Nghệ thuật vừa là sáng tác, vừa là tiêu khiển. Hai quan niệm đó tôi cho quan niệm tiêu khiển, tức quan niệm du hí về tinh thần, là quan trọng hơn. Tôi càng quý các tác phẩm bất hủ, dù là họa phẩm, công trình kiến trúc hay nhạc phẩm, tôi càng cho rằng tinh thần nghệ thuật chân chính chỉ có thể phổ biến, thấm nhuần xã hội khi nào có rất nhiều người coi nghệ thuật là một tiêu khiển, chứ không mong tìm cái danh bất hủ trong nghệ thuật.
Một trường trung học đào tạo được vài tay quán quân về môn quần vợt hay đá banh, điều đó đâu có quan trọng bằng tập cho toàn thể học sinh đều biết chơi hai môn đó; một dân tộc thì cũng vậy, sản xuất được một Rodin (Nguyễn Hiến Lê: nhà điêu khắc nổi danh nhất nước Pháp (1840-1917)) đâu có quan trọng bằng dạy dỗ sao cho tất cả các trẻ em và thanh niên trong lúc nhàn rỗi sáng tác được một cái gì để tiêu khiển. Tôi muốn rằng tất cả các trẻ em trong các trường đều tập nặn và tất cả các ông Giám Ðốc Ngân Hàng, tất cả các nhà chuyên môn kinh tế vẽ lấy được tấm thiếp chúc mừng Tân Xuân, dù là vẽ chẳng ra hồn gì cả, cũng còn hơn là trong nước chỉ có vài nghệ sĩ coi nghệ thuật của mình là một cái nghề. Bất kỳ trong khu vực nào tôi cũng thích tinh thần tài tử (amateur: nghiệp dư). Nghe một ông bạn gảy từng tưng một khúc đàn nào đó tôi thích hơn là nghe một ban nhạc chuyên một nổi danh bực nhất. Coi một tài tử (amateur: nghệ sĩ nghiệp dư) đóng trò ta vẫn thích hơn là coi một đào kép chuyên nghiệp; mà cha mẹ nào xem con cái đóng kịch vẫn thú hơn là xem diễn một vở kịch của Shakepeare tại rạp hát. Vì như vậy là tự động mà tinh thần nghệ thuật chân chính phải là tinh thần tự động. Cho nên tôi rất trọng cái quan niệm về môn họa ở Trung Hoa: người ta coi môn đó là một tiêu khiển của các văn nhân chứ không phải là một cái nghề. Muốn cho nghệ thuật khỏi biến thành thương nghiệp thì phải giữ cái tinh thần du hí, tiêu khiển đó.
Ðặc tính của du hí là du hí để du hí chứ không cần có lý do, không nên có lý do khác. Du hí tự nó là mục đích của nó rồị Quan niệm đó được sự thiên diễn của lịch sử chứng minh. Trong sự cạnh tranh để sinh tồn, vạn vật có cần đến cái đẹp đâu mà lại có những cái đẹp có hình thức phá hoại như cặp sừng của hươu nai. Học phái Darwin nhận thấy điều đó nên ngoài luật thiên nhiên tuyển trạch ra đã phải đưa thêm ra luật phụ này nữa là luật thư hùng đào thải (sélection sexuelle). Phải nhận nghệ thuật chỉ là một sự tiêu dùng cái phần thể lực và tâm lực thừa thãi, tiêu dùng một cách tự do, không vị lợi thì mới hiểu được bản tính của nghệ thuật. Ðó là thuyết nghệ thuật vị nghệ thuật; thuyết này bị chỉ trích kịch liệt nhưng xét nguồn gốc tâm lý của mọi sáng tác nghệ thuật thì không thể chối cãi được rằng thuyết đó đúng. Hitler chê nhiều hình thức nghệ thuật hiện nay là bất đạo đức, nhưng tôi cho rằng những kẻ vẽ chân dung Hitler, rồi bày trong Nghệ Thuật Bảo Tàng Viện để làm đẹp lòng vị chúa tể của họ mới là bất đạo đức hơn cả. Họ không phụng sự nghệ thuật mà đánh đĩ với cây cọ. Nghệ thuật mà có tính cách thương mãi thường làm tổn thương tinh thần sách tác, còn nghệ thuật có tính cách chính trị nhất định là giết chết tinh thần đó. Vì