Các Chủ Đề

Monday, November 23, 2015

Những Cách Giải Rượu Đơn Giản

Khi có người say rượu, chúng ta cần tìm cách để đưa họ nhanh chóng trở về trạng thái bình thường và dự phòng các biến chứng. Dưới đây là một số phương cách đơn giản để bạn đọc vận dụng:

Dùng thuốc

Trước hết, cần cho người say uống một lượng nước ít nhất cũng bằng lượng rượu uống vào để pha loãng nồng độ rượu trong cơ thể và giúp cho quá trình đào thải rượu được nhanh chóng và thuận lợi. Sau đó, tùy theo điều kiện cụ thể để dùng một trong những bài thuốc sau đây:

Bài 1: Chanh tươi 1 quả, vắt lấy nước cho uống hoặc thái mỏng cho ăn luôn cả quả càng tốt.

Bài 2: Lá dong (hay được dùng để gói bánh chưng) 100 – 200 g rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cho uống.

Bài 3: Vỏ quýt phơi khô (loại để càng lâu năm càng tốt) 30 g sao thơm tán vụn, mơ chua 2 quả bỏ hột thái vụn. Hai vị đem sắc nhỏ lửa với 360 ml nước, sau 30 phút lọc bỏ bã lấy nước cho uống. Nếu có thêm một chút nước gừng tươi hoặc trà thì càng hay.

Bài 4: Vỏ cam 60 g, rửa sạch, sấy khô, tán bột, cho uống 6 g với nước ấm, nếu chưa công hiệu thì cho uống thêm một vài lần nữa.

Bài 5: Trà diệp 1 nắm, đậu xanh 60 g đập vụn, lá long não 10 g. Tất cả đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 15 phút thì dùng được, chia uống vài lần.

Bài 6: Trà búp 5 g, quất khô (có thể dùng mứt quất hoặc quất tươi) 16 g thái vụn. Hai thứ đem hãm với nước sôi, uống đặc.

Bài 7: Trà búp 9 g, cà rốt tươi 60 g, vỏ bí xanh 15 g. Ba vị sắc uống.

Bài 8: Quả cau tươi bỏ vỏ xanh và hạt 50 g, cam thảo 12 g (nửa để sống, nửa sao muối). Tất cả đem hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, chia uống vài lần.

Bài 9: Hoa sắn dây (nếu không có thì dùng củ sắn dây thay thế) 10 g, sắc uống. Cũng có thể hãm cùng trà búp 5 g, đậu xanh 10 g với nước sôi, chia uống vài lần.

Bài 10: Vỏ quả chanh 50 g, vỏ quả quýt 50 g, hoa sắn dây 25 g, hoa đậu xanh 25 g, nhân sâm 10 g, nhục đậu khấu 10 g, muối ăn 30 g. Các vị sấy khô, nghiền thành bột, đựng trong bình kín để dùng dần. Khi say rượu, lấy 5 – 7 g pha nước uống, mỗi ngày 3 lần.

Xoa bóp bấm huyệt

Trước hết, day bấm huyệt yêu nhãn từ 3 - 5 phút. Vị trí huyệt yêu nhãn: giơ cao tay người bị say và nghiêng mình đi một chút, chỗ lõm hai bên thắt lưng (tương ứng với đốt sống thắt lưng 4) hiện rõ, huyệt nằm ở giữa đáy lõm từ mõm gai đốt sống thắt lưng thứ 4 đo ngang ra 3,8 tấc. Tiếp theo, day bấm huyệt thái xung từ 3 - 5 phút.

Vị trí huyệt thái xung: ép ngón chân cái vào ngón thứ hai, huyệt nằm ở mu bàn chân, đo từ đầu kẽ hai ngón chân lên 2 tấc. Cũng có thể xác định bằng cách lấy huyệt ở điểm giữa đường nối đầu ngón chân cái với nếp gấp ngang cổ chân.

Cuối cùng: xoa xát toàn bộ mu bàn chân. Nếu người say có thể đứng dậy được thì cho đứng tựa vào tường rồi dùng gót chân này giẫm mạnh và xoa mu bàn chân kia rồi làm ngược lại từ 5 - 6 phút.

Liệu pháp xoa bóp trên đây cũng có thể áp dụng cho những người sau khi uống rượu cảm thấy mình mẩy nặng nề, đau đầu chóng mặt, nói năng không được lưu loát.

Các biện pháp giải rượu đã nêu đều khá đơn giản, dễ làm, tuy nhiên với trường hợp quá say đến mức ngộ độc nặng thì nhất thiết phải đưa tới cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.

