Các Chủ Đề

Sunday, May 6, 2012

Viện trợ của TQ trước Mậu Thân 1968?


BBC _ Hoa Kỳ có những đánh giá sai lầm trước trận Mậu Thân 1968

44 năm trước, sau biến cố Mậu Thân, vào ngày 3/5/1968, Hoa Kỳ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công bố việc chọn Paris làm địa điểm hội đàm sơ bộ.

Việc chọn địa điểm nghị hòa mở đường cho cuộc đàm phán bốn bên - Hoa Kỳ, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Việt Nam Cộng Hòa, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam - kéo dài năm năm trước khi có việc ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

Một nghiên cứu mới, vừa đăng trên tạp chí Diplomatic History (Lịch sử Ngoại giao) số tháng Tư, cho rằng Hoa Kỳ đã sai lầm khi không nhận ra Trung Quốc, chứ không phải Liên Xô, là nước viện trợ kinh tế lớn nhất cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giai đoạn 1967-68.

Tiến sĩ Harish Mehta

Bấm Tiến sĩ Harish Mehta, sử dụng tư liệu từ kho lưu trữ ở Hà Nội, nói nếu Hoa Kỳ có nhận định chính xác hơn về trợ giúp của khối Cộng sản cho miền Bắc Việt Nam, Washington có thể nhận ra rằng đánh bom không giải quyết được gì và có thể việc hòa đàm đã diễn ra sớm hơn.

Harish Mehta: Các tài liệu của Hoa Kỳ và Bắc Việt từ thời gian đó đều nói rõ rằng Liên Xô là nước trợ giúp kinh tế lớn nhất cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Giả định sai lầm này liên tục được trích dẫn bởi các phúc trình tình báo hàng tháng của CIA và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Sai lầm nghiêm trọng đó sau này tiếp tục thể hiện trong các sách, bài viết của giới sử gia và nghiên cứu chính trị. Cho đến nay, các tài liệu lịch sử vẫn còn nói rằng Liên Xô tài trợ kinh tế nhiều hơn Trung Quốc trong giai đoạn Mậu Thân quan trọng 1968-69.
Ý nghĩa chính của giả định sai này là chính quyền Johnson/Nixon đánh giá quá thấp sự vững bền kinh tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Họ tưởng cứ đánh bom nhà máy và công nghiệp nhỏ miền Bắc là đủ để ban lãnh đạo Hà Nội quỳ gối và van xin hòa bình.
Tôi cho rằng nếu Hoa Kỳ hiểu đúng về viện trợ kinh tế của Trung Quốc (và Liên Xô), Johnson/Nixon sẽ nhận ra rằng đánh bom liên miên không thực sự tác động tới quyết tâm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn hoàn tất cuộc cách mạng và thống nhất đất nước.

Tôi cũng cho rằng nếu các lãnh đạo Hoa Kỳ hiểu chính xác hơn về viện trợ kinh tế của Trung Quốc, họ sẽ thấy đánh bom không giúp gì và có thể lắng nghe các viên chức như George Ball (phản đối đánh bom và muốn mở đàm phán từ giữa hay cuối thập niên 1960) để xúc tiến đàm phán ở Paris.

BBC: Như ông nói, Hoa Kỳ đã không hiểu được rằng đánh bom không thể phá vỡ nền kinh tế miền Bắc. Điều này có tác động trực tiếp thế nào đến các trận đánh đầu năm 1968?

Dữ liệu kinh tế không chính xác chỉ là một phần của sự hiểu biết sai lầm và dối trá của các tướng lĩnh và ngoại giao Hoa Kỳ ở Sài Gòn.

Trước biến cố Mậu Thân, giới lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ tạo ra huyền thoại là ‘chiến thắng sắp đến rồi’. Mậu Thân đã phá bỏ huyền thoại đó, và tạo nên cú sốc tâm lý cho Hoa Kỳ. Nó cũng phá hủy nhiệm kỳ tổng thống của Johnson, và ông từ chối ra tranh cử lần hai.

Số lượng lớn viện trợ kinh tế của Trung Quốc dĩ nhiên còn giúp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tổ chức những chiến dịch quân sự lớn và tham vọng.

BBC: Ông có thể giải thích rõ hơn ý cho rằng quan điểm cổ vũ đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lẽ ra có thể thuyết phục hơn nếu Hoa Kỳ hiểu rõ về khía cạnh viện trợ kinh tế?

Theo tôi, niềm tin sai lầm rằng Trung Quốc không viện trợ kinh tế đáng kể khiến phe diều hâu Hoa Kỳ nghĩ rằng có thể phá hủy miền Bắc bằng đánh bom. Họ nghĩ đánh bom sẽ đưa tới thắng lợi của Hoa Kỳ (dĩ nhiên, thắng lợi này chỉ có nghĩa vĩ tuyến 17 sẽ trở thành biên giới quốc tế cố định và chính thể Sài Gòn được an toàn).

Ngược lại, nếu họ hiểu đúng về viện trợ kinh tế, họ sẽ tin rằng thật khó hủy diệt tinh thần ý chí của miền Bắc. Vào giai đoạn ấy, có vài viên chức Hoa Kỳ ủng hộ mở đàm phán với Hà Nội. Lý luận của họ sẽ có sức nặng hơn nếu sức mạnh kinh tế của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được biết rõ.

BBC: Trung Quốc đã ủng hộ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mạnh mẽ trong chiến tranh. Điều này có còn tác động đến quan hệ hiện nay và tương lai giữa Trung Quốc và Việt Nam?

Sự đoàn kết của Trung Quốc với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một phần văn hóa Chiến tranh Lạnh. Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp chính trị, Mao Trạch Đông phải thể hiện sự lãnh đạo phong trào Cộng sản toàn cầu thông qua việc ủng hộ Hà Nội. Đồng thời, Mao phải thể hiện rằng ông ta không đồng ý việc Moscow hòa hoãn với Washington.

Dưới thời Mao, nhân dân Trung Quốc thực sự yêu quý và cảm thông với nỗi đau của nhân dân Việt Nam. Dĩ nhiên, sự ủng hộ mà Trung Quốc dành cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn dựa trên nguyên tắc trao đi đổi lại: Hà Nội sẽ tiếp tục cách mạng ở miền Nam nhưng làm từ từ thôi.

Mọi tính toán thay đổi vào cuối thời Mao, khi Nixon có chuyến thăm nổi tiếng tới Bắc Kinh. Bỗng dưng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị cô lập. Nhưng ngay cả sự cô lập đó cũng không gây hại cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vì Nixon gặp sức ép trong nước đòi rút lính Mỹ khỏi Việt Nam. Vì vậy, bình thường hóa quan hệ Mỹ - Trung thực ra không có hại cho lợi ích ngoại giao của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tôi tin rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn trân trọng liên minh thời cách mạng với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong một phần chuyện kể về tình anh em ý thức hệ. Nhưng cũng chỉ là chuyện kể lịch sử. Cả hai đảng đã thay đổi rất nhiều trong thế kỷ 21. Cả hai hưởng lợi từ toàn cầu hóa kinh tế và cũng hưởng lợi từ việc Hoa Kỳ mất dần uy thế trong tư cách bá chủ toàn cầu.

Tôi tin rằng Trung Quốc và Việt Nam cần nỗ lực không để tranh chấp ở quần đảo Trường Sa trở thành trở ngại lớn cho quan hệ rộng hơn giữa hai nước. Hai nước cần trân trọng sự đoàn kết cộng sản có tính lịch sử của họ.

Ông Harish Mehta từng là phóng viên ở vùng Đông Nam Á cho báo Busines Times từ 1987 đến 2003, đã đi Việt Nam nhiều lần. Ông nhận bằng tiến sĩ ở Đại học McMaster, Canada năm 2009 với luận án về Ngoại giao của miền Bắc Việt Nam 1965-1972. Ông là tác giả một cuốn tiểu sử về Thủ tướng Campuchia Hun Sen ấn hành năm 1999. Cuộc phỏng vấn được thực hiện qua email với Lê Quỳnh.

