Các Chủ Đề

Sunday, November 4, 2018

Thày Thích Nhất Hạnh và các chuyến trở về Việt Nam

Thày Thích Nhất Hạnh và các môn sinh, chụp ở tổ đình Từ Hiếu, Huế, 28-10-2018
Ngày 26 tháng 10 năm 2018, thày Thích Nhất Hạnh từ Thái Lan, nơi có chùa của môn phái Làng Mai, trở về Việt Nam. Thày có ý ở lại Việt Nam trong thời gian dài và có thể ở lại cho đến khi qua đời. Năm 2017, thày cũng có trở về Việt Nam, thăm tổ đình Từ Hiếu ở  Huế và tĩnh dưỡng ở một resort ở Đà Nẵng trong một thời gian ngắn . Lần trở về năm 2017, các môn sinh Làng Mai không có các hoạt động liên quan đến tôn giáo mà chỉ là đi theo giúp đỡ thày. Lần này, thày Thích Nhất Hạnh với tư cách là người trụ trì tổ đình Từ Hiếu đã gửi thư mời các tăng ni đến họp mặt. Nhưng môn phái Làng Mai có được quyền giảng đạo ở Việt Nam hay không?

Có người có lẽ còn nhớ thời gian khoảng năm 2005 đến 2007, thầy Thích Nhất Hạnh về Việt Nam và được đón tiếp vô cùng trọng thể, đi ra ngoài có người che lọng. Có báo chí Việt Nam nói đến chuyện Phật Giáo ví Phật Giáo với thời sư Vạn Hạnh đời Lý. Nhưng rồi bỗng nhiên báo nhà nước quay ra nói xấu những người trong môn phái Làng Mai là vô đạo đức. Rồi sau đó không thấy thày Thích Nhất Hạnh về nước nữa mà môn phái Làng Mai cũng không được truyền đạo tại Việt Nam.

Lý đo đằng sau việc nhà nước bỗng nhiên nói xấu Làng Mai và cấm truyền đạo là Làng Mai đã gửi thư cho chủ tịch Nguyễn Minh Triết đề nghị bỏ Ủy Ban Tôn Giáo nhà nước. Nghĩa là đề nghị nhà nước đừng kiểm soát tôn giáo chặt chẽ nữa, để cho tôn giáo được tự do. Nội dung đòi tự do cho tôn giáo có đoạn kể khi thày Thích Nhất Hạnh sang Mỹ thì chính phủ Mỹ cấp visa cho một năm rồi trong một năm đó, thày Thích Nhất Hạnh đi đâu, giảng những điều gì chính phủ Mỹ không để ý. Còn khi về Việt Nam, mỗi ngày trước khi đi đâu thì thày Thích Nhất Hạnh và môn sinh Làng Mai phải báo cho cán bộ tôn giáo nhà nước biết trước, và phải cho biết nội dung các bài giảng như thế nào trước khi được phép giảng. Điều này được kể trong Lá Thư Làng Mai số 31. Đó là sự khác nhau giữa việc có tự do tôn giáo và không có tự do tôn giáo. Cũng có tin nói môn phái Làng Mai không chấp nhận gia nhập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (tức giáo hội quốc doanh).

Phản ứng của nhà nước là đuổi hết 379 tăng sinh ra khỏi chùa Bát Nhã ở Lâm Đồng. Đây là những người từ khắp nơi ở Việt Nam đến chùa Bát Nhã để học về tu hành. Khi các tăng ni không chịu đi thì nhà nước cho bọn côn đồ đến chửi bới, xỉ vả từ ngày này qua ngày khác. Sau đó bọn côn đồ xông vào chùa đem đồ đạc, quần áo của các tăng sinh vứt ra ngoài sân chùa. Cuối cùng các tăng sinh phải bỏ tu, trở về quê. Chùa Bát Nhã do môn phái Làng Mai bỏ tiền ra xây, có người nói tiền mua đất và tiền xây tốn cả triệu đô la, bị nhà nước lấy. Về sau này, những người ở Việt Nam muốn tu theo môn phái Làng Mai phải sang Thái Lan để học.

Ảnh chụp đám côn đồ được chở máy bay từ miền Bắc vào làm công việc chửi bới, xỉ vả thậm chí hành hung các tăng sinh đang tu tập tại tu viện Bát Nhã

Xe vận tải dùng để đi chợ của chùa Bát Nhã bị bọn côn đồ ném đá vỡ kính khi xe này đi về đến gần cổng chùa


Các tăng sinh chùa Bát Nhã sau khi bị đuổi khỏi chùa


Phải chăng là thày Thích Nhất Hạnh lúc đó muốn trở về Việt Nam với tư cách như sư Vạn Hạnh đời Lý, làm người lãnh đạo về tinh thần cho quốc gia? Sư Vạn Hạnh là người lãnh đạo về tư tưởng, đạo đức cho quốc gia đời nhà Lý, khi Lý Công Uẩn lên làm vua. Nghĩa là "từ vua đến quan đến các người dân phải lấy đạo đức làm gốc". Như vậy sư Vạn Hạnh đứng trên vua về mặt tư tưởng. Còn tại Việt Nam, tuy nhà nước làm ra vẻ trọng vọng người tu hành, nhưng người tu hành phải đặt dưới sự quản lý của Ủy Ban Tôn Giáo Nhà Nước. Có nghĩa là đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn là người lãnh đạo về tư tưởng và đạo đức, còn tôn giáo chỉ là tay sai của đảng Cộng Sản Việt Nam. Dù là nhà nước tổ chức các buổi lễ trọng thể, có lọng che, mặc áo vàng cho thày Thích Nhất Hạnh nhưng nhà nước vẫn chỉ xem thày Thích Nhất Hạnh là tay sai, là công cụ, để nhà nước dùng tôn giáo mê hoặc dân, dụ cho dân đi theo xã hội chủ nghĩa.

