Các Chủ Đề

Friday, November 15, 2013

Vì sao cách mạng công nghiệp xảy ra ở Anh


Tại sao cuộc Cách Mạng Công Nghiệp xảy ra và tại sao cuộc cách mạng đó lại xảy ra vào thế kỷ 18 tại Anh Quốc?






Dưới đây là lời thuyết minh của cuốn phim tài liệu có tựa đề "Why The Industrial Revolution Happened Here" (Tại Sao Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp Xảy Ra Tại Đây) do đài BBC thực hiện nói về cuộc Cách Mạng Công Nghiệp xảy ra tại Anh vào thế kỷ 18.
 

Trong vòng 150 năm kể từ đầu thế kỷ 18, một cuộc cách mạng đã làm thay đổi mãi mãi cách chúng ta suy nghĩ, làm việc và giải trí . Đó là cuộc Cách Mạng Công Nghiệp và cuộc cách mạng đó xảy ra ngay tại đây, tại Anh Quốc.

Cho đến thời đó, phần lớn mọi người sống như họ đã từng sống nhiều thế hệ, đó là đời sống nông nghiệp được quyết định bởi thói quen và thời tiết, được cai trị bởi một nhóm thượng lưu trong xã hội cũng như về mặt chính trị.

Nhưng khi tiến qua thế kỷ 18, một sự bùng nổ chưa bao giờ từng thấy với các phát minh mới, các kỹ thuật mới làm thay đổi cách sử dụng năng lượng, tạo ra nền công nghiệp và đưa đến việc thành thị hóa.

Hàng trăm ngàn dặm đường lộ, đường sắt và kinh ngòi được thiết lập. Đường hầm ở đây dài hơn gấp bốn đường hầm dài nhất tại bất cứ nơi nào khác trên thế giới vào thời đó. Các thành phố lớn xuất hiện. Vô số hãng xưởng và nhà máy mọc lên và quang cảnh không còn giống ngày xưa nữa. Những người thời ấy cùng nhau biến Anh Quốc thành nước giàu nhất và mạnh nhất trên thế giới, cai quản một đế quốc lớn nhất trong lịch sử.

Thế kỷ 18 chắc chắn là thế kỷ quan trọng trong lịch sử Anh Quốc, và trong lịch sử toàn thế giới nữa. Sự biến đổi đem lại tiến bộ thời đó đã tạo nên thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay.

Và tôi muốn đặt ra hai câu hỏi làm chúng ta quan tâm là:

Tại sao cuộc Cách Mạng Công Nghiệp xảy ra và tại sao cuộc cách mạng đó lại xảy ra vào thế kỷ 18 tại Anh Quốc?

Nhiên liệu

Tôi đã bỏ ra ba mươi năm nghiên cứu cuộc Cách Mạng Công Nghiệp và ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đối với thế giới xung quanh chúng ta. Có phải là đáng chú ý hay không khi điều then chốt làm xảy ra thời kỳ đặc biệt này được tìm thấy tại bờ biển lộng gió này.

 Than đá tại Đông Bắc nước Anh rất dồi dào vào gần mặt đất, dễ khai thác

Hãy nhìn đây! Đây là một mẩu than đá to tướng ở bờ biển Đông Bắc nước Anh và nó đến từ  biển Bắc kia từ đáy thềm lục địa. Anh Quốc rất là may mắn vì phần lớn than nằm ở bên trên, vỉa than đá thì rất gần ở mặt đất và rất dễ khai thác. Nhờ thế than đá là yếu tố làm khởi đầu cuộc Cách Mạng Công Nghiệp, một cuộc cách mạng không phải chỉ làm thay đổi quốc gia mà còn làm thay đổi thế giới.

Trước đó, gỗ là nguồn năng lượng chính tại Anh. Gỗ cung cấp nguồn đốt cho gia đình và cho những công nghiệp nhỏ. Khi dân số gia tăng thì nhu cầu về gỗ gia tăng.  Rừng bị phá dần và gỗ phải vận chuyển quãng đường dài hơn đến các thành phố. Gồ thì cồng kềnh, khó vận chuyển nên trở thành đắt hơn. Nước Anh cần một loại năng lượng mới. Than đá. Điều rõ ràng là than đá là dạng năng lượng giàu hơn, nó cung cấp gấp ba lần năng lượng so với gỗ. Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, chúng ta bắt đầu khai thác khoáng sản dưới lòng đất dùng để làm nhiên liệu với qui mô lớn.

Tại Anh, than đá thì rất là dồi dào và dễ khai thác. Tại các nước Châu Âu khác thì việc vận chuyển than đá đến chợ bán rất là đắt đỏ. Chuyên chở than đá trên quãng đường mười dặm từ mỏ than đá đến nơi bán làm cho giá than đắt gấp đôi. Trong khi ở Anh, mỏ than ở gần biển nên tàu bè có thể chở than với giá rẻ đến nơi tiêu thụ quan trọng nhất, đó là Luân Đôn.

Nhu cầu về than gia tăng khiến cho người ta ngày càng phải đào mỏ sâu hơn. Nhưng có vấn đề là càng đào sâu thì mỏ càng hay bị ngập nước. Vì thế để khai thác than ngày càng hiếm, cần phải tìm cách bơm nước ra khỏi mỏ. Lúc đầu, người ta dùng bơm nước kéo bằng sức ngựa và bơm này có thể bơm nước ra ở độ sâu đến 30 mét . Nhưng vẫn còn rất nhiều than đá ở sâu hơn. Ai có thể tìm cách để khai thác lớp than đá ở sâu hơn này thì sẽ kiếm được rất nhiều tiền.

Tự Do Tư Tưởng và Kỹ thuật

 Máy hơi nước của ông James Watt


Lợi nhuận là động cơ thúc đẩy cuộc Cách Mạng Công Nghiệp .

Đó là động cơ khiến một người thợ rèn có óc tháo vát là Thomas Newcomen tìm cách giải quyết vấn đề ngập nước trong mỏ. Vào năm 1712, ông ta thiết kế được bộ máy chạy bằng than đá để hút nước ra. Đây là máy hơi nước đầu tiên trên thế giới được bán ra. Nó làm việc tương đương với hai mươi sức ngựa và có thể bơm nước ở sâu hàng  trăm mét. Đây là một bộ máy rất có lợi về mặt kinh tế trong việc khai thác than đá.

 Máy bơm nước dùng sức hơi nước của Thomas Newcomen


 Máy bơm nước dùng sức hơi nước của Thomas Newcomen

Nhưng máy này tiêu thụ nhiều than đá quá do đó nó chỉ được dùng ở nơi mỏ than, là nơi than có thể dùng miễn phí. Bộ máy này tuy kém hiệu quả nhưng nó đã mở ra sự hữu dụng vô cùng của than đá. Kết quả vĩ đại là nước Anh lúc đó tìm ra một nguồn nhiên liệu rẻ dường như vô tận.

Nền công nghiệp Anh khởi động không chỉ nhờ khoáng sản. Than đá đã nằm dưới lòng đất hàng trăm ngàn năm mà đâu có tạo ra cuộc Cách Mạng Công Nghiệp. Điều gì khác đã khiến cho Anh Quốc có sự thay đổi ghê gớm? Một phần của lý do khiến người ta có những phát minh là không khí ham tìm hiểu, học hỏi tại Anh vào thời gian này. Thời đó tại Anh có rất nhiều việc trao đổi kiến thức về  khoa học và kỹ thuật trái ngược ghê gớm với tình trạng tại toàn bộ châu Âu lúc đó.

