Có lẽ mẹ con chúng tôi là những người đi Vùng Kinh Tế Mới trong những đợt đầu tiên, và cũng có thể chúng tôi là những người đi Vùng Kinh Tế Mới trong các đợt sau cùng.
Vào những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng Hòa, Ba mẹ và bảy anh em chúng tôi, lớn nhất là tôi mười bốn tuổi và bé nhất thì chưa đầy một tuổi, bồng bế, cột dính vào nhau hòa theo đoàn người xe hỗn loạn trên quốc lộ 1 chạy vào Sài Gòn. Đến Cam Ranh, giữa rừng người chen lấn chúng tôi leo lên được một tàu nhỏ của Nhật trong tiếng kêu la, khóc thét, trong tiếng súng gần của lính VNCH, tiếng súng xa của bộ đội Cộng Sản. Tàu này chuyển chúng tôi ra Hạm Đội 7. Vào đến Sài Gòn nhưng không được cập bến nên chuyển hướng ra đảo Phú Quốc. Từ đảo ba tôi liên lạc xin vào nhận nhiệm sở mới ở Sài Gòn qua đường Cần Thơ.
Ba tôi loay hoay chạy quanh giữa một Sài Gòn hỗn loạn. Cho đến lúc Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng thì gia đình chúng tôi lạc mất nhau. Phải mấy ngày sau chúng tôi mới gặp lại nhau. Chúng tôi vào tá túc nhà của một người đã chạy ra nước ngoài trong khu gia binh.
Một thời gian sau, ba tôi bị đi tù “Cải Tạo” biệt tích.
Mẹ và bảy anh em chúng tôi bơ vơ giữa Sài Gòn xa lạ với hai bàn tay trắng, không có một đồng bạc hay một miếng “mẻ” vàng, theo cách nói của mẹ tôi. Chúng tôi phải đi xin ăn, tôi mắc cỡ nên đi cách xa các em tôi một quãng, đợi các em tôi xin xong thì dắt các em về. Trong thời gian này, mẹ tôi rất hoang mang lo sợ, gầy xộc hẳn đi. Mẹ con chúng tôi mang đầy ghẻ chóc “bộ đội”, sống không bữa no, chẳng biết làm gì, không tiền không biết đi đâu về đâu. Tối đến mấy mẹ con ôm nhau khóc sướt mướt. Đã vậy vào một buổi sáng, một đoàn bộ đội tiến đến tiếp thu nhà, đuổi mấy mẹ con ra đường. Chúng tôi sống lang thang, đứa xin ăn, đứa nhận bánh bán trả tiền sau.
Khi chính quyền Cộng Sản lập danh sách đi Kinh Tế Mới trong khu gia binh, chúng tôi là những người thuộc diện đi đầu tiên bởi vì chúng tôi không nhà, không hộ khẩu. Nghe Cán Bộ nói cho nhà, cho đất lại còn cấp cho sáu tháng gạo nữa. Vì vậy, chúng tôi có lẽ là những người đi Vùng Kinh Tế Mới trong những đợt đầu tiên của cuộc đời mới.
Ngày lên đường, một hàng xe dài chờ mọi người chất đồ đạc lên xe. Ai cũng tất bật, kẻ khiên người vác, nào là bàn ghế, giường tủ, chén bát và hàng hàng trăm thứ lỉnh kỉnh. Riêng mấy mẹ con chúng tôi chỉ vài túi vải đựng áo quần và đôi cái nồi đen đúa. Đặt biệt là có tấm ván ép mỏng bề mặt bằng khoảng một giường nhỏ, của ai vất bên đường mà mẹ tôi nhặt đem theo để làm giường ngủ.
Đoàn xe lên đến Bình Long, rời đường nhựa len vào dưới tàng cây rậm rạp của rừng cao su bạt ngàn. Qua khỏi rừng cao su đến cánh rừng tre nứa âm u. Để mấy chục gia đình xuống giữa mấy dãy nhà nhỏ lợp tôn, chung quanh không có vách, rồi đoàn xe lăn bánh chạy mất hút.
Chúng tôi được cấp dao chặt cây, cuốc cào và mấy chục ký gạo. Nhận được nhà, mẹ con đem áo quần, nồi niêu vào, đặt tấm ván ép giữa nhà. Ăn xong bữa cơm muối thì trời sập tối, sương mù bao quanh. Mấy mẹ con chùm chăn nằm sắp hàng trên tấm ván, ngủ đêm đầu tiên trên vùng Kinh Tế Mới. Càng về khuya càng nhiều sương lạnh bao phủ. Tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng Nai Mang kêu thất thanh trong rừng, lạo xạo tiếng thú ăn đêm quanh nhà, tiếng nghiến rít của rừng tre gìa kèn kẹt. Chúng tôi lo sợ chập chờn ngủ trong tiếng thì thào của đêm đen. Sáng ra người mấy mẹ con loang lổ ướt lạnh, phần vì sương đêm, phần vì các em nhỏ của tôi đái dầm chảy dài trên tấm ván ép.
Những ngày sau, mẹ và tôi dùng cuốc và dao để phát quang những đám cây khoai Mài, khoai Nần, cỏ dại loang lỗ hố quanh nhà. Chúng tôi phát hiện nhiều rào que thấp cắm chung quanh một cái cọc, có tấm ván nhỏ vẽ hình sọ người với một chữ “Mìn” lẫn lộn trong cây cỏ dại. Có nhiều nơi chỉ còn có cái que nhỏ cắm bên cạnh một khối thép hoen rỉ nửa chìm nửa nổi. Mẹ tôi vội kêu tất cả anh em chúng tôi lại, cấm chúng tôi bước ra các đám cây cỏ, chỉ được đi trên những đường mòn nhỏ.Những ngày kế tiếp mấy mẹ con ở trong nhà không dám bước ra ngoài. Mẹ tôi ngồi hàng giờ, ngày qua ngày nhìn sâu vào rừng không nói năng, đôi lúc nước mắt mẹ chảy dài. Anh em chúng tôi ít cười nói ồn ào vì sợ mẹ la, đôi lúc chúng tôi cũng khóc theo mẹ.
Vài người gan dạ vào rừng hái măng rau về ăn, rồi càng lúc càng đông người đi. Chúng tôi thì chỉ cơm canh muối, rồi cũng không chịu nỗi mẹ gởi tôi và em gái kế cho một người nhà bên cạnh theo họ đi lấy măng, hái rau. Sáng sớm tôi cầm dao, em gái tôi cầm 1 cái bao tời nhỏ, đi theo người đàn ông hàng xóm vào rừng. Trong rừng có rất nhiều măng, mọc giữa những bụi tre, Lồ-Ô to lớn san sát che kín mặt trời. Có những cây tre cao vút, lại có nhiều cây nghiêng ngả ngang dọc la đà đủ các tầm cao thấp. Nhiều cây nằm dài trên mặt đất, cho nên rất khó đi đứng và khó mà lấy được măng. Chúng tôi chui bò vào những bụi tre rậm rạp cố len lỏi để gai tre khỏi cào vào tay vào mặt bẻ những búp măng to dài.
Có lẽ người hàng xóm và anh em tôi qúa mải mê tìm măng, nên đã thất lạc nhau. Hai anh em tôi sợ qúa, kêu la vang rừng nhưng không có ai trả lời. Chúng tôi vừa đi vừa khóc, phần sợ thú dữ phần sợ trời sắp tối. Tôi quyết định bỏ bớt măng lại cho nhẹ và đi như chạy về hướng ngược lại của mặt trời lặn, vì buổi sáng chúng tôi vào rừng với mặt trời mọc sau lưng. Hai anh em vừa chạy vừa khóc, chạy riết không biết bao lâu. Trời nhá nhem tối thì chúng tôi nghe tiếng mẹ tôi xa xa. Chúng tôi chạy đến gần thì thấy mẹ đứng sau nhà, day mặt lên trời hướng về đám rừng khóc la, kêu hú như điên dại. Gặp chúng tôi mẹ đánh hai anh em tôi túi bụi, khóc cười nước mắt ướt dầm dề.
