Tôn Đức Thắng (1888 - 1980) |
Ngày 20-8-2003, tại Việt Nam có lễ kỷ niệm 115 năm ngày sinh của chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980). Nhân dịp này, đài BBC phỏng vấn giáo sư Christoph Giebel, hiện dạy tại khoa Sử đại học Washington, Hoa Kỳ và là một chuyên gia nghiên cứu về ông Tôn Đức Thắng.
Sau khi chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, ông Tôn Đức Thắng được bầu làm chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó là nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tại Việt Nam, đã có khá nhiều cuốn sách, bài báo viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của ông Tôn Đức Thắng, ví dụ “Đồng chí Tôn Đức Thắng, người chiến sĩ cộng sản kiên cường, mẫu mực” (NXB Sự Thật, 1982), “Người thủy thủ phản chiến ở Biển đen" (NXB Thông tin lý luận, 1988)...
Sắp tới đây, nhà xuất bản của đại học Washington sẽ phát hành quyển sách của giáo sư Christoph Giebel nói về cách viết sử của Việt Nam hiện đại, thông qua trường hợp ông Tôn Đức Thắng. Quyển sách này lật ngược lại một số chi tiết chủ chốt liên quan cuộc đời nhà cách mạng họ Tôn.
Giáo sư Christoph Giebel |
Hình bìa cuốn sách Imagined Ancestries of Vietnamese Communism (Các bậc tiền bối tưởng tượng của phong trào Cộng Sản Việt Nam) |
BBC: Ông có thể tóm tắt những điểm chung trong các tài liệu lịch sử chính thức tại Việt Nam về ông Tôn Đức Thắng?
Christoph Giebel: Những chủ đề chính nổi bật đó là tính cách cá nhân của ông Tôn, một người rất khiêm tốn, giản dị, sống thật với bản chất và lý tưởng của mình. Ông ấy được mô tả như một nhà cách mạng kiểu mẫu. Một bài viết về ông Tôn có tựa đề “Một người bình thường, vĩ đại” và tôi nghĩ cái hình ảnh “một người bình thường, vĩ đại” là cách mà ông Tôn được nhìn nhận ở góc độ cá nhân.
BBC: Ở góc độ một nhà cách mạng, các tài liệu chính thức nhấn mạnh điều gì ở ông Tôn Đức Thắng?
Christoph Giebel: Với tư cách một nhà cách mạng, điều chủ yếu được nhấn mạnh là tinh thần nhiệt tình cách mạng của ông Tôn, một sự nhiệt tình mà đã bắt đầu sau khi, hay thậm chí trước cả thời Thế chiến thứ Nhất. Đó là những hoạt động thời kì ban đầu ở Sài Gòn khi ông là công nhân, rồi khi ông bị buộc phải sang Pháp thời kì Thế chiến thứ nhất, ông trở thành thủy thủ trên một con tàu chiến của Pháp, con tàu mà sau đó tham gia cuộc nổi loạn nổi tiếng ở Hắc Hải năm 1919 khi các thủy thủ Pháp không chịu tham gia sự can thiệp quân sự của các thế lực phương Tây chống lại cách mạng tháng Mười Nga. Cho đến ngày nay, vụ nổi loạn ở Hắc Hải vẫn là biểu tượng nổi bật nhất cho hoạt động cách mạng của ông Tôn. Một điểm thứ hai rất quan trọng trong cuộc đời ông Tôn là trong thập niên 1920 khi Tôn Đức Thắng quay lại Sài Gòn và bắt đầu tổ chức phong trào công nhân ở đây. Và năm 1925, chuyện kể rằng ông Tôn Đức Thắng tổ chức cuộc biểu tình chính trị đầu tiên tại Việt Nam để giam chân một chiến hạm Pháp nhằm ủng hộ phong trào cách mạng tại Trung Quốc. Hai câu chuyện này trở thành những biểu tượng quen thuộc nhất khi người ta nhắc đến cuộc đời cách mạng của ông Tôn Đức Thắng.
