Các Chủ Đề

Sunday, February 11, 2018

Quan niệm khác nhau giữa Anh và Mỹ về chiến tranh Việt Nam

Máy bay F-100 đang thả bom cách Sài Gòn 60 km

Tướng Westmoreland với chiến lược 'Tìm và Diệt'

Trận Tết Mậu Thân 1968 được coi là bước ngoặt trong Chiến tranh ở Việt Nam cho dù lực lượng tấn công bị thương vong rất cao.

Bản thân Tổng thống Lyndon B. Johnson gần như suy sụp, như mô tả của Đại sứ VNCH Bùi Diễm trong hồi ký về cuộc gặp ngày 18/03/1968.

"Trông ông thật là mệt mỏi và tiều tụy. Người ông toát ra một vẻ ưu tư và trầm lặng khác hẳn trước đây. Dường như gánh nặng chiến cuộc Việt Nam đang vượt quá sức chịu đựng của ông."

"Khi tôi dứt lời, Tổng thống Johnson ngồi yên khoảng một hoặc hai phút và phát biểu thật từ tốn: 'Nếu chúng ta không thắng thì rắc rối to. Tôi đã cố hết sức rồi mà vẫn không nổi'."

Điều trớ trêu là khi đó, theo ông Bùi Diễm, "Sài Gòn có thể vượt qua cuộc tấn công hoàn toàn lạc quan và vô sự... quân đội tự tin hơn".

Nhưng không phải đến khi đó mới có dấu hiệu bế tắc.

Ngay từ khi đưa quân vào Nam Việt Nam, giới quân sự Mỹ đã lâm một cuộc chiến khác về học thuyết quân sự, nổi bật bằng khác biệt Westmoreland - Thompson.

Giữ dân và bình định

Sir Roberth Thompson, trưởng phái bộ quân sự Anh (BRIAM) ở Sài Gòn từ 1961 là một chuyên gia chống nổi dậy có thành tích ở Malaysia.

Ông phản đối chiến lược 'Tìm và Diệt' của Tướng bốn sao William Westmoreland, Tổng tư lệnh quân Mỹ ở Nam Việt Nam.

Là người đứng đằng sau chính sách Ấp Chiến lược thời Tổng thống Diệm, ông Thompson cho rằng chính sách dùng nhiều hỏa lực và điều quân Mỹ ra khỏi căn cứ vào cách vùng xa xôi để truy tìm các đơn vị chủ lực của cộng sản là sai lầm.

Sir Robert Thompson và tổng thống Ngô Đình Diệm, Sài Gòn, 1960

Theo ông, Hoa Kỳ cần định rõ ba mục tiêu cho sự can dự vào Nam Việt Nam: đánh địch, xây dựng quốc gia và bình định.

Kinh nghiệm chống du kích cộng sản Malaysia (đa số gốc Hoa) và Việt Nam được ghi lại trong 'Defeating communist insurgency: experiences from Malaysia and Vietnam' (1966) của ông Thompson.

Sir Thompson muốn quân Mỹ chấp nhận hai chính sách: quân sự phục tùng và hỗ trợ cho chính sách bình định; và tình báo nhắm vào Việt Cộng chứ không phải theo bám quân chủ lực Bắc Việt mà Mỹ gọi là Main Force Units.

Vẫn theo Thompson, 'Tìm và Diệt' có vấn đề cơ bản là quân địch né tránh giao tranh để bảo toàn lực lượng, điều đã xảy ra nhiều lần.

Các đề nghị của Thompson chỉ được Đại sứ Robert Komer, người phụ trách chính sách bình định của Mỹ tại Nam Việt Nam (1967-69), ủng hộ.

Hai ông Komer và Thompson nói công tác bình định nên để cho quân lực VNCH đảm trách vì họ biết ứng xử phù hợp nhất về văn hóa với người dân của họ.