Tối đó chúng tôi được ăn một bữa cơm ngon gồm có canh măng và măng kho. Mẹ gầy nhỏ, tóc tai rối bời ngồi suốt đêm nhìn chúng tôi ngủ. Sáng ra khi mặt trời chưa mọc, ánh sáng lẫn lộn sương mai. Mẹ thức chúng tôi dậy, tôi thấy áo quần và gạo đã được chia đều ra từng bao nhỏ, những cái nồi cũng đã được bỏ vào bao cẩn thận. Mẹ phân công tôi dắt ba em, hai trai một gái đi trước. Còn mẹ thì dắt ba em gái nhỏ đi sau, cách chúng tôi một quãng độ hai ba trăm mét. Mẹ dặn nếu có ai hỏi thì bảo rằng về thăm ngoại, và cho một em chạy lui báo cho mẹ biết, để mẹ trốn vào ven rừng hai bên đường.
Hồi hộp, sợ hãi chúng tôi bước những bước nhanh trên thảm lá ẩm ướt. Nhiều thú nhỏ ăn đêm nhìn chúng tôi một thoáng, rồi lủi nhanh vào bóng tối. Mỗi lần mệt, chúng tôi trốn vào những bụi cây để nghỉ. Chúng tôi nghỉ rất nhiều lần bởi vì phải thay phiên nhau cõng các em nhỏ. Với nhiều lần nghỉ như vậy, chúng tôi vượt qua rừng dày, rừng thưa và rừng cao su. Thỉnh thoảng vài người bắt gặp chúng tôi, họ ngạc nhiên khi thấy bầy trẻ chúng tôi nhớn nhác đi như chạy.
Nhưng họ cũng không kêu gọi hay hỏi han gì. Chiều đến chúng tôi ra đến đường lộ. Một xe tải cho qúa giang về thị trấn và đêm đó chúng tôi ngủ ở bến xe.Trời sáng, mẹ bán ít gạo đón xe về Sài Gòn. Lang thang ở Sài Gòn mấy ngày, mẹ tôi gặp người quen cho biết cả ông bà nội, ông bà ngoại đều đã về mua đất ở hai làng quê hẻo lánh nằm giữa Cam Ranh và Nha Trang để làm nông.
Mẹ xin một xe khách trả ít tiền để về Cam Ranh. Trên xe chỉ có mẹ tôi là được ngồi trên ghế bồng em gái út, còn chúng tôi thì ngồi dưới sàn xe. Đứa đằng trước, đứa đằng sau, ngồi lẫn lộn với hàng hóa, vịt gà rồi ngủ gà ngủ gật. Đến Cam Ranh, chúng tôi thức giấc lục tục xuống xe. Khi xe đã chạy xa, mẹ phát hiện thấy thiếu mất một đứa em trai. Mẹ khóc thét lên, rồi bỏ chúng tôi ngơ ngác chạy về hướng xe đã khuất, vừa chạy vừa vò đầu bức áo khóc la thảm thiết. Chúng tôi tay dắt nhau, tay xách đồ, bồng bế lếch thếch chạy theo mẹ và cũng đua nhau khóc la thảm thiết không kém. Trời xập tối không một bóng người, không còn thấy bóng dáng mẹ, chúng tôi chạy mệt, khóc khản tiếng đành ngồi bệt bên vệ đường. Một lúc sau mẹ quay lại không nói năng, mắt đỏ hoe bồng bé út dắt chúng tôi bỏ đường quốc lộ đi về hướng ngọn núi xa mờ.Vượt qua mười mấy cây số đường đất dưới trời đêm, mẹ con tìm đến được nhà ông bà ngoại.
Ông bà ngoại tôi có tới mười sáu người con, mẹ tôi là con gái đầu và rất nhiều cậu dì nhỏ tuổi hơn cả chúng tôi. Có điều đặt biệt là cả mười sáu người con đều không mất người nào. Gặp lại ông bà ngoại cùng các cậu dì, mẹ tôi khóc òa kể lể về chuyện lạc mất một đứa con trong khi về đây và cứ nhắc đi nhắc lại rằng sợ khi ba tôi về sẽ trách mẹ. Những ngày kế mẹ tôi cứ khóc ngày khóc đêm, hết nắm tay người này lại đấm lưng người khác trong nhà van xin hãy đi tìm dùm em tôi. Ông bà ngoại cùng các cậu dì rất là khổ sở vì biết bao nhiêu là mối lo. Nào là vấn đề hộ khẩu, công an, du kích hết rình mò lại hạch hỏi tạm trú tạm vắng, nào là không biết lấy gì để ăn. Nhà ông bà ngoại đã đông nay lại thêm bảy tám mẹ con chúng tôi nữa. Cơm gạo đối với chúng tôi hầu như chỉ còn thấy trong cơn mơ những lúc ngủ. Chúng tôi ăn hết Sắn khoai trong nhà ăn ra Sắn khoai ngoài vườn. Ăn cả rễ lá khoai Sắn, rồi ăn luôn rễ chuối, thân cây chuối. Món thường ăn nhất là canh lá khoai Lang cắt nhỏ hòa với bột Sắn. Ông bà ngoại buồn lo, đâm gắt gỏng khi thấy mẹ tôi khóc suốt ngày suốt đêm. Còn các cậu dì thấy mẹ tôi đâu thì tránh đó, vì sợ mẹ tôi bắt đi tìm kiếm em tôi. Nếu mà nắm được ai, mẹ khóc lóc van xin đi kiếm em tôi, người đó cứ đi một vòng ra khỏi nhà, rồi về nói là không tìm thấy.
Trong nhà ông bà ngoại lúc đó, có một ông Dượng chồng của dì tôi là một lính Không Quân VNCH rất cao lớn, cũng về tá túc ở đây. Dượng thấy mẹ tôi ngày nào cũng khóc lóc thẫn thờ, bèn khăn gói áo quần, khoai sắn làm lương thực, dắt xe đạp đi kiếm em tôi. Dượng đạp xe theo quốc lộ 1 dọ hỏi dọc đường. Vượt mấy chục cây số ra tới Nha Trang, mà vẫn không có tin tức gì về đứa em thất lạc.
Dượng la cà ở bến xe Nha Trang thì có người cho hay rằng, trước đây có thấy một bé trai độ bảy tám tuổi ngủ quên trên xe đò, khóc dữ lắm. Chủ xe bèn giao cho một đoàn bộ đội đang trên đường đi, nghe đâu đóng quân ở Tuy Hòa chuẩn bị ra Bắc. Biết đúng là cháu mình, dượng tức tốc đạp xe ra Tuy Hòa cách Nha Trang mấy chục cây số. Đến Tuy Hòa, lần tìm được chỗ bộ đội đóng quân, dượng vào trình bày hoàn cảnh của mẹ con chúng tôi. Bộ đội xác nhận là có nuôi một đứa trẻ thất lạc và cho em tôi ra nhận diện. Sau khi em tôi được hỏi và nhận đúng là người nhà thì bộ đội cho dượng đem em về. Sau mấy ngày tìm kiếm, dượng và em tôi về đến nhà khi mấy mẹ con đang mót khoai ngoài vườn. Nghe tin đã tìm lại được em về, mẹ tung rổ rễ khoai chạy băng băng như cắt qua các luống đất gập ghềnh, vừa chạy lại vừa khóc.
Từ khi tìm được em tôi mẹ hết khóc, cả nhà ai cũng mừng. Nhưng chỉ được một hôm cả nhà lại buồn lo cho miếng ăn hàng ngày. Mẹ hết suy lại tính, không muốn dành ăn của các em nhỏ. Nên mẹ quyết định chúng tôi sẽ ra đi, dù rằng không biết đi đâu. Lần lừa mãi rồi cũng phải khăn áo ra đi. Ngày chia tay, ông bà ngoại cùng các cậu dì cho mẹ con chúng một bịch khoai khô, kèm theo thật nhiều nước mắt.
