Các Chủ Đề

Friday, June 3, 2016

Video ông Obama gặp ca sĩ Mai Khôi và các nhà hoạt động

Trong chuyến viếng thăm Việt Nam của tổng thống Mỹ Barack Obama, sau khi ông Obama phát biểu tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia ở Hà Nội vào buổi chiều hôm trước thì buổi sáng hôm sau, ngày 24-5-2016, ông Obama có buổi gặp gỡ với một số người hoạt động xã hội, chính trị tại Việt Nam trong số đó có ca sĩ Mai Khôi.


Ca sĩ Mai Khôi từng viết thư cho ông Obama trước khi ông đi Việt Nam ngỏ ý mong muốn gặp ông để có thể nói chuyện với ông về những khó khăn khi ra ứng cử tại Việt Nam. Có nhiều người hay hoạt động tại Việt Nam được mời đi gặp ông Obama bị công an ngăn chặn, không cho đi đến buổi gặp mặt trong đó có tiến sĩ Nguyễn Quang A và cô Đoan Trang. Trong số 15 người được mời, chỉ có 6 người đến dự được.

Dưới đây là đoạn video chiếu ông Obama phát biểu trong buổi gặp mặt đó:




Ảnh chụp quang cảnh buổi họp hôm đó, số người tham dự không phải là nhiều. Chín người đã bị ngăn cản đến dự:


Chuẩn bị cho buổi họp



Toàn cảnh buổi họp






Việt Nam ngăn cản thành viên tổ chức XHDS gặp Tổng thống Obama

Theo như dự kiến sáng nay, 24 tháng 5, Tổng thống Obama sẽ gặp một số thành viên các tổ chức xã hội dân sự của Việt Nam, tuy nhiên có vài thành viên không đến được như dự dự định vì bị nhà cầm  quyền ngăn cản.

Nhà báo tự do Đoan Trang từ Sài Gòn đi ô tô ra Hà Nội để gặp Obama nhưng tới Ninh Bình thì bị chặn lại và đuổi lại Sài Gòn. Riêng TS Nguyễn Quang A nhận được lời mời gặp gỡ Tổng thổng Obama vài ngày trước do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội thông báo bằng e-mail. Tuy nhiên từ hai ngày qua ông bị cô lập trong nhà không được bước ra ngoài khi Tổng thống Hoa Kỳ có mặt tại Hà Nội. Cho tới sáng hôm nay, đúng vào thời gian cuộc gặp gỡ thì ông bị bắt cóc lên xe chở đi khỏi Hà Nội trong nhiều giờ liền. Tiến sĩ Nguyễn Quang A kể lại:

“Sáng nay khoảng 6 giờ 22 phút thì tôi bắt đầu đi ra đến chỗ hẹn. Được ba bốn phút gì đấy có hàng chục an ninh mặc thường phục họ hỏi tôi đi đâu tôi trả lời các anh không có quyền hỏi tôi câu ấy. Họ xông vào túm và giật tôi ra khỏi người nhà, khiêng mình lên như con heo quăng mình vào trong một chiếc ô tô có hai cậu an ninh mỗi cậu một bên cùng với lái xe.

Sau đó họ đi lòng vòng tới EcoPark, nơi này nổi tiếng với vụ Văn Giang đấy, sau đó xuống Văn Giang rồi xuống Hưng Yên tức là cách Hà Nội gần 100 cây số, cứ đi trên xe như thế cho đến lúc họ tính cuộc gặp của ông Obama xong rồi, khi ông ấy sắp sửa đi ra sân bay thì họ chở tôi về. Đúng 1 giờ chiều thì họ thả tôi ra khỏi xe, trả lại cho tôi hai cái điện thoại mà họ đã tước đoạt của tôi trên đường.”

Hãng tin Reuters đưa tin Tổng thống Obama chính thức thừa nhận việc này và nói rằng vài người đại diện cho Xã hội dân sự đã bị ngăn cản không được gặp ông và ông lấy làm tiếc vì Việt Nam vẫn ngăn cấm xã hội dân sự làm cản tiến trình phát triển dân chủ của quốc gia này.

Tổng thống Obama có cuộc gặp với 6 người khác tại Hà Nội trước khi ông lên máy bay vào Sài Gòn đúng như chương trình khi ông tới Việt Nam.

Trong khi Tổng thống Obama lên chuyên cơ vào Sài Gòn thì cũng là lúc cuộc tuyệt thực của nhiều người trên khắp nước bắt đầu cùng đồng hành với tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức trong trại giam.

