Dưới đây là hai bài mô tả về đường lối của ngành báo chí của hai nước Mỹ và Việt. Bài thứ nhất là những Nguyên Tắc Chính của Nghề Làm Báo được xem như là hướng dẫn về cách hành nghề, ứng xử của ngành báo chí Mỹ và bài thứ hai là Quy Định Về Đạo Đức Nghề Nghiệp Của Người Làm Báo Việt Nam. Qua hai bài này, người đọc có thể thấy được một số nét khác nhau giữa ngành báo chí Mỹ và Việt.
Những Nguyên Tắc của Nghề Làm Báo
Lời Mở Đầu
Tu Chính Án Thứ Nhất, bảo vệ quyền tự do bầy tỏ tư tưởng khỏi sự hạn chế của bất kỳ một luật lệ nào, bảo đảm cho người dân qua báo chí của họ một quyền hiến định, và từ đó đặt cho người làm báo một trách nhiệm đặc biệt. Vì thế ngành báo chí đòi hỏi người hành nghề không chỉ sự cần cù và kiến thức mà còn cả sự theo đuổi một tiêu chuẩn đạo đức cân xứng với trách nhiệm đặc biệt của người làm báo. Để đạt đến mục đích này Hội Biên tập viên Báo chí Mỹ đặt ra bản Những Nguyên Tắc này như một tiêu chuẩn nhằm khuyến khích thành quả đạo đức và nghề nghiệp cao nhất.
Điều 1. Trách nhiệm.
Mục đích chính của sự thu thập và phổ biến tin tức và ý kiến là để phục vụ phúc lợi chung qua việc cung cấp tin tức và cho người dân khả năng nhận định thời sự. Người làm báo nào lạm dụng thế lực nghề nghiệp của mình cho những động cơ ích kỷ hay mục đích không chính đáng là phản lại niềm tin này của công chúng. Báo chí Mỹ được tự do không phải chỉ để thông tin hay cung cấp diễn đàn tranh luận mà còn để mang lại sự kiểm soát độc lập đến trên những thế lực trong xã hội, kể cả sự ứng xử của quan chức các cấp trong chính quyền.
Điều 2 - Tự do báo chí.
Tự do báo chí thuộc quyền sở hữu của người dân. Nó phải được bảo vệ trước sự xâm phạm hay tấn công của bất kỳ một thế lực nào, chính quyền hay tư nhân. Người làm báo phải luôn theo dõi để xem việc công ích được thực hiện một cách công khai. Họ phải cảnh giác với tất cả những ai muốn lợi dụng báo chí cho những mục đích ích kỷ.
Điều 3 – Độc lập.
Nhà báo phải tránh thái độ thiếu đạo đức hoặc làm cho độc giả nghĩ là nhà báo thiếu đạo đức cũng như phải tránh để bị chi phối bởi lợi ích nào khác hoặc để cho độc giả nghĩ là nhà báo đang bị chi phối . Nhà báo không nên chấp nhận những điều gì hoặc làm những hoạt động gì có thể phương hại đến sự trung thực của mình.
Điều 4 - Trung thực và Chính xác.
Sự chân thành với người đọc là nền tảng của cơ sở báo chí tốt. Mọi nỗ lực phải để bảo đảm rằng nội dung tin tức là chính xác, không thành kiến và trong phạm vi vấn đề, và quan điểm của mọi phía được trình bầy một cách công bằng. Quan điểm của ban biên tập, những bài phân tích hay bình luận cũng phải tuân theo những tiêu chuẩn dữ kiện chính xác như những bản tin. Những sai lầm quan trọng về dữ kiện, hay những thiếu sót phải được sửa chữa nhanh chóng và rõ ràng.
Điều 5 – Không thiên vị.
Tỏ ra không thiên vị không nhất thiết bắt nhà báo không được nêu ra vấn đề hoặc không đưa ra ý kiến của tòa soạn . Hãy tỏ ra thực tiễn tuy nhiên hãy cho độc giả biết rõ bài nào là tin tức và bài nào là ý kiến của nhà báo . Các bài viết nào có nội dung mang ý kiến của nhà báo hoặc sự suy diễn riêng tư phải ghi rõ ra cho độc giả biết .
Điều 6 – Công bằng.
Nhà báo nên tôn trọng những cá nhân có liên quan đến tin tức mà mình đăng tải, tôn trọng những tiêu chuẩn đạo đức thông thường và để cho quần chúng tin tưởng rằng mình tôn trọng sự công bằng và chính xác trong việc thông tin . Những cá nhân bị lên án trước công luận phải được quyền lên tiếng trả lời mau chóng . Việc giữ bí mật nguồn cung cấp tin tức phải được tôn trọng với bất cứ giá nào, đừng nên coi nhẹ việc này . Trừ khi có sự cần thiết hiến nhiên và bắt buộc phải giữ kín nguồn tin tức, lúc nào nhà báo cũng phải cho biết tin tức xuất xứ từ đâu .
Các nguyên tắc trên nhằm mục đích duy trì, bảo vệ và củng cố mối gắn bó dựa trên sự tín nhiệm và tôn trọng giữa báo chí Mỹ và quần chúng Mỹ . Sự gắn bó này là điều chính yếu để duy trì sự tự do mà cả báo chí lẫn quần chúng Mỹ được thừa hưởng từ những người khai sáng ra nước Mỹ .
Và dưới đây là quy định về đạo đức mà người làm báo tại Việt Nam phải tôn trọng do chính quyền công bố:
Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam
1. Tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
2. Luôn gắn bó với nhân dân, hết lòng phục vụ nhân dân.
3. Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật.
4. Sống lành mạnh, trong sáng, không được lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái pháp luật.
5. Gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.
6. Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin.
7. Tôn trọng, đoàn kết, hợp tác giúp đỡ đồng nghiệp trong hoạt động nghề nghiệp.
8. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, nghiệp vụ, khiêm tốn cầu tiến bộ.
9. Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc các nền văn hóa khác.
Bàn:
Trong các nguyên tắc của báo chí Mỹ, phần trách nhiệm cho biết trách nhiệm của người làm báo là phục vụ lợi ích chung. Phục vụ lợi ích chung có nghĩa là không phục vụ lợi ích của riêng một ai, một phe nào hay một đảng nào. Phục vụ lợi ích chung chẳng hạn như nếu nền kinh tế đi xuống hay có dấu hiệu không tốt thì phải loan báo trung thực không được dấu diếm. Có loan báo trung thực thì các chính trị gia, các kinh tế gia, các giáo sư đại học mới biết là điều gì đang xảy ra cho nền kinh tế thì mới có thể đề ra biện pháp thích hợp để sửa đổi. Nếu dấu diếm, tuy là làm lợi cho nhà cầm quyền nhưng toàn dân không biết, đến khi tình hình kinh tế trở nên quá trầm trọng rồi mới biết để đối phó thì sự thiệt hại có thể đã rất lớn và rất khó sửa chữa. Lợi ích chung không phải chỉ là lợi ích cho nước Mỹ mà là lợi ích cho toàn thế giới vì tin tức chính xác về nền kinh tế Mỹ cũng được các nước khác dùng để hoạch định nền kinh tế của mình.
Phục vụ lợi ích chung cũng là khi trong nước có bệnh dịch thì báo chí phải loan tin nhanh chóng và trung thực không thể lấy lý do "nhậy cảm" để ỉm đi . Đến khi bệnh dịch trở thành quá rộng lớn, công chúng biết đến thì đã có nhiều người bị mắc bệnh và việc ngăn chận trở nên khó khăn hơn.
Muốn có thể phục vụ cho lợi ích chung thì phải loan tin trung thực. Muốn loan tin được trung thực thì cần phải có tự do trong việc thông tin và sự độc lập, không để cho bất cứ thế lực nào, đảng nào bịt miệng hoặc chi phối bắt phải loan tin theo chiều hướng này hay chiều hướng khác.
Trong phần qui định về đạo đức của người làm báo Việt Nam thì việc trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa được đặt lên hàng đầu nghĩa là nhà báo bị biến thành công cụ để xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghìa và phải là nước Việc Nam xã hội chủ nghĩa chứ không phải là một nước Việt Nam nào khác. Như thế nếu chính sách xã hội chủ nghĩa nếu có điều dở cho Việt Nam thì nhà báo cũng không được phản đối vì phản đối có nghĩa là không muốn xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa tại Việt Nam. Với chính sách này, báo chí tại Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và tại các nước do đảng Cộng Sản lãnh đạo đều phải khen đường lối xã hội chủ nghĩa, không được chỉ trích dù cho đường lối đó có chỗ dở. Trong khi đó vì để xây dựng xã hội chủ nghĩa mà thôi nên nhà báo sẽ phải chê các nước tư bản. Chính sách trung thành với sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa đưa đến chính sách dối trá của báo chí các nước Cộng Sản. Che dấu cái dở của đường lối xã hội chủ nghĩa, bịa đặt dối trá để làm cho độc giả thấy chế độ tư bản thật là xấu xa. Đường lối này rất xa với sự trung thực và làm cho người dân bị lầm lạc mà tin theo đảng Cộng Sản.