Ra khỏi nhà ông bà ngoại, chúng tôi lếch thếch cùng mẹ dọc theo đường đất bụi bặm. Trời nắng gắt, mồ hôi nhớt nhác, ghẻ lở ngứa ngáy, gãi đến chảy máu đỏ dính loang lổ áo quần như là có hoa. Chân bỏng rát, đầu thì ghẻ chí ngứa ran, các em gái tôi phải cạo đầu cho hết chí Chúng tôi ngồi nghỉ bên vệ đường như kẻ ăn xin. Hết mệt lại đi, chúng tôi tìm về được nhà ông bà nội trời vừa tối. Dưới ngọn đèn dầu tù mù, mẹ khóc lóc kể lể trước vẻ mặt cố dửng dưng của ông bà nội. Còn cô tôi thì tránh xa chúng tôi, ngồi khuất lờ mờ trên giường, hình như sợ đám ghẻ trên người chúng tôi vậy. Tối đó mấy mẹ con ngủ dưới đất một giấc say sưa vì mệt. Hôm sau chúng tôi được ăn một bữa no, ông bà nội cho mẹ con ít tiền. Ông nói ông không nuôi nổi thân ông làm sao nuôi một mẹ bảy con chúng tôi được. Ông bà nội tôi có sáu người con, bốn trai hai gái, ba tôi là con trai đầu. Ba tôi và chú kế là sĩ quan An Ninh Quân Đội VNCH, còn hai chú sau là Cảnh Sát. Có điều lạ là bốn người con trai của ông bà nội tôi không ai có một căn nhà riêng cả. Mẹ tôi nhiều lần nhắc ba tôi kiếm một căn nhà để ở và cũng là để dành cho con cái, nhưng ba tôi luôn phất tay nói “Đời còn dài”. Hai chú nhỏ sau là cảnh sát nhưng làm việc đâu ở Dakto, Dakbek gì đó. Ba tôi và chú kế thì hết việc trong sở, lại lo điều tra chống tham nhũng. Chống tham nhũng được gì đâu không biết, chứ mỗi lần moi ra một vụ là mỗi lần gia đình tôi lại theo ba tôi bị chuyển đi Tỉnh khác, Vùng khác. Có lần còn ở tù, có lần sém chết phải tự xin thuyên chuyển đi nơi khác. Vì vậy gia đình tôi hết ở khu gia binh, khu sĩ quan hay ở hẳn trong sở, nhưng nhiều nhất là ở nhà thuê. Ba năm cuối trước ngày 30 tháng 4 ba tôi bị chuyển về Ninh Hòa, nhưng ở nhà thuê gần một chợ quê.
Từ giã nhà ông bà nội, mẹ con chúng tôi ra đi mà chẳng biết đi đâu. Lang thang mấy ngày, mẹ con về đến nhà ông bà ngoại. Lần này gặp lại nhau ai cũng khóc, nhưng ít nước mắt hơn. Được ít hôm ông bà ngoại lại cho khoai sắn khô, để làm luơng thực đi đường. Và lần chia tay ra đi này, mẹ con chúng tôi biết rằng sẽ khó quay trở lại.
Mẹ tôi quyết định trở về vùng Kimh Tế Mới Bình Long. Chúng tôi đi ra ga xe lửa, vô tới Sài Gòn mẹ đổi ý. Chúng tôi không đi đâu chỉ ở trong sân ga, rồi lên tàu về Nha Trang. Tàu đến Nha Trang không có nơi để về, nên lại đi vô Sài Gòn. Cứ thế, hết đón tàu đi vô rồi lại đón tàu đi ra. Chúng tôi như những người sống trên tàu vậy. Một hai lần đầu nhân viên trên tàu còn hỏi vé đuổi xuống. Sau thấy hoàn cảnh của mẹ con chúng tôi, lại thấy mẹ con ngồi lì dưới sàn tàu, đói rách ghẻ lở nên họ lơ đi. Thỉnh thoảng có người cho đồ ăn, có người cho tiền. Không như các em tôi ôm nhau ngủ trong tiếng sập sình như bầy chó con. Tôi ngồi cách xa mẹ và các em làm như một người xa lạ. Nhưng nhìn cách ăn mặc, bộ dạng tôi ai cũng biết tôi ở trong đám ăn xin đó.
Có một lần mẹ con xuống ga Tháp Chàm ở Phan Rang, đi vào trong thành phố xin ăn. Đi suốt ngày không được gì, anh em chúng tôi đói lả khóc rinh rích. Bụng tôi đau âm ỉ từng cơn, bao tử lép kẹp như dính vào xương. Nhưng tôi vẫn phải cõng em trên lưng, chân ê ẩm bỏng rát chỉ mong được nằm lăn ra đất. Trời đêm nhiều sao, mấy mẹ con nằm trên một sạp gỗ trong chợ vắng vẻ. Các em tôi đói, khóc mệt, ngủ vùi miệng nhai nhóp nhép. Kê một cục gạch trên đầu, nghe tiếng lạch bạch của một mái tôn, tiếng ồng ộc trong bụng, mấy ngụm nước lạnh không làm no, tôi không ngủ được. Một người đàn ông trung niên áo quần lôi thôi lếch thếch, tò mò nhìn mấy mẹ con rồi tiến đến hỏi chuyện mẹ tôi. Nghe mẹ kể hoàn cảnh, ông ta bảo mẹ thức anh em tôi dậy theo ông đi đến một gánh cháo gà. Ông ta mua cho mỗi người một tô cháo trắng. Tuy không có thịt gà, nhưng mùi thịt và mỡ gà làm chúng tôi không thể ăn chậm được, vèo một cái là hết sạch. Mẹ tôi thì vẫn ăn cái cách chậm rãi của mẹ, thấy các em ăn xong mẹ chia cho các em mỗi đứa một ít. Trả tiền xong, người đàn ông nọ dắt mẹ con tôi về lại sạp chợ ban nãy. Ông ta nói mẹ theo ông vào trong này chút xíu để ông ta cho tiền. Vào sâu giữa chợ hoang vắng, mù mờ, tôi thấy ông ta tay ôm, tay cầm lấy tay mẹ dằng co. Tôi vội chạy vào, đến gần tôi nghe tiếng mẹ tôi khóc năn nỉ, lưng gập lại dật tay ra, miệng nói “không! không! xin ông”. Còn ông ta nói rít nho nhỏ trong cổ họng “trả tiền cháo lại”. Tôi chạy đến đứng giữa nhìn thẳng vào mặt ông ta, sợ qúa hai tay hai chân tôi cứ run lên bần bật không nói được gì. Ông ta cũng không nói, nhìn tôi trừng trừng như đánh gía một cái gì đó. Mẹ tôi nói trong nước mắt “Cám ơn bác đã cho ăn cháo đi con”. Tôi lí nhí cám ơn. Rồi hai mẹ con đi như chạy về thức các em dậy, chúng tôi dắt díu chạy vội ra ga xe lửa. Tim đập thình thịch tôi quay lại, vẫn thấy bóng đen của người đàn ông nhìn theo chúng tôi.
Không thể cứ lang thang hoài được. Mẹ đem chúng tôi về cái làng nơi ở trước ngày chạy giặc. Ở đây hầu như mọi người đều biết mặt nhau. Nên nhiều người vừa ngạc nhiên vừa tò mò nhìn bà vợ sĩ quan và đoàn con tàn tạ đi qua đi lại nơi ở cũ. Nuốt tủi nhục mẹ con đi vào căn nhà thuê thủa nào, gặp một người đàn bà lạ từ trong nhà đi ra. Bà ta cho biết là đang mướn căn nhà này. Nhìn vào trong, tôi thấy đôi ba vật dụng của nhà tôi xưa kia. Mẹ tôi muốn xin lại ít vật dụng, nhưng bà ta lắc đầu không biết chúng tôi là ai rồi đóng cửa lại. Chúng tôi sang nhà bà cô họ của ba tôi xin ở nhờ vài hôm, nhưng vợ chồng con cái bà cô họ không cho. Năn nỉ thật lâu, họ chỉ cho ở trước hiên nhà. Tất cả đồ đạc của nhà tôi trước kia hầu như là đã được khuân về đây. Mẹ xin họ thương tình cho lại ít đồ đạc để bán nuôi con, nhưng hai vợ chồng lắc đầu nói gì tôi không muốn nhớ. Nhìn vào trong nhà họ, tôi thấy hàng giầy dép của ba mẹ, của chúng tôi sắp thẳng tắp, trong khi chúng tôi đi chân đất. Mẹ xin cô dượng cho mỗi đứa chúng tôi một đôi nhưng họ cũng không cho. Trước đây cô dượng vẫn cậy quyền của ba tôi, vừa được ba tôi giúp thật nhiều, đổi đời lòng người cũng đổi thay. Mẹ giận qúa không thèm ở nhờ trước hiên nhà họ, đem chúng tôi ra ngủ ngoài các sạp chợ. Chợ làng này nhóm vào mờ mờ sáng và tan vào lúc một hai giờ chiều. Lúc đó chợ vắng, chỉ còn người quét chợ và chúng tôi. Tất cả các sạp ở chợ này chỉ có mái lợp bằng tôn hoặc bằng tranh. Riêng ở giữa chợ có một cái Ki-ôt bàn hàng vuông vít mỗi bề ba mét là có vách tường, không cửa sổ, chỉ độc một cái cửa nhỏ ra vào. Người chủ không dùng tới, thấy mẹ con tôi đêm đêm ngủ trống trải nên cho mấy mẹ con vào ở nhờ.
