Các Chủ Đề

Monday, October 5, 2015

Sống Nghề, Chết Nghiệp

Ký giả Chu Tử, bị Cộng Sản ám sát hụt năm 1966
Tôi viết về những người sống bằng nghề ký giả ở Sài Gòn – một tên khác của nghề là phóng viên báo chí – và chết vì nghề ký giả ở Sài Gòn. “Chết” trong bài này là “ Chết vì việc làm báo, chết vì việc viết báo của mình, chết vì bị  giết, không phải chết vì tuổi già hay chết vì bệnh.”




Nghề ký giả là nghề có nhiều người làm nghề bị giết chết nhất trong tất cả những nghề tự do. Bài này chỉ viết về những ký giả dân sự, không viết đến những phóng viên chiến trường – đa số là quân nhân – chết vì nghề trên chiến trường.

Ký giả Việt Nam thứ nhất bị bắn chết ở Sài Gòn là ông Nam Quốc Cang.

Ðây là bản tin về Nhà Báo Nam Quốc Cang trên Internet:

Nhà báo Nam Quốc Cang (1917-1950) tên thật Nguyễn Văn Sinh. Ông quê ở huyện Ðức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, ông vào Sài Gòn  năm 1940. Sau năm 1945, ông viết bài cho báo Tin Ðiển với chủ trương chống thực dân Pháp, đặc biệt phụ trách mục Trớ Trêu. Mục này là loạt bài phiếm luận chính trị đầu tiên của làng báo Sài Gòn sau năm 1945. ông chế giễu những hoạt động của Thủ tướng Nam Kỳ Quốc Nguyễn Văn Thinh một cách sâu cay.

Ông lấy tên ba nhà báo Sài Gòn nổi tiếng thời ấy là các ông Nam Ðình Nguyễn Thành Phương, Trần Tấn Quốc, Lê Trung Cang làm bút hiệu của ông: Nam Quốc Cang.

Ngày 6 tháng 5 năm 1950, nhà báo Nam Quốc Cang cùng với nhà báo Ðinh Xuân Tiếu bị bắn chết trước tòa soạn báo Dân Quý ở  đường Frère Louis, sau năm 1956 là đường Nguyễn Trãi. Ông mất năm ông 33 tuổi.

CTHÐ: Năm 1952 khi tôi vào làm phóng viên nhật báo Ánh Sáng, tôi được nghe các ông ký giả đàn anh kể cho biết:

Cùng bị bắn chết với ông Nam Quốc Cang là ông Ðnh Xuân Tiếu và ông Lư Khê. Ông Lư Khê là chủ nhiệm nhật báo Ánh Sáng. Ông Lư Khê chết, chính quyền cho bà vợ ông Lư Khê làm chủ nhiệm nhật báo Ánh Sáng. Bà tên là Nguyễn Ngọc Diêu. 60 năm qua tôi vẫn nhớ tên bà. Năm 1952 anh Thanh Sanh là chủ bút báo Ánh Sáng, anh Hải Âu phụ tá.. Bà chủ nhiệm mỗi tháng chỉ ghé qua toà báo một, hai lần.

Tôi nghe các ông nhà báo nói kẻ đến bắn ông Nam Quốc Cang là Cò Ðình, nhân viên Ban PJM: Police Judiciaire Mobile. PJM tên Việt là ban Hình Cảnh Lưu Ðộng, một ban đặc biệt của Sureté Pháp. Ban PJM có nhiều quyền hạn thời ấy. Nhân viên Ban này có quyền đi bắt những kẻ phạm tội trên khắp xứ Nam Kỳ.

Khi bắt được một vụ cướp lớn, hay một vụ giết người, Ban PJM thường mở cuộc hội báo để loan báo thành tích. Người chủ tọa những cuộc hội báo PJM này là Cò Nutini, một ông Tây Lai gốc Ý. Trong một cuộc hội báo PJM ông ký giả đàn anh ngồi cạnh tôi chỉ cho tôi thấy một người đàn ông trạc 40 tuổi, cao lớn, ông ký giả rỉ tai tôi:

“Cò Ðình, người bắn Nam Quốc Cang đấy.”

