Ảnh hưởng của Lý Quang Diệu được mô tả qua câu chuyện Đặng Tiểu Bình đi chu du các nước Thái Lan, Mã Lai và Singapore vào năm 1978, sau khi được Hoa Quốc Phong phục hồi quyền bính. Khi gặp Lý Quang Diệu, Đặng Tiểu Bình khen tài cai trị của Lý Quang Diệu đã biến Singapore thành một nước sung túc. Lý Quang Diệu khiêm nhượng trả lời là sau này Đặng Tiểu Bình sẽ làm cho Trung Quốc trở thành sung túc gấp bội phần Singapore.
Singapore trở thành mẫu mực để cho Trung Quốc noi theo. Người ta quên mất Lý Quang Diệu thực ra là kẻ phản động dưới mắt những người Cộng Sản Trung Quốc.
Sau khi Lý Quang Diệu đắc cử làm thủ tướng Singapore nhờ đảng Nhân Dân Hành Động tranh cử với đường lối bênh vực giai cấp công nhân, đòi quyền thành lập công đoàn thì Lý Quang Diệu ra tay bắt các đồng chí của mình có khuynh hướng thiên tả. Tại miền Nam lúc đó có người gọi Lý Quang Diệu là kẻ phản đảng. Ngay chính Lý Quang Diệu trong khi trả lời phỏng vấn của phóng viên ngoại quốc về thời kỳ đó cũng đã công nhận là lúc đó ông ta phải khéo léo tìm cách bắt những người cộng sản trong đảng của ông ta làm sao để đừng có vẻ là phản bội các đồng chí của mình.
Sau khi bắt các đồng chí để ngăn cản họ đưa Singapore vào con đường tả phái thì Lý Quang Diệu chuyển qua con đường hữu phái bằng cách bắt tay với các nhà tư sản Singapore, cho tư bản ngoại quốc đầu tư vào Singapore. Tổng thống Mỹ, Richard Nixon, trong cuốn sách Leaders (Các Lãnh Tụ), điểm qua các nhà lãnh đạo trên thế giới mà ông đã biết, về phần Lý Quang Diệu, ông Nixon kể người phụ tá của ông sau khi đi một vòng các nước Á Châu để tìm hiểu đã khen Singapore có chính quyền cai trị giỏi nhất thế giới và ông Nixon nói thêm rằng ông Lý Quang Diệu đã dùng chiến thuật khi tranh cử thì đi về phía tả rồi khi lên cầm quyền thì chuyển sang phía hữu.
Nhà văn Vũ Thư Hiên, trong truyện Đêm Giữa Ban Ngày, khi viết về nguồn gốc của báo chí, sách vở tại miền Bắc gọi những nhà lãnh đạo các nước không theo Cộng Sản bằng “thằng” để tỏ ra là có lập trường giai cấp đã cho rằng thói gọi bằng “thằng” là do ông Hồ Chí Minh đặt ra. Và ông Vũ Thư Hiên đưa ra thí dụ như phải gọi bằng “thằng Ngô Đình Diệm”, “thằng Lý Quang Diệu”. Như thế dưới mắt ông Hồ và những người Cộng Sản khác thì Lý Quang Diệu là kẻ phản động, là kẻ thù của các đảng Cộng Sản.
Ông Lý Quang Diệu khi nói về đảng Nhân Dân Hành Động (People Action Party) vào thời đó đã nói rằng đảng của ông ta bị những người Cộng Sản mưu toan cướp quyền lãnh đạo nên ông ta đã giành lại quyền lãnh đạo đảng và từ đó áp dụng các biện pháp chặt chẽ ngăn cản cán bộ Cộng Sản cướp quyền lãnh đạo đảng và ngăn cản Cộng Sản cướp chính quyền tại Singapore.
Đảng Nhân Dân Hành Động được thành lập năm 1954, thời gian Singapore còn là thuộc địa của Anh, với sự kết hợp của một nhóm trí thức tiểu sư sản, gồm Lý Quang Diệu, và nhóm chính trị thiên tả hoạt động trong giới nghiệp đoàn của thợ thuyền. Nhóm trí thức tiểu tư sản này chịu ảnh hưởng giáo dục của người Anh, họ không nói được tiếng Hoa và họ chỉ là thiểu số trong cộng đồng người Hoa vì thế họ không xâm nhập được giới thợ thuyền người Hoa. Họ cần lôi kéo được quần chúng người Hoa để được phiếu bầu. Trong số chính trị gia nói được tiếng Hoa có Lim Chin Siong là người giỏi ăn nói trước quần chúng và lôi cuốn được quần chúng. Những người thuộc giới nghiệp đoàn cần những người nói giỏi tiếng Anh để có thể quan hệ được với người Anh và để làm bình phong cho người Anh thấy đó không phải là phong trào cộng sản. Sau khi đắc cử làm thủ tướng, ông Lý Quang Diệu đã bỏ tù ông Lim Chin Siong và một số đồng chí thiên tả trong đảng của mình.
