Các Chủ Đề

Friday, January 5, 2024

Khi bạo ngu làm vua chúa



Lưu Bang chém Bạch Xà

Tôi vẫn thường thắc mắc là không hiểu liệu lịch sử có lặp lại không, hoặc giả chúng ta có thể nào “ôn cổ nhi tri kim” được hay không. Trong mấy ngày Tết vừa qua, nhân lấy cớ đau ốm, tôi đã “bế quan tạ khách” để ở nhà đọc lại cuốn sách “Trung Quốc Trung Cổ Tư Tưởng Trường Biên” của Hồ Thích và cuốn truyện “A Tale of two Cities” của Charles Dickens (1812-1870) vì tôi chợt nhớ rằng đã có một thời kỳ mà cả hai quốc gia xa cách hàng ngàn cây số cũng trải qua những bước thăng trầm lịch sử giống nhau trong những biến loạn thời cuộc.

Thực sự là trong vài ba ngày tôi không đủ tài để đọc xong được cuốn sách chữ Hán dài vài trăm trang vì với trình độ Hán ngữ ở mức trung bình, do vậy, tôi chỉ có thể chọn đọc một số trang cần thiết liên quan tới quãng thời gian tranh bá đồ vương của Lưu Bang.

 

Một số Sử gia Tàu, thuộc chính phái, vẫn tỏ vẻ không ưa vị vua võ biền thất học, nhưng vì Lưu Bang đã thành công gom thiên hạ về một mối, nên họ đành phải bênh vực bằng cách gán tất cả hành vi gian manh và tàn bạo (giết công thần vì nghi kỵ hoặc vì đố kỵ tài năng, tàn sát lương dân để mưu giành lợi lộc cho thân thuộc, tranh quyền đoạt vị) vào Lã Hậu (vợ của Hán Cao Tổ tức Lưu Bang).

Trái lại, một số Sử gia không chính thống đã thẳng tay phê phán; điển hình là Hồ Thích.

Tần Thủy Hoàng, sau khi đánh thắng 6 nước lớn (lục quốc) để thâu gồm thiên hạ về một mối và đã cai trị bạo ngược hà khắc bằng chính sách “pháp trị của Thương Ưởng” khiến dân chúng bất mãn vì đói khát, khổ cực vì phải đi làm phu phen kiến tạo Vạn Lý Trường Thành, hoặc xây dựng cung A Phòng rộng nguy nga để chứa 3.000 cung nữ, mất quyền được ăn nói (nếu quân lính bắt gặp hai người “ngẫu nhĩ” tức là kề tai nói nhỏ với nhau thì có quyền giết không tha).

Do vậy, triều đại nhà Tần chỉ tồn tại được vài chục năm rồi mất về tay nhà Hán và người sáng lập ra đế chế Hán triều là Lưu Bang. Học giả Hồ Thích đã gọi hắn bằng mấy chữ sau đây “một gã vô lại lười biếng.”

Theo sử học thì Lưu Bang sinh ra trong một gia đình bần hàn dốt nát, thuở nhỏ không học hành, lớn lên lêu lổng, rồi làm chức “đình trưởng” tức là một chức vụ của người đi mộ phu hay trông coi một nhóm thanh niên xung phong đi làm tạp dịch. Sau vài lần bê trễ công tác và nhậu nhẹt quá đà nên bị cấp trên trừng phạt nặng và có thể bị xử tội chém đầu, Lưu Bang đã vội sách động phu phen nổi lên giết nhà cầm quyền địa phương.

Tuy thất học nhưng lại khôn vặt, hắn đã phịa ra chuyện “trảm mãng xà” và gán vào miệng một bà lão ngồi khóc tỉ tê oán trách Xích Đế đã chém chết Bạch Xà vốn là con của bà. Con rắn trắng này đã giết hại rất nhiều người. Nay đột nhiên Lưu Bang giết được rắn tức là cứu sống muôn dân thì kể như Lưu Bang có chân mệnh đế vương.

Thế là dân chúng tin chuyện này và ùa theo về với Lưu Bang để nổi lên chống lại nhà Tần bạo ngược. Nhưng anh xếp đã ít học thì bọn tay chân cũng cùng một giuộc với nhau.