Sau năm 1946 an ninh trở lại Sài Gòn. Trong làng báo, làng văn Sài Gòn có tình trạng nhiều báo, nhiều nhà viết tiểu thuyết gần như công khai ca tụng những người Việt kháng chiến chống Pháp. Ký giả Nam Quốc Cang viết nhiều bài đả kích Thực Dân Pháp và việc trở lại làm chủ Sài Gòn của Thực Dân Pháp. Surete Pháp bắt giam ông Nam Quốc Cang nhưng những năm 1950 có nhiều người Pháp trong chính giới phản đối việc quân viễn chinh Pháp tái chiếm Ðông Dương. Ký giả Nam Quốc Cang được những ông Tây phản chiến ủng hộ, Sureté Pháp phải trả tự do cho ký giả Nam Quốc Cang. Họ cho nhân viên của họ là Cò Ðình đi ám sát ký giả Nam Quốc Cang.

Ba ông nhà báo Nam Quốc Cang, Ðinh Xuân Tiếu, Lư Khê sáng hôm ấy đang ngồi uống cà phê ở một quán cóc trên đường Frère Louis, Cò Ðình tới bắn chết cả ba ông. Hai ông Ðinh Xuân Tiếu, Lư Khê bị chết oan.

Ký giả sinh nghề, tử nghiệp thứ hai bị giết ở giữa thành phố Sài Gòn là ký giả người Pháp: ông De Lachevrotiere. Ông này là một ông Tây Thực Dân – Francais Coloniale – chính cống Bà Lang Trọc. Ông làm ký giả ở Sài Gòn từ năm 1920. Tiểu sử của ông ghi chuyện ông từng bút chiến với ông André Malraux Khoảng năm 1925, ông André Malraux, 21 tuổi mới cưới vợ. Ông bà đi du lịch đến Ðông Dương. Khi đi thăm Angkor Vat trở về Sài Gòn, ông bà bị nhà cầm quyền Pháp khám xét hành lý, tịch thu một số tượng đá Angkor Vat. Ông Malraux không bị án lấy trộm cổ vật, ông chỉ bị phạt tiền.  Luật cấm du khách không được lấy, kể cả mua,  những cổ vật Angkor Vat.

Buổi trưa ngày Janvier 1951 ký giả De Lachevrotiere ngồi trên một xe hơi bỏ mui, có tài xế lái, chạy trên đường Richaud – sau năm 1956 là đường Phan Ðình Puùng –Tin AFP tường thuật:

Một xe Zeep mang bảng số vàng ngoại giao đoàn trờ tới. Một người trên xe Jeep ném hai tạc đạn vào xe ông De Lachevrotiere. Ông ký giả cầm một tạc đạn định ném lại, tạc đạn nổ. Ông chết trong xe, người tài xế bị thương nặng nhưng thoát chết.

Những ngày như  lá, tháng như mây, Làng báo Sài Gòn yên tĩnh trong 15 năm. Ngày 16 Tháng 4, 1966 trong một buổi sáng 2 ký giả bị bắn trong thành phố. Lúc 8 giờ sáng, ông Chu Tử Chu Văn Bình vào xe hơi của ông trước cửa nhà riêng, đường Trương Tấu Bửu, Phú Nhuận, để đến tòa báo, Kẻ sát nhân  rình sẵn ở cửa nhà, bắn ông 4 phát đạn, một viên trúng gáy ông, đạn trổ ra miệng, như ông không chết.

Tài liệu về Nhà báo Chu Tử trên Wipekeda:

Chu Tử là bút hiệu của Chu Văn Bình (1917-1975), một nhà văn, nhà báo người Việt. Ông được biết đến là chủ nhiệm nhật báo Sống và là tác giả những cuốn tiểu thuyết Yêu , Ghen.

Ông một thời dạy học ở Trường tư thục Phùng Hưng ở Hải Phòng trước năm 1954, sau làm hiệu trưởng Trường trung tiểu học Lê Văn Trung ở Tây Ninh.

Sang thập niên 1960 ông mở nhật báo Sống ở Sài Gòn. Mục “Ao Thả Vịt”, “Thơ Ðen”, và trang Nhạc Trẻ báo Sống  được độc giả hâm mộ. Những cây viết cộng tác có Tú Kếu, Duyên Anh, Nguyễn Thụy Long, Nguyễn Mạnh Côn, Bùi Giáng. Vì chính kiến, tòa báo bị Lực lượng Tranh thủ Cách mạng của phe Phật giáo cực đoan đốt phá năm 1966. Cũng vào thời điểm đó ông bị mưu sát gần nhà, bị trúng đạn nhưng thoát chết. Cuộc tấn kích này do Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam chủ trương. Cuối thập niên 1960 báo Sống bị thu hồi giấy phép vì chỉ trích việc chính phủ cho Quân đội Hoa Kỳ toàn quyền sử dụng căn cứ Cam Ranh. Vào thập niên 1970 ông đứng chủ biên báo Sóng Thần nhưng sau rút lui.

Vào ngày 30 Tháng Tư, 1975 trên đường thoát khỏi Việt Nam trên con tàu Việt Nam Thương Tín, tàu trúng pháo B-40  VC khi qua cửa Cần Giờ. Ông Chi Tử trúng đạn chết, ông được thủy táng ngay cửa biển.

Cùng ngày 16 Tháng 4, 1966, lúc 12 giờ trưa. Ký giả Từ Chung Vũ Nhất Huy, Tổng Thư Ký Nhật báo Chính Luận, từ toà soạn về nhà riêng của ông trong Cư Xá Nguyễn Trị Phương. Ông vừa ra khỏi xe trước nhà thì bị kẻ sát nhân bắn ông. Ông trúng đạn vào lưng, ngã xuống, chết ngay bên xe hơi.

Wipikeda trên Net không có trang nào về Ký Giả Từ Chung Vũ Nhất Huy. Internet cũng không có cái ảnh nào của Ký giả Từ Chung.

Khoảng ba, bốn ngày sau Khi Tổng Thống Ngô Ðình Diệm bị hạ sát, ba ông Ký Giả Chu Tử – Hiếu Chân – Từ Chung đồng ký một bản gọi là “ Hiệu Triệu” như sau:

HIỆU TRIỆU

Mang danh là những người cầm bút chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ và giải phóng con người, vậy mà trong thời gian qua, vì cơm áo, vì khiếp nhược đớn hèn, chúng ta đã nhắm mắt ăn dơ, đánh đĩ tâm hồn, phản bội Sự Thật, phản bội Dân Tộc, cam tâm làm gia nô cho bè lũ họ Ngô. Dù chúng ta có viện bất cứ lý do nào để bào chữa, chúng ta không thể chối cãi tội lỗi của chúng ta đối với đồng bào, với lịch sử.

Quân Ðội đã đứng lên, làm nhiệm vụ của mình. Cơ hội duy nhất để chúng ta thoát khỏi cảnh huống bồi bút, “phi cầm, phi thú’, cơ hội duy nhất để chúng ta trở lại làm người, đã tới…. Nếu sự tự thiêu của bảy tu sĩ — một hy sinh bi hùng nhất trong lịch sử tôn giáo và nhân loại – chưa làm chúng ta giác ngộ, thì quả chúng ta đã hết là người, không còn xứng đáng gặp gỡ vận hội của chúng ta nữa.

Cuộc cách mạng chỉ mới bắt đầu. Xương máu của quân đội, của đồng bào không thể bị bọn đầu cơ chính trị lợi dụng một lần nữa.

Hơn lúc nào hết, chúng ta phải “gạn đục, khơi trong”, đem hết tâm hồn, năng lực ra phụng sự cho chính nghĩa.

Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi các bạn nghệ sĩ, bằng máu, nước mắt, mồ hôi, đem ngòi bút viết lại thiên lịch sử của dân tộc, mà trong chín năm qua, bè lũ họ Ngô đã làm hoen ố.”

Ðại diện cho các nhà văn, nhà báo chiến đấu cho Tự Do, Dân Chủ.

CHU TỬ – HIẾU CHÂN – TỪ CHUNG

Ðăng trên Tạp chí Bách Khoa, số 165 ngày 15-11-1963.

CTHÐ: Bản “Hiệu Triệu” được đăng trên nhật báo Ngôn Luận. Vài ngày sau ông Hiếu Chân có lời “cải chính” trên nhiều nhật báo: ông không ký tên trong bản “Hiệu Triệu” ấy. Từ Chung nói với tôi: “Tao đọc bản ấy cho Hiếu Chân nghe qua tê-lê-phôn. Ông ấy bằng lòng ký tên.” Từ đó ông Chu Tử đoạn giao với ông Hiếu Chân.

Riêng tôi – CTHD Công Tử Hà Đông (Hoàng Hải Thủy)  – tôi được biết bốn tiếng “phi cầm, phi thú” từ bản Hiệu Triệu vội vàng và rộn ràng rổn rảng những lời đao to, búa lớn ấy. Tôi nghĩ tác giả “Hiệu Triệu Phi Cần Phi Thú ” là ông Chu Tử.

Ba ông ký giả “Hiệu Triệu” đền bị chết vì Cộng Sản. Ông Hiếu Chân chết trong Nhà Từ Chí Hòa năm 1987. Ông Nhà Văn Dương Hùng Cường, bút danh Dê Húc Càn, cùng bị bắt với ông Hiếu Chân, chết cùng trong năm 1987 trong một sà-lim ở Nhà Tù Số 4 Phan Ðăng Lưu. Hai ông chết vì những bài báo hai ông viết, gửi ra nước ngoài.

Ký giả người Pháp thứ hai chết vì nghề ở Việt Nam là Francois Sully. Năm 1945 khi mới 17 tuổi, Francois Sully cầm súng đi diệt quân Ðức để giải phóng Paris. 1946 Sully gia nhập Quân Viễn Chinh Pháp sang chiếm lại Ðông Dương. Từ 1946 khi giải ngũ và trở thành phóng viên nhà báo, Francois Sully sống với Sài Gòn. Ông nói thạo 4 thứ tiếng Pháp, Anh. Việt và Lào.  Theo tôi – CTHÐ – Francois Sully là ký giả ngoại quốc sáng giá nhất ở Việt Nam. Năm 1962 vì những bài báo viết về bà Ngô Ðình Nhu, ký giả Francois Sully bị chính phủ VNCH trục xuất. Ông sang Mỹ học một năm ở Ðại Học Harvard. Trở về Sài Gòn năm 1964 ông làm Trưởng Phòng Newsweek Saigon cho đến ngày ông tử nạn.

Tháng Hai 1971 ký giả Francois Sully đi theo Ðại Tướng Ðỗ Cao Trí trên phi cơ trực thăng. Giữa trời Tây Ninh, trực thăng bốc cháy. Ông cùng chết với Tướng Ðỗ Cao Trí. Wipekeda ghi ông được an táng trong Nghiã Trang Mạc Ðĩnh Chi. Người ký giả chết vì nghề, chết với nghề ấy không vợ con. Khoản tiền bảo hiểm nhân mạng của ông – khoảng 15 triệu đồng VN – được tặng cho những hội từ thiện Việt Nam.

Francois Sully là người sáng chế ra kiểu áo kaki ba túi bỏ ngoài quần, bộ đồ này về sau được các ông thợ may Sài Gòn gọi là “Áo Ký Giả.”

Người ký giả Việt chết vì nghề ở Sài Gòn cuối cùng – trước năm 1975 – là anh Vân Sơn Phan Mỹ Trúc.

Năm 1960 Vân Sơn Phan Mỹ Trúc phụ trách tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai. Chủ nhiệm tuần báo này là anh Nguyễn Ðức Khiết, người con trai thứ sáu của bà Bút Trà. Vân Sơn Phan Mỹ Trúc là ký giả duy nhất của Sàigònmới-Phụ Nữ Ngày Mai sau ngày cơ sở tan hàng, trở thành chủ nhiện nhật báo. Khoảng năm 1970 Vân Sơn làm chủ nhiệm nhật báo Ðông Phương. Báo bán chạy. Tôi không rõ vì nguyên nhân nào – chỉ biết Vân Sơn bị giết vì những bài đăng trên tờ báo của anh – vào năm 1972, hay 1973, tòa soạn báo Ðông Phương đặt trong nhà in Nguyễn Bá Tòng. Buổi trưa chủ nhiệm Vân Sơn cùng hai ông bạn ký giả Hoài Khâm, Cung Mạnh Ðạt sang tiệm cơm Tầu trước nhà in ăn cơm. Anh Hoài Khâm, anh Cung Mạnh Ðạt là hai ký giả báo Sàigònmới bạn của anh Vân Sơn. Hai ký giả này là nhân viên tòa soạn nhật báo Ðông Phương. Nghe kể ba ký giả đang ngồi ăn, tên sát nhân đến tận bàn, ghé nòng súng một khẩu súng lục chuyên dùng để ám sát, viên đạn nhỏ như đầu chiếc đũa, vào mang tai ký giả Vân Sơn, nổ một phát. Viên đạn ghim vào óc Vân Sơn, anh ngã chết tại chỗ. Tên sát nhân chạy mất. Vụ giết người bị cho chìm suồng.

Dòng thời gian dài một ánh bay,
Những ngày như lá, tháng như mây.

Tất cả những người được kể trong bài này đều là ký giả đã chết. Tất cả chết vì nghề ký giả của họ. Tất cả đều chết trong nước.

Hoàng Hải Thủy


Rừng Phong, Xứ Tình Nhân, Kỳ Hoa Ðất Trích, Ngày 11 Tháng Bẩy, 2013.

Posted on July 19, 2013 by hoanghaithuy

No comments:

Post a Comment