Sự xung đột giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản là một trong những yếu tố của cái nhịp điệu tập trung và phân tán tài sản chúng tôi đã nói trong chương trên (Kinh Tế Và Lịch Sử). Hiển nhiên là giới tư bản đã đóng góp một vai trò kiến tạo trong lịch sử; họ đã gom góp số tiền dành dụm của nhiều người để gây nên một số vốn sinh lợi, bằng cách hứa chia lời cho mỗi người; họ đã xuất vốn để cơ giới hóa kĩ nghệ, canh nông, hợp lí hóa cách thức phân phối sản vật; hậu quả của tất cả hoạt động đó là cả cái khối trao đổi sản phẩm giữa người sản xuất và người tiêu thụ tăng vụt lên, lớn lao chưa từng thấy.
Chế độ tư bản đã lợi dụng nguyên tắc kinh tế tự do, chủ trương rằng các nhà kinh doanh mà không bị những thuế chuyên chở, những luật lệ hành chánh đè bẹp thì có thể tặng cho dân chúng nhiều thực phẩm hơn, nhiều tiện nghi trong nhà hơn, nhiều thì giờ nhàn hạ hơn các xí nghiệp do các chính trị gia dùng công chức để điều khiển, hầu mong thoát khỏi sự chi phối của sự cung cầu. Trong sự tự do kinh doanh, tinh thần ganh đua và lòng ham tư hữu thúc đẩy người ta làm việc bằng tay chân và bằng trí óc; gần hết các thiên tư về kinh tế, không sớm thì muộn cũng sẽ được dùng và được thưởng công, vì có sự di động các người tài giỏi, có sự đào thải tự nhiên các tài năng; vả lại khi mà các sản phẩm và các dịch vụ được cung cấp tùy theo nhu cầu của dân chúng, chứ không tùy theo một sắc lệnh của chính phủ thì sự diễn tiến của kinh tế mới có thể nói là dân chủ từ căn bản được.
Tất cả những lí lẽ kể trên chứa một phần chân lí, nhưng không giảng được tại sao trong lịch sử lại có nhiều cuộc phản kháng, nổi loạn để chống những sự quá lạm của sự áp chế trong kĩ nghệ, sự gian trá về giá cả, thuật trốn tránh luật pháp của bọn kinh doanh và tinh thần vô trách nhiệm của bọn phú gia. Những quá lạm đó chắc đã xảy ra từ thời thượng cổ rất xa xăm vì chúng ta thấy những thí nghiệm chế độ xã hội xuất hiện trong mấy chục quốc gia và mấy chục thế kỉ. Ở Sumer (1) vào khoảng 2100 trước T.L..
"Kinh tế được quốc gia tổ chức; phần lớn các đất cấy cầy được đều thuộc về hoàng gia; nông dân gặt hái xong chở lúa lại kho lẫm của hoàng gia và được chia cho một phần. Ðể quản trị kinh tế thuộc về quốc quyền đó, người ta đã tạo một tổ chức quan lại rất nhiều đẳng cấp, nhiệm vụ là ghi rõ tất cả những vật đem vô kho và những vật phát từ kho ra. Người sau đã tìm được ở Ur, kinh đô Sumer, ở Lagash và Umma cả chục ngàn tấm bảng bằng đất sét ghi những xuất nhập đó... Ngoại thương cũng vậy, do hành chính trung ương điều khiển (2)"
Ở Babylon, bộ luật Hammourabi (3) (khoảng 1750 trước T.L.) qui định số lương của các người chăn cừu, của các thợ thủ công và cả số tiền mà y sĩ được lãnh mỗi lần mổ xẻ .
