Các Chủ Đề

Saturday, January 27, 2024

Nguyễn Công Khế và hai lần thoát chết

Nguyễn Công Khế

Phần 1

Nguyễn Công Khế được mệnh danh là “trùm những ông trùm” của báo chí quốc doanh. Chức vụ cao nhất của ông Khế đến khi nghỉ việc chỉ là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Tổng Biên tập báo Thanh Niên. Thế nhưng Nguyễn Công Khế lại là nhân vật “vua biết mặt, chúa biết tên” và thế lực kinh người thì khỏi phải bàn cãi. Việc ông Khế bị cơ quan an ninh khởi tố bắt giam, gây rúng động dư luận cả nước.

Một thời huy hoàng


Sinh năm 1954, Nguyễn Công Khế chỉ là cậu học sinh từ làng chài Bình Tú, Thăng Bình, Quảng Nam ra Đà Nẵng trọ học, tham gia hoạt động của Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng. Bị cảnh sát Việt Nam Cộng Hòa bắt, Khế đi tù từ tháng 5-1972 đến tháng 2-1975.

Hoà bình, Khế lang thang trên đất Sài Gòn, được người đồng hương nổi tiếng là Huỳnh Bá Thành (tức ‘Hoạ sĩ Ớt’) dìu dắt. Khế đi làm báo, theo Hoạ sĩ Ớt và tiếp cận được những cán bộ cao cấp lẫy lừng từng là sếp của Ớt : Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng… Hoạ sĩ Ớt đột tử năm 1993, lúc này Nguyễn Công Khế đã là Tổng biên tập báo Thanh Niên.

Từ đây, Khế tiếp tục tạo dựng các mối quan hệ với những chính trị gia hàng đầu, các sĩ quan công an, quân đội, cũng như các nhân vật trí thức tiếng tăm khác. Thời huy hoàng của Khế, tiền vô như nước, quyền lực cũng tăng theo cấp số nhân.

Một số hình ảnh Nguyễn Công Khế chụp với các chính trị gia hàng đầu. Nguồn: Facebook Nguyễn Công Khế

Báo Thanh Niên cùng với Tuổi trẻ, là một trong hai tờ nhật báo bán chạy nhất Việt Nam, với số lượng ấn bản khổng lồ.

Năm 2002, qua vụ án Năm Cam, báo Thanh Niên và Nguyễn Công Khế nổi như cồn. Vụ này, Khế luôn tự hào rằng báo Thanh Niên đã góp phần đánh bay chức hoặc ném vào tù một loạt cán bộ:

– Uỷ viên Trung ương khoá 9: Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Quốc Huy và tổng giám đốc đài Tiếng nói Việt Nam Trần Mai Hạnh.

– Thiếu tướng, thứ trưởng Bộ Công an Hoàng Ngọc Nhất (Phạm Minh Chính từng là trợ lý của tướng Nhất).

– Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Phạm Sỹ Chiến, cùng một số quan chức khác.

Sau vụ này, các quan chức từ trung ương đến địa phương, đều “ớn” Nguyễn Công Khế.

Năm 2006, báo Thanh Niên lại nổi đình nổi đám cùng với báo Tuổi Trẻ, khi phanh phui vụ PMU 18. Vụ tiêu cực ở PMU 18 là vụ án nghiêm trọng, đánh bạc, cá độ với số tiền rất lớn, cũng là vụ án tham nhũng, đưa hối lộ và nhận hối lộ với số tiền kỷ lục.

Trong vụ này, Đào Đình Bình, Uỷ viên Trung ương khoá 9, bộ trưởng Giao thông Vận tải, mất chức. Thứ trưởng bộ GTVT Nguyễn Việt Tiến bị bắt giam, vuột mất cơ hội vào quy hoạch trung ương. Tướng Cao Ngọc Oánh, thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng mất cơ hội lên thứ trưởng Bộ Công an.

Vụ án này vô cùng nhạy cảm vì nó diễn ra khi đại hội đảng khoá 10 sắp khai mạc. Hơn nữa, con rể đương kim Tổng bí thư Nông Đức Mạnh cũng liên can đến PMU18.

Qua hai “chiến công”, Nguyễn Công Khế và báo Thanh Niên như đi trên mây. Làng báo ngày đó hả hê, mấy nhà báo vênh váo như các ông trời con.