Nơi ở đã có, nhưng lấy gì để sống. Mẹ tôi đi mua chịu chuối xanh về dấu chín đem bán, hoặc luộc lên cắt thành từng chùm ba hoặc bốn qủa mà bán. Rồi mẹ lại còn mua thêm mía cắt thành từng khúc ngắn bán cho con nít. Thật là kỳ lạ, đây là thôn quê vậy mà bán rất chạy. Sau buổi chợ, mẹ quay lại nghề mà mười mấy năm trước khi lấy ba tôi, là đi đến các tiệm may nhận may thuê. Tôi và các em đi lượm mót củi ở trong một nghĩa địa gần đó để nấu ăn. Tối đến trên chiếc chiếu lớn lấm tấm cáu và máu, chúng tôi nằm ngủ ngang dọc. Cánh cửa luôn mở rộng vì hơi người chật chội, vì mùi chuối ủ rơm bốc lên hầm hập, mùi máu ghẻ tanh tanh, mùi nước tiểu đái dầm khai nồng của các em nhỏ, mùi cá thịt. Tôi không ngủ được, vì vậy tôi hay ôm tấm chăn ra ngủ ngoài các sạp gỗ. Trời mờ sáng, khi bắt đầu họp chợ là tôi lẩn ra nghĩa địa. Chờ cho đến khi chợ tan tôi mới về, vì tôi sợ những người đi chợ, sợ đám trẻ con sàng sàng ngang tuổi anh em chúng tôi, tò mò nhìn vào đám rách rưới bên trong Ki-ốt. Nhất là sợ những thằng bạn, những đứa con gái học cùng lớp với tôi trước đây. Thoáng một cái tôi không còn là tôi.
Mẹ thấy tôi cứ ngoài nghĩa địa, ngoài rừng Đước bờ sông, bắt ốc, hái củi trốn tránh người quen. Nên mới nhờ hai vợ chồng dì dượng em mẹ tôi, cho tôi theo làm than trên núi. Kể từ đó, tôi mới biết thế nào là lao động vất vả để kiếm miếng ăn. Dì dượng và tôi ở một cái chòi trên núi. Suốt ngày cưa chặt cây củi, khiêng vác, đào lò đốt than, gánh xuống núi bán. Cả người, tay chân tôi lúc nào cũng ê ẩm. Không ngày nào là không có thương tích, nhiều khi vết thương tay làm độc cương mủ cầm chén cơm, đôi đũa không nổi.
Mấy tháng sau, mẹ nhắn tôi về để đi Kinh Tế Mới. Dân địa phương ở đây đã mấy đợt đi Kinh Tế Mới. Chính quyền thôn xã đã nhiều lần động viên, đe dọa nhiều tháng trời nhưng mẹ tôi cứ lì ra không chịu đi. Họ phải đưa mẹ và một số người ngoan cố lên xem thử vùng Kinh Tế Mới. Thấy vùng này gần, người đông cũng không có đạn mìn thời chiến tranh còn sót lại, nên mẹ và mười mấy gia đình cuối cùng chấp nhận lên vùng Kinh Tế Mới này.
Một con đường đất mới ủi chui sâu vào rừng rậm, là con đường bộ đội dùng để khai thác và chuyên chở gỗ về đồng bằng. Phái đoàn cán bộ bỏ mười mấy gia đình chúng tôi xuống giữa đường rừng. Họ đo bề ngang mỗi quãng 25 mét và chỉ vào rừng gìa âm u nói “Đây là đất thổ cư, đất trồng trọt hoa màu của đồng bào”. Và họ lên xe đi về. Mọi người chỉ còn biết lắc đầu kêu trời.
Hồi trước đi Kinh Tế Mới ở Bình Long chúng tôi còn được cấp dao rựa, cào cuốc còn lần này họ chỉ phát gạo tùy theo đầu người mỗi tháng. Không biết mẹ tôi mua lại của ai được một cái rựa cùn. Hai mẹ con thay phiên nhau cực lực phát quang rừng gìa mà phải làm thật nhanh cho kịp với bà con hàng xóm để cùng đốt rẫy một lần. Nói sao cho siết nỗi cực nhọc của hai mẹ con chân tay yếu ớt, cả đời chưa bao giờ biết khai hoang phát rẫy. Mười lăm ngày vớì nhiều mồ hôi nước mắt trộn lẫn máu mủ, tay chân phồng dộp. Sau khi ngọn lửa ngút trời thêu rụi rừng cây đổ nghiêng đổ ngã, chúng tôi có một mảnh đất. Mảnh đất phủ một màu tro than, ngoằn nghèo rễ cây, ngổn ngang cây đá, cùng những thân cây to đen không cháy hết.
Tôi vẫn nhớ như in ngày mùa hè hôm đó. Giữa nắng trời gay gắt, mẹ và tôi chặt cây, gom củi chân bước ngập tro than hầm nóng, mặt mũi da thịt ướp dày tro đen. Gần chiều bỗng một cơn mưa dông bất thần, những hạt mưa rơi lụp bụp trên mặt thảm tro. Chung quanh bốc lên khói hơi của đất hoang, của rừng gìa, của tro than nồng nồng bịnh hoạn. Mẹ và tôi vội chạy về với các em, đang ở nhà một người lên đây trước, cho chúng tôi ở nhờ trong khi khai hoang làm nhà. Tối đó, mẹ tôi sốt nặng phải đem ra trạm xá. Trạm xá Kinh Tế Mới chỉ là một cái chòi lá vách ván, vài ba lọ thuốc đếm được, một cái giường và một bà mụ gìa được gọi là y tá. Sau khi chích thuốc, cho mẹ tôi uống thuốc, bà y tá nói mẹ tôi bị sốt rét vài ngày sẽ khỏi. Rồi bà ta đi về nhà ngủ. Chúng ngồi ngủ quanh mẹ trên giường. Người mẹ hết nóng lại lạnh, nằm co quắp run cầm cập suốt đêm. Đó là hình ảnh cuối cùng mà tôi được nhìn thấy mẹ còn sống. Không như lời bà y tá đoán, mấy ngày sau bịnh tình mẹ tôi càng nặng phải chuyển lên bịnh viện Huyện. Tôi phải ở nhà giữ các em nhỏ, đứa em gái kế tôi đi theo chăm sóc mẹ. Ở bịnh viện Huyện mấy ngày, mẹ tôi được chuyển lên bịnh viện Tỉnh. Hai ngày sau, mẹ tôi cô đơn chết trong khi em gái tôi chạy ra ngoài pha nước sôi. Tính ra mẹ tôi đi Kinh Tế Mới lần này được một tháng.
Được tin, ông bà nội ngoại vội mướn xe chở xác mẹ tôi về lo đám tang chôn cất vùng nhà ông bà ngoại, vì vùng Kinh Tế Mới ở đây chưa có nghĩa địa. Chúng tôi nheo nhóc về nhà ông bà ngoại, khóc lóc, bu quanh xác mẹ. Đám tang mẹ tôi không có gì cho người ta ăn uống. Trái lại bà con chòm xóm của ông bà ngoại người cho khoai, người cho sắn. Không có hòm, người ta cho mẹ tôi một tấm ván ép mỏng khoảng một phân, cưa ra đóng thành hòm.
