Các Chủ Đề

Tuesday, September 22, 2020

Biệt Đội Thiên Nga


Nhân Ngày Quân Lực 19/06: Nhớ Đến Biệt Ðội Thiên Nga

 
 
Biệt Ðội Thiên Nga ra đời trong những năm cao điểm của cuộc chiến tranh bảo quốc của quân dân Miền Nam đối với bọn xâm lược Cộng Sản phương Bắc. Sau năm 1954, nền Ðệ Nhất Cộng Hòa đã được hình thành ở miền Nam Việt Nam, do đó lực lượng Cảnh Sát Quốc Gia cũng được củng cố lại để lo an ninh quốc gia và bảo vệ mọi tầng lớp dân chúng. Thành phần nữ nhân viên trong lực lượng Cảnh Sát vẫn còn được sử dụng hạn chế trong các phần vụ như : văn phòng hành chánh, kiểm soát tài nguyên, cảnh sát an ninh phi cảng, hải cảng, cảnh sát ngoại kiều, tiếp tân, trại giam, giáo dục ... Những nữ nhân viên này dược tuyển dụng tùy theo nhu cầu công tác, theo từng giai đoạn, chớ chưa có một trường lớp chánh qui nào …

 

Mãi cho đến cuối năm 1965, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa mới mở một Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, nhận thi tuyển cả nam và nữ sinh viên sĩ quan Cảnh Sát. Ðiều kiện tối thiểu về trình độ học vấn là có bằng cấp Tú Tài I trở lên. Sau khi tốt nghiệp, các nữ sĩ quan Cảnh Sát được phân phối về Tổng Nha Cảnh Sát, Khối Ðặc Biệt và một số ít được phân phối về các Nha, Tỉnh thuộc bốn vùng chiến thuật của miền Nam Việt Nam.


Sau hai lần đẩy lui các cuộc tổng tấn công của Việt Cộng vào miền Nam Việt Nam trong Tết Mậu Thân và tháng 05/1968, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa cần tăng cường lực lượng cảnh sát trong việc bảo vệ an ninh đất nước, ngăn chận Việt Cộng xâm nhập miền Nam Việt Nam bằng đường bộ cũng như đường thủy. Vai trò cảnh sát được đặt nặng và quan trọng hơn, đặc biệt là sự cần thiết để có một tổ chức toàn những nữ cảnh sát để hoạt động trong công tác tình báo, hoạt động riêng rẽ hay phối hợp với các công tác của nam cảnh sát đang hoạt động.


Tháng 08/1968, do một Sự Vụ Văn Thư của Bộ Tư lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, quyết định thành lập một tổ chức toàn là nữ nhân viên, có tên gọi là “Biệt Ðội Thiên Nga”, trực thuộc Khối Ðặc Biệt thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia, hoạt động độc lập, song song với các tổ chức đã được thành lập trước đó. Nhiệm vụ của Biệt Ðội Thiên Nga là sưu tầm, phân tích tin tức, tổ chức xâm nhập và phá vỡ các tổ chức, các hạ tầng cơ sở của Việt Cộng tại thủ đô Sài Gòn cũng như tại các tỉnh địa phương trên toàn miền Nam Việt Nam.


Công việc khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn, từ vấn đề tuyển mộ, đào tạo nhân viên... cho đến các công tác tìm đầu mối, xây dựng cơ sở, giám thị …


Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương có văn phòng tại Khối Ðặc Biệt, Biệt Ðội Thiên Nga Thủ Ðô và 11 quận có văn phòng tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thủ Ðô và tại Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quận Ðô thành, Biệt Ðội Thiên Nga Vùng I, II, III, IV và tại các tỉnh trên toàn quốc từ Quảng Trị đến Cà Mau.
Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương có 4 ban :


- Ban Hành Chánh
- Ban Tổ Chức Phát Triển
- Ban Huấn Luyện
- Ban Hoạt Vụ


Nhiệm vụ của Thiên Nga Trung Ương là thành lập cơ sở văn phòng, tuyển mộ nhân viên, tổ chức huấn luyện, tìm đầu mối, phát triển công tác. Ðồng thời, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương đôn đốc và hướng dẫn các Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia, thành lập Biệt Ðội Thiên Nga địa phương ở 11 quận Ðô Thành và tại các tỉnh.


