Các Chủ Đề

Friday, June 4, 2010

Nga và TQ trên bàn cờ năng lượng Trung Á

  Việc Trung Quốc tranh mua dầu hỏa với Nga, người Trung Quốc sang Nga làm ăn đông đảo, Trung Quốc muốn thuê đất các nước Trung Á để trồng trọt, lập đường xe lửa đến Tây Tạng là dấu hiệu sự bành trướng của Trung Quốc về phía Tây. Điều này có nghĩa là khi không còn bị Tây phương uy hiếp, Trung Quốc tiếp tục chính sách Tây tiến mà các triều đại trước đây đã có



Nga và TQ trên bàn cờ năng lượng Trung Á
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/06/100603_russia_centralasea_energy.shtml

Một năm trước đây, điện Kremlin ra lời cảnh báo cứng rắn rằng việc cạnh tranh ngày càng gia tăng trong việc kiểm soát các nguồn năng lượng toàn cầu có thể sẽ làm bùng nổ chiến tranh ở biên giới Nga, gồm cả các vùng ở Trung Á.

Một tài liệu quan trọng chiến lược của Kremlin đánh giá về các mối đe dọa an ninh trong thập niên tới nhận định: "Không thể loại trừ các vấn đề có liên quan tới việc sử dụng sức mạnh quân sự và nó có thể hủy hoại thế cân bằng lực lượng ở các vùng biên giới của Liên Bang Nga và các đồng minh."

Chỉ 20 năm trước, Nga và các nước giàu năng lượng ở vùng Trung Á như Kazakhsan và Turkmenistan, và Azerbaizan ở vùng Nam Caucasus đều thống nhất trong Liên Bang Xô-viết.

Nhưng các quốc gia Trung Á ý thức được sức mạnh chiến lược to lớn của mình khi tách riêng thành quốc gia độc lập và nay đang bắt các cường quốc thế giới phải tranh giành nhau mua nguồn năng lượng của mình.

Nay Moscow rơi vào thế phải cạnh tranh quyết liệt với các đối thủ hùng mạnh khác là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu.

Mikhail Kroutikhin, chủ biên tuần báo năng lượng Nga Energy Weekly nói: "Vị thế chung của Nga tại Trung Á đang bị thu nhỏ lại."

"Đại thế trận" mới?

Sự cạnh tranh trong khu vực thường được so với cuộc cạnh tranh giữa hoàng gia Anh và hoàng gia Nga hồi thế kỷ 19, được gọi là "Đại thế trận".

Hồi năm ngoái, đã có một số thời khắc quan trọng trong "Đại thế trận" mới về năng lượng tại Trung Á, với những đường ống dẫn đầu tiên chuyển dầu và khí sang phía đông, tới Trung Quốc thay vì lên phía bắc hoặc sang phía tây.

Từ Kazakhstan, nay mỗi ngày có 200 ngàn thùng dầu được bơm lên biên giới, tới tỉnh Tân Cương ở miền tây Trung Quốc

Hiện cũng đang có các kế hoạch nhằm tăng gấp đôi công suất các đường ống dẫn.

Từ Turkmenistan, một đường ống dẫn khí tới Trung Quốc qua ngả Uzbekistan và Kazakhsan đã được Chủ tịch Hồ Cẩm Đào khai trương hồi tháng Mười Hai năm ngoái.

Nó có thể đáp ứng khoảng một nửa nhu cầu năng lượng hiện nay của Trung Quốc nếu đạt mức công suất tối đa vào năm 2013.

Tổng thống Turkmenistan Kurbanguly Berdymukhamedov gọi đây là thỏa thuận "chính trị" và thương mại, đồng thời ca ngợi "chính sách khôn khéo" của Trung Quốc và nói nước này đã trở thành "một trong những đối tượng quan trọng, bảo đảm cho an ninh toàn cầu".

Căng thẳng Turkmenistan

Với thỏa thuận này, thòng lọng của Nga thắt vào nguồn cung ứng từ Turkmenistan, quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn thứ tư trên thế giới, đã bị giật tung.

Hai năm trước, Nga đã đồng ý trả mức giá cao hơn nhiều để mua khí đốt từ Turkmenistan nhằm đảm bảo duy trì được nguồn cung ứng trung thành. Đột nhiên, 12 tháng trước, Nga khóa chặt van nhận hàng, khiến cho đường ống dẫn bị nổ tung.

    "Gazprom không thu được lợi ích kinh tế gì từ việc này. Cho nên cần có tính toán chính trị. Nga đã để Trung Quốc tiến vào Trung Á."

Chris Weafer, trưởng chiến lược gia Uralsib Bank

Các nhà phân tích cho rằng Moscow quyết định không cần khí đốt nữa, bởi nhu cầu tiêu thụ và mức giá trên thế giới đi xuống do cuộc khủng hoảng kinh tế.