Phải thừa nhận, trong làng báo “quốc doanh”, không ai quyền lực như Nguyễn Công Khế. Khế sở hữu cả báo đảng, tập đoàn truyền thông lẫn mảng người đẹp. Nguyễn Công Khế có quyền lực từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, từ kinh tế đến chính trị. Khế quen cuộc sống vương giả, thừa mứa tiền bạc, sơn hào hải vị, rượu ngon, gái đẹp, biệt phủ, nên dần ngạo mạn và lắm kẻ thù.

Năm 2007, mẹ ruột Nguyễn Công Khế mất. Tang lễ đình đám, mấy trăm đoàn đi viếng, trong đó có hàng chục Uỷ viên Bộ Chính trị đương chức lẫn về hưu đều có mặt, gởi vòng hoa.  Quan chức các tỉnh thành, tướng tá công an, quân đội đủ cả.

Xem “Lời cảm tạ” của Nguyễn Công Khế đăng công khai trên báo Thanh Niên lúc 19h41 ngày 4-9-2007, đủ thấy thế lực khuynh loát thiên hạ của Khế đáng sợ đến nhường nào.

Thế lực giấu mặt phản công. Nguyễn Công Khế suýt chết lần thứ nhất.


Tháng 4-2006, đại hội đảng cộng sản Việt Nam khoá 10 diễn ra. Nông Đức Mạnh tái trúng cử chức Tổng Bí thư nhiệm kỳ 2, Nguyễn Tấn Dũng, Phó thủ tướng thường trực lên nắm chức thủ tướng. Hai năm sau, giông tố bắt đầu đổ xuống đầu những tờ báo tham gia “đánh án” PMU18.

Chiều 12-5-2008, hai nhà báo phanh phui tham nhũng, tiêu cực PMU18 là Nguyễn Văn Hải, phó trưởng đại điện Văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Hà Nội và Nguyễn Việt Chiến, phóng viên báo Thanh Niên, đã bị khởi tố và bắt tạm giam. Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng khởi tố, bắt tạm giam thượng tá Đinh Văn Huynh, điều tra viên cao cấp, trưởng phòng 9 C14. Thiếu tướng Phạm Xuân Quắc, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (C14), Phó thủ trưởng cơ quan cảnh sát điều tra BCA vừa mới nghỉ hưu, cũng bị khởi tố nhưng cho tại ngoại.

Ra toà, tướng Phạm Xuân Quắc bị phạt cảnh cáo, sĩ quan Đinh Văn Huynh nhận án một năm tù, Nguyễn Việt Chiến 2 năm tù giam, Nguyễn Văn Hải án 2 năm cải tạo không giam giữ.

Một nguồn tin nội bộ giấu tên, cho biết, ngày đó đích ngắm của trùm mật vụ “bố già” Nguyễn Văn Hưởng là sẽ bắt bằng được Nguyễn Công Khế, để ngăn chặn cái gọi là “quyền lực thứ tư” sau lập pháp, hành pháp và tư pháp. Nhờ sự can thiệp của chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, thường trực Ban bí thư Trương Tấn Sang và một số cựu Uỷ viên Bộ Chính trị, nên Nguyễn Công Khế thoát nạn.

Ngày 31-12-2008, tại trụ sở báo Thanh Niên, ông Võ Văn Thưởng, bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, đã trao quyết định của Ban bí thư Trung ương Đoàn cho ông Nguyễn Công Khế, thôi giữ chức Tổng Biên tập báo Thanh Niên từ ngày 1-1-2009.
Nguyễn Công Khế (phải) và Hoàng Hải Vân. Nguồn: Nguyễn Công Khế

Khế phải chấp nhận rời khỏi báo Thanh Niên, bị cấm viết báo. Tổng thư ký tòa soạn Hoàng Hải Vân, người đăng bài “Hãy trả tự do cho các nhà báo chân chính”, công tác viên của Tổng cục 2, bị cảnh cáo, cách chức, thu hồi thẻ nhà báo, lui về Ninh Thuận làm vườn, nuôi dê, gà, trồng rau… và lên Facebook chém gió!
Trang nhất báo Thanh Niên ngày 14-5-2008. Nguồn: HHV


Hết Phần 1


Phần 2


Cũng cần nói rõ, trong vụ án Năm Cam, không phải không có quan điểm trái chiều từ cơ quan tố tụng trung ương, khi nhiều bị can kêu oan. Nhưng do khí thế hừng hực đánh án ngày đó, không ai muốn công khai đối đầu.

