Các Chủ Đề

Friday, December 18, 2015

Ôm Cây Đợi Thỏ

Một người nước Tống đang cày ruộng. Giữa ruộng có một cây to. Có con thỏ đồng ở đâu chạy lại, đâm vào gốc cây, đập đầu chết.

Người cày ruộng thấy thế, bỏ cày, vội chạy đi bắt thỏ. Đoạn, cứ ngồi khư khư ôm gốc cây, mong lại được thỏ nữa. Nhưng đợi mãi chẳng thấy thỏ đâu, lại mất một buổi cày. Thiên hạ thấy vậy, ai cũng chê cười.

Lời Bàn:

Thấy mùi, quen mui làm mãi. Ở đời những kẻ ngẫu nhiên gặp may, mà ước ao được gặp may luôn như thế nữa, không biết sự may là tình cờ mới có, thì có khác gì người nước Tống ôm cây đợi thỏ nầy. Anh ôm cây đợi thỏ này lại còn là người cố chấp bất thông, không hiểu thời thế, không thấu tình cảnh, khư khư đười ươi giữ ống, cũng một phường với những hạng chơi đàn gắn chặt phím, khắc mạn thuyền để nhớ chỗ gươm rơi.


Trích: Cổ Học Tinh Hoa
Tác Giả: Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc


Thành Ngữ Trung Hoa: Ôm Cây Đợi Thỏ (守株待兔)

Tác giả: Ji Yuan, Epoch Times | Dịch giả: Việt Nguyên
10 Tháng Sáu , 2014


Thành ngữ Trung Hoa 守株待兔 (Thủ Chu Đãi Thỏ) có nghĩa là “ôm cây đợi thỏ”.

Thành ngữ được dùng để ám chỉ những kẻ ngốc nghếch không chịu làm việc mà “há miệng chờ sung”, hay ung dung đứng đó mà làm lợi trên lưng người khác.

Câu thành ngữ có nguồn gốc từ câu chuyện trong cuốn sách Hàn Phi Tử (1) (“韓非子”) được Hàn Phi (281-233 TCN) viết. Ông là nhà triết học Pháp gia (2) sớm nhất tại Trung Quốc.

Thời Xuân thu chiến quốc (770-476 TCN) tại nước Tống có một người nông dân, giữa cánh đồng của anh ta có một cái cây. Mỗi khi làm đồng mệt anh thường dựa lưng nghỉ dưới gốc cây.

Một ngày nọ, khi đang làm đồng bỗng anh ta thấy một chú thỏ đang hoảng loạn chạy vụt qua và đâm đầu vào cây, rồi gãy cổ mà chết.

Người nông dân liền chạy tới nhặt chú thỏ lên, hí hửng buổi tối sẽ có món thỏ hầm ngon lành.

Kể từ đó anh ta bỏ cày, bỏ bê công việc đồng áng, rồi ngồi nuôi hy vọng một chú thỏ khác sẽ đâm đầu vào gốc cây mà chết.

Tuy nhiên, đợi mãi mà không thấy con thỏ nào xuất hiện, thế là anh nông dân trở thành đối tượng bị chê cười. Cuối cùng anh ta chẳng được gì, chỉ còn lại ruộng đồng bỏ hoang và trơ trụi.

Câu thành ngữ Trung Hoa “ôm cây đợi thỏ” rất giống với thành ngữ “há miệng chờ sung” của người Việt Nam. Ngụ ý nói đến người chỉ muốn dựa vào may mắn hay ước nguyện để đạt được mục tiêu mà không cần phải tốn chút công sức nào.

Ghi chú:

1. Cuốn sách có 55 chương mô tả chi tiết về triết lý chính trị của Hàn Phi, một trong những pháp gia sớm nhất của Trung Quốc.

Cuốn sách làm phong phú thêm kho tàng truyện ngắn về Trung Quốc thời kỳ này.

2. Pháp gia:  một trong bốn trường phái triết lý thời Xuân Thu chiến quốc. Nó mang nhiều tính cách triết lý chính trị thực tiễn hơn là triết học về luật.

http://vietdaikynguyen.com/v3/8785-thanh-ngu-trung-hoa-om-cay-doi-tho-%E5%AE%88%E6%A0%AA%E5%BE%85%E5%85%94/

Bình Luận:

Câu chuyện trên được Hàn Phi viết trong sách bàn về các nguyên tắc dùng pháp luật cai trị. Vào thời đó, tuy một số nước đã có luật lệ nhưng luật lệ còn giản tiện, cách cai trị còn thô sơ. Hàn Phi thấy cái lợi của việc dùng pháp luật nên viết sách đề cao, cùng với việc nói lên một số thuật mà vua dùng để nắm quần thần, tập trung quyền lực vào trong tay nhà vua. Thuyết dùng pháp luật để cai trị bị các nhà Nho bài bác, cho là không hữu hiệu.

Những điều Hàn Phi viết trong sách phản ảnh sự tranh luận giữa hai phái Nho Gia và Pháp Gia vào thời đó. Nho Gia cho rằng phải dùng người có tài đức thì việc cai trị mới tốt. Còn Pháp Gia cho rằng chỉ cần dùng luật pháp cho nghiêm thì cũng cai trị được. Theo Hàn Phi thì nếu viết ra luật cho rõ ràng thì có thể dùng bất cứ người nào không nhất thiết phải chờ đợi có người tài đức mới dùng. Người nào đặt vào địa vị đó thì cũng phải làm đúng theo luật qui định về nhiệm vụ của họ, nếu họ không làm tròn nhiệm vụ như luật qui định thì sẽ bãi chức hoặt trừng phạt họ. Như thế ai cũng phải gắng sức mà làm cho tròn nhiệm vụ như đã qui định. Theo Hàn Phi, cách cai trị của Nho Gia là phải chọn cho có người tài đức thì mới đưa lên cai trị mà người tài đức không phải đời nào cũng có. Những con người có đức độ lâu lâu mới có được một người mà phải đợi có người tài đức thì mới cai trị được thì chẳng khác nào ôm cây đợi thỏ. Con thỏ đập đầu vào gốc cây là ngẫu nhiên cũng như người thật sự tài đức cũng ngẫu nhiên mà có, không phải lúc nào cũng có được.  Nếu không gặp người có đức độ chẳng lẽ để cho nước bị loạn? Thế thì phải dùng luật pháp để bất cứ người nào cũng có thể dùng để làm việc nước được.


13 comments: