Các Chủ Đề

Thursday, October 2, 2014

2014: Mỹ đang đánh sụt giá dầu hỏa?

Những người sống ở các nước công nghiệp như tại châu Âu, Mỹ, Canada thường thấy khi vùng Trung Đông có chiến tranh, có biến động thì giá dầu hỏa tăng cao và họ thấy giá xăng dầu gia tăng khi họ đổ xăng cho xe . Nhưng lần này, khi nhóm Quốc Gia Hồi Giáo (dịch từ tiếng Anh Islamic State, gọi tắt là IS) tấn công ở Iraq rồi Mỹ và nhiều nước họp lại ngăn chận thì vào thời điểm tháng 9 năm 2014, giá dầu hỏa vẫn không gia tăng mà còn tiếp tục đi xuống. Vì sao lại có sự bất thường như vậy?


Biểu đồ giá dầu hỏa trong một năm. Cách đây một năm, giá dầu cao nhất là 116 USD/thùng. Qua tháng 9-2014 giá dầu đã tụt xuống 96 USD/thùng rồi xuống 92 - 93 USD/thùng, qua tháng 10-2014 giá dầu tiếp tục đi xuống đến 90 USD/thùng

Một bài viết trên CNN giải thích có một số lý do như sau:

- Nhóm IS không chiếm nhiều mỏ dầu nên không ảnh hưởng đến sản lượng dầu .

- Các nước châu Âu và Trung Quốc kinh tế không mạnh nên không dùng nhiều dầu, do đó cầu giảm đi .

- Mỹ ngày nay sản xuất nhiều dầu hỏa và khí đốt ở trong nước nên ít cần nhập cảng dầu hỏa từ vùng Trung Đông . Vì thế biến động ở vùng Trung Đông ít ảnh hưởng đến giá xăng dầu ở Mỹ .

Giải thích như vậy thì nghe cũng có vẻ có lý. Nhưng trước đây, sự căng thẳng và chiến tranh thường làm cho giá dầu gia tăng dù là chưa ảnh hưởng đến sản lượng dầu hỏa. Khi một số đại diện của hãng dầu hỏa bị chính phủ Mỹ chất vấn thì họ trả lời giá dầu gia tăng là do có những kẻ đầu cơ trên thị trường.

Sự căng thẳng ở Trung Đông và kinh tế chậm lại ở châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ vẫn thường có mà không làm cho giá dầu đi xuống nhanh như hiện nay. Chỉ có việc Mỹ sản xuất nhiều dầu hỏa hơn là yếu tố mới.

Theo một số bài báo thì cho đến năm 2020 - 2025, Mỹ sẽ hoàn toàn tự túc về dầu khí mà còn có thể xuất cảng nữa. Như vậy sẽ có rất nhiều dầu ở Trung Đông mà Mỹ không nhập sẽ bị dư thừa ra.

Năm 2003, sau khi Mỹ bị bọn khủng bố đâm máy bay vào hai tòa nhà World Trade Center thì tổng thống Mỹ George Bush nói rằng Mỹ hiện đang lệ thuộc quá nhiều vào nhập cảng dầu hỏa và trong tương lai, Mỹ sẽ tìm cách giảm bớt sự lệ thuộc này. Những lời tuyên bố đó hóa ra không phải là tuyên bố xuông để lấy lòng dân Mỹ mà Mỹ đã làm thật.

Việc Mỹ gia tăng sản xuất dầu hỏa chẳng những giúp cho Mỹ bớt bị các nước Trung Đông làm khó dễ mà có thể còn là một cú đánh vào các nước Trung Đông thù nghịch với Mỹ và đánh vào phong trào khủng bố Hồi Giáo.

Nước thù địch với Mỹ là Iran nhờ có nguồn lợi dầu hỏa mà có tiền tài trợ cho việc phát triển vũ khí và giúp các nhóm Hồi Giáo thân Iran như Hezbola, Hamas, là những nhóm gây khó khăn cho Do Thái ở vùng Trung Đông.

Nói chung, nhờ các nước Hồi Giáo có tiền dồi dào nhờ xuất cảng dầu hỏa nên họ có tiền giúp cho các tổ chức, các cộng đồng Hồi Giáo trên khắp các nước thế giới.  Khi sự hưng thịnh của Hồi Giáo đi lên thì một số kẻ quá khích chủ trương dùng vũ lực để tranh đấu tiến đến thành lập một siêu quốc gia Hồi Giáo trên thế giới, biến cả thể giới thành Hồi Giáo.

Việc Mỹ tự túc được dầu hỏa, nhập cảng ít đi từ vùng Trung Đông sẽ làm cho vùng Trung Đông cạn đi một nguồn thu nhập nhiều tỉ đô la mỗi năm. Tiền thu nhập do xuất cảng dầu bị ít đi thì một số nước sẽ ít tiền hơn để tài trợ cho các tổ chức Hồi Giáo vũ trang.

Vào năm 2004, việc Iran chế tạo vũ khí trở nên vấn đề căng thẳng đối với Mỹ và Do Thái. Lúc đó, có một tờ báo ở Trung Đông đăng tin đến tháng 4-2004 thì Do Thái sẽ ném bom Iran để phá các trung tâm nguyên tử của Iran. Nhưng chuyện đó đã không xảy ra. Một nhà phân tích Do Thái nói rằng nếu giá dầu xuống dưới 100 USD/thùng thì Iran sẽ bị thiếu hụt ngân sách. Ông ta cho rằng nếu Mỹ và Do Thái không dùng quân sự đánh Iran được thì đánh vào kinh tế là làm hạ giá dầu thì Iran sẽ gặp khó khăn về kinh tế.