Tại Anh, tư tưởng về khoa học không bị cấm cản bởi giáo hội hay triều đình  như tại nhiều nước châu Âu lúc đó. Trước đó khoảng một trăm năm, các phát kiến khoa học thi nhau phát sinh và phổ biến trên khắp nước. Chính nhờ thế mà Isaac Newton trở thành người đầu tiên phát biểu ra ý tưởng về sự hấp dẫn của trọng lực. Còn Robert Boyle diễn giảng ra các đặc tính vật lý của không khí và chất khí.

Quan điểm của Thiên Chúa Giáo cho rằng thế giới được tạo ra bởi Thượng Đế nay bị bác bỏ bởi những người theo định luật tự nhiên được chứng minh bằng phương pháp khoa học , đòi hỏi phải có bằng chứng về các giáo điều của tôn giáo. Đó là thời đại Lý Tính.

 Bức tranh của Joseph Wright vẽ năm 1766. Ông Joseph Wright chuyên vẽ tranh với chủ đề về những người làm nghiêu cứu khoa học thời đó

Các nhà diễn thuyết đi khắp nơi reo rắc sự khao khát về tri thức. Các bạn có thể thấy trong tấm tranh tôi rất thích này do Joseph Wright vẽ vào năm 1766, có một nhóm người, trong đó các các trẻ em, với ánh sáng chiếu trên các khuôn mặt rạng rỡ, hãy nhìn các khung gỗ dùng để trình bày cho thấy thái dương hệ hoạt động ra sao, thực là kỳ diệu, bạn nhìn thấy sự ngây thơ, bạn nhìn thấy sự thích thú, bạn nhìn thấy một xã hội với vẻ tự tin về sự hiểu biết về vũ trụ. Thật thế, mười lăm năm sau đó, William Herschel một nhà thiên văn học Anh khám phá ra Uranus, Thiên Vương Tinh, là hành tinh đầu tiên trong Thái Dương Hệ được tìm ra vào thời xa xưa đó. Những phát kiến này khiến cho người dân Anh tin rằng mình dẫn đầu về kiến thức khoa học trên thế giới.

Các kiến thức về khoa học ấy đóng góp vào phong trào mọi người tìm cách áp dụng các phát kiến vào thực tế . Đi song song với sự gia tăng ghê gớm về hiểu biết mới về thế giới xung quanh mình là một sự phát triển mới, đó là sự phát triển về các kiến thức thực dụng. Nhiều hoạt động, nhiều sáng kiến cùng ra đời đã tạo nên thời đại  gọi là Sự Thức Tỉnh Về Công Nghiệp.

Trên khắp nước Anh, từ các hội hoàng gia đáng kính trọng tại Luân Đôn cho đến vô số các quán cà phê tại các tỉnh lẻ, các nhà hoạt động trong công nghiệp và các khoa học gia, với kiến thức thuộc nhiều lãnh vực khác nhau chia sẻ lẫn nhau các ý kiến của mình và những điều mình quan sát thấy.

Họ tạo ra phong khí suy nghĩ tự do và mang đầy tính sáng tạo.

Tại vùng West Midlands, có Hội Mặt Trăng, được thành lập vào khoảng các năm 1760.  Sở dĩ đặt tên như vậy vì các hội viên họp nhau vào ngày trăng rằm để có ánh sáng trăng mà nhìn thấy đường đi về nhà, thời mà đèn đường chưa được làm. Một trong các hội viên hăng hái hoạt động là ông Eramus Darwin, một bác sĩ của vùng Litchfield, ông nội của ông Charles Darwin sau này, có một kiến thức bao la trong các nghiên cứu. Trong bức thư này, ông đề nghị cách đo thể tích không khí mà một người thở bằng cách dùng bọng đái của một con vật. Ông cũng phác họa ra một kính viễn vọng tiên tiến dùng nhiều gương phản chiếu bên trong và làm cả việc vẽ kiểu một cầu tiêu có thể xả nước.

Điều quan trọng nhất là ông Eramus Darwin để ý đến những khám phá mới về máy hơi nước và ông rất thích thú với khả năng chuyển hóa của sức hơi nước. Và đây là tập sách phác họa của ông. Ông phác họa bộ máy chạy bằng hơi nước. Và đây là hình vẽ làm tôi hết sức thích thú đó là chiếc xe chạy bằng hơi nước. Đó là ý kiến đầu tiên trước khi các chiếc xe chạy bằng hơi nước được làm ra trong thế kỷ 19 sau đó. Ở trang kế bên, chúng ta có bánh xe quay bằng sức hơi nước dùng để kéo chạy các máy móc khác.

Những hội như Hội Mặt Trăng là môi trường tự do về tư tưởng để cho những người có óc sáng tạo trao đổi các ý kiến mà ít ai nghĩ ra, để đưa ra những ý kiến và phát minh đáng kinh ngạc.

 Mathew Boulton

Một hội viên năng nổ là Mathew Boulton, con trai của một người thợ làm đồ thiếc lấy một bà khá giả tại địa phương, đem tiền đầu tư vào công nghệ và làm chủ một tiệm lớn bán đồ sang trọng, cao cấp tên là Soho House. Tại đây, ông ta gặp ông James Watt, một nhà khoa học tự học hỏi đến từ vùng Tây Ái Nhĩ  Lan, và sự trao đổi về ý kiến về vấn đề tiền bạc giữa hai người đã làm thay đổi cuộc Cách Mạng Công Nghiệp.

 Soho House ngày nay vẫn còn

Mathew Boulton làm một xưởng phía sau căn nhà mình tại Birmingham gọi tên là Xưởng Soho để chế tạo các món hàng nhỏ bằng kim loại. Lúc đầu xưởng máy này chạy bằng sức nước từ dòng sông gần đó. Nhưng đến năm 1766 thì xảy ra hạn hán nên không có nước để quay bánh xe chạy máy móc cho xưởng máy khiến cho công việc sản xuất bị ngừng trệ. Ông Boulton có ý nghĩ là nếu có một nguồn nhiên liệu rẻ và ổn định khiến cho cho sản xuất không bị lệ thuộc vào thời tiết bất thường thì sẽ làm gia tăng lợi nhuận. Do đó ông quyết định tìm hiểu về việc dùng hơi nước. Điều này đưa đến việc ông kết bạn với ông James Watt.

 James Watt

Ông James Watt không chỉ say mê với khoa học mà còn muốn đem các ý kiến kỹ thuật hữu dụng áp dụng vào thực tế. Các bạn có thể thấy trong bức vẽ mà ông James Watt gọi là bình thí nghiệm này. Ông James Watt tìm hiểu cách thức hoạt động của hơi nước ra sao. Ông muốn chế tạo ra máy hơn nước hoạt động hữu hiệu nhất mà từ trước đến nay chưa ai làm ra.

Trong nhiều năm trước khi gặp ông Mathew Boulton, ông James Watt đã nhiều lần đem máy hơi nước của ông ta đi sửa chữa. Ông ta nghĩ rằng máy hơi nước có thể dùng vào nhiều việc khác nừa chứ không chỉ dùng để hút nước trong mỏ than . Sau nhiều lần thí nghiệm, ông James Watt có một mẫu máy mới mà ông tin đó là một cuộc cách mạng trong việc cung cấp năng lượng cho công nghiệp.

Nhưng ông James Watt không có tiền để thực hiện và cũng không đủ kiến thức về kỹ thuật để đúc ra nó.

Năm 1767, ông James Watt đến thăm vùng Birmingham nơi có nhiều xưởng cơ khí nhỏ giống như xưởng của ông Mathew Boulton, có những người thợ có khả năng thực hiện bộ máy hơi nước mà ông ta đã vẽ kiểu.

Đây là ông Jim Andrew đã từng nghiên cứu về phát minh thiên tài của của ông James Watt.

