Các Chủ Đề

Monday, December 12, 2011

Bình luận: Nhà báo 'gài bẫy' CSGT phải nghỉ việc

Bình luận:

Đáng lẽ ra chính cảnh sát phải tung người ra gài bẫy các cảnh sát giao thông để bắt những cảnh sát ăn hối lộ.

Phóng viên của báo Tuổi Trẻ Hoàng Khương bị truy tố vì tội ‘Đưa hối lộ’ vì ông đã thông qua một người trung gian để đưa tiền cho công an để công an trả lại xe cho một người bạn của em vợ ông. Ông đã chụp hình vụ này và đem đăng báo.

Nói là gài bẫy là sai lầm đạo đức thì chính quyền Cộng sản từ xưa đến nay có những lúc giả làm tổ chức chống chính quyền để gài bẫy những người chống chính quyền rồi dùng đó làm bằng chứng để bắt, đều là việc làm vô đạo đức cả hay sao?

Ở Mỹ, nhiều vụ khủng bố bị bắt là do FBI tung người ra giả làm kẻ khủng bố, đi tiếp xúc với những người Mỹ Hồi Giáo bất mãn, dụ cho họ mua chất nổ, khí giới để rồi truy tố họ ra tòa. Việc làm như thế cũng là vô đạo đức và không được làm hay sao?

FBI làm như thế khiến cho những kẻ Hồi Giáo mang tâm lý ghét Mỹ không biết ai là muốn khủng bố thật, ai là khủng bố giả nên sợ, không dám gia nhập các tổ chức khủng bố.

Đảng CSVN giả làm tổ chức chống chính quyền dụ người dân rồi kết tội làm cho những người có ý định chống chính quyền sợ không biết ai thật, ai giả, không dám gia nhập các tổ chức chống chính quyền. Nhà báo Hoàng Khương gài bẫy công an như thế khiến cho những công an có lòng tham sợ, không biết ai là hối lộ thật, ai là gài bẫy thì sẽ không dám ăn hối lộ nữa.

Nay lại đi phạt người gài bẫy. Nếu muốn trừ nạn cảnh sát giao thông ăn hối lộ thì công an có thể tung người ra, giả làm người vi phạm giao thông rồi xin hối lộ. Làm như thế thì cảnh sát giao thông sẽ không dám nhận hối lộ nữa vì không biết chắc ai là hối lộ thật, ai là gài bẫy.


Bản tin của BBC:
Cập nhật: 08:52 GMT - thứ hai, 12 tháng 12, 2011

Nhà báo Hoàng Khương (ở giữa) khi nhận giải thưởng báo chí hồi năm ngoái
Hoàng Khương (ở giữa) là tác giả của nhiều phóng sự điều tra xông xáo

Báo Tuổi Trẻ vừa tạm đình chỉ công tác phóng viên Hoàng Khương vì 'sai sót nghiệp vụ' khi viết bài về cảnh sát giao thông.

Quyết định này được đưa ra sau khi Công an TP Hồ Chí Minh có công văn gửi tới Cục Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông, và Ban Biên tập báo Tuổi Trẻ yêu cầu 'kiểm điểm và thu hồi thẻ nhà báo của Hoàng Khương'.

Lý do trực tiếp là sự liên quan của nhà báo này tới vụ nguyên Thượng úy Công an Quận Bình Thạnh Huỳnh Minh Đức bị khởi tố và bắt tạm giam tội nhận hối lộ để giải quyết trái quy định đối với xe vi phạm giao thông và đua xe trái phép.

Điều tra của công an cho hay ông Khương và một người khác đã qua môi giới đưa tiền cho Thượng úy Đức để nhờ ông này lấy xe máy bị tạm giữ do tham gia đua xe trái phép ra khỏi nơi tạm giữ và không bị xử phạt.

Việc ăn hối lộ của ông Đức đã được ông Khương ghi lại và dùng làm bằng chứng cho bài viết tựa đề 'Cảnh sát giao thông giải cứu xe đua trái phép' đăng trên báo Tuổi Trẻ. Bài này sau đó đã bị gỡ bỏ.

