Saturday, September 28, 2013

Chế độ Đức Quốc Xã và thuyết phân biệt chủng tộc

Adolf Hitler (1889 - 1945)
Ba nước trong phe Trục trong trận Đệ Nhị Thế Chiến 1939 - 1945 thường được gọi là phe phát xít, và nhiều người gọi các nước đó là phát xít Ý, phát xít Đức và phát xít Nhật. Nếu gọi cho chính xác thì chế độ tại Ý là chế độ Phát Xít Ý, vì do đảng Phát Xít Ý lãnh đạo, chế tại Đức là chế độ Đức Quốc Xã, vì do đảng Đức Quốc Xã lãnh đạo còn chế độ tại Nhật là chế độ quân phiệt, vì Nhật lúc đó theo chế độ quân chủ lập hiến, vẫn có vua và đa đảng, có thủ tướng do dân bầu lên, nhưng vị thủ tướng lúc đó là một quân nhân và phe quân nhân chủ chiến đã nắm quyền rồi đi theo con đường chiến tranh. Dưới đây là bài viết về chế độ Đức Quốc Xã.


Chủ Nghĩa Quốc Xã


Tình trạng nước Đức sau trận Đại Chiến 1914 - 1918

Sau trận chiến-tranh 1914-1918, nước Đức cũng gặp những nỗi khó khăn như nước Ý. Sự thất trận làm cho đồng "mác" (Đức-kim) hạ giá một cách hãi-hùng. Thêm vào đó, sự sản-xuất kinh-tế bị ngưng-trệ và nước Đức bị lâm vào một cuộc khủng-hoảng lớn lao. Một số đông người trung-lưu bị sạt nghiệp, trong khi một thiểu-số kỹ-nghệ gia thạnh-vượng lên, và tổ-chức những xí-nghiệp tập-trung có thế-lực rất mạnh về mặt kinh-tế.

Trong khi đó, những đảng-viên xã-hội lợi dụng tình-thế để bành-trướng thế-lực và mưu toan cướp chánh-quyền. Họ tổ-chức những cuộc hội-họp, những cuộc biểu-tình, những cuộc bạo-động để phô-trương lực-lượng và lôi cuốn những kẻ lưng chừng.

Chánh-phủ Cộng-hòa Weimar lúc ấy phải dựa vào quân-đội Đức để giữ gìn trật-tự. Nhưng giữa chánh-phủ và quân-đội không có một sự hợp-tác chặt chẽ, vì chánh-phủ Đức nghiêng về phía lý-tưởng tự-do, còn quân-đội Đức đào-luyện theo tinh-thần cũ lại có xu-hướng độc-tài.

Về phần dân-chúng, họ không thích các chánh-khách và những tổ-chức tả-phái. Người Đức vốn có một tinh-thần kỷ-luật mạnh, lại luôn luôn nuôi ước-vọng thấy tổ-quốc họ trở thành bá-chủ hoàn-cầu. Sự thất trận làm cho mộng đế-quốc của họ tan vỡ.

Thái-độ của các nước đồng-minh đối với họ lại càng làm cho họ thất-vọng hơn. Khi ký-kết văn-kiện đình-chiến năm 1918, người Đức chưa phải thật-sự đã bại-trận. Họ đã hết hy-vọng thắng Pháp, nhưng hãy còn giữ vững được biên-giới nước mình. Chánh-phủ Weimar đã lật đổ Đúc-hoàng mong rằng, với một chế-độ Cộng-hòa, các nước đồng-minh – vốn tuyên bố tranh-đấu cho lý-tưởng tự-do – tỏ ra khoan-hồng hơn. Nhưng các nước đồng-minh đã đối đãi với Đức một cách khắc-nghiệt, gây ra một sự công-phẫn lớn lao trong quần-chúng Đức.

Sự rối loạn tiếp theo đó lại càng làm cho dân Đức oán ghét chánh-phủ Weimar. Một mặt khác, vai tuồng của quân-đội Đức trong sự gìn giữ trật-tự đã tăng thêm uy-tín nó rất nhiều. Do đó, phát sanh ra ý-tưởng cho rằng quân-đội Đức không hề thất-trận, chỉ vì bọn chánh-khách Đức phản-bội, phá rối hậu-phương, mà các tướng lãnh Đức phải buộc lòng xin đình-chiến với các nước đồng-minh.

Cuộc đầu-phiếu của dân-chúng Đức đã loại ra khỏi chánh-phủ những phần-tử thiên tả, và đưa lên ghế Tổng-thống Đức : Thống-chế Hindenburg, một quân-nhơn có nhiều uy-tín. Lẽ cố-nhiên là những nhóm xã-hội và cộng-sản phải cố phản-ứng lại, mặc dầu họ đã yếu sức nhiều vì những cuộc đàn-áp đẫm máu. Chính trong bầu không-khí hậu-chiến căng thẳng vì sự cạnh-tranh giữa xu-hướng xã-hội và ý-thức quốc-gia mà đảng Quốc-xã Đức ra đời và phát-triển.