BBC: Đó là những chi tiết người ta tìm thấy trong các tài liệu, văn kiện chính thức viết về ông Tôn Đức Thắng. Nhưng trong quyển sách của ông sắp phát hành, mà vốn ban đầu là một luận án tiến sĩ, ông đưa ra những phản đề khác?
Christoph Giebel: Vâng. Những phản đề của tôi không liên quan tới việc xem lại tính cách cá nhân của ông Tôn. Bởi vì qua các cuộc phỏng vấn và tài liệu nghiên cứu của tôi, tôi tin là việc mô tả ông Tôn như một người giản dị, khiêm tốn có lẽ là chính xác. Ông ấy có vẻ như một người dễ mến, không tranh giành quyền lực với ai trong đảng. Nhưng điều mà tôi muốn xem lại là cách mô tả các hoạt động cách mạng của ông Tôn. Trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn này, thì tôi có thể khoanh lại ba điểm chính. Thứ nhất, tôi cho rằng không có bằng chứng cho thấy ngay từ thời rất trẻ, thậm chí trước cả thời Thế chiến thứ nhất, ông Tôn đã hoạt động rất tích cực trong các hoạt động cách mạng tại Sài Gòn. Cách viết sử của đảng cộng sản đã nặn lại các dữ kiện để mô tả ông ngày từ hồi trẻ đã thuộc về giai cấp vô sản. Hai điểm còn lại liên quan tới hai sự kiện mô tả vai trò của ông Tôn trong cuộc binh biến ở Hắc Hải và cuộc bãi công ở xưởng đóng tàu Ba Son. Và theo tôi, việc mô tả chính thức hai sự kiện này đều không chính xác.
BBC: Về điểm đầu tiên, vì sao ông lại nói ngay từ đầu, ông Tôn Đức Thắng chưa phải là một chiến sĩ cách mạng của giai cấp công nhân?
Christoph Giebel: Tôn Đức Thắng là một trong những học sinh đầu tiên của trường cơ khí Sài Gòn (École des mécaniciens asiatiques de Saigon). Các sử gia Việt Nam thường mô tả là ông Tôn bị buộc thôi học vì những hoạt động đấu tranh ban đầu của ông, và rồi ông bị ép gia nhập hải quân Pháp với tư cách công nhân. Nhưng một tài liệu về ông Tôn, mà thật ra được lưu giữ tại Bảo tàng cách mạng ở TP. HCM, không nói ông ấy bị buộc gia nhập gì cả, mà lại nói ông Tôn được tuyển mộ. Cách viết sử của Việt Nam hiện nay phần nào cố gắng phóng đại sự việc bằng cách nói ông Tôn bị ép đi làm thủy thủ trên tàu Pháp bởi vì nếu nói ông ấy được tuyển lựa, thì sẽ giảm nhẹ sức mạnh luận cứ nói là ông Tôn đã rất tích cực trong hoạt động chống thực dân ngay từ khi còn trên ghế trường cơ khí.
Chuyện cắm cờ ở Hắc Hải
BBC: Quay sang sự kiện ở Hắc Hải, được biết trong cuốn sách của ông có viết trên thực tế, ông Tôn Đức Thắng không có mặt tại Hắc Hải khi vụ nổi loạn xảy ra. Nếu điều này là đúng, như vậy cũng có nghĩa không có việc ông Tôn kéo cờ trên Hắc Hải. Đâu là bằng cớ của ông?
