Các Chủ Đề

Saturday, September 17, 2016

Trên đe dưới búa: International Voluntary Services và kinh nghiệm công tác nhân đạo tại Việt Nam, 1957-1971

Trên đe dưới búa: International Voluntary Services và kinh nghiệm công tác nhân đạo tại Việt Nam, 1957-1971


Trà Mi | Bài tiểu luận dưới đây của Douglas Bell mô tả chi tiết hoạt động nhân đạo của Đoàn Thanh niên Chí nguyện Quốc tế, International Voluntary Services (IVS), một tổ chức dân sự Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Tổ chức nhân đạo Hoa Kỳ này đã có mặt giúp người dân Việt Nam Cộng hoà từ 1957 đến 1971. Hẳn những thanh niên nam nữ  tình nguyện đi làm việc ở những vùng xâu xa tại một quốc gia xa vời vợi đều nghĩ rằng thiện chí có thể thay đổi cả thế giới.  Họ không thể tiên đoán được những vấn đề  phức tạp trong mối quan hệ giữa các tổ chức dân sự với chính phủ Mỹ cũng như chính phủ địa phương; chắc chắn họ đã không thể hình dung rõ ràng vai trò của những người đi làm công tác nhân đạo sẽ khó như thế nào  trong một quốc gia đang có chiến tranh. Trong bài, tác giả cũng phân tích những lý do đưa đến thất bại của tổ chức dân sự độc lập nhưng không thể giữ thế độc lập trong lúc hoạt động ở một quốc gia đang có chiến tranh và đã phải và rút khỏi Việt Nam sau 14 năm hoạt động thiện nguyện. Đây là một bài học lịch sử về  quan hệ giữa các tổ chức dân sự và chính phủ, và kinh nghiệm này cho thấy cho thấy giới hạn của xã hội dân sự trong thời chiến.

Đọc thêm “The Fortunate Few, IVS Volunteers From Asia To The Andes” của  Thierry J. Sagnier , NCNM Press (July 15, 2015).

* * * * * * * * * * * * *

Tình nguyện viên IVS giúp nông dân đặt máy bơm. (VNCH, 1961) Nguồn: LIFE/John Dominis

Ngày 19 tháng 9 năm 1967, bốn mươi chín thành viên của International Voluntary Services (IVS) đã từ chức trong một bức thư gửi cho Tổng thống Lyndon B. Johnson họ viết “Ở lại Việt Nam và lặng thinh là không đáp ứng được nhu cầu đầu tiên của người dân Việt – đó là hòa bình”[1] Trong thư này, các thành viên IVS từ nhiệm cho rằng lợi ích riêng của Hoa Kỳ ở Việt Nam, cả về chính trị lẫn quân sự, ngăn chận sự tự quyết và xa lánh người dân Việt Nam vì họ bị một chính phủ bất hợp pháp cai trị, và làm hại người dân Việt, họ đã thiệt mạng và bị thương vì các chiến dịch quân sự. Các thành viên của IVS đề nghị năm giải pháp để mang lại hòa bình cho Việt Nam và giúp người dân tạo dựng lại từ những năm bị chiến tranh tàn phá: xuống thang cuộc chiến, ngừng sử dụng thuốc diệt cỏ, ngừng ném bom miền Bắc, công nhận Mặt trận Dân tộc Giải phóng Miền Nam Việt Nam (MTGPMN), một tổ chức quan sự đối nghịch với chính phủ Việt Nam [do cộng sản Bắc Việt dựng lên – TM], và chuyển vấn đề Việt Nam cho một ủy ban hòa bình quốc tế có đề nghị mà Hoa Kỳ chấp nhận.[2] Dù bốn mươi chín người tình nguyện làm việc nhân đạo đã chọn bảo vệ lý tưởng của mình, sự đồng loạt từ chức và đề nghị của họ đã rơi vào khoảng không.

Khi viết bức thư này, IVS đã có mặt tại Việt Nam gần mười một năm với 120 người tình nguyện làm việc với người dân Việt Nam, phần lớn trong các dự án nông nghiệp như chăn nuôi và cấy trồng; nhưng họ còn làm nhiều hơn nữa gồm cả việc dạy tiếng Anh, chăm sóc sức khỏe, và làm việc trong các dự án xây dựng cầu cống, kênh mương. Tổ chức này được chính phủ Mỹ ca ngợi và nó đã trở thành mô hình cho tổ chức Đoàn Hòa bình (Peace Corps) vì giới chức chính phủ đã nói rằng “khả năng của các tình nguyện viên IVS bắc cầu thông cảm giữa dân Việt Nam và người Mỹ tiêu biểu cho một đóng góp thực sự… cho những nỗ lực đi tìm hòa bình của chúng ta.”[3] Được xem là một tổ chức quan trọng trong sứ mệnh của Hoa Kỳ tại Việt Nam, IVS làm việc chặt chẽ với người dân Việt Nam để xây dựng các mối quan hệ cá nhân ở cấp thôn làng. Tuy nhiên, trong năm 1967, gần ba mươi phần trăm tình nguyện viên của IVS cho rằng các chính sách của chính phủ Mỹ đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng làm việc của họ với người Việt Nam.[4]

Tại sao một tổ chức mẫu mực được giới chức chính phủ Mỹ ca ngợi lại quay sang chống lại chính phủ và từ chức hàng loạt? Mối quan hệ giữa IVS và chính phủ Mỹ là gì? Nó đã phát triển ra sao? Điều gì đã dẫn đến sự từ chức của nhân viên IVS? Sự từ chức hàng loạt đã ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa IVS và chính phủ như thế nào? Chủ đích của tiểu luận này nhằm trả lời những câu hỏi nêu trên vì chúng sẽ cho thấy mối quan hệ giữa chính phủ Hoa Kỳ và các tổ chức nhân đạo hoạt động tại Việt Nam, một khía cạnh thường bị bỏ qua trong chiến tranh. Trước nhất, bài này sẽ xét lại sự phát triển của chương trình hoạt động của IVS tại Việt Nam từ khi bắt đầu vào năm 1956 đến khi tổ chức này rời khỏi Việt Nam vào năm 1971. Thứ hai, tiểu luận này này sẽ cho thấy sự Mỹ hóa chiến tranh đã ảnh hưởng đến hoạt động và các chương trình của người làm việc nhân đạo như thế nào. Thứ ba, trường hợp của IVS chứng minh sự Mỹ hóa chiến tranh đã ảnh hưởng tiêu cực đến người làm việc nhân đạo ra sao khi sự liên kết với chính phủ Mỹ khiến họ mất uy tín dưới nhãn quan của người dân Việt Nam. Cuối cùng, câu chuyện của IVS cho thấy những ảnh hưởng của sự Việt Nam hóa chiến đến những tổ chức nhân đạo tại Việt Nam. Tiểu luận này cho rằng việc Mỹ hóa chiến tranh Việt Nam năm 1965 đã dẫn tới việc gia tăng sự giám sát của chính phủ Mỹ đối với hoạt động của IVS đã tạo áp lực với nhân viên của IVS để thực hiện mục tiêu của chính phủ chứ không phải là của riêng của tổ chức này đã đưa đến sự cực đoan hóa của các nhân viên IVS; những người này xem chương trình chính phủ Mỹ là không thích hợp với nhu cầu của người dân Việt Nam.