BBC. Cập nhật: 03:11 GMT - thứ năm, 3 tháng 5, 2012 

Bình Luận:

Ông Harish Mehta lục tìm trong tài liệu để thấy được điều mà một số người đã thấy được qua chính sách của Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh. Quả đúng là Mỹ đã đánh giá sai về khả năng kinh tế của miền Bắc nên đã chọn chiến lược ngăn chặn, hay là be bờ không đánh ra Bắc. Chiến lược ngăn chặn, dựa trên suy nghĩ là tiềm lực kinh tế của miền Bắc có giới hạn, nếu Mỹ tiếp tục viện trợ cho miền Nam và giữ vững miền Nam thì miền Bắc sẽ bỏ cuộc khi kinh tế miền Bắc không đủ để theo đuổi chiến tranh. Nhưng miền Bắc lại không theo đuổi chiến tranh chỉ bằng tiềm lực kinh tế của miền Bắc mà còn bằng viện trợ của Liên Xô và Trung Quốc. Như thế miền Bắc không chỉ theo đuổi chiến tranh bằng tiềm lực kinh tế của khối dân 25 triệu ở miền Bắc mà bằng tiềm lực kinh tế của 600 triệu dân Trung Quốc và 200 triệu dân Liên Xô, cộng với các nước Đông Âu nữa.

Chẳng những thế, cơ chế các nước Cộng Sản được xây dựng để phục vụ cho chiến tranh, giới hạn sự tiêu dùng của dân, dồn hết tài nguyên vật lực cho chiến tranh, cấm dân phản đối, không cho dân biết được sự thật xảy ra trên thế giới nên khả năng huy động sức dân cho chiến tranh của các chính quyền Cộng Sản lại càng có thể kéo dài hơn. Kết quả là Mỹ đã bỏ cuộc trước khối Cộng Sản.

Nếu ông Harish Mehta nói rằng nếu Mỹ biết là ném bom không thể ngăn cản miền Bắc tiếp tục tiến hành chiến tranh sớm hơn thì Mỹ đã tìm cách ký kết hòa bình với miền Bắc sớm hơn. Cũng có nghĩa là Mỹ sẽ rút ra khỏi Việt Nam sớm hơn. Điều này lại không có nghĩa là miền Bắc sẽ ngưng tấn công miền Nam. Nếu Mỹ rút ra sớm hơn thì miền Bắc sẽ tiếp tục tấn công và sẽ chiếm được miền Nam sớm hơn là phải đợi đến 1975. Và cũng có nghĩa là Trung Quốc sẽ tiếp tục viện trợ cho Cộng Sản Việt Nam để tiếp tục bành trướng sang Thái Lan và lan ra khắp Đông Nam Á.

Còn về việc tình đoàn kết giữa Việt Nam và Trung Quốc mà ông Harish Mehta nói là hai nước nên trân trọng thì có lẽ ông Harish Mehta nên nhìn vào thực tế hơn là lục tìm trong các tài liệu trong văn khố của Mỹ.

Tình đoàn kết giữa miền Bắc và Trung Quốc trước đây là sự hỗ trợ về quyền lực của hai nước có chung cơ chế chính trị và đường lối. Cơ chế đó là chế độ độc tài, và đường lối là bành trướng bằng vũ lực. Tình đoàn kết đó có chủ nghĩa Cộng Sản biện minh. Ngày nay, tình đoàn kết giữa Việt Nam và Trung Quốc không còn dùng có thể chủ nghĩa Cộng Sản để biện minh được nữa, cũng thiếu yếu tố cả hai cùng nuôi mộng dùng vũ lực mà bành trướng mà chỉ còn yếu tố cùng cơ chế chính trị.

Việc Trung Quốc vẫn bành trướng, chẳng những dùng vũ lực mà kết hợp thêm về kinh tế khiến cho Việt Nam trở thành nạn nhân của chính sách bành trướng của Trung Quốc. Nhưng những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn gắn bó với Trung Quốc vì cả hai có cùng cơ chế chính trị độc tài, độc đảng và cả hai đang phải đối phó với áp lực từ phía dân và từ phía quốc tế đòi hỏi phải thay đổi cơ chế chính trị.

Việt Nam cần Trung Quốc vì Trung Quốc có quyền phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nên Trung Quốc có thể bảo vệ cho chính quyền Việt Nam. Một khi dân Việt Nam nổi dậy đòi hỏi dân chủ và bị chính quyền Việt Nam đàn áp và bị các nước Tây Phương vận động Liên Hiệp Quốc lên án như đã lên án các chế độ tại Lybia, Syria thì Trung Quốc có thể phủ quyết đòi hỏi lên án đó.

