Các Chủ Đề

Thursday, February 16, 2012

Chủ nghĩa Phát xít và chủ nghĩa Dân tộc

Việt Cường (viết nhân kỉ niệm 60 năm ngày chủ nghĩa Phát xít sụp đổ)



Chủ nghĩa phát xít (Fascism) là một lí thuyết chính trị kết hợp chủ nghĩa dân tộc (nationalism) và các quan điểm về một nhà nước chuyên chế mang tính chất quân phiệt, độc tài, toàn trị. Nó đối lập với chủ nghĩa tự do (liberalism), đối lập với những quan điểm về một nhà nước dân chủ. Đó là một chủ nghĩa cực đoan, nó gây nguy hại cho cả một dân tộc nếu như nó nảy sinh trong một tiểu quốc, và nó gây nguy hiểm cho cả thế giới nếu nó phát sinh từ trong lòng một đế quốc. Nguyên nhân dẫn đến chủ nghĩa phát xít đó là đầu óc bệnh hoạn của những kẻ cầm quyền, với ảo tưởng rằng mình sẽ thay đổi và khuất phục được cả thế giới. Chủ nghĩa phát xít đã gây ra thảm hoạ cho cả thế giới mà điển hình là chủ nghĩa Phát xít Đức, kẻ gây ra Chiến tranh thế giới lần thứ II, là nguyên nhân gây nên cái chết cho 40 triệu người trên thế giới và sự thiệt hại về vật chất vô cùng to lớn mà nhiều năm sau thế giới mới khôi phục lại được. Nếu nói chung thì chủ nghĩa phát xít trên thế giới đã khiến hơn 60 triệu người thiệt mạng.


Cùng với chủ nghĩa phát xít ở Đức, ở Italia, chủ nghĩa phát xít ở Nhật Bản cũng đã gây nên biết bao nhiêu đau khổ cho nhân dân các nước Châu Á như Trung Quốc, Triều tiên, Việt Nam,… và cho chính nhân dân Nhật Bản. Cũng do chủ nghĩa phát xít mà nhân dân Nhật Bản đã phải gánh chịu hai quả bom nguyên tử thả xuống Hirosima và Nagasaki khiến hàng vạn người dân vô tội chết một cách oan khốc. Và cùng với đó là bao nhiêu hệ luỵ còn gây nhiều tranh cãi cho đến ngày hôm nay.

Như vậy, chủ nghĩa phát xít là một thứ chủ nghĩa nguy hiểm, nó sẽ gây ra thảm hoạ cho con người, cho các dân tộc. Một trong những sứ mạng hoà bình của con người trong thời đại ngày nay là phải ngăn ngừa sự hình thành và phát sinh chủ nghĩa phát xít. Chiến tranh thế giới lần thứ II đã kết thúc cách đây 60 năm những những gì còn ghi giữ lại đã làm cho con người không thể nào quên đi được những tội ác ghê rợn mà chủ nghĩa Phát xít đã gây ra cho nhân loại.

Chủ nghĩa dân tộc có vẻ như trong sáng và vô hại, nó khêu gợi tinh thần yêu nước của mọi người trong một quốc gia thống nhất, nếu biết cách và chế ngự được nó thì sẽ động viên được cả một dân tộc để làm nên những điều kì diệu như phát triển kinh tế, khoa học, chống giặc ngoại xâm,… Thế nhưng, khoảng cách giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa dân tộc cực đoan rất mong manh. Và do đó, từ chủ nghĩa dân tộc rất có thể sẽ hình thành chủ nghĩa dân tộc cực đoan, một thứ chủ nghĩa gần gũi với chủ nghĩa phát xít.

Nền tảng tư tưởng của chủ nghĩa phát xít Đức đó là khẳng định rằng người da trắng (Ghéc- manh) mới là giống người thuần khiết và thượng đẳng, có nhiệm vụ (và sứ mệnh) thống trị, lập lại trật tự thế giới và tiêu diệt những giống người hạ đẳng (như Do Thái…). Tư tưởng đế cao giá trị và khả năng của người Đức mà Hít-le đưa ra đã chinh phục được nhân dân Đức. Ngày hôm nay chúng ta có thể xem lại những thước phim tư liệu về thời kì đó, và có thể thấy được tình cảm ủng hộ và ngưỡng mộ của dân chúng Đức dành cho Hít- le buổi ban đầu là như thế nào.