Học giả Hồ Thích nói rằng “Tiêu Hà là viên lại” mà ta hiểu là một chức vụ thư ký hay kế toán bây giờ; “Phàn Khoái là đồ tể giết heo và chó” tức là nghề mổ và bán thịt heo và chó theo chu trình khép kín ngày nay (đích thân giết chó và heo rồi sau đó ngả ra thịt để bán ngay tại nhà); “Hạ Hầu Anh là một mã phu” có nghĩa là làm nghề chạy xe ôm, tài xế (xe taxi hay xe đò) hiện nay; “Quán Anh làm nghề bán sọt” có nghĩa là làm nghề buôn thúng bán bưng hiện nay; “Chu Bột làm nghề thổi kèn đám ma” tức là nghề nhạc công trong tiệm giải khát hay vũ trường ngày nay; “Bành Việt là một người đánh cá” tức là một nghề chài lưới hay buôn bán trên sông nước hiện nay; “Anh Bố là kẻ tội đồ bị khắc chữ trên mặt” tức là một tay anh chị hết vào tù ra khám như cơm bữa hiện nay; “Hàn Tín là một tên lưu manh nghèo mà vô hạnh” tức là một tay chơi khố rách áo ôm thời nay… Chỉ có Trương Lương, Trần Bình và Lục Giả là dân trí thức.

Tóm lại, với một đám bề tôi thất học và vũ phu như thế thì sau bao năm khởi nghĩa bạo loạn và lẩn trốn trong rừng sâu núi thẳm hẳn phải có lúc sống chui trốn lủi, ăn uống tạm bợ và thiếu thốn nên cuộc sống tinh thần chắc chỉ ở mức cầm thú. Nhưng sau khi giành thắng lợi và thống nhất giang sơn, Lưu Bang lại cai trị thiên hạ bằng vũ lực và xử thế bằng ngu muội.

Sử sách chỉ nói tóm tắt rằng khi đó triều đình thật bát nháo: vua tôi đứng ngồi lộn xộn, ăn tục nói phét, cử chỉ thô lỗ, lời nói hạ lưu…Bọn chúng ăn uống xì xụp, miệng nhồm nhoàm thức ăn, dùng tay bốc hoặc cầm đồ ăn.

Trong truyện “Hán Sở tranh hùng” đã kể rằng Phàn Khoái, theo kế của Quân sư Trương Lương, đem một đùi heo sống và gặm nhồm nhoàm trong bữa tiệc Hồng Môn để làm Sở Bá vương Hạng Vũ và Quân sư Phạm Tăng phải khiếp sợ không dám hành thích Lưu Bang. Sử sách nói rằng Hạng Vũ rất khâm phục Phàn Khoái (vì ăn thịt sống) nên đã quên không giết Lưu Bang ngay lúc đó!

Tôi lại xin nói tới chuyện ăn uống của Lưu Bang và bè lũ. Chúng thường ngồi xổm ngay trên ghế như kiểu “ngồi nước lụt” mỗi khi tụ họp hay ăn nhậu. Chúng húp xùm xụp, chắt lưỡi kêu ngon, vừa ăn vừa nói huyên thiên, hắt hơi, khạc nhổ hoặc sặc làm đồ ăn bắn lung tung, ợ hơi liên tục, đôi khi còn trung tiện như pháo nổ thối hoăng bàn tiệc. Có tên lại “cho chó ăn chè” ngay trên bàn tiệc vì cả bọn đều say xỉn nên đâu có ngửi thấy mùi gì. Khi vào chầu thì mạnh ai nấy vào, nhiều khi đi đụng vào nhau rồi cả hai người cùng chửi rủa “đéo mẹ! đéo cha!” ầm cả lên. Đây là điều tối kỵ trong con mắt Nho gia thời bấy giờ!