Biệt Ðội Thiên Nga địa phương tuyển mộ nữ nhân viên gửi về Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương ở Sài gòn để đưa đi thụ huấn các khóa học tình báo tại trường Tình Báo Trung Ương. Các phụ nữ được tuyển mộ phải có ít nhất là văn bằng trung học đệ nhất cấp hoặc cao hơn, ngoại trừ các quả phụ của Cảnh Sát không đòi hỏi điều kiện văn bằng như trên, nhưng ít nhất phải có bằng tiểu học.


Các nữ nhân viên được tuyển lựa này gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần khác nhau trong xã hội : có thể là người bán rau cải ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe bus, nhân viên bưu điện, điện lực, thư ký văn phòng, học sinh sinh viên, cô giáo và vũ nữ ... Các nữ nhân viên lần lượt được học qua các lớp tình báo căn bản (4 tuần), theo dõi (6 tuần), cán bộ điều khiển (8 tuần) ... và đặc biệt là khóa tác xạ tại trường Tình Báo Trung Ương. Khóa sinh phải đủ điểm cho lớp trước mới có thể lên lớp kế tiếp. Trong thời gian thụ huấn, các khóa sinh phải ở nội trú và mang bí số. Việc giảng dạy do các giảng viên trường tình báo phụ trách, còn giám thị do các nhân viên Thiên Nga Trung Ương đảm nhận. Các khóa sinh sau khi thụ huấn chuyên môn trở về đơn vị tại các địa phương, nơi đã gửi đi học và bắt đầu nhận công tác do các ngành Ðặc Biệt phân nhiệm. Công tác trực thuộc sự hướng dẫn của phụ tá Ðặc Biệt địa phương và báo cáo thành quả công tác về Thiên Nga Trung Ương.


Tại Trung Ương, ngoài các lớp kể trên, các nữ nhân viên Thiên Nga còn theo học các lớp kỹ thuật như : nhiếp ảnh (chụp hình bí mật), học lái xe gắn máy và xe hơi, một số được học thêm các lớp thẩm vấn. Biệt Ðội Trưởng, Phụ Tá Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga Trung Ương và các Cán Bộ Ðiều Khiển đều là các nữ sĩ quan Cảnh Sát tốt nghiệp khóa I Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia. Riêng Biệt Ðội Trưởng và Phụ Tá đã tốt nghiệp thêm khóa Trưởng Phòng Ðặc Biệt tại trường Tình báo Trung Ương vào các năm 1968-1969.


Ngoài các nữ sĩ quan và nhân viên Cảnh Sát chính thức, Biệt Ðội Thiên Nga còn sử dụng một số rất đông nữ hồi chánh viên, nữ can phạm chính trị, các công nhân hãng xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ (ngoài cơ quan Cảnh Sát), các bạn hàng chợ, các sinh viên trường trung học và đại học ... để làm mật báo viên cho Biệt Ðội. Số cộng tác viên cộng tác nhiều gấp rất nhiều lần số nhân viên chính thức.


Các nhân viên Trung Ương đi công tác hoạt vụ đều có học khóa chuyên môn tình báo để được hướng dẫn rõ ràng chi tiết công tác họ phải đảm nhận cũng như cách thức bảo vệ an ninh tối đa cho họ. Các nữ nhân viên hoạt vụ đều có bí số và bí danh. Tùy vào công tác, họ được tạo cho một ngụy tích với tất cả giấy tờ tùy thân và lý lịch mới.