Christoph Giebel: Trong quyển sách của tôi, tôi tin rằng ông Tôn Đức Thắng không có mặt trên bất kì con tàu nào của Pháp liên quan vụ binh biến ở Hắc Hải. Tôi tin là vào thời điểm đó, ông Tôn Đức Thắng đang ở Toulon, cảng miền nam nước Pháp. Lúc đó ông ấy chứng kiến những diễn biến cách mạng của giới lao động và thủy thủ Pháp. Và khi về Việt Nam, ông mô tả những kinh nghiệm của mình tại Toulon như là nó đã diễn ra ở Hắc Hải. Ở đây có sự thay đổi thú vị các sự kiện lịch sử. Ông Tôn Đức Thắng quay về Sài Gòn năm 1920. Và không lâu sau đó, ông kể lại cho các đồng chí trẻ tuổi về sự kiện ở Hắc Hải. Tôi cho là lúc đó ông Tôn dùng Hắc Hải chỉ nhằm để tăng thêm uy tín trước các công nhân trẻ, những người mà ông Tôn đang muốn quy tụ – mặc dù toàn bộ những kinh nghiệm ông Tôn có được chỉ là thông qua giai đoạn ở cảng Toulon miền nam nước Pháp. Ông đã thấy những biến động cách mạng ở miền nam nước Pháp, nhưng ông làm cho chúng trở nên quan trọng hơn bằng cách nói là ông đã đến Hắc Hải.
Tàu Jean Bart, một trong hai chiến hạm tham gia cuộc nổi loạn ở Hắc Hải. Chiếc tàu kia tên là France, giống hệt như tàu Jean Bart vì cả hai đóng theo kiểu tàu Courbet chạy bằng hơi nước của Pháp |
Tàu France |
Tàu Jean Bart bị trúng đạn |
Ông Tôn không bao giờ kể lại đầy đủ chi tiết ông đã làm những gì khi ở Hắc Hải. Ông chỉ nói mình đã ở trong hàng ngũ những người cách mạng Pháp, những người Marxist, và rất tự hào là mình đã tham gia phong trào. Mà bản thân câu chuyện Hắc Hải chỉ được những người cộng sản Việt Nam chú ý tới sau cách mạng tháng Tám 1945. Và khi đó nó được dùng để mô tả chủ nghĩa cộng sản Việt Nam đã có nguồn gốc từ thời kì cách mạng tháng Mười Nga, là đứa con của cách mạng vô sản Nga. Và đây là lý do quan trọng, theo tôi, vì sao ông Tôn Đức Thắng, một người có rất ít ảnh hưởng trong phong trào cộng sản, lại được đưa lên thành đại diện quan trọng. Bởi vì Tôn Đức Thắng là người duy nhất có thể kết nối cách mạng Việt Nam với cách mạng tháng Mười Nga. Đảng đã dùng câu chuyện Hắc Hải như một cách nói rằng cách mạng ở Việt Nam cũng là một phong trào ngang hàng, lâu đời, gắn bó từ đầu với phong trào ở Nga và Trung Quốc.
Vấn đề xảy ra cho ông Tôn Đức Thắng là vào giữa thập niên 1950, bộ máy tuyên truyền không chỉ nói ông Tôn đã là người tham gia tích cực mà còn nói là chính ông Tôn đã cắm cờ trên một trong những con tàu ở Hắc Hải. Đó là lúc câu chuyện trở nên xáo trộn. Bởi vì dĩ nhiên lúc này ông Tôn chẳng thể nào cung cấp thêm những chi tiết, ký ức cụ thể cho các diễn biến mới này. Trước đây, ông Tôn chỉ nói tôi đã tham gia và tôi là một trong những người Marxist. Nhưng bây giờ bộ máy lại miêu tả ông đã là một thành viên lãnh đạo trong cuộc binh biến Hắc Hải. Khi đó, ông Tôn rút ra khỏi câu chuyện, ông không đưa ra thêm chi tiết nào. Mặc dù nhiều lần các phóng viên của Liên Xô ép ông kể thêm chi tiết, nhưng ông Tôn chỉ nói: Tôi không nhớ. Nên tôi mới nói có một diễn biến thay đổi thú vị trong câu chuyện này.
Ông Tôn Đức Thắng, ngồi cạnh ông Hồ Chí Minh, lúc làm Quyền Trưởng Ban Thường Trực Quốc Hội, năm 1948 |
Về cuộc đình công ở Ba Son
BBC: Vậy còn câu chuyện về cuộc đình công tại Ba Son? Ông Trần Văn Giàu – một nhà cách mạng lão thành tại Việt Nam – đã viết đây là cuộc biều tình chính trị đầu tiên tại Việt Nam?
