Các Chủ Đề

Sunday, June 11, 2023

Hai đồn công an ở Đắc Lắk bị tấn công

 

Lực lượng Cảnh Sát Cơ Động

2 đồn công an ở Đắc Lắk bị tấn công, 4 công an, 2 cán bộ, và 2 dân chết


ĐẮK LẮK, Việt Nam (NV) - 10 - 6 - 2023 – Một nhóm hàng chục người dùng súng tấn công hai trụ sở công an xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, lúc 1 giờ sáng Chủ Nhật, 11 Tháng Sáu, làm sáu cán bộ công an và chính quyền và hai người dân thiệt mạng, cùng hai người khác bị thương, theo báo mạng VNExpress dẫn lời Bộ Công An và công an tỉnh Đắk Lắk cho biết.

Tuy nhiên, bài báo này sau đó bị gỡ xuống.


 

Báo Công Thương cũng đăng nội dung tương tự và cũng bị gỡ xuống.

Còn tờ Tuổi Trẻ dẫn lời Trung Tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công An Việt Nam, xác nhận hai vụ tấn công “làm chết và bị thương một số cán bộ công an và người dân.”

Một văn bản rò rỉ trên mạng mà nhật báo Người Việt chưa thể kiểm chứng cho thấy có tên, quê quán, đơn vị, chức vụ, và nơi cư ngụ của những người thiệt mạng và bị thương.

Theo văn bản này, tám người chết gồm bốn sĩ quan công an, đó là một thượng tá và một đại úy thuộc xã Ea Tiêu, và một thiếu tá và một thượng úy thuộc xã Ea Ktur.

Hai cán bộ chết là chủ tịch xã Ea Tiêu và bí thư đảng ủy xã Ea Ktur.

Trong hai người dân chết có một người ở xã Ea Tiêu và một ở xã Ea Ktur.

Ngoài ra, có một thượng úy và một đại úy công an xã Ea Ktur bị thương.

Bản tin của đài truyền hình VTV dẫn lời ông Xô cho biết “các lực lượng công an đã bắt giữ sáu đối tượng, hiện đang tập trung xét hỏi để bắt các đối tượng còn lại.”

 

 Một văn bản bị rò rỉ hôm 11 Tháng Sáu được cho là báo cáo của công an tỉnh Đắk Lắk về sự việc. (Hình: Chụp qua màn hình)

Bộ Công An cho biết họ “triển khai vây bắt nhóm người nêu trên” và đề nghị người dân huyện Cư Kuin “bình tĩnh, không hoang mang và thực hiện theo yêu cầu của chính quyền cơ sở và các lực lượng chức năng.”

Theo bài báo của VNExpress bị gỡ xuống, có tựa đề “Hai trụ sở công an ở Đắk Lắk bị tấn công,” có khoảng 10 người mặc đồ rằn ri, đi xe máy đến trụ sở ủy ban và công an xã Ea Tiêu.

Sau khi giết hai cán bộ công an, những người này ra ngã ba Ea Sim, quốc lộ 27, chặn một chiếc xe bán tải và bắn chết tài xế.

Cùng lúc, một nhóm khác gồm 30 người đi hai xe Jeep và xe gắn máy, tấn công trụ sở ủy ban và công an xã Ea Ktur.

Những người này dùng súng và dao tấn công một thiếu tá 42 tuổi, một đại úy 35 tuổi và hai thượng úy 21 và 29 tuổi. Bí thư xã, chủ tịch xã và một thanh niên sau đó cũng bị bắn.
 

VNExpress ghi nhận có bảy người chết trong đó có một người dân, ba người khác bị thương.

Trong khi đó, mạng xã hội lan truyền một văn bản được cho là báo cáo của công an tỉnh Đắk Lắk về sự việc.

Theo đó, nhóm tấn công hai đồn công an xã gồm “30 người mặc đồ rằn ri, bịt mặt, đi xe gắn máy, có vũ trang.”

“Đây là nhóm hoạt động khủng bố có vũ trang đặc biệt nguy hiểm, hiện nay chưa kiểm soát, và tiếp tục di chuyển đến địa bàn khác,” báo cáo viết.

Báo cáo của công an tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết thêm, Bộ Công An ra lệnh triển khai ngay lập tức phương án phòng chống khủng bố, thường trực chiến đấu 100% quân số, sẵn sàng vũ khí…

Bên cạnh đó là việc bố trí việc bảo vệ các cơ quan của đảng, nhà nước tại tỉnh Đắk Lắk, cũng như giới chức lãnh đạo địa phương.

