Các Chủ Đề

Saturday, August 9, 2014

Mì Ăn Liền/Mì Tôm không thay được bữa cơm

Mì Ăn Liền do Nhật phát minh ra vào cuối thập niên 1950 (1958). Trong buổi bình minh của Mì Ăn Liền, nhiều người thích thú vì thấy chỉ cần vài phút là đã có một tô mì nóng thơm ngon. Mì Ăn Liên là cứu tinh của các sinh viên, học sinh, của những người ít thời giờ, những người phải làm khuya, học khuya, không có thì giờ nhiều để thổi nấu. Tuy rẻ tiền, tiện lợi, ít tốn thời gian sửa soạn, Mì Ăn Liền tuy vậy không thể thay thế cho một bữa cơm bình thường.



Trước hết, để xem Mì Ăn Liền cung cấp được gì cho cơ thể thì nên tìm hiểu cơ thể cần gì mỗi ngày qua các bữa cơm.

Đại khái, thực phẩm mà chúng ta cần mỗi ngày có thể chia thành ba nhóm:

- Chất đạm, có trong thịt, cá, trứng, sữa, đậu phụ, mì căn, một số loại đậu.

- Chất tinh bột, có trong gạo, mì sợi, bánh mì, bún, khoai.

- Chất béo, có trong mỡ lợn, bò, dầu chiên.

Mỗi ngày cơ thể cần khoảng 90 gr chất đạm, 200 gr chất tinh bột và 40 gr chất béo. Nhu cầu này có thể gia giảm tùy người, tùy theo người đó làm việc nhiều hay ít.

Một gói Mì Ăn Liền thường chứa khoảng 9 gr chất đạm, 50 gr chất tinh bột và 10 gr chất béo.

Một người thấy ăn một gói chưa no thì ăn hai gói mì mỗi bữa ăn. Mỗi ngày người đó ăn bốn gói mì thì có được 200 gr chất tinh bột và 40 gr chất béo. Còn chất đạm thì chỉ có được 36 gr, còn thiếu nhiều so với nhu cầu chất đạm đáng lẽ phải có. Vì ăn đủ tinh bột và chất béo nên thấy no, nhưng vì thiếu chất đạm nên cơ thể vẫn yếu, làm việc mau mệt, gặp việc nặng thì thấy ớn, muốn lẩn tránh.



Chất tinh bột cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, có thể ví như là xe cần đổ xăng để chạy. Còn chất đạm cung cấp vật chất cho các bắp thịt, các cơ quan trong cơ thể, có thể ví như là xe chạy thì cần phải thay đồ phụ tùng khi các bộ phận của xe bị hao mòn hư hỏng. Nếu chỉ đổ xăng cho xe thì cũng chạy được nhưng lâu ngày các bộ phận bị hư hỏng, bị mòn mà không thay thì đến lúc nào đó xe không thể chạy được nữa.

Tuy gọi là mì tôm, mì cua, mì gà, mì bò nhưng thật ra gói bột của Mì Ăn Liền thường không có chất tôm, cua, gà hay bò. Thường thì bột này chứa muối, các gia vị cho ngon miệng, bột ngọt (mì chính) và mùi tôm, mùi cua, mùi gà hay mùi bò nhân tạo, làm từ chất hóa học chứ không phải làm từ động vật thật.

Như vậy, ăn một gói mì thì chỉ là ăn bột mì với nước muối. Nhưng vì nước muối này được làm thơm ngon nên người ăn thấy ngon miệng. Chất đạm thường có trong thịt động vật cũng không có trong mì mà chất đạm này là ở trong bột mì. Ăn một bữa với Mì Ăn Liền là chỉ ăn chất tinh bột với một ít muối, tương đương với một bữa cơm ăn với muối mà không có thức ăn.


Ngay cả một bữa cơm xoàng, cơm ăn với tép rang cũng bổ dưỡng hơn Mì Ăn Liền.  Tép cung cấp chất đạm cho cơ thể. Như thế bữa cơm đó vừa có chất tinh bột, là cơm, vừa có chất đạm, là tép. Một gói xôi lạc thì có chất đạm ở trong lạc và chất tinh bột ở trong gạo nếp. Gói xôi vò thì có chất đạm trong đậu xanh và chất tinh bột trong gạo nếp.

Chất đạm có nhiều trong thịt, cá, trứng, sữa. Người ta cho rằng các thực phẩm này bổ chính là vì nó có chứa nhiều chất đạm, nhưng cũng đắt tiền. Đối với người ăn tiết kiệm thì thịt, cá, trứng, sữa không phải lúc nào cũng có tiền để mua. Để có chất đạm rẻ tiền hơn, có thể dùng đậu phụ (tàu hủ), có chứa chất đạm của đậu nành, hoặc mì căn, có chứa chất đạm của lúa mì.