Nói tóm lại, đám võ biền thất học trong nhiều năm sống trong rừng rú, ít tiếp xúc với con người có giáo dục nên đời sống cũng không khác loài cầm thú! Trong khi họp bàn cùng quần thần trong triều đình, Lưu Bang ra lệnh cho Phàn Khoái đem một toán lính đi bắt một loạn thần: “Này! Phàn Khoái hãy nghe tao nói. Mau đem mấy thằng lính đi bắt tên nghịch tặc X về đây cho tao!” Phàn Khoái còn mải ăn nên chưa muốn thi hành nên nói: “Đéo mẹ! Đếch biết sự đời! Để tao ăn chút xíu nữa. Trời đánh còn tránh miếng ăn mà!”

Lúc đó, văn quan Lục Giả thường nói chuyện Thi Thư (hai kinh Thi và Thư vốn là hai cẩm nang đề cập đến văn hóa, văn minh, đạo đức, chính trị, cách xử thế… thời xưa) với Hán Cao Tổ (tức Lưu Bang) hy vọng vua tỉnh ngộ biết ứng dụng văn hóa và lễ nghi vào trong cách cai trị đất nước và thần dân cùng cách xử thế với đám quần thần và lê dân. Nhưng Lưu Bang đã mắng một câu như sau: “Ông mày ngồi trên lưng ngựa mà thâu tóm được thiên hạ thì đếch cần tới Thi Thư?”

Một vị vua mà xưng “ông mày” với bề tôi thì thật hết chỗ nói! Nhưng Lục Giả đưa ra luận cứ rằng thâu tóm thiên hạ thì dễ, nhưng cai trị mà không có văn hóa và lễ nghi triều chính thì làm sao kéo dài ngôi vua.

Cuối cùng Lưu Bang nghe hiểu nên chấp nhận đề nghị của Lục Giả. Sau vài tháng tập tành cho quan lại trong triều quen với lễ nghi từ ngàn xưa mà Chu Công đã đề xướng, hôm đó Lục Giả biểu diễn trước mặt Hán Cao Tổ. Tới lúc đó Lưu Bang mới biết lễ nghi của triều đình ngày xưa thật tôn nghiêm và quy củ. Tới lúc đó hắn mới hiểu được ý nghĩa huyền diệu và công dụng độc nhất vô song của văn hóa ngụy quân ngụy quyền! Lý do hắn thích vì từ đây ngôi vua của hắn càng được củng cố thêm vì tất cả quan lại trong triều mỗi khi tâu trình đều phải quỳ lạy một cách kính cẩn và nói năng một cách lễ phép đầy thành kính.

Ngôn ngữ và cử chỉ của bọn nghèo hèn và thất học thì ở nước nào và thời nào cũng giống nhau. Văn hào Charles Dickens cũng đã từng nói tỉ mỉ trong cuốn tiểu thuyết “A Tale of Two Cities:” chúng ngu dốt, tàn bạo, mất nhân tính, vong ân bội nghĩa, ích kỷ, tham lam và chuyên môn cướp của giết người để làm lợi cho bản thân mình dưới chiêu bài “vì quyền lợi của nhân dân xã hội.”

Truyện kể về cuộc Cách Mạng năm 1789 tại Pháp như sau: sau khi được vài anh trí thức “nửa mùa” mớm lời, chúng liền tự trang bị súng ống, giáo, mác, gậy gộc… tiến vào phá ngục Bastille (biểu tượng về sự cai trị bạo ngược của vua chúa) để giải phóng tù nhân, rồi sau đó thừa thắng xông lên lật đổ vương triều, đưa lên đoạn đầu đài vua chúa Pháp và tàn sát tất cả gia đình giới quý tộc, phú hào, giới trí thức…

Một bác sĩ Pháp, vốn là chủ nhân và ân nhân của một cặp vợ chồng quản gia nọ, cũng không tránh khỏi tai kiếp trong cuộc Cách mạng vô sản. Người vợ bần nông đã tham gia cách mạng phá ngục Bastille rồi tìm tới gia đình ân nhân để trả oán! Có lẽ sự kiện này làm dân chúng châu Âu hiểu rõ hơn về bọn bần cố nông? Phải chăng vì thế mà nước Anh, Pháp và nhiều quốc gia châu Âu có trình độ văn hóa cao đã không hề có chế độ vô sản chuyên chính?