không có tự do thì làm gì có sáng tác? Các nhà độc tài hình như không hiểu rằng không thể dùng lưỡi lê mà bắt người ta sản xuất ra nghệ thuật được, cũng như không thể mua thứ ái tình chân thật trong ổ điếm được. Phải có hứng thì mới sáng tác được, mà hứng là cái gì nó phát tự trong thâm tâm và thúc đẩy nghệ sĩ sáng tác, cũng như thúc đẩy nhà khoa học nghiên cứu, nhà thám hiểm đi tìm một hải đảo mới. Hứng lên thì làm, chẳng có lý do gì cả. Nhờ khoa sinh vật học, ta bắt đầu hiểu rằng đời sống tinh thần của ta tùy thuộc sự tăng giảm của các kích thích tố (hormones) nó tác động tới các cơ quan khác và tới bộ thần kinh. Giận dữ hay sợ sệt cũng là do một số lượng nào đó của chất adrénalinẹ Ngay như thiên tài cũng cơ hồ như một số hạch nào đó hoạt động quá mạnh. Một tiểu thuyết gia vô danh của Trung Hoa không biết chút gì về kích thích tố đoán đại rằng những hoạt động đó do những con "trùng" ở trong cơ thể. Thông dâm là do một loại trùng ở trong bụng nó bắt người ta phải thỏa mãn tính dục. Lòng ham danh lợi, quyền thế cũng do những loại trùng khác nó quấy phá ta, không để cho ta yên ổn khi chưa được mãn nguyện. Viết lách cũng do một loại trùng nào đó nữa. So sánh thuyết kích thích tố và thuyết trùng đó thì tôi muốn tin thuyết sau hơn vì nó có vẻ linh động hơn.
Khi bị trùng nó phá thì người ta phải sáng tác cái này, cái nọ, không thể làm khác được. Một đứa trẻ dư sinh lực thì không thể đi như thường mà phải nhảy. Một người dư sinh lực thì phải dậm chân hoặc múa tay. Khiêu vũ chỉ là một cách đi dạo không mục đích, nghĩa là về phương diện ích lợi - chứ không phải là phương diện nghệ thuật - nó chỉ là một sự phí sức. Ðáng lẽ tiến thẳng tơi một điểm nào đó thì người khiêu vũ xoay tròn, và đi vòng vo. Có ai thực tâm muốn làm một nhà ái quốc khi khiêu vũ đâu, và bắt người ta khiêu vũ theo chủ nghĩa này chủ nghĩa nọ là diệt mất tính các du hí, tính cách vô ích đẹp đẽ của môn đó đi. Các nhà Cộng Sản dường như nhận thấy tính cách thiêng liêng của sự làm lụng mà không thấy tính cách thiêng liêng của sự du hý.
Quan niệm nghệ thuật là du hí đó giúp ta hiểu được mối tương quan của nghệ thuật với đạo đức. Nghệ thuật là đẹp, mà có cái đẹp trong hành vi cũng như có cái đẹp trong bức họa, trong một công trình kiến trúc. Nghệ thuật bao trùm mọi hoạt động: một lực sĩ đương chạy cũng có cái vẻ đẹp riêng, đời một người từ nhỏ tới già biết cách sống thích hợp với mỗi tuổi, cũng có một vẻ đẹp riêng; có cái đẹp trong một cuộc tranh cử Tổng Thống khéo tổ chức, điều khiển để lần lần đưa tới thắng lợi, mà trong một nụ cười của các cựu quan liêu Trung Hoa cũng có cái vẻ đẹp. Cho nên không thể chỉ coi âm nhạc, khiêu vũ, hội họa mới là nghệ thuật.
Bây giờ chúng ta xét đến vấn đề nghệ thuật và đạo đức. Tại các nước độc tài người ta lẫn lộn nghệ thuật và tuyên truyền, và nhiều nhà trí thức ngây thơ nhận chủ trương đó. Người ta đã lầm ngay từ bước đầu vì họ không biết chức vụ của cá nhân, mà chỉ biết những đòi hỏi của quốc gia hoặc của đoàn thể. Văn chương và nghệ thuật phải bắt nguồn từ cảm xúc cá nhân, mà bọn người độc tài lại chỉ muốn làm nổi bật cảm xúc của đoàn thể, của quốc gia.
