Các Chủ Đề

Sunday, July 29, 2018

Bắt người biểu tình ở xứ dân chủ có khác với xứ độc tài?

Anh William Nguyễn, sống ở thành phố Houston, Texas, Hoa Kỳ, sang Singapore học, trong lúc đợi bằng tốt nghiệp có ghé qua Sài Gòn, tham gia biểu tình vào ngày 10 tháng 6 năm 2018 rồi bị bắt. Cuối cùng anh cũng được thả để về Hoa Kỳ. Nhưng trước lúc tham gia biểu tình anh ta có biết là mình sẽ bị bắt? Nếu biết trước là sẽ bị bắt thì chắc anh ta đã không tham gia biểu tình. Với sự hiểu biết về cuộc sống ở Mỹ, có lẽ anh ta không nghĩ là biểu tình có thể bị bắt. Nhưng ở chế độ dân chủ, cũng có lúc cảnh sát bắt người biểu tình về tội phá rối trật tự công cộng. Những trường hợp đó có khác với các trường hợp cảnh sát bắt anh William Nguyễn và những người biểu tình ở Việt Nam hay không?



Thử xét vài trường hợp .

Anh William Nguyễn học xong ở Singapore, còn đang đợi ngày bảo vệ luận án thì sang Việt Nam chơi. Nhân dịp đó có vụ biểu tình chống dự luật làm đặc khu kinh tế cho nước ngoài thuê đất 99 năm, anh tham gia. Trước khi tham gia, anh ta viết trên mạng xã hội là không ngờ chính phủ lại cho phép biểu tình. Trong cuộc biểu tình, anh ta khá tích cực, giúp đỡ một số người trèo qua các chiếc xe của cảnh sát đặt ra để chặn đường. Có lẽ vì thấy anh ta khá tích cực nên cảnh sát bắt anh ta. Anh ta được cho lên truyền hình thú tội là đã phá rối trật tự công cộng, cản trở lưu thông.

Còn biểu tình ở các nước khác thì sao?

Trong cuộc hội nghị của các nước G20 tại thành phố Hamburg, Đức vào hai ngày 7 và 8 tháng 7 năm 2017, cũng xảy ra các cuộc biểu tình. Nhà nước biết chắc chắn là sẽ có biểu tình vì các hội nghị G8, G20 tổ chức tại đâu cũng có các cuộc biểu tình xảy ra. Vì thế chính quyền thành phố Hamburg cho cảnh sát chuẩn bị để giữ an ninh trật tự trong khi các cuộc biểu tình xảy ra.

Trong số các nhóm biểu tình, cảnh sát quan tâm đến một nhóm cực tả sẽ có thái độ bạo động trong cuộc biểu tình. Nhóm này đã dán lời kêu gọi biểu tình từ nhiều tuần lễ trước trên tường, trên các gốc cây. Trong bản kêu gọi có nói người biểu tình phải tham gia với tinh thần chiến đấu, đem theo gậy gộc, quả đấm sắt. Vào sáng ngày 7 tháng 7 năm 2017, cảnh sát sẵn sàng chờ đón nhóm biểu tình bạo động tại địa điểm mà họ đã loan báo. Khi nhóm biểu tình vừa tụ họp và bắt đầu tuần hành cảnh sát đã đem đội chống bạo động với mũ, khiên, giáp và xe xịt nước để chặn đường. Cảnh sát bắc loa kêu gọi nhóm biểu tình giải tán ngay . Dĩ nhiên là họ không giải tán và đánh nhau với cảnh sát. Sau đó họ phân tán vào các khu phố lân cận và đốt phá suốt đêm. Cảnh sát phải hoạt động suốt đêm để bắt những kẻ bạo động này. Đây là những người đáng được gọi là phá rối trật tự công cộng. Cảnh sát bắt họ là rất đích đáng, không oan chút nào.

Người biểu tình bạo động, đốt phá, Hamburg, Đức, 8-7-2018


Người biểu tình ôn hòa, Hamburg, Đức, 8-7-2018


Người biểu tình ôn hòa, Hamburg, Đức, 8-7-2018

Ngoài ra, cũng có hàng chục đám biểu tình nữa, tổng cộng đến hàng chục ngàn người biểu tình ở các khu phố khác mà cảnh sát chỉ đứng canh để giữ trật tự, không bắt bớ ai, không xem việc họ chiếm đường phố là tội cản trở giao thông mà bắt họ phải giải tán.