Truyện này cũng giống những tình huống bên Trung Hoa lục địa trong thập niên 60 khi xảy ra cuộc chính biến Hồng Vệ Binh mà những học sinh ở độ tuổi 15 đã xông vào đập phá trường học, đốt sách vở tài liệu, làm nhục giáo sư bằng cách bắt họ quỳ lạy và đánh đập tàn nhẫn. Chúng đã thường xuyên chửi rủa, đấu tố… tất cả những ai có bằng cấp, nhất là đã tốt nghiệp đại học tại Anh & Mỹ.

Giới trí thức thời đó bị hạ nhân phẩm xuống còn hơn ăn mày thời nay và tính mạng cũng không được đảm bảo. Chúng đã tuân theo lời huấn thị của Mao Chủ tịch với lời phán như sau: “Trí thức bất hạ hương, bất đẳng phẩn” (Bọn trí thức mà không chịu về lao động tại nông thôn thì không giá trị bằng cục cứt). Từ đó chúng mới có suy luận rằng “Khổng học không giá trị bằng một bãi cứt trâu.”

Cuối cùng thì cuốn Mao Tuyển Tập đã được bọn chúng sùng bái để ứng dụng vào cách xử thế đối với tất cả giới trí thức và khoa bảng và đồng thời cũng để buộc mọi người phải “sống và học tập theo tấm gương đạo đức” của Mao Chủ tịch vĩ đại.

Đây chính là một hình thức cách tân của sách lược “phần thư khanh Nho” (đốt sách, chôn sống học trò) của thời kỳ mạt vận. Tất cả giáo sư, bác sĩ, kỹ sư, luật sư, giới trí thức, sinh viên, văn nghệ sĩ… đều bị cưỡng bách về nông thôn để tăng gia sản xuất và lên núi khẩn hoang để làm kinh tế quốc dân … mà tất cả đều sống trong một tình trạng tinh thần và vật chất thấp kém như thời kỳ “đồ đá” (Stone Age)…

Truyện kể rằng tất cả dân Trung Hoa lục địa đều phải sản xuất ra sắt thép, do vậy, tất cả đồ gia dụng như muỗng, thìa… đều được đưa vào lò luyện kim để chế tạo vũ khí và máy bay… khiến chất lượng sắt thép mềm oặt!

Sau khi Liên Xô ngưng viện trợ và rút chuyên viên nguyên tử lực về nước thì Mao Chủ tịch cứ hạ lệnh phải hoàn thiện việc chế tạo bom hạt nhân dù trong nước không đủ tài lực và nguyên liệu hạt nhân cùng những trang thiết bị cần thiết… đến nỗi gây ra tai nạn nổ sập tỉnh Đường Sơn làm chết gần 600.000 người (song báo chí của Hoa lục nói là động đất) trong thập niên 70.

Hiện nay trên Internet đã liệt kê hàng ngàn tài liệu giá trị nói về hành vi gian ác bạo tàn của họ Mao. Được coi như “serial killer,” Mao Trạch Đông đã tàn sát 65 triệu người dân Trung Hoa từ năm 1949 tới 1976.

Đặc biệt trong cuốn “Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông” của Tân Tử Lăng, được Thông Tấn Xã Việt Nam dịch thuật từ Hán ngữ sang Việt ngữ dưới nhan đề Ngàn Năm Công Tội Mao Trạch Đông, và được in năm 2009 tại Hà Nội… đã đưa ra một nhận định như sau: “… bình quân số người cho rằng Mao Trạch Đông sai lầm nhiều hơn công lao là 77,5%. Khái niệm chung là 3 phần công lao, 7 phần sai lầm.”

Saigon, 2010

Ghi chú

Hiện nay có rất nhiều sách vở và tài liệu nói về họ Mao và được đăng tải trên Internet, song có 3 cuốn rất nổi đình đám vì đã trở thành “best-seller” và sau đó được dịch thuật sang Việt ngữ, mà 2 cuốn trên đã được dịch thuật sang Việt ngữ đăng trên báo mạng hải ngoại, hình như trong vantuyen.net hay quanvan.com gì đó.