Hitler và đảng Quốc Xã

Nhà lãnh-tụ Quốc-xã Đức tên Adolf Hiler. Ông sanh năm 1889 tại Braunau, một châu-thành ở biên-thùy Áo - Đức. Ông là con một công-chức, nhưng không thích làm công-chức như cha, lại muốn trở thành một nhà họa-sĩ. Thuở ông còn bé, một vị giáo-sư lịch-sử đã gây cho ông lòng yêu dân-tộc Đức và sự oán-hận dòng vua Áo Habsbourg.

 Adolf Hitler thời còn trẻ


Adolf Hitler (1889 - 1945)

Cờ của đảng Đức Quốc Xã (tức đảng Quốc Gia Xã Hội Đức), nghĩa là đảng theo chủ nghĩa xã hội và đặt quốc gia lên trên hết

Mồ côi cha và mẹ vào tuổi thiếu-niên, Hitler rời quê-hương đến Áo-đô là Vienne. Ông thi vào trường mỹ-nghệ không đỗ phải làm thợ để mưu-sanh, sống một cuộc đời rất vất vả. Trong thời-kỳ này, ông tiếp xúc với những thợ thuyền và hết sức ngạc-nhiên khi thấy họ bị ảnh-hưởng của lý-thuyết xã-hội Karl Marx chống tổ-quốc, chống tôn-giáo, chống luân-lý cổ-truyền, những ý-niệm rất được ông tôn-trọng. Đồng-thời, ông dự-kiến những cuộc hội-họp của Nghị-viện Áo và rất nhờm gớm chế-độ đại-nghị. Ông cho rằng mọi họa-hại, từ thái-độ vô tổ-quốc của thợ thuyền đến chế-độ đại-nghị, đều do người Do-thái mà ra. Dân Đức đã bị người Do-thái gạt gẫm và tự gây ra rối loạn trong quốc-gia để cho người Do-thái hưởng.

Năm 1912, Hitler bỏ Vienne đến Munich. Ông hãy còn nghèo, nhưng đã có một mực sống khá hơn. Lúc chiến-tranh bùng nổ, ông xin gia-nhập quân-đội Đức, và sau một thời-kỳ tranh-đấu, ông được lên cấp Hạ-sĩ, lại được thưởng "Thiết bội-tinh ".

Adolf Hitler làm lính trong quân đội Đức thời Đệ Nhất Thế Chiến 1914 - 1918. Hiiler ngồi bên trái, ngoài cùng

Khi nước Đức thất trận, Hitler được bổ làm sĩ-quan tác-động tinh-thần, và nhơn đó, có dịp nhận-thức tài hùng-biện của mình. Ông tiếp-xúc với đảng thợ-thuyền Đức lúc nó vừa thành-lập, xin gia-nhập nó rồi tổ-chức nó lại, đặt tên nó là đảng "Quốc-gia Xã-hội", lấy cờ chữ vạn làm biểu-hiệu. Nhờ những đề-tài tuyên-truyền của ông phù-hợp với tâm-trạng và nguyện-vọng của dân Đức lúc bấy giờ, đảng ông bành-trướng rất mau. Ông bèn tổ-chức những đội xung-phong, dùng võ-lực chống lại những nhóm cộng-sản.



Đội xung phong này là Đoàn Thanh Niên Áo Nâu, tiếng Đức là Sturmabteilung, nghĩa là Đội Quân Vũ Bão. Đoàn Thanh Niên Áo Nâu hoạt động mạnh vào thời kỳ từ 1921 đến 1933, lúc đảng Đức Quốc Xã đang phát triển. Đoàn thanh niên này bảo vệ các buổi mít tinh, họp hành của đảng Đức Quốc Xã khi bị các đảng dùng vũ lực tấn công và họ dùng vũ lực tấn công phá cuộc họp của các đảng khác. Hình trên là bích chương với đoàn viên Thanh Niên Áo Nâu với sự ủng hộ của giới trí thức và giới công nhân.



 Các buổi mít ting của Đoàn Thanh Niên Áo Nâu

 Lãnh tụ Adolf Hitler duyệt Đoàn Thanh Niên Áo Nâu


Ngày 09 tháng 11 năm 1923, Hitler mưu cuộc đảo-chánh ở Munich, nhưng thất-bại, đảng Quốc-Xã bị giải tán và ông bị bắt và bị phạt 5 năm tù. Trong khám, ông viết quyển "Cuộc chiến-đấu của tôi ", thuật lại tiểu-sử mình và trình bày chủ-nghĩa mình. Về sau, án ông được rút xuống còn 13 tháng.

Khi ra tù, Hitler hoạt-động chánh-trị trở lại trong vòng hợp-pháp. Đảng ông đưa ra một số khá lớn nghị-sĩ vào Quốc-hội. Trong một cuộc tranh-cử chức Tổng-thống với Hindenburg, ông đã được số phiếu rất cao, tuy không bằng Hindenburg. Bởi đó, năm 1933, khi nước Đức lọt vào những cuộc khủng-hoảng nội-các liên-miên vì không ai giải-quyết được nạn khủng-hoảng kinh-tế và vấn-đề thất nghiệp của thợ thuyền, Tổng-thống Hindenburg phải mời ông ra làm Thủ-tướng.