Nhằm đáp ứng nhu cầu bảo mật công tác, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương có những kiosque buôn bán lẻ, có điện thoại công cộng để làm nơi liên lạc (hộp thư sống và chết) ... và một nhà an toàn làm nơi tiếp xúc với tình báo viên, mật báo viên, nhất là các tình báo viên từ mật khu về.


Vì là Biệt Ðội Tình Báo nữ mang tên loài chim Thiên Nga, nên mỗi kế hoạch công tác đều có ám danh của một loài chim khác như Sơn Ca, Họa Mi, Hải Âu, Hoàng Oanh, Hoàng Yến, v.v. Còn các công tác phối hợp với các cơ quan bạn thì dùng ám danh của sông núi như Trùng Dương, Trường Sơn ... Do sự thay đổi cơ cấu của Khối Ðặc Biệt và để thích ứng với tình hình chính trị phức tạp nên cuối năm 1972, Biệt Ðội Thiên Nga mang ám danh mới Ðoàn Ðặc Nhiệm G4231g để bảo mật hoạt động.


Song song với việc xây dựng tổ chức, đào tạo nhân viên, Biệt Ðội Thiên Nga Trung Ương luôn nỗ lực tìm đầu mối, lập kế hoạch công tác, tìm cách xâm nhập, len lỏi vào các hội đoàn Phụ nữ Việt Nam, hội đoàn bạn hàng các chợ, Hội Phụ Nữ Ðòi Quyền Sống, các lực lượng đấu tranh thuộc thành phần thứ ba, các thành phần tôn giáo khuynh tả có Việt Cộng sách động, các tổ chức sinh viên học sinh đấu tranh thân Cộng Sản để kịp thời ngăn chặn những tên Việt Cộng nằm vùng, triệt phá những âm mưu có nguy hại cho an ninh quốc gia. Không những thế, Biệt Ðội Thiên Nga còn xâm nhập vào tận mật khu của Việt Cộng để thu thập tin tức tình báo góp phần tiêu diệt các cơ sở đầu não của Cộng Sản.


Nhìn lại quá trình công tác của các nữ nhân viên Thiên Nga, phải thừa nhận rằng công việc của họ rất nguy hiểm, tánh mạng lúc nào cũng bị đe dọa. Qua các tài liệu tịch thu được của Việt Cộng, sau những thất bại nặng nề, chúng rất đề cao cảnh giác “nữ Thiên Nga”. Việt Cộng luôn tìm cách để bắt cóc, đụng xe gây án mạng hay ám sát những ai chúng nghi ngờ là nhân viên Thiên Nga. Còn các nhân viên Thiên Nga len lỏi vào các hội đoàn, tham dự các cuộc biểu tình, tuyệt thực, chống đối nên cũng phải chịu “hưởng” hơi cay, dùi cui của Cảnh Sát. Các chị em Thiên Nga còn phải hy sinh những tình cảm riêng tư, thời gian dành cho gia đình, vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để làm tròn bổn phận công dân yêu nước đấu tranh cho lý tưởng tự do.


Thật khó có thể ghi lại hết những chiến công thầm lặng của các nữ chiến sĩ tình báo Thiên Nga, tuy vậy những công tác sau đây là vài ví dụ điển hình về các hoạt động của Biệt Ðội Thiên Nga.


Một trong các công tác mà Việt Cộng vẫn còn tức tối là việc cung cấp lương thực thực phẩm cho phái đoàn Quân Sự Bốn Bên vào họp tại trại David, Tân Sơn Nhất Sài Gòn. Mặc dù chúng nghi ngờ nên chúng đề nghị để tự chúng chọn nhà thầu cung cấp thực phẩm cho hai phái đoàn Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Cộng Sản Bắc Việt) và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, nhưng cuối cùng nhà thầu chúng chọn lại là của Biệt Ðội Thiên Nga. Công tác này mang ám danh là Trùng Dương, hoạt động cho đến ngày cuối cùng 28/04/1975.


- Công tác mang ám danh là Hải Âu đã cài được một nhân viên Thiên Nga vào Hội đoàn phụ nữ đối lập và tạo được niềm tin nên được Việt Cộng chọn đi học lớp tình báo và hoạt động chung với chúng.