Ở Ai Cập dưới các triều đại Ptolémée (323-30 trước T.L.), quốc gia làm chủ đất đai và điều khiển canh nông, chính quyền cho biết người dân nào phải cầy khu ruộng nào, gieo thứ hạt giống nào, tới khi gặt, các thư kí của chính quyền lại xem xét, ghi vào sổ, thóc lúa được sàng sẩy trên các sân đạp lúa của hoàng gia, rồi do nông dân đứng nối nhau thành hàng chuyền tay nhau đưa vô kho lẫm của nhà vua. Mỏ, quặng cũng thuộc về chính quyền. Chính quyền quốc hữu hóa sự sản xuất và bán dầu, muối, sợi vải, giấy làm bằng vỏ cây papyrus. Tất cả thương mại đều do quốc gia kiểm soát, qui định; ngay cả phần lớn sự bán lẻ cũng ở trong tay các nhân viên bán lại sản phẩm của nhà nước. Ngân hàng cũng vậy, thuộc về độc quyền của chính phủ, nhưng chính phủ có thể giao cho các hội tư nhân làm đại lí. Có nhiều thứ thuế, thuế thân, thuế kĩ nghệ, thuế đánh vào sản phẩm, thuế buôn bán, thuế xử án, thuế dùng các tài liệu hợp pháp. Muốn lưu lại vết tích của tất cả các giao dịch, lợi tức có thể đánh thuế được, chính quyền phải dùng một đạo quân thư kí một hệ thống kiểm tra người và tài sản rất phức tạp. Nhờ chế độ đó, Ai Cập dưới các triều đại Ptolémée thành quốc gia giàu nhất đương thời, thực hiện được những công tác lớn lao, cải thiện canh nông và dùng một phần lớn số lời để xây những kiến trúc lộng lẫy trong khắp nước, xuất tiền cho các hoạt động văn hóa. Vào khoảng 290 trước T.L., họ xây cất bảo tàng viện và thư viện nổi danh ở Alexandrie. Khoa học và văn học được tôn trọng, chính trong thời đại ấy, không rõ vào năm nào, họ đã dịch những thiên đầu trong bản Hi Lạp của Cựu Ước, gọi là bản của Bảy mươi hai dịch giả Do Thái (Steptante). Nhưng chẳng bao lâu các vua Ai Cập gây những chiến tranh tốn kém tai hại, đam mê rượu chè, săn bắn, phó thác các việc kinh tế và cai trị cho một bọn cướp ngày, chúng tha hồ vơ vét của bần dân tới sạch sành sanh. Từ triều vua trước đến triều vua sau, sự lạm thu cứ tăng lên, mà các cuộc đình công cũng mỗi ngày một nhiều, một dữ dội. Tại kinh đô Alexandrie, người ta phát tiền, tổ chức các cuộc diễn nghệ để vỗ về bọn dân đen, nhưng dân bị vô số công an, cảnh sát coi chừng kĩ, không được dự vào việc nước và rốt cuộc thành một khối bạo động chống chính quyền. Canh nông và kĩ nghệ không thịnh nữa vì dân không làm việc, luân lí suy đồi, và tới khi Octave qua tròng cái ách La Mã vào cổ dân chúng Ai Cập (30 trước T.L.) lúc đo trật tự mới được tái lập.
Dưới thời hoàng đế Diolétien, La Mã cũng đã theo một chế độ xã hội. Ở trong nước thì dân chúng nổi loạn vì mỗi ngày một nghèo thêm, ở ngoài thì các rợ lăm le xâm chiếm, Hoàng Ðế Diolétien ở giữa hai nguy cơ đó, ban bố năm 301 sau T.L., một sắc lệnh gọi là Edictum De Prettis cấm các nhà buôn có độc quyền không được rút hàng về để tăng giá, qui định giá tối cao cho mỗi món hàng và tiền công tối cao cho mỗi công việc quan trọng. Ông phát động nhiều công tác xấy cất lớn lao để cho bọn thất nghiệp có việc làm, phát chẩn thức ăn cho người nghèo, hoặc bán rẻ cho họ. Chính phủ lúc đó đã làm chủ hầu hết các mỏ (kim thuộc, đá) và các kho muối; từ nay Diolétien kiểm soát hầu hết các kĩ nghệ và công nghệ lớn. Paul Louis trong cuốn Le Travai Dans Le Monde Romain (Sự Lao Ðộng Trong Thế Giới La Mã) bảo: "Trong hết thảy các thành thị lớn, quốc gia thành một cố chủ (4) rất mạnh... mạnh hơn các nhà kinh doanh tư, mà hạng này lại còn bị đánh thuế nặng." Dĩ nhiên, các nhà kinh doanh tiên đoán thế nào quốc gia cũng sẽ phá sản; Dioclétien đáp rằng các rợ đương dòm ngó ở cửa ngõ Ðế quốc thì phải tạm thời từ bỏ tự do cá nhân đi, cho tới khi tự do quốc gia được vững vàng đã. Chế độ xã hội của Dioclétien là một chính sách kinh tế chiến tranh chỉ có thể áp dụng được khi dân chúng sợ bị ngoại xâm. Bao giờ cũng vậy, nỗi nguy bị xâm lăng càng lớn thì sự tự do trong nước càng giảm đi.