Christoph Giebel: Chắc chắn đã có một cuộc đình công ở Ba Son năm 1925. Ông Trần Văn Giàu, với sự giúp đỡ của ông Tôn, đã mô tả cuộc đình công khởi đầu từ sự có mặt tại cảng Ba Son của một chiến hạm Pháp mà đang trên đường tới Trung Quốc, nơi các thế lực phương Tây đang đối đầu với phong trào chống đế quốc. Chuyện kể rằng khi chiến hạm Pháp dừng lại ở cảng Ba Son để sửa chữa, ông Tôn Đức Thắng và các đồng chí đã từ chối sửa tàu và như thế đã giam chân chiến hạm. Ông Trần Văn Giàu và ông Tôn Đức Thắng nói cuộc đình công đã thành công, rằng sau một vài tuần, giới chủ phải nhượng bộ, đáp ứng một số đòi hỏi. Và mặc dù mọi người quay lại làm việc, nhưng họ vẫn thực hiện một hình thức lãn công và kéo dài việc giam chân chiếm hạm Pháp thêm ba tháng nữa.
Xưởng đóng tàu Ba Son, Sài Gòn |
Chắc chắn đã có cuộc đình công, nhưng nó không diễn ra theo cách mà văn bản chính thức tại Việt Nam mô tả. Nghiên cứu của tôi - dựa trên tài liệu lưu trữ và việc đọc báo chí thời đó – cho thấy vốn đã có những sự bất mãn tại cảng Ba Son vì sự quản lý yếu kém của giới chủ. Ngay cả trước khi chiến hạm Pháp xuất hiện, ngay cả trước khi những người công nhân biết sẽ có tàu Pháp đến, họ đã nói với giới chủ là mình có thể đình công nếu những đòi hỏi không được đáp ứng. Giới chủ không nhượng bộ. Vì thế, là một sự trùng hợp khi vào ngày giới công nhân quyết định đình công, con tàu Pháp cũng cập cảng.
BBC: Nhưng vì sao ông cho rằng con tàu không liên quan tới vụ đình công?
Christoph Giebel: Lý do là vì vào lúc đó, con tàu không tiến vào xưởng đóng tàu Ba Son. Nếu những gì ông Trần Văn Giàu và ông Tôn Đức Thắng kể lại là đúng, thì lẽ ra hẳn lúc đó họ đã chờ đợi cho đến khi con tàu đã vào xưởng đóng tàu. Thực tế, con tàu có ba đầu máy, và chỉ có một đầu máy bị hư hỏng. Nên trong thời gian đó, con tàu thực ra vẫn di chuyển. Và như trong tài liệu của Pháp cho thấy, người Pháp lúc đó nghĩ có thể họ đưa con tàu sang Hồng Kông để sửa chữa. Có một chi tiết khác, có lẽ còn quan trọng hơn, đó là cuộc đình công đã không thành công. Thực tế, nó bị thất bại vì giới chủ đã đóng cửa nhà máy để gây áp lực với công nhân. Việc đóng cửa này hoàn toàn bị bỏ qua trong các văn bản sau này. Khi nói cuộc biểu tình thất bại, nó không giảm nhẹ tinh thần anh dũng của những người công nhân dám chống lại giới chủ người Pháp. Nhưng chắc chắn đó không phải là một cuộc đình công chính trị với mục đích chống đế quốc, mà nó mang tính chất nội bộ, với những bất mãn đã có tại xưởng Ba Son.
BBC: Khi chúng ta so sánh hai câu chuyện vốn thường được nhắc nhiều nhất về ông Tôn Đức Thắng, thì câu chuyện nào được xem nổi bật hơn trong các văn bản chính thức tại Việt Nam?
