Các Chủ Đề

Sunday, January 30, 2022

Phong tỏa kinh tế Nga cách nào?

Mỹ và các nước NATO sẽ không gửi quân sang giúp Ukraine nếu quân Nga tấn công; chỉ gửi tặng vũ khí cho dân Ukraine cầm cự. Nhưng tất cả đang chuẩn bị những đòn kinh tế. Ông Vladimir Putin biết vậy mà vẫn tỏ ra coi thường. Nhưng nếu ông tấn công Ukraine, các biện pháp cấm vận mới sẽ được thi hành triệt để; không biết kinh tế Nga sẽ chịu đựng được bao lâu trước khi những người chung quanh Putin cũng thấy cuộc phiêu lưu phải chấm dứt.

Ông Vladimir Putin không lo lắng, vì từ năm 2014 Nga đã bắt đầu bị cấm vận mà chưa thấy hậu quả nào đáng sợ. Nga chiếm Crimea, nhưng đa số dân ở đó gốc Nga. Cho nên phản ứng của các nước khác không mạnh mẽ. Bán đảo này trước vẫn thuộc đế quốc Nga, được nhường cho Ukraine khi Liên Xô sụp đổ, để đem về Nga các hỏa tiễn và bom hạch tâm vẫn đặt tại đó.

Những biện pháp phong tỏa từ năm 2015 chỉ nhắm gây khó khăn khi Nga đi vay nợ bằng Mỹ kim trên thị trường quốc tế. Khối tiền Nga vay bằng đô la đã giảm bớt một phần ba, từ $733 tỷ đô la năm 2015, năm ngoái tụt xuống $489 tỷ. Tháng Tư năm 2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden cấm các nhà đầu tư Mỹ mua các trái khoán, thường gọi là OFZ, dùng đồng “rúp” của Nga. Các nước Tây phương sẽ tung ra những đòn mới nhắm vào các ngân hàng và công ty xuất cảng của Nga

Một đòn kinh tế mới được báo trước là, nếu Nga đánh Ukraine, các ngân hàng Nga sẽ bị cắt ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế mang tên là SWIFT (Society for Worldwide Interbank Financial Telecommunication). Hành động này sẽ ảnh hưởng nặng và rộng lớn hơn, cản trở các công ty Nga khi giao dịch với thế giới bên ngoài.

SWIFT là một tổ chức tư, giống như “hợp tác xã,” đặt trụ sở tại nước Bỉ (Belgium) cho các ngân hàng quốc tế thanh toán tài khoản với nhau. Có hơn 11,000 ngân hàng và định chế tài chánh thuộc 200 quốc gia tham dự vào mạng lưới thanh lý này. Khi quý vị ở Việt Nam dùng ngân phiếu trả tiền cho một công ty ở Nigeria, họ chỉ nhận đồng mỹ kim. Ngân hàng của quý vị phải đi qua một ngân hàng Mỹ có giao dịch với ngân hàng của nước Phi Châu này, qua một “nhà băng” Anh quốc hay Italy vẫn đổi tiền với Nigeria. Các vụ hoán chuyển này có thể gồm nhiều bước trung gian khác; cuối cùng đều qua hệ thống SWIFT. Các Ngân Hàng Trung Ương và ngân hàng thương mại đều cần dịch vụ thanh lý của SWIFT.

Mỹ và Âu châu có thể yêu cầu SWIFT ngưng không giao dịch với một số, hay tất cả các ngân hàng lớn của Nga. Các công ty xuất cảng dầu, hơi đốt và quặng mỏ của Nga sẽ gặp khó khăn khi thu tiền bán hàng. Họ sẽ tìm con đường khác để rút được tiền về, nhưng sẽ chậm chạp và phí tổn tốn kém hơn.

Nước Iran đã qua kinh nghiệm đó. Tháng Ba năm 2012, do Mỹ yêu cầu, SWIFT ngưng giao dịch với các ngân hàng Iran để tạo áp lực buộc Iran ngưng chế tạo bom nguyên tử. Sau khi bị cấm vận, số tiền bán dầu lửa của Iran đã giảm mất một nửa, tiền thu nhờ xuất cảng bớt 30%.

Kinh tế Iran tương đối nhỏ hơn và giao dịch với bên ngoài ít hơn kinh tế Nga. Năm 2014, sau những phản ứng quốc tế vì cuộc xâm lăng Crimea, Nga đã chuẩn bị đối phó nếu không được dùng SWIFT. Hệ thống này, tên là SPFS cũng tạo nơi cho các ngân hàng thanh lý, nhưng không lôi kéo được các ngân hàng quốc tế. Các ngân hàng Nga cho tới nay cũng mới chỉ đưa 20% các vụ thanh lý trong nước qua SPFS.

Nhưng sử dụng SWIFT để phong tỏa kinh tế Nga cũng chỉ có tác dụng giới hạn. Chính ngân hàng các nước như Mỹ và Đức cũng giao dịch với các ngân hàng Nga qua mạng SWIFT; họ sẽ chịu tốn kém hơn khi phải đi qua ngả khác. Ngoại thương của Nga sẽ bị đình trệ một phần nhưng không hoàn toàn suy sụp.