Việc kiểm soát kinh tế tỉ mỉ tỏ ra quá nặng nề đối với tổ chức hành chánh vốn đã quá lớn lao, tốn kém, và tham nhũng của Diolétien. Ðể duy trì các cơ quan hành chánh (quân đội, tòa án, công tác, phát chẩn), phải tăng thuế lên tới nỗi dân La Mã không muốn làm việc, không muốn kiếm tiền nữa; kinh tế băng hoại vì một bên luật sư tìm mọi cách bênh vực thân chủ để họ khỏi đóng thuế, một bên các nhà lập pháp nghĩ ra các đạo luật ngăn chặn các mưu mô trốn thuế đó. Hằng ngàn người La Mã trốn các nhân viên thu thuế, vượt biên giới, qua ẩn náu tại những xứ thuộc về các Rợ . Ðể chấm dứt trình trạng ấy và cho nhân viên kiểm thuế làm việc được dễ dàng, chính phủ ra những sắc lệnh cấm nông dân không được rời ruộng đất, thợ thủ công không được rời cửa hàng nếu chưa đóng xong đủ thuế. Những sắc lệnh ây cùng vài sắc lệnh khác mở đầu cho chế độ nông nô ở thời Trung cổ .
Trung Hoa cũng đã nhiều lần thử áp dụng chế độ xã hội. Tư Mã Thiên (sanh khoảng 145 trước T.L.) bảo rằng vua Hán Vũ Ðế (giữ ngôi từ 140 đến 87 trước T.L.) muốn ngăn tư nhân chiếm tài nguyên của núi, bể mà làm giàu... và muốn bắt dân chúng phải phục tòng triều đình, ra lệnh quốc hữu hóa tài nguyên của đất đai, sự chở chuyên và thương mại, đặt ra thứ thuế đánh vào lợi tức, phát động công việc xây cất, đào kinh nối các con sông với nhau và dẫn nước vào ruộng. Triều đình lập những kho chứa hàng hóa, khi giá hạ thì mua vào, khi giá cao thì bán ra; như vậy, theo Tư Mã Thiên, "những phú thương và các nhà bán lẻ không kiếm lời nhiều được... mà chính phủ bình giá hàng hóa được". Người ta bảo Trung Hoa nhờ vậy thịnh vượng hơn bao giờ hết trong một thời gian. Nhưng khi Vũ Ðế băng, vì "mệng trời" và lòng hiểm ác của con người mà thí nghiệm đó phải bỏ . Trong nước hết lụt thì đến hạn hán, đói kém thê thảm và giá cả tăng vọt lên. Các nhà làm ăn buôn bán cho rằng những số thuế họ phải đóng chỉ để nuôi bọn ở không và bất tài. Kiệt lực vì vật giá leo thang, người nghèo đồng thanh kêu ca, và cũng như người giàu, đòi phục hồi chính sách kinh tế cũ; có người đòi luộc sống kẻ nào đã bày đặt ra chính sách kinh tế mới nữa. Thế là các cải cách lần lượt bị bãi bỏ, và khi dân chúng gần quên hẳn rồi thì một ông vua hiền triết lại đem ra thực hành.
Vương Mãng (làm vua từ 9 đến 23 sau T.L.) là một hoc. giả, bảo trợ văn nghệ, một đại phú gia thường giúp đỡ bạn bè và người nghèọ Khi tiếm được ngôi rồi (5), ông trọng dụng các văn nhân thi sĩ, triết gia và các người giỏi về khoa học. Ông quốc hữu hóa đất đai (6), phân phát đều cho nông dân (7), chấm dứt chế độ nô tì. Cũng như Vũ đế, ông rán kiểm soát giá cả bằng cách trữ hàng hóa để bán ra hợp lúc. Ông cho các tư nhân kinh doanh vay tiền với lãi nhẹ . Những biện pháp ấy làm thiệt hại một số người cho vay nặng lãi, họ liên kết nhau để lật đổ ông đúng vào lúc trong nước bị nạn lụt rồi hạn hán, mà lại bị ngoại nhân xâm lăng (8). Một nhà giàu có, họ Lưu (9) cầm đầu cuộc nổi loạn, giết Vương Mãng và hủy bỏ chế độ của Vương. Mọi việc lại trở lại như cũ.
Một ngàn năm sau, Vương An Thạch là tể tướng từ 1068 đến 1085 (đời Tống) lại rán quốc hữu hóa hoàn toàn nền kinh tế Trung Hoa. Ông cho rằng chỉ quốc gia mới được tổ chức thương mại, kĩ nghệ, canh nông để cho bọn giàu có khỏi bóc lột bọn người nghèo (10). Ông khuyến khích sự khẩn hoang, phát trước cho nông dân lúa giống và nhiều vật khác nữa, rồi nhiều công tác lớn lao để giảm bớt nạn lụt và nạn thất nghiệp. Trong mỗi quận, huyện có một nha kiểm soát giá cả và tiền công. Thương mại bị quốc hữu hóa. Người già cả, người thất nghiệp và người nghèo được trợ cấp. Ông tổ chức lại giáo dục và chế độ khoa cử để tuyển quan lại; một sử gia Trung Hoa (11) bảo: "học sinh không học làm thi phú nữa mà học sử, địa, kinh tế".
