Bốn viên chức cao cấp mới bị kỷ luật tính từ phía trên bên trái theo chiều kim đồng hồ Nguyễn Minh Quang, Nguyễn Thái Lai, Bùi Cách Tuyến, Võ Kim Cự. (Hình: Tuổi Trẻ) |
HÀ TĨNH (NV) – Có 3 trong số 4 viên chức cao cấp được xác định là phải chịu trách nhiệm trong vụ Formosa gây ô nhiễm toàn bộ vùng biển phía Bắc miền Trung hồi Tháng Tư năm 2016 chỉ bị… tước “hàm” cũ.
Truyền thông Việt Nam loan báo, thủ tướng Việt Nam vừa ký quyết định kỷ luật bốn viên chức cao cấp dính líu đến vụ Formosa thử xả nước thải khiến môi trường của vùng biển chạy dọc bốn tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế bị hủy diệt và đến nay vẫn chưa hồi phục. Dân chúng nhiều tỉnh vẫn còn bất bình và tìm nhiều cách để đòi đóng cửa nhà máy thép của Formosa ở khu công nghiệp Vũng Áng (Hà Tĩnh), đòi xem lại cả phương thức lẫn mức bồi thường thiệt hại.
Theo các quyết định vừa kể thì ông Nguyễn Minh Quang, cựu bộ trưởng Tài Nguyên-Môi Trường từ 2011 đến 2016 chỉ bị cảnh cáo. Các ông Nguyễn Thái Lai và Bùi Cách Tuyến hai cựu thứ trưởng Bộ Tài Nguyên-Môi Trường từ 2011 đến 2015 bị tước hàm thứ trưởng đã… từng mang. Tương tự, ông Võ Kim Cự, cựu phó chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh từ 2005 đến 2010, cựu chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh từ 2010 đến 2015 bị tước những “hàm” này khi đã thôi lãnh đạo chính quyền tỉnh Hà Tĩnh!
Từ khi tiến hành “đổi mới” vào năm 1986, chính quyền Việt Nam liên tục xiển dương tinh thần “sống, làm việc theo Hiến Pháp và pháp luật,” cam kết “xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” và khẳng định “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.”
Gần đây, khi hàng loạt sai phạm nghiêm trọng của các viên chức cao cấp được bạch hóa, để an dân, chính quyền Việt Nam tuyên bố sẽ “xem xét, xử lý nghiêm khắc” những viên chức này. Hình thức… tước hàm từng mang vốn chưa bao giờ được đề cập trong các bộ luật liên quan đến việc xử lý hình sự, truy cứu trách nhiệm khi thực thi công vụ giờ được xem như một sự “sáng tạo” không cần căn cứ pháp luật.
Người đầu tiên bị “xem xét, xử lý nghiêm khắc” bằng cách… tước hàm từng mang là ông Vũ Huy Hoàng, cựu bộ trưởng Công Thương từ 2007 đến 2016. Ông Hoàng được xác định là người phải chịu trách nhiệm về việc lựa chọn, bổ nhiệm hàng loạt cá nhân bất xứng về khả năng và tư cách vào các vị trí lãnh đạo ở Bộ Công Thương, trong số này có Trịnh Xuân Thanh, đó cũng là lý do khiến các doanh nghiệp nhà nước thuộc bộ này gây ra thất thoát lên tới 30,000 tỉ đồng.
Hồi đầu năm nay, giới lãnh đạo Ðảng CSVN tuyên bố tước chức vụ bí thư Ban Cán Sự Ðảng Bộ Công Thương mà ông Hoàng từng giữ từ 2011 đến 2016. Ủy Ban Thường Vụ của Quốc Hội Việt Nam bỏ phiếu tước hàmbBộ trưởng Công Thương mà ông Hoàng từng mang từ 2011 đến 2016.
Dẫu vụ “xử lý” ông Hoàng được tuyên truyền là “nghiêm khắc, chưa có tiền lệ,” được trưng dẫn như một bằng chứng cho quyết tâm chống đủ thứ, từ bè phái, lạm quyền, đến lãng phí, tham nhũng của hệ thống công quyền Việt Nam nhưng nhiều người vẫn xem đó là trò hề vì sự “sáng tạo” hình thức kỷ luật tước hàm đã từng mang bất chấp các qui định hiện hành của luật pháp. Thậm chí dù bị… tước một số hàm nhưng ông Hoàng vẫn còn… một số hàm. Ví dụ tư cách ủy viên Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng, tư cách cựu bộ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn từ 2007 đến 2011.
Xét một cách công bằng thì xử phạt bằng cách tước hàm không có gì mới. Hình thức này đã được các vương triều thời phong kiến sử dụng đối với giới quý tộc. Xử lý viên chức cao cấp bằng cách tước hàm đã từng mang chỉ làm người ta ngạc nhiên vì giới lãnh đạo chính quyền Việt Nam vừa thề “xây dựng xã hội công bằng, dân chủ văn minh,” vừa hành xử như đang điều hành một… vương triều.
Kỷ luật bằng cách tước hàm đã từng mang có thể khiến dân chúng cười nghiêng ngả nhưng trong một chính thể mà sự phân định giai tầng rất rõ ràng, càng cao cấp càng được thụ hưởng nhiều đặc quyền, đặc lợi, kể cả khi chết cũng được chôn tại những nghĩa trang riêng chứ không táng lẫn lộn với thường dân thì với những viên chức cao cấp, chuyện bị tước hàm đã mang rõ ràng là đã rất… nghiêm khắc!
Trước đây, các cựu bộ trưởng, thứ trưởng, chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh vừa bị cảnh cáo và tước hàm đã mang, từng phân bua nhiều lần trên các phương tiện truyền thông đại chúng rằng họ không có lỗi, bởi mời gọi-tiếp nhận-cho Formosa hưởng vô số ưu đãi khi đầu tư vào Việt Nam là “chủ trương lớn của đảng và nhà nước.” Tuy thuộc loại cao cấp, những viên chức này không hiểu rằng, chẳng vương triều nào lại luận tội và phạt các ông vua, kể cả khi các ông vua đã trở thành cựu vương. (G.Ð)
Nhật báo Người Việt, California, Hoa Kỳ
Ngày 16 tháng 8 năm 2017
Bình Luận:
Xử phạt viên chức cao cấp như thời Trung Cố và xử phạt dân cũng như thời Trung Cổ. Đó là lối tra tấn bị cáo bắt bị cáo phải ký tên vào biên bản nhận là mình có tội. Vụ Hàn Đức Long cho thấy là bị cáo vì bị tra tấn nên phải nhận tội.
No comments:
Post a Comment