Các Chủ Đề

Thursday, June 13, 2024

Người Việt Vẫn Nên Học Nhật


Mỗi dịp trở lại thăm nước Nhật tôi đều thấy vài điều tốt mình nên học. Một lần, chúng tôi dùng thang máy trong một khu buôn bán; khi bước ra ngoài thì một người Nhật đi cùng cúi đầu, lễ phép nói bằng tiếng Anh: Thưa quý vị, ở Nhật chúng tôi không nói chuyện lớn tiếng trong thang máy! Có lẽ người Việt mình nói nhiều thật!
 
 
Ở cửa ra đường của một siêu thị hay văn phòng, thấy những bảng vẽ hình điếu thuốc bốc khói, viết: “Đây là nơi hút thuốc.” Tôi ngạc nhiên. Nhiều người Nhật hút thuốc. Nhưng không thấy luật nào cấm hút thuốc ngoài đường; tại sao cần chỉ định một nơi hút thuốc? Tìm hiểu kỹ, mới biết người ta bày sẵn những đồ gạt tàn thuốc lá tại đó. Người ta không vứt tàn thuốc xuống đường. Các thành phố ở Nhật không thấy tàn thuốc lá rơi vãi. Tôi chỉ thấy ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, và nhiều nơi bên Đài Loan, bên Đức, Phần Lan cũng sạch sẽ như vậy.

Năm nay, tôi có dịp thấy một người phu quét giọn, lau chùi một “phòng hút thuốc.” Tại một thị xã gần núi Phú Sĩ, tôi quan sát hơn một giờ trong lúc chờ đợi các bạn đi mua sắm trong thương xá bên cạnh. Cả ngày người phu chỉ làm một việc, là giữ sạch sẽ bên trong bên ngoài cái phòng nho nhỏ đó thôi.

Nếu tôi được thuê làm công việc này thì chắc mỗi ngày tôi quét giọn, lau chùi độ năm, bảy lần là thấy cũng đủ phận sự, có thể ngồi chơi chờ hết giờ. Nhưng người “phu quét dọn” này không lúc nào ngừng tay. Ông ta hút bụi, quét sàn nhà, đẩy cái khăn lau nhà, rồi ra ngoài quét và lau sạch lề đường chung quanh. Ông nhấc lên mấy đồ gạt tàn thuốc, tức là mấy cái thùng nhỏ chứa nước nổi lềnh bềnh những đầu điếu thuốc, đem ra ngoài đổ vô một cái thùng lớn. Đổ xong, ông ngồi xuống xịt nước, rửa, lau kỹ bên trong bên ngoài cái thùng, trước khi đem vào chỗ cũ. Xong việc, ông lại dùng khăn lau các ghế ngồi ở trong phòng, đi ra lau các băng ghế bên ngoài; mắt chăm chú nhìn, tay chậm chạp, từ tốn. Bước qua cửa, chắc chưa vừa ý vì nhìn thấy một vết nhơ nào đó, ông đi lấy khăn, sụp xuống, ngồi xổm lau cho sạch.

Đây là một bài học đáng nhớ: Làm việc gì cũng nên làm đến nơi đến chốn, không làm qua loa, vừa phải! Từ những việc nhỏ nhất, người ta đều chăm chú làm hết sức, chính mình cảm thấy hoàn hảo mới thôi. Tôi đã thấy một cô dùng giấy gói món hàng khách mua làm quà tặng. Gói ghém xong, cột dây màu, thắt nút hoa rồi, nhìn thấy chưa vừa ý, cô ta tháo hết ra, gói lại lần nữa, thắt dây cho thật đẹp rồi mới cười trao cho khách.

Họ giữ thói quen này, từ việc nhỏ đến việc lớn. Những người dùng xe hơi đều biết, những chiếc xe làm ở Nhật thường cánh cửa xe đóng lại đều khít vào cái khung cửa. Chỉ buông tay ra, hoặc chỉ đẩy nhẹ, là thấy cánh cửa xe từ từ khép lại, đóng vừa khít, con kiến chui qua không lọt! Nhiều chiếc xe hơi làm ở xứ khác không theo tiêu chuẩn như vậy, đóng cửa xong rồi có khi lại phải kéo ra, đẩy thật mạnh nó mới khít chặt!

 
Xe kéo ở Nhật vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20

 
Người Việt Nam trước đây đến Nhật đã tỏ lòng kính trọng cung cách sống của họ. Đầu thế kỷ 20, Phan Bội Châu tới nước Nhật đã thuật lại chuyện một người phu kéo xe; trong cuốn “Tự Phán.” Cuối năm 1905, Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đến Tokyo tìm một du học sinh Trung Quốc, tên Ân Thừa Hiến. Ra khỏi ga xe lửa, hai người Việt gọi một chiếc xe và đưa tấm danh thiếp có ghi địa chỉ mang tên “Ân Thừa Hiến”. Người này không biết chữ Hán nên tìm một đồng nghiệp khác biết chữ, đưa hai ông đi tìm. Người phu sau đưa hai vị tới Chấn Võ Học Hiệu, nhưng Ân Thừa Hiến đã rời đi nơi khác từ lâu rồi.
 
 
Đường phố Tokyo vào năm 1905
 
Cụ Phan kể: “Người phu xe nghĩ một lúc rồi kéo xe vào bên đường và nói: Các ngài hãy cứ chờ tôi ở đây …, tôi đi tìm chỗ ở của người đó, rồi sẽ quay lại.” Đứng chờ từ 2 giờ đến 5 giờ chiều, anh phu xe chạy về, mừng rỡ chở Phan Bội Châu và Tăng Bạt Hổ đi thêm một giờ nữa, đến một lữ quán khác tìm ra phòng Ân Thừa Hiến.