Lúc đầu Hít –le định mê hoặc quần chúng nhằm phục vụ cho bản thân mình, nhưng sau khi nhận được sự ủng hộ của dân chúng thì Hít-le lại bị mê hoặc bởi những ảo tưởng mà mình đã vẽ ra trước đó, và kết cục là sự sụp đổ của chủ nghĩa phát xít.

Chiến thắng phát xít Đức là một chiến công vĩ đại của nhân dân Liên xô, một trong những nguyên nhân dẫn đến chiến thắng đó là đảng cộng sản Liên Xô đã kêu gọi được sự ủng hộ của toàn thể nhân dân Liên Xô và tất cả các lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình hộên thế giới.

Tuy nhiên, đó là chuyện của quá khứ, còn hiện tại của ngày hôm nay chúng ta đang chứng kiến một kiểu chủ nghĩa dân tộc cũng rất nguy hiểm, mà những diễn biến mới đây khiến cho chúng ta không thể không chú ý và đề phòng, đó là thứ chủ nghĩa dân tộc cực đoan tại Nga, Trung Quốc và cả Việt nam. Chúng thử tìm hiểu xem sao ?

Tại Liên bang Nga

Như chúng ta đã chứng kiến trong thời gian qua, với sự mù quáng đi theo chủ nghĩa cộng sản mà đất nước được mệnh danh là “thành trì của Chủ nghĩa xã hội”, “cái nôi của cách mạng vô sản thế giới”,… đã sụp đổ sau 70 năm từ ngày Lê-nin cướp được chính quyền. Nước Nga mới của En-xin đã phải đối mặt với một khối di sản nặng nề của quá khứ, với một “gia tài” đã khánh kiệt, đã phải chật vật để hoà mình vào dòng chảy của thời đại. Cho dù còn rất nhiều việc phải làm để nước Nga trở thành một quốc gia dân chủ và tự do như phương Tây, nhưng những thành quả gặt hái được sau hơn 10 năm kể từ khi từ bỏ chế độ cộng sản đã mang lại cho nước Nga một bộ mặt mới, những tư duy tiến bộ và một cuộc sống phồn vinh hơn trước rất nhiều cho đại đa số dân chúng. Một số bộ phận dân chúng do không kịp thích ứng với thời cuộc, ăn sâu tư tưởng dựa dẫm vào người khác, đã bị bỏ rơi và thua thiệt.

Sau thời Enxin, Putin tiếp quản chính quyền, đáng lẽ ra phải cố gắng để hoàn thành những công việc dang dở của bậc tiền nhiệm thì Putin đang dần đưa nước Nga quay trở lại chế độ chuyên chế như kiểu chế độ cộng sản ngày xưa , phải chăng do tư tưởng cộng sản còn ăn sâu trong đầu óc vị cựu Trung tá tình báo này? Đến nỗi nhân lần gặp nhau mới đây với Tổng thống Mỹ tại Slôvakia, dù rằng rất tế nhị trong quan hệ ngoại giao nhưng Tổng thống Bush cũng phải lên tiếng nhắc nhở Nga về vấn đề nhân quyền và tự do.

 Đội Quân Kremlin: hình ảnh một đế chế huy hoàng ngày xưa

Một trong những chủ trương khá nguy hiểm mà chính quyền Putin đang theo đuổi là việc vực dậy chủ nghĩa dân tộc ( có phần cực đoan) bằng những hình ảnh về một đế chế Nga huy hoàng ngày xưa, với việc nước Nga đang sở hữu một kho vũ khí hạt nhân lớn nhất thế giới, rằng Nga vẫn còn là một cường quốc… để ru ngủ những người trung tuổi và mê hoặc đám trẻ mới lớn. Kết quả của việc này là sự ra đời của các tổ chức tân phát xít Nga, các nhóm đầu trọc. Chúng đã tấn công người nước ngoài đặc biệt là các sinh viên đang theo học tại Nga, đến nỗi mới đây các du học sinh Ả Rập đã quyết định thôi học để trở về nước vì chính quyền Nga không đảm bảo được an ninh cho bản thân họ. Chính quyền Nga đã phản ứng rất yếu ớt và vô trách nhiệm trước các yêu cầu và đòi hỏi chính đáng này của thân nhân và các du học sinh đang theo học tại Nga.




