹt. Dường như những ngôi nhà đó xây lên để khoe của và đồng thời khoe cả cái thấp kém về thẩm mỹ và văn hóa”, và trong cái vô văn hóa ấy, chắc chắn nhà nước phải có một trách nhiệm lớn : “Sau gần 30 năm thống nhất đất nước, với một ngân sách xây dựng chiếm hơn một nửa ngân sách thành phố, nhưng đến nay cả nước vẫn chưa có một bộ luật xây dựng”.

Nói về xây dựng chắc chắn không thể nào không đề cập đến cầu đường. Liên tục trong năm vừa qua, vô số các vụ xây dựng cẩu thả làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và thiệt hại công quỹ. Lớn thì phải kể đến Công trình Ðê Sông Hồng, Cầu Hàm Long, Quốc lộ 1A, QL 18, đường Liên cảng A5, cống hộp Bình Thạnh, Thảo Cầm Viên… ; nhỏ thì khỏi phải kể, vì nó hiện diện khắp mọi nơi. Tình trạng cẩu thả trầm trọng đến nỗi có người phải viết lên báo gào thét kêu gọi… lòng ái quốc và tự trọng dân tộc ở các nhà thầu. Không nhục sao được khi cứ ngoại quốc nhúng tay vào là chất lượng và thời điểm bảo đảm, còn khi người mình điều hành thì loang lổ, sần sùi và liên tục trễ hạn. Trong Hội nghị toàn quốc về nhà ở được tổ chức tại Hà Nội tháng 3/02, chính thủ tướng Phan Văn Khải đã phải lên tiếng thở than : “Nhà do Pháp xây cả trăm năm nay còn ở được, nhà do chúng ta xây mới 7, 8 năm đã xuống cấp”. Tại sao lạ vậy ? Kỹ sư chúng ta được đào tạo rất vững về công nghệ, nhưng tại sao các công trình lại có một chất lượng xấu đến thế. Câu trả lời chắc chắn là tại cơ chế, tại cái xã hội, cái môi trường chúng ta đang sống.

* * *

Một lãnh vực khác mà sự đổi mới lại khiến người ta “vọng quá khứ” là xã hội. Nếu ngày xưa cũng đã có các “cậu ấm cô chiêu”, cũng ăn hút, và những tệ nạn khác ; thì ngày nay “kỷ lục” đã được vượt xa, quá xa, xa như khoảng cách giàu nghèo đang ngự trị trong xã hội VN. Trong khi lương căn bản tối thiểu “leo” mãi mới lên mức 300.000 đồng/tháng, trong khi một ca trực bệnh viện chỉ được trả 9000 đồng thì vẫn có vô số quý tử hàng đêm uống Cognac XO như nước lã và “vi vút” trên những chiếc xe xấp xỉ 100.000 USD. Trong khi phải mất 100 năm để một công nhân viên gom góp mua một căn nhà 30.000 USD thì cũng có những cán bộ mua nhẹ nhàng 1000 cây vàng (1 cây vàng = 400 US). Trong một cuộc bố ráp các quán bia ôm và karaoke ở Cần Thơ, người ta ngã ngửa ra khi biết 40% đều là quan chức nhà nước. Tại Ðồng Tháp, con số này là 70%, và chỉ có 13% tiền nhậu được chi ra từ các nguồn thu nhập chính đáng, phần còn lại là thụt két và hối lộ.

Nói đến bia ôm, karaoke là phải liên tưởng ngay đến các tệ nạn như xì ke, ma túy đang ngày đêm đe dọa tính mạng của biết bao thanh thiếu niên. Số người nhiễm HIV kiểm tra được đến nay đã vượt quá 60.000. Nhưng số không kiểm tra được mới đáng ngại, có thể nhiều hơn gấp 3. Ðiều đáng lo ngại là thành phần nghiện ngập càng lúc càng trẻ : độ tuổi từ 20 đến 29 chiếm đến 52% ! Ở độ tuổi này mà dính vào khói thuốc thì các em sẽ còn cả một cuộc đời để nô lệ, đó là chưa kể biết bao tệ nạn xã hội phát sinh ra từ hiểm họa này. Có nhiều trường hợp rất bi thảm như tại Nghệ An, chỉ trong 10 tháng cả 5 anh em ruột trong một gia đình đã chết vì sida. Người lớn nhất chưa đầy 30 ! Quê hương ông Hồ nay đã trở thành quê hương của bạch phiến và “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” (tựa một bài hát) đã trở thành “Năm anh em trên một chiếc xe tang”. Ngày nay nỗi ám ảnh của các bậc cha mẹ không phải sợ con mình học dốt, thất nghiệp, nhưng là sợ dính vào nghiện ngập.

* * *

Nói đến tuổi trẻ chúng ta cũng liên tưởng ngay đến giáo dục. Phải công minh mà nói, tuổi trẻ ngày nay rất thông minh, sáng dạ. Trình độ học vấn so với trước đây có phần được nâng cao. Tuy nhiên, những ưu điểm đó khi lồng vào trong một cơ chế được lãnh đạo bởi những người không đặt ưu tư học vấn lên hàng đầu thì kết quả chưa chắc đã tốt. Ngay từ hồi mặc quần thủng đít, các em nhỏ đã được huấn luyện để “đấu tranh” vào các trường chuyên, trường điểm. Vắt mũi chưa sạch nhưng các em đi “luyện thi”. Khi bắt đầu tập làm văn là các em phải tập giả tạo. Chúng ta hãy đọc một phản ánh của một vị phụ huynh đã được đăng trên báo Tuổi Trẻ : Năm học lớp 5 ở một trường “điểm” ở TPHCM, con tôi được học với một cô giáo giỏi nhất. Một hôm phụ huynh học sinh đến tổng kết học kỳ, cô giáo nêu hai bài văn với đầu đề : “Nhân dịp sinh nhật của mẹ, em đã làm gì để mừng mẹ ?” ;

Bài thứ nhất có nội dung đại khái : “Nhà em có một vườn hoa nhỏ, từ sáng sớm em chạy ra vườn và tìm một bông hoa hồng đẹp nhất để hái tặng mẹ. Mẹ rất vui sướng hôn em, khen em ngoan và biết thương mẹ”. Cô giáo phê bài văn nghèo nàn, thiếu thể hiện thái độ của mình đối với ngày vui lớn của mẹ.

Bài thứ hai : “Nhân ngày sinh của mẹ, em đã đưa mẹ xem quyển sổ liên lạc với nhiều điểm 9, 10 và lời khen của cô để mừng cho mẹ. Em hứa với mẹ là cố gắng giành nhiều điểm 10 hơn nữa, phấn đấu thành học sinh giỏi và cháu ngoan bác Hồ. Mẹ rất vui và động viên em cố gắng hơn nữa”. Cô giáo khen bài văn rất có ý nghĩa, nội dung phong phú. Cô rất mừng vì trong lớp có nhiều em đã làm các bài văn gần giống như vậy. Tôi im thin thít ngồi nghe trong sự tán thưởng của rất nhiều phụ huynh.

Ở những lớp cao hơn, tình trạng học nhồi học nhét khiến các em trở thành những cái máy, lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng hấp thu đủ thứ. Các thầy cô thì làm đủ mọi cách để nâng điểm hầu đạt chỉ tiêu. Nhiều người đã có ý kiến về lối dạy từ chương này và căn bệnh thành tích cùng những thống kê về tai hại của nó, nhưng cơ chế như một cái máy khổng lồ, sẵn sàng nghiền nát những người dám chống lại. Thầy lo chạy “sô”, dạy 10 tiếng/ngày, trò cũng lo chạy theo với mơ ước trở thành sinh viên của một đại học. Ðấy là chưa kể biết bao nhiêu tiêu cực phát sinh từ cách dạy lẫn cách học này. Giả tạo, chạy theo thành tích, hồng hơn chuyên…, cái lối dạy và học xã hội chủ nghĩa này có thể đào tạo ra những học sinh giỏi nhưng lại không đào tạo ra những người có tâm có đức. Nhiều người thầy đã lên tiếng thở than về tư cách sinh viên ngày hôm nay. Và riêng về ngày 20/11 (ngày Nhà giáo VN), một giáo sư đại học kỳ cựu với hon 30 năm trong nghề và suốt đời được đào tạo trong chế độ XHCN đã chán ngán : “tôi mong cho đừng có ngày này vì nó chỉ nói lên sự giả dối”.

Trên đây chỉ là vài ba lãnh vực trong rất nhiều lãnh vực khác như y tế, môi sinh, thể thao… mà những thành tích bề ngoài đang che dấu cho những khiếm khuyết chiều sâu và có tác hại lâu dài. Và càng tiến, chúng ta lại thấy khoảng cách với các nước lân cận lại càng xa là vậy.

* * *

Nhà cầm quyền cộng sản thường lấy lý do phát triển kinh tế để biện minh cho việc ổn định chính trị, sẵn sàng đàn áp những người khác ý kiến (chứ chưa chắc khác chính kiến) để độc quyền lãnh đạo, và lý lẽ này cũng đã thuyết phục được nhiều người, nhất là những tầng lớp mới phất lên sau ngày đổi mới. Cái nguy hiểm nhất ở đây không chỉ là những tác hại đang dần dần xuất hiện, nhưng đó là việc không thể nào làm khác đi được. Ảnh hưởng của đảng đã ăn quá sâu vào mọi sinh hoạt trong xã hội và quyền lợi của họ quá lớn, không cho phép một sự chấn chỉnh tận gốc rễ, và vì thế người ta vẫn mãi loanh quanh trong những sửa sai nhất thời và xã hội ngày càng lún sâu vào bế tắc.

Cách độc nhất, và chỉ có cách này mới đưa đất nước đi lên một cách bền vững và tốt đẹp là phải để cho người dân tham gia trực tiếp vào công việc điều hành đất nước, để cho mọi người được thấy cái quyền làm chủ thật sự.

Phải dân chủ hóa chế độ.

Phan Kiến Quốc (tức Phạm Minh Hoàng)

No comments:

Post a Comment