Cuộc biểu tình có tên là March For Our Lives do các em học sinh tổ chức, thủ đô Washington, Hoa Kỳ, 24-3-2018

Ở Mỹ, ngày 24 tháng 3 năm 2018 có nhiều vụ biểu tình xảy ra ở thủ đô Washington lẫn hành chục thành phố khác để đòi hỏi phải có luật kiểm soát súng chặt chẽ hơn. Điều đáng nói là cuộc biểu tình này do các em học sinh trung học phát động.  Nguyên do của việc học sinh kêu gọi biểu tình là ngày 14 tháng 2 năm 2018, một cựu học sinh trường trung học Stoneman Douglas ở tiểu bang Florida đã đem súng vào trường bắn chết 17 học sinh. Vài ngày sau đó các em học sinh trường này sau đó đã tổ chức biểu tình đòi kiểm soát súng chặt chẽ hơn và hẹn sẽ tổ chức biểu tình ở thủ đô Washington vào ngày 24 tháng 3 năm 2018 để đòi quốc hội làm luật kiểm soát súng.

Các em học sinh này đã dùng mạng xã hội Facebook để đăng lời kêu gọi và để cho các trường trên toàn thể nước Mỹ nối kết cùng biểu tình tại thành phố của mình trong cùng một ngày.

Những người lớn đã quen với việc tổ chức biểu tình đã tình nguyện giúp đỡ các em học sinh. Họ xin phép với chính quyền là ngày 24 tháng 3 năm 2018, sẽ tổ chức một cuộc biểu tình tại thủ đô Washington ở quãng trường trước quốc hội với qui mô khoảng trên 500 ngàn người tham dự. Việc xin phép không gặp trở ngại gì cả mà cốt để cho cảnh sát biết mà cấm xe và huy động lực lượng giữ an ninh.

Vào ngày biểu tình, con số người tham dự lên đến trên 800 ngàn người. Ban tổ chức đã lập ra 14 sân khấu ngoài trời để người biểu tình lên phát biểu cùng là ca hát, cổ động cho mục đích biểu tình của mình. Đến khoảng chiều 3, 4 giờ thì mọi người dần dần giải tán. Cảnh sát không lấy cớ người biểu tình làm cản trở lưu thông mà đàn áp hay cấm biểu tình.

Anh William Nguyễn bị bắt là vì cảnh sát thấy anh ta là người tích cực trong cuộc biểu tình. Những người bị bắt không phải là vì họ đập phá, đốt xe, đốt nhà mà vì cảnh sát muốn dẹp biểu tình nên bắt những người có vẻ hăng hái, tích cực để bắt đi những người cầm đầu, những người có khả năng kêu gọi quần chúng. Vì thế dù anh William Nguyễn thú tội là phá rối trật tự công cộng thì ở các nước dân chủ không xem việc tham gia biểu tình của anh ta là phá rối trật tự công cộng. Chỉ khi nào anh ta đập phá, đốt xe, đánh nhau với người khác hay đánh nhau với cảnh sát thì mới bị xem là phá rối trật tự công cộng.

Việc nhà nước Việt Nam gán ghép cho những người biểu tình tội phá rối trật tự công cộng chỉ là để cấm biểu tình hoàn toàn, dù là biểu tình ôn hòa, không đập phá. Lý do nhà nước cấm biểu tình là vì sợ rằng dân tụ tập biểu tình lúc đầu là một lý do nào đó nhưng rồi chuyển sang đòi thay đổi chế độ, đòi có chế độ dân chủ.

Việc cấm biểu tình hoàn toàn ở Việt Nam nằm trong chính sách Chống Diễn Biến Hòa Bình. Nhà nước không để cho dân tụ tập đông đảo để rồi xảy các cuộc biều tình đòi dân chủ như các cuộc cách mạng màu cam ở Ukraine năm 2004 hay cách mạng nhung ở Đông Âu vào cuối thập niên 1980.

Sự khác nhau giữa hai chế độ dân chủ và độc tài là chế độ dân chủ để cho dân biểu tình. Rồi quốc hội thấy ý muốn của dân qua các cuộc biểu tình có thể sửa đổi luật lệ, hiến pháp cho phù hợp với ý dân. Chế độ độc tài xem tất cả mọi hành vi biểu tình đều là phá rối trật tự công cộng để dân hoàn toàn không được biểu tình. Chế độ độc tài không muốn cho dân biểu tình đòi thay đổi hiến pháp hay luật lệ.

Minh Đức






No comments:

Post a Comment