Nghệ thuật chỉ liên quan tới đạo đức khi nào nghệ phẩm là một sự phát biểu cá tánh của nghệ sĩ. Một nghệ sĩ có cá tánh vĩ đại sản xuất được một nghệ thuật vĩ đại, một nghệ sĩ có cá tánh ti tiểu chỉ sản xuất một nghệ thuật ti tiểu; một nghệ sĩ cá tính đa cảm sản xuất một nghệ thuật đa tình; một nghệ sĩ cá tính dật lạc sản xuất một nghệ thuật dật lạc. Liên quan giữa nghệ thuật và đạo đức đại để là như vậy. Ðạo đức không thể là một vật ởngoài mà nghệ sĩ cho thêm vào tác phẩm để thỏa lòng yêu ghét bất thường của một nhà độc tài hoặc tuân theo những quy tắc nay thế này mai thế khác của một ông giám đốc cơ quan tuyên truyền. Ðạo đức phải tự trong lòng nghệ sĩ phát ra, phải là biểu hiện tự nhiên của tâm hồn nhà nghệ sĩ. Một họa sĩ ti tiểu không thể vẽ được một bức họa vĩ đại và một họa sĩ cao thượng không thể sản xuất một bức họa ti tiểu, dù có nguy đến tính mạng cũng không thể khuất thân làm công việc đó được.
Quan niệm "phẩm" của người Trung Hoa là một quan niệm rất hay về nghệ thuật; cũng có khi người ta gọi là "nhân phẩm" hoặc "phẩm cách". Khi họ bảo nghệ sĩ hoặc thi sĩ này là "nhất phẩm" hay "nhị phẩm" là họ có ý phân biệt cao thấp; công việc nếm vị của trà, họ cũng gọi là "phẩm trà". Các hạng người trong mỗi hành động đều biểu hiện cái phẩm của mình ra. Người đánh bài (đổ bác) có "đổ phẩm", nếu xấu tính thì gọi là "đổ phẩm" không tốt; người uống rượu (tửu) mà lúc say sưa có những hành động xấu thì gọi là "tửu phẩm" không tốt; người đánh cờ (kỳ) cũng có "kỳ phẩm" tốt hoặc không tốt. Cuốn sách đầu tiên phê bình thơ của Trung Hoa nhan đề là Thi Phẩm, tác giả cuốn đó là Chung Vinh (đời Nam Bắc Triều) chia thi nhân ra làm nhiều hạng; lại có những cuốn phê bình họa nhan đề là "Họa Phẩm".
Do quan niệm về "phẩm" đó mà nhiều người tin rằng tác phẩm của một nghệ sĩ hay hoặc dở là tùy nhân phẩm của người đó cao hoặc thấp. Tiếng "nhân phẩm" có cái nghĩa về đạo đức và nghệ thuật. Nó nhấn mạnh vào tấm lòng hiểu người, tấm lòng cao thượng, đại độ, xuất thế, bất tục, không đê tiện; hiểu theo ý đó thì nó gần giống với tiếng Manner hoặc Style (phong cách) của người Anh. Một nghệ sĩ ngông thì văn cũng có phong cách ngông; một nghệ sĩ phong nhã thì văn cũng có phong cách phong nhã, và một nghệ sĩ có mỹ thức thì không khi nào cầu kỳ, lố bịch. Như vậy nhân phẩm là tinh thần chân chính của nghệ thuật. Người Trung Hoa luô n luôn mặc nhiên nhận rằng một họa sĩ không thể nào vĩ đại được nếu cá tính đạo đức và nghệ thuật không vĩ đại; phê bình chữ viết và bức họa thì họ xét người viết hoặc vẽ có một cá tính cao hay không chứ không xét kỹ thuật khéo hay không. Một tác phẩm kỹ thuật hoàn toàn có thể biểu hiện một cá tính thấp kém và như vậy là tác phẩm thiếu "đặc tính" như người Anh thường nói.
