Các Chủ Đề

Saturday, June 22, 2019

Vì sao Tưởng Kinh Quốc cho phép có đảng đối lập ở Đài Loan?

Tưởng Kinh Quốc (1910 - 1988)
Đài Loan có sự ổn định cả về chính trị nội bộ và quốc tế trong thập niên 1950 và 1960, dưới bàn tay sắt của Tổng thống Trung Hoa Dân Quốc Tưởng Giới Thạch.

Nhưng tình hình quốc tế thay đổi trong thập niên 1970.

Tưởng Giới Thạch qua đời tháng 4/1975.

Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc mở cửa từ 1978, là một thay đổi đe dọa cho Đài Loan.

Các nước phương Tây hăm hở tìm đến thị trường Trung Quốc, lần lượt cắt quan hệ với Đài Loan.

Ngày 1/1/1979, Hoa Kỳ chính thức chuyển sự công nhận ngoại giao từ Đài Loan sang Trung Quốc.

Con trai Tưởng Giới Thạch, Tưởng Kinh Quốc, kế vị cha, và thời gian đầu vẫn duy trì chính sách hà khắc ở Đài Loan.

Sự kiện Cao Hùng 1979

Ngày 10/12/1979 tại thành phố Cao Hùng, phong trào "ngoại đảng" (tập hợp các nhà hoạt động không thuộc Quốc Dân Đảng) tổ chức Ngày Nhân Quyền để phản đối chính sách cấm thành lập đảng đối lập.

Quốc Dân Đảng tiến hành đàn áp, bắt giữ và đưa nhiều người ra xử từ tháng 3 tới tháng 5/1980. Sự kiện khiến phương Tây nhìn Đài Loan với con mắt lên án.

Tháng 10/1984, xảy ra một vụ giết người liên quan công dân Mỹ. Henry Liu, công dân Mỹ, bị ám sát ngay tại nhà ở California, với kết luận là bàn tay của tình báo quân đội Đài Loan. Vụ giết người càng khiến hình ảnh Đài Loan trở nên xấu xí với quốc tế.

Trong bối cảnh khó khăn đó, Tưởng Kinh Quốc vào năm 1984 đề cử Lý Đăng Huy làm phó tổng thống.

Đây là bước ngoặt trong lịch sử Đài Loan, vì ông Lý là người Đài Loan đầu tiên, không có liên hệ với đại lục, được đưa vào chức vụ cao cấp này.
Khó khăn

Sức khỏe của Tổng thống Tưởng Kinh Quốc trong thập niên 1980 cũng ngày càng yếu đi. Những quyết định sau cùng của ông Tưởng có vẻ như một phần xuất phát vì ông già yếu hơn, và bắt đầu nghĩ liệu lịch sử sẽ đánh giá mình ra sao.

Năm 1985 chứng kiến scandal ngân hàng đầu tiên tại Đài Loan, đại án Tenth Credit Cooperative, dẫn đến sự từ chức của nhiều bộ trưởng Đài Loan. Bê bối làm uy tín Quốc Dân Đảng thêm sa sút.

Tháng 2/1986, Philippines là nước đầu tiên của châu Á chứng kiến thay đổi chính quyền vì dân chủ hóa. Tổng thống Ferdinand Marcos bỏ chạy sang Hawaii, và Corazon Aquino trở thành tổng thống nữ đầu tiên của châu Á.

Đại hội Đảng của Quốc Dân Đảng tiến hành tháng 3/1986, tại đây Tưởng Kinh Quốc yêu cầu chỉnh Đảng đi cùng cải tổ chính trị.

Theo chỉ đạo của Tưởng, một ủy ban 12 người lập ra để thảo luận sáu vấn đề, gồm cải tổ quốc hội, dỡ bỏ thiết quân luật, cho phép thành lập đảng đối lập…

Cũng trong năm 1986, Đài Loan chịu sức ép thương mại từ Hoa Kỳ, đòi Đài Loan mở cửa thị trường ngân hàng và tài chính, giảm thuế nhập khẩu.

Đài Loan buộc phải giảm thuế 7079 mặt hàng từ 1985 đến 1988.

Năm 1988, Mỹ đòi Đài Loan cho nhập khẩu thịt gà tây, dẫn tới biểu tình của nông dân Đài Loan. Vincent Siew, nhà đàm phán thương mại của Đài Loan, bị ném trứng vào mặt.
Ra đời đảng Dân Tiến

Ngày 28/9/1986, hơn 130 nhà hoạt động có mặt ở Grand Hotel, lập lời thề thành lập đảng đối lập Dân Tiến.

Nghe tin, các đảng viên Quốc Dân Đảng chạy đến phủ tổng thống.

Ngồi trên xe lăn, Tưởng Kinh Quốc, 76 tuổi, suy nghĩ và rồi ra lệnh: không đàn áp, không làm gì hết.

Tưởng nói với các đảng viên lão thành: "Thời thế thay đổi rồi, môi trường đang thay đổi. Quốc Dân Đảng không thể quá tự hào, quá quan trọng nữa."

Việc Tưởng Kinh Quốc để yên cho phép đảng đối lập ra đời đã thay đổi lịch sử Đài Loan.

Tháng 10/1986, Tưởng Kinh Quốc nói với báo Washington Post rằng ông sẽ sớm xóa bỏ thiết quân luật.


Xóa thiết quân luật

Thiết quân luật được gỡ bỏ vào đêm 15/7/1987. Theo sau nó là các chính sách đổi mới như cho phép đi thăm thân nhân ở Trung Quốc, xóa hạn chế báo chí.

Lý Đăng Huy, phó tổng thống và sau này kế vị Tưởng Kinh Quốc, tin rằng nếu Tưởng không cho phép dỡ bỏ thiết quân luật, không có ai trong Quốc Dân Đảng dám làm vậy.

Cũng tại châu Á, ngày 29/6/1987, ứng viên tổng thống Hàn Quốc Roh Tae-woo có diễn văn hứa sẽ ân xá cho mọi tù nhân chính trị.

Ngày 19/12/1987, Roh Tae-woo trở thành tổng thống đầu tiên do dân bầu ra tại Hàn Quốc.

Tưởng Kinh Quốc qua đời ngày 13/1/1988 ở tuổi 78.

Ngay lập tức, phe bảo thủ trong Quốc Dân Đảng định ngăn không cho Lý Đăng Huy trở thành đảng trưởng.

Nhưng rốt cuộc, Lý chiến thắng, giữ cả chức đảng trưởng và tổng thống Đài Loan.



Lý Đăng Huy

Mở đường cho đa đảng

Tháng Giêng 1989, Đài Loan thông qua luật về Tổ chức các Nhóm Dân sự, mở đường cho đa đảng. Đến cuối năm đó, hơn 50 đảng đã ra đăng ký.

Tháng Ba 1996, lần đầu tiên trong lịch sử, Đài Loan tổ chức bầu cử trực tiếp cho chức tổng thống.

Lý Đăng Huy chiến thắng lần này, tiếp tục làm tổng thống.

Lý Đăng Huy (bên trái) và Trần Thủy Biển (bên phải)
Đến năm 2000, Trần Thủy Biển của đảng Dân Tiến chiến thắng, trở thành tổng thống với 39% phiếu bầu.


Bình Luận:

Có nhiều yếu tố đưa đến chế độ đa đảng tại Đài Loan cũng như có nhiều yếu tố đã đưa đến chế độ đa đảng tại Nam Hàn và Nga vào thập niên 1980.

Khi Tưởng Giới Thạch chạy ra Đài Loan thì vẫn nuôi giấc mộng về giải phóng Đại Lục. Giải phóng Đại Lục, chống lại Trung Cộng là tư tưởng chính của Trung Hoa Quốc Dân Đảng trong thời gian Quốc Dân Đảng ra cầm quyền tại Đài Loan. Vì có mục tiêu này nên những người trung thành với Quốc Dân Đảng thấy mình có lý do chính đáng để cấm dân bàn về chuyện khác và cấm có các tổ chức chính trị khác. Khi Mỹ bỏ rơi Đài Loan năm 1979 để chính thức bang giao với Trung Quốc thì xem như giấc mộng giải phóng Đại Lục không còn. Không có sự hồ trợ của Mỹ thì Đài Loan khó mà đánh chiếm được Đại Lục rộng lớn. Hơn nữa Mỹ đã công nhận Trung Quốc là đại diện cho nước Trung Hoa. Trong hoàn cảnh đó, những người theo Quốc Dân Đảng thấy không còn lý do để đàn áp đối lập một cách mạnh mẽ nữa. Cũng giống như từ lúc Liên Xô sụp đổ, đảng Cộng Sản Việt Nam thấy giấc mộng phe Cộng Sản toàn thắng trên thế giới không thể thực hiện được nữa, nên cũng phải thay đổi và nới lỏng bớt về mặt tư tưởng.

Ông Tưởng Kinh Quốc không phải là loại người quân sự nên không thiên về dùng biện pháp quân sự.

Hơn nữa lúc đó Tưởng Kinh Quốc đã già và bệnh hoạn nên không còn ý chí để bảo vệ cho Quốc Dân Đảng được độc quyền nữa.

Từ giữa thập niên 1980 trở đi thì Mikhail Gorbachev lên cần quyền tại Liên Xô. Lúc đó Liên Xô gặp khó khăn về kinh tế do giá dầu hỏa sụt giảm nên Gorbachev chú trọng về giải quyết kinh tế cho Liên Xô, cắt giảm viện trợ cho các đảng Cộng Sản đàn em nên nguy cơ Cộng Sản bành trướng trên thế giới cũng giảm bớt. Chính quyền Nam Hàn cũng từ bỏ đường lối độc tài, cho phép dân chủ vào giữa thập niên 1980 một phần cũng vì thấy cái nguy cơ bị Cộng Sản lật đổ, chiếm chính quyền không còn cao như trước.

Cá nhân có ảnh hưởng đến sự biến chuyển của lịch sử cũng như các yếu tố chính trị, xã hội của thời đó. Tại Nga, cá tính của ông Mikhail Gorbachev có ảnh hưởng đến hướng đi của Liên Xô cũng như tại Đài Loan, cá tính của ông Tưởng Kinh Quốc có ảnh hưởng đế hướng đi của Đài Loan.

No comments:

Post a Comment