Bọn đầu trọc tại Nga

Cùng với đó là việc thâu tóm quyền lực (và quyền lợi) về cho mình. Chính phủ Putin đã kiểm soát hệ thống truyền thông và gạt ảnh hưởng của doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực kinh doanh dầu lửa; áp đặt những nước lân bang… Putin và chính quyền Nga đang ngày càng bị “mất điểm” và mất mặt trong các quan hệ quốc tế. Các nước thuộc Liên Xô cũ như Grugia, Ukraine, Kyrgyrstan, Mônđavia,… đang tìm mọi cách thoát ra khỏi vòng ảnh hưởng của Nga, bất chấp những thiệt hại kinh tế có thể xảy ra do những ưu đãi mà Nga đã “hy sinh” từ trước đến nay.

Chắc chắn trong một tương lai gần, nhân dân Nga sẽ biết phải làm gì để chấm dứt sự cai quản độc đoán này của Putin. Họ sẽ đứng lên xây dựng một nước Nga dân chủ và tự do.

Tại Trung Quốc

Sau 3 thập kỉ đổi mới, với việc từ bỏ nền kinh tế tập trung quan liêu, kinh tế Trung Quốc dần chuyển sang nền kinh tế tự do, đã phát triển như vũ bão, gây kinh ngạc cho toàn thế giới. Cùng với việc phát triển mạnh mẽ về kinh tế, với một quốc gia đông dân nhất trên thế giới đã khiến cho tiếng nói và vị thế của Trung Quốc trên trường quốc tế ngày càng có trọng lượng. Và sự phát triển kinh tế cũng đã giúp Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự của mình và ngày càng có tầm ảnh hưởng quan trọng trong khu vực cũng như trên thế giới.

Thế nhưng sự phát triển thần kì của kinh tế Trung Quốc đã không phát huy được hết tác dụng của nó, do thể chế chính trị của Trung Quốc đã không được thay đổi cho phù hợp với tăng trưởng kinh tế. Với hạ tầng là nền kinh tế trị trường mà thượng tầng là Chủ nghĩa cộng sản đã khiến cho xã hội Trung Quốc ngày càng bấp bênh và nguy hiểm hơn. Giới quan chức và doanh nhân ngày càng trở nên giàu có hơn, thượng lưu hơn. Nhưng vẫn còn 800 triệu dân chúng Trung Quốc đang sống ở nông thôn mà việc tăng trưởng kinh tế chưa có nhiều tác động tích cực đến đời sống của họ. Hố sâu ngăn cách giàu nghèo, bất công xã hội và ngang trái trong cuộc đời, ngày càng phát sinh sâu rộng. Rõ ràng, điều này đã tạo nên thái độ bất mãn trong dân chúng và chắc chắn mâu thuẫn sẽ bùng nổ trong một tương lai rất gần. (Việt nam cũng giống hoàn toàn như vậy)

Để thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, chính quyền Trung Quốc đang làm mọi cách để hạ nhiệt nền kinh tế quá nóng của mình, nhưng điều này đã tỏ ra không dễ thực hiện chút nào. Ngược lại, những thay đổi ấy đã gây ra nhiều phản ứng bất lợi từ các nhà doanh nghiệp.

Chính quyền Trung Quốc đã chơi một “đòn” nguy hiểm đó là việc kích động tinh thần dân tộc (lên đến mức cực đoan) bằng việc biểu tình chống Nhật, bài Nhật, tẩy chay hàng hoá Nhật, thậm chí tấn công cả vào Đại sứ quán Nhật tại Bắc kinh. Nguyên nhân mà Trung quốc đưa ra là việc Nhật Bản đã cho lưu hành sách giáo khoa mới, trong đó giải thích sai lệch những tội ác mà quân đội Nhật Hoàng đã gây ra cho Trung Quốc trước đây.Thế nhưng, mục đích chính của việc này là hướng dư luận ra bên ngoài, tránh những chú ý bất lợi về phía chính phủ, và tranh thủ tình cảm của người Dân. Việc này đã tỏ ra vô cùng nguy hiểm vì đã gây sóng gió trong quan hệ ngoại giao với Nhật Bản. Trong 3 thập niên qua Nhật Bản đã viện trợ ODA cho Trung Quốc hơn 30 tỉ đô la Những lí do mà Trung Quốc đưa ra không phải là đã thuyết phục lắm bởi vì chế độ của Nhật ngày này khác xa chính quyền quân phiệt Nhật ngày trước, thời gian đã trôi qua 70 năm, chuyện ngày xưa đã là quá khứ.

Nếu cho rằng Trung quốc có tinh thần dân tộc cao thì người Nhật họ cũng có tinh thần dân tộc cao không kém, và với việc Nhật là một cường quốc về Kinh tế thì cũng chẳng có lí do gì để Nhật phải nhường nhịn Trung quốc cả. Bằng chứng là Bộ ngoại giao Nhật đã phản đối mạnh mẽ Trung quốc và yêu cầu bồi thường, xin lỗi. Ngay sau đó Nhật đã cho phép các công ty của mình thăm dò và khai thác dầu hoả ở những khu vực đang tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc. Rồi mới đây, Nhật đã kí hiệp ước hợp tác quân sự với Mỹ. Trước đó và cả bây giờ, Nhật luôn tìm cách để gia tăng hợp tác kinh tế với các nước trong khu vực, đặc biệt là với các nước ASEAN. Thiết nghĩ đây là cơ hội cực kì tốt cho Việt Nam, không biết các vị lãnh đạo Việt nam có can đảm để tranh thủ những thuận lợi này cho dân tộc hay không ?

Trung quốc rõ ràng đang muốn tranh chấp ngôi vị bá chủ khu vực (trước khi muốn bá chủ thế giới) nhưng người Nhật không dễ gì bỏ qua. Việc Nhật muốn trở thành thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để cân bằng về mặt chính trị với Trung quốc là việc rất cần thiết. Trung quốc vẫn còn chế độ cộng sản, chế độ mà mọi chuyện đối nội, đối ngoại đều do vài người (thậm chí 1, 2 người) trong Bộ chính trị quyết định chứ không phải ý dân, điều này có thể tạo ra mối nguy hiểm tiềm tàng cho khu vực và thế giới.

Với những diễn biến cực kì phức tạp này giữa hai cường quốc Châu Á, chắc chắn sẽ còn nhiều bất ổn xảy ra trong thời gian tới, chúng ta hãy chờ xem.

Tại Việt Nam

Xét một cách tổng quát thì chúng ta không khác gì mấy so với Trung quốc. Tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của nhân dân đã và vẫn đang bị nhà cầm quyền lợi dụng

Trong cuộc chiến tranh “chống Mỹ cứu nước” Đảng cộng sản Việt nam cũng đã động viên và nêu cao chủ nghĩa dân tộc, với công tác tuyên truyền sâu rộng và kiên nhẫn đến từng người dân, cộng với những lí lẽ hào hoa và hùng tráng như “xẻ dọc Trường sơn đi cứu nước, mà lòng phơi phới dậy tương lai”, với việc khêu gợi lòng yêu nước của một đất nước luôn phải chống chọi với giặc ngoại xâm, đã vang như tiếng kèn xung trận, kêu gọi người dân bước vào một cuộc chiến trường kì và gian khổ, mà rồi những lời hứa ngọt ngào của ngày nào, sau 30 năm vẫn không thể làm được. Những mong ước giản dị của Hồ Chí Minh ngày nào “… Tôi muốn ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành” hoặc “thắng giặc Mỹ chúng ta sẽ xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”… sau bao nhiêu năm vẫn không thành..

Vâng, trong cuộc kháng chiến “chống Mỹ cứu nước” ấy, tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của nhân dân đã được huy động và lợi dụng một cách tối đa, để rồi bây giờ, sau 30 năm, những ước mơ về một xã hội công bằng, tự do, yên ổn; một cuộc sống tốt đẹp ngày nào, mới chỉ đạt được ở một thiểu số người có chức có quyền, còn con em và bản thân những người đã vào sinh ra tử, những người đã nằm xuống, những Bà mẹ anh hùng, những nam nữ Thanh niên xung phong ngày nào, cuộc sống của họ bây giờ ra sao? Họ có được hưởng cuộc sống xứng đáng với những gì họ đã hy sinh hay không? Kết thúc chiến tranh, họ phải khổ sở sống trong một chết độ cai trị hà khắc. Họ đã bị lợi dụng, bị lừa bởi những lí lẽ hào hoa và Mỹ miều của đảng cộng sản Việt nam.