Hỏi:

Birmingham có phải là nơi giúp ích cho ông James Watt? Họ có thể thực hiện được máy hơi nước?

Ông Jim Andrew rả lời:

Có, rất là có ích. Ở đó có những người thợ rất lành nghê và có sáng kiến linh hoạt trong việc giải quyết các khó khăn . Nhờ thế họ có thể chế tạo ra các bộ phận máy móc chính xác, nếu không chính xác thì bộ máy của James Watt sẽ không có tác dụng. Tại Birmingham, ông Boulton đẩy mạnh việc giúp đỡ James Watt sản xuất ra máy hơi nước.

Trong những năm sau đó, Xưởng Soho sản xuất ra các cơ phận cho máy hơi nước của ông James Watt. Máy hơi nước này chỉ dùng có một phần tư số than so với máy đã có từ trước mà vần cung cấp năng lượng tương đương với máy cũ.

Nhưng hai ông Mathew Boulton và James Watt không ngừng ở chỗ đó. Họ tiếp tục cải thiện bộ máy cho hữu hiệu hơn. Trong vòng ba năm sau đó, họ đã vẽ kiểu bơm nước cho kinh rạch.

Ông Jim Andrew nói :

- Họ đã thêm cái van để đỡ làm phí phạm hơi nước. Không cần phải cho hơi nước chạy quá nhiều vào máy mà chỉ cần đủ hơi nước để đẩy piston mà thôi. Nhờ thế mà đã gia tăng 18% hiệu suất của máy và cho mọi người thấy sự hữu hiệu của máy hơi nước.

Từ đó việc sản xuất hàng hóa không còn bị lệ thuộc vào năng lượng của thiên nhiên nữa.

Xưởng Soho trở thành xưởng sản xuất chạy bằng hơi nước đầu tiên trên thế giới. Đó là một nơi làm việc kiểu mới. Không còn là cảnh vợ chồng con cái làm việc manh mún trong xưởng nhỏ ở gia đình nữa. Kể từ nay, họ xếp hàng ở các dây chuyền sản xuất trong xưởng đông đúc thợ thuyền.  Cách thức làm việc này sẽ thay đổi bộ mặt của các thế hệ kế tiếp.

Cô Sandy Hover là chuyên viên nghiên cứu lịch sử thành phố Birmingham.

Hỏi :

Trong bức tranh này đó là các xưởng thợ của Soho. Cô có thể mô tả về cái xưởng thứ nhất?

Cô Sandy Hover trả lời :

- Đương nhiên. Đó là xưởng lớn nhất. Hàng ngàn công nhân nam, nữ  và trẻ em làm việc trong các phân xưởng khác nhau . Ông có thể tưởng tượng tiếng động ồn ào náo nhiệt trong xưởng máy giống như là tiếng động mà ông nghe thấy ở đây. Đó là một nơi rất đáng quan tâm. Đây là địa điểm rất nổi tiếng. Vào cuối thế kỷ 18, nhiều viên chức cao cấp ở châu Âu khi họ viếng thăm Anh Quốc họ đến đây để xem cảnh nhiều người tập trung đông đảo trong hãng xưởng. Có thể nói là Soho là xưởng sản xuất theo lối công nghiệp đầu tiên trên thế giới.

Góp ý :

Chúng ta chỉ thấy xưởng máy mọc lên khắp nơi thì cụ thể là nó bắt đầu từ địa điểm này rồi lan tràn khắp nơi trên thế giới.

Vì thế, các địa điểm cho các tua đi du lịch không những là Luân Đôn, Ba Lê, Rome mà còn ở Birmingham.

Người ta đến để xem và để biết làm cách nào mà một thành phố doanh nghiệp đã sản xuất đủ mọi loại hàng hóa rẻ hơn rất nhiều so với trước.

Đây là hãng Harvey, nơi sản xuất ra các loại kiếm.

Đây là hãng Harris, chuyên sản xuất các thanh sắt để nướng bánh mì.

Và ông Betts làm ra các loại cưa.

Joseph Dowell, sản xuất ra thiết bị để gắn dây cương điều khiển ngựa.

Các loại cân được làm với « kiểu đẹp nhất, bằng các vật liệu tốt nhất, và với cách làm chính xác nhất ».

Ông Taylor nổi tiểng này dùng các máy hơi nước hiện đại nhất để làm ra các thứ nút áo cho những nhà thượng lưu trong xã hội.

Sự sản xuất ra vô số nhừng món đồ nho nhỏ này trong vùng Midlands là trung tâm của cuộc Cách Mạng Công Nghiệp.

Trong số vô số những món đồ nho nhỏ đó, có một món đồ rất là tinh tế khiến tôi chú ý.

Cô Sandy Hover giải thích:

- Trong thời cuối thế kỷ 18, việc bôi sáp thơm dùng các vật dụng nho nhỏ như thế này, chúng ta gọi là món đồ chơi để bôi sáp. Đó là những món đồ vật được trang trí đem theo trong người.

- Ở đây chúng ta có một hộp đựng sáp có nắp. Hộp này dùng thế nào? Bạn mở nắp ra để cho người ta lấy một ít sáp để bôi. Nhưng đây mới là cái nắp trên của nó. Nó có một ngăn bí mật. Nếu bạn thật sự rất thích người đang tiếp chuyện với bạn dùng ngăn này để cho người đó lấy nhiều hơn.

 Con cá đựng dầu thơm, được chế tạo theo lối công nghiệp, làm hàng loạt bằng máy móc, không còn làm thủ công từng chiếc một như xưa

Tôi sẽ trình bày con cá này. Thật là độc đáo! Đây là con cá nhỏ, ông có thấy nó hay không ? Người ta gọi nó là lọ đựng dầu thơm. Lọ này dùng thế nào? Vào thế kỷ 18 nếu bạn là một người lịch sự gặp gỡ khách trong một các bữa tiệc làm ăn hay mời khách đến nhà ăn chẳng hạn, và bạn phải ngồi cạnh một người có mùi chẳng lấy gì thơm tho cho lắm...

Góp ý đùa:

- Chẳng hạn như người đó không đánh răng...

Cô Sandy Hover tiếp:

- ... Bạn có thể kín đáo rút lọ này ra lúc người đó không để ý và mở ở đầu ra, bên trong con cá này chứa dầu thơm mùi cam, bạn đưa lên mũi ngửi rồi kín đáo bỏ vào túi không để cho người ngồi cạnh nhìn thấy.

Có cả ngàn món đồ như thế này đã được làm ra.

Vào thế kỷ những năm 1700, Birmingham từ một thị trấn nhỏ chuyên làm đồ sắt với khoảng bảy ngàn dân trở thành một thành phố lớn gấp chín lần, là thành phố lớn thứ ba tại Anh, sau Luân Đôn và Bristol. Đó là nhờ ý kiến được tự do trao đổi, nhờ các kỹ thuật mới có tính cách mạng, sự thành công trong việc khai thác năng lượng qua thí dụ về sự hợp tác giữa hai ông James Watt và Mathew Boulton.

Nhưng hai ông này không chỉ cải thiện sự hữu hiệu của máy hơi nước rồi sau đó cứ thế mà dùng, mà họ tiếp tục tìm tòi và cải tiến. Và lòng ham muốn cải tiến là đặc điểm của cuộc Cách Mạng Công Nghiệp tại Anh. Tinh thần ham tìm tòi cải tiến đưa nước Anh tiến vào thế kỷ 19 với việc phát minh ra đường sắt, tàu thủy chạy bằng hơi nước và thế giới sản xuất công nghiệp. Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp đã sẵn sàng tiến bước tại Anh.