Việc thày Thích Nhất Hạnh về tổ đình Từ Hiếu gửi thư mời các môn sinh hội họp là hành xử như một nhà lãnh đạo tôn giáo có quyền lực liệu có làm cho đảng Cộng Sản Việt Nam ngứa mắt?

Hình dưới là lúc thày Thích Nhất Hạnh được nhà nước tổ chức cho các buổi lễ rất trọng thể:





Minh Đức
3-11-2018


 Căng thẳng tại Tu viện Bát Nhã

Rắc rối ở Tu viện Bát Nhã kéo dài từ năm ngoái

Tin cho hay gần 400 tu sinh có liên hệ với Thiền sư Thích Nhất Hạnh vẫn đang ở trong Tu viện Bát Nhã qua ngày thứ bảy, trong lúc Thượng tọa chủ trì ở đây đòi họ phải ra đi.

Thượng Tọa Thích Đức Nghi, viện chủ tu viện Bát Nhã, trước đây đã mời tăng thân Làng Mai về dạy đạo pháp cho hàng trăm chủng sinh, nhưng quan hệ hai bên đã bị xấu đi trầm trọng.

Giới chức chính quyền và công an tỉnh Lâm Đồng, được BBC liên lạc, từ chối cung cấp thông tin.

'Bị cô lập'

Nói chuyện với BBC ngày hôm nay, Thầy Thích Trung Hải, là người ở Tu viện Bát Nhã nhưng đang có mặt ở Pháp, cho biết:

"Hiện tại có khoảng 400 người, gồm các thầy và tu sinh, đang ở trong tu viện, không có điện nước, thức ăn, bị cô lập trong phòng."

Vị giáo thọ của tu viện Bát Nhã nói nguyên nhân chính là sự thay đổi ý định của viện chủ tu viện.

"Năm 2005, khi Thiền sư Nhất Hạnh được về Việt Nam lần đầu, đã để lại vài vị giáo thọ của Làng Mai theo yêu cầu của Thượng tọa Đức Nghi. Thượng tọa cũng muốn chiêu sinh cho người học theo Làng Mai. Nhưng nay những giáo thọ Làng Mai mang quốc tịch nước ngoài đều đã phải rời tu viện."

Được biết từ năm ngoái, Thượng tọa Đức Nghi đã tuyên bố ngừng bảo lãnh tạm trú cho 379 tu sinh.

Đến ngày 08/08/2008, công an địa phương ra công văn trục xuất những tu sinh này khỏi tu viện vì không còn có sự bảo lãnh cư trú.

Tuy vậy, nhóm tăng ni sinh tiếp tục gửi thư kiến nghị đi các nơi.

Ngày 19/11/2008, có một cuộc họp ở TP. HCM với sự tham dự của đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ban Tôn giáo Chính phủ.

Quyết định rút ra từ cuộc họp là ủy quyền cho ban trị sự Phật giáo tỉnh Lâm Đồng giải quyết.

Đến lượt mình, Giáo hội Phật giáo ở Lâm Đồng nói họ tạm thời bảo lãnh cho các vị tăng ni sinh này ở lại cho đến khi có giải pháp sau cùng.

Tuy vậy, đến hôm nay, mọi việc vẫn không ngã ngũ mà càng trở nên căng thẳng.

Thầy Thích Trung Hải cáo buộc Thượng tọa Đức Nghi "ngày càng cứng rắn hơn".

"Chủ nhật vừa rồi, cho cắt điện, nước. Và theo tin các vị bên nhà, có khoảng hơn 100 người dùng rao rựa rượt chém, cô lập các vị xuất gia."
BBC liên lạc với Thầy Thích Đồng Hạnh, phụ tá của Thầy Thích Đức Nghi, nhưng vị chủ hộ tu viện này không trả lời phỏng vấn.

Một số bản tin trên mạng tường thuật lực lượng công an đang bao vây tu viện.

Nhưng theo Thầy Thích Trung Hải, thái độ của công an và chính quyền nói chung có vẻ không rõ ràng.

"Chỉ có công an xã, dân quân đứng quan sát hiện trường. Một số vị công an chức tước cao hơn thì cũng có mặt và quay phim. Khi các vị sư thầy đến hỏi chuyện, họ bảo đây là vấn đề nội bộ của tu viện, họ không can thiệp."

Theo Thầy Trung Hải, kể cả khi các vị tu sinh gửi đơn cáo buộc đã xảy ra bạo lực với họ, phía công an từ chối can thiệp.

Hiện tại có khoảng 400 người, gồm các thầy và tu sinh, đang ở trong tu viện, không có điện nước, thức ăn, bị cô lập trong phòng.

Thầy Thích Trung Hải

'Sai lệch'

Năm 2005, sau gần 40 năm xa quê hương, Thiền sư Thích Nhất Hạnh lần đầu tiên về thăm Việt Nam.

