Trong cuốn sách Trần Đức Thảo Những Lời Trăng Trối của tác giả Tri Vũ Phan Ngọc Khuê, xuất bản tại Mỹ năm 2014, có một đoạn nói đến việc triết gia Trần Đức Thảo đã có lần gặp ông Hồ Chí Minh và thuyết trình rằng đừng nên đánh miền Nam. Ông Trần Đức Thảo đã được gọi đến Phủ Chủ Tịch thuyết trình riêng cho ông Hồ Chí Minh và một ít người khác, gần chục người, trong đó có ông Võ Nguyên Giáp với đề tài “Chiến tranh và hòa bình”. Buổi thuyết trình này chưa bào giờ được ai kể lại. Những người hiện diện trong buổi đó, toàn là những người cao cấp, có lẽ không ở vị thế thích hợp để kể lại với người khác về chuyện này trong khi ông Trần Đức Thảo cũng không có được cơ hội để kể với ai cả.
Cuốn sách này ghi lại những lời ông Trần Đức Thảo nói chuyện với ông Phan Ngọc Khuê trong quán nước ở Paris, khi ông Trần Đức Thảo gặp gỡ ông Phan Ngọc Khuê và một người bạn nữa cũng ở Paris thường xuyên vào cuối tuần để uống nước và trò chuyện. Đó là dịp ông Trần Đức Thảo được cho đi qua Pháp sống vào thời gian 1990 – 1993. Ông Phan Ngọc Khuê ngầm ghi âm lại các buổi trò chuyện. Sau khi ông Trần Đức Thảo qua đời một cách đột ngột tại Paris năm 1993, ông Phan Ngọc Khuê viết lại những lời ông Trần Đức Thảo đã nói chuyện và in thành sách.
Dưới đây là trích đoạn trong cuốn sách Trần Đức Thảo Những Lời Trăng Trối:
- Như vậy những lần gặp gỡ ấy, thật ra cũng là vô ích!
- Cũng không hẳn là vô ích đâu . Bởi mỗi dịp nêu ra được một điều của lẽ phải, của sự thật, để rồi nó lọt đến tai lãnh đạo hay ai đó thì cũng như mình gieo trồng được một mầm tốt. Nhưng nếu cái hạt mà mình gieo đó bị coi là hạt xấu thì mình sẽ phải trả giá. Tôi còn nhớ một lần gặp gỡ rất bí mật, không thể nào quên. Lúc đó là cuối năm 1964, tức là hòa bình sau hiệp định Genève đã gần mười năm, nhưng cả miền Bắc thì đang sôi sục ngầm chuẩn bị mở chiến tranh nổi dậy một cách qui mô ở miền Nam. Bỗng một cán bộ trung ương tên là Sông Trường, tới bảo “Bác” ngỏ ý muốn nghe tôi phát biểu về đề tài “chiến tranh và hòa bình”, tại phủ chủ tịch. Và tôi được biết rõ là buổi thuyết trình này chỉ dành riêng cho một số người rất hạn chế, rất thân cận của “Bác”. Lệnh đó đã làm tôi suy nghĩ rất kỹ. Bởi lúc đó trong dân chúng, nhất là tại nông thôn, nơi không có tai mắt quốc tế, đang dấy lên phong trào hô hào thanh niên đi thi hành nghĩa vụ quân sự. Các địa phương đang thi đua thành tích “giao quân”. Khắp nơi tràn đầy bích chương, pa nô kêu gọi “vì yêu nước, vì yêu xã hội chủ nghĩa, phải hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quân sự”!
Thực tế là lúc ấy, trong mỗi gia đình dân chúng, đang rạo rực một mối lo “Đảng” chuẩn bị mở lại chiến tranh. Bởi trong dân chúng những tin tức Trung Quốc đang ùn ùn chở vũ khí nặng vượt qua biên giới vào cho ta, rồi lệnh gấp rút thu gom thanh niên đi làm “nghĩa vụ”… Do đó tôi cố tìm hiểu tại sao “Bác”, là người chẳng ưa gì tôi, mà nay lại muốn nghe tôi thuyết trình về một đề tài đang làm cho dân chúng lo âu, đang được bàn tán, tuy âm thầm nhưng rất là sôi nổi, trong thời sự.