Bs. Hoàng Thanh



Bài thuốc giải rượu và trị rối loạn tiêu hóa do say xỉn

Cơ thể thường mỏi mệt, đầy hơi và khó tiêu sau một đêm say rượu. Trước hết có thể uống trà pha đường phèn hay nước chè tươi để giải rượu, sau đó nấu hoàng liên khô và lá khổ sâm tươi lấy nước uống.

Theo lương y Nguyễn Đức Nghĩa, Hội dược liệu TP HCM, có những loại thực phẩm thông thường mà mọi người dễ dàng áp dụng để giải rượu như:

- Trà pha đường phèn hoặc đường phổi, uống 1- 2 trà ấm giúp giải rượu hiệu quả, ấm bụng.

-  Giải rượu nhanh chóng bằng lá chè: Trong nước chè tươi có nhiều chất phênôn, caphêin, axitamin... giúp gây hưng phấn cho trung khu thần kinh, từ đó nâng cao khả năng trao đổi chất của gan. Do đó nước chè tươi nên có tác dụng giả rượu, giúp người say mau tỉnh.

-  Giải rượu bằng chanh hoặc trà gừng: cắt một vài lát chanh pha với nước hoặc dùng gừng tươi đập dập pha với nước kết hợp một chút trà xanh , cơn say rượu sẽ qua nhanh chóng.

-   Đậu xanh để nguyên vỏ, nấu lấy nước uống từ 2-3 cốc giúp mau tỉnh, thanh nhiệt hiệu quả.

Một số loại thực phẩm thông thường như chanh, gừng, đậu xanh có thể giúp người say mau tỉnh. Ảnh: Corbis.

Ngoài ra, một số triệu chứng khó chịu của người say sau một đêm thức dậy là uể ỏi, mỏi toàn thân, có đờm ở cổ họng, họng khát cháy. Theo lương y Nghĩa, nghiêm trọng hơn là triệu chứng rối loạn tiêu hóa khiến nhiều người đi làm không nổi, đi vệ sinh liên tục 3-7 lần, nóng bụng, đầy hơi và nóng rát hậu môn. Với những triệu chứng rối loạn tiêu hóa như trên, theo Đông y có bài thuốc đơn giản có tác dụng tốt bao gồm hoàng liên và khổ sâm.

- Hoàng liên, tên khoa học là Rhizoma Coptidis, vị thuốc có tác dụng ổn định men ruột, thanh nhiệt hiệu quả, giảm triệu chứng khó tiêu, đầy hơi.

- Lá khổ sâm, tên khoa học là Cronton tonkinensis Gagnep, lá có vị đắng, hơi ngọt, hơi chát, tính mát hay bình, có tác dụng thanh nhiệt tiêu độc, sát trùng. Dùng lá khổ sâm giảm tình trạng đau bụng hiệu quả.

Bài thuốc đơn giản gồm: 10g hoàng liên khô và 3g lá khổ sâm tươi, nấu lấy nước uống có hiệu quả nhanh chóng, có thể uống thêm 2-3 lần trong ngày để đường tiêu hóa được phục hồi.

Khánh Ly
Chủ nhật, 26/7/2015
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/dinh-duong/bai-thuoc-giai-ruou-va-tri-roi-loan-tieu-hoa-do-say-xin-3252990.html


Làm gì để tránh say xỉn và giải rượu khi say

Nếu không muốn bị gục trên bàn nhậu một cách nhanh chóng, bạn hãy thủ sẵn một vài mẹo nhỏ sau để phòng say rượu quá mức:

- Không uống rượu trong lúc bụng đói vì sẽ làm cho bạn dễ say hơn rất nhiều. Do đó, trước khi uống rượu, bạn hãy ăn một chút gì đó. Tốt nhất là ăn một bát cơm với rau luộc để làm chậm mức hấp thu rượu. Sinh tố B và carbonhydrat có nhiều trong gạo và các vitamin, khoáng chất có trong rau sẽ giúp bạn “cầm cự” lâu hơn và cung cấp những chất bạn bị thiếu trong lúc say rượu.

- Uống một ly sữa: Nếu không ăn cơm, bạn có thể uống một ly sữa trước khi vào bàn nhậu, hoặc dùng các chế phẩm từ sữa như sữa chua, phomai… Vì sữa là loại đồ uống có thể hạn chế sự hấp thụ rượu vào trong máu, bảo vệ được dạ dày và giảm độ kích thích của rượu đối với dạ dày. Đặc biệt trong sữa chua có chứa rất nhiều chất keo thực vật nên giữ lại trong dạ dày khá lâu.