Tại toà, Trần Mai Hạnh, Uỷ viên Trung ương khóa 8 và 9, thề đến chết con ông cũng phải đòi công lý. Ông Hạnh và em trai Trần Mai Hưởng (giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam giai đoạn 2009-2011) đều là phóng viên chiến trường, công trạng cũng đáng nể. Cả hai ông đều có mặt tại Dinh Độc Lập vào trưa 30-4-1975.

Ngày đó tướng Bùi Quốc Huy cũng phản bác cáo trạng dữ dội. Trước khi lên thứ trưởng, ông Huy từng là Giám đốc Công an TPHCM, Tổng Cục trưởng Tổng cục An ninh Bộ Công an, đầy quyền lực.

Phạm Sỹ Chiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng không nhận tội, luôn kêu oan, vung tay chém gió trước toà. Mọi thứ đã an bài, “hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn”.

Cuộc đời cống hiến cho cách mạng, cùng với những riêng tư của Trần Mai Hạnh, Phạm Sỹ Chiến, Bùi Quốc Huy và một số sĩ quan công an cao cấp khác, đã bị báo Thanh Niên của ông Khế bôi bẩn, “đánh” bầm dập và “xào nấu” thành đủ thứ xấu xa, phơi bày ra trước bàn dân, thiên hạ. Chỉ có Nguyễn Công Khế là cao quý, nói cười sảng khoái, ngước nhìn trời xanh.
Ông Nguyễn Công Khế. Ảnh chụp trong chương trình Duyên Dáng Việt Nam

Phàm ở đời, khi anh giẫm lên đầu người khác để bước, thì oán thù cũng theo đó mà chồng chất.

Hơn 20 năm trôi qua, đàn em trong ngành của Bùi Quốc Huy, nay nhiều người đã đeo lon tướng. Con trai ông Phạm Sỹ Chiến hiện là kiểm sát viên cấp cao, làm phó cho một mảng quan trọng trong Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.

Can dự chính trường, Nguyễn Công Khế suýt chết lần thứ hai


Như đã nói ở phần trước, năm đó phe giấu mặt ủ mưu ném Nguyễn Công Khế vào tù với một trong ba tội danh “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” theo điều 281 BLHS; “cố ý làm lộ bí mật Nhà nước” theo điều 263 BLHS và “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 BLHS. Việc bất thành, nhưng không có nghĩa là họ sẽ bỏ qua cho Khế.

Về phần Khế, tuy nghỉ việc ở báo Thanh Niên, nhưng với vai trò Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, Khế xem như vẫn còn điều hành báo Thanh Niên suốt một thời gian dài. Bên cạnh đó, Khế vẫn nắm “Duyên dáng Việt Nam” và cho ra đời tạp chí Một Thế Giới vào năm 2013.

Khoảng cuối năm 2014, đầu năm 2015, các phe nhóm trong thượng tầng chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu so găng “một mất một còn” trong cuộc đua giành những vị trí chóp bu ở đại hội 12. Trang Chân Dung Quyền Lực ra đời.

Chân Dung Quyền Lực đã đăng hàng chục bài viết, công kích các nhân sự được quy hoạch trước đó hoặc các ứng viên tiềm năng. Trương Tấn Sang và Nguyễn Sinh Hùng, ứng viên tổng bí thư; Phùng Quang Thanh, ứng viên chủ tịch nước; Nguyễn Xuân Phúc, ứng viên thủ tướng; Nguyễn Hoà Bình, ứng viên bộ trưởng Bộ Công an… là những nhân vật “phơi lưng” trên Chân Dung Quyền Lực.

Khi nhiều đồn đoán, nghi vấn cho rằng, một số nhân vật trong Tổng cục Tình báo Bộ Công an đứng sau trang Chân Dung Quyền Lực, thì trang này bỗng dưng “tắt đài” vào tháng 1-2015.

Đầu tháng 12-2015, hàng loạt bài báo tung ra trên các trang “lề dân” được ký bút danh “CLB Nhà Báo Trẻ”, văn phong cũng na ná như trang Chân Dung Quyền Lực. Nội dung loạt bài tấn công Nguyễn Công Khế dữ dội và người mà CLB Nhà Báo Trẻ gọi là “đàn anh”, “thầy”, “minh chủ” của Khế, đó là ông Trương Tấn Sang. Ông Sang lúc đó là đương kim chủ tịch nước, nhân sự xếp cùng với Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Sinh Hùng, để tranh vé “nhân sự đặc biệt” ở lại khoá 12.