Lim Chin Siong (1933 - 1996)
Dù chuyện đã xảy ra bằng cách nào đi chăng nữa, thì đường lối của Singapore sau đó là đi theo con đường cánh hữu. Singapore có đủ các đặc tính mà người Cộng Sản lên án là phản động, là bóc lột người lao động. Chính quyền Singapore đã mở cửa cho tư bản Tây Phương vào đầu tư, cấm công đoàn hoạt động. Người công nhân Singapore lúc đó phải làm việc cật lực, có khi một ngày làm đến 10 tiếng đồng hồ. Một số nhà báo Tây phương đã viết ông Lý Quang Diệu biến người dân Singapore thành những con người thép, đòi hỏi họ phải làm việc nhiều. Về việc này, ông Lý Quang Diệu bào chữa là vì Singapore không có tài nguyên gì cả nên chỉ có cách là mở cửa cho nước ngoài vào đầu tư để đem lại công ăn việc làm cho người dân và cũng vì không có tài nguyên nên người dân phải làm việc nhiều.
Khu phố người Hoa tại Singapore, thập niên 1960 |
Hơn một nửa thế kỷ đã trôi qua kể từ Thế Chiến Hai chấm dứt, các dân tộc thoát khỏi sự đô hộ của các nước Tây Phương đã có hy vọng cao rằng nước mình rồi đây sẽ được hùng mạnh, sánh vai cũng với các cường quốc trên thế giới.
Các nước đã chọn nhiều con đường khác nhau:
Đi hẳn về phía cộng Sản có Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông.
Đại tá Gamal Abdel Nasser của Ai Cập thì chọn con đường đứng giữa hai khối tư bản và cộng sản. Ông nuôi mộng thống nhất khối Ả Rập, để có một khối mạnh ngang hàng với khối tư bản Tây Phương và khối cộng sản của Liên Xô.
Ấn Độ tuy ngả về phía tả nhưng chọn con đường kinh tế hoạch định một cách mềm dẻo chứ không chặt chẽ như Liên Xô và theo chế độ dân chủ đa đảng, và cũng không nghiêng hẳn về phía tư bản hay cộng sản.
Có nước bị giằng co, tranh chấp giữa hai khối tư bản và cộng sản như Việt Nam, Lào, Cam Bốt. Tại miền Nam, do cho tự do nên có người chủ trương trung lập, người chủ trương đứng hẳn về phía Mỹ, lại có kẻ cho là đường lối của Hồ Chí Minh mới là đúng.
Ai Cập lúc đầu đứng giữa rồi sau ngả về phía Liên Xô, sau khi Nasser chết, thì Sadat đưa Ai Cập đi hẳn về phía Mỹ.
Còn tại Indonesia, tổng thống Sukarno cũng muốn Indonesia đứng giữa hai khối cộng sản và tư bản, không liên kết nhưng rồi tướng Suharto làm đảo chánh đưa Indonesia đi hẳn về phía phương Tây.
Còn tại Lybia, đại tá Muammar Gaddafi sau khi lên cầm quyền đã đi theo con đường chống Tây phương, lúc đầu nuôi mộng thống nhất khối Ả Rập để trở thành một khối ngang hàng với khối tư bản và khối cộng sản. Khi giấc mộng thống nhất khối Ả Rập không thành thì đại tá Gaddafi quay qua nuôi mộng thống nhất Phi Châu.
Với tinh thần dân tộc dâng cao sau Thế Chiến Hai, nhiều dân tộc đã nỗ lực tranh đấu cho độc lập và chấp nhận trả giá đắt miễn là thực hiện được giấc mộng hùng mạnh của mình nhưng rồi ngày tháng qua, một số dân tộc nhìn lại thì dân tộc mình vẫn sống trong nghèo đói, lạc hậu.