Ngày đưa xác mẹ ra nghĩa trang, chúng tôi đứa nào đứa nấy khăn tang trắng ố vàng dài qúa mông. Người ta khiêng hòm trên vai đi trên con đường gập ghềnh, quanh co ra nghĩa địa nằm cao trên một đồi núi cỏ cây lấp sấp cách xa mấy cây số. Chúng tôi đứa đằng trước, đứa đằng sau, có đứa đi cả dưới hòm của mẹ. Xác mẹ được đem chôn vào lòng đất lẫn hàng ngàn tiếng khóc, hàng ngàn nước mắt của anh em chúng tôi và cũng chôn luôn niềm an toàn được mẹ chở che. Ngay lúc mộ mẹ vừa đắp xong, thì sự cô đơn, nỗi lo sợ bất an bắt đầu lảng vảng chung quanh hay đâu đó trong lòng tôi.
Lo xong cho người chết, nội ngoại hai bên họp bàn lo cho người sống là chúng tôi. Nội ngoại bàn chia anh em chúng tôi ra làm hai, một nửa sống với nội một nửa sống với ngoại. Hỏi ý tôi thế nào, tôi xin nội ngoại hai bên nuôi các em tôi, còn tôi xin được lên lại vùng đất Kinh Tế Mới. Nơi mảnh đất mà mẹ tôi đã bỏ mạng sống. Các em đều đòi đi theo tôi, cuối cùng anh em tôi đành phải chia ba.
Tôi cùng hai em, một trai một gái lên lại vùng Kinh Tế Mới. Chúng tôi vào rừng đào củ, hái rau để ăn. Vào rừng chặt cây, chặt củi. Vào rừng cắt Tranh để dành làm nhà. Nói là nhà chứ thật ra ngày ông nội, ông ngoại lên giúp chúng dựng nhà mấy ngày, chỉ dựng được cái chòi Tranh cao vuông vứt bốn mét xoay lưng về hướng núi rừng. Và nhà chỉ có một vách mặt trước, vì hết Tranh. Xong việc hai ông nội ngoại ra về.
Đêm đầu tiên trong căn nhà đầu tiên của anh em mồ côi chúng tôi, ba anh em tôi ngủ không được yên giấc. Trời tối đen dày đặc. Mưa không buồn nhưng mưa ầm nước ào, trĩu nặng mái Tranh như muốn đè bẹp căn nhà. Gío hú, gío thốc từ sau hướng không có vách che, mang theo mưa bay vào làm tắt đống lửa giữa nhà. Ba anh em ôm nilon, chăn mền chạy ra đứng trước mái hiên ngủ gật gà. Như trêu ngươi, gío trở chiều, anh em lại vội khăn gói chạy vào trong nhà. Và cứ chạy ra hàng hiên ngủ một chốc, lại chạy vào nhà mơ một lát. Vài lần như vậy người cả ba anh em nửa ướt nửa khô.
Đến nửa đêm, mưa tạnh gío êm. Tiếng côn trùng chui ra từ sũng đất râm ran. Đom đóm xanh xao vật vờ quanh quẩn. Xa xa ngọn núi sau nhà, ẩn hiện những cặp mắt lúc xanh biếc, lúc rực đỏ. Tiếng con gì bay ngang quẹt phải mái Tranh, luống cuống một chốc rồi bay mất hút vào bóng đêm. Hai em lăn ra ngủ vùi, tôi bó gối nhìn vào rừng đêm mịt mùng, lo lắng sợ hãi. Nỗi sợ lúc mơ hồ, lúc hiển hiện bao quanh. Suy nghĩ mung lung, bỗng nhiên thấy thời gian, không gian như lập lại. Cũng tiếng Nai Mang thất thanh trong đêm tối, tiếng côn trùng ỉ ôi, tiếng sột soạt thú rừng kiếm ăn, tiếng tranh giành sự sống của đêm nào trên vùng Kinh Tế Mới Bình Long. Nhưng cuộc sống và con người thì đã đổi thay.
Qua mấy mùa mưa nắng. Chúng tôi kiếm ăn như thú rừng, chân tay mọc thêm u nần. Dân số của vùng Kinh Tế Mới vơi dần. Riêng xóm chúng tôi, có đêm ngủ thức dậy thấy biến mất cả một gia đình. Có gia đình mười người, bỗng một hôm nhân khẩu chỉ còn có năm, rồi hai, cuối cùng không còn ai. Có nhà thì ban ngày ban mặt, mướn xe tải rộn ràng dọn đồ đạc lên xe, chưa hết lời chia tay, quay qua ngoảnh lại thì thấy nhà đã thành nhà hoang. Những căn nhà dọc theo hai bên con đường xưa rộn tiếng người, gìơ vắng vẻ, chỉ còn mỗi túp lều của ba anh em chúng tôi. Những căn nhà không người chăm sóc, mưa nắng, gío bão sụp đổ mau lẹ. Có căn mục nát, rồi đổ ầm xuống một cái thế là xong. Có căn tung vách, tróc nốc chỉa những cái cột siêu vẹo lên trời. Có căn chỉ còn chơ vơ bốn vách để bầy Sóc, bầy Thỏ đôi lúc chạy đùa bên trong.
Qua mấy mùa nắng mưa. Chúng tôi sống như Kinh như Thượng, áo quần mục dần theo thời gian. Màu xanh của cây rừng phủ chụp, lan nhanh trên những vườn tược, trên những căn nhà sụp đổ hoang tàn. Con đường đất rộng lớn xưa nhiều xe cộ qua lại, thưa dần rồi dứt hẳn. Cây cỏ đua chen mọc lên, biến nó trở nên con đường mòn nhỏ cho người dân tộc đi qua. Anh em chúng tôi cố gắng giữ mảnh đất của mẹ cho khỏi rừng xanh bao phủ. Chúng tôi đã gĩư được mảnh đất khỏi màu xanh rừng rú, nhưng đã lạc mất tuổi thơ, tuổi xuân xanh nơi núi rừng vùng Kinh Tế Mới này.
1. Nhà Tôi.
Anh em chúng tôi ít khi nghĩ đến ngày, tháng, năm. Nhưng thời gian vẫn vun vút trôi qua. Chúng tôi thêm tuổi, cây rừng thêm lá, kinh tế mới thêm nhà hoang.
Các em thêm tuổi thì chỉ muốn về sống chung với tôi, anh em xum vầy dù đói khổ. Thêm tuổi nhưng chúng tôi vẫn khù khờ hơn những đứa cùng trang lứa. Thỉnh thoảng chúng tôi đốn củi, chẻ tre vác xuống phố bán để mua thực phẩm. Một tuần đôi lần, chúng tôi cầm đèn dầu xuống trường học của kinh tế mới để học bổ túc văn hóa vào ban đêm. Hoặc xuống họp nông hội, tuy nhỏ nhưng tôi không vào đoàn thể thanh thiếu niên của “Bác”, bởi vì tôi là chủ hộ. Những lần đi học như vậy, bọn trẻ tuy có đứa cũng làm bạn với chúng tôi, nhưng đa số là chọc ghẹo, ăn hiếp chúng tôi. Người lớn thì nhìn chúng tôi vừa tò mò vừa thương hại. Tôi thường tránh né những lời thương hại của họ, chúng làm tôi mặc cảm và thấy mình nhỏ bé. Mà mọi người cũng không thể nhìn khác được, bởi vì áo quần chúng tôi mặc không thể gọi là áo quần được. Chúng được vá víu vụng về, bất kể màu sắc, cũ hay mới, quần hay áo. Có khi tay áo vá vào ống quần, hay ngược lại ống quần bóp nhỏ biến thành tay áo. Ði đứng phải cẩn thận, nếu không muốn chúng rách tung ngoài đường.
Ðặc biệt đôi dép của tôi là khó làm cho mọì người nín cười được. Đó là một đôi dép nhựa đứt quai màu nâu, ai vất bỏ trong rừng. Nó to rộng quá nên tôi cắt gọt cho vừa. Vì dùng dao và bị gọt mất lớp nhựa láng bên ngoài nên trông rất nham nhở. Sau đó tôi khoét lỗ, lấy dây rừng sỏ làm quai dép, mỗi lần đứt quai lại lấy dây rừng xỏ lại. Vậy mà nó cũng theo tôi được mấy năm. Cũng vì áo, vì quần mà tôi bị mất mối tình đầu.
