Budapest, 1975 |
Mùa hè năm 1990 tôi sang Hungary lần đầu và thấy choáng ngợp trước đường phố đầy hàng hóa, tuyến xe điện ngầm hiện đại ở Budapest.
Đã qua các thành phố xám ngắt của Liên Xô, tới một Ba Lan chỉ có 'dấm, sữa chua và Coca Cola trên quầy' trong cửa hàng, tôi và mấy người bạn sinh viên từ Việt Nam cảm nhận được Hungary 'đúng là tư bản rồi'.
Sau này đọc sách thêm mới biết Hungary từng có 'chủ nghĩa cộng sản goulash', món ăn tinh thần 'nhiều, bổ và rẻ' phù hợp với thực tiễn chính trị Chiến tranh Lạnh.
Mà câu chuyện này phải đưa chúng ta trở về những năm 1960.
Chủ nghĩa cộng sản 'súp thịt'
Gulyáskommunizmus, hay đường lối Kadarism, mang tên TBT Đảng Cộng sản Hungary János Kádár khi đó, là một biến thể của mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa, hình thành tại CHND Hungary sau biến cố 1956.
Để nắm quyền mà không phải trở lại với các biện pháp cực đoan thời Stalin, một số nước Đông Âu được Moscow cho phép thí điểm cơi nới hệ thống.
Mặt khác, thấy sự phản kháng của dân năm 1956 trước quân đội Liên Xô, Đảng Công nhân XHCN Hungary (cộng sản) thấy cần 'tháo van' kiểm soát để kinh tế dễ thở hơn.
Một siêu thị ở Budapest, 1975 |
Hàng chục năm trước Khai phóng ở Trung Quốc và Đổi mới ở Việt Nam, Hungary cho áp dụng vài nét của kinh tế thị trường trong nông nghiệp và buôn bán lẻ.
Được gọi là 'chủ nghĩa cộng sản goulash', theo tên món súp thịt nổi tiếng của người Hungary, đây cũng là sự tạm gác bỏ ý thức hệ.
Janos Kadar hiểu rằng người dân không mặn mà gì với chủ nghĩa cộng sản, nhưng miễn là họ đừng đụng vào chính trị thì nhà nước cũng để yên cho họ làm ăn.
Món súp thịt bò 'goulash' của Hungary |
Trong giáo dục, truyền thông, đảng cầm quyền cũng không bắt toàn xã hội phải ca tụng họ như trước.
Các lãnh đạo, như bản thân ông Kadar, đều né tránh bị mô tả như 'lãnh tụ vĩ đại' - vì dư âm tiêu cực của thời Stalin.
Người dân cũng không phải tích cực ủng hộ cuồng nhiệt chế độ XHCN, mà chỉ cần họ không chống là tốt rồi.
Janos Kadar nói câu nổi tiếng: "Ai không chống chúng ta là bạn của chúng ta."
Đây là cách nhìn thực tiễn và 'chọn mẫu số chung thấp nhất', để xây dựng quan hệ phải chăng giữa đảng cầm quyền và dân.
Nhưng điểm cốt yếu của 'chủ nghĩa cộng sản súp thịt' vẫn là kinh tế.
Leonid Brezhnev, Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Nga và Janos Kadar, Tổng Bí Thư đảng Công Nhân Xã Hội Hungary, Budapest, 1975 |
Ở đây, Kadar đã làm được những điều mà người tương nhiệm Ba Lan, Edward Gierek không làm nổi.
Đầu tiên là về chế độ nửa cộng sản, nửa tư nhân trong quản lý nông nghiệp.
Kadar hiểu nông dân Hungary không thích vào các nông trang tập thể, nên hệ thống tập thể hóa ở nông thôn bị xóa bỏ.
Nhưng ông không thể bỏ nó hẳn, ít ra là về cái tên.
Sau năm 1956, các nông trường nhà nước Hungary mất 2/3 thành viên. Nhiều nông dân tự bỏ và về làm vườn riêng.
Kadar chấp nhận tình trạng đó nhưng mời họ vào hợp tác xã mà cơ chế quản lý thoáng hơn nông trường.
Người ta được thuyết phục là vừa giữ nguyên miếng bánh vừa có thể ăn nó thoải mái. Không ai cần phải lo âu về các khoản nợ, vốn chỉ tăng thêm nhờ lương hưu hào phóng thời cộng sản
Rút cục là nông dân Hungary, cho đến những năm 1957-59, làm ăn trong tình trạng 'tự nguyện vào hợp tác' để thực sự là làm ăn riêng.
Họ thuê dài hạn đất đai từ nhà nước, tự chăm lo các đàn gia súc, và bán sản phẩm ra chợ hoặc bán lại cho chính quyền.
Nhà nước cũng trợ cấp nhiều về vốn và công nghệ cho các hợp tác xã.
Điều thần kỳ đã xảy ra: đến năm 1962, gần 95% đất nông nghiệp thuộc về nông trường hoặc hợp tác xã - đạt tiêu chuẩn ý thức hệ cộng sản mà Liên Xô yêu cầu.
Trong cả khối Đông Âu theo kinh tế kế hoạch hóa có mỗi Hungary đạt mục tiêu sản xuất lương thực vượt mức kế hoạch.
Budapest, 1975 |
Sang thập niên 1960, Kadar xin phép Khrushchev cho 'giải thể nốt di sản Stalin'.
Liên Xô đồng ý rút cố vấn ngồi đầy trong các bộ ngành của Hungary từ 1956 về nước.
Sang giai đoạn 1961-62, Hungary còn không coi thẻ đảng viên cộng sản là 'bùa chú': chuyên gia ngoài đảng viên vẫn có thể giữ chức trong bộ máy.
Cùng lúc, để chứng tỏ ông rất 'vì dân', Kadar loại khỏi Đảng những kẻ cơ hội, cầm thẻ đảng để có chức quyền, lợi ích.
Siêu thị ở Budapest, 1975 |
Kadar đã đi trước Đặng Tiểu Bình nhiều năm về chính sách thực tiễn.
Còn Việt Nam phải gần đây mới dám mời chuyên viên có mác ngoại, không đảng viên cộng sản vào Ban tư vấn hay Tổ tư vấn cho thủ tướng.
Những thứ đó, Kadar đã làm từ năm 1962.
So với quốc gia cũng trải qua quá trình tương tự là Ba Lan thì cải cách của Janos Kadar thành công hơn.
Tại Ba Lan, TBT Edward Gierek lên cầm quyền cũng với tinh thần cởi mở, xóa bỏ di sản của thời Stalin và mở cửa trong phạm vi có thể với Phương Tây.
Lễ thượng cờ trước nhà Quốc hội Hungary ở Budapest
Image caption Lễ thượng cờ trước nhà Quốc hội Hungary ở Budapest: Sau năm 1989, Hungary trở lại với các giá trị dân tộc
Ba Lan cho các công ty Tây Âu vào đầu tư, cho nhập thuốc lá Mỹ, máy cày Anh và dụng cụ công nghiệp từ Pháp, Đức, bằng chính tiền đi vay.
Khi Gierek lên nắm quyền năm 1970, Ba Lan có khoản nợ nước ngoài vỏn vẹn 1 tỷ USD.
Khi ông rời vị trí năm 1980, Ba Lan đã nợ 20 tỷ USD, và đến 1989, nợ và lãi suất lên 40 tỷ USD, bằng 77 tỷ theo thời giá năm 2011.
Budapest, 1975 |
Mất dần ánh hào quang
Nhưng Hungary cũng mắc nợ Phương Tây dù không nhiều bằng Ba Lan, và đây là vấn đề chung của một nghịch lý trong khối XHCN Đông Âu.
Chính vì không đến từ bầu cử dân chủ, chính quyền Hungary và cả Ba Lan, Tiệp Khắc đều phải làm một lúc hai việc trái ngược nhau:
- Một mặt, họ thỏa thuận ngầm với người dân rằng tính chính danh của Đảng đến từ mức sống ngày càng nâng cao của dân. CHXH không hấp dẫn nếu dân sống nghèo;
- Mặt khác, để kinh tế phát triển, họ phải vay tiền từ Phương Tây và nhập khẩu công nghệ để tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế, vì công nghệ lạc hậu thì không thể nào xuất khẩu hàng hóa có lãi;
Như New York Time viết năm 1983 về Hungary:
"Chính quyền tin rằng để nắm quyền lực, họ phải đem lại cuộc sống tốt hơn, và điều đó cũng có nghĩa là dân chúng chấp nhận im lặng để đổi lấy điều kiện sống ngày càng tiến bộ và cùng lúc Liên Xô chấp nhận con đường ít nhiều độc lập của Hungary cũng để không phải lặp lại sự kiện năm 1956."
20 năm sau, mô thức này lỗi mốt mà Đảng CS vẫn cố kiểm soát tư tưởng để phòng ngừa thách thức có thật hoặc tưởng tượng từ nhiều phía.
Điều này liên tục làm giới trẻ và trí thức không hài lòng.
Sang nửa sau thập niên 1970, chủ nghĩa Kadar từng đem lại mức sống cao cho dân Hungary mất đi ánh hào quang.
Hungary bước vào giai đoạn trì trệ trong thập niên 1980 dù vẫn để lại các hình ảnh rất hào nhoáng mà tôi tận mắt chứng kiến năm 1990.
Ngày nay nhìn lại, như Dan Payne viết trên BBC News, không ít người Hungary tin rằng 'tội ác' to nhất của Janos Kakar là tạo ra một hệ thống không dám nói thật cho người dân về thực chất cuộc chơi nghịch lý của ông.
"Người ta được thuyết phục là vừa giữ nguyên miếng bánh vừa có thể ăn nó thoải mái. Không ai cần phải lo âu về các khoản nợ, vốn chỉ tăng thêm nhờ lương hưu hào phóng thời cộng sản."
Nhưng kinh tế thì không thể tăng trưởng mãi khi mà kỳ vọng không có cơ sở vẫn được bộ máy tuyên truyền nuôi dưỡng.
Budapest, 1975 |
Nhiều tên gọi khác nhau
Mô hình xã hội chủ nghĩa đã có nhiều tên gọi khác nhau.
Tại khu vực do Liên Xô kiểm soát, đó là chủ nghĩa xã hội hiện thực.
Còn ở Tây Âu, sau Mùa Xuân Praha 1968, xu hướng không theo Moscow nữa phát triển, có tên chung là 'Eurocommunism'.
Còn gọi là 'chủ nghĩa cộng sản cải tổ', ý tưởng chính là hợp tác với cả trí thức, doanh nhân chứ không chỉ nhắm vào công nông.
Sau này, nhiều cơ sở của cộng sản châu Âu chấp nhận đấu tranh nghị trường để thành phái dân chủ xã hội (socialdemocrats).
Nhưng chủ nghĩa cộng sản goulash, hay chủ nghĩa cộng sản Trabant (tên chiếc xe của Đông Đức) là những biến thể đặc thù của Đông Âu.
Sau này, thuyết 'Mèo đen mèo trắng' của Đặng Tiểu Bình, thuyết Ba đại diện của Giang Trạch Dân, và cả 'CHXH hài hòa' của Hồ Cẩm Đào cũng không có gì mới.
Các chủ nghĩa thường đến từ một góc nhìn định trước về thế giới nên cũng không lạ nếu các xã hội có ý thức hệ cụ thể luôn phải thỏa hiệp giữa tư tưởng và thực tế.
Câu chuyện của Hungary cho thấy xét cho cùng dù gọi tên gì thì một chủ nghĩa chỉ có sức sống nếu khiến người dân no bụng.
Và no rồi thì người ta lại kỳ vọng những điều cao sang hơn mà đôi khi sự cứng nhắc của hệ thống không thỏa mãn được.
Đó chính là điều vĩ đại và đơn giản của cuộc sống vốn luôn thách thức khuôn mẫu của các mô hình, bất kể tên gọi của chúng là gì.
Trong năm nay, BBC sẽ tiếp tục có các bài nhắc lại giai đoạn chuyển đổi thể chế 30 năm trước tại Đông Âu: 1989-2019. Các bạn đón xem.
Nguyễn Giang
bbcvietnamese.com
https://www.bbc.com/vietnamese/forum-46798642#_=_
Bình Luận:
Cũng cần xem thêm về cuộc nổi dậy của dân Hungary năm 1956 đòi chấm dứt chế độ xã hội chủ nghĩa. Cuộc nổi dậy này đã có ảnh hưởng đến đường lối của đảng Công Nhân Xã Hội Chủ Nghĩa Hungary sau này khiến cho đảng này không thể theo sát đường lối của Liên Xô mà để cho dân được tương đối tự do làm ăn.
Cuộc khởi nghĩa ở Hungarie năm 1956 - Nguyễn Minh Cần
Nhìn vào vị trí của Hungary thì Hungary phía Tây nằm sát nước Áo là nước có văn hóa thuộc về các nước Tây Phương, nhưng phía Đông thì sát Ukraine chịu ảnh hưởng văn hóa của Nga nặng hơn. Khi đó Ukraine đã bị sát nhập vào Liên Xô nên khi dân Hungary nổi dậy chống chế độ cộng sản thì Liên Xô đem quân qua dẹp cuộc nổi dậy và bắt đi theo đường lối của Liên Xô.
Nhưng vì dân Hungary không chịu theo lối xã hội chủ nghĩa của Liên Xô nên người lãnh đạo là Janos Kadar chọn đường lối trung dung là vẫn có hợp tác xã, vẫn gọi là sản xuất tập thể, không cho làm ăn cá thể nhưng trên thực tế thì để dễ dàng cho dân.
Có lẽ vì dân Hungary phần nào cũng có ảnh hưởng của văn hóa Tây phương, cho cá nhân được ít nhiều tự do, nên họ đã chống đối lại đường lối của Liên Xô vốn triệt tiêu tất cả quyền tự do của người dân.
Hungary nằm ở giữa hai nền văn hóa Tây Phương và Nga. Một nền văn hóa cho dân được tự do và một nền văn hóa với chính quyền nắm tất cả, dân có rất ít quyền. Vì thế Hungary là sự pha trộn giữa hai nền văn hóa, không tự do hoàn toàn, nhưng dân cũng không mất toàn bộ quyền tự do.
No comments:
Post a Comment