Từ Thanh Hóa, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, một trong 18 cựu tù nhân lương tâm tham gia cuộc tuyệt thực này cho biết:

“Thực ra thì không riêng gì Trần Huỳnh Duy Thức mà tất cả tù nhân lương tâm ở Việt Nam là những người yêu nước yêu quê hương, yêu tự do dân chủ và họ xứng đáng để được nhiều người quan tâm chứ không phải chỉ vài người hay vài chục người.

Tuy nhiên chúng ta thấy trong lần này Tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam thì được người dân đón tiếp rất nồng hậu cũng như những quyết định mà Tổng thống Hoa Kỳ đối với chính phủ Việt Nam thì rõ ràng khá nhiều những sự ưu đãi thế nhưng nhà cầm quyền Việt Nam vẫn không coi trọng nhân quyền của người dân Việt Nam. Đối với một quốc gia cách nửa vùng trời như đất nước Hoa Kỳ có một thời Việt Nam xem như thù địch, xâm lược nhưng người ta còn quan tâm đến nhân quyền của Việt Nam còn đối với người Việt Nam với nhau tôi thấy tình người lại rất xa vời cho nên với chúng tôi là những người đấu tranh cho nền tự do dân chủ tại Việt Nam thì bất cứ người nào vì quê hương đất nước mà phải chịu cực hình thì chúng tôi đều quan tâm.

Đặc biệt trường hợp của Trần Huỳnh Duy Thức là người có thể nói cuộc đời của anh đã đặt tổ quốc lên trên cả gia đình và anh tuyên bố đây là trận chiến cuối cùng có thể được chết thì chẳng lẽ những người như chúng tôi lại làm ngơ trước tinh thần của anh cho nên chúng tôi tuyệt thực cũng chỉ để ủng hộ tinh thần đó của anh Trần Huỳnh Duy Thức một chút thôi ạ.”

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đang bị giam giữ tại Nghệ An đã bắt đầu tuyệt thực vào ngày hôm nay và anh tuyên bố sẽ không ngưng cuộc tuyệt thực cho tới khi nào yêu cầu của anh được nhà cầm quyền chấp nhận đó là phải trả tự do cho anh tức khắc và vô điều kiện bất kể bản án của anh vẫn còn gần bảy năm nữa mới hoàn tất.

Thông điệp của Tổng thống Obama

Người dân Sài Gòn trong ngày hôm nay gặp tình trạng kẹt xe chưa từng thấy khi Tổng thống Obama đặt chân xuống phi trường Tân Sơn Nhất. Hàng ngàn người đứng hai bên đường chờ đoàn xe chở ông tới thăm ngôi chùa Ngọc Hoàng, nơi đầu tiên ông tới chứ không phải là một cơ quan hành chính nào của chính phủ.

Nhà văn Trần Tiến Dũng đặc biệt quan tâm tới chi tiết này cho biết nhận định của ông về ngôi chùa Ngọc Hoàng như sau:

“Chùa Ngọc Hoàng là một trong các cổ tự ở Việt Nam, nhất là ở Sài Gòn có những ngôi chùa cổ hơn chùa Ngọc Hoàng rất nhiều, có khoảng 200-300 năm trước. Chùa Ngọc Hoàng chỉ có khoảng 100 năm tuổi thôi, nhưng mà đó là cái chùa mà theo ông Dương Hồng Sển là nơi lập những hội kín của những cộng đồng người Hoa lưu vong nhằm phản Thanh phục Minh. Thậm chí sau này cũng là nơi che chở, nương tựa, giúp đỡ người Hoa từ Trung Hoa lục địa chạy qua lánh nạn Trung Cộng.

Đây là ngôi chùa rất nổi tiếng của cộng đồng người Hoa. Sau này người Việt cũng thường đến viếng trong các dịp lễ tết và rất đông người đến viếng chùa. Tôi nghĩ nó có ý nghĩa nhất định nào đó trong việc ông Obama và ekip cố vấn của ông chọn ngôi chùa này để đến viếng đầu tiên sau khi từ Hà Nội vào Sài Gòn. Nó có ý nghĩa nào đó họ muốn gửi gắm thông điệp cho cả cộng đồng người Hoa và cả cộng đồng người Việt lưu vong sau biến cố năm 1975 diễn ra đang ở khắp nơi trên thế giới rằng người Mỹ vẫn nhớ tới họ và nhớ tới quan hệ sâu sắc giữa đồng minh Việt Nam Cộng Hòa và những người dân miền Nam.”