1. Mao: The Unknown Story của Jung Chang & Jon Halliday được hai nhà xuất bản Random House và Knof ấn hành năm 2005, dưới mã số lần lượt là ISBN 0-224-07126-2 và ISBN 0-679-42271-4 mà hai Tác giả này đã gọi Mao là “quái vật!”

2. Mao Trạch Đông: cuộc đời chính trị & tình dục của Lý Chí Thỏa

3. Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông của Tân Tử Lăng.

 

 P. Kim Long 

Bình Luận:

Trong cuốn Sử Ký của Tư Mã Thiên có viết sau khi lên ngôi, Lưu Bang cho mở tiệc ăn mừng. Các tướng sĩ ăn nhậu, say rượu cãi nhau, rút kiếm đánh nhau, chém vào cả một cây cột lớn. Lưu Bang ngồi nhìn chán ngán nói tưởng làm vua thì thế nào chứ làm vua như thế này thì cũng chẳng khác gì làm thằng nhà giàu. Về sau, Lưu Bang dùng nhà Nho đặt ra lễ nghi, khi họp triều đình mọi người phải ngồi có trật tự, ai muốn tâu gì với vua thì phải tiến lên và lui về cho đúng lễ phép. Cuộc họp triều đình rất có trật tự. Lưu Bang lấy làm đẹp lòng.

Nhà văn Nguyễn Hiến Lê đọc được sách chữ Hán kể lại Lưu Bang là kẻ ăn nói lỗ mãng, có lần Lưu Bang lột mũ của một nhà Nho vứt xuống đất rồi đái vào mũ, nói ta ngồi trên lưng ngựa mà được thiên hạ, cần gì bọn đọc sách làm thơ. Ông Nguyễn Hiến Lê viết trong cuốn Sử Trung Quốc có bàn về hiện tượng trong lịch sử là kẻ trí thức khởi nghĩa không thành công mà thường thì những kẻ ít học lại lôi kéo được quần chúng và thành công trong việc tranh đoạt quyền lực.

Lưu Bang về già thấy Thái Tử, là người con trưởng, có vẻ hiền lành, không thích, không muốn cho nối ngôi mình. Thái Tử biết cha muốn phế mình bèn tìm đến Trương Lương nhờ giúp. Trương Lương mách kế cho Thái Tử mời ba ông già được người đời trọng vọng đến để phụ giúp cho Thái Tử và khi Thái Tử đến gặp vua thì mời ba ông già này theo. Khi Thái Tử đến chầu Lưu Bang, có đem theo ba ông già này thì Lưu Bang ngạc nhiên nói với ba ông già này rằng sao ta mời ba ông giúp ba ông từ chối nay ba ông lại đi giúp con tôi. Ba ông già này tâu vì bệ hạ hay chửi tục, chúng tôi không chịu được nhục nên không thể ra giúp, nay Thái Tử đối với chúng tôi rất cung kính nên chúng tôi ra giúp Thái Tử. Lưu Bang thấy Thái Tử được lòng ba ông già này thì bỏ ý định phế Thái Tử đi. Câu chuyện này cho thấy tính cách Lưu Bang là người ăn nói lỗ mãng, hay chửi tục. 

Lưu Bang tuy ít học thức nhưng có đầu óc giỏi về chính trị, có lòng tham quyền lực. Trương Lương học được Thái Công Binh Pháp đi tìm người để phò. Trương Lương đem Thái Công Binh Pháp ra nói với nhiều người thì họ không hiểu, khi nói với Lưu Bang thì Lưu Bang hiểu. Trong khi giúp Lưu Bang, Trương Lương đề ra các mưu kế, chính sách thì Lưu Bang hiểu và làm theo. Lúc đầu, Trương Lương định đi gặp con cháu nước Hàn để phò họ mà phục hồi lại nước Hàn. Nhưng khi gặp Lưu Bang thì Trương Lương bỏ ý định đi tìm con cháu nước Hàn. Vì Lưu Bang được trời sinh hiểu được về chính trị, quân sự nên Trương Lương trung thành với Lưu Bang, mặc dù Lưu Bang có nhiều tật xấu. Lưu Bang có lòng tham quyền lực nên mặc dù bị Hạng Vũ đánh bại 72 lần, Lưu Bang vẫn không bỏ cuộc. Đến lần thứ 73, Lưu Bang thắng. Hạng Vũ thua, không còn ý chí để gầy dựng lại lực lượng nên tự tử.

Sau khi thành công, Trương Lương thấy ý định của mình là diệt nhà Tần đã thành công thì lui về ở ẩn để khỏi bị hại về tính tham lam, hay nghi ngờ của Lưu Bang. Lưu Bang có lần gọi Trương Lương đến để phong đất và cho của cải nhưng Trương Lương từ chối hết vật chất, chỉ nhận tước hiệu mà thôi. Lưu Bang thấy Trương Lương không tham của cải, đất đai nên yên tâm với Trương Lương. Để cho Trương Lương lui về sống ẩn dật.

 

Sự thật về Lưu Bang - Hoàng đế lưu manh, lỗ mãng của nhà Hán



Người ta chỉ biết Hán Cao Tổ là bậc anh hùng thời loạn đã giành chiến thắng lừng lẫy trước Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ “sức dời non, khí trùm trời” để lên ngôi hoàng đế, cai trị một đất nước rộng lớn, khiến người người ngưỡng phục với vẻ ngoài đường hoàng, chỉnh tề.

Tuy nhiên, ít ai biết rằng, vẫn một Lưu Bang ấy, dưới ngòi bút của Tư Mã Thiên, trở thành một hình mẫu thành công duy nhất được tô vẽ bằng không ít chuyện truyền thần (giống y như thật), khắc hoạ một cách thần tình khí chất lưu manh, vô lại, lỗ mãng, thô tục và cũng rất phóng khoáng, không câu nệ tiểu tiết của ông.

Đây là cách viết rất hiếm thấy của Tư Mã Thiên nhằm khéo léo vẽ ra tấm “chân dung hoàn chỉnh” về ông, để người đọc nhận ra được "bản sắc" thật sự của bậc đế vương này.

Lưu Bang (256 – 195TCN), hay còn được gọi là Lưu Quý, Hán vương, Bái công, Hán Cao Tổ - là hoàng đế sáng lập nhà Hán.

Ông ở ngôi hoàng đế 8 năm (202 - 195), khi mất được an táng ở Trường Lăng (Trung Quốc). Sở trường: dùng người.

Trong thời đại quân chủ chuyên chế thời xưa ở Trung Quốc, người bản triều chép sử về hoàng đế bản triều, Tư Mã Thiên đã “nêu cao” phong trào tô điểm hoàng đế bản triều trong sử học, nhưng tuy đã đeo cho hoàng đế tấm mạng che mà bộ mặt thật của họ vẫn bị phơi bày.

Theo “Sử ký - Cao Tổ bản kỷ” (Tư Mã Thiên), mẫu thân Lưu Bang “nằm nghỉ trên bờ một cái đầm lớn, mộng thấy nằm với một vị thần”, rồi bà mang thai sinh ra Lưu Bang. Xem ra, ông ta chắc chắn là con trai của mẹ ông.

Cứ cho thời Tần Hán không “bảo thủ” như bây giờ, nhưng một phụ nữ có chồng lại nằm ngủ ngoài đồng ngoài ruộng thật khó tin. Đây hẳn là một câu chuyện bịa đặt, mục đích là để nói Lưu Bang là nòi giống rồng tiên. Những tình tiết hoang đường nói về Lưu Bang khác hẳn cách viết bình thường này của Tư Mã Thiên cho thấy ông đã khéo léo chê bai ông vua nhà Hán.

Khi còn lông bông ở quê nhà, người ta gọi Lưu Bang là Lưu Quý (“quý” chỉ người con thứ ba trong một gia đình), tức thằng ba nhà họ Lưu. Tuy đã lớn đầu, nhưng cả ngày ông chỉ “chí thú” cùng bạn bè rượu thịt, tụ tập đàn đúm, quỵt tiền chủ quán rượu, không thì lại nghênh ngang ngoài đường tay đập bàn chân đạp ghế hăm dọa người ta, khi không lại rủ nhau đi ngắm gái.