Trong các nước đi về các nẻo đường khác nhau đó, Singapore đã thoát ra khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu để sánh vai cùng các cường quốc như nhiều người dân các xử nhược tiểu mơ ước. Điều này khiến cho người ta không khỏi đặt câu hỏi vì sao ông Lý Quang Diệu lại chọn con đường đó? Vì ông ta sáng suốt hơn người hay chỉ vì tình cờ?
Lý Quang Diệu (bên trái) bắt tay Đặng Tiểu Bình (bên phải) khi Đặng Tiểu Bình đến Singapore năm 1978
Lý Quang Diệu thuộc dòng dõi người Hoa đến Singapore làm ăn từ giữa thế kỷ 19. Khi người Anh đặt chân lên đảo Singapore và biến nơi này thành chỗ buôn bán thì một số Hoa Kiều, Ấn Kiều và người Mã Lai từ Trung Hoa, Mã Lai, Indonesia cũng như các nước Á Châu lân cận đến Singapore làm ăn sinh sống. Singapore không phải là quê hương của họ nên khi các dân tộc bị sống dưới cảnh thuộc địa tìm cách nổi lên giành độc lập thì những người ngoại kiều tứ phương ở Singapore chỉ là làm ăn buôn bán. Sau khi người Anh trao trả độc lập cho Singapore thì Lý Quang Diệu và nhiều người Singapore khác không thâm thù người Anh vì đã đô hộ họ. Nếu trước đây họ không thích sự cai trị của người Anh thì họ đã bỏ Singapore mà đi nơi khác rồi.
Singapore khi mới độc lập vào 1965 thì vẫn là một đảo nghèo nói chung nhưng không phải là nơi có đông đảo quần chúng nghèo khổ vì một thiểu số ngoại bang cai trị. Vì thế ông Lý Quang Diệu và dân Singapore nói chung không xem độc lập dân tộc là điều thiêng liêng phải bảo vệ bằng mọi giá. Điều quan tâm của ông Lý Quang Diệu là làm sao Singapore, một đảo không có nhiều tài nguyên, có thể tồn tại được về mặt kinh tế. Đó cũng từng là điều lo nghĩ của người Anh khi họ chọn đảo Singapore làm chỗ nghỉ chân cho tàu thuyền Anh trên đường buôn bán với Trung Hoa. Và giải pháp của ông Lý Quang Diệu cũng tương tự như giải pháp của người Anh là tạo điều kiện để người tứ xứ đến buôn bán, làm ăn, đầu tư.
Bến sông Singapore, thập niên 1960 |
Trong khung cảnh chủ nghĩa Cộng Sản đang lên vào đầu thế kỷ 20 và rồi phong trào thiên tả tiếp tục có ảnh hưởng lan tràn tại Châu Âu sau đó thì ông Lý Quang Diệu, một người tốt nghiệp về Luật tại Anh, cũng không khỏi có ảnh hưởng của phong trào tả phái. Nhưng khi lên cầm quyền ông thấy thì đường lối thiên tả, bài Tây Phương, xem buôn bán là bóc lột, xấu xa sẽ chỉ đưa Singapore vào con đường bế tắc vì Singapore chỉ là một đảo nhỏ. Trước khi người Anh đến thì có rất ít dân sống và người dân chỉ sống bằng nghề đánh cá và trồng trọt. Ông đã từng chứng kiến người Anh qua việc buôn bán mà làm cho Singapore thịnh vượng khiến cho nhiều người từ các nước xung quanh kéo đến sống đông đúc thì ông không xem việc kinh doanh buôn bán là tội lỗi bẩn thỉu phải xóa cho sạch. Điều đó khiến ông đi theo con đường tư bản và trở thành kẻ phản bội các đồng chí thiên tả trong đảng.
Các nước mà chủ nghĩa Cộng Sản lan tràn đến là các nước còn ảnh hưởng của nền kinh tế nông nghiệp chứ chưa bước qua giai đoạn xem trọng công, thương nghiệp. Nga chỉ là nước nặng về nông nghiệp mới bắt đầu công nghiệp hóa khi Lê Nin làm cách mạng lên nắm chính quyền vào năm 1917. Trung Hoa và Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp khi người Tây Phương đến uy hiếp. Đến đầu thế kỷ 20, các nhà Nho Việt Nam mở trường Đông Kinh Nghĩa Thục dạy dân các văn minh mới từ phía Tây Phương đã làm bài thơ, bài vè để cổ động buôn bán vì họ thấy các nước Tây phương giàu mạnh nhờ buôn bán. Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông lớn lên trong văn hóa của một nước nông nghiệp, coi rẻ công thương nghiệp. Còn ông Lý Quang Diệu thì lớn lên và được giáo dục trong môi trường đã vượt qua giai đoạn nông nghiệp mà nằm hẳn trong giai đoạn trọng công thương nghiệp.
