“Why Vietnam Matters – An Eyewitness Account of Lessons Not Learned” là cuốn sách lẽ ra đã được ra đời sớm hơn. Vào khoảng đầu thập niên 1980s, khi tác giả Rufus Phillips, một nhân viên CIA từng phục vụ ở Việt Nam cho biết ông muốn viết một cuốn sách về cuộc chiến Việt Nam, hay đúng hơn, về những bài học chính phủ Hoa Kỳ cần phải rút tỉa từ cuộc chiến này, ông “được” một nhà xuất bản tận tình ngăn cản.
“Chiến tranh Việt Nam à? Chẳng ai muốn đọc thêm cuốn sách nào về cuộc chiến ấy nữa đâu, không ai muốn đọc vì không ai quan tâm nữa cả…”
Thế nhưng “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” không có dịp giải bày là ngọn lửa âm ỉ mãi trong tâm tư, không thể nào dập tắt. Rufus Phillips miệt mài viết từ năm này qua năm nọ. Viết cho lương tâm khỏi cắn rứt, viết cho lòng thanh thản, và cứ thế, 25 năm sau, cuốn “Why Vietnam Matters – An Eyewitness Account of Lessons Not Learned” ra đời, 33 năm sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt.
Dài gần 400 trang, “Why Vietnam Matters – An Eyewitness Account of Lessons Not Learned” là một cuốn sách ghi lại kinh nghiệm của bản thân tác giả trong cuộc chiến mình đã tham dự từ những ngày đầu. Bằng một giọng văn vừa thân tình vừa trong sáng, Rufus Phillips ghi lại những nỗi đau, những điều khôi hài, những ngộ nhận và mưu đồ chính trị, những xung đột quan liêu, và cả lòng can đảm, đầu óc đầy sáng kiến, cũng như lý tưởng tốt đẹp trong lòng những chàng trai được đào tạo trong chủ nghĩa duy tâm của Hoa Kỳ.
Viết về những bài học lẽ ra phải học được từ sự kiện đã chấm dứt 33 năm rồi, và khởi đầu trước đó 53 năm, có phải là một việc làm quá muộn màng?
Tác giả Rufus Phillips không nghĩ như vậy! Ông viết, trong lời nói đầu của cuốn sách: “Nhìn lại những gì đã xảy ra ở Việt Nam, tôi tin rằng, chúng ta sẽ thấy rõ hơn về nỗ lực gần đây (năm 2008) của chúng để đối phó với những cuộc nổi dậy ở Iraq và Afghanistan, trong khi thúc đẩy một nền dân chủ và xây dựng quốc gia trong một tình huống căng thẳng của lòng dân đầy xung đột và biến động. Thách thức mà chúng ta phải khắc phục ở Việt Nam không chỉ là phải cố gắng giúp đỡ một quốc gia bị chia cắt về chính trị, chống lại việc xâm lấn nội bộ, thúc đẩy từ hỗ trợ đến từ phía bên ngoài, mà còn là sự thử thách với chính chúng ta, trong việc biết lắng nghe tâm tư những người mà chúng ta đang cố giúp đỡ, mà không chủ quan nghĩ rằng mình luôn luôn khôn ngoan hơn họ.”
Một cách tóm tắt, qua cuốn Why Vietnam Matters, Rufus Phillips đặt câu hỏi “tại sao chúng ta thua trận?” và trong câu trả lời, vạch ra một sự thật trần trụi nhất: “Thái độ và chiến lược của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam đã sai, hoàn toàn sai!”
Về mục đích cuốn sách, Rufus Phillips khẳng định: “Đây là một lịch sử nhìn từ bên trong, về việc gì đã thực sự xẩy ra trong cuộc chiến Việt Nam, và tại sao Việt Nam là một bài học quan trọng. Kinh nghiệm quý báu chúng ta lẽ ra phải rút tỉa từ cuộc chiến này đã bị lu mờ bởi một suy nghĩ thường thấy, là lẽ ra chúng ta không nên tham dự vào cuộc chiến ấy. Liên quan đến Chiến Tranh Lạnh và mục tiêu bành trướng của cộng sản tại Á Châu, chúng ta có lý do chính đáng để tham chiến.”
Nhưng tiếc thay, chính phủ Hoa Kỳ đã thất bại vì phạm phải nhiều sai lầm:
“Ở tầng lớp cao nhất, chúng ta tiếp cận cuộc xung đột ở Việt Nam với thái độ ngạo mạn quá mức, tự cho rằng mình biết cách hay nhất để giành chiến thắng, với sự hiểu biết rất ít về kẻ thù hoặc về những người đồng minh miền Nam Việt Nam. Chúng ta bị ám ảnh bởi định nghĩa cuộc chiến phải có vũ trang và quân lính hùng hậu, trong khi chiến tranh thực sự, chính là sự khác biệt giữa người dân bên này và bên kia, cũng như sự phân hóa về mặt chính trị và tâm lý thì lại không được chúng ta chú ý lắm.”