* * * * * * * * * * * * *

International Voluntary Services được các giáo hội Mennonite, Brethren, Quaker thành lập vào năm 1953 và hiến chương ghi rằng tổ chức này được thành lập “để sử dụng đóng góp của các tình nguyện viên một cách có tổ chức để chống nghèo đói, bệnh tật và mù chữ ở các khu vực kém phát triển trên thế giới và do đó mang lại hòa bình, hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân.”[5] Để đạt được những mục tiêu này, tổ chức IVS đã tuyển dụng sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp đại học, sang sống ở nước ngoài, tạo quan hệ trực tiếp giữa người-với-người với người dân, để tạo ra các dự án thích hợp với người bản xứ. IVS được tài trợ qua một sự kết hợp của các tổ chức tư nhân và chính phủ nhưng phần lớn các dự án của IVS đều do Cơ quan Phát triển Quốc tế (AID, tiền thân của USAID) – cơ quan chính phủ Mỹ chịu trách nhiệm về quản lý viện trợ nước ngoài, tài trợ. Vì các hoạt động này của IVS xảy ra ở các quốc gia kém phát triển, công việc của IVS thường liên quan đến chăn nuôi, thí nghiệm cây trồng, vệ sinh môi trường, y tế công cộng, xây dựng đường xá, đào giếng, và giáo dục. Do tính chất của những công tác này, hầu hết các người tình nguyện là sinh viên tốt nghiệp đại học về các ngành khoa học nông nghiệp, kỹ thuật và giáo dục.[6]

Phòng ngủ của tình nguyện viên IVS (VNCH, 1961). Nguồn LIFE/John Dominis

IVS đã đạt được thỏa thuận với Tổ chức Sứ mệnh Hải ngoại Hoa Kỳ (United States Overseas Mission, USOM); đây là tổ thực địa của USAID phụ trách phân phát viện trợ kinh tế, vào ngày 21 tháng 9 năm 1956 và các nhân viên IVS đầu tiên đã đến Việt Nam trong vòng bốn tháng sau đó. Hai toán đầu tiên đã được phân công làm việc với những người di cư Bắc Việt tại khu vực dự án 13 và 15 gần Cái Sắn, 125 dặm về phía Nam Sài Gòn, và Ban Mê Thuột, ở vùng cao nguyên trung phần, và là thủ phủ của tỉnh Đắk Lắk. Khu vực dự án 15 ở của Ban Mê Thuột cách thành phố 32 km nằm giữa hai làng tân lập (8 tháng trước đó) là Hà Lan A và Hà Lan B , cho người di cư Thiên chúa giáo định cư. [Ngày nay nay là Giáo xứ Vinh Đức và Vinh Quang ở Phường Bình Tân, Thị Xã Buôn Hồ, Tỉnh Đăk Lăk – TM]. Gordon Brockmueller, một trong những nhân viên đầu tiên của IVS ở Việt Nam, và sau này là trưởng đoàn của IVS tại Việt Nam, mô tả người dân của hai làng Hà Lan là những người can đảm, định cư ở vùng cao nguyên Trung phần là nơi “thiếu nguồn nước dồi dào cần thiết cho cách trồng lúa mà họ đã biết.”[7] Kể lại thời gian của ông tại Việt Nam như là một chuyên gia nông nghiệp, Brockmueller tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ cá nhân với người dân Việt Nam vì họ là những người có “bản tính độc lập.”[8] Tuy nhiên, việc xây dựng quan hệ với dân làng gặp phải khó khăn vì những lời đồn thổi rằng IVS có kế hoạch “lập khu đồn điền, lợi dụng sức lao động của dân làng” và họ là “những người truyền giáo Tin Lành”[9] Để phá vỡ những hoài nghi đó, IVS đã cùng với những người tị nạn/di cư xây dựng nhà ở, chăm sóc người bệnh, và dọn đất cấy trồng. Những hoạt động này đã giúp nhân viên IVS xây dựng mối quan hệ tốt với người dân Việt Nam vì có được sự lòng tin là bước đầu tiên và quan trọng, vì nếu không có sự tin tưởng của họ, người dân Việt Nam sẽ không muốn hợp tác hoặc nghe theo lời đề nghị của những người Mỹ trẻ tuổi, có hiểu biết khác với các phương pháp làm nông truyền thống họ đã biết. Hơn nữa, nhờ làm việc sát với người dân Việt Nam và xây dựng được mối quan hệ cá nhân với họ, nhân viên IVS ở một vị trí để hiểu được vấn đề của người dân Việt Nam mật thiết, rõ ràng hơn so với sự hiểu biết của giới chức chính phủ Mỹ.

Trong việc phát triển các mối quan hệ “người-với-người” mà IVS coi là quan trọng, Brockmueller nhớ lại việc giúp nông dân vác tre và học cách người Việt Nam sử dụng những loại tre khác nhau như thế nào. Đây là những tương tác chặt chẽ cho phép Brockmueller trở thành bạn của nông dân và cuối cùng mới đưa ra những đề nghị mà ông tin rằng sẽ có lợi cho dân chúng. Một trong những dự án chính của Brockmueller là cùng làm việc với nông dân để khuyến khích họ nuôi gà Mỹ đẻ nhiều trứng hơn so với những con gà Việt Nam nhỏ hơn, cho ít trứng hơn; Tuy nhiên, theo Brockmueller, nuôi gà Mỹ cần phải có chuồng và chăm sóc nhiều hơn là nuôi những con gà Việt Nam thả trong sân.[10] Tuy đây là một đề nghị tốt vì trứng có thể vừa dùng làm thức ăn và vừa bán được ở chợ, Brockmueller đã phải mất một thời gian đáng kể mới thuyết phục được một dân làng dám làm, ông Nguyễn Văn Sức, vì đầu tư vào việc nuôi gà Mỹ cần chi phí khá lớn. Ban đầu ông Sức “không hoàn toàn tin tưởng” Brockmueller nhưng, cuối cùng, đã đồng ý nuôi gà Mỹ. Cùng nhau làm việc để chuẩn bị tiếp nhận hai mươi con gà, hai người đã phát triển mối quan hệ cá nhân; đây là cơ hội cho Brockmueller học ngôn ngữ, văn hóa và thói quen của người dân Việt Nam. Trong lúc Brockmueller làm những công tác phát triển nông nghiệp, các thành viên khác của nhóm IVS cũng thiết lập các mối quan hệ với người dân Việt Nam đặc biệt là cô y tá Bowe, vì là người chữa bệnh, được cơ hội tiếp xúc gần gũi với người dân, đã giúp cô Bowe lấy được lòng tin của họ.[11]

Những hành động của nhân viên IVS cho thấy rằng họ đã rất cố gắng để trở thành một phần tử của cộng đồng Việt Nam và tìm cách giúp người dân cải thiện cuộc sống của họ bằng cách giới thiệu các loại cây trồng và gia súc mới. Đây là điều đặc biệt quan trọng đối với người tị nạn miền Bắc mới di cư vào Nam mà Brockmueller mô tả rằng họ là những người không quen thuộc với vùng đất mới và đó là cơ hội cho phép nhóm IVS có thể làm việc sát cạnh với người dân di cư để phát triển ngôi làng mới và tạo điều kiện cho người dân thích ứng và thành công. Tuy nhiên, ở nhiều mặt, nhóm IVS cũng là đại diện điển hình cho quan điểm của những người Mỹ không hiểu rõ về người dân Việt Nam. Viết về kinh nghiệm của họ, các thành viên IVS không bao giờ thảo luận về việc người Việt Nam có yêu cầu họ giúp đỡ hay muốn học hỏi kiến thức của họ hay không. Thay vào đó, họ cho rằng phương pháp của họ (người Mỹ) là tốt hơn so với phương pháp của người Việt Nam, và họ không hiểu rằng nhiều người tị nạn đã nghĩ rằng việc di cư vào Nam chỉ là một việc tạm thời đến khi họ có thể trở về lại quê quán ở miền Bắc. Do đó các nhân viên IVS dù làm việc sát cạnh dân làng vì một sự đam mê chính đáng muốn giúp người dân cải thiện cuộc sống của họ, nhưng những người Mỹ làm thiện nguyện này không bao giờ hỏi việc giúp đỡ của họ có cần thiết hoặc hành động của họ có thực sự cải thiện đời sống của người dân địa phương hay không.

“Văn phòng” nơi nhân viên IVS làm việc hành chánh (VNCH, 1961). Nguồn LIFE/John Dominis

Trong lúc IVS tiếp tục làm việc với người dân Việt Nam, mối quan hệ của họ với Nhóm Cố vấn quân sự Mỹ (American Military Advisory Group, MAAG) chưa khi nào là những giao tiếp tốt đẹp. Theo Brockmueller, khi Tom Luche, một thành viên của đội ngũ nhân viên IVS, râu ria xồm xoàm và nhơ nhuốc vì cuộc sống trong làng, đi xin một bản đồ của khu vực, ông Đại tá MAAG đã không chấp nhận tư cách của người làm việc tình nguyện và hỏi “IVS của anh là loại tổ chức như thế nào? Các anh không bao giờ tắm gội hay sao?”[12] Từ đó trở đi, các thành viên IVS không được khuyến khích ghé lại các căn nhà của MAAG. Hơn nữa, hai cựu chiến binh quân đội Mỹ hiện phục vụ với IVS cũng được yêu cầu ngưng ghé đến căn nhà của MAAG vì vai trò hiện tại của họ làm cho họ trở thành người không chấp nhận được. Thành viên IVS Peter Hunting nhớ lại “vài cuộc đụng độ với giới quan chức” và kể lại một cuộc gặp gỡ với một vị trung tá quân đội Mỹ là người đã “nổi nóng vì tôi đang lập lại công việc mà ÔNG ẤY, như một công dân và trung tá quân đội Mỹ (vỗ ngực) đang làm trong tám tháng vừa qua.”[13] thái độ tiêu cực của giới quân đội Mỹ với các thành viên IVS khiến Brockmueller viết rằng “chúng tôi đã bị những anh em người Mỹ của chúng tôi tẩy chay ở một vùng đất xa lạ!”[14] Mặc dù những cuộc gặp gỡ ban đầu với các cố vấn quân sự Mỹ chỉ là một điềm báo trước, chúng đã chứng minh rằng các tổ chức nhân đạo chưa bao giờ được quân đội Mỹ xem như một hoạt động chính đáng trong chính sách của Mỹ ở Việt Nam.

Trong suốt những năm cuối thập niên 1950 cho đến những năm 1960, tổ chức của IVS tại Việt Nam đã tăng từ tám, 8, tình nguyện viên đầu tiên từ năm 1958 lên năm mươi ba, 53, người tình nguyện vào năm 1963 khi tổ chức này thành lập một chương trình dạy tiếng Anh. Trong thời gian năm năm liên tục đó, IVS tiếp tục làm việc chặt chẽ với người dân Việt Nam và cán bộ kỹ thuật của chính phủ trong việc canh tác, cải tiến cây trồng, và phát triển gia súc. Về mặt công tác giáo dục, IVS có hai mươi lăm, 25, người ở 8 địa điểm kể cả Huế và một số ấp chiến lược. Marybeth Clark, một cựu thư ký của AID tại Việt Nam đã gia nhập IVS vào giữa những năm 1960 vì cô tin vào phương pháp của IVS, phát biểu,

    “Họ [những người tình nguyện IVS] sống với dân làng Việt Nam và không có quá nhiều mâu thuẫn với người dân. Nó chỉ có vẻ, đối với tôi, rằng những kinh nghiệm đó đã có giá trị cho bản thân họ, và từ những hoạt động tích cực này họ có thể trở nên hiệu quả hơn trong bất cứ điều gì họ đang làm, và trong mối quan hệ của họ với người Việt Nam.”[15]

Trong cuộc thăm dò do AID thực hiện, Clark nói rằng cô đã bỏ AID vì thấy đó là một bộ máy quan liêu, không quan tâm đến việc giúp đỡ người dân Việt Nam, và vì cô cảm thấy bị cô lập. Clark kể lại rằng việc cô muốn học tiếng Việt và làm việc với người Việt thậm chí đã bị cấp trên trách mắng vì cô nói tiếng Việt. Tại sao IVS hấp dẫn hơn một cơ quan chính phủ?

Có nhiều lý do tại sao làm việc với IVS lại hấp dẫn hơn làm việc cho AID. Thứ nhất, khi ở Sài Gòn tôi ngày tôi yêu Việt Nam nhiều hơn … Với IVS tôi có thể làm việc sát cánh với với người dân Việt Nam hơn là làm việc trong một văn phòng của Mỹ. Hai là, tôi có thể đi dạy, đó là điều mà tôi ưa thích… Và ba là, tôi cảm thấy tôi muốn cộng tác với các tổ chức như là IVS.[16]

Là một giáo viên, Clark đã làm việc tại một trường trung học đệ nhất cấp ở Huế, ở đó cô đã dùng sách giáo khoa của AID và dạy vài giờ tiếng Anh cho 4 đến 6 lớp khác nhau mỗi ngày. Hồi ức của Clark về USAID cho thấy rằng tổ chức này chủ trương viện trợ nhân đạo từ trên xuống, dùng đồng đô-la để thuyết phục người dân Việt Nam thực hiện mục tiêu của Mỹ. Phương pháp này rõ ràng là mâu thuẫn với hiểu biết của Clark về lòng nhân đạo và cũng trái ngược với mục tiêu của IVS là gầy dựng mối quan hệ giữa người-với-người. Sự khác biệt về mục tiêu và phương pháp tổ chức giữa IVS và USAID hiện rõ khi cuộc chiến tranh đã trở thành Mỹ hóa.

Tình nguyện viên IVS cùng canh tác với nông dân (VNCH, 11961). Nguồn: LIFE/John Dominis

Khi nhiệm vụ của IVS tăng trong những năm đầu thập niên 1960, an ninh đã trở thành một vấn đề phổ biến vì thế toán thiện nguyện gần Cái Sắn đã được chuyển đến một vị trí khác và những thành viên IVS đã có kinh nghiệm sống gần với bạo lực chiến tranh. Quân đội Mỹ cũng tăng cường sự hiện diện của cố vấn quân sự lên tới 11.000 người, dẫn đến sự tương tác chặt chẽ hơn giữa các thành viên của IVS và quân đội, và AID với USOM cũng yêu cầu IVS nhận nhiều trách nhiệm hơn. Việc này đã bắt đầu vào năm 1962 khi AID yêu cầu IVS có thêm giáo viên dậy tiếng Anh – đây là một dự án IVS tham gia vì nó phù hợp mục đích hoạt động của IVS nhưng, vào năm 1963, USOM can thiệp vào nội bộ của IVS bằng cách yêu cầu trưởng đoàn IVS tại Việt Nam, Don Luce, phải được thay thế. Hầu hết các nhân viên của IVS đều có cảm tình với Luce và yêu cầu ông phải giữ vị trí của mình, và Luce đã khẳng định rằng USOM muốn thay ông vì ông từ chối phê chuẩn những dự án của họ vì mâu thuẫn với nguyên tắc của IVS và USOM ganh tị vì có ít quan hệ với dân chúng hơn ông. Hơn nữa, một báo cáo IVS tuyên bố “IVS/W rất quan tâm hơn vì việc đoàn ngũ hoá ngày càng tăng của chương trình [sic] và việc giảm tự do dưới ban quản lý mới của USAID.”[17]Cuộc đụng độ đầu tiên này giữa IVS và USAID xẩy ra vào năm 1963 cho thấy những vấn đề cuối cùng lên đến đỉnh điểm trong năm 1967 khiến Don Luce phải từ chức.

Năm 1963 là năm đầy biến động đối với Việt Nam khi Tổng thống Miền Nam Việt Nam [VNCH I] Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị sát hại trong cuộc đảo chính [1/11/1963] phần nào đó được sự chấp thuận của chính phủ Mỹ. Việc loại bỏ Tổng thống Diệm tạo ra sự bất ổn ở Việt Nam và đã dẫn đến việc chính phủ Mỹ liên lụy nhiều hơn vì theo quan điểm của chính phủ Mỹ, sự thành công của Việt Nam lúc đó đã trở thành trách nhiệm của Mỹ. Khi chính phủ Mỹ bị ràng buộc hơn ở Việt Nam, USAID đã thay đổi, những chương trình phát triển với quần chúng đã chuyển hướng thành các dự án bình định do chính phủ tài trợ và đã cố gắng để kết hợp hoạt động của IVS vào với mục tiêu mới của họ. Sự thay đổi chiến lược và ràng buộc của chính phủ Mỹ tại Việt Nam này mâu thuẫn với các mục tiêu của IVS. Những xung đột đó buộc Luce phải cố gắng để duy trì sự độc lập của IVS và ngăn chặn sự kết hợp của IVS để trở thành một cơ quan chính phủ.