Mất gốc
Thời xưa tại miền Nam có người có thành kiến về Trung Hoa rằng người Trung Hoa hay tham nhũng và ăn ở luộm thuộm. Nạn tham nhũng tại Trung Hoa có từ thời các vua chúa, rồi đến thời Tưởng Giới Thạch vẫn có. Người Hoa ăn ở luộm thuộm nên người Pháp có chữ Chinoiserie để chỉ cái gì làm luộm thuộm. Tiếng Pháp, Chinois là người Trung Hoa, là tĩnh từ để chỉ những gì thuộc về Trung Hoa. Chinoiserie có nghĩa là "cái đồ Tàu".
Ấy thế mà Singapore lại không có hai đặc tính gọi là truyền thống của người Trung Hoa. Đến thập niên 1970, 1980 nhiều người đến Singapore đã thấy rằng Singapore rất sạch sẽ và xã hội tổ chức chu đáo. Tổ chức theo dõi tình trạng tham nhũng làm phiền phức doanh nhân cũng xếp hạng Singapore vào những nước ít tham nhũng hàng đầu trên thế giới.
Việc Singapore không mang hai tệ nạn bị xem là truyền thống của Trung Hoa phải chăng là vì ông Lý Quang Diệu ít bị ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa mà chịu ảnh hưởng văn hóa Anh nhiều hơn.
Ông Lý Quang Diệu từ thưở nhỏ không nói được tiếng Hoa mà nói tiếng Anh thông thạo. Ông học trường Anh từ bé cho đến lớn. Ông ta kể hồi ông ta lên sáu tuổi, ông nội ông ta cho ông ta đi học trường người Hoa. Ông ta vào lớp nghe nói tiếng Trung Hoa ông ta không hiểu gì cả nên về nhà xin ông nội đổi qua trường tiếng Anh. Từ lúc mới sinh ra, ông ta dùng tên Harry Lee chứ không dùng tên Lý Quang Diệu. Lúc bắt đầu đi học, ông cũng chỉ có tên Harry Lee mà thôi.
Ông học trường Anh có nghĩa là học lịch sử của nước Anh chứ không học lịch sử của Trung Hoa. Học lịch sử của nước Anh là học các giai đoạn phát triển của Anh, trong đó bao gồm giai đoạn cận đại, khi nước Anh chuyển qua giai đoạn trọng thương, xem trọng thương mại và doanh nhân. Trong giai đoạn trọng thương nước Anh trở nên giàu mạnh nhờ kinh doanh, buôn bán.
Khu phố người Hoa tại Singapore, thập niên 1960
Do chịu sự giáo dục của Anh từ nhỏ nên ông đã tổ chức Singapore thành một nước tuân thủ luật pháp một cách nghiêm minh và nghiêm cấm tham nhũng.
Vào đầu thế kỷ 20, khi bác sĩ Tôn Dật Tiên phát động phong trào cách mạng, nhiều người Trung Hoa hưởng ứng vì họ thấy Trung Hoa bị Tây phương lấn áp, họ muốn Trung Hoa cũng trở thành cường quốc ngang hàng với các nước Tây phương. Khi những người Hoa tại Singapore hưởng ứng chủ nghĩa dân tộc của bác sĩ Tôn Dật Tiên xôn xao hoạt động, xuống đường biểu tình, hô hào cắt bím tóc thì những gia đình doanh nhân như gia đình ông Lý Quang Diệu vẫn thản nhiên lo kinh doanh, làm giàu và giữ mối quan hệ mật thiết với người Anh. Những người Hoa đó họ đã xa xứ đã lâu, sau nhiều thế hệ sống ở nước ngoài, họ không để ý đến tình hình tại quê nhà cho lắm. Gia đình của ông Lý Quang Diệu đáng bị người cộng sản xếp vào loại tư sản mại bản, tức là những người tư sản cấu kết làm ăn với người nước ngoài.