Chế độ chính trị cởi mở

 Thay đổi chính trị xảy ra một trăm năm trước đó đem đến việc người dân được tham gia Quốc Hội, kiểm soát chi tiêu của triều đình, doanh nhiệp được chính quyền tôn trọng

Điều rất đáng nói là chỉ cách hơn một trăm năm trước khi James Watt chế tại máy hơi nước, nước Anh bị tàn phá bởi cuộc nội chiến. Người dân tranh đấu để thoát khỏi ách cai trị chuyên chế của triều đình. Việc vua Charles I bị chém đầu, sau đó chế độ thay đổi được gọi là cuộc Cách Mạng Vinh Quang, tạo ra không khí tự do cho kinh doanh và chính trị. Đến thế kỷ 18 thì Quốc Hội Anh có tính cách độc lập với Hoàng Gia hơn bất cứ cường quốc nào khác ở châu Âu. Chính sự tự do về chính trị này đã dọn đường cho cuộc Cách Mạng Công Nghiệp.

 Vua Charles 1 thua lực lượng của Quốc Hội Anh (đại diện dân) và bị chém đầu

Anh Quốc là một nước quân chủ lập hiến, có nghĩa là quốc hội thông qua luật và quốc hội kiểm soát chi tiêu của chính phủ. Điều này giúp cho sự ổn định chính trị. Đó là sự ổn định chính trị đặt trên nền tảng pháp trị. Lối cai trị theo luật pháp tạo điều kiện thuận lợi cho các bứt phá về khoa học, thuận lợi cho người dân lập ra các doanh nghiệp và theo đuổi việc kiếm lợi nhuận.

Để có thể đánh giá đúng mức chế độ chính trị tại Anh lúc đó, chúng ta thử nhìn vào tình hình tại nước kình địch với Anh lúc đó là nước Pháp, một nước rộng gấp đôi nước Anh, rất giàu về quặng mỏ và quê hương của nhiều bộ óc khoa học vĩ đại.

Đó là một vương triều được cai trị một cách chuyên chế, đặt ra bởi vua Louis 14, kiểm soát rất chặt chẽ đời sống kinh tế và chính trị.

 Vua Pháp, Louis 14, nắm quyền cai trị một cách chặt chẽ, tập trung nhiều quyền vào tay triều đình

Câu chuyện về cách thức nước Pháp phát triển máy hơi nước cho thấy nhược điểm căn bản của chế độ chính trị của Pháp.  Những người lãnh đạo Paris muốn dùng sức hơi nước để giải quyết một vấn đề cấp bách nhất: làm sao bơm nước ra khỏi thành phố đang phát triển nhanh. Nhiều kỹ sư Pháp đáp ứng nhiệm vụ khó khăn này. Một trong những người đó là anh em Perrier. Lúc đầu họ thử ăn cắp mẫu máy hơi nước và thất bại. Do đó năm 1779, họ đặt mua hai mẫu máy hơi nước kiểu mới nhất của Boulton và Watt từ Birmingham và làm tại đây bên bờ sông Shiloh. Bên cạnh họ xây một nhà máy làm cơ phận máy móc để làm các bộ phận cho máy hơi nước. Anh em nhà Perrier không phải chỉ muốn cóp py thiết kế vẽ bởi Boulton, họ còn muốn cải tiến nó. Mặc dầu cố gắng nhiều thập niên họ vẫn thất bại. Bởi vì ở Pháp lúc đó không có tự do trao đổi tư tưởng cần thiết cho tiến bộ khoa học phát triển.

Chế độ quân chủ đã tập trung các tiến bộ khoa học tại Việt Hàn Lâm Khoa Học. Tại viện này, các nhà khoa học hàng đầu tụ tập lại để nghiên cứu các ý kiến khoa học một cách thấu đáo và rồi chứng nhận chúng và công bố. Xem ra đây là một ý kiến rất hay nhưng về mặt thực tế thì  sinh ra các thủ tục hành chánh rất tệ hại.

 Viện Hàn Lâm Khoa Học Pháp, nơi nhà nước tập trung các nhà khoa học để làm việc nghiên cứu, người dân không được quyền tự nghiên cứu khoa học

Giáo sư là Erique Ryan giáo sư lịch sử về khoa học Pháp nói:

- Trong chế độ của Pháp, bạn không có quyền tự nghiên cứu lấy, bạn phải làm việc cho triều đình. Chính triều đình đặt ra Viện Hàn Lâm Khoa Học có nhiệm vụ thu thập các công trình nghiêu cứu khoa học, kỹ thuật, các sáng kiến, xem xét kỹ lưỡng rồi công bố ra cho mọi người biết. Nhưng quá trình này mất rất nhiều thời gian. Một số công trình nghiên cứu khoa học có khi mất cả thế kỷ để công bố ra.

Nhà nước Pháp muốn đưa các tiến bộ khoa học vào qui củ nhưng đã làm cho các cải tiến kỹ thuật trở nên chậm chạp và gây trở ngại cho sự tiến bộ của công nghiệp.

Ở Anh thì trái lại, các cá nhân được tự do đưa ra các ý tưởng, tìm nguồn tài chánh để thực hiện ý tưởng của mình, chế tạo ra các máy móc.

Hỏi:

Nếu ông James Watt sống ở Pháp thì ông ta sẽ gặp trở ngại gì hơn trong việc chế tạo ra máy hơi nước?

 Giáo sư Érique trả lời:

- Ông ta sẽ phải bỏ thời gian để trình bày cho nhà nước phát minh của mình với tất cả các chi tiết, chứng minh là nó có thể hoạt động được để nhà nước chấp thuận. Nó đưa đến hậu quả là người dân không còn thấy hứng thú để làm việc đó vì nó quá phiền phức.

Kết quả là những người dân muốn kinh doanh tại Pháp thấy rất khó khăn để nhà nước chấp thuận những phát minh mới để mình có thể dùng nó trong kinh doanh để làm ra lợi nhuận. Do thế họ không còn ham thích làm công việc đó nữa.

Điều gây ra sức trì trệ cho phát triển công nghiệp là triều đình Pháp gắn cứng vào cách nhìn thế giới càng ngày càng lỗi thời. Để có thể hình dung rõ hơn, thử tưởng tượng toàn thể của cải trên thế giới được tượng trưng bằng cái bánh này. Những người trong chính quyền Pháp vào thế kỷ 18 tin rằng số của cải đó là cố định. Họ muốn có một phần của miếng bánh đó và họ muốn có một phần lớn hơn người khác bằng cách đi đánh chiếm nước khác và đoạt lấy của cải. Nhưng giả sử là bạn nghĩ rằng của cải trên thế giới không cố định thì sao? Thật thể, bạn có thể làm ra thêm đủ mọi loại bánh. Tại Anh, tư tưởng này trở nên phổ biến vào cuối thế kỷ 18. Người Anh tin rằng với cách sản xuất mới trong công nghiệp người ta có thể làm ra số của cải nhiều vô tận, nghĩa là người ta có thể làm thêm nhiều cái bánh và những người trong chính quyền Anh tin rằng họ có trách nhiệm bảo đảm cho sản xuất gia tăng.

Tích lũy vốn

 Người Anh đi buôn bán khắp nơi, nhờ thế tích lũy được vốn để đầu tư vào công nghiệp


Luân Đôn, một thành phố thủ đô nước Anh cũng là một hải cảng lớn nhất thời đó, là trung tâm của lối suy nghĩ mới mẻ đó, đó là của cải có thể được làm thêm ra nhiều hơn.  Cách làm ăn  mới của cuộc Cách Mạng Công Nghiệp cần có thêm nhiều tiền và phải có rất nhiều tiền để có thể phát triển thành công. Chính phủ Anh đóng vai phụ giúp trong việc tìm kiến thêm nhiều tiền để làm vốn phát triển.