“Cao Tổ bản kỷ” chép: “Đối với tất cả các quan lại trong quận, Cao Tổ đều coi thường và đùa bỡn, thích rượu và gái”, ông thường xưng là “nãi công”, một cách tự xưng của đám du côn thời trước, “bằng vai phải vế” với từ “ông mày” thời nay. “Chính sử Trung Quốc qua các triều đại” (Thương Thánh) đã nói “Thái công (tức bố Lưu Quý) tức giận mắng con là đồ vô lại”.

Khi ông lâm vào đường cùng, buộc phải phản Tần trở thành Hán vương, Lệ Thực Kỳ xưng là Nho sinh cung kính đến xin bái kiến, Lưu Bang (tức, Bái Công) đang ngồi xoạng chân trên giường để hai tì nữ rửa chân bèn sai người đuổi đi, nhưng khi ông ta xưng là “sâu rượu” xin gặp, thì mừng rỡ mời vào.

Rồi khi Lệ Thực Kỳ nói tới chuyện diệt Tần, bèn đứng bật dậy, mặc áo quần chỉnh tề, cung kính nghe mà không để tâm việc ông ta xông vào không quỳ lạy mình.

Trong “Kình Bố liệt truyện” có nói: Bố đường cùng đến gặp Lưu, thấy Lưu ngồi xổm tiếp đón bèn cả giận, thẹn muốn tự sát. Như vậy đủ thấy tác phong của Lưu Bang “đường hoàng”, chỉnh tề được đến mức nào.

Trong “Lịch Sinh truyện” nói rằng: “Bái Công không thích nhà Nho, thấy khách đội mũ nhà Nho đến, bèn giật lấy, đái đầy mũ. Nói chuyện với người, thường hay chửi bới văng tục”. Đây không thể là hành vi của một kẻ có chút giáo dục.

Xưa nay, bậc đế vương muốn giành lấy giang sơn mà bất chấp sự sống chết của bách tính không phải ít. Nhưng Lưu Bang, trên bất chấp tính mạng của cha mẹ, dưới chẳng màng đến mạng sống của con đẻ thì quả là “hơn người”.

Khi Lưu Bang bị quân của Hạng Vũ truy sát, ông bố này chỉ biết đến mạng sống của mình, ba lần đẩy Hiếu Huệ Đế và Công chúa Lỗ Nguyên là cốt nhục của mình xuống khỏi xe ngựa hòng thoát thân. May có Hạ Hầu Anh ba lần đón lại lên xe mới giữ được mạng sống.

Khi Hạng Vũ bắt được bố đẻ Lưu Bang, dọa giết ông ta, Lưu Bang trâng tráo: “Ta ngươi đã kết nghĩa huynh đệ, cha ta cũng là cha ngươi, nếu ngươi giết cha, nhớ phần ta một bát canh”. Cứ cho đây là lời cứng miệng trước kẻ thù, nhưng việc lấy tính mạng cha mình ra đánh cá thật đáng sợ.


Tuy Lưu Bang lưu manh thô lỗ, thường hay văng tục, nhưng lại biết “điểm dừng” khi có người giẫm chân thầm nhắc, ông khôn ngoan rất biết lắng nghe và có sở trường dùng người. Chính nhờ vào biệt tài này mà ông ta lấy được thiên hạ.

Ông từng thẳng thắn thừa nhận: “Phàm việc tính toán trong màn trướng mà quyết định được sự thắng ở ngoài ngàn dặm thì ta không bằng Tử Phòng (tức Trương Lương); trị nước nhà, vỗ yên trăm họ, vận tải lương thực không bao giờ đứt thì ta không bằng Tiêu Hà; nắm trong tay trăm vạn quân đã đánh là nhất định thắng, tiến công là nhất định lấy thì ta không bằng Hàn Tín” (trích trong Cao Tổ bản kỷ).

Đây chính là ba vị hào kiệt đưa Lưu Bang lên ngồi chễm chệ trên ngai vàng, trở thành hoàng đế khai quốc nhà Hán lưu danh sử sách.

danviet.vn



No comments:

Post a Comment