Trong những năm 1964-1965, sự leo thang của cuộc chiến bắt đầu gây trở ngại đáng kể cho IVS khi họ phải đối phó với sự can thiệp liên tục của USAID và trong một tình hình nguy hiểm hơn khi chiến tranh trở nên khốc liệt. Vấn đề với USAID một lần nữa lại bùng lên, khi IVS tái bổ nhiệm Don Luce là người đứng đầu tổ chức ở Việt Nam; USAID phản đối, nhưng các nhân viên “hậu thuẫn người trưởng đoàn, nhất định đòi [IVS] ký lại hợp đồng thêm hai năm nữa ông ta.”[18] Những tình nguyện viên tin rằng nếu để USAID quyết định ai là người lãnh đạo của IVS, thì trước sau họ cũng sẽ quyết định nơi đặt để người tình nguyện. Hơn nữa, các nhân viên của IVS xác định những gì họ tin là có sự khác biệt chính giữa IVS và USAID và cho rằng IVS là một hoạt động tản quyền so với USAID và đặt câu hỏi “IVS đi giúp đỡ dân làng hay chỉ đơn thuần thực hiện chính sách của USAID, rồi hy vọng sẽ đạt được một số lợi ích?”[19] Đụng độ về tổ chức này trở thành nổi cộm bằng nhận định cho rằng IVS làm việc theo nhóm sát với người dân và biết “đánh giá cao những nguyện vọng của họ” trong khi USAID hoạt động từ trên xuống và “thiếu. . . một cấu trúc để giao tiếp với các thôn, bản.”[20] Các thành viên IVS cho rằng công tác của họ trực tiếp với người dân hơn là phải qua Chính phủ Việt Nam khiến họ khác hẳn với USAID. Bằng cách làm việc và sinh sống trực tiếp với người dân Việt Nam hơn là phát triển các chương trình qua giới chức của bộ máy quan liêu của chính phủ, các thành viên IVS tin rằng phương pháp giúp dân của họ tốt hơn và có hiệu quả hơn. Sự bất đồng giữa IVS và USAID đã một lần nữa được hoà giải nhưng IVS đã buộc phải công nhận rằng “Công tác của IVS tại Việt Nam là qua các hợp đồng với Chính phủ Hoa Kỳ;”[21] đó là một tuyên bố có nghĩa rằng dù IVS là một tổ chức độc lập, chính phủ Mỹ có thể yêu cầu họ rời khỏi Việt Nam bất cứ lúc nào.

Trong khi những rắc rối với USAID tiếp tục, leo thang về mặt quân sự của Mỹ cũng tạo ra những vấn đề quan trọng đối với các nhân viên IVS vì những chuyên viên nông nghiệp bị hạn chế hoạt động trong phạm vi các chương trình giáo dục chứ không phải là làm việc điền dã và các toán trong lĩnh vực y tế công cộng và ấp chiến lược dần dần bị “loại bỏ.”[22 ] Không thể làm việc sát cánh với người dân Việt Nam trong các dự án nông nghiệp, IVS đã buộc phải thừa nhận thực tế mới của cuộc chiến tranh là đặt an toàn tính mạng trên công tác nhân đạo. Ưu tiên cho an ninh cá nhân lại được nhấn mạnh hơn nữa khi nhân viên IVS Peter Hunting bị phục kích và bị giết chết ngày 12 tháng 11 năm 1965 ở phía tây nam của Cần Thơ, nơi ông làm giáo viên cố vấn cho nông dân. Hơn nữa, nhân viên IVS đã báo cáo về những cuộc nổ súng, mất một chiếc xe jeep vì trúng đạn, và căn nhà của IVS ở Blao đã bị bỏ bom.[23] May mắn cho IVS, không có trường hợp tử vong nào khác xảy ra trong tình trạng đó chứng tỏ rằng cuộc Mỹ hóa của chiến tranh vào những năm 1964-1965 đã tạo ra những thách thức bạo động mới cho công tác nhân đạo của IVS đặc biệt về mặt làm việc trực tiếp với người dân Việt Nam.

Ngoài những hạn chế về mặt công tác do cường độ của cuộc chiến, giám đốc IVS đã báo cáo về trụ sở ở Mỹ rằng “cả hai Chính phủ Việt Nam và Mỹ đang yêu cầu IVS làm việc theo hợp đồng: (1) Đại diện USOM tại Tây Ninh đang cần một giáo viên dậy tiếng Anh để tạo sự thông cảm tốt hơn. (2) Đoàn Thanh niên Chí nguyện (một tổ chức Thanh niên Việt Nam tương tự như IVS) đã yêu cầu tổ chức IVS ở Việt Nam lo tất cả các thỏa thuận tài chính với USOM thay cho họ.”[24] Lá thư này cho thấy việc Mỹ hóa cuộc chiến giữa những năm 1960 đã gây cản trở đáng kể đến các hoạt động và những nỗ lực của IVS. Lúc đó IVS đã được yêu cầu phải đưa nhân sự để hỗ trợ và tư vấn cho các dự án của USAID và chính phủ Việt Nam thay vì thực hiện các mục tiêu của họ. Điều này chứng tỏ rằng cả hai, USOM và chính phủ VNCH, đều thấy IVS là một tổ chức rất hữu ích, nó cũng cho thấy rằng những chính phủ quốc gia này đã dính dáng nhiều hơn đến việc điều khiển các tổ chức nhân đạo và những hoạt động của họ. Sự can thiệp này đã soi mòn và làm nhân viên IVS xem các hành động của USAID là sự quấy rầy từ bên ngoài.

Nhân viên IVS trong bếp (VNCH, 1961). Nguồn: LIFE/John Dominis

Hơn nữa, Don Luce, trưởng đoàn IVS đã xác định những tác động tiêu cực của sự Mỹ hoá cuộc chiến đối với những người tình nguyện, và viết “ngày càng tăng độ nhạy cảm của người Việt Nam với sự tham gia người Mỹ trong lúc số người Mỹ hiện diện ngày mỗi tăng.”[25] Trong khi Luce không bao giờ nói rõ về những gì gọi là “sự nhạy cảm”, ông dường như cho thấy việc tăng sự hiện diện của người Mỹ ở Việt Nam đã cản trở công việc của IVS. Khi ngày càng nhiều người Mỹ đến Việt Nam, thì tất cả người Mỹ đều được xem như nhau, cùng hướng tới cùng một mục tiêu hơn là một tập hợp của nhiều tổ chức [người Mỹ] với những mục tiêu khác nhau. Điều này đã được Luce nhấn mạnh khi kể lại những cảm tưởng của một người bạn Việt Nam đã nói với ông rằng, “Người dân Việt Nam không phân biệt được giữa tổ chức của anh và chính phủ Mỹ. Điều này quá phức tạp, và, kết quả là, chính sách của Mỹ đã phủ bóng trên bất cứ điều gì anh làm hoặc nói.”[26] Nhận xét này cho thấy theo quan điểm của người Việt Nam thì không có sự phân biệt giữa quân đội Mỹ và nhân viên cứu trợ của Mỹ – họ đã được xem như một khối người Mỹ đồng nhất chứ không phải là người của những tổ chức khác nhau.

1966, cuộc xung đột giữa IVS với USAID và quân đội Mỹ không những vẫn tiếp diễn mà còn trở nên trầm trọng hơn. Một IVS nhân viên than phiền rằng hầu hết các cơ quan nhân đạo phương Tây chỉ quyên góp phẩm vật viện trợ hơn là giúp đỡ những người Việt Nam học hỏi kỹ năng để họ có thể tự lực cánh sinh. “Thật là nản chí khi khi nghe quy hoạch dự án chung quanh lượng phẩm vật quyên tặng… Điền đơn xin viện trợ rồi chờ phẩm vật cứu trợ đổ xuống trước cửa thì chẳng có gì là khó. Thái độ tự giúp mình mới là việc rất khó để ghi nhớ.”[27] Một nhân viên khác của IVS chỉ trích sự tăng trưởng của USAID viết rằng IVS “sẽ bị nhận lầm là phụ tá đại diện ở các tỉnh cho USAID. Chúng tôi đang chiến đấu cho sự sống còn của chúng tôi tại USAID.”[28] Nỗi thất vọng của nhân viên IVS chứng tỏ các cuộc xung đột tiếp tục giữa hai cơ quan và những ảnh hưởng của sự Mỹ hoá chiến tranh trên cả hai tổ chức USAID và IVS. Quân đội có mặt ngày càng nhiều nhiều hơn và tiếp thu các hoạt động của Mỹ tại Việt Nam, USAID đã bị buộc phải có những hoạt động tương quan với chiến lược quân sự Mỹ và cố gắng buộc IVS phải đi theo đường lối của quân đội. Điều này đã tạo ra xung đột và sự gián đoạn giữa hai cơ quan khiến ban lãnh đạo IVS đã đưa đề nghị quốc tế hoá các chương trình của IVS tại Việt Nam và để tư nhân tài trợ, có như thế IVS mới có thế hoạt động độc lập với USAID.[29]

Những vấn đề ảnh hưởng đến mối quan hệ tam giác giữa IVS, USAID, và quân đội Mỹ cũng đã xảy ra với các tổ chức nhân đạo khác, nhưng, trong tình trạng này, nhiều tổ chức chấp nhận tuân lệnh của chính phủ Mỹ. Đây là sự thật đối với một tổ chức nhân đạo lớn nhất có hoạt động tại Việt Nam, dó là Dịch vụ Cứu tế Thiên chúa giáo (Catholic Relief Services, CRS), các tổ chức nhân đạo của Giáo hội Thiên chúa giáo tại Hoa Kỳ.[30] Vào mùa hè năm 1967, National Catholic Reporter (NCR), một tờ báo Mỹ viết các chủ đề về Giáo Hội Thiên chúa giáo, đã gửi Michael Novak đến Việt Nam để viết một loạt bài về chiến tranh. Những bài báo của Novak rất khắc nghiệt và phê bình gay gắt cuộc chiến với các tiêu đề như: “Tại Việt Nam, Hoa Kỳ có nghĩa là tiền và sex;” “Sự khủng bố của chúng ta, sự tàn bạo của chúng ta;” và “CRS hỗ trợ Nhân dân tự vệ của Miền Nam Việt Nam.”[31] Trong một bài về CRS, Novak mô tả tổ chức bác ái này là “công cụ sẵn sàng của chính sách quân sự của Mỹ”, nhưng quan trọng hơn, ông cũng đã lưu ý rằng tất cả các tổ chức nhân đạo (nước ngoài) hoạt động ở việt Nam đều đã phải đối phó với áp lực từ phía quân đội Mỹ.

Giới quân sự Mỹ mong muốn tất cả giới dân sự giúp đỡ nhiều hơn đối với các chính sách quân sự của Mỹ. Một số biện pháp đã được thực hiện tại Huế, ví dụ, để buộc một thành viên của IVS phải ngưng việc dạy tiếng Anh tại Đại học Huế. Chính sách của Mỹ, kể từ khi có các cuộc bạo loạn Phật giáo ở Huế, là không phải để giúp trường đại học đó.[32]

Trong khi trách nhiệm của Novak là báo cáo về tình hình chiến tranh Việt Nam cho giới độc giả Thiên Chúa giáo, thảo luận của ông về CRS và mối quan hệ giữa các tổ chức nhân đạo và chính phủ Mỹ chứng thực các khó khăn của IVS. Trong cả hai trường hợp, sự Mỹ hóa chiến tranh buộc các tổ chức nhân đạo phải thuận theo những quyết định của quân đội Mỹ hầu có thể tiếp tục hoạt động tại Việt Nam, và theo Novak, CRS không những chỉ quy phục nhưng mà còn là một công cụ rất quan trọng cho chính sách của Mỹ; Tuy nhiên, yêu cầu và phương pháp [làm việc] của quân đội Mỹ đi ngược với sứ mệnh của IVS và họ đã quyết định không đáp ứng yêu cầu của chính phủ Mỹ. Sự kháng cự này đã bùng nổ, một tháng sau khi bài viết của Novak mô tả mối quan hệ giữa CRS và chính phủ Mỹ được đăng, khi bốn mươi chín thành viên của IVS từ chức.

Ngày 20 Tháng Chín năm 1967, trang nhất của tờ New York Times đưa tin mô tả sự từ chức hàng loạt dưới tiêu đề “4 Trưởng đoàn thiện chí từ chức vì cuộc chiến.”[33] Bài báo mô tả công việc của IVS, các tài trợ mà tổ chức này nhận được từ chính phủ, và chiến tranh đã ảnh hưởng đến công tác nhân đạo của họ thế nào khiến bốn mươi chín thành viên của tổ chức này phải từ chức. Bản tin nói tiếp rằng việc từ chức của các tình nguyện viên IVS sau nhiều tháng tranh chấp “giữa một số cơ quan cứu trợ, và sứ mệnh của Hoa Kỳ ở đây. Những tranh chấp đó tập trung vào quyền của người tình nguyện dân sự Mỹ được thảo luận về chiến tranh với người dân miền Nam Việt Nam và người Mỹ và về những gì mà vài cơ quan thiện nguyện cảm thấy bị áp lực của Hoa Kỳ để đưa họ tham gia vào các nỗ lực chiến tranh.”[34] Bản tin này do Bernard Weinraub thực hiện, nhấn mạnh về những công bố của các thành viên IVS và của Novak là chính phủ Hoa Kỳ, đặc biệt là quân đội Mỹ, đã cố gắng sử dụng mạng lưới và quan hệ giữa các tổ chức nhân đạo để thực hiện chương trình và mục tiêu của riêng mình. Vì các tổ chức này xem tự coi là độc lập với chính sách nhà nước, họ ngày càng trở nên nản lòng vì quân đội Mỹ yêu cầu họ phối hợp với các đề nghị của quân đội để thực hiện những mục tiêu. Việc tăng cường sự hiện diện của Mỹ và áp lực quân sự ngày càng tăng để phù hợp với mục tiêu của chính phủ Hoa Kỳ cuối cùng dẫn đến sự từ chức của lãnh đạo IVS. Tuy nhiên, sự can thiệp của chính phủ chỉ là một phần của câu chuyện vì những người đã từ chức cũng thảo luận về những tác động có hại của chiến tranh đối với người dân Việt Nam và mối quan hệ của các nhân viên của IVS với người dân. Don Ronk, người đứng đầu của IVS tại Đà Nẵng và một cựu chiến binh của quân đội Mỹ, đã tuyên bố “tôi phản đối vì lợi ích tốt nhất cho những người bạn Việt Nam của tôi và để nói những gì họ phần lớn không thể nói: Hãy ngưng cuộc chiến này.”[35] bài viết cũng trích dẫn Luce người đã nhấn mạnh cả hai, sự tàn phá của chiến tranh và những thất bại của USAID, “Chúng tôi đang nhìn thấy sự tàn phá của cuộc sống gia đình của người dân Việt Nam, ngành nông nghiệp và vận tải tại đây. Người ở Mỹ nghe vậy và đề nghị chúng tôi viết một bản báo cáo và sau đó không có gì xảy ra. Việt Nam trở thành một vùng đất để viết báo cáo.”[36]

Tuy nhiên, ngay cả khi những người đó từ chức để phản đối hành động của chính phủ Mỹ thì lại bị coi như là đại diện cho phong trào phản chiến, họ thực sự chỉ chống lại chính sách và các phương pháp của Mỹ sử dụng trong chiến tranh chứ không phải chống lại hoàn toàn sự can thiệp của Mỹ tại Việt Nam. Về mặt này họ thấy các cam kết quân sự của Mỹ tại Việt Nam mong manh và nửa vời và nói rằng “trừ khi Mỹ nhận vai trò lãnh đạo để đi đến một kết thúc. Tôi không “thấy bất kỳ một khả năng nào để chúng ta có thể chiến thắng.”[37] Điều này đã được một nhân viên IVS khác nói rõ thêm, “Chính sách của Mỹ, nếu được xây dựng đúng cách, được coi là chính sách đối với tôi… Tôi nghĩ rằng tôi đã thấy một số khía cạnh của chính sách không đặt đúng chỗ.”[38] Trở lại Hoa Kỳ sau khi ông từ chức, khi điều trần trước quốc hội Don Luce cho biết, “Tôi hoàn toàn ủng hộ và tán thành chương trình của chúng ta giúp đỡ người tị nạn. Những người tị nạn hồi năm 1965 phần lớn là những người tị nạn cộng sản… Ngày nay, người tị nạn là chỉ có một vài trường hợp là chạy trốn Cộng Sản. Hầu hết các trường hợp, họ một là bỏ chạy vì sợ hãi bị bỏ bom, hay hai là vì họ bị buộc phải ra đi vì hoạt động của quân đồng minh.”[39] Những ý kiến này của Luce và những nhân viên IVS khác cho thấy rằng họ không phải là người phản chiến cực đoan nhưng thực ra họ hỗ trợ các hoạt động chống cộng của chính phủ Mỹ tại Việt Nam. Tuy nhiên, ngay cả trong khi hỗ trợ một khía cạnh của chính sách nhà nước, họ tin rằng những chiến lược và giải pháp quân sự không có hiệu quả và tạo ra những vấn đề mới. Tóm lại, nhiều người trong số các nhân viên IVS tin rằng Hoa Kỳ đang cố gắng để giải quyết một vấn đề chính trị bằng một giải pháp quân sự mà không giải quyết được tình hình hiện tại.

Dân dựng nhà trong ấp chiến lược,1963, được hậu thuẫn trực tiếp của “Phòng Nông thôn vụ và Chống du kích” (“Office of Rural Affairs and Counterinsurgency”), một tổ chức của USAID do Rufus Phillips – một nhân viên CIA – đứng đầu. Nguồn ảnh: Rufus Phillips

Sự công khai từ chức và những lời chỉ trích của các nhân viên IVS đã gây xôn xao trong nhiều ngày nhưng hành động đó không tạo ra nhiều tranh luận trong giới báo chí Mỹ về chính sách và chiến lược quân sự của Mỹ; hơn nữa, những vấn đề đó đã được người đứng đầu của IVS, Arthur Z. Gardiner, và Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker giải quyết nhanh chóng. Trong một cuộc trao đổi thư từ giữa hai người, Bunker ghi nhận những việc tốt đẹp IVS đã thực hiện tại Việt Nam nhưng nhấn mạnh rằng trong tương lai “người tình nguyện phải tự kiềm chế không tham gia chính trị ở Việt Nam.”[40] Gardiner đã đồng ý ngăn chận những bình luận chính trị của nhân viên IVS để duy trì mối quan hệ của tổ chức với chính phủ Mỹ. Hành động của Gardiner cho thấy IVS có cố gắng làm hoà với chính phủ Mỹ và duy trì tính phi chính trị trong hoạt động của IVS ở Việt Nam nhưng điều này đã không thành công. IVS, dù muốn hay không, đã là một tổ chức có huynh hướng chính trị và, bằng cách cố gắng duy trì sự độc lập và từ chối làm theo chỉ thị của USAID và giới quân sự Mỹ, IVS đã biểu lộ một quan điểm chính trị – họ quan niệm phương pháp tốt nhất để giúp đỡ người dân Việt Nam là xây dựng mối quan hệ phi quân sự [giữa người-với-người] từ dưới lên; quan điểm này trực tiếp mâu thuẫn với chính sách của chính phủ Mỹ. Vì vậy, sự hòa giải bề ngoài chỉ là miếng vá che đậy những khác biệt cơ bản giữa IVS và chính phủ Mỹ và cuối cùng đã dẫn đến việc IVS rút lui khỏi Việt Nam.

Một góc ở Chợ Lớn sau trận Tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 của Việt cộng. Nguồn: Bettman-Corbis

Một thời gian ngắn sau loạt từ chức tập thể của nhân viên IVS, quân Bắc Việt và MTGPMN mở cuộc tổng công kích vào tháng Giêng năm 1968 [Tết Mậu Thân]. Cuộc tấn công này ban đầu đã gây ngạc nhiên Hoa Kỳ và quân đội miền Nam Việt Nam nhưng họ đã nhanh chóng hồi phục và phản công, đánh bại quân Bắc Việt và các lực lượng quân của MTGPMN. Tuy nhiên, cuộc tấn công đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong chiến tranh Việt Nam vì người dân Mỹ, từ lâu đã được nghe chính phủ Mỹ nói rằng cộng sản không có khả năng tấn công, đã bị sốc và tức giận vì sự dối trá của chính phủ về tình hình cuộc chiến đưa đến việc mất sự ủng hỗ của quần chúng. Vì cuộc tổng công kích đó đã gây ảnh hưởng đến toàn bộ niền Nam Việt Nam, IVS cũng không tránh khỏi các tác động sâu sắc ảnh hưởng đến tương lai của tổ chức của họ ở Việt Nam. Ngày 26 tháng 1, nhân viên IVS, David Gitelson, người đang công tác phát triển cộng đồng, đã bị bắt và xử tử tại Long Xuyên thủ phủ của tỉnh An Giang nằm ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam.[41] Lúc đó, việc cộng sản xử tử Gitelson đã được xem như là một bi kịch nhưng không ai nghĩ nó có liên quan đến cuộc tổng tấn công [bốn ngày sau đó – TM]; Tuy nhiên, dựa trên các mối quan hệ cá nhân của IVS với dân chúng Việt Nam, thì việc Gitelson bị bắt giết hoàn toàn có thể vì ông đã nghe được những thông tin mật hoặc bị ông đã bị quân MTGPMN bắt vì ông là người Mỹ. Gitelson là nhân viên IVS thứ sáu thiệt mạng tại Việt Nam nhưng không phải là người cuối cùng bị giết trong dịp Tết Mậu Thân. Ba nhân viên IVS, Sandra Johnson, Gary Daves, và Marc Cayer, bị bắt tại thành phố Huế, nơi cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân đã kéo dài ba tháng đẫm máu. Thê thảm, chỉ có Johnson sống sót vì cả hai Daves và Cayer không bao giờ trở lại và coi như đã chết.

Thảm kịch Tết Mậu Thân, cùng với sự từ chức đồng loạt vào tháng Chín năm trước, đưa IVS đến một tình trạng hỗn loạn và thiếu tổ chức. Cuộc chiến ngày càng trở nên dữ dội và nguy hiểm hơn cho giới dân sự đặc biệt là người Mỹ, luôn luôn được coi là người của quân đội. Không còn khả năng để thực hiện sứ mệnh đã nêu, giới lãnh đạo của IVS tại Washington đã hỏi những thành viên IVS còn lại ở Việt Nam là họ còn muốn tiếp tục công tác hay muốn trở lại Hoa Kỳ. Được lựa chọn, 80 trong 162 thành viên IVS đã quyết định trở về Mỹ vì tình hình an ninh hoặc vì họ không còn có thể thực hiện được nhiệm vụ theo yêu cầu của IVS tại Việt Nam.[42] Đến tháng năm 1969 số nhân viên IVS lại giảm hơn nữa, chỉ còn lại 54 người trong số đó chỉ có ba mươi là người từ Hoa Kỳ. Trong lúc ban lãnh đạo IVS đã cố gắng để tăng số lượng tình nguyện viên, thì cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân đã đánh dấu điểm khởi đầu của sự kết thúc hoạt động của IVS ở Việt Nam vì hai lý do quan trọng. Thứ nhất, như đã đề cập ở trên, việc Mỹ hóa chiến tranh đã tạo ra những thách thức cho các thành viên IVS vì họ ngày càng được coi như một phần của các lực lượng quân sự của Mỹ chứ không phải là một tổ chức độc lập và, vì phản ứng của quân đội Mỹ với cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân, quyền tự quản của IVS, không lệ thuộc chính phủ Hoa Kỳ đã trở thành việc hầu như không thể có được. Thứ hai, sự khốc liệt của cuộc tấn công Tết Mậu Thân và cái chết của ba trong số các thành viên của IVS nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề an ninh ảnh hưởng đến tất cả các tình nguyện viên làm việc đơn lẻ tại Việt Nam vì họ đã trở thành mục tiêu quân sự. Không còn khả năng làm việc trực tiếp với người dân Việt Nam, các thành viên IVS không còn có thể hoàn thành sứ mệnh của tổ chức.

Sau Tết Mậu Thân và sau khi Richard M. Nixon đắc cử Tổng thống, chiến lược quân sự của Mỹ tại Việt Nam chuyển sang Việt Nam hóa cuộc chiến. Chiến lược này tập trung vào việc chuyển giao trách nhiệm quân sự trong cuộc chiến cho chính phủ Việt Nam, đặc biệt là ở mặt trận. Nhiều người trong số các thành viên IVS còn lại cho rằng Việt Nam hóa chiến tranh là dấu hiệu “khởi đầu cho giai đoạn tương đối bình thường hoá đời sống ở nông thôn.”[43] Tuy nhiên, họ đã lầm. Việt Nam hóa chiến tranh thực sự dẫn đến sự sụp đổ của nền kinh tế địa phương vì việc rút viện trợ của Mỹ đã đưa đến tình trạng trộm cắp và hối lộ. Một thành viên của IVS ghi nhận rằng “một cao ốc lớn do USAID xây dựng” đã đổ nát “vì không có tiền bảo trì.” Mô tả này cho thấy rằng, đối với IVS, Việt Nam hóa chiến tranh cũng xấu như sự Mỹ hoá chiến tranh. Sự Mỹ hóa tạo ra quá nhiều sự can thiệp và buộc IVS phải làm theo chính sách của chính phủ Mỹ mà họ từ chối; Tuy nhiên, Việt Nam hóa chiến tranh đã xoá bỏ mạng lưới phân phối mà chính phủ Mỹ và USAID đã thành lập hơn một thập kỷ để viện trợ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam và sự sụp đổ của hệ thống này đã tạo ra sự bất ổn trong khu vực nông thôn. Từ góc nhìn này, IVS đã có hoạt động tốt nhất trong giai đoạn đầu khi mới có sự tham gia của Mỹ dưới thời Tổng thống Diệm dù chính phủ này, ở nhiều mặt vẫn còn thiếu hiệu quả và thiển cận, nhưng đã giữ được ổn định và tổ chức cho IVS thực hiện sứ mạng một cách an toàn và sự hiện diện của chính phủ Mỹ chỉ là một phần nhỏ.

Việt Nam hóa cũng dẫn đến sự sút giảm viện trợ của Mỹ cho chính phủ Nam Việt Nam. Sự suy giảm viện trợ Mỹ đã đóng một vai trò trong việc IVS rút lui khỏi Việt Nam trong năm 1971 khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp của chính phủ miền Nam Việt Nam Nguyễn Hải Bình đã chọn không tiếp tục tài trợ cho IVS vì cho rằng tổ chức này “đã cho thấy đủ điều kiện làm công tác xã hội hơn là hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.”

[Tác giả có lẽ đã lầm tên; tổng trưởng Cải cách Canh nông và Ngư nghiệp, 1969-1975, là ông Cao Văn Thân; T.s. Nguyễn Hải Bình là một chuyên viên trong trách nhiệm Phụ tá Tổng trưởng Tài chánh (Nguyễn Bích Huệ) kiêm Tổng Giám đốc Thuế vụ – TM]

Các nhân viên IVS tại Việt Nam có quan điểm khác và trưởng đoàn IVS lúc đó, Hugh Manke, cho rằng Tổng thống Việt Nam Cộng Hoà Nguyễn Văn Thiệu quyết định không tài trợ cho IVS “vì lý do chính trị, chúng tôi thực sự nhìn thấy những gì đang xảy ra ở các vùng nông thôn và đó là điều không tốt cho chính phủ.”[44] Manke cũng lập luận rằng chính USOM đã khuyến khích chính phủ Miền Nam Việt Nam loại bỏ IVS và không sẵn sàng giúp IVS tái ký hợp đồng. Các nhân viên IVS đã đưa ra một số đề nghị mới nhằm đáp ứng các điều kiện như Chính phủ Việt Nam yêu cầu, nhưng họ đã luôn bị từ chối vì “báo cáo không đầy đủ kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu của Bộ.” IVS đã viết thêm nhiều đề nghị gởi đến các bộ khác trong chính phủ như bộ Giáo dục, Xã hội, Phát triển Sắc tộc nhưng cũng bị từ chối. Việc IVS không thể gia hạn hợp đồng hoạt động tại Việt Nam, vì sự không bằng lòng của USAID giúp cho thấy rằng những lời IVS trước sau như một đã chỉ trích và công khai tố cáo USAID cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của IVS ở Việt Nam. Một thành viên IVS đã viết “Trong lúc một số thành viên IVS gièm pha AID, và hoạt động như là độc lập với AID, họ đã được chính tổ chức này (AID) bảo vệ trong những hoạt động lấn vào chính trị.”[45] Khi chính phủ Nam Việt Nam có trách nhiệm nhiều hơn trong việc điều hành, và USAID xuống vai trò cố vấn, thì IVS mất lá chắn của chính phủ Mỹ. Vì thế, hoạt động của IVS nằm trong tay của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà và họ đã chọn không tiếp xúc với IVS nữa vì những lý do chính trị, tài chính, hoặc những lý do khác không công bố. Với bản hợp đồng của họ chấm dứt, nhiệm vụ IVS tại Việt Nam đã kết thúc vào tháng 9 năm 1971.

Trong mười bốn năm công tác tại Việt Nam từ 1957-1971, IVS trải qua ba giai đoạn hoạt động khác nhau: 1957-1963 dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm, 1963-1968 trong thời Mỹ hóa chiến tranh [giai đoạn của những Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, rồi Hội đồng Quân lực, Thượng Hội Đồng Quốc Gia, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương cuối cùng là hai năm đầu của nền Đệ nhị Cộng hoà với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – TM], và cuối cùng là giai đoạn Việt Nam hóa 1968-1971 [thời Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu – TM]. Giai đoạn đầu tiên dưới thời chính phủ Ngô Đình Diệm là giai đoạn IVS ở đỉnh cao của công tác. Rất ít khi có sự hiện diện quân sự của Mỹ cản trở những dự án, USAID khuyến khích và tài trợ các hoạt động IVS thực hiện, và chính phủ Diệm hỗ trợ các tổ chức nhân đạo của Mỹ vì như thế ông đã tiếp cận được với nhiều nhóm người Mỹ khác nhau. Tuy nhiên, sau cuộc đảo chính loại bỏ ông Diệm vào năm 1963, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Việt Nam tăng lên đáng kể đưa đến việc tương tác, va chạm nhiều hơn giữa IVS và quân đội Hoa Kỳ; Hơn nữa, vì quân đội Mỹ kiểm soát chính sách của Mỹ, mục tiêu của USAID đã thay đổi để phù hợp với các mục tiêu quân sự. Điều này tạo ra sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa IVS và USAID vì nhân viên IVS lúc đó đã được lệnh phải thực hiện mục tiêu của USAID hơn là phát triển và thực hiện các dự án riêng của họ với người dân Việt Nam. IVS thấy những xâm phạm của USAID vào nội bộ để chỉ đạo tổ chức của họ là sự can thiệp từ bên ngoài làm suy yếu mục đính công tác của họ để làm việc trực tiếp với người dân Việt Nam vào các dự án mà họ coi là có lợi. Sự trái ngược về quan điểm và mục tiêu giữa hai tổ chức cuối cùng đã sôi tràn vào tháng Chín năm 1967 khi bốn mươi chín thành viên của IVS đã viết một bức thư ngỏ gởi đến Tổng thống Johnson và đã từ chức. Nổi bật nhất trong số đó là Don Luce, người đứng đầu IVS ở Việt Nam khi đó; Don Luce đã trở lại Hoa Kỳ và phê bình các phương pháp của chính sách Mỹ, nhưng không chỉ trích sự hiện diện của Mỹ tại Việt Nam. Cuối cùng, sau Tết Mậu Thân vào đầu năm 1968, IVS bị mất một số lượng nhân lực đáng kể thì một số thành viên đã chọn trở về Hoa Kỳ do sự bất ổn ở Việt Nam; Hơn nữa, sự ra đời của chính sách Việt Nam hóa dẫn đến sự rút lui các cơ sở hạ tầng của Mỹ và tiền viện trợ ở Việt Nam tiếp tục cản trở các dự án của IVS. Việc loại bỏ các khoản viện trợ của Mỹ dẫn đến sự mất mát các nguồn tài nguyên để nhân viên IVS có thể thực hiện các dự án của họ và việc mất các nguồn tài trợ của Mỹ đã khiến chính phủ Việt Nam dưới thời Tổng thống Thiệu không tài trợ IVS nữa và do đó đã kết thúc công tác của IVS ở Việt Nam.

Tuy hoạt động của IVS tại Việt Nam có thể có vẻ không đáng kể trong cuộc chiến, nhưng tổ chức này, cùng với hàng chục tổ chức nhân đạo khác của Mỹ tại Việt Nam, cho thấy một khía cạnh khác của kinh nghiệm của Mỹ ở Việt Nam không thuộc phạm trù quân sự hay chính phủ. Là những tổ chức dân sự liên kết với chính phủ Mỹ, các tổ chức nhân đạo đó là một phần của chiến lược để giành được “tâm và trí” của người dân tại Việt Nam và giữ vai trò quan trọng như bộ mặt của sự hiện diện của Mỹ ở Việt Nam. Ở vị trí này, những người làm công tác nhân đạo như là trung gian giữa người dân Việt Nam và chính phủ Mỹ, phân phối viện trợ của Mỹ đến vùng nông thôn để giúp phát triển kinh tế, nông nghiệp và giáo dục để gây mầm cho một xã hội dân sự đang thành hình. Những hành động này có thể được giải thích như là một phần để mở rộng chính sách đối ngoại của Mỹ để ngăn chận chủ nghĩa cộng sản và tạo ra một Việt Nam với một chính phủ thân thiện với Hoa Kỳ, nhưng các thành viên của IVS nhập cuộc để giúp đỡ nhân dân Việt Nam đã không hề nghĩ đến việc mở rộng ảnh hưởng của Mỹ. Tuy nhiên, khi chiến tranh leo thang, nhiều người hoạt động nhân đạo bị kéo vào một vấn đề đạo đức lớn hơn xung quanh cuộc chiến đặc biệt là khi họ trực tiếp nhìn thấy kết quả của chiến tranh. Những biến động do chiến tranh gây ra ở Việt Nam làm nhiều người hoạt động nhân đạo vỡ mộng và đã đặt câu hỏi về việc làm của mình khi sự hiện diện của Mỹ đã làm suy yếu mục tiêu và đối tượng của họ. Nằm giữa nhân dân Việt Nam và chính phủ Mỹ, các tổ chức nhân đạo đã cho thấy rõ kinh nghiệm của giới dân sự người Mỹ ở Việt Nam và cho thấy đây là những người nhiệt tình giúp đỡ người dân miền Nam Việt Nam nhưng đã trở thành một tiếng nói quan trọng chỉ trích chính sách của Mỹ.

Viết xong ngày 30 tháng 4, 2012

© 2015 DCVOnline
Nếu đăng lại, xin đọc “Thể lệ trích đăng lại bài từ DCVOnline.net”

Nguồn: Stuck in the Middle: International Voluntary Services and the Humanitarian Experience in Vietnam, 1957 – 1971. Douglas I. Bell | July 17, 2012

[1] Don Luce and John Sommer,Viet Nam – The Unheard Voices, (Ithaca, NY: Cornell University Press, 1969), 316.
[2] Ibid., 321.
[3] Winburn T. Thomas,The Vietnam Story of International Voluntary Services, Inc., (Washington, D.C.: International Voluntary Services, Inc., 1972), 27.
[4] Ibid., 209. According to Thomas, IVS reached 165 members in 1967 and the resignation of 49 members is just under 30%.
[5] Thomas, 55.
[6] International Voluntary Services, Agents of Change, No Date, Folder 52, Box 10, Douglas Pike Collection: Other Manuscripts – American Friends of Vietnam, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University. Accessed 21 Mar. 2012. .
[7] Gordon Brockmueller, “Adventures in Vietnam,” Brockmueller Collection, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University. Accessed 21 Mar. 2012.http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=234501 01001, 15.
[8] Ibid., 18.
[9] Ibid., 19.
[10] Ibid., 18
[11] Ibid., 22.
[12] Ibid., 30.
[13] Jill Hunting,Finding Pete, (Wesleyan University Press, 2009), 55.
[14] Ibid.
[15] Marybeth Clark, “Aid Secretary in Saigon and IVS Teacher in Hue, 1961-1967,” Folder 17, Box 12, Glenn Helm Collection, The Vietnam Center and Archive, Texas Tech University. Accessed 21 Mar. 2012.http://www.vietnam.ttu.edu/virtualarchive/items.php?item=1071217001, 24.
[16] Clark, 30.
[17] Thomas, 172.
[18] Ibid., 184.
[19] Ibid., 183, 184.
[20] Ibid., 184.
[21] Ibid., 185.
[22] Ibid., 181.
[23] Ibid., 187-188.
[24] Ibid., 187.
[25] Ibid., 187.
[26] Luce, 17.
[27] Thomas, 203.
[28] Ibid., 204.
[29] Ibid., 211.
[30] Scott Flipse, “The Latest Casualty of War: Catholic Relief Services, Humanitarianism, and the War in Vietnam, 1967-1968,” Peace & Change Vol. 27, No. 2, (April 2002), 248.
[31] Michael Novak, ‘‘In Vietnam, U.S. Means Money and Sex,’’ NCR, August 23, 1967, 5-6; Novak, ‘‘Our Terror, Our Brutality,’’ NCR, August 18, 1965, 3; Novak, ‘‘Catholic Relief Supports South Vietnam’s Militia,’’ NCR, August 23, 1967, 1.
[32] Novak, ‘‘Catholic Relief Supports South Vietnam’s Militia,’’ National Catholic Reporter, August 23, 1967, 5.
[33] Bernard Weinraub, “4 Chiefs of Volunteer Unit in Vietnam Quit Over War,”New York Times,Sep 20, 1967.http://lib-ezproxy.tamu.edu:2048/login?url=http://search.proquest.com/docview/117364600?accountid=7082.
[34] Ibid.
[35] Ibid.
[36] Ibid.
[37] William Tuohy, “Resigned Volunteer Asks Others to Stay,”Los Angeles Times (1923-Current File),September 21, 1967,http://lib-ezproxy.tamu.edu:2048/login?url=http://search.proquest.com/docview/155822729? accountid=7082 (accessed April 27, 2012).
[38] Thomas, 213.
[39] U.S. Senate, Subcommittee to Investigate Problems Connected with Refugees and Escapees, Committee on Judiciary.Civilian Casualty, Social Welfare, and Refugee Problems in South Vietnam.90thCongress 1stSession, October 10, 1967, 65-66. Available from: ProQuest®Congressional; Accessed: April 28, 2012.
[40] “U.S. Saigon Mission and Service Group Smooth Differences,”New York Times,November 15, 1967,http://lib-ezproxy.tamu.edu:2048/login?url=http://search.proquest.com/docview/117444360?accountid=7082.
[41] “U.S. Field Worker Killed in Vietnam,”New York Times,January 28, 1968,http://lib-ezproxy.tamu.edu:2048/login?url=http://search.proquest.com/docview/118522947?accountid=7082.
[42] “IVS Losing Half of Staff in Vietnam.”The Washington Post, Times Herald,March 19, 1968.http://lib-ezproxy.tamu.edu:2048/login?url=http://search.proquest.com/docview/143591662?accountid=7082.
[43] Thomas, 242.
[44] “S. Vietnam Accused of Ousting U.S. Team: Letter from Ministry,” Washington Post, August 3, 1971, pg. A11.
[45] Thomas, 256.



Posted on October 14, 2015 by editor
Douglas I. Bell | Trà Mi dịch

http://dcvonline.net/2015/10/14/tren-de-duoi-bua-international-voluntary-services-va-kinh-nghiem-cong-tac-nhan-dao-tai-viet-nam-1957-1971/

No comments:

Post a Comment