Ông McCain ở quảng trường Độc Lập, Kiev, thủ đô của Ukraine năm 2013, khi dân Ukraine biểu tình phản đối chính quyền không gia nhập Liên Âu |
Thượng Nghị Sĩ John S. McCain không những được ca ngợi và vinh danh ở Hoa Kỳ mà trên toàn vùng Đông Âu và ở Ukraine cũng như ở Georgia. Điều chắc chắn là ông, tuy vậy, sẽ không được vinh danh ở Nga, nơi mà nhà cầm quyền gọi ông là kẻ thù ngay cả khi ông đã qua đời. Nhưng, sự minh bạch của lập trường của ông về Nga sẽ được mọi người ở những láng giềng của Nga luyến tiếc, và có lẽ ngay cả chính các nhà tuyên truyền của điện Kremlin nữa.
Thủ Tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki nhớ đến ông McCain là “một người bạn đã chứng minh lòng thành cho Ba Lan” và một “nhà bảo vệ không ngưng nghỉ cho tự do và dân chủ.” Tổng Thống Ukraine Petro Poroshenko tiếc thương ông như là “người bạn quý nhất của Ukraine” vốn đã có “đóng góp vô giá” cho tự do và dân chủ ở nước ông. Tổng Thống Georgia Giorgi Margvelashvili gọi ông là “một anh hùng quốc gia của Georgia.”
Và cựu Tổng Thống Toomas Hendrik của Estonia đã viết một bài điếu văn thật cảm động. Ông viết: “Ở Đông Âu, ít người biết hay để tâm đến chính trị nội bộ của John McCain. Ở đây, vị cố thượng nghị sĩ là một biểu tượng của tất cả những gì chúng tôi nghĩ là tốt về Hoa Kỳ: tử tế, một niềm tin vào tự do, nhân quyền và một trật tự thế giới tự do. Ông McCain không theo cái khẩu hiệu ‘hắn là một tên đểu giả, nhưng hắn là tên đểu giả của chúng ta’ vốn vẫn thường tiêu biểu cho thái độ của Tây phương với các chế độ không dân chủ. Ông thẳng thắn chống lại độc tài dưới mọi hình thức, và sát cánh với những quốc gia đã thoát khỏi chủ nghĩa Cộng Sản và những hiện thân mới của nó.”
Rồi ông kể, lần đầu tiên ông gặp thượng nghị sĩ là trong vai trò đại sứ cho Estonia ở Washington hậu độc lập khi ông tìm đến để yêu cầu ông McCain giúp trong cuộc vận động để cho quân đội Nga rút khỏi lãnh thổ của Estonia. Mặc dầu đã có một thỏa thuận năm 1992 trong đó Nga đồng ý rút lui “nhanh chóng, trật tự và hoàn toàn” ra khỏi các quốc gia Baltic, nhưng người Nga cứ ỳ ra. Và đó là khi các cường quốc Tây phương cho việc bảo vệ Tổng Thống Boris Yeltsin quan trọng hơn cả. Nhưng ông McCain cương quyết theo đuổi buộc Hoa Kỳ phải giữ lời hứa thúc đẩy người Nga. Mà không phải chỉ ở một cuộc họp, mà thường xuyên theo dõi.
Ông viết: “Trong suốt một phần tư thế kỷ sau đó, ông sẽ tìm tôi trong các cuộc viếng thăm của các phái đoàn quốc hội, ở các hội nghị và trong các chuyến công du của ông đến lục địa, lôi tôi sang một bên và hỏi ‘Bọn Nga làm cái trò gì lúc này?’”
Ông cũng nhắc lại là khi Estonia và các quốc gia Đông Âu xin tham gia Liên Minh NATO, ông McCain là tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ nhất. Ông viết tiếp: “Sẽ thật dễ gạt sang một bên với luận điệu là sự ủng hộ nồng nhiệt của ông McCain cho các quốc gia Âu Châu vốn đã tự giải phóng mình ra khỏi chế độ Cộng Sản, chỉ là một phản ứng của ông cho gần sáu năm khổ nạn trong trại tù binh ở Việt Nam, và những tra tấn, vi phạm công ước Genève, mà ông đã chịu đựng. Nhưng đó không phải là John. Biết ông, đọc sách của ông, nghe những bài diễn văn của ông, rõ ràng McCain có những sản phẩm hiếm hoi nhất trong chính trị: cá tính, tử tế và nguyên tắc.”
Ông còn kể là khi Georgia bị xâm lăng, ông và Tổng Thống Ba Lan Lech Kaczynski quyết định bay đến Georgia ngay khi Nga đang xâm lăng họ. Ông viết: “Tôi bảo với ông bạn đồng nghiệp: ‘Chúng ta phải là điều mà John McCain trong quá khứ đã làm cho đất nước chúng ta.’ Ông Kaczynski đồng ý nói ‘Đúng vậy.’”