 Adolf Hitler, trong một cuộc mít ting

Năm 1934, khi Tổng-thống Hindenburg chết, Hitler kiêm luôn cả chức Quốc-trưởng và trở thành nhà độc-tài của nước Đức. Ông dựa vào đảng Quốc-Xã mà kiến-thiết nước Đức thành một nước hùng-cường, nhưng ý muốn mở rộng cương-giới đưa ông đến chỗ phải khai-chiến với các nước khối dân-chủ. Năm 1945, khi nước Đức thất-trận và thủ-đô Berlin sắp bị chiếm, ông tự-tử với những người thân-tín để khỏi chứng-kiến cái nhục mất nước.

Những nguyên tắc căn bản của chủ nghĩa Quốc Xã: Thuyết Siêu Nhơn và Siêu Tộc

Những tác giả đã ảnh hưởng đến Hitler

Trong sự xây dựng chủ-nghĩa mình, Hitler đã chịu ảnh-hưởng nhiều triết-gia và học-giả như Nietszche, Gobineau, Vacher de Lapouge và Houston Stewart Chamberlain.


Nietszche và thuyết Siêu Nhơn

Nietszche (1844-1900) là một triết-gia Đức có nghiên-cứu về nền tư-tưởng Ấn-độ chú-trọng đến sức mạnh của tinh-thần người, và đặt bực đạt-đạo lên trên ý-niệm Thiện-Ác. Ông đã dựa vào đó mà nêu ra một nền luận-lý đặt nền tảng trên sự rèn luyện nghị-lực và phát-triển ý-chí cường-lực, đưa người lên địa-vị siêu-nhơn. Quyển " Những lời day của Zarathoustra " ông viết ra có ảnh-hưởng rất nhiều đến những lý-thuyết-gia chủng-tộc của Đức về sau.

Một buổi mít tinh dưới chế độ Đức Quốc Xã. Những người làm công tác tuyên truyền Đức Quốc Xã giỏi tổ chức các buổi mít tinh với cờ xí rợp trời, nhạc và loa phóng thanh vang dội


Quang cảnh một buổi mít tinh với cờ xí và âm nhạc. Đây là đại đội Đoàn Thanh Niên Quốc Xã với 65 ngàn đoàn viên từ khắp nước kéo về. Ban tổ chức giới thiệu Adolf Hitler sẽ ra nói chuyện một cách trịnh trọng để kích động lòng tôn sùng lãnh tụ nơi các đoàn viên lên đến cực độ


Hitler nói chuyện sau khi trở thành thủ tướng Đức


Bá tước Gobineau và quyển "Tiểu Luận về Sự Bất Bình Đẳng Giữa Các Chủng Tộc"

Trong một quyển sách tựa là "Tiểu-luận về sự bất-bình-đẳng giữa các chủng-tộc ", Gobineau (1816-1882), một nhà ngoại-giao Pháp, cho rằng vấn-đề chủng-tộc là chìa khóa của cả lịch-sử loài người.

Theo ông, sự bất-bình-đẳng về chủng-tộc có tánh-cách thiên-nhiên và thường-trực. Trong tất cả các chủng-tộc, chủng-tộc da trắng là trên hết ; trong các chủng-tộc da trắng, dân Aryen là hơn cả, và trong dân Aryen, ngành Nhựt-nhĩ-man (Germain) giữ địa-vị cao nhứt, vì những ngành Xen (Celte) và Tư-lạp- phu (Slave) đã lai các giống da vàng nhiều rồi.

Người Nhựt-nhĩ-man, chủng-tộc cao quí nhứt của nhơn-loại đã chinh-phục được đế-quốc La-mã. Nhưng họ cũng bị sự trộn giống mà lần lần suy-đồi. Dân Đức hiện-tại đã mất tánh-cách Nhựt-nhĩ-man nhiều. Do đó, phần máu Arian thuần-túy bớt đi, và nhơn-loại nhứt-định phải đi đến sự thoái-hóa.

Bộ Trưởng Tuyên Truyền Đức Quốc Xã Paul Joseph Goebbels, người giỏi dùng các ngôn từ và luận điệu cay độc, tàn nhẫn để bôi xấu kẻ thù chính trị, chủ trương là cứ nói dối mãi rồi thì quần chúng cũng tin

Vacher de Lapouge và quyển "Người Aryen và Vai Tuồng Xã Hội Cho Họ"

Sau đó, một học-giả Pháp khác, Vacher de Lapouge xuất-bản năm 1899 quyển " Người Aryen và vai tuồng xã-hội của họ " trong đó ông tiếp-tục thuyết của Gobineau, nhưng đánh đổ sự bi-quan của ông này.

Vacher de Lapouge cho rằng với những phương-pháp tuyển-trạch khoa-học tương-tự những phương-pháp áp-dụng cho loài thực-vật và thú-vật, người ta có thể cải-tạo lại loài người với những người Aryen thuần-túy còn sót lại.

