Các Chủ Đề

Thursday, April 4, 2024

Vũ Bằng – Tình báo giả dạng nhà văn


Nhà báo Xuân Ba kể: “Đêm chuyển về sáng một ngày Tháng Tư năm 1984, Vũ Bằng thều thào với Long kiếm cho ba cái điếu. Trời đất, bệnh nặng vậy mà hút chi?

Nhưng ông cứ kéo cái điếu về phía mình, kéo một hơi rồi ho sặc sụa… Vũ Bằng sau hơi thuốc dim lim vẻ như khỏe lại? Nhưng rồi cứ lịm dần, lịm dần… Nhà văn Vũ Bằng trút hơi thở cuối cùng lúc 4 giờ 30 phút sáng… Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần!”

 

Ông sinh ngày 3 Tháng Sáu năm 1913, mất hôm 7 Tháng Tư năm 1984. Nhân sinh thất thập cổ lai hy. Dù vậy, tôi vẫn muốn nhà văn của chúng ta thọ thêm đôi ba tuổi nữa (ráng lết luôn qua thời bao cấp) để những ngày tháng cuối đời, may ra, đỡ cơ cự và cùng quẫn hơn được phần nào.

Còn nếu Vũ Bằng sống được tới trăm năm thì càng tốt vì sẽ có cơ hội để xem Red Family (phim Nam Hàn) của Kim Ki-duk và Lee Ju-hyoung, trình chiếu lần đầu vào năm 2013. Tâm sự, hay tâm trạng của người làm “điệp báo” như ông đã được gói ghém trong tác phẩm điện ảnh này.

Kịch bản như sau: Ở vùng ngoại ô của thủ đô Soul có hai gia đình sống cạnh nhau. Bên này là bốn công dân bình thường của Nam Hàn. Còn bên kia là bốn điệp viên giả dạng thường dân của Bắc Hàn, xâm nhập miền Nam để thu thập tin tức và xử tử những người đào tị từ miền Bắc.

Với thời gian, nếp sinh hoạt ở miền Nam, nói chung, cũng như của gia đình hàng xóm, nói riêng, đã dần thay đổi cách nhìn cũng như quan niệm của những kẻ nằm vùng. Họ chuyển biến dần dần. Nói cách khác, dung dị hơn, là họ bị miền Nam cảm hóa, hay Nam hóa, bởi cuộc sống tương đối an lành và nhân bản nơi vùng… địch tạm chiếm!

Cuối cùng, đám điệp viên Bắc Hàn từ bỏ công tác được giao phó, dù biết rằng tính mạng của mình và của thân nhân, còn ở bên kia giới tuyến đều sẽ bị lâm nguy. Vũ Bằng cũng thế. Tuy thuộc diện tập kết ngược nhưng ông cũng bị “Nam hóa” hoàn toàn, và cũng đã quên mất vai trò điệp báo.

Vũ Bằng và Thượng Sĩ Nguyễn Đức Long



Tập kết ngược là sao?

Báo Quân Đội Nhân Dân (số phát hành hôm 22 Tháng Tư 2017) tường thuật: “Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ (Tháng Bảy 1954), cách mạng Việt Nam đứng trước tình thế mới. Bộ đội, cán bộ ta ở miền Nam tập kết ra Bắc, địch chuyển quân vào Nam và cưỡng bức dân di cư. Thời kỳ đó, Cục Địch Vận (nay là Cục Dân Vận) xác định: Cuộc chiến chưa thể kết thúc, cần phải đưa những đồng chí trung kiên vào miền Nam… những đồng chí được cử vào Nam (“tập kết ngược”) là chấp nhận đi vào nơi gian khổ, đầy hy sinh, thử thách.

Trong số họ có đồng chí vợ yếu, con nhỏ, có nữ đồng chí đang có người yêu, chỉ chờ tổ chức đám cưới… Vậy mà khi được giao nhiệm vụ, họ đều sẵn sàng, hào hứng lên đường, không mảy may đắn đo, suy nghĩ. Các đồng chí ra đi được giáo dục về tư tưởng và trang bị các nội dung về nghiệp vụ công tác binh-địch vận. Họ vào Nam bằng nhiều cách: Đi máy bay, đi tàu thủy theo đường di cư; có người vào giới tuyến rồi vượt biển vào Nam…”


Không ai biết Vũ Bằng vào Nam bằng cách nào nhưng tôi biết, chắn chắn là ông chả có thực hiện được bất cứ một “công tác binh – địch – vận” nào sất cả. Ông chỉ viết thôi, viết rất hay và viết không ít, trong suốt thời gian nằm vùng:

Miếng Ngon Hà Nội (bút ký, 1960)

Miếng Lạ Miền Nam (bút ký, 1969)

Bốn Mươi Năm Nói Láo (hồi ký, 1969)

Mê Chữ (tập truyện, 1970)

Nhà Văn Lắm Chuyện (1971)

Những Cây Cười Tiền Chiến (1971)

Khảo Về Tiểu Thuyết (biên khảo, 1969)

Thương Nhớ Mười Hai (bút ký, 1972)

Người Làm Mả Vợ (tập truyện ký, 1973)

Bóng Ma Nhà Mệ Hoát (tiểu thuyết, 1973)

 Nước Mắt Người Tình (tiểu thuyết, 1973)

 

Vũ Bằng (1913 - 1984)
 
Tác giả Anh Chi (báo Đại Biểu Nhân Dân) tường thuật: “Vũ Bằng được các nhà văn nổi tiếng Sài Gòn(cũ) ghi nhận là một hiện tượng văn chương đặc biệt trong đời sống văn chương – báo chí miền Nam. Họ chỉ biết, ngoài năm mươi tuổi ông lập gia đình với bà Phấn, rồi lao động vất vả để nuôi vợ con. Họ đâu có biết, nhà văn tài danh Vũ Bằng còn là một chiến sĩ quân báo, vào Sài Gòn để chống Mỹ cứu nước.”