Đến nay, Nga cũng chỉ mua có một phần ba số lượng lẽ ra họ phải mua, và điều này khiến chính quyền Turkmenistan tức giận, càng đẩy họ ngã thêm vào vòng tay Trung Quốc.

Chris Weafer, trưởng chiến lược gia của ngân hàng Uralsib Bank tại Moscow cho rằng Nga đã có bước thụt lùi trong vấn đề năng lượng.

Ông tin rằng lý do không phải chỉ bởi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mà còn bởi các nước châu Âu khác đang sẵn sàng trả giá cao hơn nhiều để mua gas từ Trung Á.

"Tính đến 2006, Nga vẫn mua được khí đốt giá rẻ từ Turkmenistan, Uzbekistan và Kazakhstan. Nhưng từ đầu năm 2008, Nga đã phải đồng ý trả theo giá Âu châu, 300 đôla cho 1 ngàn mét khối."

"Gazprom không thu được lợi ích kinh tế gì từ việc này. Cho nên cần có tính toán chính trị. Nga đã để Trung Quốc tiến vào Trung Á."

Từ 2002, Moscow đã có các thỏa thuận với Bắc Kinh nhằm xây dựng một đường ống dẫn khí tới Trung Quốc, nhưng hai bên vẫn chưa mặc cả xong giá gas.

Các nhà phân tích nói lẽ ra thỏa thuận đã được chốt lại với điều kiện khí đốt sẽ chỉ được dùng cho các nhu cầu của Trung Quốc.

Nhưng một số người đặt câu hỏi về việc liệu Nga có đủ trữ lượng cung ứng hay không, khi mà nước này dự kiến sẽ phải giảm sản lượng trong vòng 20 năm tới, các mỏ mới thì thiếu hụt đầu tư sau khi Liên bang Xô-viết sụp đổ hòi 1991.

http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2010/06/100603_russia_centralasea_energy.shtml

© BBC 2010

Bình luận:

Vào đời nhà Thanh, trước khi người Tây phương đến châu Á thì người Nga đang tiến qua phía Đông và bắt đầu đụng độ với nhà Thanh, Trung Quốc . Sự xuất hiện của các nước Tây phương làm việc kình địch giữa Nga và Trung Quốc tạm gián đoạn. Nhân lúc nhà Thanh bận đối phó với các nước Tây phương đòi Trung Quốc phải mở cửa cho họ vào để buôn bán, Nga đã làm áp lực với Trung Quốc để lấy một phần đất lớn phía Bắc sông Hắc Long Giang. Khi Nga giúp cho phong trào Cộng Sản tại Trung Quốc chiếm được chính quyền thì sự hợp tác giữa Nga và Trung Quốc làm lu mờ sự tranh chấp đất đai. Sau khi Mao Trạch Đông tách ra khỏi quĩ đạo của Nga, gọi Cộng Sản Nga là xét lại, đồng thời đưa ra thuyết ba thế giới, trong đó Trung Quốc cũng sẽ đứng đầu một khối bên cạnh Nga và Mỹ, thì Mao cũng đòi lại phần đất khu vực Hắc Long Giang. Dĩ nhiên là Liên Xô không trả. Mao đem quân đội đánh chiếm thì bị Hồng Quân Nga phản công làm chết nhiều lính Trung Quốc. Trung Quốc biết không đánh lại Liên Xô nên phải tạm thời bỏ ý định đòi lại phần đất này. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Trung Quốc mở cửa thì Trung Quốc cần kỹ thuật quân sự mà Nga có. Các nước Tây phương chỉ muốn đầu tư vào Trung Quốc để sử dụng nhân công giá rẻ nhưng hạn chế bán vũ khí cho Trung Quốc. Trung Quốc chỉ có thể mua vũ khí của Nga, vừa tối tân không thua vũ khí Tây phương lại không bị ràng buộc với nhân quyền, dân chủ. Việc Trung Quốc tranh mua dầu hỏa với Nga, người Trung Quốc sang Nga làm ăn đông đảo, Trung Quốc muốn thuê đất các nước Trung Á để trồng trọt, lập đường xe lửa đến Tây Tạng là dấu hiệu sự bành trướng của Trung Quốc về phía Tây. Điều này có nghĩa là khi không còn bị Tây phương uy hiếp, Trung Quốc tiếp tục chính sách Tây tiến mà các triều đại trước đây đã có. Chính sách Tây tiến này chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp với Nga. Khi kỹ thuật quân sự Trung Quốc đuổi kịp Nga thì Trung Quốc sẽ coi thường Nga, đồng thời việc Trung Quốc thèm muốn kho dầu hỏa, các vùng đất thưa người tại Tây Bá Lợi Á để di dân Trung Quốc đến sẽ là nguyên nhân gây ra tranh chấp Nga Hoa trong các thập niên sắp đến.

No comments:

Post a Comment