Trái: Đông Anh, em vợ Hoàng Khương, người đua xe bị giam xe. Giữa: chiếc xe bị giữ. Phải: Huỳnh Minh Đức đang đếm tiền hối lộ

Sau khi cơ quan công an yêu cầu thu hồi thẻ nhà báo của phóng viên Hoàng Khương, báo Tuổi Trẻ được nói đã 'nghiêm túc tiến hành kiểm tra toàn bộ quy trình tác nghiệp' của ông Khương khi viết bài báo trên và kết luận rằng ông đã 'có sai sót nghiệp vụ'.

Quyết định đình chỉ công tác ông Hoàng Khương, đưa ra ngày 3/12, không nói rõ sẽ áp dụng tới khi nào.

Phanh phui tiêu cực


Bạn bè và đồng nghiệp cho hay ông Hoàng Khương, tên thật là Nguyễn Văn Khương, đã tỏ ra 'hụt hẫng và rất buồn' trước quyết định kỷ luật ông.

Một phóng viên thân quen với ông tại TP Hồ Chí Minh, đề nghị giấu tên, nói việc làm của ông Khương "không có động cơ gì khác ngoài phục vụ việc tác nghiệp và phanh phui những tiêu cực" của các nhân viên công quyền.

"Có thể Khương bị lỗi vì sơ suất, nhưng mục đích cuối cùng chỉ là vì lợi ích của người dân."

Phóng viên Hoàng Khương lâu nay được biết như tác giả của nhiều phóng sự điều tra dũng cảm và không khoan nhượng, nhất là về các sai phạm trong hoạt động của cảnh sát giao thông, vốn khiến cho dư luận vô cùng bức xúc.

Một nguồn tin khác nhận xét với BBC: "Có lẽ chính vì vậy mà Khương bị nhiều người không ưa, cho dù lâu nay công an đã khen thưởng Khương nhiều lần vì các phóng sự phanh phui vi phạm".

Tuy nhiên, cũng có người cho rằng ông Hoàng Khương đã sai lầm đạo đức báo chí khi 'chủ động gài bẫy cho người khác để quy tội'.

Ngoài ra, ông cũng bị mắc tội 'đưa hối lộ' khi người môi giới khai đã nhận tiền từ ông.
Hiện chưa rõ vụ việc của nhà báo Hoàng Khương sẽ diễn tiến ra sao sau quyết định đình chỉ công tác.

Việc 'gài bẫy' để bắt quả tang những việc làm sai thực ra được áp dụng khá nhiều trong báo chí phương Tây, nhất là các báo chủ trương dân túy.

Nhiều trường hợp bị khiếu kiện ra tòa nhưng được xử trắng án khi nhà báo và tòa soạn báo chứng minh được là họ làm như vậy là vì lợi ích của công chúng.


Nhà báo Hoàng Khương bị bốn năm tù

thứ sáu, 7 tháng 9, 2012

Phiên tòa xử vụ án hối lộ và đưa hối lộ liên quan tới phóng viên báo Tuổi Trẻ vừa kết thúc với án tù bốn năm cho nhà báo Hoàng Khương.

Ông bị kết tội đưa hối lộ, là tội danh có khung hình phạt từ 6 đến 13 năm. Mức án bốn năm được tuyên dựa trên tình tiết giảm nhẹ là có nhiều đóng góp trong quá trình công tác.



Phóng viên Hoàng Khương tại tòa án


Hai bị cáo khác có cùng tội danh bị mức án lần lượt là bốn năm (Nguyễn Đức Đông Anh, em vợ của Hoàng Khương) và một năm (Trần Anh Tuấn, người nhờ ông Khương giải cứu xe đua). Ba người còn lại bị kết tội môi giới hối lộ và nhận hối lộ, với mức án năm năm và hai năm.

Diễn ra trong hai ngày 6-7/9/2012, vụ xét xử thu hút sự chú ý đặc biệt của giới phóng viên.

"Vụ án Hoàng Khương"

Là vụ án có sáu bị cáo, nhưng hầu hết thời gian thẩm vấn trong hai ngày xét xử được giành làm rõ các hành vi phạm tội của phóng viên báo Tuổi Trẻ. Được biết năm bị cáo khác đã nhanh chóng nhận tội trong buổi sáng của ngày đầu tiên hầu tòa.

Trước đó, việc triệu tập hay không triệu tập đại diện của báo Tuổi Trẻ là một vấn đề tranh luận gay gắt giữa bên công tố và luật sư biện hộ.