Tại sông Thames này, nơi là trung tâm của buôn bán, trao đổi hàng hóa, trung tâm của chính trị, những người cai trị tại Anh và những người đứng đầu trong giới kinh doanh hợp tác chặt chẽ với nhau.

Trong khi tại Pháp, giới quí tộc dường như không giúp đỡ gì cho công việc kinh doanh của người dân, thì trái lại tại Anh, giới quí tộc lúc dó có tư tưởng thực tiễn là ủng hộ những người có chí phấn đấu vươn lên trở thành đứng đầu trong các lãnh vực kinh doanh.  Cụ thể là họ tìm cách kiểm soát các đại dương, bảo vệ con đường buôn bán đem lại của cải cho nước Anh.

Chính sách ngoại giao và quốc phòng của Anh khác với chính sách của Pháp và Tây Ban Nha. Trong khi các cường quốc tại đất liền châu Âu chú trọng vào việc xây dựng quân đội mạnh để đi chiếm nước khác và chiếm thêm đất tại châu Âu, thì người Anh bỏ ra phần lớn ngân sách nhà nước để xây dựng một lực lượng hải quân thật mạnh để bảo vệ công cuộc buôn bán của tư nhân Anh.

 Anh Quốc có hạm đội mạnh nhất thế giới từ thế kỹ 18 đến thế kỷ 20

Kết quả là từ đầu thế kỷ 18, Anh là một cường quốc về hải quân, có một hạm đội lớn nhất trên thế giới, tình trạng này kéo dài cho đến Thế Chiến 2.

Sức mạnh của hải quân này giúp cho đế quốc buôn bán Anh bành trướng và phát triển trong suốt thể kỷ 18.

Có một địa điểm quan trọng hơn tất cả các nơi khác trong việc giúp cho Anh có được tiền bạc, của cải để có được cái vốn vô cùng to lớn đầu tư vào cuộc Cách Mạng Công Nghiệp. Đó là vùng West Indies (Trung Mỹ).

 Bản đồ vùng West Indies, bao gồm nhiều đảo ở Trung Mỹ, được vẽ vào khoảng đầu thế kỷ 19

Địa điểm then chốt để phòng vệ vùng này là đảo Antigua. Một pháo đài vững chãi với đại bác phòng vệ địa điểm chiến lược ngoài xa. Điểm quan trọng nhất của địa điểm này là tại đây là vịnh English Harbor, một căn cứ của Hải Quân Hoàng Gia Anh. Địa điểm bất khả xâm phạm này bảo vệ một cách chắc chắn cho của cải nước Anh trên con đường buôn bán với vùng Đông Carribean tại Trung Mỹ và ngăn cấm các nước khác đi vào.

 English Harbor nằm ở phía Nam đảo Antiqua là vịnh thiên nhiên có núi cao xung quanh che chở tàu bên trong vịnh

Tiến sĩ Richard Murphy là giám đốc của Vườn Quốc Gia Hoàng Gia trên đảo Antigua nói:

- English Harbor là một vịnh thiên nhiên có khả năng phòng thủ cao với nước sâu, lối vào rất hẹp, chung quanh có núi cao, khi đem hạm đội vào đây thì sẽ được bảo vệ vững chắc. Nếu đem hạm đội vào đây trú ẩn vào mùa giông bão thì sẽ được an toàn. Rất ít đảo có địa hình hay một vịnh như thế này. Lúc nào cũng có khoảng từ tám đến mười lăm tàu ở đây. Vì sao các tàu ghé vào đây? Để họ có cơ hội sửa chữa tàu. Đây là tàu gỗ, đi trong biển nhiệt đới, vỏ tàu có thể bị hư hại bởi hà biển, hoặc đụng phải san hô, hoặc bị hư hại trong hải chiến với Pháp hoặc cướp biển, thì phải sửa chữa tại đây trước khi lại ra khơi trở lại Đại Tây Dương, tại đó không có căn cứ để sửa chữa.

Hỏi:

- Khi Anh có căn cứ hải quân như ở English Harbor thì nó có lợi thế như thế nào trong việc đối phó với tàu của Pháp?

Trả lời:

- Nhìn về tình hình tổng quát thì rất là có lợi vì bạn sẽ luôn luôn có một hạm đội sẵn sàng ở ngoài khơi. Không có những vịnh như thế này tại các đảo thuộc Pháp vì thế các tàu Pháp phải trở về Pháp mỗi năm. Đây là một điểm rất có lợi cho người Anh.

Hải Quân Hoàng Gia Anh đóng vai trò then chốt trong việc bành trướng buôn bán của đế quốc Anh, sự buôn bán này đem lại tiền bạc để đầu tư vào cuộc Cách Mạng Công Nghiệp.

Vào giữa thế kỷ 18, hai kẻ kình địch của Anh là Pháp và Tây Ban Nha bị bại trận trong cuộc Chiến Tranh Bảy Năm. Từ đó nước Anh có được vùng buôn bán rộng lớn nhất ở ngoại quốc. Cuộc buôn bán này không chỉ đem về Anh hàng hóa từ vùng West Indies, mà còn có thuốc lá từ Bắc Mỹ, các đồ gia vị từ Ấn Độ và trà từ Trung Hoa.

Việc duy trì tự do buôn bán là nguyên tắc của chính phủ Anh từ năm 1688.

Tại Anh, cuộc Cách Mạng Vinh Quang đã đem lại tự do kinh tế khi mà phần lớn sự độc quyền kinh tế bị hủy bỏ. Kết quả là doanh gia có thể đầu tư và hưởng lợi nhuận một cách tự do mà chính phủ rất ít khi can thiệp vào. Trong khi đó thì tại Pháp rất trái ngược. Chính phủ Pháp giữ chặt chẽ độc quyền về kinh tế. Hậu quả là tinh thần kinh doanh không nảy nở được.

Và tinh thần kinh doanh chính là trung tâm của sự thành công về kinh tế của nước Anh và cũng đưa đến chính sách thuộc địa.

Tại vùng West Indies, kinh doanh tập trung vào đồn điền. Ngày nay, cái cối xay trống rỗng này vẫn còn.  Và cũng còn những thành phố đẹp mà các chủ đồn điền đã từng sinh sống.

Đây là đồn điền Herbert. Nơi mà vợ của Đô Đốc Nelson sinh sống. Đây là phòng khách ở tầng trệt. Những người Anh giàu có nghỉ mát với làn gió từ Đại Tây Dương. Đời sống sang trọng và lịch sự là những cách những người thượng lưu da trắng hưởng.

Nhưng nhừng của cải này được làm ra với cái giá rất đắt cho con người. Đó là sự bóc lột và sự đau khổ của hàng triệu người nô lệ. Chính phủ Anh duy trì tự do kinh doanh nên những người buôn nô lệ có thể mua một số nô lệ khổng lồ từ các tù trưởng ở Nam Phi Châu, là những kẻ luôn luôn sẵn sàng bán người của bộ lạc mình, rồi nô lệ được chuyên chở vượt qua Đại Tây Dương.

 Hình vẽ người da đen nằm xếp hàng trên tàu khi được chở từ Phi Châu qua Trung Mỹ để làm nô lệ

Khi được đem đến vùng Carribean, nô lệ bị đối xử như các tài nguyên thiên nhiên, bị dùng đến khi kiệt sức để có thể đem lại lợi nhuận tối đa cho chủ nhân.