Tổng thống Obama được dân chúng Sài Gòn chào đón còn hơn cả Tổng thống Bill Clinton trong lần viếng thăm trước vào năm 2000.

 Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2016-05-24

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/obama-visits-update-ml-05242016080431.html



Thảm hại cuộc gặp Tổng thống Mỹ với Xã hội dân sự sáng 24/5: 15 khách mời, chỉ 6 người đến được!; Cuộc họp không thành của TT Mỹ Obama...;Bị An làm cho bỉ mặt, TT Obama vẫn từ tốn nhẹ nhàng, lịch sự trong cuộc gặp các đại diện XHDS; New York Times bình luận về việc một số nhà hoạt động dân sự bị chặn...

 Hãng tin Reuters tường thuật Tổng thống Hoa Kỳ Obama nói nhiều thành viên của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã bị ngăn cản đến cuộc gặp với ông hôm thứ Ba 24/5 và, dù có những bước tiến mà quốc gia này đạt được, Washington quan ngại về những giới hạn về tự do chính trị.

Ông Obama đã gặp sáu nhà hoạt động và nói "có những lĩnh vực quan trọng đáng quan ngại" về tự do chính trị. Ông ca ngợi những người Việt Nam nào "sẵn lòng để tiếng nói của họ được lắng nghe".

Hai nhà hoạt động nói với Reuters ông Nguyễn Quang A, một trí thức, đã bị đưa đi bởi những người lạ trước khi ông hi vọng đến cuộc gặp ông Obama, người thân ông Quang A cho biết.

Reuters không thể xác nhận thông tin này và Bộ ngoại giao Việt Nam chưa đưa ra bình luận.

Hôm thứ Hai 23/5, trong cuộc họp báo chung với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, ông Obama nói đã có những tiến bộ nhân quyền "khiêm tốn".

Ông Obama ngồi quanh các nhà hoạt động trong buổi gặp. Họ lắng nghe chăm chú khi ông phát biểu cuối buổi gặp.

Một số nhà hoạt động tỏ ra thất vọng có thể ông obama đã gỡ bỏ những thúc đẩy với các lãnh đạo cộng sản.

Một quan chức Hoa Kỳ giấu tên nói những sắp xếp đã có kết quả thúc đẩy Việt Nam nhượng bộ, như cam kết "không có tiền lệ" cho phép thành lập công đoàn độc lập theo Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP.

Nguyễn Đình Hà

Ứng viên đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Hà nói trên Facebook: "Nếu tôi mà là ông Obama, tôi sẽ rời Hà Nội ngay lúc 12h trưa để qua Nhật luôn và hủy phần thời gian còn lại của chuyến thăm!

"Vì chính quyền chủ nhà không tôn trọng khách mời trong cuộc ông Obama gặp đại diện xã hội hôm nay 24/5, khi bắt cóc, chặn giữ những người mà ông Obama muốn gặp mặt. Coi thường quốc khách, coi thường cả quyền căn bản của công dân như thế cơ mà!

"Có 15 ghế khách mời, chỉ có 6 người tới. Nếu tôi là Obama, tôi sẽ gọi thẳng cho ông Trần Đại Quang, ông Phạm Bình Minh, ông Tô Lâm, hỏi thắng: muốn chơi hay nghỉ đây?

Tôi xin nhấn mạnh lại: chúng ta cần cả hai, nhân quyền và chủ quyền quốc gia! Lệnh cấm vận vũ khí có thể dỡ bỏ một phần hoặc toàn phần, nhưng điều kiện vẫn là nhân quyền phải được bảo đảm và chấp thuận theo gói, theo luật xuất khẩu vũ khí của Mỹ đấy nhé"

 Liên quan tới hoạt động đưa tin chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, nhà chức trách Việt Nam dường như đã đồng ý để nhóm phóng viên BBC News tại Hà Nội tác nghiệp sau khi yêu cầu ngưng tác nghiệp trước đó, một phóng viên trong đoàn nói với văn phòng BBC tiếng Việt tại Bangkok vào sáng ngày 24/05.

Vào ngày 23/05 CPJ, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, có trụ sở chính tại New York, ra thông cáo lên án việc kiểm duyệt và kêu gọi Việt Nam ngưng sách nhiễu các nhà báo sau khi nhà chức trách Hà Nội buộc nhóm phóng viên BBC ngưng tường thuật chuyến thăm Việt Nam.