Chính sách bắt báo chí phải trung thành với sự nghiệp xã hội chủ nghĩa này khiến cho trước đây Liên Xô lao sâu vào con đường chiến tranh, đem phần lớn ngân sách bỏ vào quân sự để cho dân thiếu thốn, đi theo con đường nguy hiểm cho nền kinh tế là quá dựa vào xuất cảng dầu hỏa và quặng mỏ mà lơ làng công nghiệp dân dụng mà không có báo chí nào dám lên tiếng, người dân Nga không hề biết là đảng Cộng Sản Nga đang đưa đất nước và dân tộc vào con đường nguy hiểm mà cứ thế yên tâm theo kiểu "chim yến làm tổ trong màn", tưởng là chế độ xã hội chủ nghĩa của nước mình rất là vững chắc, rất là đúng đắn. Cho đến khi giá dầu hỏa đi xuống thì Liên Xô bị lâm vào khủng hoảng. Như vậy báo chí Liên Xô đã không đóng được vai trò kiểm soát các hành vi và cách ứng xử của viên chức chính quyền như báo chí Mỹ.
Trong qui định về đạo đức của người làm báo Việt Nam sự hết lòng phục vụ nhân dân được xếp vào hàng thứ hai, sự trung thực được xếp vào hàng thứ ba. Thế thì khi gặp tin tức có giá trị phục vụ nhân dân chẳng hạn những dấu hiệu xấu của nền kinh tế hay sự kém cỏi của người cầm quyền nếu đăng lên sẽ làm mất uy tín của đảng Cộng Sản Việt Nam thì người làm báo phải đặt việc tuyệt đối trung thành với đảng Cộng Sản Việt Nam lên trên hết mà ỉm tin đó đi hay đặt việc phục vụ nhân dân là cao hơn mà đăng tin đó?
Tương tự, một bản tin nếu đăng đầy đủ trung thực thì có thể làm mất uy tín của đảng Cộng Sản Việt Nam thì nhà báo phải đặt việc trung thành với đảng Cộng Sản Việt Nam lên trên hết mà cắt xén, xuyên tạc bản tin để biến nó thành có lợi cho đảng Cộng Sản Việt Nam hay cứ đăng y nguyên sự thực để theo đúng nguyên tắc "hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thực"?
Trên thực tế từ bao nhiêu năm qua, báo chí của các nước Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam theo đúng thứ tự ưu tiên giống như trong qui định của Việt Nam là đặt sự trung thành với đảng Cộng Sản lên cao nhất, đặt sự phục vụ nhân dân và trung thực xuống thấp. Thậm chí không coi sự trung thực là gì, cố tình theo đường lối dối trá, xuyên tạc miễn sao có lợi cho đảng Cộng Sản.
Trong một nền báo chí tự do như ở Mỹ, báo chí có trung thành với các đức tính Trung Thực, Độc Lập, Công Bằng, Không Thiên Vị thì mới có được sự tin tưởng của người đọc và người đọc có tin là báo viết bài có giá trị thì mới bỏ tiền ra mua. Nếu không người ta bỏ tiền mua báo khác trung thực hơn. Nếu các báo toàn là nói dối, bịa đặt cả thì người dân chẳng ai bỏ tiền ra mua báo, đọc báo và báo chí không bán được thì cũng chẳng sống được vì đâu phải là báo của nhà nước mà được nhà nước bỏ tiền ra bù lỗ, tài trợ.
Các đức tính trên rất khó mà theo hoàn toàn vì bản tính con người vốn chủ quan, vốn có thể mắc sai lầm khi nhìn sự việc, vốn hay bênh vực cho phe của mình, vì thế những báo nào càng theo sát các tiêu chuẩn trên thì càng được người đọc tin tưởng và được mọi người đánh giá báo đó cao hơn các báo khác.
Các tiêu chuẩn trên là các tiêu chuẩn để làm cho tin tức, bình luận có giá trị và được người đọc tin tưởng nhưng chỉ qui định như vậy thì chưa đủ mà còn phải có pháp luật trừng phạt các báo tung tin không có thật, đặt chuyện bôi xấu người khác.
No comments:
Post a Comment