30 năm sau, trước những bất công trong xã hội, tình trạng tham nhũng, nghèo khó, sự chênh lệch giàu nghèo, sự bất mãn của dân chúng… đảng cộng sản đã không làm được gì để khắc phục mà còn tiếp tục lợi dụng tinh thần dân tộc của nhân dân ta bằng cuộc chiến mới, cuộc chiến pháp lí chống lại siêu cường số 1 thế giới là Mỹ. Đó là cuộc chiến pháp lí về các nạn nhân chất độc màu da cam.

Là một con người ai không đau xót trước những bất hạnh mà đồng loại mình đang phải gánh chịu ? Thế nhưng, lỗi này có phải hoàn toàn do Mỹ gây ra không ? Nếu không “quyết tâm” thống nhất đất nước bằng mọi giá, với những sư đoàn ngày đêm vượt Trường sơn “đi cứu nước” thì có những nạn nhân ngày hôm nay không ?? Thứ hai nữa, có phải chính quyền Việt nam thành tâm “chiến đấu” vì công lí và công bằng cho những nạn nhân chất độc màu da cam không ?

Nếu thành tâm thì chính quyền Việt nam đã phải để thời gian nghiên cứu một cách khoa học, chứng minh mối liên quan rõ ràng giữa chất Điôxin và các nạn nhân chất độc màu da cam chứ ? Đã đưa ra toà là phải có bằng chứng, luận chứng khoa học hẳn hoi, chứ không thể cứ nói lấy được … đó là tại chất độc màu da cam của Mỹ một cách định tính ! Mặc dù rằng bản thân tôi cũng tin rằng chất độc đó đã gây ra nhiều bệnh tật, nhưng không phải mọi bệnh tật đều từ Điôxin do Mỹ gây ra. Trong suốt hơn 20 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, 30 năm sau chiến tranh, Việt Nam đã dùng hàng chục triệu lít thuốc trừ sâu có hàm lượng điôxin cao. Một bản nghiên cứu khoa học phải chỉ rõ bao nhiêu phần trăm bệnh tật là do điôxin có trong chất độc màu da cam, bao nhiêu phần trăm bệnh tật là do điôxin có trong thuốc trừ sâu ?

Việc so sánh tại sao cựu chiến binh Mỹ được bồi thường mà ta thì không, quả là khập khiễng và thiếu hiểu biết thực tế. Khi đơn kiện bị bác, do thiếu chứng cớ khoa học, thì Đảng cộng sản lại lợi dụng để kích động tinh thần dân tộc, tuyên truyền tâm lí bài Mỹ, ghét Mỹ trong dân chúng.

Vấn đề ở đây là tinh thần nhân đạo, lòng tốt và tình đồng bào đã làm chúng ta bị lợi dụng. Nếu chính quyền Việt nam cố gắng gây dựng mối quan hệ hữu hảo với Mỹ thì chắc chắn, sự giúp đỡ nạn nhân chất độc màu da cam sẽ được nằm trong các khoản viện trợ nhân đạo. Tôi tin rằng người Mỹ sẽ làm việc đó! Còn đã đưa nhau ra toà thì không còn tình nữa mà chỉ còn lí, các vị quan toà cứ theo lí để làm. Hệ thống pháp lí của Hoa kỳ rất chặt chẽ, ông Jack Weinstein, quận Brooklyn, ra quyết định bác bỏ đơn kiện của nguyên đơn, vì cho rằng không có chứng cứ khoa học liên quan giữa chất khai quang (Điôxin) với dị tật bẩm sinh ở trẻ em Việt Nam. Đó cũng là điều dễ hiểu !