Những bài viết công phu, sống động, cung cấp đầy đủ bằng chứng, quy cho Khế các tội danh, tham nhũng, lừa đảo… Nguy hiểm hơn, phe tấn công còn giải mã hồ sơ “tài liệu mật”, kết luận Nguyễn Công Khế từng phản bội, chiêu hồi, làm gián điệp, gây nợ máu như thế nào với cách mạng và nhân dân (*).
Nguyễn Công Khế và một số nhân vật có máu mặt trong đám cưới con gái Nguyễn Quế Trà Mi của Khế năm 2007. Nguồn: CLB Nhà Báo Trẻ
Nguyễn Công Khế (áo đen) và Trương Tấn Sang (mặc áo sọc ngồi cạnh Khế) tại một bữa tiệc. Nguồn: CLB Nhà Báo Trẻ
Bản khai lý lịch Nguyễn Công Khế năm 1982, xác nhận thành phần gia đình tham gia cả hai bên Quốc – Cộng, trong đó có chú ruột là ông Nguyễn Đoan, Thiếu úy Quân lực VNCH. Nguồn: CLB Nhà Báo Trẻ
Công văn đóng dấu “KÍN” (bí mật) của Phủ Đặc ủy Trung ương Tình báo VNCH về việc nhận Nguyễn Công Khế về công tác. Nguồn: CLB Nhà Báo Trẻ

Đỉnh điểm, xuất hiện thư kiến nghị của trung tướng Lưu Phước Lượng, yêu cầu Trung ương điều tra, ngăn chặn âm mưu “lũng đoạn nhân sự, can dự chính trường” của Nguyễn Công Khế. Tướng Lượng nguyên là Phó tư lệnh quân khu 9, Bộ quốc phòng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nam bộ.

Cơ quan An ninh Bộ Công an, Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng và nội chính của đảng cùng vào cuộc. Dễ thấy phe tấn công muốn làm bẽ mặt, hạ uy tín ông Trương Tấn Sang. Dư luận nín thở, nghĩ rằng, phen này với đòn đánh triệt hạ, Khế sẽ bị bắt giam khẩn cấp để điều tra.

Nhưng không, một lần nữa Khế thoát chết ngoạn mục, bởi thế lực bảo vệ cho Khế lúc này quá mạnh. Và phe tấn công đã phạm phải sai lầm khi “đánh bắt cầu” ông Trương Tấn Sang khi mà ông Sang đang thoả hiệp với phe ông Nguyễn Phú Trọng để loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng.

Sau này trên trang Facebook cá nhân, cả Nguyễn Công Khế và Hoàng Hải Vân đều bóng gió nói đến tên người liên quan, đứng sau mọi âm mưu hại Khế lần này đến lần khác: Đó là Nguyễn Tấn Dũng.
Tướng Lưu Phước Lượng, cựu phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Thư của tướng Lưu Phước Lượng, kiến nghị TBT, Ủy ban Kiểm Tra Trung ương điều tra một số nhân vật, trong đó có Nguyễn Công Khế. Nguồn: Đảng viên góp ý

Chết vì quá tự tin và ngạo mạn


Sống trong chế độ cộng sản, lại là đảng viên, nhưng Nguyễn Công Khế quá chủ quan, tự tin. Một anh cựu nhà báo, chưa từng là Uỷ viên Trung ương, nhưng Khế nói, viết với cung cách trịch thượng và có vẻ thách thức.

Thời đương chức, mục “Câu chuyện thứ Năm” trên báo Thanh Niên (giai đoạn trước do ông Trần Bạch Đằng viết, sau đó là Nguyễn Công Khế), Khế nhiều lần thể hiện cái tôi quá lớn. Khi thì “ăn cơm trưa với Thường trực Ban Bí thư Phan Diễn và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình”, khi thì “tôi vừa trao đổi với một Uỷ viên Bộ Chính trị”…

Khế thường xuyên đi Mỹ vì có nhiều nhà cửa và con cái đang định cư ở đó. Khế thản nhiên công khai bàn về chính trường, về tự do báo chí, tự do ngôn luận, về tiệc tùng với trí thức hải ngoại, cả với các chính khách Lào, Campuchia và… sứ quán Mỹ!

Trong đại án Việt Á, cái tên Nguyễn Công Khế cũng được réo lên, vì Khế đã “lăng xê” cho Phan Quốc Việt, giám đốc Việt Á. Việt quê Thăng Bình, Quảng Nam, học PTTH Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, học tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Một trung tướng quân đội quê ở Quảng Nam cho chúng tôi biết, lúc ông còn đương chức, công tác tại Hà Nội, vài lần được ông Nguyễn Xuân Phúc mời đến nhà riêng dùng cơm, lần nào ông cũng gặp Khế ở đó.



_______

(*) Xem lại các bài viết từ CLB Nhà Báo Trẻ: Tài liệu mật: Tên gián điệp Nguyễn Công Khế nợ máu như thế nào với cách mạng và nhân dân Việt Nam? (23-2-2015). – Nguyễn Công Khế đã chiếm đoạt tập đoàn Thanh Niên như thế nào? (9-12-2015)


Phần 3


Lần thứ ba, “bất quá tam”, chiều 16-1-2023, Nguyễn Công Khế mạt vận, đành tra tay vào còng, chấm hết một thời huy hoàng và “ngạo nghễ”.


Ảnh: Nguyễn Công Khế bị bắt ngày 16-1-2024. Nguồn: Báo Công an Nhân dân


Tại sao Khế lại bị bắt vào lúc này?


Rút kinh nghiệm các lần trước, lần này phe tấn công đã ra đòn mà không phạm phải bất kỳ sai lầm nào. Thời điểm bắt không “nhạy cảm”, vì còn hai năm nữa mới đến đại hội 14. Đối phương cũng không ghép Khế với tên tuổi một chính trị gia nào.

Nguyễn Công Khế bị bắt cùng một thuộc cấp cũ là Nguyễn Quang Thông, một tay bút không có “số má”, cựu tổng biên tập báo Thanh Niên, với cùng tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, theo Điều 219, Bộ luật Hình sự.

Ở đây chúng tôi không tranh cãi đúng, sai về phạm trù vi phạm pháp luật. Nhưng công bằng mà nói, nếu cơ quan điều tra bắt Nguyễn Công Khế do liên quan đến vụ chuyển nhượng khu đất số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4, TP HCM, thì phải bắt đến lãnh đạo cấp cao, bắt thêm hàng trăm quan chức và cựu quan chức ở thành Hồ, vì đã có hàng trăm vụ vi phạm giống hệt như vụ của Khế.

Hơn nữa, năm 2008 không chỉ báo Thanh Niên là đơn vị duy nhất mua đất của Nhà máy thuốc lá Sài Gòn, khi nhà máy dời đi chỗ khác. Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng đã nhiều lần thanh tra các vụ cộm cán về đất đai ở thành Hồ, nhưng cơ quan này chưa bao giờ đề cập đến vụ chuyển nhượng khu đất vàng nói trên. Nói vậy để mọi người thấy rõ, hồi tố một vụ việc cách đây hơn 15 năm, đi qua cả ba kỳ đại hội đảng, rõ ràng là có ẩn khuất.

Thể chế cộng sản là vậy, mọi thứ đều bị che phủ trong lớp mù sương. Nhiều đồn đoán cho rằng, Nguyễn Công Khế bị bắt là vì ông ta đang vận động, hậu thuẫn cho các chính trị gia phía nam. Đúng sai chưa vội kết luận, nhưng giá như sau lần suýt chết thứ hai, Khế lùi thật xa, thoái vốn, rút lui khỏi Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên, thì không có cái kết như ngày hôm nay.

Khế quá giàu và cũng quá nổi tiếng trong làng báo và trên cả nước. Sống như một ông hoàng trong biệt thự rộng mấy ngàn mét vuông, chỉ cần hưởng thụ, “vui thú điền viên” hoặc trả thẻ đảng, bán hết tài sản, sang Mỹ định cư như nhiều nhà báo khác ở thành Hồ đã làm, tránh xa các trò chơi quyền lực, có lẽ ông ta đã không phải trở thành “củi”.

***


Liên quan đến chuyện ông Nguyễn Xuân Phúc bị truất phế, chỉ có thể nhận xét ngắn gọn, Khế có vai trò trong việc giúp Phan Quốc Việt và công ty Việt Á. Nếu không có Khế, bà Trần Nguyệt Thu, vợ ông Phúc sẽ không đời nào bốc điện thoại gọi cho lãnh đạo bộ này, bộ kia gởi gắm. Và cô em Nguyễn Thị Thanh Thủy, con chú ruột của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng không phải vướng vòng lao lý, với mức án 3 năm tù giam.