Cán bộ phủ chủ tịch cho biết “bên trên” ra lệnh cho tôi phải chuẩn bị kỹ bài nói chuyện, và yêu cầu tôi đưa trình bài đã soạn để “trên” duyệt trước. Thế nhưng tôi cố ý chỉ đưa trước một dàn bài tóm lược đại cương với hai phần chính. “Một là đánh giá nhu cầu và di sản của chiến tranh. Hai là cách đánh giá nhu cầu và di sản của hòa bình. Và phần kết luận: cách đánh giá thắng và bại qua những di sản của chiến tranh và hòa bình”. Tôi không đi sâu vào chi tiết trong dàn bài đưa trình là cố ý để không gặp cấm cản những điều mà tôi muốn nói, mà có lẽ “Bác” và những người chung quanh cũng không muốn tôi nêu ra. Trong bài thuyết trình, tôi đã cố phân tích thật sâu sự kiện “chiến tranh” và sự kiện “hòa bình”, qua quá trình lịch sử đương đại, với cách nhìn triết học phê phán đối với lịch sử. Tôi ôn lại những bài học của lịch sử, để nhấn mạnh tới sự độc hại không thể nào kể xiết của chiến tranh. Bởi nhu cầu chiến tranh đòi hỏi thật nhiều mưu trí, thủ đoạn. Còn hòa bình bền vững đòi hỏi phải có trí tuệ thật là trong sáng, minh bạch. So sánh con người của chiến tranh với con người của hòa bình về mặt lương tri đạo đức thì sẽ thấy rõ đâu là giá trị đích thực của chiến tranh, của hòa bình. Hơn nữa, hai cuộc đại chiến thế giới đã kết thúc với thắng lợi của phe các nước dân chủ tư bản ở châu Âu, đã để lại những bài học đắt giá.
Bởi sự thật là sau mỗi lần chiến thắng, châu Âu đã thụt lùi một bước về mặt uy thế đối với thế giới, vì suy yếu, vì đã kiệt sức đến phải nhờ vả, phải vịn vào Mỹ để đứng dậy! Từ đó, nhất là sau đệ nhị thế chiến, Mỹ đã trở thành cường quốc số một một cách không thể chối cãi, còn châu Âu thì đã vĩnh viễn mất hẳn vị trí đứng đầu thế giới. Các nhà sử học và xã hội học còn ghi nhận, về mặt văn hóa, nhân văn, về mặt trật tự, kỷ cương và đạo lý, thì con người thời hậu chiến đã bị suy thoái về tất cả các mặt ấy. Hai nước chiến bại là Đức và Nhật đã vươn lên thành hai cường quốc là nhờ họ là nước thua trận, không có quyền thành lập quân đội. Do đó dân của họ không bị gánh vác nặng nề những chi phí quốc phòng trong một thời gian dài. Nghiên cứu về hiện tượng ấy cho phép đánh giá cái hại lâu dài của chiến tranh, dù là đã đại thắng. Bởi cái giá phải trả sau khi chiến thắng thì rất là đắt. Những chiến công hiển hách có thể mang ra ca ngợi trong hàng ngàn trang sách. Nhưng nỗi đau, nỗi khổ mà các dân tộc phải chịu do hậu quả chiến tranh thì lâu dài, không giấy bút nào có thể kể ra cho hết. Cụ thể cho thấy cái lợi về cách sử dụng hòa bình một cách tuyệt đối, nghĩa là không phải dồn nỗ lực vào guồng máy chiến tranh đã cho phép các dân tộc quanh ta tránh được bao nhiêu đau khổ, không bị trong tình trạng thua kém, tụt hậu như nước ta, dân ta. Và lại nhờ chính sách tận dụng hòa bình mà Đức và Nhật đã qua mặt những nước chiến thắng như Anh, như Pháp . Kinh nghiệm ấy là một bài học quí cho nước ta.