Hai năm sau, ông quay trở lại Việt Nam để thực hiện lễ cầu siêu giải oan ở trong nước.

Chuyến trở về năm 2007 gây chú ý đặc biệt, vì đây là lễ cầu siêu cho tất cả những đồng bào nào "từng là nạn nhân của chiến cuộc, không phân biệt Bắc Nam, chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, già trẻ hay trai gái."

Giới quan sát xem chuyến đi lần đó là phép thử biên độ của tự do tôn giáo và tín ngưỡng tại một đất nước do đảng cộng sản lãnh đạo.

Nhưng năm ngoái Ban Tôn giáo Chính phủ có công văn phê phán tăng thân Làng Mai "đề cập sai lệch những vấn đề chính trị của đất nước".
Người của Làng Mai nói chính Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã đề ra một loạt đề nghị với Chủ tịch Nguyễn Minh Triết, trong đó có việc giải thể Ban Tôn giáo Chính phủ và bộ phận công an đặc trách tôn giáo.

Công văn do Trưởng ban Tôn giáo Nguyễn Thế Doanh ký ngày 29/10/2008 cũng đề cập đến số người đang tu theo pháp môn Làng Mai ở tu viện Bát Nhã.

Theo đó, "Những người thực hiện đúng quy định tạm trú, tạm thời cho ở trong một thời gian để thu xếp chuyển đi; những người chưa thực hiện đăng ký tạm trú thì với những ai thuần túy tu học, không gây ảnh hưởng tới an ninh trật tự, cho phép kê khai đăng ký tạm trú và được ở lại trong một thời gian (như những người đăng ký tạm trú) để thu xếp chuyển đi; số gây mất trật tự, mất đoàn kết buộc trở về nơi cư trú cũ".

BBC Tiếng Việt
4 tháng 7, 2009

Ý kiến độc giả:

Nếu quý vị có đọc bài « Cho đất nước an vui » đăng trong Lá thư Làng mai số 31 ra ngày 04/02/2008 với những đề nghị rất mạnh như : Đổi tên nước, đổi tên đảng, bãi bỏ Công An Tôn Giáo v.v… và bản Thỉnh cầu và Đề nghị 10 điểm của phái đoàn Đạo Tràng Mai Thôn đến Chủ tịch nước (Bản thỉnh cầu đã được Thầy Làng Mai đích thân trao cho ngài Chủ Tịch nước Nguyễn Minh Triết trong dịp phái đoàn Làng Mai được thừa tiếp tại Phủ Chủ Tịch ngày 05.05.2007) được phổ biến rộng rãi trên trang nhà làng mai đã làm chính quyền cộng sản không vừa lòng.

Ngoài ra theo thông tin chúng tôi được biết trong lúc chuẩn bị Lễ Vésak 2008, phía Trung quốc đã gởi công hàm yêu cầu chính phủ Việt Nam tẩy chay và không cho phép thiền sư Thích Nhất Hạnh vào Việt Nam. Khi thiền sư về tới Việt Nam, Trung Quốc gây áp lực, yêu cầu chánh phủ Việt Nam trục xuất thiền sư ra khỏi lãnh thổ cũng chỉ vì những phát biểu ủng hộ mạnh mẽ đức Dalai lama 14 của Sư Ông tại Ý đã làm nhà cầm quyền Trung Quốc tức giận.

Tuy nhiên chính quyền Việt nam lúc đó cũng đã cắn răng nhượng bộ để cho sư ông tham dự Vesak 2008 mà Việt nam là nước đăng cai lần đầu tiên để tạo dư luận với thế giới về tự do tôn giáo.
Nguoi Cu Si, Saigon

Bổ sung: 12:13 04-07-2009 GMT
Đã 7 ngày trôi qua các tu sĩ trẻ tại bát Nhã sống trong khủng bố tinh thần, điện, nước không có, thức ăn thì Phật tử lén khi nào không có ai thì nhờ xe ôm chạy vào đưa. Còn phía bên thầy Đức Nghi quy tụ thật đông người, nhiều thành phần, trong đó có những thanh niên rất hung hăng luôn cầm dao uy hiếp đòi chém mọi người nếu muốn vào, và quý thầy cô bước ra sẽ bị chém...

Bọn họ rất hung hăng, hôm thứ hai, phái đoàn của Ban Trị Sự tỉnh Lâm Đồng vào thăm liền bị họ tấn công bắng gậy, đá...họ còn quăng phân bò, người, gà vào quý thầy ấy, đánh một thầy phó ban trị sự phải nhập viện.

Hiện nay tình hình rất căng thẳng, họ hăm sáng chủ nhật 5/7 này sẽ san bằng Bát Nhã, đuổi tất cả thầy cô đi. Suốt ngày hôm nay 4/7 họ cho bắt loa phóng thanh buộc thấy cô phải ra khỏi Bát Nhã tức thì, nếu không họ sẽ không chịu trách nhiệm.

Những sự việc xảy ra như thế mà các anh Công An chỉ đứng nhìn, không quan tâm giải quyết, mặc tình cho bọn ngưới mất nhân tính ấy muốn hành hung ai cũng mặc.

Chúng tôi là Phật tử rất tha thiết xin mọi người hãy gang rộng vòng tay cứu giúp quy thầy cô tại bát Nhã, họ đang bị cô lập, không điện không nước, ăn đói khát đã 7 ngày nay rồi.
Trang Hoa, TP.HCM

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2009/07/090704_batnha_tension


HỒ SƠ TU VIỆN BÁT NHÃ LÀNG MAI
09
TÀI LIỆU TRONG WIKILEAKS TIẾT LỘ

WIKILEAKS:
THIỀN SƯ NHẤT HẠNH TỪNG PHÊ PHÁN CHÍNH QUYỀN
Vũ Quí Hạo Nhiên | Người Việt Online 13.9.2011

Phía sau hai chuyến đi Việt Nam

WESTMINSTER (NV) - Trong hai chuyến đi Việt Nam năm 2005 và 2007, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, khi gặp riêng giới lãnh đạo Việt Nam, đã có những lời phê phán bộc trực và đề nghị thay đổi cho Việt Nam, nhưng mọi cố gắng này đều thất bại, và ông không gặt hái được kết quả gì trừ quyền được phát hành sách rộng rãi. Đó là những gì được tiết lộ trong hai công điện của đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, trong vụ Wikileaks.

 wiki_bat_xe-tai-400-3

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh làm lễ cầu siêu cho nạn nhân chiến tranh tại Sóc Sơn, ngoại thành Hà Nội, trong lần thứ nhì về lại Việt Nam năm 2007. (Hình: Hoàng Đình Nam/AFP/Getty Images)

Năm 2005 là lần đầu tiên Thiền Sư Nhất Hạnh trở về Việt Nam sau gần 40 năm. Lần đó cũng không phải là lần đầu tiên ông muốn về. Năm 1999, ông từng đề nghị với nhà nước Việt Nam để về thuyết pháp, nhưng chuyến đi bị hủy bỏ.

Chuyến về của ông cùng một đoàn Phật tử, học trò 200 người năm 2005, kéo dài hai tháng rưỡi, được báo chí trong nước cũng như giới truyền thông quốc tế loan tin rộng rãi. Trong một cuộc gặp mặt riêng với Đại Sứ Mỹ Michael Marine, Thiền Sư Nhất Hạnh tiết lộ những điều không thấy trong những buổi sinh hoạt công khai, và những tiết lộ này được báo cáo từ Hà Nội về Bộ Ngoại Giao trong một công điện đề ngày 31 tháng 3, 2005.

Phật Giáo bị ‘chia rẽ’

Trong cuộc gặp gỡ này, Thiền Sư Nhất Hạnh tiết lộ là chuyến đi năm 1999 bị hủy bỏ do phía ông. Nhà nước Việt Nam muốn đặt áp đặt lịch trình và muốn ông về với tư cách khách mời của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN), tức giáo hội được chính quyền công nhận, và ông không đồng ý.

Khác với năm 1999, trong chuyến đi năm 2005, ông đòi nhà nước CSVN hai điều kiện: Ông có thể đi bất cứ đâu trong nước Việt Nam, và sách của ông được tự do phát hành. Điều này ông đã thực hiện được; 10,000 bản của cả 12 bộ sách của ông đã bán hết trong chuyến đi này.

Thiền Sư Nhất Hạnh cũng cho rằng chuyến đi của ông là một sự thành công vì ông trực tiếp thuyết pháp được cho hơn 200,000 người và giúp gầy dựng lại lòng tin vào Phật pháp.

Thiền Sư Nhất Hạnh miêu tả tình hình Phật Giáo Việt Nam là “chia rẽ trầm trọng.” Mặc dù Phật tử được tự do thờ phượng, “sức khỏe chung của giáo hội rất tồi,” và ông cho rằng lý do là vì chính quyền can thiệp vào việc nội bộ của giáo hội.

Ông miêu tả sự can thiệp này gồm hai mặt. Một, Thiền Sư Nhất Hạnh nói có nhiều tăng ni được đặt vào vị trí lãnh đạo Phật Giáo “vì lý do chính trị,” và ngược lại các vị đại diện GHPGVN thì “hành xử như công chức nhà nước”. Hai, GHPGVN, theo Thiền Sư Nhất Hạnh, lệ thuộc vào nhà nước Việt Nam về tiền bạc cũng như để được cho phép làm một số việc, chẳng hạn gửi tăng ni đi tu học ở ngoại quốc.

Sự lệ thuộc này “làm người dân chán nản” đạo Phật. Thiếu tâm linh, xã hội suy đồi. “Bể khổ giữa các thế hệ rất là lớn. Người trẻ không còn tin vào hạnh phúc gia đình,” Thiền Sư Nhất Hạnh nói vậy.

Gặp thủ tướng, chỉ trích chế độ

Nhưng Thiền Sư Nhất Hạnh dành những lời chỉ trích nặng nề nhất cho nhà cầm quyền. Hôm trước ngày gặp đại sứ, Thiền Sư Nhất Hạnh gặp Thủ Tướng Phan Văn Khải trong vòng một tiếng rưỡi. Thủ Tướng Khải kêu gọi ông giúp tạo sự thống nhất trong dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, Thiền Sư Nhất Hạnh trả lời là người Phật tử, thay vì tìm sự thống nhất, cần tìm “tình huynh đệ,” và họ có thể nằm trong các nhóm chính trị khác nhau nhưng không đấu đá lẫn nhau.