Hỏi đến tiền công, anh phu nói: “Hai hào năm xu.” Phan Bội Châu rút một đồng bạc ra trao và tỏ lòng đền ơn. Người phu xe khẳng khái từ chối: “Theo quy luật Nội vụ sảnh đã định thì từ nhà ga Tokyo đến nhà trọ này, giá xe chỉ có ngần ấy thôi...” Phan Bội Châu, Tăng Bạt Hổ tạ ơn người phu xe đáng kính, tự than rằng: “Than ôi! Trí thức trình độ dân nước ta xem (nếu so sánh) với người phu xe Nhật Bản, chẳng dám chết thẹn lắm hay sao!”

Những người phu xe trọng luật lệ, trọng danh dự, có lẽ vì họ không coi công việc mình làm là hèn kém so với những nghề nghiệp khác, với những người học thức cao và kiếm được nhiều tiền hơn. Người lao động ở nước Nhật, như ông phu quét giọn cái phòng hút thuốc, biết tự trọng. Họ không coi khinh công việc mình làm, có thể một phần vì nhờ cảnh khác biệt giàu nghèo không lộ liễu quá.

Lương bổng trong các công ty Nhật từ cấp chỉ huy xuống đến công nhân không chênh lệch nhiều như ở Mỹ. Ông Koike Yuriko, cựu Đô trưởng Tokyo, kể một thí dụ trong World Economic Forum, ngày 2 tháng 3 năm 2015: Haruka Nishimatsu, cựu chủ tịch và CEO của Japan Airlines, đi làm bằng xe công cộng, ăn cơm “nhà bàn” với nhân viên. Sadoff Investment Research cho biết, vào năm 2012, lợi tức bình quân của những người giàu nhất nước Nhật (top 1%) là $240,000 đô la một năm trong khi những người Mỹ lợi tức top 1% kiếm được cao gấp năm lần, $1,264,065 đô la. Ông Yuriko nghĩ rằng người Nhật chỉ theo lời dạy của Khổng Tử: “Bất hoạn bần nhi hoạn bất quân,” không lo nghèo, chỉ lo không công bằng (Luận Ngữ, thiên Quý Thị). Theo cuốn Capital in the Twenty-First Century của Thomas Piketty, mức thuế lợi tức cao nhất ở nước Nhật là 45%, và thuế di sản lên tới 55%; người giàu không tích lũy được nhiều tài sản.


 
Phi trường Haneda, Nhật Bản

Trong bản tin Nikkei ngày 30, tháng 11 năm 2016, ký giả Hirano Yukiko kể chuyện một phụ nữ làm việc quét dọn ở phi trường Haneda trong 25 năm. Haneda đã được bầu là “Phi trường sạch sẽ nhất thế giới” trong những năm 2013, 2014, và 2016.

Bà Haruko Niitsu đi lau quét phi trường từ năm 17 tuổi, lúc đầu là một công nhân của Japan Airport Techno Co., chỉ được làm ít giờ vì họ coi thường sức lực phụ nữ, sau làm toàn thời gian, trong lúc cũng học hết bậc trung học. Bà cũng đi học các khóa huấn luyện những kỹ thuật lau phi trường khác nhau. Bà tự nhận, “Tôi không thông minh, cho nên tôi chịu cực,” có ngày chỉ ngủ vài ba tiếng. Bà được thăng cấp dần dần, năm 2015 đã chỉ huy khoảng 500 nhân viên quét dọn Phi trường Haneda! Một đài truyền hình đã phỏng vấn và kể chuyện bà, sau đó bà được mời đi diễn thuyết về quan niệm sống và làm việc của mình.

 
Bà Haruko Niitsu

 
Một sự kiện đã thay đổi cuộc đời Niitsu, vào năm 27 tuổi. Một người chỉ huy nhận xét khi cô làm việc ông không thấy thể hiện tấm lòng từ bi trong đó. Niitsu suy nghĩ, thấy quả thật cô chỉ lo công việc mà không chú ý đến người cộng sự. Cô nhờ người đó dạy cho mình làm cách nào để bày tỏ lòng từ bi. Cô thành công nhân trẻ tuổi nhất đoạt giải trong một “Cuộc thi Toàn Quốc Kỹ thuật Lau Dọn Phi trường.”

Haruko Niitsu nói với nhà báo, “Khi nghe người nào khen, ‘sạch sẽ lắm,’ tôi cảm thấy rất sung sướng. Tôi kiểm soát lại coi có sạch thật hay chưa. Tôi càng cảm thấy yêu công việc mình làm!”

Yêu công việc mình làm. Làm việc nào cũng hết sức làm trọn vẹn, từ việc nhỏ đến lớn. Tôi còn nhớ một câu trong cuốn Trai Nước Nam Làm Gì của Hoàng Đạo Thúy, một huynh trưởng Hướng Đạo viết từ thời 1940: “Người vót một cây tăm cẩn thận thì cũng sẽ xây một cây cầu cẩn thận.”

Ngô Nhân Dụng
2024.06.10

Bình Luận:

Người Nhật coi trọng cách làm đúng.

Dù làm việc nhỏ nhặt như quét đường hay làm việc lớn như làm tổng thống thì cũng có cách làm đúng và cách làm không đúng.

Dù ở địa vị nào, công việc nào người Nhật cũng muốn làm cho đúng cách.

 

No comments:

Post a Comment