Trung Quốc ở sát Việt Nam nên Trung Quốc có thể đem quân đội sang cứu chính quyền Việt Nam nếu như chính quyền Việt Nam bị lâm nguy như trường hợp chế độ Gaddafi tại Lybia. Tại Lybia, Trung Quốc cũng đã từng đứng về phe đại tá Gaddafi khi dự định bán vũ khí cho chế độ Gaddafi. Nhưng chuyến bán vũ khí không thành vì chế độ Gaddafi đã sụp đổ trước khi Trung Quốc có thể chuyển giao vũ khí.

Phong trào dân chủ thành công tại Việt Nam sẽ làm cho địa vị lãnh đạo của đảng Cộng Sản Trung Quốc lung lay vì dân Trung Quốc thấy cách mạng dân chủ đã thành công tại Việt Nam thì sẽ phấn khởi đòi hỏi dân chủ tại nước mình. Vì thế bằng mọi giá, Trung Quốc sẽ không để cho phong trào dân chủ tại Việt Nam thành công.

Tình đoàn kết này xem ra chỉ có những người cầm quyền tại Việt Nam thấy là cần thiết còn người dân nhìn thấy quyền lợi đất nước bị thiệt hại vì chính sách bành trướng của Trung Quốc thì lại thấy là tình đoàn kết này là có hại cho Việt Nam.

Khi nói rằng "Dưới thời Mao, nhân dân Trung Quốc thực sự yêu quý và cảm thông với nỗi đau của nhân dân Việt Nam" thì ông Harish Mehta đã dùng ngôn ngữ của tuyên truyền chứ không phải ngôn ngữ vô tư, chính xác của nhà sử học. Việc viện trợ cho miền Bắc để đánh nhau với Mỹ là do Mao Trạch Đông và một nhóm nhỏ đi theo Mao chủ trương chứ nhân dân Trung Quốc chẳng hề có quyền ảnh hưởng đến quyết định của Mao Trạch Đông và Bộ Chính Trị của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Qua bài viết nói về cuộc gặp gỡ giừa Lê Duẩn và Mao được tiết lộ sau này thì Mao đã có ý định bành trướng xuống Đông Nam Á. Đó là lý do thực sự mà Mao quyết định viện trợ cho miền Bắc. Nhưng guồng máy tuyên truyền thì không nói ra sự thật mà nói Trung Quốc viện trợ cho miền Bắc là vì nhân dân Trung Quốc yêu quý và cảm thông với nỗi đau của nhân dân Việt Nam. Lối nói này là xảo thuật làm cho người dân Trung Quốc nghĩ là việc quyết định của chính sách viện trợ là do nhân dân chứ không phải là do một nhóm nhỏ ở bên trên và làm cho người dân nghĩ rằng nhân dân Việt Nam là nạn nhân của chính sách hiếu chiến của Mỹ chứ chẳng phải là vì tham vọng bành trướng của Mao Trạch Đông xuống Đông Nam Á đã gây ra chiến tranh và làm cho Mỹ can thiệp vào Đông Dương để ngăn chặn bước tiến của Trung Quốc.

Tiến sĩ Harish Mehta nói rằng "khi Nixon có chuyến thăm nổi tiếng tới Bắc Kinh. Bỗng dưng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị cô lập" thì không đúng vào tình thế lúc đó vì sau 1965, tức là sau khi Nikita Khushchev bị hạ bệ, thì Liên Xô bắt đầu viện trợ quân sự cho miền Bắc và viện trợ ngày càng nhiều, nhiều hơn là viện trợ của Trung Quốc. Miền Bắc bắt đầu ngả sang thân Nga hơn. Cho nên khi Mỹ và Trung Quốc bắt tay nhau, Trung Quốc giảm viện trợ cho miền Bắc nhưng miền Bắc vẫn còn chỗ dựa là Liên Xô chứ không bị cô lập như tiến sĩ Harish Mehta nói. Chính nhờ viện trợ dồi dào của Liên Xô mà miền Bắc tiếp tục tiến hành chiến tranh trong khi viện trợ Trung Quốc suy giảm.




No comments:

Post a Comment