Vụ xả súng xảy ra hai tháng sau khi ông Y Krếch Byă, 45 tuổi, ở buôn Knia, xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, bị bắt, khởi tố với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết, thu thập tài liệu xuyên tạc, gây chia rẽ.”

Theo báo Pháp Luật TP.HCM và Công An Nhân Dân hồi đầu Tháng Tư, công an tỉnh Đắk Lắk quy chụp cho ông Y Krếch Byă ở huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, theo Fulro (Mặt Trận Thống Nhất Đấu Tranh Của Các Sắc Tộc Bị Áp Bức).

Ông Y Krếch Byă cùng với Mục Sư Aga, người sáng lập Hội Thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, hiện đang tị nạn ở Hoa Kỳ, bị cho là tổ chức hàng trăm buổi hội họp tập huấn trực tuyến, chỉ đạo thu thập các thông tin, tài liệu nhằm “xuyên tạc, gây chia rẽ giữa người dân với chính quyền và lực lượng vũ trang.”

Một số trang của lực lượng “dư luận viên” cáo buộc xã Ea Ktur và huyện Cư Kuin “là địa bàn phức tạp, cứ điểm quan trọng của tổ chức Fulro Tây Nguyên nhằm đòi ly khai, tách Tây Nguyên ra khỏi Việt Nam, thành lập nhà nước tự trị.” (N.H.K) [đ.d.]

Nhật Báo Người Việt, California, Hoa Kỳ

2023.06.10

https://www.nguoi-viet.com/tin-hot/cong-an-dak-lak-bi-tan-cong/


Bình Luận:

Người Thượng vùng Tây Nguyên từ sau 1975 đã bị mất đất vì chính quyền cộng sản đem hàng triệu dân từ miền Bắc vào Tây Nguyên lấy đất làm đồn điền, đẩy người Thượng ngày càng phải đi vào vùng rừng núi sâu, xa nguồn nước, đất đai cằn cỗi. Để chống lại người Thượng, nhiều người từ miền Bắc vào là cựu bộ đội và họ được chính quyền phát súng để bảo vệ cho gia đình họ. Điều kiện sinh sống khó khăn khiến cho dân số người Thượng ngày càng giảm dần. Năm 1996, có lần ở Kon Tum có hơn sáu ngàn người Thượng mang cung nỏ, giáo mác kéo về chiếm tỉnh lỵ. Nhà nước đem quân đội đến đàn áp và vùng này bị vây cấm người Kinh đi lên đó mấy năm sau đó. Chỉ có ai có giấp phép đặc biệt mới được đi vào cùng đó. Người Thượng yếu không chống lại được với sự bành trướng cướp đất của người Kinh nhưng nỗi oán hận không bao giờ nguôi .

Những người tấn công trụ sở công an là ai? Chắc không phải là lớp người thuộc quân đội Việt Nam Cộng Hòa đi ra nước ngoài từ sau 1975 vì họ đã già và nhiều người đã qua đời. Cũng không phải là lớp người trẻ thế hệ thứ hai ở Mỹ vì những người này lớn lên ở Mỹ, sống theo lối Mỹ, không biết gì nhiều về tình hình ở Việt Nam. Những người theo đạo do các mục sư người Thượng có thể làm điều này không? Các mục sư thì chỉ muốn truyền đạo, dạy dân sống cho có đạo đức, họ không phải là loại người xúi dân bạo động. Ở Ba Lan, thời thập niên 1980, người dân Ba Lan phản kháng chính quyền cộng sản vì nghe lời các linh mục nên họ không dùng vũ lực. Chính quyền Việt Nam hiện nay có thể dễ dàng đổ cho những người này thuộc phong trào Fulro, do các mục sư xúi dục. Nhưng thực ra nếu đa số người Thượng theo đạo thì họ lại trở thành hiền từ, ít bạo động. Ngăn cản họ không được theo đạo thì làm họ tức giận, cộng thêm nỗi oán hận vì bị mất đất. Mà những người này có phải là người Thượng hay không?

Vụ tấn công này xảy ra vào lúc kinh tế Việt Nam xuống thấp, hàng chục ngàn người bị các hãng ngoại quốc xa thải vì không có đơn đặt hàng, người dân nghèo vì mới trải qua bệnh dịch Covid.

 

No comments:

Post a Comment