Houston Stewart Chamberlain và quyển "Cơ Sở Của Thế Kỷ Thứ 19"

Cũng trong năm 1899, một học-giả Anh, Houston Stewart Chamberlain cho ra quyển "Cơ-sở của thế-kỷ thứ 19 ". Trong sách này, Chamberlain chủ-trương rằng những tánh-cách thể-chất của người Aryen : tóc vàng, mắt xanh, sọ dài..., chưa phải là tất cả. Điều cốt-yếu cho người Aryen là một ý-thức về chủng-tộc mình.

Với tư-cách là một kiến-trúc chánh-trị, quốc-gia có một vai tuồng quyết-định, vì nó tạo ra những điều-kiện cần-thiết cho sự sinh-tồn của các chủng-tộc. Do đó, Chamberlain phản-đối hẳn Gobineau, và công-nhận rằng dân Đức hiện-thời đáng làm những kẻ kế-thừa của người Aryen Nhựt-nhĩ-man.

Thuyết Chủng Tộc của Hitler

1. Thuyết Siêu Nhơn

Theo thuyết siêu-nhơn của Hitler, những công việc vĩ đại, những hành-vi anh-dõng đã xảy ra từ trước đến giờ đều là công-trạng của những cá-nhơn chứ không phải của quần-chúng. Từ sự tìm ra tia lửa đầu tiên giúp cho người luyện những khí-giới kim-loại trong thời-kỳ tiền-sử cho đến những phát-minh khoa-học sau này biến-cải hẳn mặt địa-cầu, từ sự tổ-chức xã-hội cho đến sự tạo-lập những nền luân-lý, đạo-đức đã làm cho người càng ngày càng tiến-hóa về mặt tinh-thần, cái nào cũng do sáng-kiến của một khối óc mà ra.

Tất cả những công-nghiệp vĩ-đại, những biến cố quan-trọng trong lịch-sử đều dính dáng vào tên một vĩ-nhơn. Quần-chúng chỉ là một khối thụ-động, nhắm mắt tuân theo lịnh vĩ-nhơn hay chỉ ngồi không thụ-hưởng kết-quả công việc làm của vĩ-nhơn.

Những bậc vĩ-nhơn cố-nhiên phải có một tài-năng xuất-chúng, một trí thông-minh phi-phàm, một nghị-lực khác thường : tóm lại, họ là những siêu-nhơn. Họ có nhiệm-vụ hướng dẫn nhơn-loại đi trên đường tiến-bộ. Nhưng muốn cho họ thành-công được, những người tầm-thường phải phụng-sự họ và tuân theo lịnh họ.

 Bên trên, góc trái là bộ trưởng tuyên truyền Đức Quốc Xã Joseph Goebbels. Ba hình còn lại là cảnh thiếu nhi khăn quàng đen của đảng Đức Quốc Xã đang các đốt sách không phù hợp luận điệu tuyên truyền của đảng

2. Sự phân biệt những chủng tộc ra làm ba loại: Tạo Lập, Duy Trì và Phá Hoại Văn Minh

Sự bất-bình-đẳng không những chỉ phát-hiện giữa những cá-nhơn mà thôi ; nó còn hiện ra giữa chủng-tộc nữa.

Trong nhơn-loại, có chủng-tộc rất thông-minh tài-trí, có óc sáng-kiến, lại nhiều nghị-lực, mỗi khi gặp cơ-hội thuận-tiện thì phát-triển được hết năng-lực của mình, tạo ra những yếu-tố mà toàn-thể hợp lại làm nền văn-minh. Đó là những chủng-tộc tạo-lập văn-minh.

Nhiều chủng-tộc khác không có trí thông-minh xuất-chúng, không đủ sức phát-huy hay sáng-tạo điều gì, chỉ có thể học hỏi, bắt chước những việc làm của chủng-tộc trên. Nhưng họ thường bắt chước những siêu-tộc một cách ngu-muội, chỉ noi theo người ta một cách mù quáng, nô-lệ, không biết tùy theo hoàn-cảnh mà sửa đổi thêm bớt vào nền văn-minh, không biết đem sự kinh-tân hoán-cải theo thời-gian mà gây cho nền văn-minh một sanh-khí dồi-dào là động-lực của tiến-hóa. Những chủng-tộc này chỉ có thể gọi là những chủng-tộc duy-trì văn-minh.

Sau cùng có một loại chủng-tộc, đã không tạo-lập nền văn-minh mà cũng không thể và không muốn duy-trì nó, họ luôn tìm cách tàn-phá, hủy-hoại những biểu-hiệu của văn-minh. Đó là những chủng-tộc phá-hoại văn-minh.

3. Dân Aryen là chủng tộc độc nhứt tạo lập văn minh

Sau khi phân chia các chủng-tộc làm 3 loại : tạo-lập văn-minh, duy-trì văn-minh và phá-hoại văn-minh, Hitler bảo rằng sự nghiên-cứu lịch-sử văn-minh thế-giới đã chứng-nhận rằng tất cả những công-trình biểu-hiệu cho những nền văn-minh đã xuất-hiện đều do nơi chủng-tộc Aryen mà ra. Những chủng-tộc khác chỉ bắt chước chủng-tộc Aryen, và chỉ là hạng duy-trì văn-minh mà thôi.