Rufus Phillips đơn cử thí dụ chính phủ Hoa Kỳ không bao giờ cung cấp cho người dân (Hoa Kỳ) một lý do chính đáng về mục đích của họ trong việc tham chiến, ngoài việc phải “đánh bại chủ nghĩa cộng sản – trong khi ngay cả chữ “đánh bại” cũng không được định nghĩa rõ ràng, mà chỉ đưa ra được một “bức tranh toàn cảnh” là ngăn chặn không cho “làn sóng Đỏ” thống trị thế giới, điều mà đa số người dân Hoa Kỳ không hề mảy may thông cảm.
Còn nhiều thí dụ về sai lầm của Hoa Kỳ nữa. Nhưng Rufus Phillips là ai? Ông có phải là một chuyên gia về cuộc chiến Việt Nam không?
Tác giả Rufus Phillips
Từng nổi tiếng về việc đã tranh cãi với một Thống Đốc Hải Quân quá lạc quan về tình hình Việt Nam trước mặt Tổng Thống Kennedy, Rufus Phillips là một trong số những nhân viên CIA đầu tiên được phái đến Việt Nam.
Tác giả cuốn sách, ông Rufus Phillips |
Ông là người tích cực tham gia vào mọi diễn biến ở đây trong một thời điểm quan trọng từ năm 1954 đến năm 1968. Rufus được nhiều người Việt Nam tin cậy, và là tiếng nói được giới hoạch định chính sách của cả Hoa Thịnh Đốn lẫn Sài Gòn lắng nghe. Ông được mệnh danh là “người Mỹ hiểu rõ nhất tình hình ở nông thôn Việt Nam” vào đầu thập niên 1960 và “có lẽ là người Mỹ thông thạo nhất về các sự kiện trên toàn quốc nói chung.”
Với sự thẳng thắn tuyệt đối, ông viết về sự cao ngạo và “cái tôi” vĩ đại của các nhà lãnh đạo hàng đầu, đặc biệt là Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và Đại sứ Lodge – và dẫn chứng là sự cao ngạo của họ đã dẫn đến thất bại của Hoa Kỳ trong cuộc chiến.
“Why Vietnam Matters – An Eyewitness Account of Lessons Not Learned’’ là cuốn hồi ký được Rufus Phillips viết một cách chính xác về thời gian ngay trước khi Hoa Kỳ đưa quân vào Việt Nam. Cuốn sách kết thúc vào năm 1968, thời gian ông rời khỏi Việt Nam. Và trớ trêu thay, chỉ vài tháng sau đó, với việc Hoa Kỳ thay đổi lãnh đạo và quan điểm, và một nỗ lực tái thiết của phía Nam Việt Nam, những mục tiêu khó đạt mà Phillips và Edward Lansdale (cấp chỉ huy của Phillips) đã theo đuổi kể từ cuối thập niên 1950 cuối cùng cũng đã tạm thời đạt được, dù chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Trong thời gian thi hành công tác tại Việt Nam, Rufus Phillips làm việc mật thiết với Edward Geary Lansdale (1908 – 1987), một Thiếu Tướng Không Quân Hoa Kỳ được biết đến nhiều như một nhân viên tình báo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Dưới sự hướng dẫn của Edward Lansdale, sở trường của Phillip là những nỗ lực bình định nông thôn được thiết kế để xây dựng lòng trung thành của người dân Việt Nam với chính phủ Sài Gòn.
Ý tưởng của thầy trò Phillips và Lansdale là làm sao cho cuộc sống của người dân Việt Nam được cải thiện cả về mặt an ninh lẫn kinh tế – và nhờ vậy mà tạo ra các điều kiện xã hội thích hợp để một hình thức dân chủ nào đó tại Việt Nam có thể bén rễ.
Bình định nông thôn là một lý thuyết do Edward Lansdale phát triển. Lansdale đã sử dụng kỹ thuật này để đánh bại quân nổi dậy ở Philippines. Sau khi chứng kiến sự thành công của ông ở đó, chính quyền Eisenhower đã đưa ông tới Việt Nam với hy vọng dùng “ma thuật” của mình tại Đông Dương sau khi Việt Nam bị chia cắt theo Hiệp Định Geneva năm 1954.
Ông Rufus Phillips, chụp tại Việt Nam năm 1955 |
Phillips đến Việt Nam cùng với Lansdale và họ cùng làm việc với Tổng Thống Ngô Đình Diệm để cố gắng cứu vãn nền độc lập của miền Nam Việt Nam từ những áp lực quân sự và chính trị đang lấn dần xuống từ phía Bắc. Phillips và Lansdale tạo được quan hệ rất thân thiết với giới chính trị gia và các quan chức cao cấp trong quân đội Việt Nam. Theo lời thuật của Phillips, họ gần gũi với người Việt Nam hơn các thành viên khác của Tòa Đại Sứ hoặc quân đội Hoa Kỳ, hay truyền thông ngoại quốc tại Việt Nam. Tiếc thay, tuy Lansdale và Phillips có tạo được một số thành quả, nhưng nỗ lực của họ thường gặp xung đột với các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ, cũng như ảnh hưởng chính trị của các nhà ngoại giao cấp cao tại tòa đại sứ, bao gồm Đại sứ Frederick Nolting và người kế nhiệm ông là Henry Cabot Lodge.
Why Vietnam Matters
Phải nói “Why Vietnam Matters – An Eyewitness Account of Lessons Not Learned” là một cuốn sách khó đọc.
Có nhiều lý do: Có quá nhiều nhân vật, quá nhiều sự kiện, tuôn ra từ ngòi bút của tác giả. Những sự kiện có thể gần gũi với người lớn lên trong cuộc chiến, nhưng thật khó cho những ai không quen thuộc nhiều với giai đoạn lịch sử này, nhất là với giới trẻ ra đời sau khi cuộc chiến chấm dứt.
Người rành về cuộc chiến Việt Nam có thể nói Why Vietnam Matters là một tài liệu dài gần 400 trang về các bài học không được học từ cuộc chiến gây nhiều tranh cãi này. Qua nhiều chi tiết tỉ mỉ, Rufus Phillips cho độc giả thấy một quan điểm khác về cuộc chiến đã bị khoác cho nhiều định nghĩa trái ngược.
Với Rufus Phillips, sự tham chiến của Mỹ vào cuộc chiến Việt Nam là một điều đáng tôn trọng, nhưng đây cũng là cuộc chiến đã bị các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn và ở Sài Gòn điều hành một cách tồi tệ. Theo Phillips, thật ra có rất nhiều người Mỹ hoạt động mật thiết với người Việt Nam, và từ đó hiểu rất rõ về đất nước này. Những người Mỹ này tường trình cho Hoa Thịnh Đốn nhận xét sâu sắc có giá trị về sự năng động của miền Nam Việt Nam thời ấy. Vấn đề nằm ở chỗ, nỗ lực của họ đã trở nên vô nghĩa khi Lyndon Johnson và các vị tướng trong Ngũ Giác Đài bỏ qua đề nghị của Phillips và đồng nghiệp – để điều khiển cuộc chiến tranh theo cái nhìn (sai lạc) của họ bất chấp các điều kiện thực tế mà chỉ những người nằm gai nếm mật, lăn lóc trong cuộc, mới nhìn thấy rõ.
Và ở đó là thông điệp thực sự của Why Vietnam Matters: các nhà môi giới quyền lực ở Hoa Thịnh Đốn đã đảm nhận toàn quyền kiểm soát chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ, bất chấp ảnh hưởng bên ngoài nào. Nói một cách khác, liên minh quyền lực ở Washington, DC (chính phủ, báo chí và các nhóm quyền lợi đặc biệt) trong vòng 5 thập niên qua đã trở nên quá mạnh mẽ, đến nỗi mọi chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đều dựa trên bất cứ điều suy nghĩ nào đang thịnh hành, và vì thế được cho là đúng tại thủ đô nước Mỹ ở một thời điểm nào đó.
Trong một lần trả lời phỏng vấn, tác giả Rufus Phillips nói: “Nếu phải tóm tắt những gì chúng ta đã làm sai, tôi sẽ nói rằng chúng ta không hiểu được kẻ thù, không hiểu Việt Cộng hay người Việt miền Bắc, không hiểu đồng minh của chúng ta ở miền Nam Việt Nam, và chúng ta không hiểu bản thân mình. Đó chính là khiếm khuyết và hạn chế dẫn đến kết quả bi thảm của cuộc chiến.”
Đó là lý do tại sao cuộc chiến Việt Nam mãi là một bài học quan trọng, nhưng là bài học không dễ học, và cũng không dễ nhớ. Bằng chứng là, vẫn theo Rufus Phillips, Hoa Kỳ trong tình hình Iraq và Afghanistan đã đi lập lại những lỗi lầm cũ.
Đó cũng là lý do tại sao những ai muốn hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam, cần đọc cuốn Why Vietnam Matters, dù nó là cuốn sách không hề dễ đọc.
Liên lạc tác giả hagiang@nguoi-viet.com
Trích: "tôi sẽ nói rằng chúng ta không hiểu được kẻ thù, không hiểu Việt Cộng hay người Việt miền Bắc, không hiểu đồng minh của chúng ta ở miền Nam Việt Nam, và chúng ta không hiểu bản thân mình.". Đây có lẽ là cái nhìn chính xác nhất. Tri bỉ tri kỷ, bách chiến, bách thắng. Nguyên tắc này đã không đạt được trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Một bài điểm sách có giá trị.
ReplyDeletecảm ơn bài viết của bạn rất hữu ích, bạn có nhu cầu mua chăn ga sông hồng tham khảo bên mình nhé
ReplyDeletechăn ga sông hồng