Christoph Giebel: Chắc chắn vụ binh biến Hắc Hải quan trọng hơn. Vì sự kiện đó nổi tiếng trên thế giới và trong phong trào cộng sản quốc tế, nên nó có thể khá dễ dàng được dùng để nói rằng phong trào cộng sản Việt Nam đã nằm trong trung tâm phong trào cách mạng thế giới ngay từ lúc ban đầu, ngay từ năm 1919, chưa đầy hai năm sau cách mạng tháng Mười. Cuộc đình công ở Ba Son thật ra chưa bao giờ được đảng chấp nhận hoàn toàn. Chẳng hạn, một nhà cách mạng khác là ông Trần Huy Liệu, đã ở Sài Gòn vào năm 1925, không chấp nhận lời kể của ông Trần Văn Giàu. Họ có tranh luận về vụ việc này và kết quả là đảng chưa bao giờ thật sự ca ngợi vụ việc này nhiều như vụ binh biến ở Hắc Hải.
BBC: Việc ông Tôn Đức Thắng là ngươì miền Nam có phải là một trong các lý do đưa ông Tôn Đức Thắng trở thành một nhân vật nổi tiếng đại diện cho đảng?
Christoph Giebel: Vâng, chắc chắn là như vậy. Nghiên cứu của tôi bắt đầu từ câu hỏi: Vì sao một người không quan trọng về mặt chính trị lại trở thành một trong những nhân vật đại diện cho cách mạng Việt Nam. Theo tôi, thứ nhất, ông Tôn Đức Thắng là một trong rất ít người trong bộ máy lãnh đạo đảng cộng sản quả thật thuộc tầng lớp vô sản. Đảng cộng sản có một nhu cầu lớn cần mô tả một người lãnh đạo là đã từng là công nhân. Như tôi đã nói, qua câu chuyện ở Hắc Hải, ông Tôn Đức Thắng là người duy nhất mà qua đó đảng cộng sản có thể tạo nên một mối quan hệ với cách mạng Nga. Không ai khác lại có một mối quan hệ có nguồn gốc từ xa xưa như vậy. Một điểm khác rất quan trọng mà như anh đã nhắc, đó là sau năm 1945, ông Tôn Đức Thắng xuất hiện trước công luận như một người miền Nam nổi bật. Ông ấy và ông Hồ Chí Minh thuộc về một thế hệ mà không một nhà lãnh đạo nào khác có thể bắt chước. Lúc đó họ đã ở tuổi 60, còn những người khác bị xem là quá trẻ để đại diện cho một chính thể mang tính quốc gia. Nếu ông Hồ Chí Minh thuộc về miền Bắc, thì ông Tôn Đức Thắng lại là người ở miền Nam, khu vực mà khi đó đã rơi vào tay người Pháp. Và sau 1954, chính quyền miền Bắc, tức là Việt Nam dân chủ cộng hòa, cần thể hiện mình như một chính quyền đại diện cho toàn quốc.
BBC: Ông vừa điểm qua cách thức sử dụng biểu tượng Tôn Đức Thắng khi ông Tôn còn sống. Vậy còn bây giờ, khi mỗi năm đều có các dịp lễ, dịp kỷ niệm. Theo ông, người ta có còn sử dụng biểu tượng Tôn Đức Thắng nữa không?
Christoph Giebel: Tôi nghĩ việc tiếp tục dùng ông Tôn Đức Thắng như một hình tượng mẫu mực giờ đây chủ yếu thu gọn lại như một hiện tượng tại miền Nam. Thực tế, tôi nghĩ ta có thể nói giờ đây đa số người Việt Nam không biết gì nhiều về ông Tôn, và đa số họ cũng chẳng quan tâm. Nói chung, người ta đã quên ông Tôn, nhưng mặt khác, ông ấy vẫn được xem như một chiến sĩ cách mạng đem lại một cái nhìn của miền nam trong bộ máy lãnh đạo. Và chủ yếu bây giờ, những người cách mạng lão thành ở miền Nam – chứ không phải người dân thường – vẫn còn tiếp tục sử dụng ông Tôn Đức Thắng theo cách mà tôi đã mô tả.