Chủng-tộc Aryen quả xứng đáng là một chủng-tộc siêu-đẳng, một siêu-tộc làm thầy cả thế-giới. Nó có cái sứ-mạng thống-nhứt hoàn-cầu, dìu dắt những chủng-tộc khác trên đường văn-minh, tạo-lập nền hòa-bình và hạnh-phúc cho nhơn-loại.

Hòa-bình và hạnh-phúc này không thể thâu-hoạch được bằng những nhánh ô-liu mà người ta vừa phe phẩy, vừa khóc sụt sùi ở các hội-nghị quốc-tế. Nó chỉ có thể thâu-hoạch được bằng một lưỡi kiếm đặt tất cả mọi người dưới một trật-tự nghiêm-khắc, trong ấy một chủng-tộc đặc-biệt tài giỏi chỉ dẫn cho những chủng-tộc khác phụng-sự một nền văn-minh cao cả. Cái sứ-mạng thống-nhứt thế-giới này, chủng-tộc Aryen có thể thi-hành được và phải đứng ra thi-hành.

 Lãnh tụ Adolf Hitler với đoàn thiếu nhi quàng khăn đen của đảng Đức Quốc Xã

4. Điều kiện quyết thắng cho siêu tộc: một dòng máu thuần túy

Nhưng muốn thi-hành được cái sứ-mạng thiêng liêng của mình, chủng-tộc Aryen phải giữ cho dòng máu của mình hoàn-toàn trong sạch, không được pha trộn với chủng-tộc nào khác. Hitler cho rằng Tạo-hóa sanh ra những chủng-tộc khác nhau không phải để cho nó trộn lộn vào nhau.

Những giống vật bao giờ cũng giao-hợp giữa đồng-loại với nhau : không bao giờ một con thú giao-hợp với một con thú khác loài với nó. Con gà bao giờ cũng đạp mái một con gà, không đạp mái một con vịt. Nếu vì sự tù hãm hay vì một lẽ gì khác mà một sanh-vật không tìm được con đực hay cái cùng loài với nó và phải giao-hợp với một sanh-vật dị-loại thì Tạo-hóa trừng-phạt nó ngay. Hai sanh-vật khác loài nhau mà giao-hợp nhau thì không sanh con được, mà có sanh con được đi nữa thì sanh-vật con ấy cũng thường tuyệt sự sanh-dục, hay ít nữa cũng sanh-dục rất ít và luôn luôn kém sức tranh-đấu để sinh-tồn. Con lừa và con ngựa giao-hợp nhau thì sanh ra con la, một con vật ngu-si mà không có con được.

Xem thế, ý muốn Tạo-hóa là giữ cho các chủng-loại phân-biệt nhau để nó cạnh-tranh lẫn nhau mà tiến-hóa, vì sự tiến-hóa không thể đạt được bằng cách trộn lộn các chủng-loại, nó chỉ thâu-hoạch được bằng sự hoàn-toàn thắng-lợi của chủng-loại có giá-trị nhứt. Nhiệm-vụ kẻ mạnh là thống-trị chớ không phải là hy-sinh sự cao quí của mình để trôn lộn với đám đông bạc-nhược.

Kết-quả của cái xu-hướng thiên-nhiên muốn duy-trì sự thuần-túy của chủng-loại là sự sai-dị rõ rệt giữa hình-thể các chủng-loại khác nhau và sự tương-tự lớn lao giữa những tánh-cách đặc-biệt của mỗi chủng-loại. Con chồn vẫn luôn luôn là con chồn, con ngỗng vẫn luôn luôn là con ngỗng, và những sự sai-biệt giữa những sanh-vật cùng loài chỉ do nơi số nghị-lực, thông-minh, khôn khéo nhiều ít khác nhau mà thôi. Ta không thể nào tìm được một con chồn có bẩm-tánh làm cho nó lấy lòng bác-ái mà ở với con ngỗng, cũng không thể kiếm được con mèo nào tự-nhiên mến loài chuột.

Một chủng-tộc cao-cấp mà trộn lộn với một chủng-tộc hạ-cấp thì sanh ra một giống lai-căn không giỏi bằng chủng-tộc cao-cấp và sẽ bị đào-thải trong cuộc cạnh-tranh để sinh-tồn. Đã vậy, sự trộn giống ấy lại làm cho nhơn-loại thoái-hóa nữa.

Lịch-sử đã chứng tỏ rằng chủng-tộc Ayren là chủng-tộc cao-cấp duy-nhứt đã xây đắp tất cả những nền văn-minh trên thế-giới. Nhưng vì ít dân số quá, nên muốn làm xong công-nghiệp tạo-lập văn-minh ấy, người Ayren phải dùng nhơn-công thuộc chủng-tộc khác. Ban đầu, giữa họ và những chủng-tộc hạ-cấp kia có một sự cách-biệt rõ ràng nên nền văn-minh xây đắp được có một sanh-khí mạnh mẽ. Nhưng lần lần, người Ayren trộn lộn với những chủng-tộc hạ-cấp, thành ra dòng máu của họ phai đi không còn tinh-túy nữa. Vì đó, nền văn-minh của người Ayren chánh-tông dựng lên mất cả vượng-khí, trở nên khô khan, và sau cùng phải đổ nát.