Má ơi! Vũ Bằng vừa làm báo, vừa viết văn, “ngoài 50 mươi mới lập gia đình” (lần nữa) và còn phải “lao động vất vả để nuôi vợ con” thì ổng “chống Mỹ cứu nước” vào lúc nào? Chiến sỹ quân báo Vũ Bằng – rõ ràng – không lập được một thành tích nào ráo trọi nên cả chục năm, sau khi cách mạng thành công, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, ông vẫn không được trả công, và không mua nổi một cái vé tầu về Bắc:

“Vũ Bằng sở dĩ chưa ra Bắc chứ không phải không ra, vì một lý do cực kỳ đơn giản, Vũ Bằng nghèo quá, túng quá! Tội vạ bất như bần! Không có cái tội chi khổ bằng cái nghèo! Vĩnh viễn nhà văn Vũ Bằng không có bao giờ có dịp một lần tìm về nơi mười hai thương nhớ ấy…” ( Xuân Ba. “Vì Sao Vũ Bằng Sau 75 Không Ra Bắc.” Tiền Phong Online – 17/05/2020).
(Hình: Tác giả cung cấp)

Rồi mãi 16 năm sau, sau khi ông qua đời, đến Tháng Ba năm 2000 Cục Chính Trị mới có “văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.” Cũng trong năm này, ông được Chủ Tịch Nước Trần Đức Lương trao tặng “Huân Chương Chống Mỹ Cứu Nước Hạng Ba về thành tích điệp báo nằm vùng.”

Coi: ông tập kết ngược vào Nam để thi hành công tác từ hồi 1954 lận. Gần hai phần ba thế kỷ sau, nhà nước mới có “văn bản xác nhận” cùng với một tấm “huân chương hạng ba”! Sao kỳ cục vậy kìa?

Báo Nhân Dân (số ra ngày 27 Tháng Mười Hai năm 2013) giải thích bằng những câu chữ hơi gượng gạo:

“Hơn 30 năm sống trong Sài Gòn, dưới vỏ bọc một nhà văn ‘quay lưng lại với Cách mạng’ để hoạt động trong mạng lưới tình báo, Vũ Bằng đã phải chịu nhiều điều tiếng và sự lạnh nhạt của bạn văn, cũng như người đời. Ngay cả sau khi đất nước thống nhất, Vũ Bằng vẫn mang tiếng ‘dinh tê, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có sự đứt đoạn trong đường dây tình báo.”

Tôi thì ngại rằng có “sự đứt đoạn” với cả cái đám tập kết ngược (vào Nam) chứ chả riêng chi nhà văn họ Vũ. Mấy thập niên qua chưa bao giờ thấy có tổ chức một buổi lễ vinh danh (hay tưởng niệm) cho nhóm người này cả, dù “ăn mày dĩ vãng” vốn là sở trường của cái nhà nước hiện hành.

Thực trạng của tập thể cán bộ (“đứt đoạn”) này khiến tôi nhớ đến nhận xét của một vị chỉ huy – thuộc lực lượng tình báo Bắc Hàn – khi nói về đám cán bộ nằm vùng dưới quyền, trong cuốn phim Red Family: “No matter how much training, they all fall to capitalism.”

Thảm thiệt?

Nhưng nói thế (“chúng đều ăn phải bả của Chủ Nghĩa Tư Bản – they all fall to capitalism”) nghe e hơi cường điệu. Cũng như bao nhiêu cán bộ tập kết ngược khác, Vũ Bằng chả có bị hấp dẫn hay cuốn hút gì bởi Chủ Nghĩa Tư Bản đâu. Cuộc sống tương đối an bình, no đủ, thoải mái ở miền Nam khiến họ nhận chân được mọi sự, rồi “tự chuyển biến” và “lơ là” công tác. Thế thôi!

Riêng Vũ Bằng thì biến từ một anh điệp báo (giả dạng nhà văn) thành một nhà văn thứ thiệt: độc đáo, tài hoa, có đông đảo độc giả và được rất nhiều người ái mộ. Đó là món quà tặng mà miền Nam đã dành cho ông trong thời gian tập kết.

Thế còn miền Bắc?

Tuy muộn, nhà cầm quyền Hà Nội, cuối cùng, cũng đã trao cho Vũ Bằng cái “Huân Chương Chống Mỹ Cứu Nước Hạng Ba” rồi đấy. Vậy còn thắc mắc, khiếu nại gì nữa. Cha nội!

Thưa không. Có ai dám “thắc mắc” hay “khiếu nại” gì đâu. Tôi chỉ mong sao, ở bên kia thế giới, Vũ Bằng hổng biết có cái vụ huân chương thổ tả này thôi. Tội ổng chớ!

Tác giả: Tưởng Năng Tiến

Trích báo Sài Gòn Nhỏ

 

No comments:

Post a Comment