Thí nghiệm đó bị tấn công ở ba mặt. Trước hết là mă;t thuế má quá cao: triều đình phải dùng thêm nhiều quan lại nên phải tăng thuế để trả lương cho họ . Rồi về mặt trưng binh, mỗi nhà một người (12) vì triều đình cần có một đạo quân đông để chống các rợ (13) xâm lăng. Sau cùng, bị tấn công vì nạn tham nhũng của quan lại; như mọi nước khác, Trung Hoa phải chịu sự cướp bóc của tư nhân hoặc sự cướp bóc chính thức của chính quyền. Phe thủ cựu do một người em của Vương An Thạch (14) cầm đầu, cho rằng con người vốn tham nhũng và bất tài, triều đình không thể điều khiển lấy việc kinh doanh được; chế độ kinh tế hữu hiệu nhất là chế độ tự do "kinh doanh", không can thiệp vào công việc làm ăn của dân, như vậy mới hợp với bản năng tự nhiên của con ngườị Bọn phú gia bất bình vì phải đóng thuế quá nặng, và vì triều đình nắm độc quyền thương mại, họ tung tiền gây ra một cuộc vận động bôi nhọ tân chế độ, không cho nó thi hành được, rồi diệt nó. Cuộc vận động ấy tổ chức rất hoàn hảo, luôn luôn gây áp lực với nhà vua. Khi xảy ra những nạn hạn hán và lụt, tiếp theo là sao chổi xuất hiện làm cho mọi người hoảng sợ, thiên tử (15) đành phải bãi chức Vương An Thạch, hủy bỏ các đạo dụ và kêu cựu đảng trở lại cầm quyền.
Cho tới ngày nay, chế độ xã hội tồn tại lâu nhất là chế độ do các vua chúa dân tộc Icas thành lập ở thế kỉ XIII, không rõ từ năm nào, tại miền ngày nay chúng ta gọi là Pérou. Các vua chúa Incas tin rằng Thần Mặt Trời trao quyền cho họ để trị dân; họ tổ chức và điều khiển hoàn toàn nông nghiệp, tiểu công nghệ và thương mại. Chính quyền làm kế toán tinh xác về nguyên liệu, dân chúng và lợi. tức; xây cất những đường sá rất hoàn hảo, dùng một hạng phu trạm chuyên môn mà tạo được một hệ thống giao thông cần thiết cho một chế độ cai trị tinh mật như vậy trong toàn cõi. Người dân nào cũng là một công chức của quốc gia và có vẻ thỏa mãn về chế độ đó vì được quốc gia bảo đảm cho an toàn, khỏi lo đói rét. Chế độ tồn tại mãi tới khi Pizarro [người Y Pha Nho (Spainish)] xâm chiếm Pérou năm 1633 (16) .
Công chức phân phát ruộng đất, hạt giống, nông cụ hoặc các nguyên liệu cho mỗi người dân để họ trồng trọt hoặc chế tạo các đồ dùng. Gặt hái hoặc chế tạo được bao nhiêu, họ chở tới chất trong các kho, lẫm của chính phủ xây cất thành hàng hai bên các đường lộ lớn hoặc ở chung quanh các thị trấn. Những người coi kho, lẫm cũng là công chức, lo việc kế toán xuất nhập. Trong những kho, lẫm ấy luôn luôn tích trữ đủ thực phẩm cho toàn quốc trong mấy năm.
Theo nguyên tắc, nhà vua làm chủ tất cả những của cải ấy, muốn sử dụng ra sao tùy ý. Mỗi gia đình được phân phát cho đủ thức ăn, quần áo và đồ dùng, thuốc men khi đau ốm. Tỉnh nào bị thiên tai thì được tỉnh khác viện trợ; miền nào có những công tác lớn lao thì người miền khác lại giúp. Tóm lại là kinh tế trong nước hoàn toàn kế hoạch hóa. Ðược vậy là nhờ một tổ chức hoàn hảo, những cơ quan thống kê đắc lực, những đường xá rất tốt (tốt hơn La Mã thời cổ), và cách thức truyền tin (bằng phu trạm) rất mau. Trong nước không có người nghèo người giàu, xã hội được quân bình.