- Công tác len lỏi vào Hội Phụ nữ Ðòi Quyền Sống, hoạt động chung với một cán bộ nằm vùng. Mãi đến sau 1975, tên nữ cán bộ mới biết người thư ký của Ban Xã hội là nhân viên Thiên Nga. Lúc ấy, tên nữ cán bộ là Ðại úy Công an tức tối đề nghị gia tăng 6 tháng tù trong khi chị nhân viên Thiên Nga đã có giấy ra trại. Công tác này mang ám danh Họa Mi.


- Trong 5 năm liền, một nữ Huyện ủy viên của Việt Cộng đã hợp tác với Biệt Ðội Thiên Nga. Sau 30/04/1975, chị vẫn giữ chức Huyện ủy của một Huyện gần Sài Gòn. Cho đến sáu tháng sau đó, Việt Cộng mới truy ra được từ hồ sơ còn sót lại ở địa phương, nên đã khai trừ chị khỏi Ðảng Cộng Sản và giam chị ở Chí Hòa. Chị đã may mắn không bị chúng xử tử hình. Sau tôi gặp lại chị tại trại Hàm Tân, chị mới vỡ lẽ tôi ,người tên Năm tiếp xúc với chị năm xưa, là Thiếu Tá Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga. Công tác này được mang tên Hoàng Oanh.


Các công tác, hoạt động của Thiên Nga càng thành công tốt đẹp bao nhiêu thì Việt Cộng càng tức tối lên án, càng đề cao cảnh giác với nhân viên Thiên Nga. Do đó những bản án không xét xử trả thù hèn hạ dành cho các nữ nhân viên Thiên Nga của Cộng Sản là từ 3 năm đến 13 năm trong các trại tù cải tạo. Tuy vậy các chị em nhân viên của Thiên Nga vẫn hãnh diện, giữ vững nhân cách, lập trường, vượt qua những gian lao của năm tháng tù đày.


Tôi rất xúc động khi phải nhắc lại quá khứ của Biệt Ðội Thiên Nga, với những anh thư đã đem hết những hăng say, nhiệt tình, tinh thần chống Cộng mãnh liệt của tuổi trẻ, hiến dâng để bảo vệ đất nước miền Nam Việt Nam. Tôi rất hãnh diện về Biệt Ðội Thiên Nga, các nữ nhân viên từ Hạ Sĩ Quan cho đến Sĩ Quan, cùng các cộng tác viên đã giữ trọn khí tiết trong lúc sống khổ sở trong lao tù hay trong sự kèm kẹp của chế độ Cộng Sản ngoài xã hội, sau khi được thả về.


Tôi mong ước một ngày gần đây, những nữ Thiên Nga hải ngoại sẽ gặp lại các bạn Thiên Nga còn ở lại Việt Nam, tay bắt mặt mừng trong niềm vui thấy đất nước thật sự có tự do dân chủ.


Tôi viết bài này, cũng mong quý bạn có cái nhìn rõ hơn về người Cảnh Sát Quốc Gia, trong đó có những nữ Cảnh Sát, những chị bán hàng, những anh chị em sinh viên ... đã có một thời hiến dâng xương máu cho đất nước.


Cuối cùng, xin được thắp nén hương cho những Thiên Nga đã hy sinh trước và sau ngày 30/04/1975 trên khắp mọi nẻo đường Việt Nam.

 



Nguyễn Thanh Thủy
Cựu Biệt Ðội Trưởng Thiên Nga
(Khối Ðặc Biệt - Bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia)

Diễn Đàn Hoa Tự Do, 17/06/2008




Biệt đội 'Thiên Nga' và tội ác mang gương mặt mỹ nhân 

28/11/2013

Dưới sự huấn luyện của CIA, những người phụ nữ thôn quê, những thanh nữ bình thường, trở thành những con rắn độc để giết hại đồng bào của mình, phản bội Tổ quốc. 