Vì không chịu ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa dân tộc nên ông Lý Quang Diệu không có thái độ bài bác người Anh, mà vẫn tiếp tục quan hệ với người Anh sau khi Singapore có độc lập. Cũng vì không chịu ảnh hưởng mạnh của chủ nghĩa dân tộc nên ông Lý Quang Diệu không nuôi giấc mộng đánh bại đế quốc, làm cho “gió Đông thổi bạt gió Tây” như nhiều người Trung Hoa đi theo Mao Trạch Đông. Vì không mang giấc mộng xưng hùng xưng bá nên ông Lý Quang Diệu chỉ lo cho dân được có công ăn việc làm, được có nhà ở, có đầy đủ nhà thương, trường học, trẻ em được học hành tử tế mà không dùng dân tộc mình làm công cụ phục vụ cho chiến tranh.
Tượng Sir Thomas Stamford Bingley Raffles người sáng lập ra Singapore vẫn được duy trì sau khi Singapore độc lập. Ông đã chọn Singapore làm nơi tàu thuyền Anh nghỉ chân trên đường buôn trà từ Trung Hoa về Anh vào đầu thế kỷ 19 và nuôi sống Singapore bằng cách khuyến khích người tứ xứ đến buôn bán và không đánh thuế họ
Hoàn cảnh là một yếu tố chi phối sự lựa chọn của một người nhưng cá tính của người đó cũng đóng góp vào sự lựa chọn. Ông Lý Quang Diệu không phải là loại người say mê quyền lực đem đến bằng bạo lực. Một người nhảy vào chính trị hoạt động dĩ nhiên là có lòng ham quyền lực nhưng ông Lý Quang Diệu không phải là loại người thích làm lãnh tụ dùng chủ nghĩa dân tộc hay thứ chủ nghĩa nào đó kích động quần chúng khiến cho họ trở nên cuồng tín lao vào chiến đấu. Ông chỉ dùng quyền lực để tổ chức xã hội cho có luật lệ, làm sao cho kinh tế được thịnh vượng.
Mặc dù nếu xét về lý lịch thì ông Lý Quang Diệu chẳng có gì làm vẻ vang cho lắm, mà lại còn là người xấu dưới mắt những người theo chủ nghĩa Mác Lê nhưng ông Lý Quang Diệu đã quả thật đóng góp rất nhiều cho sự thịnh vượng của Singapore. Đó là vì ông làm được những điều mà nhà văn Pháp André Maurois nói khi bàn về chính trị:
…Bạn nên theo sát những công việc thiết thực. Ðối với một người cai trị một thành thị, hoặc ngay cả một nước nữa, điều quan trọng không phải là những cái nhãn hiệu mà là những hành động. Ðường sá cho tốt, bệnh viện thì tối tân, nhà cửa có đủ cho dân chúng, có sân thể thao, một rạp hát linh động, bấy nhiêu đủ cho bạn thành một thị trưởng tốt. Sự quốc phòng được chu đáo, thích ứng, liên minh một cách khôn khéo, ngân sách không thiếu hụt, thuế má không quá nặng, có đủ trường tiểu học, trung học, đại học cho trẻ em và thanh niên trong tuổi đi học, một chính sách an ninh xã hội có hiệu quả mà không tai hại cho ngân sách, một sự công bằng cho mọi người ai cũng như ai, một sự bảo đảm những quyền của con người, như vậy đủ là chính thể tốt rồi. Bạn hỏi tôi: "Thế thì tôi ở phe hữu hay phe tả, điều đó không quan trọng ư?" Tôi đâu có bảo vậy. Nhưng tôi nghĩ rằng, ở Anh giữa một nhà bảo thủ cải cách và một nhà lao động ôn hòa, sự cách biệt không lớn lắm.
Quả đúng như ông André Maurois viết, cái nhãn hiệu của ông Lý Quang Diệu là tả hay hữu, là phản động hay tiến bộ không quan trọng bằng việc ông làm cho Singapore trở thành một nước có đường sá cho tốt, bệnh viện thì tối tân, nhà cửa có đủ cho dân chúng, có sân thể thao, một rạp hát linh động... Sự quốc phòng được chu đáo, thích ứng, liên minh một cách khôn khéo, ngân sách không thiếu hụt, thuế má không quá nặng, có đủ trường tiểu học, trung học, đại học cho trẻ em và thanh niên trong tuổi đi học, một chính sách an ninh xã hội có hiệu quả mà không tai hại cho ngân sách, một sự công bằng cho mọi người ai cũng như ai, một sự bảo đảm những quyền của con người.
Đó là điều mà ông André Maurois gọi là "công việc thiết thực".
Minh Đức
Phai ghi chu ro rang: day chi la y kien cua tac gia.
ReplyDelete