Nay Estonia đang là một trong những tiếng nói đang mạnh mẽ yêu cầu Liên Minh NATO đặt tên trụ sở mới của mình là tòa nhà John S. McCain.
Nhưng ở Nga thì mọi bình luận đều theo luận điệu của chế độ, của Tổng Thống Vladimir Putin và đi ngược hẳn lại chiều hướng đó. Bài viết về ông trên hãng thông tấn chính thức RIA Novosti mang tựa đề “Người đứng đầu phe bài Nga ở Hoa Kỳ.”
Một dân biểu, ông Oleg Morozov, viết “Hãy để thượng đế nhận tâm hồn đen tối của ông ta và người sẽ quyết định tương lai của linh hồn đó.”
Ông Konstantin Kosachev, chủ tịch ủy ban ngoại giao thượng viện Nga, thì viết: “Chủ thuyết duy nhất của ông ta là ‘Bênh vực người của mình và tấn công người khác. Chủ đích chính của nó là trung thành cho Hoa Kỳ và quyền lợi của Hoa Kỳ, không phải những tiêu chuẩn cho hòa bình, cái tốt và công lý.’”
Dĩ nhiên cũng dễ hiểu phản ứng từ Đông Âu và từ Nga trước sự qua đời của thượng nghị sĩ. Trong mọi vấn đề trong vùng, ông McCain luôn bênh vực những quốc gia và những chính trị gia tìm cách tách rời khỏi vòng kiềm tỏa của Nga và tấn công ông Putin và các đồng minh của ông ta.
Trước sau như một ông không thay đổi lập trường. Không có một chút bị, tại nào trong quan niệm của ông về Nga, một quốc gia mà ông nói bị đánh bại vì sự cương quyết của Tổng Thống Ronald Reagan và đã trở thành “một trạm xăng giả bộ làm một quốc gia,” đáng bị thua trong vai trò một chế độ độc tài.
Những chính trị gia muốn tìm cách dứt quốc gia mình ra khỏi lịch sử bị lệ thuộc vào Nga có thể luôn trông cậy vào sự ủng hộ của ông McCain. Ông chưa bao giờ bỏ rơi họ, ngay cả khi các chính phủ của Tổng Thống George W. Bush và Barack Obama cũng không bao giờ có thể so sánh được với sự hăng say của ông. Một sự kiên định như vậy quả hiếm thấy trong chính trị.
Cũng phải nói là sự kiên định và thẳng thừng đó nhiều khi làm ông thiếu tế nhị và giúp cho Nga biến ông thành một điều mà hồi xưa chúng ta gọi là “ông ngoái ộp,” một kẻ hung dữ tiêu biểu cho Hoa Kỳ để Nga có thể lợi dụng tung ra những luận điệu tuyên truyền, nhất là khi ông sai, vì ông không hiểu rõ tình hình tại chỗ.
Những nhà tuyên truyền của điện Kremlin sẽ luyến tiếc Thượng Nghị Sĩ McCain. Không có ông, họ sẽ phải dựng lên một “ông ngoái ộp” khác. Mà khó có người thẳng thừng, bộc trực và kiên định như ông.
Nhưng Đông Âu và những quốc gia nhỏ khác trên thế giới sẽ nhớ ông vì một lý do khác. Tuy ông có thể sai về tiểu tiết, ông đúng về đại sự. Chủ nghĩa đế quốc và độc tài cần bị thách thức ngay cả khi chủ nghĩa chính trị thực tế khuyên là không nên. Nói thẳng có thể làm các chuyên gia trợn mắt, nhưng nó là một đức tính vô cùng quý báu từ một chính trị gia, và Thượng Nghị Sĩ McCain chưa bao giờ giả bộ là gì khác. Nhân dân Nga đáng có một chính phủ tốt hơn là chính phủ họ đang có, và nếu niềm tin của Thượng Nghị Sĩ McCain về khả năng của họ rồi sẽ có được một chính phủ như vậy là ngây thơ, thì có lẽ thế giới sẽ tốt đẹp hơn nếu chúng ta ngây thơ như vậy.
Ngay đến ông Vladimir Putin, hồi năm ngoái, cũng phải công nhận: “Tôi thích ông vì lòng ái quốc của ông và sự kiên định của ông trong việc bảo vệ quyền lợi của nước mình.”
Nhưng sẽ không có một chính trị gia nào có thể so sánh được với ông và có được sức mạnh nhờ cuộc đời và sự nghiệp mà ông có. Chế độ Putin có thể thích ông làm kẻ thù cho họ, nhưng Nga, nói cho cùng, cần một chế độ có một kẻ thù với một đạo đức trong sáng như Thượng Nghị Sĩ John McCain, và các quốc gia cựu và đang bị những đảng Cộng Sản cai trị, cần niềm hy vọng và gương sáng của một ông John McCain. (Lê Phan)
1-9-2018
Nhật báo Người Việt, California, Hoa Kỳ
No comments:
Post a Comment