Lò luyện những "thiên nga" chân dài

Trước năm 1975, có một số cơ sở cách mạng và cán bộ nằm vùng của ta bị địch phát hiện bắt bớ, tù đày do bị chỉ điểm, chiêu hồi mà không xác định được đối tượng tình nghi.

Hoạt động này do một tổ chức mang tên biệt đội "Thiên Nga" thuộc Tư lệnh Cảnh sát đô thành Sài Gòn, được CIA Mỹ huấn luyện và đào tạo rất công phu sử dụng làm gián điệp, chỉ điểm trà trộn vào trong dân và vùng kháng chiến của ta để phát hiện tung tích cán bộ nằm vùng và đầu độc cán bộ.

Nguy hiểm nhất của đội quân này là chúng biến những người phụ nữ thôn quê, những thanh nữ bình thường chân yếu tay mềm, hiền lành chất phác, lam lũ thành những con rắn độc để giết hại đồng bào của mình, phản bội lại Tổ quốc Việt Nam.

Sau Tết Mậu Thân 1968, chính quyền Sài Gòn lập tức tăng cường các lực lượng cảnh sát, an ninh, quân cảnh để ngăn chặn sự xâm nhập vào đô thành miền Nam của các lực lượng tình báo, biệt động cách mạng.

Do đó, tháng 8/1968, Bộ Tư lệnh Cảnh sát Quốc gia (CSQG) Sài Gòn thành lập một tổ chức tình báo toàn là phụ nữ có tên là "Biệt đội tình báo Thiên Nga", trực thuộc Khối Đặc biệt hoạt động độc lập tuổi từ 18 đến 35. Nhiệm vụ của Biệt đội Thiên Nga là sưu tầm tin tức, chỉ điểm các tổ chức Việt cộng, xâm nhập và phá vỡ các đường dây liên lạc, tình báo của Việt Cộng tại đô thành Sài Gòn và các địa phương.

Biệt đội Thiên Nga Thủ đô gồm 11 quận của đô thành, có văn phòng tại Bộ Chỉ huy CSQG Thủ đô và các quận. Ngoài ra, còn có Biệt đội Thiên Nga Vùng I, II, III, IV tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Cà Mau.

Nguồn nhân viên của các đội Thiên Nga do địa phương tuyển mộ những cô gái xinh đẹp, có nhân thân liên quan đến Việt Nam Cộng hòa, kể cả cô nhi quả phụ được coi là đối tượng ưu tiên đặc biệt. Đây là đối tượng có sự tham gia tuyển chọn và đào tạo của cố vấn CIA Mỹ.

Sau khi được thành lập, Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn đã bắt tay vào một kế hoạch huấn luyện các nữ nhân viên được tuyển lựa gồm đủ mọi lứa tuổi, mọi thành phần khác nhau trong xã hội: có thể là người bán rau, cá ở chợ, bán hàng rong, bán vé xe buýt, nhân viên bưu điện, điện lực, thư ký văn phòng, học sinh sinh viên, cô giáo và vũ nữ...

Các nữ nhân viên lần lượt được học qua các lớp tình báo căn bản (4 tuần), theo dõi (6 tuần), cán bộ điều khiển (8 tuần) và đặc biệt là khóa tác xạ tại Trường Tình báo Trung ương. Khóa sinh phải đủ điểm cho lớp trước mới được xét lên lớp kế tiếp. Trong thời gian thụ huấn, các khóa sinh ở nội trú và mang bí số riêng.

Công việc giảng dạy do các giảng viên trường tình báo phụ trách, còn giám thị của trường do các nhân viên Thiên Nga Trung ương đảm nhận. Các khóa sinh sau khi thụ huấn chuyên môn xong, trở về đơn vị tại các địa phương, nơi đã gửi đi học và bắt đầu nhận công tác do các ngành đặc biệt phân nhiệm trực thuộc phụ tá. Đặc biệt địa phương phải báo cáo thành quả công tác về Thiên Nga Trung ương.

