Khí có nghĩa là một món đồ dùng để làm gì đó. Như binh khí là món đồ để dùng vào việc binh, nghĩa là để đánh nhau. Vũ khí là món đồ dùng vào việc vũ lực, cũng là để đánh nhau. Nhạc khí là món đồ dùng để chơi nhạc.
Khổng Tử và các nhà Nho nói chung dạy học trò để học trò ra làm việc giúp đời. Đạo Khổng hay Nho Giáo được coi là loại lý thuyết nhập thế, nghĩa là chủ trương gia nhập vào đời sống để hành động.
Người học đạo Nho khi ra làm việc vào thời xưa thường là làm cho chính quyền. Làm việc cho chính quyền thì có người trả lương cho mình và sai bảo mình. Khi làm việc tập thể thì bên trên mình phải nghe lời người khác và bên dưới thì có người sai khiến và người đó phải nghe lời mình. Tuy dạy học trò ra làm việc có nghĩa là họ lãnh lương của người và chịu sự sai khiến của người nhưng nhà Nho vẫn nói: “Người quân tử không phải là thứ khí cụ” . Làm một thứ khí cụ là làm công cụ cho người một cách thụ động, nhận tiền của người rồi nhắm mắt làm theo lệnh ở trên. Ở đây, khi nói học trò không làm khí cụ cho người có nghĩa là người theo Nho Giáo khi làm việc phải suy xét mà làm việc cho hợp với nguyên tắc và đạo đức của Nho Giáo.
Một số nguyên tắc của Nho Giáo như sau:
Chủ trương tạo ra ổn định xã hội bằng cách dạy cho dân biết cách cư xử, mỗi người cư xử phù hợp với vị trí của mình đang có trong xã hội, mà không bằng cách dùng vũ lực, sức mạnh đàn áp làm cho dân sợ mà tuân phục.
Nguyên tắc để cư xử không gây ra xích mích, đánh nhau là không làm cho người khác những gì mình không muốn người khác làm cho mình.
Có một số đức tính phải noi theo như:
Phải đối xử tốt với người, không tàn ác với người khác.
Tôn trọng người khác trong cách cư xử.
Hết lòng làm cho tròn nghĩa vụ của mình, làm điều có ích lợi chung.
Phải biết suy xét, học hỏi trong đời sống và việc làm.
Phải nói thật và giữ chữ tín với người khác.
Những nguyên tắc trên, người theo Nho Giáo khi ra làm việc phải làm theo và đòi hỏi người khác cũng phải làm như vậy. Đem các nguyên tắc đó truyền cho mọi người càng rộng rãi càng tốt.
Khổng Tử
Ông Khổng Tử là thí dụ điển hình của hành vi “quân tử bất khí” . Sách viết ông đi qua bẩy mươi hai nước để trình bày cho nhà vua các nước đó “đạo” của mình . Khi các vua đó không dùng “đạo” của ông thì ông bỏ sang nước khác để thuyết phục nữa.
Có người chê ông là ham phục vụ bọn vua chúa, phục vụ giai cấp bóc lột nên đi đến nhiều nước để xin xỏ cầu cạnh. Thật ra ông đến các nước đó để trình bày sách lược làm cho ổn định mà không dùng vũ lực đàn áp. Đó là cái “đạo” của ông. Sách lược đó là áp dụng các nguyên tắc kể trên, đem các nguyên tắc đó ra mà dạy dân để dân biết cách cư xử.
Vào thời đó, cách cai trị còn thô sơ, xã hội ít có giáo dục, chỉ có lớp quí tộc mới được đi học, mới cư xử với nhau có lễ phép, còn người dân thì sống không được đi học, không ai dạy cách cư xử. Đó là cái thời ai cũng có thể dắt dao, đeo kiếm đi ra ngoài đường. Gặp chuyện xích mích, bất bình thì đánh nhau, giết nhau. Trong nước Lỗ, nơi ông Khổng Tử sinh ra cũng sinh ra nạn tranh giành, chém giết nhau. Có ba giòng họ quan đại thần của nước Lỗ làm quan đã lâu năm, họ có quân đội riêng, xây thành đắp lũy riêng cho căn cứ mình , thường xuyên đánh lẫn nhau để tranh giành quyền lực, mở rộng khu vực của mình. Có lúc họ kéo quân đánh cả vua Lỗ làm vua phải bỏ nước chạy trốn. Tình trạng đó không phải chỉ riêng ở nước Lỗ mà các nước khác cũng thế. Thời đó có hàng trăm nước nhỏ, luôn luôn đánh lẫn nhau, trong mỗi nước, mọi người cũng tụ bè kết đảng đánh lẫn nhau. Vì thế ông Khổng Tử nảy ra ý nghĩ sao không giáo dục cho mọi người biết cách cư xử cho hợp với vị trí của mình trong xã hội, trong gia đình, để mọi người không còn tranh giành chém giết nhau nữa.
Ông Khổng Tử nói với vua hãy thực hành sách lược của mình để ổn định. Ai chịu dùng sách lược của ông thì ông mới phục vụ, ông không phải đi xin một chức quan để được trả lương, được ăn ngon, được cấp nhà xe rồi chỉ nghe lời sai khiến của vua mà làm bất cứ chuyện gì. Ông không phải là một khí cụ cho vua dùng mà ông muốn thực hiện điều mình dự định làm. Nhưng các vua thời đó thì chỉ nghĩ là cần phải tụ bè kết đảng cho đông để có sức mạnh, phải dùng sức mạnh mà đàn áp cai trị dân nên cho rằng cách dạy dân như kiểu ông Khổng Tử là vô ích. Vì thế mà ông phải đi đến bảy mươi hai nước rồi khi không ai dùng ý kiến ông thì ông về nước Lỗ, mở trường dạy học, đào tạo người trẻ với các nguyên tắc của ông để họ đem ra giúp đời sau này.
Chu Văn An (1292 - 1370)
Ông Chu Văn An cũng là một thí dụ điển hình của “quân tử bất khí”. Ông Chu Văn An thấy vua Trần Dụ Tông ham ăn chơi, bài bạc, giao công việc cai trị cho một nhóm hoạn quan, để bọn này làm bậy. Ông dâng sớ lên vua xin chém đầu bảy tên hoạn quan làm bậy. Vua không nghe, ông xin bỏ quan, về quê dạy học. Ông có thể giừ im miệng, mặc kệ cho việc công bị đổ nát vì bọn tham quan, miễn sao ông giữ được chức vụ, lãnh bổng lộc của triều đình. Nhưng ông không làm như thế. Ông không phải là một khí cụ để người khác sai khiến mà là một con người biết suy nghĩ.
Ông Chu Văn An được các nhà Nho Việt Nam lấy làm thí dụ điển hình để mọi người lấy đó làm gương mà noi theo khi ra làm việc công.
Minh Đức
No comments:
Post a Comment