Vậy, muốn giữ cho nèn văn-minh mình xây đắp khỏi tan rã, chủng-tộc Ayren phải giữ cho máu mình thuần-túy, không pha trộn với chủng-tộc nào khác. Một điều đáng tiếc là sự lầm lạc từ trước đến nay đã làm cho chủng-tộc Ayren tạo-lập văn-minh lai mất nhiều rồi.

Hiện giờ, trong chủng-tộc Ayren xây đắp văn-minh, chỉ còn có nhóm dân Đức là chưa trộn lẫn với chủng-tộc nào khác. Giọt máu họ còn thuần-túy, và chỉ có họ là đủ sức hướng dẫn nhơn-loại trên đường tiến-bộ. Sứ-mạng người Đức là thống-nhứt hoàn-cầu, đem hạnh-phúc lại cho thế-giới. Nhưng vết xe đổ của người xưa, họ phải biết xem vào mà tránh : muốn cho sứ-mạng họ hoàn-thành, họ không được chung chạ trộn lẫn với chủng-tộc nào khác.

5. Phong trào bài Do Thái và qui tập người thuộc máu Đức về một khối

Một điều nguy-hiểm cho sự tinh-túy của dòng máu Đức là những người Do-thái tràn lan trên đất Đức. Đó là một chủng-tộc từ xưa đến nay luôn luôn phá-hoại văn-minh. Họ không kiến-thiết được cái gì vĩ-đại để lại cho loài người. Họ chỉ chú-trọng vào sự an-hưởng vật-chất, và không có một lý-tưởng gì khác hơn là sự kiếm tiền. Họ lại chuyên-môn gây sự thù hiềm chia rẽ bên trong các dân-tộc, cố gieo rắc mầm nộI-loạn ở khắp nơi để mưu-đồ tư-lợi. Phần lớn những nhà tư-bản bóc lột nhơn-công là người Do-thái, mà những lãnh-tụ chủ-trương giai-cấp tranh-đấu, từ Karl Marx đến Lénine, cũng là người Do-thái.

Đoàn viên Đoàn Thanh Niên Áo Nâu đứng trước một cửa tiệm bán đồ chơi của người Do Thái để làm cho khách hàng sợ không dám vào


 Thây người Do Thái bị giết trong một trại tập trung của Đức Quốc Xã

Để cho dân Do-thái tự-do sống trong nước Đức thì thế nào họ cũng làm cho nước Đức suy-vi tan nát. Họ lại trộn lẫn với dân Đức, làm cho người Đức kém hèn đi, không xứng đáng làm bá-chủ thế-giới nữa. Lấy cớ này, Hitler ra lịnh bài-trừ Do-thái.

 Bích chương nói xấu người Do Thái của chế độ Đức Quốc Xã

Những người Đức đã lầm lỡ lai giống với người Do-thái tất-nhiên phải bị gạt qua một bên. Những phần-tử không lai giống, nhưng đã bạc-nhược, cũng bị chánh-phủ dùng những phương-pháp khoa-học mà làm cho tuyệt sự sanh-dục đi, để cho quốc-gia Đức sau này tránh cái nạn phải nuôi những công-dân ươn hèn yếu đuối. Một mặt khác, tất cả những người mang dòng máu Đức phải được đặt dưới sự quản-trị của chánh-phủ Đức. Như thế, những đất đai có người Đức ở, phải sáp-nhập vào lãnh-thổ Đức.

Chế Độ Đức Quốc Xã

Sau khi nắm được chánh-quyền ở Đức, Hitler thi-hành một chế-độ hết sức gắt gao. Ông sửa đổi cách tuyển chọn nhơn-viên Nghị-viện để có một Quốc-hội dễ bảo, sẵn sàng chấp-nhận hết những mạng-lịnh của mình. Ông khuếch-trương những tổ-chức xung-phong của đảng Quốc-xã, và tổ-chức thêm các cơ-quan trinh-sát, để dò xét đàn-áp tất cả những người có xu-hướng đối-lập với ông.

Cũng như Mussolini, Hitler tìm cách huy-động lực-lượng toàn-dân, bằng cách tạo ra những tổ-chức phụ-thuộc ở khắp nơi, bắt đầu từ những đoàn thiếu-sinh và thanh-niên Quốc-xã, đào-luyện những thiếu-niên theo tinh-thần thờ phụng và tuân lịnh Hitler. Đi xa hơn Mussolini trong sự đàn-áp đối-lập, ông bày ra những trại tập-trung, giam giữ những kẻ thù của chế-độ ông.

Nhưng có lẽ hành-động tàn-bạo nhứt của ông là sự bài-trừ Do-thái. Những công-dân gốc Do-thái bị truy ra, đều bị bắt bớ, đày ải, giết hại hàng vạn ; số người sót lại phải bỏ nước Đức trốn đi. Cách cư-xử của các nhơn-viên Quốc-xã đối với những người chỉ có mỗi một cái tội là sanh ra trong một gia-đình Do-thái ở các trại giam và lò sát-sanh, đã làm sôi lòng công-phẫn của cả thế-giới.

Nhưng đối với quốc-gia Đức, Hitler đã thi-hành một chương-trình kiến-thiết vĩ-đại. Chỉ trong một thời-gian ngắn, nền kinh-tế Đức đã phát-triển một cách vô cùng mạnh mẽ, nạn thất-nghiệp được giải-quyết, nền kỹ-nghệ hết sức mở mang và được hướng về sự sản-xuất chiến-tranh.

Để gia tăng hiệu quả của nền kinh tế, Hitler đã tiến hành việc xây các đường cao tốc, hay xa lộ, để việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa nhanh chóng hơn. Hình trên là ảnh lãnh tụ Hitler khánh thành đường cao tốc, tiếng Đức gọi là Autobahn. Đây là các đường cao tốc đầu tiên trên thế giới.

Một mặt khác, Hitler chặt đứt những xiềng xích của Hòa-ước Versailles rèn ra để trói buộc dân Đức. Ông tuyên-bố không nhìn nhận sự hạn-chế quân-lực Đức, và thi-hành lịnh cưỡng-bách tòng-quân, tạo ra cho nước Đức một đạo quân hùng mạnh. Nhờ một nền kinh-tế vững chắc, trù-phú, một kỹ-nghệ rất cao, một chánh-sách hướng mọi sự hoạt-động về sự chuẩn-bị chiến-tranh, đạo quân này đã được võ-trang một cách đầy đủ.

Chánh-sách dự-chiến này làm cho Hitler không thể thi-hành trọn vẹn chương-trình nâng cao mức sanh-hoạt của lao-động. Tuy thế, đời sống hạng cần-lao cũng được cải-thiện nhiều, nhờ sự thạnh-vượng mà chế-độ mới mang đến cho quốc-gia Đức.


Những nhược điểm của chủ nghĩa và chế độ Quốc Xã

Thuyết siêu-tộc làm nền tảng cho chủ-nghĩa Quốc-xã của Hitler kể ra cũng có những lý-luận chặt chẽ, nhưng nó không hợp với khoa-học. Thật-sự, không có điều gì chứng-nhận rằng những nền văn-minh đều do nơi chủng-tộc Ayren tạo-lập ra.

Những dân-tộc da vàng mà Hitler cho là rất kém hèn so với người da trắng từng tạo ra những nền văn-minh rực rỡ. Hơn nữa, đến ngày nay, người ta cũng vẫn chưa biêt rõ phần tham-dự của những chủng-tộc xưa kia vào nền văn-minh hiện tại là bao nhiêu, vì sự tiếp-xúc chặt chẽ giữa các chủng-tộc trong mấy ngàn năm đã hỗn-hợp những nền văn-minh lại và gán cho nó một tánh-cách đại-đồng. Bởi đó, ngoạI-trừ một số đặc-điểm làm màu sắc địa-phương, người ta rất khó đoán chắc điều gì là do dân-tộc nào phát-minh trước nhứt.

Về thuyết cho rằng máu Đức là một thứ máu Aryen thuần-túy, ta không thể tin được, vì sau mấy mươi thế-kỷ chung lộn nhau, chen chúc nhau trên mặt địa-cầu, không một dân-tộc nào có thể tự-hào rằng dòng máu mình còn nguyên vẹn, không trộn lẫn với giống khác, càng không thể nữa là dân Đức, một giống dân sống ở giữa Âu-châu, trên con đường qua lại của những dân-tộc đông tây.

Vả lại, sự trộn lộn nhau giữa các chủng-tộc cũng chưa hẳn là một điều có hại cho sự tiến-hóa của nhơn-loại. Sự giao-hợp giữa dị-loại đã đành là không đưa đến kết-quả tốt. Nhưng sự thuần-túy của chủng-tộc chưa chắc đã là một việc hay.

Người trong thân-quyến thông-hôn nhau thường sanh ra những đứa con ngu-độn, bịnh-tật. Những nhà mục-súc đã nhận thấy rằng một chủng-loại giữ thuần-túy mãi mãi thì lần lần suy kém đi. Họ đã dùng phương-pháp trộn giống, để mang một nguồn sanh-khí mới đến cho những thú chăn nuôi. Có phải chăng vì nhận thấy những điều này mà những vị thủy-tổ của lễ-giáo phương đông cấm tuyệt hôn-nhơn giữa người đồng tánh, cốt để cho các dòng họ do nơi các bộ-lạc mà ra, lần lần trộn lẫn với nhau ?

Gần ta hơn nữa, óc kinh-dinh, chí mạo-hiểm, trí sáng-kiến và sự phồn-thịnh của dân-tộc Mỹ là một dân-tộc do nhiều người thuộc nhiều dân-tộc khác nhau hỗn-hợp lại mà thành cũng là một luận-cứ vững chắc để chứng-nhận rằng thuyết siêu-tộc là sai.

Sau cùng, ta nhận thấy rằng dân Do-thái không đến nỗi tệ như Hitler đã bảo. Bị mất nước hơn hai ngàn năm, tứ tán ở bốn phương trời, lang thang khắp các nước trên thế-giới, người Do-thái đã không đồng-hóa với những dân-tộc chứa chấp họ, đã duy-trì được những bản-sắc của nòi giống, mà lại còn giữ vững được tinh-thần ái-quốc, không bao giờ quên lãng Tổ-quốc. Măc dầu luôn luôn bị đàn-áp, họ không lúc nào chán nản, và cần-cù nhẫn-nại, họ lần lần chiếm lấy những nguồn lợi lớn lao trong nước họ ngụ-cư.

Những vĩ-nhơn, danh sĩ người Do-thái cũng không phải ít. Tuy đúng như lời tố-cáo của Hitler, họ chuyên-môn gieo rắc mầm chia rẽ ở các nơi, nhưng đó cũng là một lợI-khí họ có quyền dùng để mưu-đồ sự sinh-tồn cho họ. Cứ công-bình mà nói, dân Do-thái cũng là một dân-tộc đáng được sống còn và chẳng kém dân-tộc nào trên thế-giới.

Thuyết siêu-tộc của Hitler tuy chẳng đúng với khoa-học nhưng lại hợp với óc thần-bí của người Đức và tánh tự-tôn tự-đại của họ. Nó đánh vào cái ước-vọng âm thầm mà họ mơn trớn từ bấy lâu nay, là mộng xâm-chiếm hoàn-cầu. Vì đó, nó được dân-tộc Đức ồ ạt hưởng-ứng. Với tánh-cách quá-khích của nó, nó nung nấu tinh-thần người Đức, làm cho họ phấn-khởi lên, và xây dựng nước Đức thành một nước hùng-cường.

Nhưng nó không kìm nổi cái đà xô đẩy dân Đức. Nó đưa họ đến nhiều tham-vọng quá cao, lại làm cho họ có một óc kỳ-thị sai lầm đối với những dân-tộc hùng-cường khác, nhứt là dân Mỹ, một giống dân lai, và do đó bị xem là hèn kém, đáng khinh. Những điều này đã đưa dân-tộc Đức vào một cuộc phiêu-lưu khủng-khiếp.

Một mặt khác, chủ-trương độc-tài từ thuyết siêu-tộc thoát- thai ra chẳng những làm khổ cho dân Đức, mà còn đưa họ đến những hành-động vô-nhơn-đạo đối với người Do-thái, làm cho cả hoàn-cầu đều có ác-cảm với nước Đức. Đó là những mầm mống làm cho chế-độ quốc-xã phải thất-bại sau này. Vậy chỗ mạnh của thuyết siêu-tộc cũng lại là chỗ yếu của nó vậy.

Kết luận về chủ nghĩa Phát Xít và Quốc Xã

Trong những xã-hội đang lăn lộn trong sự hỗn-loạn do sự xung-đột giữa những lý-thuyết dân-chủ và xã-hội gây nên, phong-trào Phát-xít và Quốc-xã tượng trưng cho sự phản-động của ý-thức quốc-gia nguy-khốn. Đối với cái văn-minh vật-chất dựa vào số đông vô-ý-thức, dựa vào phần lượng, nó đem một nền văn-minh tinh-thần dựa vào phần phẩm để chống lại. Đối với nguyên-tắc phóng-túng, nó đem nguyên-tắc quyền-lực để chống lại, đối với chủ-trương cá-nhơn vị-kỷ, nó đem chủ-trương quốc-gia chủng-tộc để chống lại.

Nó đã thành-công được ở những nước chưa có một truyền-thống dân-chủ vững chắc và gặp nhiều khó khăn trong sự giải-quyết những vấn-đề nộI-bộ. Trong những nước này, nó gây ra một xúc-động tâm-lý mạnh mẽ, ghép người vào một kỷ-luật gắt gao, và nhờ đó mà xây dựng được sự hùng-cường cho quốc-gia.

Thành-thật mà nói, những phong-trào Phát-xít và Quốc-xã cũng có nêu ra vài nguyên-tắc tốt đẹp. Nhưng sự phủ-nhận nhơn-cách con người, hủy-diệt sự tự-do cá-nhơn, bắt con người lệ-thuộc quốc-gia một cách chặt chẽ, đã đưa chủ-trương Phát-xít và Quốc-xã đến những sự tàn-bạo phũ phàng. Xét về phương-diện hành-động, những đảng Phát-xít và Quốc-xã không hơn gì đảng Cộng-sản Đệ Tam Quốc-tế, xét về phương-diện lý-thuyết, những chủ-nghĩa Phát-xít và Quốc-xã còn kém chủ-nghĩa Cộng-sản rất xa. Do đó, tư-tưởng phát-xít và quốc-xã không sao thoát khỏi sự thất-bại, và những người khởi-xướng những phong-trào phát-xít và quốc-xã cũng không tránh khỏi sự nguyền rủa của nhơn-loại sau khi phong-trào ấy bị đổ vỡ và tiêu-diệt.

Trích tác phẩm Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn (1964)
Tác giả: giáo sư Nguyễn Ngọc Huy

http://www.angelfire.com/zine2/risingsun/Politics/DTST_Q1_Ch4.html




Một buổi nói chuyện của Adolf Hitler . Hitler là người có tài hùng biện, lôi cuốn và khích động quần chúng

No comments:

Post a Comment