Một ví dụ về cách viết lịch sử
BBC: Vậy từ câu chuyện cụ thể về ông Tôn Đức Thắng, người ta có thể nhìn lại cách viết sử hiện đại ở Việt Nam như thế nào? Nó có còn quan trọng nữa không, bởi như ông nói giờ đây đa số người dân không quan tâm và cũng chẳng biết gì nhiều về ông Tôn Đức Thắng?
Christoph Giebel: Dĩ nhiên tôi không có ảo tưởng là các nhà viết sử có một ảnh hưởng to lớn đến người dân, dù là ở đâu trên thế giới. Nên tôi mới nói nhiều người Việt Nam cũng chẳng biết nhiều hay quan tâm đến câu chuyện về ông Tôn, họ có nhiều chuyện khác phải lo nghĩ. Nhưng với những ai quan tâm đến việc lịch sử đã được viết, hay bị viết lại vì mục đích chính trị, như thế nào, trường hợp cụ thể về cách viết tiểu sử ông Tôn Đức Thắng cho thấy đảng cộng sản rất tích cực trong việc cấu thành nên lịch sử của chính mình.
BBC: Một câu hỏi rộng hơn, trong cách viết của giới sử học miền Bắc hậu 1954, và sau này là những sử gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có những mẫu số chung nào trong cách viết sử của họ?
Christoph Giebel: Một đồng nghiệp khác của tôi là tiến sĩ – trong quyển sách "Postcolonial Vietnam: New Histories of the National Past" – có viết là trong nội bộ giới sử học tại Hà Nội, thật đáng ngạc nhiên là giữa họ có rất ít sự đồng thuận. Thực tế, đã diễn ra các cuộc tranh luận rất dài về những vấn đề như thời cổ đại Việt Nam, thời phong kiến...Những cuộc tranh luận đó thường diễn ra trong nội bộ, mà công chúng bên ngoài ít biết tới. Vì thế theo tôi, người ta không nên nghĩ là việc chép sử ở Việt Nam hiện đại giống như một khối đá đồng nhất, trên thực tế có nhiều điều khác nhau diễn ra trong nội bộ giới sử học. Nhưng mặt khác, một chủ đề chung trong việc chép sử của các sử gia cách mạng, đó là đảng cộng sản nằm ở trung tâm của mọi diễn biến tại Việt Nam. Ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản nằm ở vị trí sân khấu trung tâm, mọi sự kiện xoay quanh đảng cộng sản và mọi thứ họ làm, thậm chí cả trước năm 1945. Anh viết lịch sử khi mà kết quả đã được biết trước, và anh phải viết sử làm sao để các sự kiện cuối cùng dẫn đến cái đích đã biết trước đó.
BBC: Có một sự mâu thuẫn ở đây không? Một mặt ông bảo là có sự đa dạng trong tranh luận giữa những người viết sử, mặt khác lại có sự độc quyền trong cách trình bày các sự kiện lịch sử?
Christoph Giebel: Khi ta nói đến lịch sử cách mạng trong thế kỷ 20, theo tôi, có một sự giống nhau lớn trong cách viết. Một sự giống nhau mà có thể là do bị ép buộc. Nhưng khi ta nói về các cuộc thảo luận khác mang tính học thuật về lịch sử theo nghĩa rộng lớn hơn, ví dụ lịch sử thời cổ đại chẳng hạn. Khi bàn luận về những vấn đề như thế, thì ít khi người ta tìm thấy sự đồng thuận.
BBC: Trong những trường hợp khi mà người ta được khác biệt, được thảo luận, thì chắc cuộc thảo luận sẽ dẫn đến người thắng, kẻ thua? Vậy yếu tố nào sẽ quyết định người thắng, thưa ông?