Vì đậu phụ chứa ít chất đạm hơn thịt nên phải ăn nhiều đậu phụ mới bằng một miếng thịt nhỏ. Thời xưa, ở Trung Hoa, những người luyện tập võ công cần có bắp thịt để phát huy sức mạnh cú đánh của mình. Những người nghèo không có tiền mua thịt thì họ ăn đậu phụ để có chất đạm cho bắp thịt, nhưng phải ăn nhiều. Một bìa đậu phụ thường thì một gia đình chia nhau ăn, nhưng người tập võ có khi ăn cả rổ đậu phụ, có thế họ mới có sức mà múa võ.

Mì căn cũng có chứa nhiều chất đạm lấy từ bột mì. Những người ăn chay thường dùng mì căn chế biến thành các món giả thịt, giả giò. Xem ra những người ăn chay rất khôn. Họ biết họ không ăn thịt, cá nên sẽ thiếu chất đạm nên họ ăn đậu phụ, mì căn để có chất đạm thay thế cho chất đạm của thịt cá.

Mì căn


Mì căn làm giả thịt

Một gói Mì Ăn Liền không thể thay thế một bừa cơm vì thiếu nhiều chất đạm. Chỉ ăn mì không thì chẳng khác gì ăn cơm với muối. Để có đủ chất đạm cho bắp thịt cần ăn thêm với các món giàu chất đạm. Nếu ít tiền thì ăn thêm với đậu phụ, mì căn, các loại đậu thì cũng gọi là đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể.

Một số cách gọi tên

Chất đạm, tiếng Anh: Protein (prô tê in) , danh từ hóa học: Protid .

Chất tinh bột, chất bột, tiếng Anh: Carbohydrate (đọc là Các-bô-hai-đrết), gọi tắt là Carb, danh từ hóa học: Glucid .

Chất béo, tiếng Anh: Fat (Phát), danh từ hóa học: Lipid .

 Phi Long



 

 Ăn nhiều mì ăn liền không đủ chất bổ

 
Trong đời sống bận rộn hiện nay, mì ăn liền đang trở thành loại thực phẩm được sử dụng rất phổ biến. Ưu điểm của mì ăn liền là rẻ tiền, tiện dụng và giúp tiết kiệm thời gian nên được nhiều người chọn dùng, nhất là những người thường xuyên bận rộn với công việc, những người sống độc thân ngại thổi nấu và nhóm học sinh, sinh viên…

Mì ăn liền (còn được gọi là mì tôm, mì gói) là món mì khô chiên trước với dầu, thường được dội nước sôi vào, đợi 3 – 5 phút là ăn ngay không phải đun nấu. Tuy nhiên, suất mì ăn liền không thể thay được bữa ăn hằng ngày vì không đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, giá trị dinh dưỡng không cân bằng. Mì ăn liền chứa rất nhiều chất béo bão hoà (shorteming) và chất bột, nhưng thiếu pô-tê-in động vật, thiếu chất xơ và thiếu vitamin.



Có quá nhiều chất béo bão hoà trong mì ăn liền. Qua khảo sát một số nhãn sản phẩm mì ăn liền phổ biến nhất trên thị trường nước ta thấy trung bình mỗi gói mì cung cấp 30% năng lượng chất béo. Đây là chỉ số quá cao, vì theo tiêu chuẩn mỗi người chỉ cần 15 – 20%, tối đa là 25% hàm lượng chất béo trong khẩu phần năng lượng bữa ăn. Trong khi đó hàm lượng pô-tê-in trong mỗi gói mì chỉ đạt dưới 10% khẩu phần năng lượng và đều là đạm thực vật, thiếu đạm động vật, thiếu chất xơ và những vitamin từ rau quả, mất cân bằng về giá trị dinh dưỡng. Với khẩu phần dinh dưỡng trong các gói mì ăn liền hiện nay đang bị mất cân bằng như vậy, nếu ăn nhiều mì thay thế bữa ăn hằng ngày mà không bổ sung thêm thịt, rau bên ngoài sẽ dẫn đến thiếu máu, chậm phát triển, suy dinh dưỡng, thiếu vitamin, nhưng lại tăng nguy cơ béo phì, cao huyết áp, tiểu đường… Đối với những người mắc bệnh tim mạch, ăn thường xuyên mì ăn liền càng có hại hơn. Một người bình thường cũng không nên ăn quá một gói mì ăn liền mỗi ngày.