Nhưng, như mọi chế độ khác, chế độ đó tuy hoàn toàn hợp lí, cũng có nhiều điểm bất tiện: kỉ luật nghiêm quá, nhà vua dễ chuyên hoành; - phí tổn rất lớn vì phải nuôi rất nhiều công chức: - sản phẩm hư hao, lâu lâu phải đổ đi; - sau cùng, những kho lẫm đo, cách phân phối công việc và sản phẩm đó là những trở ngại lớn lao khi bị người Y Pha Nho xâm lăng.
Một điều lạ lùng là dân tộc ấy không có chữ viết, chỉ dùng lối "kết thằng" (thắt nút) để ghi nhớ mà tổ chức được một nền kinh tế kế hoạch hóa, những cơ quan kế toán, thống kê tinh vi như vậy.
Pérou ở bờ biển phía tây, thì ở bờ biển phía đông Nam Mĩ, trên bờ sông Uruguay, vào khoảng 1620-1750, một trăm năm mươi thầy tu dòng Tên (Jésuite) cũng thành lập một cộng đồng theo chủ nghĩa xã hội gồm 200,000 người Da Ðỏ . Những nhà cai trị tu hành ấy tổ chức tất cả đời sống kinh tế, nông nghiệp, kĩ nghệ, thương mại. Họ cho phép mỗi thiếu niên được lựa một nghề trong số những nghề họ dạy, nhưng bắt buộc người khỏe mạnh nào cũng phải làm việc tám giờ một ngày. Họ tổ chức các trò tiêu khiển (thể thao, vũ hát, thành lập cả những nhạc đội tấu nhạc Âu châu. Họ vừa là nhà giáo, y sĩ, vừa là thẩm phán; hình luật của họ không có tử hình. Về mọi phương diện, thổ dân đều thỏa mãn, cho nên tỏ ra rất nhu thuận. Khi cộng đồng bị tấn công, thổ dân chống cự rất hăng và rất giỏi, khiến kẻ xâm lăng (Y Pha Nho) phải ngạc nhiên. Năm 1750, Bồ Ðào Nha nhường cho Y Pha Nho những đất đai gồm bảy khu thực dân của dòng Tên. Người ta đồn rằng đất ở khu ấy có mỏ vàng; hay tin đó, bọn thực dân Y Pha Nho ở Mĩ muốn chiếm lấy liền; chính quyền Bồ Ðào Nha do Pombal (1699-1782) làm tể tướng - ông này xung đột với dòng Tên thời đó - ra lệnh cho các thầy tu và thổ dân phải rời ngay những đồn điền ấy; thổ dân chống cự lại không nổi và thí nghiệm đó chấm dứt.
Ở Ðức, sau thời Cải Cách tôn giáo, xảy ra một cuộc cách mạng xã hội, và nhiều thủ lãnh phong trào tung ra những khẩu hiệu công sản phỏng theo Thánh Kinh. Một nhà truyền giáo tên là Thomas Munzer (?-1525) hô hào dân chúng lật đổ các vua chúa, giai cấp tăng lữ và giai cấp tư bản mà thành lập một "xã hội hoàn hảo hơn", trong đó mọi tài sản là của chung (17). Ông ta tuyển mộ một đạo quân nông dân, thuyết pháp cho họ nghe về chế độ cộng sản thời Sưõ đồ Ki Tô, làm cho lòng họ bừng bừng lên rồi đưa họ ra mặt trận, chỉ huy họ . Họ đại bại: năm ngàn người bị giết, và Munzer bị chặt đầu (1525). Hans Nut thích tư tưởng của Munzer, tổ chức ở Austerlitz một cộng đồng "anabaptiste" (từ 1530 đến khoảng 1622). Jean de Leyde cầm đầu một nhóm anabaptiste, cầm quyền ở Munster, kinh đô xứ Westphalie, thi hành một chế độ cộng sản trong mười bốn tháng (1534-35).
Thế kỉ XVII, một nhóm "san bằng" (19) trong đạo quân của Cromwell (20) yêu cầu Cormwell thành lập ở Anh một xã hội lí tưởng thuộc loại cộng sản.
Phong trào xã hội dịu xuống trong thời Phục Hưng rồi lại tái hiện khi cuộc cách mạng kĩ nghệ làm cho dân chúng thấy sự tham lam tàn nhẫn của giai cấp tư bản đương lên: đàn bà và trẻ con phải làm việc mười mấy giờ một ngày, tiền công quá thấp, xưởng và những túp lều lụp xụp của họ là những ổ bệnh tật. Karl Marx và Friedrich Engels thảo cho phong trào một hiến chương, tức bản Tuyên Ngôn Của Ðảng Cộng Sản năm 1847, và một bộ Thánh Kinh, tức bộ Tư Bản Luận (1867-1895). Hai nhà đó nghĩ rằng chế độ xã hội sẽ thực hiện trước hết ở Anh vì nước đó là nước kĩ nghệ phát triển nhất; tổ chức kĩ nghệ ở đó tập trung quá rồi thế nào cũng gây ra phong trào quốc hữu hóa. Họ không được sống thêm ít chục năm để ngạc nhiên thấy rằng chế độ Cộng sản bắt đầu ở Nga chứ không phải ở Anh.