Tuy tòa quyết định chấp nhận quan điểm của Viện Kiểm sát, nhưng Tuổi Trẻ nhưng hiện diện với tư cách phóng viên và đưa tường thuật chi tiết về phiên tòa.

Theo nội dung video clip của Tuổi Trẻ, Hoàng Khương nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án: "Bị cáo day dứt liệu không có hai bài báo này thì bị cáo có đứng trước vành móng ngựa ngày hôm nay không."

Có lẽ đây cũng là nỗi băn khoăn của nhiều người.

Bình luận về vụ phóng viên Hoàng Khương, nhà phê bình văn học, nhà báo Phạm Xuân Nguyên nói:“ Ở đây có hối lộ hay không hay là tác nghiệp”, và ông cũng cho bày tỏ ý kiến nghiêng về phía phóng viên Hoàng Khương “không làm gì khuất tất” mà chỉ làm việc theo yêu cầu của ban biên tập báo Tuổi Trẻ.

Trên trang Diễn đàn Nhà báo trẻ, diễn đàn của các phóng viên trong nước, nhiều người bày tỏ sự thất vọng và bất bình về bản án bốn năm tù.

Một thành viên diễn đàn này viết: "Nhà báo Hoàng Khương, phóng viên báo Tuổi Trẻ nhập vai theo lý thuyết báo chí để điều tra nận mãi lộ trong CSGT. Do phải có màn đưa tiền thì mới nói được là CSGT nhận hối lộ. Nhưng nhà báo này bị chính ngay lí luận, rằng CSGT nhận hối lộ thì nhận của ai? Thế là Hoàng Khương bị tóm, bị xét xử. Hành động viết báo để tố cáo hành vi nhận hối lộ bị cho là vi phạm pháp luật hình sự."

Một thành viên khác viết: "Nhà báo Hoàng Khương có vi phạm quy định của pháp luật không hay chỉ đơn thuần là tác nghiệp sai sót...khó hiểu thật!! Liệu đây có phải là cuộc đấu giữa báo chí và công an không?"

Ông Hoàng Khương sẽ có 15 ngày để kháng án.



Nhà báo Hoàng Khương được về nhà

21 tháng 1 2015

Hoàng Khương, chụp tại nhà sau khi được thả


Ông Hoàng Khương, phóng viên báo Tuổi Trẻ từng bị kết án bốn năm tù về tội ‘Đưa hối lộ’ đã được thả trước thời hạn, một nguồn tin thân cận với Hoàng Khương xác nhận với BBC hôm 21/1 với điều kiện giấu tên.

Ông Khương bị kết án hồi tháng 9 năm 2012 một trong phiên tòa gây tranh cãi và gây xôn xao báo giới ở Việt Nam. Trong phiên tòa phúc thẩm vào cuối năm đó, mức án của ông vẫn được giữ nguyên.

‘Thừa nhận thiếu sót’

Nguồn tin này cũng cho biết ông Khương đã ‘tới báo Tuổi Trẻ chào hỏi các đồng nghiệp cũ’.

Trong phiên tòa sơ thẩm, ông Khương đã thừa nhận thiếu sót về nghiệp vụ nhưng cũng nói rằng hành động của ông chỉ nhằm đưa việc nhận hối lộ của công an ra trước công luận.

"Bị cáo không có động cơ nào khác là để kéo giảm tai nạn giao thông theo chủ trương của Đảng và Nhà nước," ông được dẫn lời nói tại phiên sơ thẩm.

Ông Hoàng Khương, tức Nguyễn Văn Khương, đã có một số bài phóng sự điều tra về tình trạng cảnh sát nhận hối lộ để thả các xe vi phạm luật hồi giữa năm 2011.

Ông bị truy tố vì tội ‘Đưa hối lộ’ vì ông đã thông qua một người trung gian để đưa tiền cho công an để công an trả lại xe cho một người bạn của em vợ ông.

Chi tiết và hình ảnh công an nhận hối lộ trong bài báo sau đó của ông Hoàng Khương đã khiến công an vào cuộc điều tra và dẫn đến việc các công an nhận hối lộ bị truy tố.

Bản án của ông Khương đã được Tổ chức Phóng viên Không Biên giới mô tả là ‘bất công’. Tổ chức này cũng đã kêu gọi giới chức Việt Nam sớm thả tự do cho ông Khương sau khi ông bị kết án trong phiên tòa sơ thẩm.


No comments:

Post a Comment