Ba nàng chết trận đã lâu, mẹ con nàng đơn chiếc đi kinh tế mới. Một hôm ba mẹ con nàng đi đốn củi, ghé vào nhà tôi xin nước uống. Thấy hoàn cảnh chúng tôi cũng đơn chiếc như nhà bà, nên mẹ nàng nói rảnh thì xuống nhà bà chơi cho đỡ buồn. Mới gặp nàng lần đầu, trong lòng tôi rộn ràng, vu vơ cảm giác thân quen như tìm lại được hạnh phúc thủa gia đình còn đông đủ. Cảm giác khó tả đó cứ dâng lên mỗi lần gặp nàng. Thường sau một ngày lao động, đám con trai, con gái mới lớn hay tụ tập lại nhà nàng chơi. Lần đầu mới tới nhà nàng tôi rất ngượng, sau cũng quen. Bọn con trai đàn ca, chọc cười, tán gái. Con gái thì viết thơ, coi bói, làm duyên. Tôi không nói gì với nàng nhiều, chỉ biết nhìn nàng và giúp mẹ nàng làm hết việc nhà. Mẹ nàng thường thưởng công và đãi chúng tôi món bánh tráng chấm mật đường. Từ đó tôi mê cả món mật đường của mẹ nàng và nàng. Tôi thường đến chơi, giúp cuốc đất trồng khoai, nhổ mì gọt sắn, việc lớn việc nhỏ trong nhà nàng đều có tay tôi dính vào. Tụi bạn có đứa chọc tôi “Việc nhà thì nhác việc cô bác thì siêng”. Ai cũng xem như tôi làm rể nhà nàng. Nhờ lì, ít nói, siêng làm nên nàng yêu tôi. Bọn con trai hết còn dám tán tỉnh nàng. Ði đâu tôi cũng hãnh diện, khoe khoang nàng là người yêu của tôi.
Mùa hè năm đó, chúng bạn rủ nhau đi tắm suối. Quần đùi bên trong của tôi rách quá, nên tôi về nhà lôi cái váy đầm học trò, đồ viện trợ duy nhất còn sót lại, mới như chưa mặc một lần. Cái váy xếp ly đó, ngắn cách đầu gối một gang tay, bằng vải ca-tê mỏng màu xanh lá non, sọc trắng. Không biết tại sao chúng tôi có nó lâu rồi nhưng không mặc. Có lẽ kiểu cách của chiếc váy không phù hợp với dân lao động chúng tôi. Tôi xòe nó ra, đặt xếp đôi trên bàn, cắt một miếng hình tam giác dưới vạt, khâu lại thành cái đáy quần đùi. Xỏ hai chân vào cái quần đùi mới may, mang quần dài vào, tôi chạy lại nhà nàng cùng đám bạn đi tắm suối. Tới suối bọn con gái mặc luôn quần dài và cả áo mà tắm. Con trai chúng tôi thì ở trần, mặc quần đùi. Khi tôi cởi áo, quần dài ra thì cả bọn, trai lẫn gái đều sửng sốt, trợn mắt nhìn tôi chằm chằm. Tôi nhìn xuống chân. Trời ơi! Không như tôi nghĩ, nó không biến thành cái quần đùi, mà vẫn là cái váy xếp, xòe rộng lất phất trong gió. Ngượng quá tôi nhảy ùm xuống nước trong tiếng cười rộ của tụi bạn. Họa vô đơn chí. Nhảy xuống nước cái quần đùi của tôi bọc không khí vào trong, nổi phùng lên như một cái phao dù màu xanh bao bọc quanh tôi. Lũ bạn bò lăn ra cười. Ðiên tiết tôi đè cái “dù” xanh của tôi xuống, lặn một hơi thật xa không thèm tắm gần bọn chúng. Bơi mệt tụi nó lên bờ nằm nghỉ. Lò dò đi lên, nhìn xuống chân, tôi giật thót cả người. Cái quần đùi của tôi ướt, mỏng dính, bó sát lấy thịt da như không mặc gì. Tôi vội ngồi thụp xuống nước. May quá chưa có đứa nào thấy. Nguyên ngày cho đến chiều, tôi ngâm mình dưới nước, không một lần lên bờ. Mặc cho tụi bạn kêu réo, xin lỗi, mặc cho nàng năn nỉ, tôi nhất định ngâm mình dưới nước. Trời chiều, không kiên nhẫn với tôi nữa, mấy đứa bạn bỏ về hết. Chỉ còn mình nàng, nàng năn nỉ tôi đưa nàng về. Tôi vẫn không chịu lên bờ, giận tôi nàng đi về một mình. Cẩn thận nhìn quanh không còn ai, tôi đi lên bờ, chui vào bụi rậm vắt quần đùi cho khô, mặc quần dài vào rồi chạy một mạch về nhà.
2. Nàng
Về nhà buồn, mặc cảm. Nghĩ thân phận mồ côi nghèo hèn, thân mình còn lo còn không nổi, làm sao nghĩ đến lo cho nàng. Không thể giải thích cho nàng những điều khó nói, từ đó tôi không đến nhà nàng nữa. Gặp nàng xa xa, tôi tránh đi đường khác. Nếu không tránh được nàng, tôi làm mặt xa lạ như chưa bao giờ biết nhau. Năm sau, một gã thanh niên từ thành phố lên cưới nàng, đem cả gia đình nàng về thành phố. Từ đó không bao giờ tôi còn được găp lại nàng nữa.
Cuộc sống niềm vui thì ít, sự buồn thì nhiều. Cũng may, chúng tôi còn trẻ và không có nhiều giờ rãnh để buồn. Nhưng điều phiền phức thì khó có thể tránh né. Một trong những điều phiền phức đó là tôi không nhận ra được các em gái tôi đã lớn, đã thành thiếu nữ. Cho đến lúc thấy bọn con trai trong làng kéo đến nhà tôi chơi càng lúc càng đông, tôi mới biết. Ðó cũng là lúc tôi thấy trách nhiệm “Quyền huynh thế phụ” của mình nặng hơn cả trách nhiệm cơm gạo.
Ðiều phiền của tôi lúc đó là bọn công an, xã đội, du kích thôn xã. Mỗi tối chúng chia nhau đi tuần khắp làng, rồi trở về điểm hẹn tập trung là nhà tôi. Chắc vì nhà tôi không có người lớn. Chúng cứ gõ cửa xét nhà bất kể giờ giấc, bắt tôi thức dậy thắp đèn lên, chúng soi dọi đèn pin lên trần, dưới gầm, vào giường các em, bới móc thúng rỗ, nồi nêu, áo quần kể cả những miếng vải vụn của các em gái tôi chúng cũng không từ. Vừa lục soát như nhà không người, chúng vừa nói cười hô hố. Có nhiều đêm chúng ngồi trước sân nhà tôi, ăn uống cười nói oang oang, nồng nặc mùi rượu, hứng lên lại gõ cửa xét nhà.
Sợ nhất là mấy thằng say xỉn, phá làng phá xóm. Băng quậy phá toàn những đứa xưa chăn trâu xứ này. Lợi dụng chăn trâu, chúng bới cơm, đem thuốc nuôi cha ông, bà con của chúng là cán bộ, du kích trốn trong rừng. Bây giờ cha ông, bà con của chúng là Tỉnh Ủy, Huyện Ủy, Chủ Tịch, Công An, nhỏ nhất cũng Bí Thư Xã. Bọn chúng một chữ cũng không biết, không làm gì được, chỉ làm biếng nên suốt ngày rượu chè say sưa. Chuyện ăn hiếp người dân, phá làng phá xóm, muốn đánh ai thì đánh của chúng thì không sao kể hết được. Những ai không biết, nghe một hai chuyện của chúng thì đã khiếp, thấy đâu tránh đó. Một bận có nhóm bộ đội đóng quân khai thác gỗ gần làng, xuống làm quen con gái trong xóm. Nhóm bộ đội và tụi nó kình nhau, thấy bộ đội có súng nên chúng nhịn. Ðêm sau phục kích hai bộ đội trên đường về trại, chúng xông ra thủ sẵn tre vót nhọn đâm hai bộ đội chết tại chỗ. Cán bộ ở trên xuống bắt chúng về điều tra, mấy ngày sau thấy chúng về nhà phây phây, lại có thêm tiền nhậu lớn nữa. Từ đó chúng càng phá làng phá xóm hơn. Có lần sau khi nhậu say, chúng ra lịnh làm lễ “Tắt Ðèn”. Chẳng ai hiểu gì hết, sau mới biết là khi chúng đi đến xóm nào thì xóm đó phải tắt hết đèn, nếu nhà nào không tắt đèn, chúng sẽ xông vào đập phá nhà đó. Nhiều khi làm lụng ngoài nương rẩy về, vừa mới dọn cơm tối ra ăn, chưa kịp ăn mà nghe chúng đi ngoài đường gào lên “Tắt Ðèn!” thì phải tắt đèn ngay. Cũng may chúng chỉ làm lễ “Tắt Ðèn”có vài lần thì chán không muốn chơi nữa.