Tại sao chế độ xã hội hiện đại lại bắt đầu ở chính trong cái xứ mà chế độ tư bản gần như chưa có ấy, trong cái xứ thiếu hẳn những nghiệp đoàn mạnh mẽ bắc cầu cho hai chế độ tư bản và xã hội ấy? Ðành rằng là nông dân Nga thời ấy chịu mấy thế kỉ không khổ, và đã có mấy thế hệ trí thức Nga nổi loạn để mở đường, nhưng nông dân Nga đã được giải thoát khỏi tình trạng nô lệ từ năm 1861, còn các nhà trí thức thì có khuynh hướng vô chính phủ - trái hẳn với chế độ Quốc quyền. Sở dĩ cách mạng 1917 thành công có lẽ là vì chính quyền Nga hoàng đã mất tín nhiệm vì chiến bại mà lại cai trị dở; kinh tế Nga chìm đắm trong cảnh hỗn loạn, nông dân ở mặt trận về mang theo khí giới về, mà chính quyền Ðức lại cho Lénine và Trotsky mọi phương tiện cần thiết để trốn ra ngoại quốc, không bị ngăn cản, bắt bớ gì cả . Cuộc cách mạng đã có tính cách cộng sản vì tân quốc gia phải đương đầu với nội loạn và ngoại xâm. Dân tộc Nga đã phản ứng như mọi dân tộc khác trong tình trạng bị bao vây, nghĩa là tạm từ bỏ tự do cá nhân trong khi chờ đợi trật tự và an toàn được tái lập. Ở đó cũng vậy, chế độ cộng sản là một chế độ kinh tế thời chiến. Nó tồn tại được có lẽ nhờ dân chúng sợ nguy cơ chiến tranh, nỗi lo sợ đó hiện nay vẫn còn ở Nga; nhưng chỉ sau một thế hệ hòa bình là chắc chắn chế độ cộng sản sẽ bị bản tính con người làm cho suy sụp dần dần. (Minh Duc: Will Durant viết sách này năm 1968, thời mà Liên Xô còn giúp miền Bắc vũ khí để bành trướng ảnh hưởng cho thế giới cộng sản. Những thế hệ đòi hỏi dân chủ tại Nga vào cuối những năm 80 là thế hệ không tham gia Ðệ Nhị Thế chiến. Tác giả đã tiên đoán đúng).
Hiện nay (1968) các người Nga theo chủ nghĩa xã hội lại đánh vào lòng ham tư lợi của con người để chế độ sản xuất được nhiều hơn, và cũng vì dân chúng đòi hỏi nhiều tự do thể chất và tinh thần hơn. Ngược lại, chế độ tư bản lại hạn chế tư sản cá nhân: luật pháp đã có một nửa tính cách chế độ xã hội rồi, mà tài nguyên thì do "Quốc gia phù trì" (21) phân phối lại rồi (Minh Duc: thí dụ chế độ trợ cấp xã hội, lấy tiền thuế của những người có việc làm để trợ cấp cho những người không có công ăn việc làm). Marx nhận là môn đệ của Hégel mà đã phản Hégel: theo ông ta, biện chứng pháp (22) của Hégel có nghĩa là chế độ tư bản và chế độ xã hội tranh đấu nhau thì rốt cuộc chế độ xã hội sẽ toàn thắng; nhưng nếu chúng ta áp dụng thuyết Hégel (chính, phản, hợp) như vầy: cuộc cách mạng kĩ nghệ là chính đề; sự xung đột giữa chế độ tư bản và chế độ xã hội là phản đề, thì rốt cuộc phải đi tới sự tổng hợp của chế độ tư bản và chế độ xã hội; vả lại hiện nay rõ ràng là Tây phương đương tiến tới sự hòa giải giữa hai chế độ trái nhau ấy. Từ năm này qua năm khác, các chính quyền Tây phương càng ngày càng xen vào đời sống kinh tế của dân, và chức vụ giao phó cho khu vực kinh doanh của tư nhân bị gậm nhấm thêm mỗi ngày một chút. Trong số các yếu tố cổ truyền, chế độ tư bản còn giữ lại nguyên tắc tư sản, nó là một kích thích tố, nguyên tắc tự do kinh doanh và nguyên tắc ganh đua; nó lại tặng chúng ta nhiều sản phẩm cùng loại mà khác nhau để ta lựa chọn. Ðồng thời nhờ chính sách thuế khóa đánh nặng và giai cấp giàu có, chính quyền có đủ tiền giúp cho một dân số đã biết tự hạn chế sinh sản được hưởng nhiều dịch vụ hơn bao giờ hết về giáo dục, y tế, tiêu khiển. Vì sợ chế độ tư bản mà chế độ xã hội phải trả cho dân chúng một chút tự do; vì sợ chế độ xã hội mà chế độ tư bản đã bắt buộc phải giảm bớt sự bất bình đẳng giữa các giai cấp. Phương Ðông (cộng sản) đã giống phương Tây (tư bản), phương Tây đã giống phương Ðông, và chẳng bao lâu hai chế độ sẽ gặp nhau ở giữa đường.