Ông kêu gọi ngược lại, nói với Thủ Tướng Khải, rằng “người cộng sản nên trở thành người Việt Nam hơn” và chấp nhận những giá trị truyền thống. Nếu không, chính trị sẽ “phá sản” và đảng Cộng Sản sẽ mất sự ủng hộ. Ông kêu gọi Thủ Tướng Khải tách rời tôn giáo ra khỏi chính trị.

“Tăng ni không thể bị bắt tham gia Quốc Hội hay Hội Đồng Nhân Dân,” Thiền Sư Nhất Hạnh nói với Thủ Tướng Khải. “Giáo hội không thể bị bắt tham gia vào Mặt Trận Tổ Quốc.”

Ông trao cho Thủ Tướng Khải một bản yêu cầu 7 điểm, và ông trao cho Đại Sứ Marine một bản sao. Trong số đó, có đề nghị “tăng ni không giữ chức vụ chính quyền hoặc nhận bằng khen từ nhà nước” ; hai hòa thượng “Thích Huyền Quang và Thích Quảng Độ phải có quyền tự do đi lại, thuyết pháp khắp nước;” và Phật Giáo không bị “ảnh hưởng chính trị trong nước và hải ngoại”.

Thất bại khi muốn gặp gỡ Hòa Thượng Huyền Quang

Trong lần trở về năm 2005, Thiền Sư Nhất Hạnh dự định gặp Hòa Thượng Thích Huyền Quang, lúc đó còn sống và là vị tăng thống thứ tư của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, một giáo hội không được nhà nước công nhận. Hai người từng là đồng tác giả cuốn “Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày: Cương lĩnh giáo lý nhập thế của Phật Giáo Việt Nam hiện đại” do Viện Hóa Đạo xuất bản năm 1973.

Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ đã không xảy ra. Thiền Sư Nhất Hạnh đã đến Thanh Minh Thiền Viện tìm gặp Hòa Thượng Quảng Độ, và đi Bình Định muốn gặp Hòa Thượng Huyền Quang, nhưng cả hai đều từ chối.

Phía GHPGVN giải thích lý do hai bên không gặp được nhau một cách rất đơn giản. Họ nói với nhân viên tòa đại sứ, “Thích Quảng Độ muốn chuyến đi thăm được xem là chính thức và được ghi vào lịch trình của chuyến đi Việt Nam.” Trong khi đó, họ nói Thiền Sư Nhất Hạnh chỉ muốn thăm với tư cách cá nhân.

Tuy nhiên, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đưa ra lý do quan trọng hơn, được giải thích trong một bức thư của thượng tọa Thích Viên Định, trong đó có đoạn viết: “Có điều không biết vô tình hay cố ý, ngài về nhằm vào thời điểm rất tế nhị, có thể bị hiểu là ngài đã bị thế gian lợi dụng để tuyên truyền, làm đẹp cho chế độ.”

Bức thư này được Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế (IBIS) ở Paris, do ông Võ Văn Ái làm giám đốc, loan tải. Vì lý do này và vì nhiều lời tuyên bố khác của ông Ái, đoàn phụ tá của Thiền Sư Nhất Hạnh tỏ thái độ bất bình với IBIS.

Người phụ tá tín cẩn nhất của Thiền Sư Nhất Hạnh, sư cô Chân Không, nhắc lại với Đại Sứ Marine một câu nói mà sư cô cho là bị trích dẫn sai, rồi sau đó bị IBIS nêu lên trên các bản tin. Trong một cuộc phỏng vấn với thông tấn xã AFP của Pháp, sư cô Chân Không được hỏi lý do tại sao một số tổ chức tôn giáo ở Việt Nam bị cấm hoạt động. AFP ghi câu trả lời như sau: “Vì một số các giáo hội này tàng trữ những lá cờ của chế độ cũ. Còn chúng tôi, thì chúng tôi chẳng có một tham vọng chính trị nào cả.”

Sư cô nói với Đại Sứ Marine là câu đó bị ghi sai, và ý của sư cô là, “Khi ở hải ngoại dùng cờ vàng để ủng hộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, điều đó khiến cho chính quyền xem giáo hội này là tổ chức chính trị thay vì tôn giáo.”

Trong lần thứ nhì trở về Việt Nam năm 2007, đoàn phụ tá của Thiền Sư Nhất Hạnh có họp với nhân viên tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn, và họ cho rằng những phát ngôn của ông Ái đã đầu độc không khí ngay giữa lúc Thiền Sư Nhất Hạnh và Hòa Thượng Huyền Quang đang tìm cách chấp thuận một giải pháp để gặp gỡ nhau.

Bị cấm cầu siêu cho thuyền nhân, tù cải tạo

Cũng trong lần thứ nhì trở về Việt Nam, Thiền Sư Nhất Hạnh dự định tổ chức ba buổi cầu siêu tại Sài Gòn, Huế, Hà Nội cho mọi nạn nhân chiến cuộc. Tuy nhiên, khác với lần thứ nhất, lần này, chính quyền cứng rắn hẳn lên và gây nhiều khó khăn cho buổi cầu siêu.

Những trục trặc này được ghi lại trong một công điện của tổng lãnh sự ở Sài Gòn, đề ngày 21 tháng 3, 2007, sau cuộc gặp mặt với phó tổng lãnh sự và tham tán chính trị.