Đồn điền này là dấu tích nhắc nhở đến thời đó. Điều kiện sống của nô lệ vô cùng cơ cực. Do đó nhiều kẻ không thể sống sót hơn ba năm. Đây là một cái hang, đục vào trong núi đá, nơi sinh sống của nô lệ với khe nhỏ để lấy ánh sáng và không khí. Ngay cả hôm nay với cửa mở và có ánh sáng mà vẫn thấy rất khó chịu. Ở thời đó chắc nó giống như là một cái nhà  mồ chứa người sống. Tôi là sử gia chuyên viết về lịch sử mua bán nô lệ và thấy rất là đau lòng vì có những chuyện mà các bạn không thể ngờ đến được.

Trong thế kỷ 18 có hai triệu rưỡi nô lệ được chở qua Đại Tây Dương và đây là nơi nhiều người được đưa đến: đồn điền mía. Mía là nông sản mà nô lệ bị cưỡng bách phải trồng và việc trồng cây thì cực nhọc nhưng đem lại lợi nhuận rất lớn cho thuộc địa vùng West Indies. Lợi nhuận này đóng góp một phần rất quan trọng trong sự thịnh vượng của đế quốc Anh nếu nhìn tổng quát. Đến năm 1790, mía là món hàng nhập cảng nhiều nhất vào Anh.

Từ vùng West Indies và các vùng trong toàn thể đế quốc Anh, các thứ sản phẩm, trong đó có thuốc lá từ Virginia, gạo từ vùng Georgia (Mỹ ngày nay) đổ về Luân Đôn. Một số sản phẩm được tiêu thụ tại Anh, số còn lại được bán ra trên thị trường châu Âu.

Khối lượng buôn bán khổng lồ này đem lại hàng tỉ bảng Anh cho quốc gia tính theo thời giá bây giờ.

Số tiền đó được dùng ra sao khi nó nằm trong két sắt của nước Anh?

Phần lớn số tiền lợi nhuận làm ra từ việc bán đường làm từ mía và các sản phẩm khác trở thành tư bản được đầu tư vào nền công nghiệp nước Anh. Rồi một số sản phẩm công nghiệp làm ra tại nước Anh lại được đem bán ở vùng West Indies.

Ở đây chúng ta có di tích của nhà máy làm đường ở West Indies với máy hơi nước được chế tạo tại thành phố Glasgow ở Anh được mua và đem dùng ở dây.

Tính cho đến cuối thế kỷ 18 thì sản phẩm công nghiệp mà nước Anh xuất cảng trị giá lên đến hai tỉ rưỡi bảng Anh, tính theo giá thời nay.

Thí dụ này là một phần nhỏ trong cái vòng quay vĩ đại làm nên cuộc Cách Mạng Công Nghiệp tại Anh.

Cách mạng thương nghiệp

Sự bùng nổ về tài sản tràn về Luân Đôn như nước lũ tạo nên cuộc cách mạng về tài chánh. Các cơ sở mới như nhà băng, thị trường chứng khoán được lập ra. Các cơ sở tài chánh này là phương tiện để mọi người đầu tư tiền vào các ngành kinh doanh mới được lập ra.

Các của cải mới được làm ra này đã làm thay đổi đời sống của phần lớn người dân.

Tổng Sản Lượng Nội Địa (GDP) đã gia tăng hơn gấp đôi trong thế kỷ 18. Lần đầu tiên trong lịch sử nước Anh, nhiều người có dư dả tiền bạc để tiêu pha.

Khi của cải của quốc gia gia tăng thì tầng lớp trung lưu trong xã hội cũng gia tăng mau chóng. Họ có tiền nên họ muốn có gì để mà mua. Đây là cơ hội mà các doanh gia ở khắp nước đua nhau kiếm tiền bằng cách sản xuất ra hàng hóa để bán cho họ.

Sự ham muốn tiêu xài của tầng lớp này trong xã hội sinh ra một loạt các hàng hóa xa xỉ.

Trà đến từ Trung Hoa được dùng với đường từ West Indies. Sự tiêu thụ đưa đến lối sống mới sang trọng trong một xã hội thanh lịch đòi hỏi những đồ dùng trong nhà kiểu mới.

 Bức tranh bữa cơm gia đình vẽ năm 1567

Đây là bức tranh năm 1567 vẽ hình bữa cơm của gia đình họ Brook. Chúng ta có thể thấy có rất ít đồ dùng trên bàn. Có một đĩa to và các đĩa nhỏ bằng đồng. Hình ảnh đó rất tương phản với bức tranh vẽ bởi Richard Collins hai thế kỷ sau đó. Một gia đình đang uống trà. Bạn có thể nhìn thấy bộ đồ trà làm bằng đồng. Có bình trà có lò đốt ở phía dưới, một hộp đựng trà, có một hộp đựng đường mở nắp cho thấy có đường bên trong, có đĩa để đựng thìa, có bình nước nóng, có bát để bỏ lá trà vào. Tất cả các đồ dùng này đều phải được vẽ kiểu và sản xuất. Và chúng được vẽ kiểu và sản xuất tại Anh.

 Bức tranh gia đình uống trà của Richard Collins

Và cuộc cách mạng về tiêu thụ là đà thúc đẩy cuộc Cách Mạng Công Nghiệp.

Theo tôi thì có một một doanh gia vượt trội hơn những người khác. Nhìn ra cơ hội với thị trường tiêu thụ ngày càng gia tăng, Josiah Wedgwood. Ông ta sinh ra trong một gia đình làm đồ gốm tại vùng North Staffordshire. Ông được hưởng gia tài chỉ có hai mươi bảng Anh từ cha mình. Nhưng ông ta là người rất tài giỏi trong việc tạo ra sự đòi hỏi của người tiêu thụ và làm cho họ thỏa mãn nên đã trở thành người giàu nhất nước.

 Josiah Wedgwood

Ông Wedgwood cho rằng không thể trông đợi giới trung lưu tự biết là mình muốn mua các món đồ độc đáo được sản xuất tại khắp nơi ở Anh. Do đó ông ta phải thuyết phục được họ mua hàng, để họ có lòng ham muốn mua các món đồ dùng trong nhà. Như thế là ông là cha đẻ của ngành mà chúng ta gọi là quảng cáo và nghiên cứu thị trường.

Trong nhiều thế kỷ, các món đồ dùng trong gia đình được làm ra bởi những người thợ thủ công địa phương và bán tại các chợ cũng tại các địa phương. Từ đầu thế kỷ 18, các cửa tiệm đã bắt đầu được mở ra tại Luân Đôn và các thành phố lớn. Nhưng Wedgwood, hợp tác với người chuyên môn về nghiên cứu thị trường của ông ta, Thomas Bentley, đưa ra một quan niệm mới về cách bán hàng. Năm 1774, họ mở một phòng trưng bày được thiết kế chuyên để làm cửa tiệm bán hàng trong vùng phía Tây Luân Đôn, một vùng chuyên bán hàng mốt mới ra. Hai ông Wedgwood và Bentley hiểu rằng phụ nữ là là người sẽ mua các món hàng bằng sứ mà các ông bán. Do đó cửa tiệm có một căn phòng lớn, trong đó khách hàng sẽ được đón tiếp, chào hỏi, nói chuyện vui vẻ rồi sau đó họ được hướng dẫn đi vào phòng trưng bày để xem các sản phẩm tuyệt đẹp vừa mới được đem ra từ các xưởng sản xuất. Ông Wedgwood đã đi tiên phong trong cuộc cách mạng về bán hàng.

Cửa hàng Wedgwood & Bentley chuyên bán hàng cho khách sang trọng, thượng lưu quí phái, thuộc tầng lớp cao trong xã hội

Trong vòng một thập niên sau đó, chỉ riêng đường Oxford mà thôi đã  mở ra 153 cửa tiệm. Khách ngoại quốc đến thăm chóa mắt trước rừng sản phẩm tràn ngập.