Người ta hay nhắc Nguyễn Công Khế bên cạnh cái tên Huỳnh Tấn Mẫm, cho rằng Khế lừa Mẫm. Thật ra, nhân vật Huỳnh Tấn Mẫm không hề đơn giản để có thể bị ai đó lừa, cho nên dù Khế muốn lừa cũng không dễ. Mẫm là đảng viên cộng sản từ năm 1966, là Phó Chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Y khoa Sài Gòn. Chỉ vì bị thất sủng trong Tổng hội Sinh viên, nên Mẫm đạo diễn cho những tay súng của Thành Đoàn Cộng sản bắn chết Lê Khắc Sinh Nhật (1948-1971), chủ tịch Ban Đại diện Sinh viên Luật khoa Đại học Sài Gòn, phó chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn từ năm 1970-1971, ngay tại hành lang trường Luật Sài Gòn.

Huỳnh Tấn Mẫm cùng với Lê Văn Nuôi, Dương Văn Đầy… chủ mưu ám sát nhiều trí thức, học giả miền Nam trước năm 1975. Sau tháng 4-1974, Mẫm bị các đồng chí của mình “vắt chanh bỏ vỏ”.

Sản phẩm sinh ra từ thể chế


Thiết nghĩ, chúng ta cũng không nên nặng nề với Khế qua những cụm từ “lưu manh”, “lừa thầy, phản bạn”… bởi vì hầu hết các đảng viên cộng sản khi có chức, có quyền, có cơ hội, đều vì lợi ích cá nhân họ, gia đình họ và họ vơ vét cho đầy túi tham. Chế độ này sinh ra những kẻ như Khế, có chút công trạng, một chút tài năng, một chút nghĩa hiệp, biết thu phục nhân tâm và nhất là rất giỏi… mị dân.

Một thời đi xe biển xanh 80A, uống cafe, ăn sáng, tiệc tùng với “tứ trụ” triều đình, làm cho Khế ảo tưởng quyền lực, quên mất mình là ai. Còn nhớ, năm 2007, trong tang lễ ông Hồ Nghinh (1913-2007), cựu Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nhân vật có nhiều công trạng với đảng, được tặng Huân chương Hồ Chí Minh, người ta thấy Nguyễn Công Khế đi trong đoàn của Chính phủ vào viếng.

Nguyễn Công Khế chết vì ảo tưởng quyền lực. Khế quên rằng, với đảng, báo chí chỉ là công cụ, “nghề phóng viên là phải như con chó ấy” (chữ của Nguyễn Như Phong). Đàn anh của Khế là Hoạ sĩ Ớt, tức Huỳnh Bá Thành (1944-1993) từng thốt lên trước cuộc họp thành uỷ, qua lời kể của nhà văn Đào Hiếu: “Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập. chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu và gọi ông ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm. Các anh thật quá đáng!”

Để bảo vệ sự tồn vong, đảng sẽ không từ bất cứ ngón nghề, thủ đoạn gì, với bất kỳ ai và bất cứ lúc nào. Nhà báo nổi tiếng, “điệp viên huyền thoại” Phạm Xuân Ẩn, sau năm 1975 dù được ban ơn cho quân hàm thiếu tướng, Anh hùng LLVT, để rồi cũng bị cho ngồi chơi xơi nước, bị quản thúc tại gia cho đến chết.

Nhà báo David DeVoss, cựu đồng nghiệp báo chí Mỹ của ông Ẩn, đã viết: “Yêu cầu cuối cùng của ông [Phạm Xuân Ẩn] là đừng chôn [ông] gần những người Cộng sản”. Nguyên văn: “His final request was not to be buried too close to Communists”.

Qua loạt bài này, một lần nữa chúng tôi hy vọng sẽ giúp cảnh tỉnh các nhà báo và cả những ai đang ảo tưởng về sức mạnh cá nhân, hãy dừng lại. Đeo bám theo các ông hoàng, bà chúa ở cung đình để kiếm cơm, cái giá phải trả sẽ không hề rẻ, một lúc nào đó sẽ bị biến thành “củi”, bị cho vào “lò” như Nguyễn Công Khế.

Hết Phần 3

Thu Hà

Báo Tiếng Dân


No comments:

Post a Comment