Phía Hoa Kỳ cũng có những người khác như Tướng D.R. Palmer ngay từ đầu đã phê phán chiến lược của Tướng Westmoreland.

Nhưng ông Palmer không chĩa mũi dùi vào quân đội mà phê phán Washington đã khiến Tướng Westmoreland "không còn cách nào khác ngoài việc tiến hành cuộc chiến tiêu hao".

Vì sao phải 'tìm và diệt'?

Được thưởng huy chương tại Chiến tranh Triều Tiên, ông Westmoreland lên lon thiếu tướng năm 1955, khi mới 42 tuổi.

Sang làm Tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam tháng 6/1964, ông nói câu nổi tiếng rằng quân đội Hoa Kỳ "sẽ giết cộng sản nhanh tới mức Bắc Việt không kịp thay quân".

Ông tin rằng đe dọa lớn nhất cho VNCH đến từ quân chủ lực Bắc Việt và lực lượng có vũ trang Mặt Trận Giải phóng chứ không phải các nhóm 'Việt Cộng nằm vùng'.

Ông ví Mặt Trận chỉ như 'đàn kiến' gặm nhấm căn nhà VNCH, nhưng quân Bắc Việt thì mới là 'côn đồ' (bully boys), mang gậy sắt vào để "đập tan cả căn nhà đó".

Tướng Westmoreland đã đưa quân đi tìm và chủ động đối mặt với lực lượng mạnh nhất của đối phương.

Tướng Westmoreland

Phái ủng hộ 'Tìm và Diệt' cũng nói vì Hoa Kỳ bị trói tay bởi các ràng buộc ngoại giao: không được đánh ra Bắc Việt và đem quân sang Campuchia nên họ chỉ có thể ra quân tối đa trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.

Vì kẻ thù luôn ẩn khuất tại các vùng sâu và xa, việc triển khai hỏa lực lớn cũng không tạo ra thương vong nhiều trong các khu dân cư, ít ra là về lý thuyết.

Gặp nhau ở đâu?

Quân đội Hoa Kỳ trên thực tế đã thực hiện 'Tìm và Diệt' đồng thời áp dụng ít nhiều cả chính sách của Robert Thompson.

Tướng Westmoreland cũng đồng ý rằng quân đội Mỹ nên để công tác bình định cho quân lực VNCH.

Ông tin rằng quân lực VNCH có khả năng tốt hơn trong việc xử lý các vấn đề với người dân của họ so với quân Mỹ, bất kể quân Mỹ có ý định tốt đến đâu.

Về phía mình, Komer và Thompson cũng thừa nhận nhiều khu trù mật ở duyên hải được VNCH lập ra thành công, như 'vùng an toàn' (enclaves) theo viễn kiến của họ.

Trên thực tế, các chính sách chống nổi dậy và bình định cũng được quân đội Hoa Kỳ và VNCH thực hiện cho đến giữa năm 1966.

Các đợt 'Tìm và Diệt' không chỉ dùng hỏa lực tầm xa mà cũng biến các cuộc hành quân thành công tác thanh lọc dân chúng, tìm ra 'Việt Cộng' để tiêu diệt.

Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới thảm sát Mỹ Lai năm 1968, khi trung uý William Calley và tiểu đội lính Mỹ đã giết hàng trăm người dân Nam Việt Nam.

Về mặt nào đó, việc ném bom ra Bắc Việt cũng là cách gỡ bỏ ràng buộc chính trị mà Tướng Westmoreland nêu ra rằng ông không được tấn công ra ngoài VNCH.
Đối phương tự tiêu hao?

Nhưng càng về sau, số lượng quân Bắc Việt và bộ đội địa phương của Quân Giải phóng trong Nam càng tăng lên cả về số lượng và vũ khí.

Hỏa lực từ phi pháo và oanh kích bằng B-52 của Hoa Kỳ cũng tăng khủng khiếp.

