Các Chủ Đề

Thursday, December 29, 2016

Doanh nhân tỉ phú và tướng lãnh ngự trị nội các Tổng thống Trump

Tổng thống đắc cử Donald Trump (phải) giới thiệu Tướng James Mattis, người được đề cử làm bộ trưởng quốc phòng, tại một cuộc mít tinh ở Fayetteville, N.C., 6/12/2016.
Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử một con số kỷ lục các tướng lãnh và tỉ phú lãnh đạo doanh nghiệp vào nội các của ông. Các doanh nhân được chọn phản ánh lập trường của ông Trump cho rằng các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quản lý đất nước hiệu quả hơn so với lực lượng công chức chuyên nghiệp và các chính trị gia. Từ Washington, thông tín viên Michael Bowman của VOA tường trình rằng thành phần nội các của tân chính phủ Mỹ đang đặt ra những nghi vấn cả bên trong lẫn bên ngoài Quốc hội.

Trong các cố vấn thân cận nhất được ông Trump chọn có ít nhất ba tướng lãnh, trong đó có ông James Mattis, người được tiến cử ra lãnh đạo Bộ Quốc phòng. Đại tướng Thủy quân Lục chiến James Mattis không xa lạ gì với Điện Capitol. Ông Mattis từng phát biểu:

"Chúng ta đang chứng minh khả năng lãnh đạo rõ rệt, hay là sự bất lực?"

Ông Trump còn đề cử năm nhà quản trị doanh nghiệp và tỉ phủ vào các vị trí hàng đầu, trong đó có lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil, Ông Rex Tillerson làm bộ trưởng ngoại giao.

Ông Trump đánh giá cao năng lực của ông Tillerson.

"Ông Tillerson sẽ kiên quyết tranh đấu cho lợi ích của nước Mỹ trên toàn thế giới."

Nhưng tranh đấu cho lợi ích quốc gia là nhiệm vụ mà ông Tillerson đã né tránh thời còn lãnh đạo ngành dầu khí. Ông tuyên bố như sau vào tháng Hai năm nay:

"Bất kể là Nga hay Yemen, Trung Ðông hay bất cứ nơi nào, tôi đến đây không phải để đại diện cho các lợi ích của chính phủ Hoa Kỳ. Tôi đến đây không phải để bảo vệ, hay để chỉ trích các lợi ích đó. Đó không phải là việc của tôi. Tôi là một nhà kinh doanh."

Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Coons bày tỏ lo ngại:

"Tôi thực sự lo ngại về số tướng lãnh và tỉ phủ mà ông Trump chọn và đề cử vào nội các."

Thượng nghị sĩ Coons có mặt trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Ông nhận định tiếp:

"Ông Donald Trump sẽ là tổng thống Mỹ đầu tiên trong suốt lịch sử đất nước chúng ta chưa từng phục vụ lĩnh vực công, dù là trong một chức vụ công cử, hay một chức vụ trong quân đội. Ông ấy cần phải có quanh ông những phụ tá thân cận am tường về sức mạnh của hệ thống công vụ Mỹ."

Năm 1961, Tổng thống Dwight Eisenhower đã khuyến cáo về chính những thế lực mà nay đang chiếm vị trí nổi bật trong chính phủ của ông Trump.

Tổng thống Eisenhower nói:

"Chúng ta cần cảnh giác chống bất cứ ý tưởng nào toan thâu tóm ảnh hưởng quá trớn từ sự liên kết bất hợp lý giữa chính phủ với quân đội và lĩnh vực công nghiệp, dù cố ý hay không..."

Theo quan điểm của ông Trump, thì chẳng có gì đáng phải sợ:

"Chúng tôi đang trong tiến trình thành lập một trong những nội các vĩ đại nhất, chắc chắn là nội các có chỉ số thông minh cao nhất."

Cho tới giờ, các nhà lập pháp Cộng hòa phần lớn ủng hộ những sự lựa chọn nhân sự của ông Trump.

Thượng nghị sĩ Mitch McConnell nhận xét:

"Theo tôi thì Đại tướng Mattis là một chọn lựa xuất sắc cho vị trí lãnh đạo quốc phòng. Tôi rất lạc quan rằng tổng thống Trump sẽ có một đội ngũ an ninh quốc gia vững chắc trên tất cả mọi lãnh vực."

Ông John Hudak là một chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings. Ông nói:

"Đây sẽ là một Tòa Bạch Ốc hoạt động như một tập đoàn kinh doanh. Chúng ta vừa bầu chọn một CEO ra điều hành đất nước."

Nhà phân tích Hudak nói những sự chọn lựa về nhân sự của ông Trump không gây ngạc nhiên, nhưng có thể có hậu quả.

Ông nói tiếp:

"Thông thường khi một tướng lãnh muốn làm bất cứ việc gì, thì việc đó sẽ được thực hiện. Khi một giám đốc điều hành công ty muốn làm việc nào, thì việc đó sẽ được thực hiện. Nhưng không thể làm như vậy với một hệ thống hành chánh của chính phủ. Những nhân vật được đề cử vào nội các sẽ nhanh chóng nhận ra những sự khác biệt to lớn giữa các sinh hoạt trong hệ thống chính phủ ở Washington với cuộc sống của họ trước đây."

Các đảng viên Dân chủ trong Thượng viện Mỹ không có đủ túc số để có thể ngăn chận những sự đề cử của ông Trump, tuy nhiên họ đang tăng áp lực đòi các nhân vật được đề cử phải công khai tài chánh đầy đủ, kể cả hồ sơ thuế thu nhập, là điều mà cá nhân Tổng thống đắc cử Trump vẫn chưa công bố.
30.12.2016
Michael Bowman


Bình Luận:

Trong thời kỳ ông Donald Trump đang vận động tranh cử, một người dân Mỹ khi được hỏi lý do vì sao lại ủng hộ ông Donald Trump đã trả lời: "Chúng ta có các chính trị gia cầm quyền nay tôi muốn một doanh nhân cầm quyền xem sao".

Doanh nhân cầm quyền là điều trong bản tin lo ngại khi nói về việc ông Rex Tillerson làm bộ trưởng ngoại giao của Mỹ. Bản tin trích lời ông Rex Tillerson: "tôi đến đây không phải để đại diện cho các lợi ích của chính phủ Hoa Kỳ... Tôi là một nhà kinh doanh". Sự khác nhau giữa doanh gia và chính trị gia là doanh gia chỉ quan tâm đến lợi lộc cho bản thân, không cần quan  tâm đến lợi ích quốc gia, trong khi chính trị gia quan tâm đến lợi ích quốc gia, còn lợi lộc cho bản thân phải đặt xuống thứ yếu. Doanh gia nếu bất chấp lợi ích quốc gia sẽ đụng phải sự ngăn cản của luật pháp. Mà luật pháp thì được soạn bởi quốc hội hay tổng thống, là các chính trị gia, tức là những người đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Bản tin trên cũng nói lên nỗi lo ngại khi tướng lãnh và doanh gia tỉ phú tập hợp trong nội các. Doanh gia là kẻ nắm sức mạnh của tiền bạc, còn tướng lãnh nắm bộ quốc phòng là nắm trong tay sức mạnh của vũ lực. Người ta lo ngại là sức mạnh của tiền bạc và sức mạnh của vũ lực sẽ lấn át sức mạnh của quốc hội, tức là sức mạnh của dân. Chế độ dân chủ có được khi giữ cho các thế lực quân đội và doanh gia ở mức trong vòng mà quốc hội và các tổ chức dân sự có thể kiểm soát được. Cả hai thế lực đó tập trung trong tay chính phủ, tức là hành pháp, có thể sẽ làm mất thế cân bằng quyền lực của chế độ dân chủ. Trong trường hợp này là chính quyền có quá nhiều quyền lực và quốc hội, tức là dân bị lất át, nghĩa là dân chủ bị lấn át.

Một số nước trên thế giới tuy có hiến pháp dân chủ và cơ chế đa đảng nhưng quyền của người dân bị hạn chế bớt khi quân đội, cơ quan an ninh có quá nhiều quyền. Tại Pakistan, cơ quan an ninh có quyền rất lớn, và thường khi bất chấp lệnh của chính phủ, mặc dù chính phủ đó do dân bầu. Tại Thái Lan, quân đội vẫn nắm quyền rất lớn nên thường làm đảo chính, lật đổ các chính phủ do dân bầu rồi lại tổ chức bầu cử lại. Tại các nước dân chủ, nhừng người đại diện dân là những người tay không, không có vù khí, lại là loại người không biết sử dụng bạo lực, vũ khí nên các cơ quan an ninh và quân đội phải bị kiềm chế bởi pháp luật, không để cho mạnh quá để bắt bớ, đàn áp các đại diện dân trong quốc hội hay tổng thống do dân bầu lên.


No comments:

Post a Comment