- Ăn một chút trái cây: Chất keo trong hoa quả là chất có thể hấp thu rượu giúp dạ dày, hơn nữa trong hoa quả chứa rất nhiều nước giúp giải rượu. Đặc biệt là chanh, nếu không ăn được chanh, bạn có thể pha nước chanh uống trước khi nhậu để làm giảm nguy cơ "gục ngã" trên bàn tiệc.

- Uống một muỗng canh dầu ô liu trước khi nhậu cũng có hiệu quả làm chậm cơn say của bạn. Nhưng cách này không có tác dụng chống xỉn, chỉ làm chậm lại cơn say và bạn có thể về nhà an toàn hơn mà thôi.

- Trước khi uống rượu, nên uống 2 viên 50 mg B6, kèm theo 1 viên B-100 để làm bớt say hơn một nửa. (Lưu ý: sinh tố B6 không nên dùng thường xuyên vì có thể gây biến chứng không tốt).

Khi đang uống rượu

- Hãy uống thật chậm: Cơ thể bạn có khả năng tiêu hóa chừng 35-40 ml rượu nguyên chất trong mỗi tiếng đồng hồ. Nếu bạn có thể uống từ từ, chậm rãi, hoặc lâu hơn mức như thế, bạn sẽ khó lòng bị say.

- Uống nước thật nhiều: Khi đang uống rượu, hãy uống thêm nước thật nhiều để làm loãng nồng độ rượu trong bao tử của bạn. Vừa giúp hạn chế say, vừa làm giảm độc tố trong cơ thể.

- Không nên uống các loại bia, champagne, rượu mạnh pha với soda hay các loại nước ngọt có hơi khác... vì sẽ làm bạn say nhanh hơn. Đặc biệt, không nên uống rượu chung với nước ngọt, vì trong nước ngọt có ga làm cho chất cồn nhanh chóng lan toả khắp người và sinh ra một lượng lớn CO2, rất có hại cho dạ dày, ruột, gan, thận.

Sau khi uống rượu

Nếu đã bị say, bạn nên áp dụng các biện pháp sau để giã rượu, tránh choáng váng say khi tỉnh dậy:

- Uống nước cam pha mật: Cả hai loại này đều có đường fructose, một loại đường có khả năng giúp cơ thể tiêu hóa chất rượu nhanh hơn. Nếu uống vào sáng hôm sau khi tỉnh dậy, bạn sẽ thấy tỉnh táo và đỡ khát nước.

- Nước cơm: Sau khi uống rượu, nếu uống một bát nước cơm sẽ không bị say nữa, vì cồn gặp nước cơm sẽ tạo nên hiện tượng kết tủa, từ đó làm giảm lượng cồn hấp thu vào máu.

- Gừng: Một ly nước gừng, kèm thêm vài lát chanh, thêm một chút muối cũng giúp giải được rượu và chống cảm lạnh.

- Chè xanh: Chất tanin trong trà có thể khử độc cồn cấp tính, chữa trị các hiện tượng hôn mê, ức chế hô hấp. Vì thế, trước khi tàn cuộc nhậu, hãy uống một cốc chè xanh nóng, bạn sẽ thấy tỉnh táo hơn.

- Sắn dây: 25-50g nấu nước uống, hoặc pha một cốc bột sắn dây với một chút nước chanh rồi cho người say uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại. Sắn dây cũng rất tốt cho gan.

- Cà chua: Uống một ly nước ép cà chua ngay sau khi uống rượu hoặc đi nhậu về, bạn sẽ thấy tỉnh táo hơn. Hoặc buổi sáng hôm sau thức dậy, bạn đừng vội ăn sáng vì dạ dày chưa thể phục hồi ngay, hãy uống một ly nước cà chua và nghỉ ngơi một lúc, đến khi thấy người đỡ mệt và đói bụng thật sự, lúc này ăn mới ngon miệng và dễ tiêu hoá.

- Ăn nhiều trái cây có chứa vitamin C như cam, quýt, chanh, bưởi, cóc… cũng làm giảm cơn say của bạn sau bữa tiệc vì nó có chứa nhiều axit nên có tác dụng giã rượu nhanh chóng.

- Uống một ly cà phê đen: Nếu thức dậy với một cái đầu nhức “như búa bổ”, hãy uống một ly cà phê đen. Cà phê sẽ làm giảm sự căng mạch máu dưới tác dụng của rượu. Tuy nhiên, cà phê chỉ làm giảm nhức đầu chứ không có tác dụng giải rượu.