Bây giờ chúng ta xét tới vấn đề trung tâm của nghệ thuật. Ðại quân sự gia Trung Hoa, Tăng Quốc Phiên, trong một bức thư gởi về nhà bảo rằng hai nguyên tắc quan trọng của thư pháp (phép viết chữ) là hình và thần; và một thư gia nổi danh nhất đương thời, Hà Thiệu Cơ, rất tán đồng thuyết đó, cho là rất thâm thúỵ Vì nghệ thuật nào cũng là vật hữu hình, cho nên luôn có vấn đề kỹ thuật mà nghệ thuật gia cần phải tinh thông; nhưng nghệ thuật cũng có phần tinh thần nữa, cho nên yếu tố quan trọng nhất trong mọi hình thức sáng tác là sự biểu hiện của cá nhân. Chính cá tính của nghệ sĩ - chứ không phải chỉ cái kỹ thuật của họ - mới là có nhiều ý nghĩạ Trong một cuốn sách, quan trọng nhất là bút pháp cùng tình cảm của nhà văn, bút pháp và tình cảm đó hiện trong sự phán đoán, sự yêu ghét của tác giả. Cái cá tính đó, cái biểu hiện của cá nhân đó thường bị kỹ thuật che lấp, cho nên nỗi khó khăn nhất của những người tập sự, dù là trong hội họa, văn chương hay kịch trường là giữ được tự nhiên, đừng gò bó. Người tập sự luôn luôn sợ làm sai kỹ thuật, cho nên bị hình thức trói buộc. Nhưng thiếu yếu tố cá nhân thì hình thức làm sao đẹp được. Hình thức nào đẹp cũng có một tiết điệu riêng, dù là một nhà quán quân về môn dã cầu (golf), một người đá banh hoặc một người chạy đua thì cũng vậy, chính cái tiết điệu của họ làm cho cử động của họ hóa đẹp. Kỹ thuật phải giúp cho sức biểu diễn phát ra một cách tự do thoải mái, chứ không được cản trở nó.
Nhìn một chuyến xe lửa lượn trong một khúc đường cong, hoặc một chiếc thuyền buồm lướt trên mặt nước, ta thấy có một tiết điệu, một thần thái đẹp biết bao. Một con nhạn bay, một con chim ưng đâm bổ xuống bắt mồi, một con ngựa đua sung sức phi nước đại, cũng đều có một tiết điệu, một thần thái riêng cả.
Chúng ta buộc rằng nghệ phẩm nào cũng phải có "cá tính", mà cá tính đó chính là cá tính, là tâm hồn, là tấm lòng của nghệ sĩ biểu hiện trong tác phẩm. Thiếu cá tính đó, nghệ phẩm hóa chết, và không có một tài năng một kỹ thuật tinh xảo nào có thể tiêm sinh khí cho nó được. Thiếu cá tính thì ngay cái đẹp cũng hóa ra tầm thường. Tu dưỡng cá tính cho khả ái, đó là điều căn bản trong mọi nghệ thuật, vì làm gì thì làm, luôn luôn cá tính của ta xuất hiện trong tác phẩm của ta.
Sự tu dưỡng đó có hai phương diện: đạo đức và nghệ thuật, cần có học vấn và nhã vận. Nhã vận cũng gần giống với phong vị, có thể do thiên phú, nhưng muốn cảm được cái thú cao nhất trong việc thẩm mỹ thì phải có học. Ðiều đó dễ nhận thấy nhất trong môn họa và viết chữ, vì hai môn này có nhiều vẻ đẹp, nhiều phong cách; mà cá tính nghệ sĩ cùng kỹ thuật dung hợp với nhau đến nỗi ta không thể phân biệt ra được. Có cái đẹp ngông, có cái đẹp thô bạo, hùng tráng, có cái đẹp thuộc về tự do tính linh, có cái đẹp thuộc về đại đởm, cuồng nhiệt; phong vận lãng mạn hoặc câu thúc cũng có thể đẹp; tươi nhã trang nghiêm, bình dị, tề chỉnh, mẫn tiệp, đều là đẹp; đôi khi có vẻ như "xuẩn ngốc" hoặc xấu xí, kỳ quái mà cũng đẹp. Cái gì cũng có thể đẹp được, trừ mỗi một cái là bặm môi, bặm miệng, hăm hở tạo ra cái đẹp mà như vậy thì không khi nào tạo được cái đẹp gì.
Trích: Một Quan Niệm Về Sống Ðẹp (1937)
Tác giả: Lâm Ngữ Ðường
Tên tiếng Anh: The Importance of Living, tác giả Lin Yutang
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê (1964)
No comments:
Post a Comment