Theo lời Thiền Sư Nhất Hạnh, ba buổi cầu siêu này dự trù cho mọi nạn nhân đã “thiệt mạng vô duyên cớ” trong chiến tranh. Dự tính, lễ cầu siêu sẽ nhắc đến chiến binh Mỹ cũng như những người Việt Nam bị chết vì “những tai họa khác,” kể cả trại tù cải tạo và người vượt biên.

Tuy nhiên, trong thương thuyết với phía Việt Nam, chính quyền tỏ ra cứng rắn hơn so với năm 2005. Họ nhất định cấm không được nhắc đến lính Mỹ, cấm nhắc đến tù cải tạo, cấm nhắc đến thuyền nhân.

Ở miền Bắc, việc tổ chức còn khó hơn. GHPGVN tại Hà Nội còn không muốn có lễ cầu siêu vì cho rằng không có lý do gì mà phải hóa giải, và cũng cho rằng không có người Việt Nam nào chết “vô duyên cớ” trong chiến tranh cả.

Buổi lễ cầu siêu tại Sài Gòn được tổ chức ngày 16 tháng 3, 2007, ở chùa Vĩnh Nghiêm, sau những thương thảo vào phút chót với chính quyền. “Có ít nhất 2,000 người tới dự,” theo công điện của tổng lãnh sự Hoa Kỳ. Thiền Sư Nhất Hạnh tuân thủ những đòi hỏi của chính quyền và không nhắc đến “những tai họa khác,” đến thuyền nhân, hay đến những binh sĩ không phải Việt Nam.

Tuy nhiên, Thiền Sư Nhất Hạnh đã cầu siêu cho tất cả “nạn nhân hai miền Nam Bắc” và nói là toàn thể sáu triệu người thiệt mạng trong chiến tranh đều đã chết “vô duyên cớ”. Thiền Sư Nhất Hạnh cũng so sánh với hai miền Đông Đức và Tây Đức thống nhất mà không đổ máu, và giới lãnh đạo Việt Nam lẽ ra phải làm được như vậy. Ông kêu gọi mọi người, bất kể tôn giáo, cầu nguyện cho tha thứ và kết đoàn.

Tới đây, trong điều mà tòa tổng lãnh sự gọi là “một cú hích vào đảng Cộng Sản,” Thiền Sư Nhất Hạnh nói người Công Giáo, Tin Lành, Phật Giáo có thể đọc kinh của đạo mình để sám hối, còn người Cộng Sản thì cứ việc “tìm tâm linh từ Marx”.

Chính quyền tẩy chay

Có vẻ biết trước bài thuyết pháp của Thiền Sư Nhất Hạnh sẽ có vấn đề, phía nhà nước không ai đến dự cả. Phải đến khi bài thuyết pháp đã xong và phần tụng kinh bắt đầu, mới có một nhóm đại diện GHPGVN tới dự. Dẫn đầu là Hòa Thượng Thích Trí Quảng, phó chủ tịch Hội Đồng Trị Sự Trung Ương GHPGVN và là một ủy viên Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc.

Trong lời đạo từ, Hòa Thượng Trí Quảng nói ngược lại những điều Thiền Sư Nhất Hạnh đã nói, và thay vào đó, nói buổi lễ cầu siêu là dành cho những liệt sĩ hy sinh “trong cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ”.

Khác với chuyến đi năm 2005, trong chuyến đi 2007, báo chí trong nước rất ít tường thuật. Sau lễ cầu siêu ở chùa Vĩnh Nghiêm, báo chí chỉ đưa tin sơ sài, trích dẫn lời Hòa Thượng Thích Trí Quảng và không nhắc đến những câu “nhạy cảm” của Sư ông Thích Nhất Hạnh.

Một vài nhà báo nói với tổng lãnh sự quán, họ nhận được lệnh miệng của tuyên giáo là cần “thận trọng” khi tường thuật chuyến đi của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.

Liên lạc tác giả: VuQuiHaoNhien@nguoi-viet.com

http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=137035&z=321


ĐÀN ÁP TU VIỆN BÁT NHÃ THÀNH CÔNG NHƯNG THIỆT HẠI UY TÍN
(Soạn giả: Nam Phương/Người Việt)

WESTMINSTER (NV) - Vụ đàn áp tu viện Bát Nhã/Làng Mai ở tỉnh Lâm Đồng năm 2009 được đoàn ngoại giao Mỹ theo dõi sát và thường xuyên đối thoại với phía Việt Nam về vụ này, công điện do Wikileaks tiết lộ ra cho thấy.

Chỉ nội trong số công điện bị Wikileaks lấy được, đã có 4 công điện tường trình trực tiếp vụ Bát Nhã: Ba công điện từ tòa đại sứ Mỹ ở Hà Nội vào các ngày 29 tháng 9, 2009; ngày 18 tháng 12, 2009; ngày 15 tháng 1, 2010; và một công điện ngày 3 tháng 12, 2009 của Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn.

Khoảng gần 400 tăng ni sinh và các nhà sư điều hành tu viện Bát Nhã, tu tập theo hệ phái Làng Mai, bị trục xuất ra khỏi tu viện. Sau một thời gian buộc giải tán tu viện Bát Nhã không có kết quả, theo bản tường trình của Tòa Đại Sứ Mỹ, ngày 27 tháng 9, 2009 “Công an thường phục và đám đông địa phương cưỡng bách 150 tăng ni sinh ra khỏi liêu phòng, phá hủy tài sản vật dụng của họ.” Hai vị tăng sĩ cầm đầu tu viện bị đánh bất tỉnh. Ngày hôm sau, lại cưỡng bách nốt khoảng 230 tăng ni sinh còn lại và chở đến một ngôi chùa gần đó.