Ở cấp Trung ương, ngoài các lớp kể trên, các nữ nhân viên Thiên Nga còn theo học các lớp kỹ thuật chuyên dụng như: nhiếp ảnh (chụp hình bí mật), kỹ năng giao tiếp, hóa trang, học lái xe gắn máy và xe hơi, một số được học thêm các lớp thẩm vấn.

Biệt đội trưởng, Phụ tá Biệt đội trưởng Thiên Nga Trung ương và các cán bộ điều khiển đều là các nữ sĩ quan Cảnh sát tốt nghiệp khóa I Học viện CSQG. Riêng Biệt đội trưởng và phụ tá đã tốt nghiệp thêm khóa Trưởng phòng Đặc biệt tại Trường Tình báo Trung ương vào các năm 1968-1969.

Ngoài các nữ sĩ quan và nhân viên cảnh sát chính thức, Biệt đội Thiên Nga còn sử dụng một số rất đông nữ hồi chánh viên, nữ can phạm chính trị, các công nhân hãng xưởng, nhân viên các cơ quan chính phủ (ngoài cơ quan Cảnh sát), các bạn hàng chợ, các sinh viên trường trung học và đại học, thành phần bất hảo... để làm mật báo viên cho Biệt đội. Số cộng tác viên nhiều gấp nhiều lần số nhân viên chính thức.

Nhiệm vụ đặc biệt của Biệt đội Thiên Nga là nỗ lực tìm đầu mối, lập kế hoạch công tác, tìm cách xâm nhập, len lỏi vào các hội, đoàn phụ nữ Việt Nam, hội đoàn bạn hàng các chợ, Hội Phụ nữ đòi quyền sống, các lực lượng đấu tranh thuộc thành phần thứ ba, các thành phần tôn giáo khuynh tả, các tổ chức sinh viên học sinh đấu tranh để kịp thời phát hiện người cầm đầu các tổ chức đó…

Theo hồ sơ, trùm biệt đội Thiên Nga mang hàm thiếu tá, tên Nguyễn Thanh Thủy sinh trưởng tại Mỹ Tho (Tiền Giang) trong một gia đình nhà giáo, thuở nhỏ học Trường trung học Nguyễn Đình Chiểu, Mỹ Tho.

Xuất thân trong gia đình không có bất kỳ ai tham gia quân đội hay lực lượng cảnh sát, thế nhưng hình ảnh nữ y tá duy nhất Genevieve de Galard, người Pháp, "còn trẻ măng, chưa có gia đình" tham gia trong cuộc chiến Điện Biên Phủ, được báo chí loan tải, đã đi vào tiềm thức của cô bé Nguyễn Thanh Thủy, khi ấy mới 11 tuổi. Học xong bậc trung học, Thanh Thủy thi vào Đại học Y khoa Sài Gòn, nhưng đang học dở dang thì xin nghỉ vì lý do sức khỏe.

Năm 1965, cô ả thi tiếp vào Trường Chính trị Kinh doanh Đà Lạt, học tới khi sắp sửa tốt nghiệp thì hay tin bên Cảnh sát tuyển "sinh viên sĩ quan", nên ghi tên dự thi, lúc đó 21 tuổi. Bỏ ngang chuyện học ở Đà Lạt, đầu năm 1966 Nguyễn Thanh Thủy vào Sài Gòn khởi đầu chương trình học sĩ quan cảnh sát.

Sau một năm huấn luyện, nhà trường muốn chọn ra 5 trong số 18 cô gái được tuyển vào chương trình "biên tập viên cảnh sát" (tức những người phải có bằng đại học hoặc tú tài 2 trở lên), để vào "khối đặc biệt".

Tuy nhiên, không một cô nào muốn mình là người được chọn, ngay cả Thanh Thủy. Do đó, tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc CSQG khi đó, ra lệnh cả 18 cô biên tập viên mới ra trường đều phải về khối Đặc biệt thuộc Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo.