Chú thích của Nguyễn Hiến Lê:
(1) Miền Nam xứ Irak ngày nay, trên hạ lưu hai con sông Tigre và Euphrate.
(2) Trích trong bộ Encyclopedia Britanica cuốn II, 962b, (chú thích của Durant).
(4) Cố chủ: chủ mướn người làm công
(5) Vương Mãng làm chức tể hành (như tể tướng, tương đương thủ tướng thời nay), giết vua Bình Ðế nhà Hán, lập Nhụ tử Anh (Nhụ tử nghĩa là em bé) mới hai tuổi làm vua, rồi phế Anh, tự xưng Hoàng Ðế, lấy quốc hiệu là Tân, giữ ngôi được 14 năm (9-23 sau T.L.)
(6) Gọi là vương điền, ruộng của vua.
(7) Phân phát đất đều cho nông dân: tức chính sách tỉnh điền.
(8) Ngoại nhân: tức các rợ Hung nô, Man di, các nước Cao li và Tây Vực.
(9) Nhà giàu có họ Lưu: Chính ra là các tôn thất nhà Hán; hai anh em Lưu Diễn và Lưu Tú khởi binh, tôn Lưu Huyền (cháu sáu đời vua Cảnh Ðế) làm Hán Ðế.
(10) Cho dân vay nhẹ lời: Tức chính sách Thanh miêu: triều đình cho dân vay tiền khi lúa còn xanh, đến ngày mùa thì thu lại với hai phân lời.
(11) Một sử gia Trung Hoa: Durant không chỉ rõ là ai, chỉ nói là theo cuốn Phát Minh Nghề In Ở Trung Hoa của Carter.
(12) Về mặt trưng binh, mỗi nhà một người: Durant muốn nói tới chính sách Bảo Giáp: dùng dân thay lính để bảo vệ địa phương.
(13) Chống các rợ xâm lăng: Tức rợ Liêu và Tây Hạ .
(14) Em Vương An Thạch: Tức "cựu đảng" (tân đảng là đảng của Vương). Hai người em của Vương An Thạch là Vương An Lễ à Vương An Quốc. Cầm đầu cựu đảng là Tư Mã Quang, Âu Dương Tu (coi cuốn Tô Ðông Pha của Nguyễn Hiến Lê, 1971).
(15) Thiên tử: Vua Tống Thần Tôn, năm 1076. Sau đó vua Triết Tôn lại dùng tân pháp một thời gian nữa (1093-1101) đến đời vua Huy Tôn (1101) mới bỏ hẳn.
(16) Theo Louis Baudin trong cuốn Ðời Sống Hằng Ngày Ở Các Thời Incas Cuối Cùng (Hachette 1955) thì hồi đó, đầu thế kỉ XVI, xứ Incas gồm khoảng 15 triệu dân, và người Y Pha Nho rất ngạc nhiên về sự tổ chức rất hợp lí của chế độ Quốc quyền (Etatisme), quốc sản (capital d'Etat) của họ .
(17) Thomas Munzer: Trong cuốn Cộng Sản Ở Trung Âu Thời Cải Cách Tôn Giáo của Kautsky (chú thích của Durant)
(18) Anabaptiste: một giáo phái Ki Tô chủ trương rằng tín đồ phải làm tẩy lễ hai lần mới đủ .
(19) Nhóm "san bằng" Leveller: trỏ hạng người chủ trương làm cách mạng để "san bằng" xã hội, nghĩa là phá bỏ hết các giai cấp, mọi người bình đẳng như nhau.
(20) Cromwell (1599-1653) là một nhà cách mạng Anh, giỏi cầm quân, thắng đảng bảo hoàng Anh, thanh trừng quốc hội, thành lập một tòa án xử vua Charles I, lên cầm quyền nhưng không xưng vương mà chỉ xưng Nhiếp chính Ðại thần, khéo trị dân.