Christoph Giebel: Tôi không nghĩ chúng ta có thể nói là có người thắng, kẻ thua ở đây. Lịch sử luôn thay đổi, và việc viết sử giống như một cái vòng xoay của sự xem xét lại. Chúng ta không thể nói chắc đâu là sự thật tuyệt đối. Người viết sử dựa vào bằng chứng, mà bằng chứng thì luôn luôn chỉ là một góc của toàn bộ bức tranh. Theo thời gian, chúng ta có thể nhìn lại và xem những cách nhìn này khác là sai, giống như tôi đã làm với cuộc bãi công ở cảng Ba Son. Nhưng rất khó để nói đây chính là cách nhìn đúng đắn nhất về những gì đã diễn ra. Chúng ta không thể quay lại quá khứ. Rồi sẽ lại có ai đó đưa ra cái nhìn và bằng chứng mới, và như thế một lần nữa lại lật ngược lại toàn bộ bức tranh. Vì thế, tôi nghĩ trong lĩnh vực viết sử, không có người thắng, kẻ thua. Chỉ khi nào lịch sử bị chính trị hóa, thì anh có thể nói chuyện thắng thua. Nhưng khi nhìn lịch sử như một lĩnh vực khoa học, thì không có ai thắng thua cả.
BBC: Thế ông có nghĩ là trong tương lai, sẽ có người thách thức lại cách nhìn của ông về cách viết tiểu sử ông Tôn Đức Thắng không?
Christoph Giebel: Tôi sẽ hoan nghênh người ấy. Tôi nghĩ chúng ta biết càng nhiều, thì chúng ta có một bức tranh càng rõ và càng mở được thêm nhiều cánh cửa. Ví dụ, mối quan tâm ban đầu của tôi về ông Tôn Đức Thắng đã mở rộng cái nhìn của tôi trong lĩnh vực chuyên môn theo những hướng mà trước đây tôi chưa hề nghĩ tới. Mặt khác, chúng ta cần thừa nhận lĩnh vực nghiên cứu lịch sử tại Việt Nam hiện nay vẫn đang bị chính trị hóa. Nhưng tôi cũng thấy kể từ sau Đổi mới, người ta đã từ từ cho phép có thêm các giọng điệu khác nhau, cố gắng xem xét lại những cái nhìn từng được chấp nhận rộng rãi trước đây, và bổ sung những cách tường thuật dựa trên bằng chứng nhiều hơn vào lĩnh vực lịch sử tại Việt Nam.
...............................................................................................................................
Đọc thêm:
"Telling Life: An Approach to the Official Biography of Ton Duc Thang." trong quyển Essays Into Vietnamese Pasts. Keith W. Taylor, John K. Whitmore, biên tập. Ithaca, NY : Cornell Southeast Asia Program Publications (Studies on Southeast Asia No. 19) 1995
"Museum-Shrine: Revolution and Its Tutelary Spirit in the Village of My Hoa Hung." trong quyển The Country of Memory: Remaking the Past in Late Socialist Vietnam. Huệ-Tâm Hồ Tài, biên tập. Berkeley, CA: University of California Press, 2001.
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/regionalnews/story/2003/09/030905_tonducthang.shtml
Link dưới đây trích dẫn sách của sử gia Christoph Giebel đoạn nói về việc tác giả sang Pháp vào Bộ Hải Quân Pháp để lục danh sách các thủy thủ trên các chiếc tàu của Pháp có mặt tại vùng Hắc Hải lúc đó và không tìm thấy tên ông Tôn Đức Thắng và tên người Việt Nam nào .
Ông Tôn Đức Thắng không có mặt ở Hắc Hải khi xảy ra binh biến
Dưới đây là một bài viết nói lên cái nhìn chính thức của chính quyền Việt Nam về ông Tôn Đức Thắng.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) bùng nổ, nhiều người Việt Nam phải vào phục vụ quân đội Pháp. Là người thợ máy giỏi, ngày 9/10/1916, đồng chí Tôn Đức Thắng nhận lệnh xuống phục vụ tại chiến hạm France và là người Việt Nam duy nhất trên chiến hạm đó. Đến ngày 16/4/1919, mặc dù chiến tranh thế giới đã kết thúc, chính phủ Pháp điều động một hạm đội gồm 5 chiến hạm (trong đó có chiến hạm France) vào Hắc Hải để cùng với các đế quốc khác chống lại nước Nga Xô Viết trẻ tuổi. Các chiến hạm được lệnh vượt qua eo biển Đác-đa-nen tiến vào biển Đen và bắn phá hải cảng Xê-vat-tô-pôn.