Vì thế, sau khi cắt Nga ra khỏi SWIFT, Mỹ, Anh và các nước Âu châu sẽ phải đánh trực tiếp bằng các món võ tài chánh khác. Họ sẽ chặn không cho các ngân hàng Nga đổi đồng “rúp” lấy mỹ kim, như Tòa Bạch Ốc đã đe dọa.

Nga đang cung cấp dầu và khí đốt cho Âu châu, đó là một món thu lợi lớn, đồng thời khiến các nước Tây Âu lệ thuộc vào nguồn cung cấp của Nga. Nước Đức mua dầu lửa và khí đốt từ Nga chuyển qua Ukraine, và sắp hoàn thành đường ống dẫn dầu Nord Stream 2, nằm bên ngoài Ukraine. Điều đó giải thích một phần thái độ dè dặt của Đức trong cuộc đối đầu với ông Putin. Đức không gửi vũ khí qua giúp Ukraine, mà chỉ gửi tặng quân trang! Nhưng chính phủ Đức vẫn cho biết nếu Nga xâm lăng Ukraine thì họ sẽ ngưng ngay việc xây dựng đường ống Nord Stream 2. Chính phủ Mỹ đang khuyến khích các quốc gia khác chuyển dầu khí cho Âu châu, kể cả Qatar, một nước dầu lửa ở Trung Đông.

Nhưng cấm vận kinh tế và tài chánh chỉ là một phần trong kế hoạch trừng phạt nếu quân Nga đánh Ukraine. Quốc hội Mỹ và Tòa Bạch Ốc đang chuẩn bị một món võ khác, nhắm vào công nghiệp điện tử tin học, mà nước Mỹ cũng đang sử dụng với Trung Cộng.

Chính phủ Mỹ đã cấm không được bán cho Trung Quốc các chất bán dẫn loại mới nhất, từ 9 nano-mét trở xuống (nano-mét bằng một phần tỷ của một mét). Công ty Huawei không thể hoạt động mạnh như trước cũng vì lệnh cấm bán “chíp” này. Công ty Hòa Lan cung cấp máy móc, thiết bị tinh vi nhất để chế tạo chíp cũng không được phép bán cho Trung Quốc. Trung Cộng sẽ không thể đuổi kịp công nghiệp làm chíp ở Nam Hàn, Đài Loan, Mỹ, Nhật Bản.

Tổng thống Mỹ đã báo cho các công ty kỹ thuật tin học và điện tử Mỹ chuẩn bị khi có các biện pháp cấm vận mới đối với Nga, nếu Ukraine bị xâm lăng. Vì công nghiệp điện tử ở Nga còn rất thô sơ nên không phải chỉ các loại chíp và thiết bị tối tân mới bị ngăn chặn. Chính phủ sẽ cấm bán cho Nga tất cả các hàng hóa, dụng cụ điện tử, không những từ nước Mỹ mà cả từ các công ty thuộc các nước khác. Mạng lưới cấm vận có thể mở rộng như vậy vì các hoạt động sản xuất đồ điện tử và tin học đều phải sử dụng các sáng chế, kỹ thuật từ nhiều quốc gia. Một món hàng sản xuất ở Romania hay Thái Lan chỉ cần chứa một bộ phận do các công ty Mỹ làm, hoặc sử dụng một bằng sáng chế của công dân Mỹ, đều có thể bị cấm.

Phong tỏa tài chánh, kinh tế, và kỹ thuật đã được sử dụng trong cuộc chiến tranh lạnh thế kỷ trước. Khoa học Liên Xô có thể rất tiến bộ nhưng các kỹ thuật sản xuất thì chậm lụt, đi sau các nước tư bản cả một thế hệ, khiến kinh tế suy sụp.

Liên Xô ngày xưa tách biệt hẳn với các nước tư bản. Dân chúng chịu cơ cực được cả đời vì họ không biết bên ngoài loài người đã tiến bộ như thế nào. Nước Nga bây giờ giao thương với cả thế giới. Mỹ và các nước Tây phương có thể cắt đứt các sợi dây nối nước Nga với mạng lưới kinh tế toàn cầu, và sẽ thắt chặt dần dần cho đến khi dân Nga thấm mệt. Chính những người đang hưởng lợi trong chế độ của Vladimir Putin sẽ thấy phải thay đổi.

Các biện pháp kinh tế sẽ chỉ gây ảnh hưởng từ từ, không phải một đòn chí tử. Nhưng chúng ta biết rằng Liên bang Xô Viết đã đổ sập không phải vì thiếu hỏa tiễn, xe tăng, hay vũ khí hạch tâm; mà chỉ vì kinh tế suy yếu.

Ngô Nhân Dụng

https://www.voatiengviet.com/a/phong-toa-kinh-te-nga-cach-nao/6414939.html

No comments:

Post a Comment