3. Em tôi
Bọn chúng cũng đến nhà tán tỉnh, chọc ghẹo các em gái tôi thường. Chúng xin đưa em gái tôi đi chơi, tôi không chịu, tụi nó tức lắm nhưng vì đang tán em gái tôi nên chúng nhịn. Theo hoài không được, chúng nó rình sáng sớm em tôi gánh rau Lang ra chợ bán. Bọn nó bao vây định cưỡng ép, em tôi vất gánh rau chạy về được. Tôi làm đơn kiện ra xã, thì ủy ban xã chỉ gọi hai bên lên giải hòa rồi thôi. Từ đó chúng hay tới nhà tôi quậy phá luôn, có lần đập phá đồ đạc, còn hăm dọa đốt nhà. Ði trình báo công an, công an cũng không tới giải quyết. Một hôm chúng đến bao vây nhà, đòi tôi đi mua rượu cho chúng uống. Tôi ngồi trên giường trả lời không có tiền, thì tên đầu đàn cung tay đánh một cùi chỏ vào giữa mặt tôi. Tôi té lật ngang, tay ôm mặt, không đau nhưng tôi choáng váng không thấy gì một thoáng. Ðịnh thần trở lại, tôi thấy máu từ trong mũi mình chảy ra đỏ cả mặt cả áo. Các em tôi khóc la kêu cứu xóm làng. Tay ôm mặt tôi gượng ngồi dậy trên giường như không có gì xảy ra. Thằng đầu đàn lại hỏi “Mày có chịu đi mua rượu không?” Tôi lắc đầu. Nó nắm tay lại giơ lên cao đấm vào đầu tôi, tôi bật ngửa, trong đầu máu như sôi lên nóng ran. Lồm cồm ngồi dậy, máu trong mũi tôi lại chảy ra. Thấy tôi ngồi lên, nó lại hất hàm hỏi tiền, tôi lại trả lời không có tiền. Thực sự là chúng tôi không có tiền, nhưng nó tưởng tôi ngoan cố. Nó vung chân đạp thẳng vào bụng tôi, tôi nghe miệng tôi thoát ra một tiếng “Hự” khô khan, ruột như rách ra. Tôi đứng dậy, cố giữ hai chân cho vững, tay vịn vào thành giường. Nó bước lui một bước, trợn mắt nhìn, tôi nói, Nếu các anh không muốn chúng tôi sống ở đây, ngày mai chúng tôi sẽ khăn gói ra đi. Chúng nó chửi tôi thêm mấy câu tục tỉu nữa, rồi kéo nhau đi. Tôi nằm vật ra giường, thấy mình mẩy đau quá, nhất là cái mũi. Nhìn lên trần nhà, vừa đau vừa ức, nước mắt tôi chảy ra ròng ròng không cầm được. Tôi khóc như một đứa con nít. Không biết sao, từ đó chúng không quậy phá nhà tôi nữa.
Một trong những niềm vui hiếm hoi, nhưng to lớn của chúng tôi là nhận được thư của ba tôi báo tin còn sống. Ba tôi hiện đang “cải tạo” tại trại tù thuộc tỉnh Thanh Hóa tận ngoài Bắc. Trong thư ba viết vẫn khỏe, khuyên chúng tôi cố gắng sống chờ ba về, và nếu có thể thì đi thăm ba một chuyến, hoặc gởi ít quà cho ba. Ðọc thư ba chúng tôi mừng quá, cứ như người bơi kiệt sức thấy bến bờ. Chúng tôi liền viết thư cho ba, tha hồ trút hết buồn đau, côi cút. Tôi quyết định phải đi thăm ba tôi một lần, nhưng tiền đâu, quà thăm nuôi đâu mà đi. Chúng tôi trở lại nghề ăn xin. Ông bà ngoại cho một bao cát (loại bao dùng đựng cát, làm hầm chống bom đạn) khoai lang luộc, xắt lát phơi khô. Ông bà nội cho con chó giữ nhà, làm thịt, đem kho mặn để ăn cho được lâu. Ông nội cũng còn cho một xị rượu đế, bỏ ít rể cây vào rồi ghi bên ngoài chai là rượu thuốc trị đau lưng. Chúng tôi đi đến các nhà bà con, người quen hay các bạn cũ của ba tôi mà chúng tôi biết để xin tiền. Cuối cùng cũng gom được ba bao cát quà nhỏ và một ít tiền. Quà thì chỉ khoai khô, sắn bột, gạo rang, bánh tráng và ít đường cát. Nói chung chỉ toàn sản phẩm của thôn quê. Tôi gánh hai bao, em gái tôi vác một bao cùng lên đường.
Ðường đi ra Bắc thăm cha thật gian nan không kể xiết. Trời lạnh, áo không đủ ấm, chúng tôi phải luôn quấn tấm nylon quanh mình, lúc đi cũng như khi ngủ. Chúng tôi hết đi tàu lửa, rồi đi xe hàng trăm cây số. Ði ghe qua sông, qua suối, lại đi bộ hằng mấy chục cây số mới đến được trại tù heo hút. Dọc đường gặp những người cũng đi thăm tù, thuê người gánh hàng bao tải thực phẩm. Hai anh em tôi nhìn lại ba bao quà tí xíu của mình mà buồn. Cán bộ nói sẽ cho cha con ăn chung một bữa cơm. Chúng tôi vội thổi cơm, nấu đồ ăn dọn sẵn chờ ba chúng tôi ra ăn. Ba tôi mặc bộ đồ tù đi ra, phải một lúc chúng tôi mới nhận ra nhau, rồi cứ ngồi nghẹn ngào khóc suốt cả buổi thăm nuôi. Nói chuyện không được bao nhiêu thì hết giờ. Tôi rút hết tiền ra trao cho ba tôi, chỉ chừa lại chút ít đủ để ăn trên đường về. Ba tôi tháo gỡ quà ra cho cán bộ xét, rồi cất gánh đi vào, đi vài bước lại quay nhìn chúng tôi. Ðợi ba tôi khuất bóng, chúng tôi chuẩn bị đi về. Trên đường ra khỏi trại tù “cải tạo”, tôi thấy nhiều người tù ăn mặc phong phanh cuốc đất trong cái rét kinh hồn của miền Bắc, cái rét mà người ta nói là cá cũng phải chết nổi lên mặt nước. Một người tù gìa đứng gần lề đường, nháy mắt với tôi chỉ vào một bụi rậm. Nhìn vào trong bụi cây, thấy một bó thư, tôi vội lượm nhét vào bụng. Nhìn quanh thấy yên, tôi cởi áo ấm và lấy tấm ni-lon dùng để che mưa gió của tôi nhét vào bụi rậm. Ði một đoạn tôi cúi xuống tháo đôi giầy vải ném vào lề đường. Mấy người tù gần đó thấy vậy vẫy tay chào cám ơn. Trên đường về chúng tôi nhẹ nhàng quá, không còn gì. Nhưng càng đi càng lạnh, máu ở bàn chân như đông cứng lại. Chân tôi từ từ sưng đỏ lên, không còn cảm giác. Ðường về càng dài hơn, phần không có tiền đi xe đành đi bộ, phần chân đau cứ đi vài cây số lại phải nghĩ. Chúng tôi quá giang xe, đi tàu chui (không vé) về tới thành phố Vinh thì may sao gặp một chiếc tàu chở than đá vào Huế. Chúng tôi nằm lăn trên than ngủ vùi. Ðến Huế chúng tôi nhảy xuống sông Hương, tắm rữa cho sạch bụi than. Rồi lại đi tàu chui mà về Nam. Về đến nhà hai bàn chân tôi sưng đỏ, căng bóng lên hết mấy tuần. Cứ mỗi lần nhìn vào hai bàn chân sưng húp, đỏ như hai bắp chuối sứ, là tôi lại chảy nước mắt vì sợ và nhớ ba tôi. Gần mười năm ba tôi ở tù “cải tạo”, chúng tôi chỉ đi thăm được hai lần như vậy.