Anh em binh lính trên hạm đội bất bình vì phải tiếp tục đổ máu, dù chiến tranh đã kết thúc. Biết được âm mưu ấy, thợ máy Tôn Đức Thắng đã cùng anh em binh lính Pháp quyết định phản chiến.
8 giờ sáng ngày 20/4/1919, cuộc binh biến nổ ra trên chiến hạm France và Jean Bart. Lá cờ đỏ được kéo lên trên chiến hạm France trước cửa thành Xê-vat-tô-pôn, do đồng chí Tôn Đức Thắng thực hiện, đã được anh em binh lính, công nhân trên tàu chuẩn bị trước.
Bằng hành động đó, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng tháng Mười và xây đắp tình hữu nghị Việt – Xô, đồng thời biểu thị tình cảm của nhân dân Việt Nam lúc đó còn là thuộc địa của Pháp, chào mừng nhà nước Công nông đầu tiên trên thế giới.
Nguồn: Lịch Sử Việt Nam
Link dưới đây trích dẫn sách của sử gia Christoph Giebel đoạn nói về việc tác giả sang Pháp vào Bộ Hải Quân Pháp để lục danh sách các thủy thủ trên các chiếc tàu của Pháp có mặt tại vùng Hắc Hải lúc đó và không tìm thấy tên ông Tôn Đức Thắng và tên người Việt Nam nào .
Ông Tôn Đức Thắng không có mặt ở Hắc Hải khi xảy ra binh biến
Dưới đây là một bài viết nói lên cái nhìn chính thức của chính quyền Việt Nam về ông Tôn Đức Thắng.
Diễn tiến việc Bác Tôn kéo cờ đỏ trên chiến hạm France
Khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) bùng nổ, nhiều người Việt Nam phải vào phục vụ quân đội Pháp. Là người thợ máy giỏi, ngày 9/10/1916, đồng chí Tôn Đức Thắng nhận lệnh xuống phục vụ tại chiến hạm France và là người Việt Nam duy nhất trên chiến hạm đó. Đến ngày 16/4/1919, mặc dù chiến tranh thế giới đã kết thúc, chính phủ Pháp điều động một hạm đội gồm 5 chiến hạm (trong đó có chiến hạm France) vào Hắc Hải để cùng với các đế quốc khác chống lại nước Nga Xô Viết trẻ tuổi. Các chiến hạm được lệnh vượt qua eo biển Đác-đa-nen tiến vào biển Đen và bắn phá hải cảng Xê-vat-tô-pôn.
Anh em binh lính trên hạm đội bất bình vì phải tiếp tục đổ máu, dù chiến tranh đã kết thúc. Biết được âm mưu ấy, thợ máy Tôn Đức Thắng đã cùng anh em binh lính Pháp quyết định phản chiến.
8 giờ sáng ngày 20/4/1919, cuộc binh biến nổ ra trên chiến hạm France và Jean Bart. Lá cờ đỏ được kéo lên trên chiến hạm France trước cửa thành Xê-vat-tô-pôn, do đồng chí Tôn Đức Thắng thực hiện, đã được anh em binh lính, công nhân trên tàu chuẩn bị trước.
Tàu France, lúc đậu tại hải cảng Toulon ở Pháp |
Bằng hành động đó, đồng chí Tôn Đức Thắng là một trong những người Việt Nam đầu tiên đã tham gia đấu tranh bảo vệ Cách mạng tháng Mười và xây đắp tình hữu nghị Việt – Xô, đồng thời biểu thị tình cảm của nhân dân Việt Nam lúc đó còn là thuộc địa của Pháp, chào mừng nhà nước Công nông đầu tiên trên thế giới.
Nguồn: Lịch Sử Việt Nam
No comments:
Post a Comment