Thực tế là tình trạng miền Bắc ta, cho tới lúc này (1964), cũng chưa xóa bỏ được nghèo khổ, dù là việc ký kết hiệp định hòa bình Genève đã mười năm. Đời sống nhân dân ta còn vô cùng tối tăm về mọi mặt. Thế mà nay ta lại phải lo mở lại chiến tranh trong những ngày sắp tới đây. Mà nước ta vẫn chưa làm ra được súng đạn, thì dĩ nhiên là phải nhờ vả trầm trọng vào nước ngoài, về mặt vũ khí, lương thực… Sự nhờ vả ấy sẽ là món nợ vô cùng nặng nề. Nó sẽ là một di sản lâu dài của chiến tranh. Bởi chiến tranh, đối với loài người, là một độc dược với muôn vàn “hậu quả độc hại từ bên trong”, về lâu về dài . Chiến thắng chỉ mang lại phần thưởng vinh quang cho một thời gian nhất định. Nhưng di sản tai hại trầm trọng của nó, ngoài những thiệt hại về nhân mạng, về đổ vỡ trên lãnh thổ, còn là sự đổ vỡ thâm sâu trong tinh thần, trong nếp sống, trong nếp suy nghĩ, trong đầu óc con người. Bởi chiến tranh lâu dài sẽ tồn đọng trong đầu óc, thành một thứ văn hóa chiến tranh. Nó làm cho con người trở thành hung bạo hơn, gian xảo hơn… tàn nhẫn hơn trong suy nghĩ, trong hành động, trong nếp sống hằng ngày. Bởi con người chiến thắng sẽ khoe khoang, sẽ thành kiêu binh, sẽ tin tưởng vào những xảo trá, quỉ quyệt đã dùng để đánh gục quân thù! Nhưng rồi nó tồn đọng như những món nợ vật chất và tinh thần, trong thể xác và đầu óc con người và xã hội. Đó là những món nợ văn hóa trong lối sống… lối suy nghĩ, mà các thế hệ mai sau không thể nào thanh toán cho hết được. Vì thế mà người xưa, sau chiến thắng, thì phải vội ra chính sách “an dân”, để cố tẩy xóa ngay lối sống, lối suy nghĩ của chiến tranh, để cho người dân an tâm mà làm ăn… Ta thì sau khi thắng xong, là lại lo áp đảo tinh thần để huy động dân chúng, để phát triển “xã hội chủ nghĩa”, rồi tiếp tục cổ vũ hận thù triệt để, để mở lại chiến tranh!
(Cũng nhân đây, phải lưu ý rằng ở châu Âu, có hai nước đã coi nhau như là kẻ thù truyền kiếp, quyết không đột trời chung là Đức và Pháp . Nhưng những nhà lãnh đạo có trí tuệ, biết nhìn xa, đã hóa giải được mối thù truyền kiếp ấy bằng hòa giải, để rồi Pháp và Đức ngày nay đã trở thành cột trụ của nền hòa bình và thịnh vượng của châu Âu, do châu Âu chứ không còn là do Mỹ cho châu Âu! Đấy là một kinh nghiệm, là một bài học hòa bình và thịnh vượng, mà chìa khóa là sự công nhận giá trị của nhau, kính trọng nhau để hợp tác với nhau mà đi tới!)
Vì thế khi đã có hòa bình mà không cấp bách và tích cực xóa bỏ cho nhanh, cho hết nếp suy tư, nếp ứng xử quá khích, xảo trá thời chiến trong xã hội, xóa sạch hậu quả của những thói quen quá trớn của chiến tranh, để trở lại lương thiện, bình thường… thì rồi sẽ khó tránh được hậu họa xã hội suy tàn là di sản lâu dài của chiến tranh. Sau chiến tranh mà vẫn duy trì nếp sinh hoạt của thời chiến, vẫn phát triển các chính sách của bạo lực, vẫn quen dùng thủ đoạn tuyên truyền dối gạt của chiến tranh, thì xã hội sẽ mãi mãi sống trong căng thẳng, trong những phản xạ tàn bạo… như vậy là độc tố chiến tranh đã nhiễm sâu vào con người, vào xã hội. Như vậy là di sản chiến tranh vẫn tác hại trong thời bình, giữa chúng ta với nhau. Vậy là những chiến thắng cuối cùng đã đưa tới toàn là tai họa. Chiến thắng như thế cuối cùng là một thất bại. Vì không phải là thắng, và cũng chẳng phải là lợi.
Chúng ta ai cũng nên chú ý rằng nhờ bao tổn thất và hy sinh của ta trong chiến thắng Điện Biên, mà Trung Quốc đã có cơ hội lên mặt kẻ cả của một đại cường quốc ở hội nghị Genève khi bàn về ngưng bắn ở Việt Nam. Bởi Trung Quốc đã từng bị mất mặt khi phải ký kết chấp nhận đình chiến ở Triều Tiên… Thế nên Trung Quốc đã có ý đồ phục thù trong chính sách giúp ta đánh đuổi Pháp, để gỡ danh dự. Cứ xem việc Mao chủ tịch, vừa mới thắng Tưởng Giới Thạch, vừa mới nắm được chính quyền tại Bắc Kinh năm 1949, thì đã vội xua quân qua chiếm Tây Tạng năm 1950! Rồi sau đó đã thúc Bắc Triều Tiên mở chiến tranh để xóa ảnh hưởng Mỹ ở Nam Triều Tiên. Nhưng rồi Trung Quốc đã thất bại khi phải xua quân qua cứu Bắc Triều Tiên, và rồi đã phải ký một cách khiêm tốn hiệp định đình chiến tại Bàn Môn Điếm, phải chấp nhận để Mỹ đóng quân lâu dài ở Nam Triều Tiên… Mà Nam Triều Tiên đứng vững không chỉ do Mỹ, mà còn là do dân ở đó không ưa “cộng sản”.
Đó là những điều ta phải suy nghĩ cho kỹ để rút kinh nghiệm cho tương lai của ta. Ta phải cân nhắc kỹ lại về việc ký kết và thi hành hiệp định Genève mà ta đã ký năm 1954. Tôi muốn gợi ý ở phần kết luận bài thuyết trình với kinh nghiệm của vùng Đông Nam Á này: chiến tranh không phải là một giải pháp tốt. Mà những hậu quả tai hại của chiến tranh thì không thể lường hết được, mà cũng không thể nào thanh toán hết được.
Vì đã ý thức nỗi lo sợ của dân chúng trước viễn ảnh và nguy cơ mở lại chiến tranh, nên tôi buộc lòng phải nhấn mạnh tới hậu quả tai hại, với hy vọng mong manh là nếu không thể ngăn chặn, thì ít ra cũng trì hoãn được thêm một thời gian nữa dự tính mở lại chiến tranh xuống miền Nam. Vì đứng trên quan điểm của con người trong lịch sử mà xét, những tiếng gào khóc của hàng triệu sinh linh trong chiến tranh và sau chiến tranh, dù cho có bao nhiêu bia tượng, đền đài miếu mạo ghi công, tưởng nhớ đến muôn đời sau, thì cũng thể nào an ủi được những nỗi đau, không thể nào đền bù được những mất mát và tàn phá do chiến tranh gây ra, mà dân chúng đã phải gánh chịu mãi mãi cho tới sau này.
Để chấm dứt bài thuyết trình tôi chậm rãi nói dằn từng chữ:
Có một sự thật có thể gây tranh cãi, nhưng không thể nào chối cãi được, là chiến tranh luôn mang theo nhừng hậu quả vô cùng tai hại. Vì nó làm băng hoại xã hội, vì nó phá hoại hạnh phúc con người… Chỉ có hòa bình mới tạo cơ hội xây dựng được no ấm và hạnh phúc, tạo ra được một xã hội có căn bản luân thường, đạo đức, trật tự kỷ cương.
Nghe tới câu ấy “Bác” thay đổi thái độ: đang ngồi nghe một cách vô cảm, với dấu hiệu mệt mỏi, bỗng cau mặt, đứng phắt dậy, mím môi, cau mày, có vẻ không vui ra mặt, rồi vỗ tay sơ sài, lẹt đẹt, làm như thể “Bác” chỉ chờ cho tôi chấm dứt. Gần chục người chung quanh, hình như đa số là của “bộ chính trị”, cũng phải vội vã đứng dậy, vỗ tay hời hợt theo cho phải phép. Rồi “Bác” vừa đi ra, vừa ngoảnh mặt nói vọng lại với tôi:
- Chú Thảo nói hay lắm . Cám ơn chú! Bây giờ “Bác” phải về làm việc.
