Sau đại hội 20 Đảng Cộng Sản Liên Xô, trong Đảng Cộng Sản Hungarie (tên chính thức là Đảng công nhân xã hội chủ nghĩa Hungarie) cũng đã diễn ra đấu tranh nội bộ cực kỳ căng thẳng. Cuối cùng, các lực lượng tiến bộ đã hạ bệ Rakoshi, người đứng đầu đảng có nhiều tội ác và là tay sai đắc lực của Liên Xô. Ngày 6.10.1956, có cuộc cải táng các nạn nhân bị giết oan dưới chế độ cộng sản, nhân dân căm phẫn biểu tình đông đảo với 200 ngàn người tham gia ngay giữa thủ đô Hungarie.
Cuộc khởi nghĩa ở Hungarie năm 1956
Trích Đảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào Cộng Sản Quốc Tế.
Tác giả: Nguyễn Minh Cần
Quang cảnh đường phố Budapest khi người dân nổi lên, 1956
Như đã nói, tiếng vang của đại hội 20 ĐCSLX truyền khắp thế giới. “Trời trở ấm” lan đến nhiều nước “xã hội chủ nghĩa”, nhất là các nước Đông Âu, kích thích ý thức dân chủ và tự do của người dân, từ trí thức cho đến công nhân. Người ta cảm thấy có cơ hội đứng lên để ít nhất nới bớt gông xiềng xô-viết. Ba Lan là nước đầu tiên đứng thẳng người lên. Thoạt đầu là công nhân nhà máy ô tô ở Poznan nổi dậy (28.6.1956), tiếp đến công nhân nhiều nhà máy khác hưởng ứng, họ biểu tình hòa bình với khẩu hiệu “Bánh mì!” và “Quân đội Liên Xô rút khỏi Ba Lan!”. Đã xảy ra những cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và cảnh sát, có nhiều người chết và bị thương. Một cuộc đấu tranh rất ác liệt đã diễn ra trong nội bộ ĐCS Ba Lan (tên gọi chính thức là Đảng công nhân thống nhất Ba Lan). Ban lãnh đạo mới của ĐCS Ba Lan đứng đầu là Gomulka đã đưa ra chương trình hoạt động mới giảm nhẹ gánh nặng cho nông dân và bình thường hóa quan hệ với Liên Xô. Chính nhờ sự mềm dẻo của Gomulka mà Ba Lan tránh được sự can thiệp quân sự của Liên Xô.
Người dân Ba Lan biểu tình ở Poznan, 1956
Kết cục của các sự biến ở Hungarie lại khác hẳn với Ba Lan. Sau đại hội 20 ĐCSLX, trong ĐCS Hungarie (tên chính thức là Đảng công nhân xã hội chủ nghĩa Hungarie) cũng đã diễn ra đấu tranh nội bộ cực kỳ căng thẳng. Cuối cùng, các lực lượng tiến bộ đã hạ bệ Rakoshi, người đứng đầu đảng có nhiều tội ác và là tay sai đắc lực của Liên Xô. Ngày 6.10.1956, có cuộc cải táng các nạn nhân bị giết oan dưới chế độ cộng sản, nhân dân căm phẫn biểu tình đông đảo với 200 ngàn người tham gia ngay giữa thủ đô Hungarie.
Budapest 1956: lính lái xe tăng cũng theo phe biểu tình
Imre Nagy
Để làm dịu bớt tình hình, ban lãnh đạo ĐCSLX kêu gọi Imre Nagy ra nắm quyền. Cuộc đấu tranh quần chúng dần dần chuyển thành cuộc khởi nghĩa, nó cuốn hút không những trí thức, công nhân, nông dân, mà cả nhiều tầng lớp khác. Những nhà máy lớn nhất ở Budapest đều trở thành “cứ điểm” cho cuộc nổi dậy. Khác với Ba Lan, ĐCS Hungarie không lãnh đạo nổi phong trào. Ngày 22 tháng 10, diễn ra một cuộc biểu tình lớn nữa ở Budapest, quần chúng đòi Imre Nagy phải đứng đầu ban lãnh đạo mới.