Jonathan Head, phóng viên Đông Nam Á của BBC thường trú tại Bangkok, trong một email gửi CPJ nói chính quyền Việt Nam nghi ngờ đoàn BBC trước đó gặp một trong những nhà bất đồng có tiếng nhất là ông Nguyễn Quang A và BBC đã bác bỏ điều này.

Jonathan Head trong ngày thứ Bảy cho biết ông nhận được một email và cú điện thoại thông báo giấy phép tác nghiệp tại Việt Nam đã bị rút và BBC bị cấm dự hoặc tường thuật về bất kỳ sự kiện chính thức nào trong chuyến thăm này, theo CPJ.

“Việc Việt Nam sách nhiễu BBC trong dịp có sự kiện quan trọng như vậy cho thấy thật ngán ngẩm với nhà cầm quyền trong việc kiểm duyệt,” Shawn Crispin, Đại diện của CPJ cho khu vực Đông Nam Á nói trong thông cáo.

“Với thời gian còn lại của chuyến thăm, Tổng thống Obama nên nói rõ với nước chủ nhà rằng việc ngăn cản phóng viên sẽ có hệ lụy đáng kể tới các quan hệ song phương.”

Trích tin từ BBC

(BBC)


Danny Doan


Một số khách mời của Obama 'bị chặn'

Ông Obama có buổi gặp một số thành viên xã hội dân sự tại Hà Nội hôm 24/5

Tổng thống Hoa Kỳ nói một số nhà hoạt động đã bị ngăn cản, không thể tới dự cuộc gặp mặt với ông hôm thứ Ba 24/5.

Trước thời điểm diễn ra cuộc gặp, trên mạng xã hội có thông tin một số khách mời là tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật sư Hà Huy Sơn, nhà báo Đoan Trang và blogger Thảo Teresa bị ngăn cản và câu lưu.

Cuối cùng, chỉ sáu khách mời có mặt, gồm nhà nghiên cứu xã hội Lê Quang Bình, ca sĩ Mai Khôi, nhà báo Mai Phan Lợi, mục sư Nam Quốc Trung, mục sư Lê Quốc Huy và bà Nguyễn Hồng Oanh, giám đốc trung tâm IDEA (Ban hành động vì sự phát triển của người khuyết tật).

Ông Barack Obama nói tuy Việt Nam đã có những tiến bộ nhưng Washington quan ngại về những giới hạn mà Hà Nội áp đặt lên vấn đề tự do chính trị.
“Hiện vẫn đang có những quan ngại to lớn trong vấn đề tự do ngôn luận, tự do hội họp, trách nhiệm giải trình của chính phủ,” ông nói trong cuộc gặp sáu thành viên xã hội dân sự tại khách sạn JW Marriot, Hà Nội.

“Tôi đã nhấn mạnh trong các cuộc họp của tôi ngày hôm qua với Chủ tịch nước, Thủ tướng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội rằng chúng tôi tôn trọng chủ quyền và độc lập của Việt Nam.”

“Rốt cuộc thì nhân dân Việt Nam là những người quyết định xem xã hội của họ sẽ hoạt động ra sao, và chính phủ của họ thế nào.”

“Nhưng chúng tôi tin vào những giá trị phổ quát nhất định, và điều quan trọng là chúng tôi phải đại diện nói ra những giá trị đó ở bất kỳ những nơi nào chúng tôi tới.”

“Điều đặc biệt quan trọng và hữu ích cho tôi là được trực tiếp lắng nghe những người, vốn nhiều khi phải chịu các điều kiện ngặt nghèo, vẫn mong muốn cất lên tiếng nói vì tự do và nhân quyền.”

“Tôi cần phải lưu ý rằng đã có một số nhà hoạt động khác được mời nhưng họ đã bị chặn không thể tới đây vì những lý do khác nhau.”

“Tôi cho rằng đây là một chỉ dấu cho thấy mặc dù đã có ít nhiều tiến bộ và mặc dù chúng tôi từng hy vọng là với việc có một số cải cách tư pháp đang được dự thảo, được thông qua thì sẽ có những tiến bộ thêm nữa, nhưng vẫn có những người bị cản trở khi muốn tụ tập ôn hòa để nói về những vấn đề mà họ quan tâm sâu sắc

Tổng thống Obama nói gì khi gặp một số đại diện của XHDS VN?