Tôi cố quan sát thật kỹ thái độ, dáng điệu lúc “Bác” ngồi nghe . “Bác” đã giữ vẻ mặt trầm tĩnh cho tới lúc đứng dậy, đổi ra mặt cau có, rồi vứt lại một lời cảm ơn, như miễn cưỡng, để vội vã ra đi… bước thật nhanh, không vui chút nào khi rời phòng hội. Những người xung quanh cũng phải vội vã chạy theo… Chỉ có một người bước lại gần, tươi cười nói khẽ một câu, như để an ủi tôi, đó là tướng Giáp:
- Được “Bác” khen như thế là tốt lắm . Thế là thành công đấy!
Nhưng tôi thì đứng lại đó, bơ vơ, lo âu, suy nghĩ về câu khen “nói hay lắm” của “Bác” vứt lại khi bước ra khỏi nơi họp. Tôi cứ băn khoăn ngẫm nghĩ về thái độ của lãnh tụ với “câu khen” ngắn ngủi ấy. Chờ mãi hồi lâu, cho tới khi một cán bộ của phủ chủ tịch bước tới để dẫn tôi ra về bằng cổng sau…
Đấy là thêm một lần, tôi đã có dịp tìm hiểu cách ứng xử của “ông cụ” đối với tôi. Thật sự là cuộc gặp gỡ, buổi thuyết trình ấy đã không làm “ông cụ” vui. Vì nội dung tôi thuyết trình đã nhấn mạnh tới những hậu quả vô cùng tai hại của lá bài chiến tranh! Và rồi tôi cũng không vui với lời khen mỉa mai “nói hay lắm” (nhưng ý không hay ?) ấy. Bởi tôi biết việc ký và thi hành hiệp định Genève như thế, là để chuẩn bị mở lại chiến tranh, tức là vĩnh viễn xé bỏ hiệp định! Bởi trong hiệp định có các khoản cam kết của các nước chủ trì hội nghị dùng để bảo vệ cách thi hành nhưng chẳng thấy ta dùng đến những cam kết ấy. Ngoài ra, tôi còn nhắc khéo tới ý đồ bành trướng của Trung Quốc trong vụ vội vã “giải phóng” Tây Tạng… Nhất là trong lúc toàn miền Bắc ta còn nghèo khổ mà đã lăm le mở lại, mở rộng chiến tranh xuống miền Nam! “Ông cụ” với nét mặt nghiêm trang, lạnh lùng, có vẻ đã mỏi mệt, nên đã không dấu được thái độ bực bội, như là đã vừa làm một thử nghiệm không vừa ý, với một kẻ “có vấn đề” nên nét mặt đã chuyển ngay sang cau có, khó chịu vào phút chót ấy. Và câu “Chú Thảo nói hay lắm!” đã như một gáo nước lạnh hất vào mặt tôi . Bởi nếu thật sự đồng ý với tôi, dù là chỉ một phần nhỏ thôi, thì ít ra cũng lại gần tôi mà trao đổi vài câu, và bắt tay để nói lời khen ấy. Nhưng đây là một câu nói miễn cưỡng vứt lại phía sau, trong khi vội vã bước ra khỏi phòng hội. Chung quanh tưởng đấy là một lời khen, nhưng kỳ thực chỉ có tôi hiểu đấy là một lời phê phán nặng nề: “Nói thì hay lắm, nhưng ý tứ thì không hay chút nào”! Chỉ có tôi là người trong cuộc, đang sống trong vòng cương tỏa của “Người”, mới cảm nhận, mới hiểu rõ ý nghĩa thâm thúy của từng câu, từng chữ của “Người”! Rồi tôi lại nghĩ cho dù “ông cụ” có muốn kéo dài thêm thời gian hòa bình để kiến thiết xử sở, nhưng còn có uy lực của Mao nó ép phải mở lại chiến tranh thì sao? Vấn đề nó thâm sâu, tàn nhẫn và phức tạp vô cùng!
(Chấm dứt phần trích dẫn)
No comments:
Post a Comment