Theo khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng, ta không nên dùng mì ăn liền thay cho bữa ăn chính hằng ngày vì sản phẩm này không cung cấp đủ các chất dinh dưỡng cần thiết. Để bảo đảm sức khoẻ, khi sử dụng mì ăn liền chúng ta nên bổ sung thêm rau xanh và các loại đạm động vật như thịt, trứng… để bù đắp lượng vitamin và pô-tê-in thiếu trong mì ăn liền.

Cảnh giác với mì ăn liền có chứa Trans fat

Gần đây, Trung tâm dịch vụ Phân tích Thí nghiệm thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh đã phát hiện Trans fat có trong nhiều sản phẩm mì ăn liền rất đáng ngại: 38% mẫu mì gói chứa Trans fat. Điều này làm cho nhiều người tiêu thụ giật mình, nhất là những người dùng mì ăn liền hằng ngày.

Chất béo Trans fat được sinh ra trong quá trình chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao sử dụng phương pháp hyđro hoá. Trong quá trình sản xuất, mì ăn liền được chiên với dầu shorteming ở nhiệt độ cao nên dầu dễ bị ô-xy hoá, nếu dùng để chiên đi chiên lại nhiều lần sẽ có khả năng tạo ra các chất béo dạng Trans fat nhiều hơn. Trans fat là loại chất béo vô cùng nguy hiểm. Nó làm tăng cô-lét-tơ-rôn xấu đồng thời làm giảm cô-lét-tơ-rôn tốt trong máu dẫn đến các bệnh tim mạch.

Theo tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Trans fat gây tăng mức cô-lét-tơ-rôn xấu trong máu dẫn đến nguy cơ tăng các bệnh tim mạch: Ngoài ra khi xâm nhập cơ thể, chất béo này tạo ra những mảng mỡ bám vào thành mạch máu gây hẹp lòng động mạch làm giảm sự lưu thông của máu, dần dần bịt kín mạch máu khiến máu không lưu thông được, gây tắc nghẽn và dẫn đến nguy cơ đột quỵ. Trans fat nguy hiểm như vậy, ở nhiều nước phát triển đã có luật cấm dùng chất béo Trans fat trong thực phẩm và bắt buộc các nhà sản xuất phải ghi đầy đủ hàm lượng Trans fat có trong thực phẩm ngay trên nhãn mác. Cũng vì vậy, trên nhãn sản phẩm mì ăn liền ở những nước này đều có ghi rất đầy đủ thành phần dinh dưỡng và axit béo bão hoà, axit béo dạng Trans fat. Còn tại nước ra hiện vẫn chưa có bất cứ quy định nào của cơ quan quản lí thực phẩm về Trans fat. Tuy nhiên hiện nay đã có nhà sản xuất mì ăn liền tiên phong trong việc ghi rõ thông tin không có Trans fat trên bao bì sản phẩm.

Trong khi chờ đợi những quy định về hạn chế Trans fat được ban hành và thực thi ở nước ta, người tiêu dùng cần tự bảo vệ bằng cách chọn lựa sản phẩm của những nhà sản xuất có uy tín, đọc kĩ thông tin in trên bao bì, không mua những sản phẩm không có lợi cho sức khoẻ, những sản phẩm nghi ngờ có Trans fat.

Bác sĩ Kim Minh




Ăn mì quá nhiều bạn sẽ gặp vấn đề về sức khỏe

Thành phần của mì ăn liền gồm: Bột mì, dầu ăn, bột ngọt cùng các loại gia vị tạo nên mùi vị cho mỗi gói mì. Qua quá trình sấy khô hay chiên qua dầu thì giá trị dinh dưỡng còn lại của mì rất thấp, ít vitamin, chất xơ và khoáng chất.

Trong mì ăn liền có hàm lượng natri cao nên dễ dây tăng huyết áp, bệnh tim, đột quỵ, suy thận và một số vấn đề sức khỏe khác. Vì vậy mà các nhà y khoa đã cảnh báo và thậm chí là chống chỉ định với những người huyết áp cao không được ăn nhiều thực phẩm giàu natri.

Ngoài ra, chất sáp trong mì cũng gây tổn hại cho người dùng. Khi ăn một lượng mì lớn, chất sáp này sẽ làm cho sức khỏe bị ảnh hướng do chất propylene glyco dễ dàng được hấp thụ và tích trong tim, gan, thận gây ra những bất thường và tổn thương và đặc biệt còn gây suy giảm hệ thống miễn dịch.









3 comments:

  1. Mì ăn liền không đủ dinh dưỡng để thay thế cho một bữa ăn, nhưng nó lại là món ăn rẻ tiền nhất dành cho sinh viên và những người thu nhập thấp. dù rất đau lòng nhưng Việt Nam vẫn 1 trong những nước đứng đầu thế giới về tiêu thụ mỳ tôm.
    cơm trưa văn phòng quận 3
    com trua van phong quan 3

    ReplyDelete