Cuộc gặp kéo dài trên dưới một tiếng, thảo luận về nhân quyền, xã hội dân sự, và hợp tác Việt-Mỹ. Obama đúng là tổng thống của một nền dân chủ, nơi lãnh đạo có thói quen và động lực để lắng nghe người dân. Ông cũng là một người hoạt động xã hội, tổ chức cộng đồng trước khi tham gia hoạt động chính trị. Chính vì vậy, cuộc nói chuyện rất cởi mở, thực chất, và thân tình hơn là một cuộc tiếp xúc ngoại giao.

- Tổng thống Obama khẳng định sự quan tâm và cam kết của chính phủ Hoa Kỳ và cá nhân ông với các giá trị dân chủ, nhân quyền và tự do. Đó chính là lý do dù ông đi đâu cũng muốn tiếp xúc với xã hội dân sự và người dân. Việc ông gặp với XHDS Việt Nam cũng không phải là một ngoại lệ.

- Ông khẳng định tự do, dân chủ và nhân phẩm phải do nhân dân và chính phủ của mỗi quốc gia thúc đẩy và kiến tạo. Chẳng có ai bên ngoài mang được điều đó cho nước khác. Kinh nghiệm của ông cho thấy khi người dân lên tiếng, khi chính phủ thấy được lợi ích của tự do sáng tạo, tự do hội họp, tự do kinh doanh thì khi đó xã hội mới thay đổi và phát triển.

- Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác với chính phủ Việt Nam, mở rộng quan hệ hợp tác, và luôn luôn hỗ trợ để mở rộng không gian cho xã hội dân sự hoạt động và phát triển. Ông tin rằng một quan hệ sâu rộng sẽ tạo ra nhiều cơ hội để đối thoại về nhân quyền, tự do và dân chủ hơn với chính phủ và nhân dân Việt Nam.

- Ông biết và thất vọng vì một số đại diện của xã hội dân sự không thể đến cuộc họp này vì bị ngăn cản. Đây cũng là bằng chứng cho những hạn chế còn tồn tại, và những khó khăn của các cá nhân, tổ chức xã hội dân sự hoạt động ở Việt Nam.

- Ông cam kết Hoa Kỳ sẽ tiếp tục trao đổi với chính phủ Việt Nam về những ý kiến của các đại diện xã hội dân sự về quyền tự do hiệp hội, tự do biểu tình, tự do biểu đạt, tự do tôn giáo, tự do thông tin…Ông tin tưởng rằng ngoài quan hệ về thương mại, an ninh thì việc chia sẻ giá trị cũng quan trọng cho một mối quan hệ lâu bền.

TÁI BÚT

Tái bút 1: Nói chung cuộc gặp rất nhẹ nhàng làm cho mình không hiểu tại sao an ninh lại phải ngăn cản một số đại diện XHDS tham gia cuộc họp này. Rõ ràng cuộc họp này mang tính biểu tượng rất lớn và sự ngăn cản một số nhà hoạt động dân sự hàng đầu tham gia giống như việc bỏ một hạt sạn vào bát cơm mời khách!

Tái bút 2: Mình nói nhiều đến công việc và mối quan tâm của mình. Có một kiến nghị mình muốn phía Hoa Kỳ hỗ trợ nếu có thể là hợp tác với Bộ công an để đào tạo về kỹ năng quản lý biểu tình một cách ôn hòa và phi bạo lực đúng theo chuẩn mực quốc tế. Điều này không chỉ tốt cho người dân mà cho cả Bộ công an.

Tái bút 3: Mình đồng ý với Tổng thống Obama rất nhiều đó là tự do, dân chủ và bình đẳng chỉ có thể có được khi nhân dân và chính phủ quốc gia đó muốn có nó. Chẳng ai có thể mang lại, dù đó là Hoa Kỳ, Liên Hợp Quốc hay Liên minh châu Âu. Đối thoại là quan trọng, và đối thoại chỉ xảy ra khi chúng ta lên tiếng, lắng nghe và minh bạch trong hoạt động của mình.

Tái bút 4: Mình khẳng định tay Tổng thống Obama rất ấm đúng như bạn nữ sinh trao hoa đã nói. Ấm đến mức nào xin mời mọi người đến bắt tay mình.

Tái bút 5: Mình chạy sô nên giờ mới họp xong và có rất nhiều cuộc gọi nhỡ. Coi như chia sẻ thông tin ở đây để các bạn báo chí, hoặc an ninh ở các A và PA không phải mời mình đi café nữa. Những điều mình có thể chia sẻ thì cũng như cái status này mà thôi!

Bình Lê

(FB Binh Le)


1 comment: