Các Chủ Đề

Tuesday, October 11, 2011

Bình luận: Tam dân chủ nghĩa vẫn còn thời sự với VN

Quốc Phương
Cập nhật: 15:42 GMT - thứ sáu, 7 tháng 10, 2011
Một trăm năm sau khi cuộc Cách mạng Tân Hợi thành công ở Trung Quốc (10/10/1911), các sử gia Việt Nam nhận xét tư tưởng cách mạng và dân túy của lãnh tụ cách mạng tư sản Tôn Trung Sơn, tiếp tục giữ nguyên giá trị không chỉ với Trung Quốc mà còn với Việt Nam.


Các sử gia cũng cho biết, Việt Nam là quốc gia ở khu vực có nhiều duyên nợ với Cách mạng Tân Hợi, khi đã nhiều lần trở thành nơi nương náu của nhà cách mạng và được Tôn Trung Sơn - người được cả Trung Quốc và Đài Loan tôn vinh là quốc phụ - từng lựa chọn làm điểm tựa cho cách mạng ở Trung Quốc.

Bình luận với BBC về giá trị của các tư tưởng cách mạng tư sản và học với thuyết Tam Dân Chủ Nghĩa của Tôn Trung Sơn với xã hội Việt Nam ngày nay, một nhà nghiên cứu từ Viện Nghiên cứu Việt Nam học tại Hà Nội nói:

“Tôi cho rằng nó vẫn còn tính thời sự tuy trên thế giới ngày nay, người ta có thể giải quyết các mâu thuẫn xã hội bằng các biện pháp khác nhau, tùy theo tình hình mỗi nước, mỗi địa phương khác nhau,” Giáo sư Viện trưởng Nguyễn Quang Ngọc nhận xét.

Một chuyên gia khác cho BBC hay Cách mạng Tân Hợi với tư tưởng dân túy kết hợp bạo lực cách mạng không chỉ tác động ở Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới nhiều quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam:
“Cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20, từ nhà yêu nước Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh cho tới Hồ Chí Minh, đều chịu tác động của tư tưởng Tôn Trung Sơn,” Giáo sư Chương Thâu, nguyên Trưởng phòng Lịch sử Cận đại thuộc Viện Sử học Việt Nam nói.

Cách mạng Tân Hợi theo tư tưởng cải cách Dân chủ Tư sản, vốn kéo dài từ cuối thế kỷ thứ 19 đến đầu thế kỷ 20, gặt hái thành công với khởi nghĩa Vũ Xương, Hồ Bắc (10/10/1911).

Diễn biến lịch sử này đã lập nên chính quyền cách mạng lâm thời của Trung hoa Dân Quốc hay một chính quyền dân chủ nhân dân, nền cộng hòa, đầu tiên ở quốc gia châu Á này, rất lâu trước khi các ông Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ Đài Loan, hoặc Mao Trạch Đông - lãnh tụ cộng sản Trung Quốc, "tiếp nối" theo các cách thức khác nhau.

Riêng đối với Việt Nam, ông Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo của Cách mạng Tháng 8/1945, được cho là đã dịch Chủ nghĩa Tam Dân trong những năm ở thập niên 1920 để huấn luyện cho các đồng chí cách mạng của ông, sử gia Chương Thâu ghi nhận.

Duyên nợ Việt Nam

Có một sự gặp gỡ lịch sử đáng chú ý giữa bác sỹ Tôn Dật Tiên, tức Tôn Trung Sơn, người nguyên quán ở Quảng Đông, và Việt Nam, khi trong một số giai đoạn hoạt động cách mạng quan trọng của mình, nhà Cách mạng hàng đầu của Trung Quốc đã tới Việt Nam nhiều lần để hoạt động, chuẩn bị cho tiến trình cách mạng ở quê nhà của ông.

Các dấu tích lịch sử vẫn có thể được tìm thấy, theo xác nhận của các sử gia.

“Trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, Việt Nam đã trở thành điểm tựa và là địa bàn hoạt động thường xuyên của Tôn Trung Sơn,” Giáo sư Nguyễn Văn Khánh, viết trong một tham luận tại một Hội thảo Quốc tế năm 2008 về Tôn Trung Sơn và khởi nghĩa Quảng Tây, Trung Quốc.

“Để thực hiện mục tiêu lật đổ nhà Thanh, ông đã nhiều lần qua lại Việt Nam: lần ngắn là hai tuần, lần lâu đến hơn một năm để tuyên truyền cách mạng, thu phục và chuẩn bị lực lượng.

“Đặc biệt, ông còn tiến hành tiếp xúc, liên lạc với một số sĩ phu yêu nước Việt Nam để bàn kế hoạch phối hợp hành động,” Hiệu trưởng Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định.

Theo Giáo sư Khánh, Tôn Trung Sơn đã để lại dấu ấn đầu tiên là “những cuộc viếng thăm Việt Nam để tìm hiểu tình hình, tuyên truyền cách mạng trong giới Hoa kiều”, đồng thời để chuẩn bị lực lượng và tổ chức thực hiện những “dự mưu khởi nghĩa chống lại chính quyền Mãn Thanh” trong thời gian từ 1900 đến 1908.

Theo tài liệu của giới sử học, chuyến viếng thăm đầu tiên của Tôn Trung Sơn đến Việt Nam là vào ngày 21/6/1900, khi ông đến từ Hong Kong qua cảng Sài Gòn rồi lưu lại ở đây hơn 2 tuần, đến ngày 8/7/1900 thì rời đi Singapore.

Lần thứ hai Tôn Trung Sơn đến Việt Nam theo lời mời của Toàn quyền Đông Dương qua đường ngoại giao với viên Công sứ Pháp ở Tokyo. Tôn Trung Sơn tới Hà Nội vào ngày 13/12/1902 và ở đến đầu năm 1903 thì đi Hoa Kỳ qua nẻo Nhật Bản.

Trong lần thăm này, theo tài liệu của giới sử học, ngoài mục đích dự hội chợ, Tôn Trung Sơn còn tiến hành “gặp gỡ, tiếp xúc với một số Hoa kiều nhằm tuyên truyền, thu phục, tập hợp lực lượng cách mạng”.

Trụ sở Hà Nội


Bia đá tại số nhà 22 phố Hàng Buồm
Bia đá tại số nhà 22 phố Hàng Buồm, Hà Nội còn ghi lại việc Tôn Trung Sơn từng lưu trú và hoạt động tại đây

Lần tiếp theo tới Việt Nam của nhà cách mạng là vào cuối năm 1905, khi Chính phủ Nhật Bản chấp thuận yêu cầu của chính quyền Mãn Thanh, trục xuất Tôn Trung Sơn vì các hoạt động cách mạng, vẫn theo Giáo sư Khánh.

“Ông buộc phải cùng một số chiến hữu như Hồ Hán Dân, Uông Tinh Vệ tới Việt Nam trú ngụ cho tới đầu năm 1906.”

Một nhà sử học khác, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, trên tờ báo mạng VietnamNet hồi tháng 7/2005 khẳng định “Tôn Trung Sơn ở Sài Gòn trong khoảng hơn nửa năm rồi rời qua Indonesia.”

Giới sử học Việt Nam căn cứ cuốn Tự truyện của Tôn Trung Sơn, xuất bản ở Hà Nội năm 1995, cho biết ông đã lưu trú ở Hà Nội và đã thành lập tại đây “một tổ chức có lẽ là chi nhánh Đồng Minh hội, gọi là cơ quan bộ,” để chuẩn bị đẩy mạnh công tác tuyên truyền và chuẩn bị công việc khởi nghĩa.

Lần cuối cùng, Tôn Trung Sơn đến Việt Nam là vào khoảng tháng 3 năm 1907 và lưu lại lâu nhất, khoảng hơn một năm.

Theo sử gia Dương Trung Quốc, tại Hà Nội, Tôn Trung Sơn ngụ tại số nhà 22 phố Hàng Buồm, rồi mở một quán trà tại một ngôi nhà cùng phố. Tiếp đó, ông “công khai thành lập trụ sở của Trung Quốc Đồng minh hội” ở số 61 đường Gambetta (nay là đường Trần Hưng Đạo).

Để thực hiện mục đích khởi nghĩa, Tôn Trung Sơn đã liên lạc với bên ngoài “tổ chức mua và vận chuyển vũ khí từ Nhật về biên giới Trung Quốc”, đồng thời “chiêu tập lực lượng nổi dậy ở Việt Nam”.

Theo Giáo sư Chương Thâu, chính trong thời gian này, “Tôn Trung Sơn đã có nhiều mối liên hệ với các nhà yêu nước Việt Nam như Hoàng Hoa Thám và các sĩ phu trong Trường Đông Kinh Nghĩa Thục Hà Nội”, để bàn việc phối hợp tác chiến.

“Ông còn xuống tận Thái Bình để tiếp xúc với Tổng đốc Trần Đình Lập, một quan lại cấp tỉnh ở Việt Nam để bàn bạc, trao đổi,” tài liệu cho biết.

“Được sự hỗ trợ từ nhiều phía, lực lượng nghĩa quân của ông đã đông tới hàng ngàn người. Với lực lượng này, Tôn Trung Sơn quyết định tiến đánh vùng duyên hải từ Phòng Thành đến Đông Hưng,” tham luận của sử gia Nguyễn Văn Khánh khẳng định.

Chợ Lớn, Sài Gòn

Vẫn theo Tự truyện của Tôn Trung Sơn, nhà cách mạng này còn có quan hệ sâu rộng với tầng lớp Hoa Kiều ở Chợ Lớn, Sài Gòn và Hà Nội lúc bấy giờ.

Còn theo tài liệu của giới sử gia, để tổ chức thu phục tập hợp lực lượng và chuẩn bị vũ khí nổi dậy khởi nghĩa, ông đã tiến hành vận động quyên góp và tranh thủ sự ủng hộ giúp đỡ của các chí sĩ Việt Nam, và nhất là của nhiều đồng bào Hoa kiều đang sinh sống và làm ăn tại Hà Nội và Sài Gòn.

“Ở Chợ Lớn, Sài Gòn có người như Hoàng Cảnh Nam đã hiến toàn bộ tài sản để giúp việc tuyển mộ quân sĩ và chi phí các hoạt động cho nghĩa quân,” Giáo sư Khánh khảo cứu tư liệu về Tôn Trung Sơn cho biết.

“Ngoài ra, các thương gia lớn ở Sài Gòn như Lý Trác Phong, Tằng Tích Thu, Mã Bồi Sinh, mỗi người quyên góp mấy mươi ngàn đồng. Theo đánh giá của Tôn Trung Sơn thì “đó cũng là việc làm hiếm thấy lúc bấy giờ.”
Theo khảo cứu của các sử gia, sau những thất bại trong công cuộc khởi nghĩa, Tôn Trung Sơn lại rời khỏi Việt Nam và đi ra hải ngoại như Singapore, Hoa Kỳ rồi Nhật để tiếp tục tìm nguồn tài chính cho cách mạng Trung Quốc.

Đặc biệt, trong khoảng thời gian từ cuối năm 1907 đến đầu 1908, Tôn Trung Sơn đã “trực tiếp chỉ đạo tổ chức nhiều cuộc khởi nghĩa ở hai tỉnh Quảng Tây và Vân Nam” vốn nằm sát biên giới với Việt Nam.

Trong đó, trận đánh tại Trấn Nam Quan vào tháng 10/1907 giành thắng lợi, đóng vai trò quan trọng với các hoạt động vũ trang non trẻ của quân đội cách mạng Trung Quốc do Tôn Trung Sơn lãnh đạo ở dọc vùng biên giới Việt - Trung thuộc các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam.

“Thắng lợi này không chỉ trực tiếp làm lung lay nền thống trị nhà Thanh mà còn góp phần cổ vũ động viên những người yêu nước Việt Nam trong công cuộc chống đế quốc Pháp, giải phóng dân tộc vào hồi đầu thế kỷ XX,” theo Giáo sư Khánh.

'Ảnh hưởng to lớn'

Hội Quán Quảng Đông trước đây ở Hà Nội
Tòa nhà Hội Quán Quảng Đông của Hoa Kiều cũ tại 22 phố Hàng Buồm là nới Tôn Trung Sơn từng hoạt động.
Cuộc Cách mạng Tân Hợi (1911) theo khuynh hướng dân chủ tư sản theo chủ thuyết nổi tiếng Tam Dân chủ nghĩa – Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc, do Tôn Trung Sơn lãnh đạo có vai trò vô cùng to lớn trong lịch sử Trung Quốc, lịch sử khu vực, châu Á, cũng như mở rộng ra với phương Đông, thế giới và thời đại.

Đối với bản thân Trung Quốc và Đài Loan, theo Giáo sư Chương Thâu, khi làm cuộc cách mạng đánh đổ nhà Mãn Thanh, đánh đổ chủ nghĩa phong kiến Trung Quốc thì nhà cách mạng đã làm được một công việc có ý nghĩa vĩ đại “cho cả Trung Quốc lục địa và Trung Hoa dân quốc.”

“Cả Trung Quốc lục địa và Đài Loan đều có chung một người được coi là quốc phụ, là cha đẻ của Cách mạng của Trung Quốc, đó là Tôn Trung Sơn mặc dù Trung Quốc sau đó đi theo thể chế cộng sản, còn Đài Loan tiếp tục đi theo đường lối Trung Hoa dân quốc để theo đuổi một thể chế dân chủ, tự do, đại nghị tư sản,” Giáo sư Thâu nói.

Trước câu hỏi, giữa Trung Quốc và Đài Loan, ai có thể được cho là người thừa kế “xứng đáng hơn” di sản của Tôn Trung Sơn, Giáo sư Nguyễn Quang Ngọc nhận xét:

“Ảnh hưởng của Tôn Trung Sơn lúc đầu là ở Trung Quốc nội địa, đặc biệt ở khu vực Quảng Đông, còn sau này cái được thừa hưởng nhiều là ở Đài Loan, mà thậm chí họ còn giữ được nhiều (di sản) của Tôn Trung Sơn.”

“Năm 1949, ở Trung Quốc là chính quyền cộng sản rồi, còn chính quyền Dân Chủ Tư Sản đã chuyển sang bên Đài Loan là chính.”

Ngược dòng lịch sử, về ảnh hưởng của tư tưởng Tôn Trung Sơn và cách mạng Tân Hợi với cách mạng giành độc lập ở Việt Nam, Giáo sư Chương Thâu cho biết thêm:

“Hồ Chí Minh từng khẳng định ban đầu, trong một cuốn sách lấy bút hiệu Trần Dân Tiên, rằng ‘Chủ thuyết này phù hợp với Việt Nam hơn cả’’

“Sau này, khi Cách mạng tháng Tám thành công năm 1945, dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Hồ Chí Minh còn lấy ba chữ làm tiêu ngữ là ‘Độc lập, Tự do, Hạnh phúc.’ Đó là Tam dân Chủ nghĩa và ảnh hưởng của Tôn Trung Sơn,” nhà nghiên cứu nói.

Cuối cùng, nhân dịp kỷ niệm 100 năm kỷ niệm cuộc Cách mạng Tân Hợi của Trung Quốc, một số ý kiến của giới nghiên cứu cũng cho biết ý nghĩa cuộc cách mạng tư sản và tư tưởng dân chủ, dân sinh, dân quyền của Tôn Trung Sơn vẫn còn giữ nguyên nhiều giá trị của chúng, không chỉ với Trung Quốc, mà còn với Việt Nam, hai quốc gia đã lựa chọn mô hình cộng sản chủ nghĩa.

Bình luận:

Bài này đưa ra chi tiết Tôn Dật Tiên đã từng đến Việt Nam và Hoa kiều tại Việt Nam đã từng có cơ sở tổ chức của Tôn Dật Tiên . Chi tiết này cho thấy ảnh hưởng của phong trào tranh đấu của Tôn Dật Tiên đã lan đến Việt Nam ra sao.

Kết quả của ảnh hưởng của phong trào của Tôn Dật Tiên là việc Nguyễn Thái Học thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng năm 1927 rồi đưa đến việc Việt Nam Quốc Dân Đảng tổng nổi dậy đánh Pháp tại nhiều tỉnh miền Bắc năm 1930, cùng năm với Xô Viết Nghệ Tình. Vụ nổi dậy này thất bại đưa đến việc Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí khác bị Pháp bắt chém đầu ở Yên Bái, số còn lại chạy trốn sang Trung Quốc và tiếp tục gây dựng cơ sở chống Pháp bên Trung Quốc. Sự kiện này người viết bài hoàn toàn lờ đi. Vụ Việt Nam Quốc Dân Đảng nổi lên đánh Pháp cho thấy ngoài ông Hồ Chí Minh và Việt Minh cũng có những người Việt khác tổ chức đảng phái đánh Pháp. Hơn nữa đây là một đảng mang tư tưởng dân chủ của Tôn Dật Tiên.

Người viết chỉ cho thấy khẩu hiệu mà ông Hồ Chí Minh dùng: Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc có liên quan đến Tam Dân Chủ Nghĩa mà không nói rõ là lúc đầu ba chữ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc là phát xuất từ ba tiêu chí của Việt Nam Quốc Dân Đảng:

- Dân Tộc Độc Lập.
- Dân Quyền Tự Do.
- Dân Sinh Hạnh Phúc.