Sau một khóa huấn luyện đặc biệt tại Malaysia trở về, "Biệt đội Thiên Nga" được thành lập vào tháng 8/1968, từ một số người trong số 18 cô gái nói trên. Nguyễn Thanh Thủy chính là một trong những "Thiên Nga" đầu tiên hăng hái nhất. Năm 1969, sĩ quan cảnh sát Nguyễn Thanh Thủy bắt đầu giữ chức vụ đội trưởng đội nữ tình báo Thiên Nga cho đến ngày bị bắt vào tháng 5/1975.

Cũng cần nói thêm, trong ngành CSQG Sài Gòn trước đây, trước khi thành lập Học viện CSQG hầu như không có nữ sĩ quan, ngoại trừ những nữ nhân viên hành chánh biệt phái. Khóa 1 Học viện CSQG là khóa đầu tiên và duy nhất đào tạo nữ sĩ quan cho ngành cảnh sát.

Mặc dù sau này ngành cảnh sát có tuyển dụng thêm một số nữ sĩ quan đồng hóa nhưng họ chỉ phải trải qua một thời gian huấn luyện ngắn hạn chứ không phải chịu một thời gian huấn luyện (và huấn nhục) dài 9 tháng (cho cả nam lẫn nữ) như Khóa 1. Nguyễn Thanh Thủy đã cùng gần 50 cô gái khác tuyển tình nguyện vào học nội trú trong Học viện CSQG.

Biệt đội Thiên Nga gồm những cô gái chân dài, được tuyển mộ làm cảm tình viên, mật báo viên, hoạt động khắp lãnh thổ miền Nam từ Quảng Trị đến Cà Mau, từ thành thị đến những vùng nông thôn xa xôi tuổi từ 20 đến dưới 40, hoạt động thâm nhập vào các tổ chức của hạ tầng cơ sở cách mạng.

Biệt đội Thiên Nga trong thời gian này đã rêu rao thành tích cấy người được vào trong thành phần thứ ba, hoạt động trong tổ chức Phụ nữ đòi quyền sống của bà luật sư Ngô Bá Thành.

Tất nhiên đây là thành tích rêu rao từ một phía, vì nếu Thiên Nga tài giỏi như vậy hẳn khó có những nhà tình báo, biệt động thành lỗi lạc của Cách mạng hoạt động trong các cơ quan đầu não Sài Gòn như Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn, Phạm Ngọc Thảo, Tám Thảo… và ai cũng biết câu chuyện về ông Huỳnh Văn Thắng (Năm Thắng), quê ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre.

Đầu năm 1970, trong một lần Năm Thắng chăm sóc sức khỏe cho ông Ba Hội - Trưởng Ty Công an Bến Tre, đột nhiên hỏi anh: "Tao thấy mày trắng trẻo, xinh xắn như… con gái. Hay là mày giả gái vô làm trong đội Thiên Nga đi".

Năm Thắng kể lại: "Cấp trên giao cho tui trong vòng 6 tháng phải tìm cách lọt được vào đội Thiên Nga, vì thế tui phải về nhà để má tui dạy làm... con gái". Những ngày sau đó, Năm Thắng bắt đầu tập chuyển đổi "giới tính" với việc làm quen giày cao gót, áo ngực cũng như để tóc dài, gội đầu bồ kết. Nhưng điều đó chưa khó bằng cách tập đi lại, nói năng, điệu bộ...

Mấy tháng trời tập luyện, cuối cùng tại địa bàn Mỏ Cày đã xuất hiện cô gái Năm Thanh duyên dáng chuyên bán hàng rong. Câu chuyện giả gái của Năm Thắng (mật danh F5) là một cú tát cực mạnh vào bộ máy tình báo ngụy mang tên Thiên Nga, chúng không bao giờ ngờ được rằng, trong hàng ngũ Thiên Nga của chúng lại có "Thiên Nga" Việt cộng trà trộn vào, mà lại là một "đực rựa" chính gốc hoạt động cho đến khi còn một tháng là giải phóng, tổ chức cho phép rút ra căn cứ an toàn vì con trai Tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) quá si tình Năm Thanh đòi phải cưới gấp.