Biểu đồ cho thấy các nước trong khối OPEC cần giá dầu tối thiểu là bao nhiêu để có đủ tiền cho ngân sách. Iran cần bán dầu với giá trên 120 USD/thùng thì mới đủ ngân sách để chi tiêu.


Có lúc Mỹ kêu gọi Arab Saudi gia tăng sản xuất dầu để giảm bớt giá dầu nhưng nước này không thể kêu gọi các nước OPEC (Organization of Petrolium Exporting Countries, Tổ Chức Các Nước Xuất Cảng Dầu Hỏa) cùng hạ mức sản xuất. Các nước OPEC cùng nhau quyết định rằng khi nào sản xuất hơi dư thừa làm cho giá dầu đi xuống thì họ lại cắt giảm sản xuất. Nhờ thế họ giữ được giá dầu ở trên mức 100 USD/thùng trong nhiều năm liên tiếp. Hiện nay giá dầu đi xuống vì Mỹ gia tăng sản lượng dầu. Các nước OPEC muốn cắt giảm sản lượng để nâng giá thì họ sẽ bị thiệt hại vì số lượng dầu bán ra ít đi. Nếu họ không cắt giảm sản lượng thì họ cũng bị thiệt hại vì giá dầu rẻ hơn trước. Đó là nhược điểm của việc kinh tế dựa vào xuất cảng dầu hỏa. Mỹ hiện nay như một con buôn có rất nhiều hàng, tung hàng ra ồ ạt để phá giá làm cho các con buôn khác méo mặt.

Nga cũng dựa vào tiền xuất cảng dầu hỏa như Iran vậy. Mới đây, có kinh tế gia tiên đoán nến giá dầu xuống dưới 100 USD/thùng thì Nga sẽ thiếu hụt ngân sách phải tiêu vào quĩ dự phòng. Quĩ dự phòng có thể kéo dài được vài năm, giúp cho Nga vượt qua khó khăn khi giá dầu tạm thời xuống giá. Nhưng nếu giá dầu thấp quá lâu thì Nga lại phải tiêu vào quĩ dự phòng chiến lược. Ngay cả khi giá dầu còn cao, vào năm 2012, báo An Ninh Thủ Đô đăng một bài nói rằng vì chính phủ thiếu ngân sách nên các hãng chế tạo vũ khí của Nga thiếu kinh phí, gặp khó khăn trong việc sản xuất vũ khí mới. Đồng thời Nga cũng thiếu kinh phí để hiện đại hóa quân đội. Đó là thời điểm năm 2012. Ngày nay, với giá dầu càng xuống thấp thì vấn đề thiếu kinh phí lại càng trầm trọng thêm với Nga.

Biểu đồ cho thấy sản lượng khí đốt của Mỹ gia tăng đáng kể nhờ vào khí đốt lấy từ đá phiến (Shale Gas)

Mỹ lúc gần đây đã tìm ra được cách khai thác dầu mới nên sản lượng dầu tăng lên nhanh chóng. Đó là cách khai thác dầu từ đá phiến. Nhờ gia tăng sản lượng dầu, Mỹ không còn bị động trong vấn đề năng lượng mà còn có thể chủ động gây khó khăn cho nước khác. Đó là nhờ Mỹ có sáng kiến, phát minh về khoa học, kỹ thuật, tìm ra được cách khai thác dầu mới. Người Trung Hoa có câu: "Tay áo dài dễ múa, vốn dài dễ buôn". Một nước có khả năng sáng tạo, phát minh về khoa học, kỹ thuật dễ xoay xở hơn các nước khác.

Minh Đức


4-10-2014

Theo tin từ báo The Telegraph thì các nước OPEC (Organization of Petrolium Exporting Countries, Tổ Chức Các Nước Xuất Cảng Dầu Hỏa) sẽ họp vào tháng 11 mỗi năm để quyết định về sản lượng dầu để duy trì giá dầu thô ở mức trên 100 USD/thùng hay không. Hiện nay, Iran thì kêu gọi cắt giảm sản lượng dầu ngay lập tức. Còn các nước khác trong OPEC thì nói hãy đợi thêm ba tháng nữa để xem giá dầu ra sao rồi hãy quyết định. Nói chung các nước sản xuất dầu cần duy trì giá dầu ở trên mức 100 USD/thùng để duy trì sự thịnh vượng cho nền kinh tế của mình. Nhưng Iran là nước bị ảnh hưởng khi giá dầu đi xuống nhiều nhất nên muốn cắt sản lượng dầu cấp tốc. Đó là vì kinh tế Iran bị lệ thuộc quá nhiều vào việc xuất cảng dầu, Iran dùng tiền xuất cảng dầu cho quân sự và giúp đỡ các tổ chức vũ trang thân Iran ở các nước khác, lại thêm Iran đang bị các nước Tây phương cấm vận kinh tế vì Iran đang chế tạo vũ khí nguyên tử.  Trong khi đó có một nguồn tin khác nói rằng Arab Saudi quyết định hạ giá bán dầu và không cắt giảm sản lượng dầu. Các tin tức này cho thấy nội bộ khối OPEC bắt đầu lủng củng vì dầu sụt giá sau nhiều năm đoàn kết với nhau để giữ được giá dầu ở trên mức 100 USD/thùng.




No comments:

Post a Comment