Kinh tế mới này ruộng thì ít, rừng rẫy thì nhiều vậy mà cũng bị đưa vào hợp tác xã nên đời sống ở đây càng tệ hại hơn. Người làm lụng trực tiếp thì ít, người lao động gián tiếp thì nhiều. Nông dân chỉ làm lấy lệ, vì làm điểm nhiều nhưng lúa gạo chẳng bao nhiêu. Nhân số cán bộ sấp sỉ nhân số xã viên. Từ tổ trưởng, tổ phó lên đội trưởng, đội phó. Từ thôn trưởng, thôn phó lên xã trưởng, xã phó. Rồi còn kiểm soát tổ, đội, thư ký, kế toán, thủ trưởng (chủ nhiệm hợp tác xã), thủ phó, thủ qủy, thủ kho v.v. . Nói chung đi đâu cũng đụng cán bộ. Cán bộ chẳng làm gì, ôm cặp sách chỉ tay năm ngón. Cán bộ chỉ đi bắt bớ, đi tán dóc, tán gái, la cà uống cà phê. Vậy mà cuối vụ, lãnh lúa gạo vẫn nhiều hơn xã viên. Mấy năm sau hợp tác xã giải tán, cán bộ chia nhau đất ruộng tốt, dành cho nông dân xã viên phần ruộng xa đất xấu.
Phần anh em chúng tôi cũng vậy, sống nhờ rừng nhờ suối. Sống trong rừng riết, chúng tôi biết nhìn cây, nhìn rong rêu đoán hướng đi. Biết bẫy thú rừng để ăn. Biết phân biệt rau qủa rừng nào ăn được, cái nào không. Nấm nào độc, nấm nào lành. Vào rừng không có nước biết chặt cây lấy nước uống. Hái trái rừng làm xà phòng giặc áo quần… Tóm lại chúng tôi cứ như là sinh trưởng trong rừng vậy, chẳng còn chút hơi hướng thành phố. Thế mà anh em chúng tôi cũng có vài lần suýt chết vì rắn rết chui vào gầm giường, vì ăn trúng độc. Có một lần đào được mấy củ nần, đem ngâm dưới suối chưa tan hết chất độc, đói quá luộc lên ăn. Trưa hôm ấy cả mấy anh em đều lăn ra hôn mê không còn biết gì. May có người đi rừng ngang qua, báo bà con dưới xóm lên cứu chữa. Cũng có lần ăn hột đậu rựa, vì không làm kỹ, anh em tôi chóng mặt, nhức đầu, ói mửa nằm la liệt. May bữa đó tôi ăn ít, tuy có say sẫm nhưng cũng còn sức đi xuống kêu cứu với xóm làng.
Cuối cùng ba tôi cũng được thả về. Ba tôi đi thăm ông bà nội ngoại, rồi gom các em nhỏ cùng về xum họp một nhà. Chúng tôi mừng lắm, nhất là tôi, như trút bỏ được gánh nặng, thấy từ đây cuộc sống sẽ khá hơn. Ba tôi vừa làm cha vừa đóng vai mẹ. Sắp xếp việc trong việc ngoài, nấu nướng bữa ăn hằng ngày cho chúng tôi đi rừng kiếm gạo, kiếm tiền. Tưởng rằng cuộc sống sẽ tốt hơn, nhưng không nó cũng vậy mà còn tệ hơn. Ở vùng kinh tế mới này ba tôi là người có cấp bực lớn nhất của chế độ cũ đi tù về, nên du kích, công an hay rình mò, mời lên mời xuống hoài. Nhà thì nhỏ, người thì đông, ba tôi lấy tre làm thêm giường. Nhà thêm người nhưng gạo tiền, khoai sắn chẳng thêm ra. Ba tôi gần mười năm trong tù đã quen nếp sống đói khổ một mình. Nay ra ngoài thấy cuộc sống khó khăn hơn, đói khổ một nhà nên đâm ra khó tính, gắt gỏng la mắng anh em tôi suốt ngày. Chúng tôi cứ nghĩ dại, chắc ba bị tiêm thuốc tẩy não nên tính tình mới thay đổi như vậy. Cuộc sống cha con, anh em chúng tôi cứ trôi qua trong căng cứng phiền muộn, no đầy tủi cực.
Mấy năm sau, nhiều người lo thủ tục giấy tờ đi Mỹ diện H.O. Ba tôi sợ, không tin cộng sản nên không chịu làm giấy tờ ra đi. Bởi vì có mấy người bạn cùng tù “cải tạo”của ba tôi, loan báo tin tức chương trình H.O. trước khi nhà nước công bố nên bị bắt đi tù trở lại. Sau này nhiều người đã đi Mỹ rồi, ba tôi cũng không nhúc nhích gì. Cho đến lúc ông bác họ của ba tôi qua Mỹ gởi thư về nhiều lần khuyên bảo, ba tôi mới muộn màng đi tìm hiểu lo thủ tục giấy tờ xuất cảnh. Cái khó khăn bấy giờ của cha con chúng tôi là tiền đâu để lo thủ tục. Ba cùng tôi chạy đến anh em, bà con họ hàng xin xỏ vay mượn. Ðược chừng nào thì lo chừng đó, thiếu lại chạy đi xin, đi mượn nữa. Thật tình cha con chúng tôi cũng không hy vọng gì mấy. Làm hồ sơ thì làm chứ không có đủ tiền để lo lót đến nơi đến chốn làm sao đi được, chỉ cầu may. Chúng tôi cứ nghĩ rằng, kiếp chúng tôi không thể nào thoát khỏi cảnh rừng rú này.
Chờ đợi mấy năm, nhận được giấy báo, rồi giấy phỏng vấn, gia đình chúng tôi vẫn không tin là thật. Cứ như mơ chúng tôi chạy vay tiền bạc, vào Sài Gòn phỏng vấn, khám sức khỏe. Lòng luôn phập phồng lo lắng trục trặc hay có sự gì đổi thay. Số chúng tôi luôn không được suông sẽ, phải ở lại thêm sáu tháng để tôi uống thuốc chữa bịnh phổi. Cái khó của chúng tôi là không tiền và ở ngoài Trung quá xa Sài Gòn. Ðành chấp nhận, chạy ra chạy vô, chắp vá tiền bạc. Cuối cùng chúng tôi cũng bò lết tới được ngày ra đi.
Dù không biết ngày mai ra sao, không nghề nghiệp, học vấn, tiếng Anh không có gì, chúng tôi cũng có lo lắng qua Mỹ làm gì để sống. Nhưng chắc một điều là sẽ sung sướng, tự do hơn ở đây rất nhiều, nên chúng tôi thấp thỏm chờ đợi ngày đi. Ngày đi Mỹ đã tới, chúng tôi bỏ nguyên lại nhà cửa, vật dụng, bỏ lại những thứ rách rưới đã bao năm cùng chúng tôi. Vài bộ áo quần vào Sài Gòn, như là hành trang bước vào một giấc mơ. Chỉ sợ khi tỉnh giấc, lại phải quay về vùng kinh tế mới sống nốt đời hoang dã.
Ðiều may mắn hiếm hoi đến trong cuộc sống mọn hèn của chúng tôi, làm chúng tôi không dám tin rằng, đời mình mà cũng có ngày hôm nay. Ngồi trên máy bay rồi, tôi cũng chưa chắc sẽ được đi Mỹ. Cho đến lúc máy bay rời khỏi mặt đất, tôi mới dám nói lời: Vĩnh biệt kinh tế mới.
Phước An
No comments:
Post a Comment