Hàng trăm ngàn người dân xuống đường biểu tình
Ngày 23 tháng 10, Imre Nagy lên làm thủ tướng, ông kêu gọi dân chúng buông võ khí. Nhưng lúc đó xe tăng xô-viết đã có mặt ở Budapest nên dân chúng càng thêm sục sôi. Lại nổ ra một cuộc biểu tình khổng lồ nữa của thanh niên, sinh viên, học sinh, công nhân trẻ. Trước tòa nhà quốc hội tập hợp đến 200 ngàn người, họ hạ tượng Stalin xuống, thành lập đội võ trang và bắt đầu chiếm giữ các khu trong thành phố Budapest.
Người dân tự vũ trang để chống lại quân đội Liên Xô
Tượng Stalin bị kéo đổ và cắt đầu
Ngày 24.10, Mikoyan và Suslov bay đến Budapest đề nghị đưa Janos Kadar lên làm bí thư thứ nhất. Ngày 25.10, xảy ra cuộc đụng độ với bộ đội xô-viết ở gần tòa nhà quốc hội. Imre Nagy một mặt ra lệnh ngừng bắn, mặt khác yêu cầu Liên Xô rút quân. Nhưng đụng độ vẫn tiếp diễn. Dân chúng nổi dậy đòi bộ đội xô-viết phải triệt thoái ngay và thành lập chính phủ thống nhất dân tộc mới, trong đó có những đại diện các đảng khác. Ngày 28.10, các trận đánh vẫn tiếp diễn, chính phủ Hungarie ra lệnh ngừng bắn.
Janos Kadar
Ngày 30.10, chính phủ tuyên bố xóa bỏ chế độ bắt buộc nông dân nộp nông phẩm cho nhà nước. Các tỉnh nhiệt liệt ủng hộ thủ đô, còn công nhân thì vẫn bỏ việc chờ đến khi ngừng hẳn các trận chiến đấu và quân xô-viết rút khỏi Budapest.
Ba điều làm ban lãnh đạo Liên Xô đặc biệt lo sợ là dân chúng công khai đòi Liên Xô rút quân ra khỏi Budapest và toàn lãnh thổ Hungarie, Đảng xã hội dân chủ Hungarie đã được khôi phục lại và một chính phủ đa đảng đã thành lập. Họ sợ tấm gương Hungarie sẽ truyền lây sang các nước khác ở Đông Âu. Vì thế, CTĐ TƯ ĐCSLX họp ngày 26.10 đã quyết định can thiệp võ trang để đàn áp cuộc nổi dậy của nhân dân. Nghị quyết đó, mãi về sau mới được công bố, trong đó đầy rẫy những lời lẽ giả nhân giả nghĩa, như “thật là không thể tha thứ được cho Liên Xô, nếu vẫn cứ giữ thái độ trung lập mà không giúp đỡ cho giai cấp công nhân trong cuộc đấu tranh chống lại phản cách mạng”.
Nhưng CTĐ TƯ ĐCSLX lại muốn làm cho cuộc can thiệp võ trang của họ dường như là của cả phe xã hội chủ nghĩa, nên họ phải tìm cách đánh lừa dư luận, tranh thủ thời gian để chuẩn bị cuộc đàn áp, đồng thời tranh thủ sự đồng tình của các nước thành viên Hiệp ước Varsava, cũng như của Trung Quốc và Nam Tư . ĐCSLX mời phái đoàn ĐCSTQ do Lưu Thiếu Kỳ dẫn đầu đến Moskva. Đàm phán khó khăn lắm ban lãnh đạo Liên Xô mới được Lưu Thiếu Kỳ chấp thuận tại sân bay Vnukovo ngay trước khi ông lên máy bay về nước (31.10). Tiếp đó, được sự đồng ý của Ba Lan, Rumanie và Nam Tư thì ngày 1.11, Liên Xô bắt đầu tiến quân. Imre Nagy cực lực phản đối, nhưng 3000 xe tăng xô-viết từ miền Zakarpat Ukraina và Rumanie cứ ào ạt vượt qua biên giới Hungarie. Tối hôm đó, Hungarie chính thức tuyên bố rút ra khỏi Hiệp ước Varsava vì Liên Xô đã vi phạm Hiệp ước đó trước, đồng thời tuyên bố theo chính sách trung lập và kêu gọi Liên hiệp quốc phản đối quân đội xô-viết võ trang can thiệp Hungarie. Liên Xô dối trá tuyên truyền như tuồng tình hình phức tạp ở Hungarie là do âm mưu của bọn đế quốc chống lại “phe hòa bình và dân chủ”, như tuồng “bọn phản cách mạng” Hungarie nổi dậy giết những người cộng sản để mưu đồ khôi phục lại chủ nghĩa tư bản.
Đến ngày 3.11, 11 sư đoàn quân Liên Xô đã có mặt trên lãnh thổ Hungarie. Trong ngày đó, CTĐ TƯ ĐCSLX đã chuẩn bị một chính phủ Hungarie mới được thành lập trên đất Liên Xô do Janos Kadar, bí thư thứ nhất ĐCS Hungarie, làm thủ tướng để thay thế chính phủ Imre Nagy “phản cách mạng”.
Xe tăng Liên Xô trên đường phố Budapest, 1956
Ngày 4.11 chính phủ mới của Hungarie được công bố chính thức, khi đại pháo xô-viết khai hỏa và xe tăng Liên Xô ào ào xông vào thủ đô Budapest. Hôm trước, ngày 3.11, chính phủ liên hiệp của Hungarie đã thành lập do Imre Nagy đứng đầu, gồm có ba đại biểu cộng sản, ba thuộc đảng tiểu chủ, ba thuộc đảng xã hội dân chủ, hai thuộc đảng Petefi và một người không đảng phái là tướng Pal Maleter. Cuộc chiến đấu của nhân dân Hungarie vô cùng dũng cảm, nhưng lực lượng hai bên quá chênh lệch, nên ở Budapest sau ba ngày thì lực lượng nhân dân bị đè bẹp, còn ở vùng nông thôn, cuộc chiến đấu tiếp diễn đến ngày 14.11.
Giao tranh dữ dội diễn ra trên đường phố Budapest
Thế là cuộc cách mạng dân chủ giải phóng dân tộc Hungarie bị dìm trong máu lửa. Quân đội và công an mật vụ Liên Xô liền lùng bắt và khủng bố dân chúng nổi dậy. Imre Nagy và những người đồng sự chạy vào sứ quán Nam Tư. Sau hai tuần lễ đàm phán, thủ tướng mới của Hungarie Janos Kadar cam kết là Imre Nagy và những người đồng sự của ông ta sẽ không bị trừng phạt mà sẽ được cùng gia đình đưa về nhà thì sứ quán Nam Tư mới chịu đồng ý cho họ lên xe buýt ra đi có cả hai nhân viên của sứ quán đi theo. Nhưng giữa đường, xe buýt đó bị mấy sĩ quan xô-viết chiếm, bắt Imre Nagy và những người đồng sự của ông ta. Về sau, Imre Nagy bị xử bắn cùng với tướng Pal Maleter (1958).
Imre Nagy đứng nghe mình bị tuyên án tử hình
Những sự kiện đầy kịch tính ở Hungarie năm 1956 là một cú sốc mạnh đối với giới cầm quyền chẳng những ở Liên Xô mà còn ở nhiều nước “xã hội chủ nghĩa” khác: nỗi khiếp sợ mất nền thống trị đã kìm hãm ý hướng muốn cải cách của họ. Còn 15 năm sau, khi đã bị hạ bệ rồi, nhắc đến những sự kiện ở Hungarie năm 1956, Khrutshev không hề có một chút cắn rứt lương tâm, không hề nghĩ rằng chính ông ta và ban lãnh đạo Liên Xô đã xử sự một cách phản bội đối với cuộc cách mạng giải phóng của cả một dân tộc. Nhưng một ý niệm như thế làm sao có thể có được ở một con người theo chủ nghĩa Lenin?!
No comments:
Post a Comment