Nhưng nguồn gốc của sự thành công là ông Wedgwood muốn rằng đồ sứ tráng men của ông ta phải luôn luôn có phẩm chất tuyệt hảo và phải được biết đến tại các phòng trưng bày ở Luân Đôn.

Sự thay đổi cho doanh nghiệp của ông Wedgwood xảy ra cho ông khi vào năm 1765, người phục vụ cho Hoàng Hậu Charlotte, một nhà quí tộc tại vùng Staffordshire hỏi những nhà làm đồ gốm rằng ai có thể làm đồ trà cho hoàng hậu dùng kỹ thuật mới nạm vàng vào đồ gốm.

Thiên tài của ông Wedgwood là hiểu được sức mạnh của tiếp thị. Nhiều cách quảng cáo tiếp thị mà chúng ta thấy ngày nay là đến từ con người nổi danh này. Ông biết rằng nếu đồ gốm của ông ta được Hoàng Hậu Chalotte ưa chuộng thì tất cả xã hội đều để ý và dùng. Do đó ông bỏ ra nhiều tháng để thử nhiều cách nạm vàng vào đồ gốm cho đến khi đạt được kết quả như ý muốn. Những món đồ gốm được hoàng hậu mua dùng được đặt tên là Queen’s Ware là tác phẩm thành công nhất của ông. Hãy nhìn cái tách này. Thật là độc đáo! Vàng được dính vào bằng mật, lâu ngày bị long ra nhưng cái tách trông vẫn rất đẹp mắt.

 Queen's Ware là đồ sứ có men màu kem được nạm vàng

Ông Wedgwood biết cách khêu gợi lòng hâm mộ của giới trung lưu khi gọi đồ gốm của ông là Queen’s Ware. Bây giờ thì họ có thể dùng đồ trà giống như là hoàng hậu dùng khi họ mua đồ gốm Queen’s Ware.

Ông Wedgwood hiểu danh tiếng sẽ làm cho hàng hóa bán nhiều hơn nên trên tất cả các giấy tờ làm ăn và hóa đơn ông ghi hàng chữ “Đồ Sứ Của Hoàng Hậu” và có nhiều bà hoàng, vua chúa mua đồ gốm của ông hơn. Ông lại thêm hàng chữ “Đồ Sứ Cho Bá Tước York”, đó là một ông Bá Tước nào đó ở vùng York. Rồi lại có hàng chữ “Đồ Sứ Cho Bá Tước Clarence”, sau này trở thành vua William IV. Với những tên tuổi quí tộc gắn liền với sản phẩm như thế thì bán được hàng chẳng khó khăn gì.

Cách mạng về vận tải

 Sản xuất công nghiệp cần có đường xá để chuyên chở nguyên vật liệu và sản phẩm


Sự cách mạng về tiêu thụ tạo ra vô số cơ hội kinh doanh nhưng cũng sinh ra vấn đề cho công việc sản xuất. Tuy có khả năng gia tăng buôn bán đó nhưng vào đầu thế kỷ 18 rõ ràng là có sự khó khăn trong việc chuyên chở nguyên liệu thô đến nơi chế tạo và việc chuyên chở sản phẩm đến nơi tiêu thụ. Vào thế kỷ 16 và 17, hệ thống đường xá rất kém cỏi. Mỗi địa phương chỉ lo cho đường chính trong địa phận của mình. Có vấn đề là giả sử bạn ở địa phận này và lo cho đường của mình tốt, nhưng khi đi qua vùng khác thì cùng con đường đó thì lại bị bỏ bê đầy những ổ gà. Do đó người ta nghĩ, tại sao lại mất công lo con cho con đường này tốt làm gì vì nó sẽ nối liền với con đường rất xấu sau đó. Tình trạng đó quả là tệ hại cho những người sử dụng đường xá.

Quốc Hội Anh muốn dùng luật pháp để đẩy mạnh việc thương mại. Năm 1706, Quốc Hội làm ra luật cho phép doanh gia được quyền làm đường đi xuyên qua các địa phận và bảo trì các đường này. Những người bỏ vốn ra làm đường có thể bắt người sử dụng phải trả tiền. Mọi người bắt chước nhau làm theo công thức này.

Không nơi nào lại cần đến đường xá như ở North Staffordshire. Ở đây nghề làm đồ gốm trở thành trung tâm công nghiệp của Anh. Khi ông Wedgwood và những người hợp tác làm ăn với ông khởi sự xây xưởng làm đồ gốm thì không có đường xá thuận tiện để chuyên chở nguyên liệu thô đến. Khi dùng lừa mang giỏ đựng đồ gốm để giao hàng thì một phần ba bị vỡ dọc đường khiến cho ông ta phải bán những món món đồ gốm còn lại được với giá đắt hơn.

Đến năm 1763, ông Wedgwood muốn có đường xá để chuyên chở sản phẩm đến nơi tiêu thụ nên đã thỉnh nguyện với quốc hội xin cho phép làm một con đường có thâu tiền đi từ xưởng đến quốc lộ. Bản đồ này cho thấy con đường mà Wedgwood đề nghị.

Tính từ năm 1706, con số đường do tư nhân làm có trạm thâu tiền gia tăng từ ba trăm dặm lên đến 15 ngàn dặm sau 70 năm.

Và các đường thâu tiền này không chỉ nối các thành phố lớn mà trở thành một hệ thống đường rất hữu hiệu phục vụ cho kinh doanh nối các thành phố nhỏ như Stoke on Trent, gần Uttoxeter, và đường xá thuận tiện cũng gia tăng việc trao đổi các ý kiến hữu ích trên khắp quốc gia.

 Tại Anh, tư nhân làm đường nên đường xá nối liền các địa điểm kinh tế, buôn bán

Tại Pháp thì trái lại, chính phủ nắm về việc làm đường thay vì những người kinh doanh. Kết quả là các đường xá nối liền các địa điểm quân sự thay vì các địa điểm công nghiệp.

 Tại Pháp, nhà nước làm đường nên đường xá nối liền các địa điểm quân sự

Khi đường xá ngày càng nhiều thì thời gian dành cho chuyên chở được rút ngắn và góp phần vào việc làm cho kinh tế phát triển nhanh hơn.

Nhưng điều vĩ đại liên quan đến kỹ thuật giao thông, điều thực sự giúp cho ông Wedgwood và đồng sự của ông phát triển, sự thay đổi này ảnh hưởng đến phong cảnh này ngày nay vẫn còn thấy, đó là những kinh đào. Kinh đào là những xa lộ của thế kỷ 18.

Trong trường hợp các kinh đào thì cũng chính là các doanh gia tư nhân đã khởi đầu.

Ông Wedgwood nhìn thấy dòng kinh đào bởi James Brindley chạy từ các mỏ than ở Manchester đến sông Mersey đã giảm giá chuyên chở than xuống một nửa. Ông nghĩ rằng kinh đào nối xưởng đồ gốm của ông ta ở Stoke On Trent có thể đem đất sét đến bằng sông Mersey và đem đá lửa dùng trong việc tráng men đến sông Trent.

Anthony Watts, là là chuyên viên nghiên cứu về lịch sử kinh đào, nói:

- Với một chuyến chuyên chở dùng thuyền trên kinh, dùng một người lái có thể chở ít ra đến cả trăm kiện hàng nếu chở bằng lừa. Tưởng tượng nó tương đương với việc dùng hàng ngàn con lừa chuyên chở mỗi ngày đến Stoke on Trent, và nhiều năm như thế. Đó là một sự cải thiện lớn lao về kinh tế mà quốc gia mong muốn và quốc hội cũng mong muốn như thế.

