Các Chủ Đề

Tuesday, September 4, 2012

21 Điều Lệ của Quốc Tế CS và ảnh hưởng

Hai mươi mốt điều lệ để được gia nhập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản ra đời vào năm 1920, phần lớn phát xuất từ ý của Lê Nin, khi Lê Nin thành lập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản. Sau khi Đệ Nhị Quốc Tế Cộng Sản bị tan rã vì các đảng cộng sản mỗi đảng đi về một hướng thì Lê Nin thành lập Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản với chủ trương rõ rệt tập trung quyền lãnh đạo và Ban Chấp Hành của Quốc Tế Cộng Sản và bắt buộc các đảng cộng sản của các nước nằm trong Quốc Tế Cộng Sản phải tuyệt đối tuân lệnh của Ban Chấp Hành. Tuy ra đời đã lâu nhưng những điều qui định này đã ảnh hưởng rất nhiều đến cách thức hoạt động của các đảng cộng sản nằm trong khối Liên Xô, Trung Quốc và vẫn mang ảnh hưởng đến ngày nay.


Tuyệt đối tuân lệnh

Điều 16 qui định các quyết định đưa ra bởi Ban Chấp Hành Quốc Tế Cộng Sản hoặc của Đại Hội đều có tính cách bắt buộc với đảng cộng sản của các nước nằm trong Quốc Tế Cộng Sản. Điều này có nghĩa các đảng cộng sản của các nước phải tuyệt đối tuân theo lệnh của Quốc Tế Cộng Sản giống như trong một đảng, các đảng viên phải tuyệt đối tuân lệnh từ bên trên của lãnh đạo đảng.

Điều này đem lại kỷ luật cho Quốc Tế Cộng Sản và đem lại sức mạnh, vì các đảng hành động thống nhất với nhau. Nhưng đồng thời điều này cũng đem lại thắc mắc đối với một số người Việt từ khi đảng Cộng Sản xuất hiện tại Việt Nam. Điều thắc mắc là nếu đảng Cộng Sản tranh đấu đánh đuổi người Pháp để giành độc lập cho dân tộc mà đảng Cộng Sản là một đảng lãnh đạo đất nước lại phải tuyệt đối tuân lệnh của Quốc Tế Cộng Sản, là một tổ chức lãnh đạo bởi những người không phải là người Việt Nam mà là ở một nước khác thì Việt Nam đâu có thực sự độc lập.

Thời xưa, vào thập niên 1930, 1940, nhiều người Việt tham gia chính trị, họ nghiên cứu chủ nghĩa Cộng Sản và các chủ thuyết khác thẳng từ sách báo tiếng Pháp chứ không từ tài liệu phát hành bởi đảng Cộng Sản nên họ nhận ra điều mâu thuẫn trong chủ trương đánh đuổi thực dân giành độc lập của đảng Cộng Sản. Trong khi đó, đảng Cộng Sản lúc tuyên truyền trong dân chúng thường lờ đi việc đảng cộng sản của một nước phải tuyệt đối tuân lệnh một tổ chức từ nước khác.

Trong số các đảng phải chống Pháp thời thập niên 1940, các đảng không cộng sản nói rằng đảng Cộng Sản là tay sai của Quốc Tế Cộng Sản, đưa nước vào vòng lệ thuộc một nước khác, tức là Liên Xô. Còn người cộng sản thì bảo những người chỉ trích đảng Cộng Sản dựa vào các nước cộng sản khác là có tinh thần quốc gia hẹp hòi vì đảng Cộng Sản vẫn giữ độc lập dân tộc trong khi vẫn có thể dựa vào các nước cộng sản khác. Còn những người chống cộng thì cho mình là theo chủ nghĩa quốc gia (nationalism), không theo chủ nghĩa quốc tế vô sản (internationalism) của đảng Cộng Sản.

Nguồn gốc chữ quốc gia của phe quốc gia phát xuất từ đó. Nghĩa là những người xem quốc gia là trên hết, khác với người cộng sản vì theo chủ thuyết Mác nên xem giai cấp vô sản là trên hết, trên cả quốc gia. Vì xem giai cấp vô sản là trên hết nên người cộng sản xem Quốc Tế Cộng Sản là trên hết vì Quốc Tế Cộng Sản tranh đấu cho quyền lợi của giai cấp vô sản. Vì xem giai cấp vô sản là trên hết nên việc tuân lệnh Quốc Tế Cộng Sản là việc làm phù hợp với chủ thuyết Mác, là không có vấn đề gì. Nếu người cộng sản xem chủ quyền quốc gia là trên hết, trên cả giai cấp vô sản thì họ sẽ không chấp nhận việc phải tuân lệnh Quốc Tế Cộng Sản. Nhưng như thế thì lại không theo đúng chủ nghĩa Mác.