Những gì ông Hồ nói hay các ông Hồ khẩu hiệu sử dụng không nhất thiết là chủ trương ông Hồ sau này cai trị sẽ theo vì sách lược của Đệ Tam Quốc Tế là đưa ra bộ mặt dân tộc, dân chủ khi đảng Cộng Sản chưa nắm được quyền lực. Khi đảng Cộng Sản đã hoàn toàn nắm được quyền lực thì sẽ đi theo chủ nghĩa Cộng Sản, còn những thứ dân chủ, dân tộc thì chỉ được xem là chiêu bài nhất thời để lôi kéo quần chúng.

Nếu bảo ông Hồ dưới bút hiệu Trần Dân Tiên cho rằng Tam Dân Chủ Nghĩa phù hợp với Việt Nam thì sao lúc đó ông Hồ không gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng hay đi theo Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch mà đi theo chủ nghĩa Cộng Sản. Chẳng những thế sau 1945, ông Hồ còn giết những người theo Việt Nam Quốc Dân Đảng, nghĩa là những người theo Tam Dân Chủ Nghĩa.

Khi ông Hồ sang Trung Quốc năm 1924, ông sang với tư cách là đảng viên của Đệ Tam Quốc Tế. Lúc đó Đệ Tam Quốc Tế chủ trương cho cán bộ xâm nhập vào Trung Hoa Quốc Dân Đảng để phát triển cơ sở cho Cộng Sản. Năm 1927, Tưởng Giới Thạch thấy phong trào Cộng Sản trong Quốc Dân Đảng trở thành mối đe dọa nên ra tay tiêu diệt Cộng Sản. Việc này khiến Mao Trạch Đông ra công khai chống lại Quốc Dân Đảng và phải chạy lên Diên An, còn ông Hồ thì phải chạy trốn khỏi Trung Quốc. Khi quân của Quốc Dân Đảng của Trung Quốc đi cùng với Quốc Dân Đảng Việt Nam về miền Bắc thì ông Hồ nhìn thấy nguy cơ là Việt Minh sẽ bị Quốc Dân Đảng Trung Quốc cùng với Quốc Dân Đảng Việt Nam tiêu diệt vì tại Trung Quốc lúc đó, Quốc Dân Đảng và đảng Cộng Sản Trung Quốc là kẻ thù. Vì thế ông Hồ tìm kế đưa quân Quốc Dân Đảng Trung Quốc ra khỏi miền Bắc để rồi khi Mao Trạch Đông thắng tại Trung Quốc năm 1949 thì ông Hồ bắt tay với đảng Cộng Sản Trung Quốc, nhận viện trợ của Cộng Sản Trung Quốc.

Chính Việt Nam Quốc Dân Đảng mới là đảng có ảnh hưởng của Tam Dân Chủ Nghĩa hơn vì Nguyễn Thái Học lấy Tam Dân Chủ Nghĩa là tư tưởng chủ đạo cho Việt Nam Quốc Dân Đảng. Chỉ cần nhìn cái tên Việt Nam Quốc Dân Đảng rồi nhìn cái tên Trung Hoa Quốc Dân Đảng mà Tôn Dật Tiên thành lập năm 1912 cũng đủ thấy ảnh hưởng của Tôn Dật Tiên với phong trào của Nguyễn Thái Học.

Nhưng sau 1945, khi Việt Nam Quốc Dân Đảng từ Trung Quốc về Việt Nam thì ông Hồ xem như là kẻ thù. Ông Hồ tìm cách hối lộ cho quân đội Quốc Dân Đảng của Trung Quốc để họ rút về Trung Quốc để cô lập Việt Nam Quốc Dân Đảng với Trung Hoa Quốc Dân Đảng của Tưởng Giới Thạch rồi ra tay tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Với các sự kiện lịch sử như thế thì ông Hồ Chí Minh thật ra chẳng tha thiết gì với Tam Dân Chủ Nghĩa mà ông chọn chủ nghĩa Cộng Sản để đưa Việt Nam đi theo.

Còn việc đảng Cộng Sản Trung Quốc ngày nay vẫn đề cao Tôn Dật Tiên thì chẳng qua là vì Tôn Dật Tiên có công đánh đuổi Mãn Thanh, dành độc lập cho Trung Quốc. Còn trong đường lối thì đảng Cộng Sản Trung Quốc chẳng hề theo Tam Dân Chủ Nghĩa. Đâu là các tổ chức chính quyền theo mô hình Ngũ Quyền Phân Lập của Tam Dân Chủ Nghĩa? Đâu là bầu cử dân chủ mà Tam Dân Chủ Nghĩa chủ trương? Chính tại Đài Loan ngày nay mới theo sát Tam Dân Chủ Nghĩa hơn Cộng Sản Trung Quốc.


No comments:

Post a Comment