Ông Wedgwood dùng tài thuyết phục của mình để được dân biểu vùng North Staffordshire và các dân biểu khác ủng hộ. Ông gửi thư đến Quốc Hội đề nghị thành lập một công ty để đào kinh nối liền hai con sông Trent và Mersey. Ông tin tưởng vào  ưu điểm của phương tiện chuyên chở mới mẻ là kinh đào nên chuyển xưởng sản xuất chính đến cạnh nơi mà kinh đào sẽ được đào.

Nhưng có vấn đề là kinh đào sẽ chảy qua vùng nhiều dốc và đồi núi của North Stafford. Thế đất khó khăn này khiến cho kỹ sư Brindley tìm cách phải giải quyết và kết quả là xây dựng một công trình kỹ thuật tuyệt vời nhất của thời đó.

 Cổng vào đường hầm Harecastle

Việc đào đường hầm Harecastle được làm ở phía Bắc của Stoke on Trent.

Ông Anthony Watts nói:

- Đường hầm dài 2880 yards tính từ đầu này đến đầu kia, khoảng hơn một dặm rưỡi (2.6 km), dài gấp bốn lần đường hầm dài nhất thế giới thời đó. 
Hỏi :

Họ xây hầm bằng cách nào?

Ông Antony Watts trả lời :

- Họ làm bằng tay, dùng cuốc xẻng và chất nổ. Với các dụng cụ thô sơ họ xây hầm rất thẳng.

Bàn:

- Tài tình quá nhỉ ? Chúng ta có thể thấy đây, đường hầm trông thẳng tắp.

Ông Anthony nói tiếp:

- Mấy hết bẩy năm để làm đường hầm. Khi họ làm đường hầm, họ lấy đất đá từ trên đồi để xây đường hầm. 

Hỏi:

- Thế họ đi xuyên qua hầm bằng cách nào?

Trả lời:

- Vào thời đó, thuyền bè chưa có động cơ, họ đi bằng sức người. Hai người nằm ở hai bên mạn thuyền, lấy chân đạp vào thành hầm để đẩy thuyền đi.

Hỏi:

- Mất bao nhiêu lâu để đi qua hầm?

Trả lời:

- Mất vào khoảng hai tiếng đồng hồ. Đi như thế rất cực.

Đường hầm nối sông Trent và Mersey được hoàn tất năm 1777, trễ mất năm năm. Nhưng trong các thập niên sau đó, thuyền hẹp chui qua hầm đã chuyên chở hơn năm trăm ngàn tấn hàng hóa mỗi năm. Nhờ dùng đường thủy để giảm giá chuyên chở đến và đi từ Stoke on Trent. Kinh đào đã biến vùng Stoke on Trent thành một trong những trung tâm làm đồ gốm lớn nhất trên thế giới. Kinh đào này cũng làm cho những người tham gia vào đó trở thành rất giàu có.

Bàn đùa:

- Nhìn xuống nước đục ngầu thế này không biết khi mình rơi xuống thì có còn sợi tóc nào không?

Ông Anthony Watts trả lời:

- Nhưng biết đâu màu da ông nhờ thế lại trở thành sậm hơn.

Những kinh đào kiểu này được đào khắp nơi trong nước Anh nối liền các bờ biển, các dòng sông đã đem lại lợi ích cho công nghiệp Anh.

Nếu tôi chọn một biểu hiệu tượng trưng cho thời khởi đầu cuộc Cách Mạng Công Nghiệp thì đó là các kinh đào. Các kinh đào này đã làm giảm đi rất nhiều giá cả chuyên chở nguyên liệu thô đến các hãng xưởng và sự chuyên chở hàng hóa được sản xuất ra đến nơi tiêu thụ.

Sự hiện diện của các kinh đào phản ảnh lại cuộc Cách Mạng Công Nghiệp đã đem lại thành tựu kỹ thuật về mọi mặt của thời đó, nó cũng nói lên khả năng của Quốc Hội trong việc kiểm soát và cho phép đào kinh.

 Tòa nhà xung quanh toàn kính dùng làm chỗ cho Cuộc Triển Lãm Vĩ Đại năm 1851

Tính cho đến năm có Cuộc Triển Lãm Vĩ Đại năm 1851, sự lớn lao và sâu đậm do ảnh hưởng của 150 năm của Cách Mạng Công Nghiệp thật rõ ràng. Trong căn nhà triển lãm làm bằng kính trong suốt, hàng trăm ngàn gian hàng triển lãm đem lại vinh quang cho sức mạnh công nghiệp của Anh Quốc và nền kỹ thuật đáng khâm phục. Trong vòng sáu tháng, có đến hơn sáu trăm triệu người đến để xem các máy hơi nước đang được dùng trong các xưởng sản xuất,  xem việc sản xuất vải vóc theo lối công nghiệp, cùng là xem các máy kéo tàu hỏa bằng hơi nước đang được dùng chạy trên hệ thống đường sắt ngày càng mở mang. Tại đây được trưng bày cả những đèn đường được cải tiến để chiếu sáng hơn trước. Cuộc triển lãm này là lời bằng chứng cho lời kết luận rằng nước Anh lúc đó là một cường quốc công nghiệp hàng đầu trên thế giới. Nền công nghiệp đó sản xuất ra 2/3 tổng sản lượng than đá và một một nửa sản lượng thép trên thế giới.

 Bên trong nhà triển lãm
 
Đối với tôi thì cuộc Cách Mạng Công Nghiệp là yếu tố đem lại vị trí cho  nước Anh trong lịch sử thế giới.

Trong thế kỷ 18, có một sự quyết tâm và sự hăng hái thực hiện những điều mới mà người ta có thể làm, ý kiến mới, máy móc và dụng cụ mới, cách thức làm việc mới. Điều đó đã giải phóng tiềm năng của xã hội, giải phóng tiềm năng của quốc gia. Điều đó đã đưa nước Anh đến một thế giới mới của sự hoạt động và sức sống.

Sự kết hợp đặc biệt của nguồn khoáng sản giàu có với sự gia tăng tự do về chính trị, sự phóng khoáng hơn trong cách suy nghĩ cùng với quyền lực của triều đình khiến cho Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp có cơ hội xảy ra tại nước Anh hơn là tại các nơi khác trên thế giới. Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp xảy ra vì các điều kiện kinh tế đã chin mùi để sự thành công được bền vững.

Cuối cùng là điều thay đổi quan trọng nhất mà chúng ta vẫn còn ngày nay là sự tin tưởng là tương lai sẽ không bao giờ giống với thời quá khứ.

Phần lớn trong lịch sử, người ta chịu ảnh hưởng của quá khứ. Người ta lục lọi tìm tòi lại các giá trị trong quá khứ , nhiều người làm như những gì cha ông họ đã làm. Tình trạng này thay đổi hẳn vào thế kỷ 18. Ý kiến mới, máy móc mới đã tạo ra sự giàu có, nhờ đó mà mọi người tạo ra thay đổi trong khung cảnh mình sống, một thế giới mà phần lớn mọi người sống trong các thành phố. Chẳng trách gì người ta gọi sự thay đổi này là Cuộc Cách Mạng Công Nghiệp. Cuộc cách mạng này đã tạo ra thế giới mà chúng ta đang sống ngày nay. Chúng ta chịu ơn những thành tựu của những người đã tham gia cuộc cách mạng đó.

Lời thuyết minh của giáo sư Jeremy Black.
Người dịch: Minh Đức

1 comment:

  1. Bài viết rất hay, cảm ơn bạn đã chia sẻ
    Máy chà nhám cạnh cong chất lượng nhất tại TPHCM
    -----------------------quocduymaygo------------------------------

    ReplyDelete