Những người Cộng Sản Việt Nam cũng tránh dùng chữ “chủ nghĩa quốc gia” để dịch chừ “nationalism” từ tiếng Anh, hay “nationalisme” từ tiếng Pháp mà dùng chữ “chủ nghĩa dân tộc”. Đúng ra chữ “nationalism” phải dịch là “chủ nghĩa quốc gia” mới chính xác vì quốc gia là “nation” với cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Nhưng nếu dịch là “chủ nghĩa quốc gia”, thì hóa ra những người quốc gia chống cộng cũng là người theo chủ nghĩa quốc gia, tức là nationalism, nghĩa là những người yêu nước. Trong khi người Cộng Sản Việt Nam muốn gọi người quốc gia là tay sai bán nước. Vì thế Cộng Sản dịch chệch ra là “chủ nghĩa dân tộc”. Dân tộc tiếng Anh là “people”, còn tiếng Pháp là “peuple”, đâu có giống chữ “nationalism” hay “nationalisme”.

Lưng chừng cũng bị loại

Điều 2 ra lệnh các đảng cộng sản muốn ở trong Quốc Tế Cộng Sản phải loại trừ những thành phần lưng chừng trong đảng. Lê Nin muốn các đảng cộng sản phải tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Quốc Tế Cộng Sản, còn trong đảng thì đảng viên không được có ý kiến khác với lãnh đạo đảng mà cũng phải tuyệt đối tuân theo lệnh của lãnh đạo đảng. Cách tổ chức này biến Đệ Tam Quốc Tế Cộng Sản thành một tổ chức với các đảng cộng sản ở rải rác trên nhiều nước trên thế giới nhưng tất cả trở thành một khối, mọi đảng viên dù là người nước nào cũng phải tuyệt đối tuân lệnh của Quốc Tế Cộng Sản.

Tuy đây là cách tổ chức ở trong đảng cộng sản như khi đảng cộng sản nắm được chính quyền thì toàn thể hệ thống chính trị trong nước cũng đều theo mô hình này, nghĩa là không chấp nhận cho thành phần lưng chừng được tồn tại.

Tại miền Nam trước đây, do cách cai trị tương đối dễ dàng nên có nhiều khuynh hướng chính trị khác nhau. Ngoài những thành phần chủ trương chống cộng, còn có nhừng người cho là người cộng sản Việt Nam là những người yêu nước và có công đánh đuổi người Pháp. Cũng có người không chấp nhận chủ nghĩa Cộng Sản và không chấp nhận đường lối của đảng Cộng Sản Việt Nam mà họ có đường lối phát triển đất nước riêng và không có ý chống lại Cộng Sản. Họ cho là người Cộng Sản Việt Nam cũng là người Việt Nam nên giữa người Việt với nhau, họ có thể hợp tác với người Cộng Sản, không cần phải chống, không cần phải đặt đảng Cộng Sản Việt Nam ra ngoài vòng pháp luật như chính phủ Việt Nam Cộng Hòa làm.

Nhất là khi vào năm 1963, tổng thống Pháp De Gaule đưa ra giải pháp trung lập hóa toàn vùng Đông Dương để chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam và Đông Dương nói chung. Theo đề nghị này, Mỹ sẽ không cung cấp vũ khí cho miền Nam nữa và Trung Quốc sẽ ngưng cung cấp vũ khí cho miền Bắc. Ông De Gaule cũng cho người đi sang Trung Quốc để nói chuyện với chính quyền Trung Quốc về giải pháp trung lập này. Đề nghị này cả Mỹ và Trung Quốc đều không hưởng ứng nhưng một số người làm chính trị tại Việt Nam ủng hộ và họ muốn người Mỹ ngưng giúp vù khí cho miền Nam để chấm dứt chiến tranh. Theo cách nhìn của những người này, khi Mỹ ngưng cung cấp vũ khí cho miền Nam thì chế độ Việt Nam Cộng Hòa tất nhiên sẽ bị đánh bại và hai miền Nam Bắc sẽ thống nhất. Những người trung lập này nghĩ rằng, dưới chế độ cai trị bởi đảng Cộng Sản Việt Nam, họ vẫn được tiếp tục hoạt động chính trị, mặc dù họ không gia nhập đảng Cộng Sản Việt Nam và có đường lối chính trị riêng, khác với đường lối của đảng Cộng Sản Việt Nam.

Thực tế cho thấy, sau ngày 30-4-1975, tất cả các thành phần gọi là trung lập, lưng chừng đều bị dẹp bỏ. Một số người trong Thành Phần Thứ Ba, là thành phần không theo Mỹ cũng không chống lại Cộng Sản, tuy không bị đi học tập cải tạo dài hạn nhưng cũng không được hoạt động chính trị theo đường lối riêng của họ nữa và cũng không được đảng Cộng Sản Việt Nam dùng vào các công tác có liên quan đến chính trị nữa. Một số khác bị đi học tập cải tạo nhiều năm, có người chết ở trong tù.

Những người chủ trương trung lập đó không biết là dưới chế độ chuyên chính vô sản, thành phần lưng chừng cũng bị xem như là kẻ thù và phải loại bỏ như trong Điều 2 của Quốc Tế Cộng Sản đưa ra.

No comments:

Post a Comment