Đảng cộng sản biết thừa là “con kiến kiện củ khoai”, nhưng họ vẫn làm. Phải chăng, mục đích là khêu gợi tinh thần dân tộc (đó là lòng nhân đạo, tình cảm đồng bào với nhau), hướng chú ý của dư luận ra bên ngoài (sang tận Mỹ) để quên đi những hiện thực đáng buồn trong nước? Hay Đảng muốn “ăn vạ” Mỹ, đổ hết cho Mỹ, để đối phó với sự chỉ trích của Mỹ về các vấn đề nhân quyền, tôn giáo và gây tâm lí bài Mỹ trong nhân dân ?

Nói chung, người dân chúng ta cần có một cái nhìn tỉnh táo, không nên để tình cảm chi phối mà bị lợi dụng hết lần này đến lần khác.

*

Theo báo chí trong nước thì ở Việt nam một năm có khoảng 12.000 người chết do tai nạn giao thông, và nhiều nghìn người khác bị thương tật. Nạn nghiện ngập ma tuý tại Việt nam cũng đang dẫn đầu trong khu vực, rồi nạn mại dâm, trẻ em thất học đi bụi đời, trẻ em và phụ nữ bị bán qua biên giới làm gái điếm, phụ nữ Việt nam bị rao bán như món hàng ở Xingapo v.v… thì do ai ? Chẳng lẽ đây cũng là tại tàn dư chế độ cũ? Hay do Mỹ tạo ra ? Hay do những chính sách thiển cận và đi hết từ sai lầm này đến sai lầm khác của Đảng cộng sản Việt nam? Những chuyện này thì tại ai? Sao không dành tâm sức sửa chữa để cho dân bớt khổ ?

Cuộc chiến pháp lí mà Việt nam “tuyên chiến” với Mỹ không hoàn toàn vì công lí cho những nạn nhân chất độc màu da cam, ở đây đã mang màu sắc chính trị. Thử hỏi chính quyền Việt nam đã làm gì cho những nạn nhân đáng thương đó? Cuộc chiến này chỉ có lợi cho đảng cộng sản, mà có thể sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho nhân dân Việt nam. Trước mắt, chính quyền Mỹ đã huỷ bỏ chương trình nghiên cứu sự liên quan giữa chất độc Điôxin và sức khoẻ con người, như vậy những nạn nhân đáng thương đã mất đi một cơ hội để hiểu biết thêm về bệnh tình của mình. Thứ hai, Việt nam đang muốn gia tăng xuất khẩu, trong đó thị trường Mỹ là một thị trường hứa hẹn và tiềm năng nhất. Với hành động “gây chiến” này thử hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá Việt nam vào Mỹ sẽ gặp khó khăn hay thuận lợi hơn? Thứ ba, liệu chúng ta có gặp khó khăn trong việc đàm phán với Mỹ về việc gia nhập WTO ?

Tóm lại, vẫn cứ như xưa, đảng cộng sản Việt nam luôn đặt quyền lợi của bản thân lên trên quyền lợi của dân tộc, của đất nước. Trong đó việc lợi dụng lòng tốt, tinh thần dân tộc, tình cảm nhân đạo đối với đồng bào mình là một điều đáng trách.

Dẫu rằng tinh thần dân tộc, lòng yêu nước, thương yêu đồng loại … là những nét đẹp không thể thiếu được trong mỗi con người, trong mỗi quốc gia. Nó sẽ là rất tốt nếu được đặt đúng vị trí của nó. Ngược lại nó sẽ bị lợi dụng, thậm chí gây ra nhiều tai hại cho một dân tộc, hoặc gây ra thảm hoạ cho cả thế giới.

Chủ nghĩa dân tộc chỉ cực đoan một chút thôi là có nguy cơ trở thành chủ nghĩa phát xít.

Chúng ta phải tỉnh táo để không bị lợi dụng và hãy làm sao cho những tình cảm tốt đẹp và cao thượng đó làm đúng chức năng của mình, chứ không cam tâm phục vụ cho bất cứ ai hoặc chế độ nào mà bất chấp lương tâm và lẽ phải.

Bài học đau thương do phát xít Đức gây ra vẫn còn đó. Bài học lịch sử đắng cay của chính dân tộc ta qua cuộc kháng chiến “chống Mỹ cứu nước” vẫn còn đó…

Việt Cường

No comments:

Post a Comment