Những cách giải rượu cấp tốc

Hỏi:

Tôi thường xuyên uống rượu đế. Xin hỏi phải làm sao để giải rượu nhanh, bác sĩ tư vấn giúp. (LêVăn Di, 42 tuổi). 

Trả lời:

Chào bạn,

Trước tiên, để hạn chế tác hại của rượu và giải rượu nhanh, bạn cần lưu ý:

- Ăn trước khi uống rượu, không được để bụng đói. Uống kèm nhiều nước.

- Ăn thêm các loại trái cây (cam, quýt, chanh, chuối, bưởi…) giúp giảm bớt nồng độ rượu trong máu.

Ngoài ra bạn có thể tham khảo một số cách giải rượu sau:

1. Rau cần một nắm rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước cốt, pha chút đường uống từ từ. Nước cốt rau cần không chỉ làm tỉnh rượu mà còn giúp người say không bị đau đầu váng vất sau khi tỉnh.

2. Lá dong (dùng để gói bánh chưng) 100-200 g, rửa thật sạch, giã nát vắt lấy nước cốt pha đường uống.

3. Trà búp 5 g, 16 g quất khô thái vụn (có thể dùng mứt quất hoặc quất tươi cũng được). Tât cả đem hãm với nước sôi uống.

4. Pha một cốc bột sắn dây có vắt chanh để uống, một lúc sau sẽ tỉnh táo trở lại. Sắn dây cũng giúp cho gan tham gia đào thải độc tố.

5. Giã nát một ít củ cải trắng, vắt lấy nước cốt, thêm chút đường rồi uống làm nhiều lần.

6. Ăn các sản phẩm chế từ đậu xanh (khoảng 10-30 g), hoặc giã 5-10 g đậu xanh cả vỏ, pha đường uống.

7. Giấm ăn 60 g, đường 15 g, gừng 3 lát, giã nát, hòa lẫn với nhau rồi uống.

8. Chanh tươi một quả, vắt nước cho uống hoặc thái mỏng, ăn cả quả càng tốt.

9. Vỏ quýt phơi khô (để lâu năm càng tốt) 30 g, có thể sao thơm. Mơ chua 2 quả, cho vào khoảng 300 ml nước, sắc nhỏ lửa 20-30 phút rồi uống. Thêm vào chút nước gừng hoặc trà gừng thì càng tốt.

Các cách trên phần nào có tác dụng giải rượu và làm giảm bớt tác hại của rượu, bạn có thể chọn biện pháp nào thuận lợi hoặc có sẵn trong gia đình. Điều quan trọng nhất là bạn cần biết làm chủ bản thân để không uống quá nhiều.

Thân mến.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Bay
Trưởng cơ sở 3, Bệnh viện ĐH Y Dược TP HCM
Thứ bảy, 25/7/2015
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/dinh-duong/nhung-cach-giai-ruou-cap-toc-3240065.html



Tránh say xỉn bằng cách ăn quả lê trước khi uống rượu

Theo các nhà khoa học Australia, ăn hoặc uống nước lê trước khi uống rượu sẽ làm giảm các triệu chứng say như khó tập trung, mất trí nhớ.

Các nhà khoa học Auatralia thuộc tổ chức CSIRO phát hiện, nếu ăn hoặc uống nước lê trước khi uống rượu, bạn sẽ hạn chế được những triệu chứng say khó chịu như mất trí nhớ và giảm tập trung.

Các nhà nghiên cứu tin rằng nước từ quả lê sẽ giúp chuyển hóa rượu trong máu. Manny Noakes, giám đốc CSIRO cho biết: “Kết quả cho thấy nước lê làm giảm những chất độc hại trong máu gây ra tình trạng say. 14 triệu chứng khi say rượu giảm rõ rệt ở những người ăn hoặc uống nước lê trước khi uống rượu, đặc biệt là họ không hề bị mất tập trung”.

Ngoài ra, những người uống 220 ml nước lê trước khi uống rượu cũng không bị khó chịu với ánh sáng và tiếng động.

Tuy nhiên, các nhà khoa học nhấn mạnh lê chỉ có tác dụng giải rượu nếu được hấp thụ trước khi uống rượu. Một khi bạn đã say, ăn bao nhiêu lê cũng chưa chắc có hiệu quả.

Minh Nguyên (Theo Metro)
Thứ sáu, 7/8/2015
http://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/dinh-duong/tranh-say-xin-bang-cach-an-qua-le-truoc-khi-uong-ruou-3260204.html





No comments:

Post a Comment