Tháng 5/1975, thành phố Sài Gòn náo nức tưng bừng cờ hoa mừng giải phóng, hòa bình thì cũng là lúc những kẻ phía bên kia như bầy Thiên Nga đang sống trong những ngày tháng đầy hoang mang, lo sợ. Lúc này, chồng trùm biệt đội Thanh Thủy là đại úy Lê Thành Long, sĩ quan Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt đã ra trình diện chính quyền quân quản và thi hành cải tạo.

Hồi ức về bản thân khi đã được định cư tại Hoa Kỳ, cựu trùm biệt đội Thanh Thủy chua chát kể lại rằng: "Không ai trong gia đình, kể cả chồng biết được tôi là một "Thiên Nga" và là chỉ huy. Người cha già là một thầy giáo dạy học, chỉ biết con gái là một thiếu tá cảnh sát.

Chồng Thanh Thủy cũng chỉ biết vợ mình làm ở "khối đặc biệt" nhưng không biết công việc cụ thể của vợ là gì. Gia đình chồng chỉ biết, họ có con dâu là một sĩ quan cảnh sát, dạy học ở Trường trung học Cảnh sát Trung Thu. Một con người luôn phải sống trong sự khép kín, không bao giờ được nói thật và không bao giờ có thể tìm được sự chia sẻ, đồng cảm.

Những đòn "oan ức" mà nhiều Thiên Nga khi đã về già kể lại đều rất tức tưởi, xót xa hệt như nhau. "Thiên Nga" Hà Thị Đông Nga, cựu trung úy cảnh sát, xướng ngôn viên truyền thanh truyền hình Bộ Tư lệnh Cảnh sát Sài Gòn kể: "Những Thiên Nga hầu hết đều ở tuổi 17 - 20, ai cũng có những tình cảm riêng. Có điều tình cảm riêng đó đôi khi gãy đổ rất oan ức. Nhẹ nhàng thì một buổi chiều mình hẹn người yêu thì công tác tới, mà nghề này công việc bất kể giờ giấc. Có thể là 11, 12h đêm có thể là 1, 2h sáng. Lấy lý do gì biện minh cho hành động của mình đây?".

Nguyễn Thanh Thủy tập trung cải tạo một thời gian tại các trại Long Thành, Z30D đó cũng là thời gian hai đứa con nhỏ khuyết tật lớn lên trong sự chăm sóc của ngoại, sau đó là của cha, khi ông này trở về từ trại cải tạo vào tháng 10/1981.

Ngày trùm biệt đội Thiên Nga được trả tự do đã mày mò về góc đường Hai Bà Trưng - Phan Đình Phùng bán cơm tấm, nước ngọt kiếm sống qua ngày cho đến lúc được xuất cảnh theo diện H.O vào tháng 2/1992 và định cư tại quận Cam, California. Tại Mỹ vào năm 2002, con gái đầu lòng của hai vợ chồng này đã qua đời đột ngột và để lại một đứa cháu mắc bệnh bẩm sinh.

Chiến tranh đã qua đi. Quá khứ dần khép lại. Nhưng câu chuyện về thân phận những người đã dự phần trong những biến động lịch sử, nhất là những người làm cho Biệt đội Thiên Nga, hiện thân của những con rắn độc hại người không gớm tay.

Họ đã phải trả giá khi lịch sử sang trang nhưng vẫn còn đó những bài học về sự cảnh giác với kẻ thù khi mà còn không ít những con rắn độc đội lốt Thiên Nga còn sống và đang tồn tại quanh ta

Theo Nam Yên
An ninh thế giới

Đăng lại

 

https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/biet-doi-thien-nga-va-toi-ac-mang-guong-mat-my-nhan-659787.tpo

 

 

No comments:

Post a Comment