(21) Quốc gia phù trì: Nghĩa là Quốc gia che chở cho dân, nhưng bắt dân phải theo lệnh của mình, như theo ý Trời.
(22) Biện chứng pháp: Dialectique: Chúng ta quen dịch như vậy, nhưng dịch là luận biện pháp hoặc dịch hóa pháp thì có phần đúng hơn.
Lời bàn của Minh Ðức:
Không biết tác giả cuốn sách trên căn cứ vào đâu để mô tả cảnh xã hội Incas làm cho dân hài lòng như vậy vì dân Incas không có chữ viết. Nếu chỉ căn cứ vào cách sắp xếp dinh thư, kho lẫm, nhà cửa, đường xá thì có thể đoán được phương thức sản xuất, cai trị. Vì tác giả không sống trong cái xã hội đó nên nói rằng mọi thứ đều toàn hảo có lẽ là điều tác giả nghĩ mà thôi vì nếu có những điều bất tiện, những biến cố mà không ghi lại dấu vết, lại không có sách để lại thì khi cái xã hội đó bị tiêu diệt thì người sau không có cách gì biết được. Còn về việc trong xã hội quân bình không có kẻ nghèo người giàu thì có lẽ sự bình đẳng đó là giữa người dân thường với nhau. Còn những viên chức làm việc cho nhà vua nắm quyền phân phối của cải cho dân thì họ thuộc vào một đẳng cấp khác, có những quyền hạn khác. Nói chung cách mô tả của Louis Baudin phản ảnh cách suy nghĩ của một số nhà trí thức Tây phương vào những năm 40, 50. Họ mơ tưởng một xã hội bình đẳng, một xã hội toàn hảo mà quên mất con người vốn bất thiện toàn đầy những tự tư tự lợi, ích kỷ, ham quyền thế, lợi lộc. Những xã hội toàn hảo xây dựng trên sự giả định là con người toàn hảo đưa đến sự thất bại trên thực tế vì con người có thể bị hư hỏng vì quyền hành, lợi lộc. Sự dấy lên của phong trào cộng sản tại Ðông Âu vào những năm 40, 50 và suy tàn vào cuối những năm 80 là điều tác giả cuốn sách chưa được chứng kiến.
Vào thập niên 1980, với y học phát triển, những nhà khảo cổ có kiến thức về y khoa khi xem xét những bộ xương của người Incas đều thấy chúng nhỏ hơn người bình thường. Ðó là dấu vết của sự kém phát triển do thiếu dinh dưỡng. Do đó mà có người đưa ra giả thuyết là có thể vì nhà vua nắm quyền phân phát lương thực nên khi chính quyền phát cho dân ít quá gây nên sự thiếu dinh dưỡng đồng loạt như vậy. Trong khi đó có sử gia khác chép rằng vào lúc người Tây Ban Nha xâm chiếm Nam Mỹ thì Inca là một đế quốc đang bành trướng về phía Nam bằng cách xâm lăng các nước khác. Ðem ráp lại các dữ kiện đó, chúng ta thấy hình ảnh Inca là một quốc gia tổ chức theo lối nhà nước nắm hết ruộng đất. Chính quyền phân phát cho dân tiêu chuẩn lương thực thiếu thốn, khiến cho dân thiếu dinh dưỡng trở thành thấp bé, trong khi đó thì chính quyền giành tài nguyên, nhân vật lực của quốc gia vào việc xâm lăng bành trướng.
Về việc tư bản và cộng sản sẽ gặp nhau mà Will Durant tiên đoán, kể từ sau năm 1989, các chế độ cộng sản ở Ðông Âu bị bãi bỏ do sự tranh đấu và đòi hỏi của người dân tại các xứ này. Hiện nay các đảng Cộng sản Ðông Âu đã bị giải tán. Một số nước Ðông Âu cấm tuyên tuyền Chủ Nghĩa Cộng Sản. Các đảng viên cộng sản cũ thành lập các đảng khác theo đuổi đường lối xã hội như các đảng xã hội ở Tây Âu chứ không theo đuổi đường lối cộng sản như trước. Trong khi đó, một số nước tư bản như Ðức, Ý, Anh, Pháp, Canada có hệ thống phúc lợi được tổ chức khá tốt, cung cấp y tế miễn phí cho dân . Tại Ðức và Canada nhà nước trả tiền cho giáo dục từ bậc tiểu học lên đến bậc đại học. Ðó là những biện pháp xã hội mặc dù các nước này không gọi mình là xã hội và không có một đảng nhân danh xã hội chủ nghĩa đòi được độc quyền cai trị.
No comments:
Post a Comment