Các đợt ném bom Operation Arc Light dùng ba chiếc B-52 một lần, mỗi chiếc ném 80 trái bom 500 cân Anh xuống một diện tích rừng núi dài 1km, rộng 0,5km.

Từ năm 1968, giao tranh lan vào các khu đông dân.

Sir Robert Thompson đã thừa nhận vào cuối năm 1972 rằng chính sách tiêu hao sinh lực địch của Mỹ đã có những thành công đáng kể.

Và điều trớ trêu nhất là không phải đối phương bị quân Mỹ tìm và diệt ở những vùng xa xôi.

Thực tế là họ đã xông vào và tự bị tiêu diệt ở số lượng hàng vạn trong các trận đánh đẫm máu năm 1968, theo đánh giá của Philip Davidson trong cuốn sách 'Vietnam at War', phần về Robert Thompson và William Westmoreland.

Nhưng sau các trận giao tranh tháng 1 và 2 năm đó, ý chí tiếp tục cuộc chiến tại Washington đã không còn.

Di sản của Westmoreland và Thompson

Sau trận Mini-Tết tháng 4/1968, Westmoreland bị gọi về nước.

Đề nghị tăng thêm 200 nghìn quân cho nửa triệu quân Mỹ bị bác bỏ và tướng Creighton Abrams thay ông làm Tư lệnh quân Mỹ ở Việt Nam.

Tướng Abrams đã hạn chế lại việc dùng hỏa lực mạnh tại các khu dân cư và Hoa Kỳ đồng ý đàm phán để rút quân dần ra khỏi Nam Việt Nam.

Tướng Westmoreland đã kiện đài CBS News vì phóng sự 'The Uncounted Enemy' trong đó nói ông cố ý nêu đánh giá sai về sức mạnh quân địch trước trận Tết Mậu Thân.

Ông đòi đài CBS trả 120 triệu USD tiền 'bồi thường danh dự' nhưng cuối cùng đã bỏ vụ kiện.

Cựu tướng Westmoreland sau khi nghỉ hưu đã thành một nhà vận động cho quyền lợi và danh dự của cựu binh Mỹ.

Trước khi qua đời năm 2005, thọ 91 tuổi, ông đã quay lại nước Việt Nam thống nhất và gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo cộng sản.
Sir Robert Thompson, chụp năm 1943, lúc phục vụ trong quân đội Anh, chống lại quân Nhật tại Burma

Sau khi Westmoreland rời đi, Sir Robert Thompson tiếp tục làm cố vấn về bình định cho hai Tổng thống Richard Nixon và Nguyễn Văn Thiệu từ 1969 đến 1974.

Chính Thompson được cho là người nêu ra sáng kiến 'Việt Nam hóa chiến tranh', tăng cường năng lực tác chiến cho quân đội VNCH thay thế dần quân Mỹ rút đi.



Trong cuốn 'No Exit from Vietnam' (1968), ông cũng kiến nghị tăng tuyên truyền chống lại Việt Cộng để giành 'nhân tâm', kiểm soát các vùng đã giữ.

Ông Thompson để lại nhiều cuốn sách quan trọng như 'Revolutionary War in World Strategy, 1945-1969' (1970), và 'Peace is not at Hand' (1975).



 Dù phê phán các quân đội Mỹ tiến hành chiến tranh, ông vẫn nghĩ cuộc chiến có thể thắng, và chiến thắng của người Mỹ sẽ là kết quả tốt nhất cho Việt Nam.

Lập ra Viện Nghiên cứu Xung đột tại London, ông Thompson ra cuốn sách cuối cùng, 'War in Peace' năm 1981, phân tích các dạng chiến tranh từ sau 1945.



Sir Robert Grainger Ker Thompson qua đời năm 1992, thọ 76 tuổi.

Các sách của ông và chiến lược chống nổi dậy lại được báo chí Phương Tây nhắc lại khi Hoa Kỳ sa lầy vào cuộc chiến Iraq trong thế kỷ 21.


No comments:

Post a Comment