Cùng ngày 27 tháng 9, có cuộc họp giữa hai thứ trưởng ngoại giao Mỹ và Việt Nam. Trong cuộc họp này, Đại Sứ Michael Michalak nêu vấn đề tăng sinh Làng Mai ở Bát Nhã. Cũng ngày này, tăng sinh liên lạc trực tiếp với Tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ cho hay họ bị công an đeo mặt nạ tấn công bằng dùi cui.

Công điện ngày 29 tháng 9 viết:

“Tăng ni sinh tu tập theo pháp môn Làng Mai của Thiền Sư Nhất Hạnh đã gọi cho văn phòng tổng lãnh sự vào trưa ngày 27 tháng 9, báo tin rằng công an mặc thường phục nhưng đeo mặt nạ và dùi cui đã tấn công vào tu viện Bát Nhã. Những công an này hành động sát cánh với một đám ‘côn đồ’ địa phương mà các tăng ni sinh từng nhận diện được cho tới thời điểm hôm đó.”

“Đám côn đồ đã cưỡng bức 150 tăng ni sinh ra ngoài sân, trong khi trời mưa lớn, rồi tiến hành phá phách tài sản của họ bên trong các liêu phòng, phá cửa sổ, đồ đạc, bàn ghế, giường chiếu và đổ nước lạnh nhằm phá hủy các thiết bị điện tử, kể cả điện thoại di động và máy điện toán cá nhân mà tăng ni sinh dùng để liên lạc với truyền thông báo chí, cũng như với dòng thiền mẹ bên Pháp là Làng Mai. Hai nguồn liên lạc của tổng lãnh sự cho biết trong cuộc tấn công này có 2 vị tăng sĩ bị đánh đến bất tỉnh.”

Hai vị tăng sĩ cầm đầu bị bắt đi. Bản công điện cho biết tiếp:

“Lúc công an bắt hai tăng sĩ niên trưởng, nhiều vị tăng sĩ khác đã cố gắng cứu giải, bằng cách nằm dài xuống đường đi ngăn chặn xe bắt người. Hai vị tăng nầy đã bị thẩm vấn cho đến khuya, sau đó bị áp giải về tư gia tại, một ở Nha Trang và một ở Hà Nội.”

Vị bị đưa về Nha Trang trực tiếp cho biết ông bị ép cung. Bản công điện trích lời ông này nói “Trong lúc bị thẩm vấn, công an cố tình ép cung ông tố cáo và thừa nhận Làng Mai đã dính líu tới ‘hoạt động chống chính quyền’. Sau khi ông bị công an áp giải về nhà, vị sư này còn cho biết, công an chụp hình ông và thân phụ của ông, hăm dọa rằng chỉ nên thờ Phật ở nhà và còn nói thêm, ông không nên ‘làm hại đến lý lịch trong sáng của mình,’ và ‘đừng để thân nhân gặp tình huống khó khăn.’”

Phúc trình dựa vào tin truyền thông quốc tế và nhân chứng nói khoảng từ 80 đến 150 tăng ni sinh bị nhà cầm quyền dùng xe buýt chở đi đâu không biết. Những người còn lại thì tới tá túc ở chùa Phước Huệ gần đó.

Chuyện đàn áp này xảy ra chỉ ít ngày trước khi Bộ Ngoại Giao công bố bản phúc trình hàng năm về tự do tôn giáo trên thế giới nên tòa đại sứ xin chỉ thị ứng đối.

Tòa đại sứ đề nghị cập nhật quan điểm về Việt Nam, nhấn mạnh “sự lo ngại sâu sắc về việc gia tăng sách nhiễu và bạo lực chống lại tín đồ và lãnh tụ các tôn giáo, gồm cả sử dụng công an thường phục và côn đồ tại chùa Bát Nhã”. Bản phúc trình tự do tôn giáo sau đó có đưa thêm chi tiết vụ Bát Nhã nhưng vẫn không đưa Việt Nam vào lại danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt (CPC).

Bản công điện ngày 3 tháng 12 của tòa tổng lãnh sự tóm tắt 200 tăng ni sinh Làng Mai (tu viện Bát Nhã) còn lại tạm trú ở chùa Phước Huệ tiếp tục bị áp lực trục xuất trong khi công an giám sát chặt chẽ. Thân nhân của tăng ni sinh được đưa tới để thuyết phục con em trở về nhà nếu không chính họ cũng gặp khó khăn.

Theo phúc trình, 21 tăng ni sinh trú ẩn ở chùa Từ Đức tỉnh Khánh Hòa cũng bị cưỡng bách trục xuất dù hòa thượng Thích Giác Viên cam kết bảo lãnh. 11 ni sinh trốn ở chùa Từ Hiếu, Huế.

Thượng tọa Thích Minh Nghĩa của chùa Toàn Giác ở Đồng Nai và thượng tọa Thích Viên Thanh của chùa Vạn Hạnh, Đà Lạt đứng ra bảo lãnh cho các tăng sinh Làng Mai nhưng ban chấp hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (do nhà nước hậu thuẫn) ra tối hậu thư đòi tăng ni sinh Làng Mai hạn chót là 30 tháng 11 phải chấm dứt “tụ tập bất hợp pháp” tại chùa Phước Huệ. Một số nhà ngoại giao đã gặp viên chức Bộ Ngoại Giao, Bộ Công An, Ủy Ban Tôn Giáo Chính Phủ để nêu các mối quan tâm.

Ủy Ban Tôn Giáo ấp úng

Công điện ngày 18 tháng 12 tiết lộ, một phái đoàn EU đã tới tận nơi để quan sát, người cầm đầu phái đoàn là bà Marie Louise Thaning, tham tán chính trị Tòa Đại Sứ Thụy Điển. Bà Thaning nói “Bà rất bị sốc khi chứng kiến đám đông hỗn độn cắt ngang buổi tiếp xúc của phái đoàn Cộng Đồng Âu Châu với viện chủ chùa Phước Huệ.”

Đại diện Tòa Đại Sứ Mỹ và phái đoàn EU đã có cuộc họp với các viên chức Hà Nội và ở Lâm Đồng. Nhà cầm quyền nhất định đòi các tăng ni sinh của tu viện Bát Nhã phải giải tán dù bị khuyến cáo rằng cư xử vụng về sẽ làm mang tiếng nhà nước về nhân quyền.

Phía nhà cầm quyền vẫn một mực nói vụ đuổi tu viện Bát Nhã chỉ là sự “tranh chấp nội bộ Phật Giáo”. Nhưng trong phiên họp của đại diện Tòa Đại Sứ Mỹ với Ban Tôn Giáo Chính Phủ, khi bị hỏi tại sao chỉ là “tranh chấp nội bộ” mà Ban Tôn Giáo Chính Phủ lại đứng ra cản trở không cho các cơ sở Phật Giáo ở địa phương giải quyết ôn hòa. Đến lúc đó, ông Bùi Hữu Dược, vụ trưởng Vụ Phật Giáo, đổi lập trường, không còn vin vào “tranh chấp nội bộ Phật Giáo” nữa mà lên án việc làm của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh.

Ông Dược trích một bức thư của thiền sư gởi Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết, được Làng Mai công bố trên mạng. Ông chỉ trích lời lẽ bức thư “đề nghị bãi bỏ Ủy Ban Tôn Giáo và công an, rằng Việt Nam nên bỏ chữ ‘Xã Hội Chủ Nghĩa’ trong quốc danh đi”.

Ông Dược cũng tố cáo trang mạng Phusa.info đã “đăng thông tin đầy tính ‘chống chính quyền Việt Nam’, mà ông cho là lỗi của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh”.

Rồi ông hỏi, tại sao không một tăng sĩ cao cấp nào của Bát Nhã/Làng Mai liên lạc với Ủy ban Tôn giáo để nhờ giải quyết. Tới đây, công điện viết tiếp:

“Tham tán chính trị lại hỏi rằng ông Dược có gọi cho giới chức thẩm quyền tỉnh Lâm Đồng ngay khi đám côn đồ khởi sự tấn công tăng thân Làng Mai trong tháng 6 không? Hay ông có gọi cho Bộ Thông Tin Truyền Thông ngay khi cái loa tuyên truyền của Bộ Công An, là tờ Công An Nhân Dân, đăng tải nhiều bài báo đầy lời lẽ mạ lỵ Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và tăng thân Làng Mai không? Hay ông có gọi cho công an để tìm xem tại sao có nhiều nhân viên thường phục lại đi dính líu vào vụ bạo hành quấy phá các tu sĩ và xô đẩy trục xuất các vị này ra khỏi tu viện? Không cần phải ngạc nhiên, Dược không trả lời được.”

Bản công điện kết luận là tu sinh Làng Mai cuối cùng đã đành phải phân tán. Công điện nói sự cư xử kém cỏi của nhà cầm quyền, đàn áp người tu hành bằng côn đồ làm xấu thêm thành tích nhân quyền của nhà nước Việt Nam.

Bản công điện cuối cùng đề ngày 15 tháng 1, 2010 của tòa đại sứ tổng kết vụ đàn áp tu viện Bát Nhã. Kết luận của bản công điện này là nhà cầm quyền Hà Nội bị thiệt hại uy tín vì vụ đàn áp tu viện Bát Nhã.

Điều đáng để ý là tỉnh hội Phật Giáo Lâm Đồng cũng như Phật tử địa phương muốn giúp đỡ tăng sinh Bát Nhã nhưng lại bị nhà câm quyền áp lực cấm giúp. Theo lời một nhà sư trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tại Lâm Đồng, tỉnh hội này “đã gửi thỉnh nguyện thư lên chính phủ, Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Trung Ương Giáo Hội (Phật Giáo Việt Nam), cũng như các cấp thẩm quyền trong tỉnh Lâm Đồng vào ngày 18 tháng 12, yêu cầu những ai quấy nhiễu, bạo hành các tăng ni sinh Làng Mai ở chùa Phước Huệ vào những ngày 10, 11 và 14 tháng 12 phải bị trừng trị”.

Vị thượng tọa này nói nhiều tăng sĩ ở Lâm Đồng có thể bỏ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (do nhà nước điều hành) nếu thỉnh nguyện thư bị làm ngơ.

Liên lạc tác giả: NamPhuong@nguoi-viet.com / http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=137363&z=321

1 comment: